“Rất dễ để có được tất cả những điều mình muốn, miễn là trước hết bạn phải học được cách sống mà không có những gì mình không thể đạt được.”
- ELBERT HUBBARD
Hồi còn bé, mỗi khi xem phim, tôi không phải chịu đựng quá nhiều cảm giác FOBO. Thời đó không có Netflix, Amazon Prime hay những dịch vụ khác mang lại vô vàn lựa chọn như hôm nay, vì vậy, tôi xem bất cứ phim gì có trên HBO và chẳng hề bận tâm FOBO là cái quái gì. Chính vì vậy, tôi không thể đếm xuể mình đã xem bộ phim Willy Wonka and the Chocolate Factory (tạm dịch: Willy Wonka và nhà máy sô-cô-la) tổng cộng bao nhiêu lần. Mặc dù đã nhiều năm không xem lại nhưng tôi vẫn có thể đọc thuộc ba câu thoại cuối cùng. Ngay sau khi ngài Wonka giao nhà máy sô-cô-la lại cho cậu bé Charlie Bucket rồi bay vào vũ trụ trong chiếc thang máy thủy tinh trứ danh của mình, ngài đã nói với cậu bé như sau:
Ngài Wonka: “Cháu đừng quên chuyện gì sẽ xảy ra với một người đàn ông đột nhiên có được mọi thứ mà anh ta mong muốn.”
Charlie Bucket: “Chuyện gì ạ?”
Ngài Wonka: “Anh ta sống hạnh phúc mãi mãi về sau.”
Dẹp các vấn đề về quản trị rõ ràng sẽ phát sinh khi bàn giao một cơ sở sản xuất phức tạp cho một cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn, tôi vẫn luôn bị ám ảnh bởi cái kết ngọt ngào và thơm phức như bất kỳ thỏi sô-cô-la nào đi ra từ nhà máy của Wonka. Theo thời gian, tôi dần hiểu ra rằng suy nghĩ “muốn gì được nấy” mang lại cảm xúc tương tự như di sản bánh kẹo của Wonka vậy: kẹo Everlasting Gobstopper. Hẳn nhiên, nó rất ngon, đẹp mắt và có khả năng không bao giờ bị hư hỏng, nhưng giá trị dinh dưỡng thì lại rất thấp và rốt cuộc sẽ làm hỏng răng của bạn.
Ảo tưởng có thể “muốn gì được nấy” dựa trên một giả định quan trọng: Bạn thật sự biết mình muốn gì và có khả năng lựa chọn nó, nhưng thật ra đây lại là một chuyện rất khó khăn. Thậm chí, giống như Charlie, nếu bạn thật sự có được thứ mà bạn nghĩ mình hằng ao ước thì liệu bạn có sống hạnh phúc mãi mãi về sau không? Ai bảo Charlie muốn điều hành nhà máy sô-cô-la cơ chứ? Khi Wonka trao quyền kinh doanh cho cậu, cậu không có lựa chọn nào khác – Charlie nghèo đến nỗi cả bốn ông bà của cậu phải sống những ngày cuối đời trên cùng một chiếc giường. Họa có điên Charlie mới khước từ.
Ngay chỗ này, nếu ta thử xem xét trường hợp ngược lại thì sẽ thu được nhiều thông tin hữu ích. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Charlie có nhiều lựa chọn khác ngoài trở thành ông trùm sô-cô-la khi Wonka trao nhà máy cho cậu? Nếu cậu đang cân nhắc việc học đại học ở thành phố khác, đi du lịch bụi xuyên châu Á hoặc trở thành tay chơi guitar lead cho một ban nhạc rock, phản ứng của cậu bé có thể thay đổi như thế nào? Liệu Charlie vẫn sống hạnh phúc mãi mãi chứ?
Nếu Charlie nhìn tương lai của mình qua lăng kính của nhà thơ Sylvia Plath, câu trả lời có lẽ là “không”. Thay vì đắm chìm trong một thế giới với vô vàn khả năng, nữ thi sĩ chỉ nhìn thấy sự nguy hiểm khi các lựa chọn nhân lên gấp bội. Trong đoạn văn được trích từ tiểu thuyết The Bell Jar (tạm dịch: Quả chuông ác mộng), mặc dù có rất nhiều lựa chọn, rốt cuộc Sylvia Plath lại không chọn gì hết:
Tôi thấy cuộc sống mở ra trước mắt mình như cây sung xanh trong câu chuyện đó. Từ mỗi nhánh cây, một tương lai tuyệt vời vẫy gọi và nháy mắt với tôi tựa như quả sung tím tròn trĩnh… Một quả là mái ấm gia đình với người chồng và những đứa trẻ, một quả là nhà thơ nổi tiếng, một quả là giáo sư kiệt xuất. Quả này là Ee Gee, biên tập viên xuất sắc. Quả nọ là châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ. Một quả nữa là Constantin, Socrates, Attila và một nhóm những người tình khác với cái tên kỳ quặc và nghề nghiệp khác thường. Một quả khác là nữ vận động viên vô địch Olympic. Không những thế, trên những quả này còn nhiều quả nữa mà tôi không thể kể ra hết được. Tôi ngồi giữa các nhánh cây ấy, đói rã ruột vì không thể quyết định nên chọn quả nào. Quả nào tôi cũng muốn, nhưng chọn một quả nghĩa là mất tất cả những quả còn lại. Và trong lúc tôi ngồi đó chần chừ không quyết định, những trái sung bắt đầu nhăn lại, biến thành màu đen, rồi từng trái một rơi phịch xuống đất, ngay cạnh chân tôi.
Cái nhìn vô hồn của Plath đối với cây sung đầy những trái thối rữa đại diện cho khuynh hướng đối lập với chủ nghĩa thoát ly thực tế của Willy Wonka. Góc nhìn này khá quen thuộc với những ai từng nỗ lực tìm ra ý nghĩa của nhiều con đường khác nhau mà cuộc sống mang lại cho mỗi chúng ta. Dù bạn may mắn có được nhiều cơ hội tuyệt vời thì một phần khó khăn trong lúc lựa chọn là bạn phải bỏ bớt những thứ mình không thể chọn. Dù tôi chắc chắn người ta đã chấp nhận bỏ bớt nhưng hầu hết đều không thể vừa có cuộc sống gia đình hạnh phúc, vừa qua lại với nhiều nhân tình, vừa đi du lịch vòng quanh thế giới, vừa trở thành nhà vô địch Olympic. Để lựa chọn con đường mình sẽ đi, bạn phải đánh đổi và từ chối tất cả những cuộc phiêu lưu kỳ lạ, thú vị và mạo hiểm khác. Nhưng bạn nên chọn con đường nào? Làm thế nào để biết đâu là con đường đúng đắn? Nếu bạn không biết mình muốn gì (và hầu hết mọi người cũng thế) thì việc chọn một kế hoạch hành động và quên đi những thứ còn lại có thể rất đáng sợ. Đó là một quyết định đầy may rủi.
Để phá vỡ sự bế tắc này, rõ ràng bạn phải học cách đưa ra các tiêu chí giúp mình lựa chọn trong muôn vàn phương án khác nhau. Bằng trực giác, chúng ta cũng thấy rõ mục đích của việc thiết lập hệ tiêu chí này: Bạn muốn chọn điều tốt nhất. Hoặc ít ra, bạn muốn thứ tốt nhất trong phạm vi các khả năng sẵn có. Điều này chẳng có gì đáng tranh cãi cả, đúng không? Mục tiêu của bạn chắc chắn không phải là chọn điều tệ nhất, và tại sao bạn nên chấp nhận lựa chọn ở mức trung bình?
Hóa ra, câu trả lời cho câu hỏi đó không đơn giản như vẻ ngoài của nó. Tương tự FOMO, các yếu tố sinh học cũng đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy FOBO. Khi kết hợp với tính ái kỷ và sự bùng nổ lựa chọn đối với hầu hết mọi thứ mà trái tim bạn có thể mong mỏi, thì khao khát điều tốt nhất của con người có thể trở thành một cây sung của riêng họ. Tác động kết hợp của ba yếu tố trên có thể khiến việc định hướng cuộc sống, ngay cả với những điều nhỏ nhặt mà bạn gặp phải hằng ngày, cũng trở nên khó khăn một cách kinh ngạc.
Nguồn gốc sinh học của khao khát cầu toàn ở con người
Mong muốn có nhiều lựa chọn hoặc tìm kiếm phương án tốt nhất vốn dĩ không hề sai. Nếu những người giàu tham vọng không khao khát phát triển bản thân và thế giới nơi họ sống sao cho tốt nhất thì tốc độ tiến bộ sẽ bị đình trệ. Khát vọng vươn tới điều tốt nhất là cần thiết và cũng là tâm lý tự nhiên của con người. Tương tự, những người sống bằng nghề săn bắt hái lượm vì sợ bị loại khỏi bầy đàn tiền sử, nên theo bản năng, họ buộc phải tận dụng tối đa tài nguyên mình có. Để đạt được mục tiêu đó, họ di chuyển linh hoạt, lựa chọn địa điểm định cư mới khi việc tìm kiếm thức ăn tại nơi ở cũ trở nên quá khó khăn và tốn nhiều thời gian. Bản chất của hành vi này là xem thời gian quý giá tương đương với tiền bạc.
Nếu bạn sống bằng nghề săn bắt hái lượm hoặc là một chú ong chăm chỉ tìm phấn hoa, thì các tiêu chí để quyết định liệu bạn có nên đến một nơi khác để khai thác tối đa cơ hội của mình không khá là đơn giản. Vì bạn biết rõ mình cần gì để tồn tại và phát triển nên bạn có thể khách quan xác định liệu môi trường hiện tại có đủ đáp ứng nhu cầu của bản thân không. Nếu câu trả lời là “không” thì quyết định đã rõ ràng. Lựa chọn duy nhất của bạn là đổi mới, bắt đầu trồng trọt và dự trữ nguồn thực phẩm để không còn phải sống theo lối du mục “nay đây mai đó”. Đó là lựa chọn của bạn và nó có thể quyết định bạn sẽ sống hay chết (thì không còn áp lực nữa).
Sự lựa chọn không những đóng vai trò quan trọng trong việc sinh tồn mà còn khiến cho cuộc sống trở nên tốt đẹp và thú vị hơn. Bạn sẽ chán chường đến chừng nào nếu chỉ có mỗi một lựa chọn trong mọi việc xảy ra hằng ngày? Khi có nhiều phương án hơn, bạn có thể sắp xếp công việc hiệu quả theo mong muốn, nhu cầu thực tế của bản thân, từ đó tiết kiệm thời gian và kiếm được nhiều tiền hơn. Thông qua các lựa chọn, bạn có thể thể hiện mình là ai và lựa chọn con đường hạnh phúc cho riêng mình. Tuy nhiên, vấn đề sẽ phát sinh khi một chuỗi các lựa chọn không ngừng gia tăng khiến cho việc xác định đâu là phương án tốt nhất trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Trong cuốn sách kinh điển The Paradox of Choice (tạm dịch: Nghịch lý của sự lựa chọn), nhà tâm lý học Barry Schwartz lập luận rằng có nhiều lựa chọn sẽ khiến cho việc chọn một trong số đó trở nên căng thẳng và khó khăn hơn nhiều. Điều quan trọng là ông đã xem xét động lực này ảnh hưởng lên người cầu toàn (maximizer) hay người “luôn tìm kiếm và chỉ chấp nhận thứ tốt nhất” như thế nào. Nếu là người cầu toàn, bạn sẽ cân nhắc càng nhiều lựa chọn càng tốt để đảm bảo đạt được mục đích của mình. Khi làm như vậy, bạn phải đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn so với những người xung quanh để nghiên cứu nhiều phương án khác nhau trước khi cố gắng chọn lọc lại để có được lựa chọn tối ưu. Hành động này trái ngược hoàn toàn với người tri túc (satisficer) – kiểu người “hài lòng với thứ mà họ cảm thấy đủ tốt và không bận tâm gì về khả năng có thể có những thứ tốt hơn”.
Trớ trêu thay, hoặc như Schwartz nói là nghịch lý thay, khi là một người cầu toàn, bạn có khả năng đưa ra những lựa chọn tốt hơn, nhưng rốt cuộc lại ít hài lòng hơn với chúng. Bởi nếu là người “kén cá chọn canh” – tức là luôn bị ám ảnh vì FOBO – thì bạn thường cân nhắc rất nhiều về những phương án thay thế tiềm năng và có nguy cơ sinh ra ác cảm vì sợ mình sẽ hối hận sau khi chọn lựa. Thật là oái oăm khi bạn tưởng tượng về tình huống này. Bạn đã hoàn thành bài tập về nhà nhưng lại nghĩ ra một đáp án tốt hơn. Bạn chọn được ngôi nhà, bạn đời, xe hơi hay khách sạn tốt hơn những người tri túc sống trên cùng con đường đó, nhưng lại không thể tận hưởng thành quả lao động của mình. Mặc dù có được mọi thứ mình mong muốn giống như Charlie Bucket, nhưng bạn sẽ không sống hạnh phúc mãi mãi về sau.
Mong muốn cầu toàn không chỉ gắn liền với đặc điểm sinh học, mà còn chịu tác động của một yếu tố văn hóa mạnh mẽ được hình thành qua quá trình trưởng thành, văn hóa quốc gia và tầng lớp xã hội của bạn. Ví dụ, nếu bạn là người Mỹ và thuộc tầng lớp trung lưu, rất có thể từ khi còn nhỏ, bạn đã được dạy dỗ và tin rằng sự tự do và tự chủ, thể hiện qua việc bạn được chọn làm bất cứ điều gì mình muốn, là nền tảng của các quyền cơ bản – “quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc” như Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ đã khẳng định. Bạn được dạy rằng ở Mỹ, tự do ngôn luận và tự do lựa chọn là một phần của giao ước xã hội. Đó là thứ cho phép các doanh nhân theo đuổi những giấc mơ điên rồ, thuyết phục trẻ em rằng khi lớn lên, chúng có thể trở thành bất cứ ai chúng muốn và cho phép các nghệ sĩ dùng tác phẩm của họ để chối bỏ thực tế. Vì tất cả lý do trên và nhiều lý do khác nữa, giá trị của sự lựa chọn dường như rất hiển nhiên đối với bạn, và cả với tôi.
Nhưng liệu có đúng vậy không? Hazel Rose Markus – cộng sự của Schwartz – giáo sư khoa học hành vi tại Đại học Stanford, khám phá ra rằng nhận thức về sự lựa chọn thay đổi tùy vào văn hóa và tầng lớp xã hội. Ví dụ, trong khi xã hội Bắc Mỹ tôn sùng chủ nghĩa cá nhân và xem sự lựa chọn là chuẩn mực văn hóa chính yếu, thì trong các xã hội theo chủ nghĩa tập thể khác, chẳng hạn như Đông và Nam Á, người ta lại nhấn mạnh nhiều hơn về sự tương thuộc lẫn nhau và ảnh hưởng từ quyết định, hành động của bạn đối với người khác. Không những thế, tầng lớp lao động Mỹ có xu hướng dạy con cái rằng thế giới không tập trung xoay quanh chúng, nếu muốn tiến xa thì chúng phải tuân thủ các quy tắc và phục tùng hệ thống. Vì vậy, trong khi các ông bố bà mẹ giàu có sống trong những ngôi nhà được xây bằng đá cát kết nâu ở Brooklyn đang nói với Poppy hoặc Jack bé nhỏ của họ rằng chúng có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn, thì những gia đình thuộc tầng lớp lao động ở quận Queens cạnh đó hoặc ở Bangladesh phía bên kia địa cầu đang truyền đi một loạt thông điệp khác hẳn đến con cháu của họ.
Nếu bạn lớn lên với niềm tin rằng bạn có thể làm chủ vận mệnh của mình, bạn có quyền tự chủ với nhiều lựa chọn phong phú có giá trị tương đương với tự do, lẽ dĩ nhiên, bạn cũng có thể cho rằng mình có khả năng lựa chọn. Tuy nhiên, giống như nhiều nguồn tài nguyên thiết yếu khác, sự lựa chọn không chia đều cho tất cả mọi người trên thế giới. Về cơ bản, chính sự phong phú hoặc khan hiếm lựa chọn sẽ định hình quá trình ra quyết định.
Sự lựa chọn là một loại hàng hóa
Trong phần lớn chiều dài lịch sử nhân loại, con người quá bận rộn với việc đảm bảo những điều kiện cơ bản cho cuộc sống như thức ăn, quần áo và nơi trú ẩn – những nhu cầu bậc thấp trong Tháp nhu cầu cơ bản của Maslow – đến nỗi họ không còn thời gian nghĩ đến các vấn đề cao cấp hơn như FOBO. Ngày nay, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn nhiều. Trong khi Homo habilis chỉ phải quyết định một vài chuyện thật sự quan trọng thì người hiện đại, đặc biệt là những người sống trong các xã hội thịnh vượng, lại phải đối mặt với một loạt tính toán phức tạp hơn với đủ loại vấn đề lớn nhỏ. Nếu bạn giống như tôi – nhận thấy tác phẩm viết về sự lựa chọn và hài lòng của Barry Schwartz rất hấp dẫn – thì thật bất ngờ khi xét đến việc cuốn sách Nghịch lý của sự lựa chọn ấy đã được xuất bản vào năm 2004, cùng thời điểm khi tôi và bạn bè lần đầu tiên chỉ trích nhau vì đã để FOBO can thiệp vào cuộc sống của chúng tôi. Bây giờ nhìn lại, cuộc tranh cãi đó dường như rất kỳ lạ. Nó diễn ra trước khi iPhone, mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin và Amazon Prime – dịch vụ tạo ra nhiều lựa chọn nhất trong số đó, vẫn chưa ra đời. Về cơ bản, sự lựa chọn lúc đó còn rất ít ỏi. Trong mười lăm năm qua, tất cả công nghệ và dịch vụ mới này khiến việc trở thành một người cầu toàn và khuất phục trước cám dỗ của FOBO trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Ngày nay, bạn hẳn sẽ có nhiều lựa chọn hơn hầu hết các thành viên sở hữu nhiều đặc quyền nhất trong xã hội chỉ một thế kỷ trước đây. Tùy thuộc vào nơi bạn sinh sống, bạn vẫn có vô số lựa chọn đối với đa số nhu cầu hằng ngày mà bạn cần quan tâm, dù chẳng cần phải đặc biệt giàu có hay quảng giao. Lựa chọn trở thành một mặt hàng và khi nó xuất hiện trên thị trường đại chúng thì rõ ràng, những người hưởng lợi từ tất cả phương án thay thế mới này cũng bị ảnh hưởng. Bạn có thể bị “ngợp” trước vô vàn chọn lựa. Thẳng thắn mà nói, bạn tha hồ chọn, nhưng nếu không thể kiểm soát được động lực đó, bạn sẽ liên tục bị rơi vào cái bẫy của sự thiếu quyết đoán.
Như bạn đã biết, bạn không thể cảm thấy FOBO nếu không có quá nhiều lựa chọn. Việc hằng hà sa số phương án bày ra trước mắt bạn, thường do sự sung túc đem lại, là yếu tố cơ bản gây nên phiền não. Mặt khác, nếu bạn không mong đợi có thêm nhiều chọn lựa, thì phiền toái của bạn đã kết thúc ngay trước khi nó bắt đầu. Hãy tưởng tượng bạn đang chờ ghép tạng và may mắn nhận được cuộc gọi thông báo đã tìm thấy người hiến tạng. Nếu rơi vào tình huống này, bạn sẽ không hỏi bác sĩ liệu có nội tạng nào tốt hơn vào tuần tới hay không. Bạn không thể chần chừ để tìm ai đó trẻ hơn, thích hợp hơn một chút hoặc ai đó suốt đời chưa từng uống rượu bia. Ngược lại, bạn nắm lấy cơ hội của mình, bước lên xe và thầm biết ơn suốt đường đến bệnh viện. Đó là lựa chọn duy nhất của bạn, một lựa chọn mà nhiều người đang khao khát, vì vậy, bạn trân trọng những gì mình có thể nhận được và vô cùng biết ơn vì điều đó.
Hãy so sánh tình huống trên với một buổi sáng thứ Bảy bình thường tại cửa hàng cà phê Starbucks ở địa phương. Trước hết phải nói rằng, dù bạn có nghiện cà phê đến mấy thì đây cũng không phải vấn đề sinh tử gì. Thứ hai, bạn có rất nhiều lựa chọn cho một sản phẩm giá chỉ vài đô-la và được pha chế trong vòng chưa đầy năm phút. Đó là lý do tại sao cuối cùng Starbucks đã trở thành nơi khách hàng có thể tiến đến cạnh nhân viên pha chế, yêu cầu thưởng thức một ly Skinny Cinnamon Dolce Latte 709ml có đá được làm từ một nửa lượng cà phê, ristretto19, bốn lần bơm hương liệu và đậu nành không đường. Nhờ những đơn hàng như vậy, Starbucks tự hào cung cấp hơn 80.000 cách kết hợp các loại đồ uống khác nhau.
19 Một biến thể của Espresso hay một phương pháp pha chế khác bằng máy pha để cho ra tách cà phê cô đặc hơn.
Sự phong phú về đồ uống tại Starbucks không phải là một trường hợp đơn lẻ. Nó cho ta thấy một môi trường nhiều lựa chọn khiến cho ngay cả những quyết định tưởng chừng vô hại nhất cũng trở nên phức tạp một cách không cần thiết. Nhờ những tiến bộ trong sản xuất, việc chuyển đổi từ sản phẩm vật lý sang sản phẩm số và tốc độ toàn cầu hóa nhanh chóng, các doanh nghiệp có thể cung cấp nhiều sản phẩm được điều chỉnh theo mong muốn và nhu cầu cụ thể của người tiêu dùng hơn so với trước đây. Họ cũng có thể trưng ra hàng loạt lựa chọn cho khách hàng, những thứ mà cách đây hai mươi năm nghe có vẻ hoang đường. Các thương hiệu thời trang “ăn liền” như ZARA hay H&M hiện có thể biến một ý tưởng từ sàn diễn sang mạng lưới cửa hàng toàn cầu của họ chỉ trong hai tuần. Amazon có thể cung cấp hàng hóa nhiều hơn siêu thị địa phương của bạn gấp 10.000 lần, chưa kể việc không bao giờ đóng cửa, họ còn điều chỉnh giá cả sao cho phù hợp với từng khách hàng, cho phép bạn ngay lập tức thưởng thức hàng triệu cuốn sách, bài hát và bộ phim trên chiếc ghế sofa êm ái tại nhà.
Nghe có vẻ hay chứ, đúng không? Phải chăng tất cả FOBO của bạn sẽ được giải quyết nếu ai đó trao cho bạn chính xác những gì bạn muốn? Mặc dù số lượng lựa chọn tăng theo cấp số nhân và giải pháp cải tiến sản phẩm theo nhu cầu khách hàng trông như liều thuốc chữa bách bệnh, nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Nếu bạn muốn thế giới phục vụ mọi mong muốn, nhu cầu và sở thích của mình, bạn cần phải biết mình muốn gì, cần gì và thích gì để ra lệnh và nói đồng ý.
Ai dám nói mình không bị FOBO?
Bỏ ngỏ tất cả lựa chọn càng lâu càng tốt là điều kiện tiên quyết để xác định một người mắc phải FOBO, nhưng sự thôi thúc này sẽ càng dữ dội khi mong muốn kiểm soát của bạn bắt nguồn trực tiếp từ lợi ích cá nhân. Ai cũng sẽ có một người bạn, một thành viên trong gia đình hoặc một đồng nghiệp không bao giờ cam kết với bất cứ điều gì. Người đó trả lại mọi thứ đã mua sau vài tuần hoặc vài tháng chỉ vì anh ta đổi ý. Khi bạn gặp người ấy tại bữa tiệc, họ luôn nhìn qua vai bạn với hy vọng tìm được ai đó thú vị hơn để chuyện trò. Họ không bao giờ chấp nhận chiếc bàn đầu tiên do nhà hàng đề nghị hoặc căn phòng đầu tiên do khách sạn đưa ra. Họ muốn xem qua vài phòng hoặc ghé phòng ăn trước để đánh giá sơ qua ưu và nhược điểm. Cảnh báo: Nếu bạn sắp sửa đi ăn tối với người này, hãy nhớ kiếm lấy một chỗ ở đầu kia của bàn. Vì họ sẽ không chịu chọn món trong thực đơn nên sẽ hỏi mọi người xung quanh xem liệu họ có thể thử món ăn của mọi người hay không.
Một số người bị FOBO không cho rằng kiểu hành vi này là một vấn đề. Họ sẽ bị sốc và “phản pháo”: “Ý anh là sao? Sao tôi lại phải chấp nhận một lựa chọn chỉ tốt thứ hai chứ?”. Đúng, việc đặt ra các tiêu chuẩn không hề sai, nhưng có một sự khác biệt lớn giữa việc xác định những tiêu chí cơ bản và quá cầu toàn trong từng sự cân nhắc, đến mức đánh mất lập trường, phức tạp hóa các quyết định thông thường và khiến cuộc sống trở nên rắc rối hơn mức cần thiết. Khi bạn xem cuộc sống này như một cuộc đàm phán, với những mục tiêu thay đổi liên tục, thì người khác gần như không thể làm bạn hài lòng. Vì hai bên không tìm được tiếng nói chung nên rốt cuộc, bạn làm phiền tất cả mọi người xung quanh. Và xét về bản chất, các tương tác trong cuộc sống của bạn ngày càng mang tính đổi chác. Bạn không bao giờ sẵn sàng đánh đổi mà chỉ cố gắng giành được phần lợi cho mình. Ngược lại, bạn mong chờ người khác sẽ nhượng bộ.
Trong lúc tìm kiếm sự hoàn hảo, bạn đang tự làm mình tê liệt vì một điểm yếu nghiêm trọng: tính ái kỷ. Trong một bài bình luận có tựa đề “The Golden Age of Bailing” (tạm dịch: Thời đại hoàng kim của việc hủy hẹn) được đăng vào tháng 6 năm 2017, nhà báo David Brooks của tờ New York Times đã thu hút sự chú ý của độc giả khắp nước Mỹ trong ít nhất vài tiếng – một hiệu ứng khá ấn tượng giữa kỷ nguyên của FOMO – bằng việc mô tả cách FOBO ăn sâu vào các mối quan hệ:
Rõ ràng chúng ta đang sống trong thời đại hoàng kim của việc hủy hẹn. Vào ngày thứ Hai, tất cả mọi người trên nước Mỹ đều quyết định sẽ đi làm một chầu với người X vào thứ Năm này. Quả là một cái hẹn tuyệt vời. Nhưng rồi thứ Năm đến, họ nhận ra rằng thật ra về nhà, ngồi phịch xuống giường và xem video Carpool Karaoke thú vị hơn. Vì vậy, họ nhắn tin hoặc gửi email hủy hẹn: “Xin lỗi! Tối nay tôi không đi uống với anh được. Tôi mệt quá. Bà tôi vừa bị dịch hạch…”
Dưới đây là cách giúp bạn biết hành vi của mình đang bị tính ái kỷ điều khiển. Khi hủy hẹn với đồng nghiệp cũ, có phải bạn đang làm vậy vì muốn tốt cho cô ấy không? Bạn có tự nhủ: “Mình chỉ muốn cô ấy nghỉ ngơi một đêm thôi – ở nhà thưởng thức phim Narcos20 chẳng phải tốt hơn là gặp mình sao?”. Không đời nào! Những người bị ám ảnh bởi FOBO thường hứa hẹn với hàng loạt cơ hội, nhưng họ không bao giờ thật sự hoàn toàn cam kết với chúng cho đến tận giây phút đã hẹn. Bất kỳ thời điểm nào trước đó, dù là một ngày hay một giờ, đầu óc họ vẫn dự trữ quyền từ chối. Họ sẽ gửi tin nhắn hoặc email để đưa ra một cái cớ có thật hay chỉ là tưởng tượng rồi chuyển sang lựa chọn tốt nhất mà họ đang có ngay lúc ấy. Xuất phát từ tính ái kỷ, họ chỉ tính toán đơn giản rằng: Thời gian của họ quý giá hơn thời gian của bạn.
20 Narcos là một series phim truyền hình tội phạm của Mỹ, do Chris Brancato, Carlo Bernard và Doug Miro sản xuất.
Công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong chu kỳ phá vỡ cam kết và im lặng biến mất. Trước đây, giả sử hơn mười lăm năm trước, nếu bạn muốn hủy hẹn hoặc thay đổi kế hoạch với ai đó thì bạn phải gọi điện giải thích với họ. Không có chuyện buổi tối bạn bất ngờ nhận được một tin nhắn khiến bạn muốn hủy hẹn và làm việc khác. Ngày nay, vì lợi ích của bản thân, bạn có thể tận dụng nhiều cách gián tiếp để hủy kế hoạch, ngay cả khi bạn đang thực hiện giữa chừng. Thêm vào đó, bạn có thể núp sau công nghệ nên cảm thấy ít dằn vặt hơn. Dù bạn có thể cảm thấy áy náy nhưng bạn chẳng cần phải đối diện với hậu quả, ngoại trừ một vài trao đổi điện tử qua lại.
Tính ái kỷ và FOBO sẽ kết hợp với nhau khi mong muốn mãnh liệt bỏ ngỏ các lựa chọn trở thành một đặc trưng trong cách sống của bạn. Thỉnh thoảng, ai cũng cần thay đổi kế hoạch hoặc áp đặt người khác theo cách này hay cách khác. Nhưng nếu bạn buộc nhiều người phải chờ bạn trả lời những câu hỏi đơn giản, khăng khăng ép trợ lý làm việc tăng ca để soạn ra năm mươi chương trình hoạt động cho chuyến công tác của bạn, hoặc buộc nhà phân tích phải làm việc không nghỉ cuối tuần để chạy theo các thay đổi vô tận, và có lẽ là vô nghĩa, trong bản mô tả kế hoạch kinh doanh, thì bạn đang bị FOBO chi phối và tất cả những người xung quanh bạn đều phải trả giá. Hành vi này không chỉ xuất hiện ở các nhà điều hành cao cấp tại phố Wall mà còn được phát hiện ở những nhân viên thuộc tất cả các cấp trong hàng loạt tổ chức, bất kể họ làm việc cho một doanh nghiệp nhỏ ở Đức, một công ty khởi nghiệp công nghệ ở Nairobi hay bộ phận bán hàng trong một công ty ở Miami. Nó hiện diện khắp mọi nơi.
Vòng đời của FOBO
Đối với nhiều người, mắc phải FOBO ở mức độ nào đó là việc không thể tránh khỏi. Dù bạn làm gì, ở đâu thì chắc chắn nỗi sợ phức tạp đó cũng sẽ len lỏi vào cuộc sống của bạn. Từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành, bạn phải học cách thích nghi với sự gia tăng đáng lo ngại số lượng quyết định cần đưa ra. Rõ ràng, việc cần quyết định nhiều hơn mang lại tác dụng tích cực. Bạn có thể lựa chọn nơi ở, công việc, giờ đi ngủ hay loại rượu vang (đỏ, hồng hay trắng?) mà bạn sẽ uống trong bữa tối. Dù bạn có quyền tự chủ hơn bao giờ hết nhưng đâu phải mọi quyết định đều chỉ xoay quanh rượu vang và hoa hồng. Bạn còn phải đưa ra những lựa chọn nhàm chán, khó khăn hoặc chẳng vui vẻ gì. Đó là khi bạn nhận ra cuộc sống của bạn hồi bé khá thoải mái. Tôi thà dành vài phút để chọn một món ưng ý từ đống đồ chơi còn hơn lãng phí phân nửa ngày cuối tuần để đánh giá các gói dịch vụ bảo hiểm.
Từ khi sinh ra đến hết thời thơ ấu, bạn sống trong một môi trường bị kiểm soát chặt chẽ, không có nhiều lựa chọn khác nhau nên bạn khó lòng gặp phải cảm giác FOBO. Dù bạn là một đứa trẻ cực kỳ kén ăn thì bố mẹ bạn cũng chỉ dỗ dành bạn hết mức cho đến khi bỏ cuộc và quyết định mặc kệ cho bạn nhịn đói. Nếu bạn nói rằng bạn không muốn ăn chả cá, họ sẽ không thảy cho bạn cái iPad rồi mặc cho bạn muốn đặt món ở bất kỳ nhà hàng nào bạn thích. Bố mẹ sẽ để bạn ngồi với cái món đáng ghét ấy cho tới lúc bạn buộc phải ăn chúng, hoặc nếu họ rộng lượng hơn thì sẽ đổi cho bạn mấy miếng gà. Họ kiểm soát bạn. Trên thực tế, bạn không được sống trong một môi trường nhiều sự lựa chọn, hoặc ít nhất là các chọn lựa đó không liên quan đến các yếu tố bạn có thể kiểm soát trực tiếp.
Khi đến tuổi thành niên, cuộc sống của bạn bắt đầu thay đổi nhanh chóng. Việc có được chút ít tự do và vốn kinh nghiệm phong phú hơn cho phép bạn bắt đầu điều chỉnh những điều mình thích và không thích. Bạn cũng có thể bắt đầu hẹn hò, khơi dậy làn sóng cảm xúc mới lạ và nhiều viễn cảnh tương lai tràn vào cuộc sống của bạn. Đến lúc trưởng thành, cuộc sống có nhiều lựa chọn hơn tác động trực tiếp đến cảm giác FOBO của bạn. Nếu bạn tốt nghiệp trung học rồi kế nghiệp việc kinh doanh của gia đình hoặc làm việc tại một, hai công ty nào đó ở quê nhà, bạn sẽ không bị ám ảnh quá nhiều bởi nỗi sợ bỏ lỡ lựa chọn tốt hơn, ít nhất là về mặt việc làm. Bạn đang ổn định trên một con đường khá rõ ràng và quen thuộc với bạn, vì nhiều người xung quanh cũng lựa chọn như thế. Nhưng nếu bạn chuyển đến một thành phố mới để học đại học, phân vân giữa nửa tá chuyên ngành, phỏng vấn tại hàng loạt công ty và xung quanh bạn, ai cũng loay hoay với nhiều phương án, thì bạn hầu như không thể dự đoán được kết quả chọn lựa của mình. Trong một môi trường nhiều lựa chọn như thế, nguy cơ bạn mắc FOBO là cực kỳ cao.
Từ lúc này trở đi, bạn càng gặt hái nhiều thành công và tích góp nhiều của cải, FOBO càng có nhiều khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống và định hình lối sống của bạn. Ngay cả khi bận rộn hơn và ít có thời gian hơn cho các quyết định quan trọng, bạn vẫn tốn năng lượng để xem xét rất nhiều lựa chọn tiềm năng. Bạn cũng bắt đầu xem trọng thời gian của mình hơn. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, việc đánh giá giá trị của bạn sẽ cao hơn nhiều so với mười hay hai mươi năm trước. Lúc này, nỗi e ngại rủi ro và tính ái kỷ cũng ảnh hưởng nhiều hơn đối với việc điều khiển hành vi. Bạn sợ sẽ chọn sai, lãng phí thời gian và sức lực quý báu vào những thứ không mang lại hạnh phúc. Rốt cuộc, bạn tự nhủ rằng mình xứng đáng có nó. Bạn làm việc chăm chỉ, bạn bận rộn và thời gian của bạn vô cùng quý báu. Mong muốn, nhu cầu của bạn, của những người thân hoặc gần gũi với bạn phải là điều duy nhất khiến bạn quan tâm, ngay cả khi hành động và thái độ của bạn gây hại thêm cho bất cứ ai khác bị ảnh hưởng bởi quyết định hoặc sự thiếu quyết đoán này.
Nếu bạn vẫn tiếp tục sống trong môi trường tương đối đầy đủ và nhiều lựa chọn, thì chứng FOBO của bạn sẽ không thuyên giảm cho đến lúc bạn đi đến một bước ngoặt vào cuối thời trưởng thành, khi cách nhìn của bạn về thế giới bắt đầu thay đổi. Từ thời điểm này, sức mạnh thống trị của FOBO đối với bạn từ từ suy giảm. Bạn tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống và nhận được những bài học do sự bất cân xứng thông tin khiến bạn quyết định thiếu sáng suốt. Quan trọng hơn cả, bạn biết rằng thời gian là linh hồn của cuộc sống. Mỗi khoảnh khắc bạn phí phạm vì chìm trong đau khổ chính là bạn đang mất đi thời gian tận hưởng thành quả lao động của mình. Dựa trên trí tuệ đã tích lũy cả cuộc đời, bạn nhận ra rằng lựa chọn tốt nhất là đừng lãng phí một phút giây quý giá nào nữa cho FOBO.
FOBO TRONG MÔI TRƯỜNG GIÀU SỰ LỰA CHỌN
Như đã trình bày ở trên, quá trình phát triển của FOBO theo các giai đoạn cuộc đời chính là nguyên mẫu cho một người đang sống trong một môi trường có quá nhiều lựa chọn. Dĩ nhiên, cuộc sống mỗi người mỗi khác nên có hai điều quan trọng bạn cần ghi nhớ. Thứ nhất, những đoạn thăng trầm của FOBO, đặc biệt là những bước ngoặt mà bạn gặp phải sẽ quyết định liệu bạn có bắt kịp sự phát triển này hay không, hay cuối cùng sẽ chuyển sang một con đường khác hẳn. Nếu mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ theo kế hoạch – bạn bị mất việc, ly thân hoặc đối mặt với những tai họa bất ngờ – có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng cuộc sống luôn biến động khôn lường. Bạn sẽ không còn sống trong một môi trường nhiều lựa chọn, chí ít là trong các phương diện thiết yếu đối với sự tồn tại của bạn. Thứ hai, việc sử dụng cụm từ giàu sự lựa chọn không có nghĩa là người có nhiều lựa chọn nhất sẽ sống tốt hơn hoặc hạnh phúc hơn những người không ở trong môi trường như vậy. Chúng ta không có lý do gì để kết luận rằng giám đốc điều hành của một công ty thuộc danh sách Fortune 500 đến thị trấn Davos hằng năm sẽ sống viên mãn hơn một nhà sư chưa từng rời khỏi ngôi làng của mình. Trên thực tế, có khi ngược lại mới đúng.
Bạn có phải là FOBO sapiens?
Có phải bạn “khét tiếng” là một người không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào? Bạn có liên tục hẹn lần hẹn lữa hoặc hủy bỏ những cam kết vừa đưa ra cách đây vài ngày hoặc vài tuần? Bạn có dành nhiều hơn vài phút để cân nhắc về những thứ đem lại tác động khiêm tốn đối với cuộc sống của bạn? Nếu câu trả lời của bạn cho một hoặc nhiều câu hỏi trên là “có” thì bạn chắc chắn nằm trong chủng loài FOBO. Tuy nhiên, để biết chắc, bạn phải suy nghĩ sâu hơn một chút về cách bạn ra quyết định và phương pháp (hoặc sự thiếu phương pháp) của bạn ảnh hưởng đến bạn và mọi người xung quanh như thế nào. Tất cả câu hỏi trong bài kiểm tra chẩn đoán tình trạng sau đây sẽ làm nổi bật những hành vi và thái độ tiêu biểu ở những người mắc hội chứng FOBO kinh niên.
Để xác định xem liệu mình có phải là FOBO sapiens không, bạn cần thu thập câu trả lời cho hai bộ câu hỏi khác nhau. Đầu tiên, bạn sẽ hoàn thành các câu hỏi tự đánh giá, sau đó trả lời nhóm câu hỏi thứ hai bằng cách hỏi những người có quan hệ gần gũi với bạn. Một trong những đặc trưng của FOBO là nó ảnh hưởng trực tiếp đến những người thường tiếp xúc với bạn, vì vậy, gia đình và bạn bè của bạn sẽ có đầy đủ hiểu biết lẫn động lực để trả lời các câu hỏi này một cách trung thực và chính xác. Nếu bạn đang tự lừa dối bản thân hoặc không nhận ra hành vi của mình gây ảnh hưởng đến người khác như thế nào thì đây là lời cảnh tỉnh giúp bạn nhìn nhận lại thực trạng của mình.
Hãy trả lời từng câu hỏi sau theo thang điểm từ 1 (hoàn toàn không đúng) đến 5 (cực kỳ đúng).
Các câu hỏi tự đánh giá
1. Tôi tốn quá nhiều thời gian hoặc năng lượng để đưa ra những quyết định không mấy quan trọng (ví dụ: những thứ mà tôi sẽ quên ngay trong một tuần).
2. Tôi cảm thấy mình không thể ra quyết định đúng đắn trừ khi có nhiều lựa chọn để cân nhắc. Ngay cả khi có một lựa chọn tạm chấp nhận được, tôi vẫn tìm cách tạo ra những phương án khác trước khi đi đến cam kết.
3. Tôi thường bảo lưu nhiều phương án, cuộc hẹn hoặc kế hoạch và đợi đến phút chót mới chọn một, hoặc có khi không chọn cái nào.
4. Tôi thường từ chối lời đề nghị đầu tiên mà mình nhận được (chẳng hạn: bàn ăn tại nhà hàng, phòng khách sạn hoặc giá một món hàng) và cố gắng thương lượng hoặc đổi thứ khác tốt hơn.
5. Tôi thường mua rồi trả lại hàng.
6. Tôi thấy thói quen hủy bỏ lời hứa hẹn, thậm chí hủy ngay ở phút cuối cùng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống bận rộn của mình.
7. Tôi đã phá hỏng các mối quan hệ cá nhân lẫn công việc vì không thể cam kết với các kế hoạch hoặc những quyết định khác.
Các câu hỏi dành cho người khác
1. Bạn thấy tôi có thường gặp khó khăn trong việc quyết định và giữ đúng cam kết với một kế hoạch hành động không?
2. Bạn có cho rằng tôi là một “kẻ thất thường” hay người không đáng tin cậy không?
3. Bạn có tránh lập kế hoạch hoặc quyết định chuyện gì với tôi vì tôi không thể cam kết không?
Tiếp theo, hãy tính điểm trung bình của các câu trả lời trên. Nếu điểm trung bình của bạn lớn hơn 3, bạn có thể thuộc loài FOBO sapiens. Nếu kết quả đó lớn hơn 4, tôi vô cùng ngạc nhiên vì bạn vẫn còn ở đây trong khi bạn có rất nhiều lựa chọn khác để thực hiện ngay lúc này! Dẹp chuyện bông đùa sang một bên thì danh sách khuynh hướng hành vi của đánh giá này chắc chắn không đầy đủ. Có thể bạn quen biết một ai đó (và có thể là chính bạn, tùy vào điểm số của bạn) đang sống dưới ách thống trị của FOBO. Nếu bạn thắc mắc tại sao một người hành động ích kỷ như vậy mà vẫn “đang chịu ách thống trị” của một thứ khác, thì hãy cân nhắc điều này: Ngoài những thiệt thòi và hy sinh mà bạn buộc người khác phải chịu, bạn cũng đang trả giá đắt cho một tập hợp hành vi mà nhìn bề ngoài thì có vẻ mang lại cho bạn sự tự do. Khi đặt giá trị của quyền lựa chọn lên hàng đầu, bạn đã không nhận ra rằng, thay vì giảm bớt gánh nặng của quá trình ra quyết định bằng cách… quyết định, bạn vẫn bế tắc trong vùng đất hoang vu ngăn cách giữa hai bờ: mơ hồ và chắc chắn. Trong tiềm thức, hoặc thậm chí cả trong ý thức, vào một khoảnh khắc sáng suốt hiếm hoi nào đó, bạn nhận ra mình đang bị trói buộc vì bạn chẳng bao giờ thật sự hạnh phúc, hoặc ít nhất là mãi “giậm chân tại chỗ” cho đến khi đưa ra quyết định. Nhưng bạn không thể. Bạn bị mắc kẹt nơi luyện ngục.