“Cái tốt nhất là kẻ thù của cái tốt.”
- THÀNH NGỮ ITALIA
Bạn đã bao giờ tốn quá nhiều thời gian để cân nhắc giữa hai lựa chọn hoàn hảo chưa? Hay bạn chỉ chộp đại lấy một cơ hội xã hội18 hoặc cơ hội nghề nghiệp vào phút chót? Có lẽ bạn từng nhắn tin mời ai đó tham gia một sự kiện, rồi nhận thấy rõ là họ bắt đầu gõ tin nhắn trả lời, nhưng rồi dừng lại, xóa đi, sau đó lặn mất tăm? Bạn biết chắc họ đang nhắn tin trả lời, bạn thấy ba dấu chấm ra vẻ đăm chiêu hiển hiện ở đó, nhưng rồi… lặng thinh. Nếu vậy, hẳn bạn đã quen với FOBO.
18 Cơ hội xã hội (social opportunity) là cơ hội do mạng lưới quan hệ xã hội hoặc môi trường xung quanh mang lại cho một người.
Nếu FOMO thúc đẩy bạn cố gắng làm tất cả mọi thứ, thì ngược lại, FOBO khiến bạn bị tê liệt. FOBO là lối suy nghĩ khuyến khích bạn cố chọn lấy “điều tốt nhất” khi phải đối diện với việc ra quyết định. Trong lúc tìm kiếm phương án hoàn hảo, bạn cũng bỏ ngỏ tất cả lựa chọn. Điều này khiến bạn mất hết hứng thú, thậm chí là không thể kiên định với bất kỳ lựa chọn nào trước mắt, vì vậy, bạn sống trong một thế giới đầy phân vân thay vì dứt khoát “đồng ý” hay “từ chối”. Sống như vậy chẳng dễ chịu gì. Bạn tiêu tốn hết thời gian và năng lượng quý báu để ôm ấp tất cả lựa chọn khả thi rồi trì hoãn tại thời điểm lẽ ra nên quyết định rồi chuyển sang thứ khác. Việc liên tục né tránh vấn đề có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu, thậm chí thoải mái trong chốc lát, nhưng cái giá phải trả sẽ tăng lên nhanh chóng. FOBO gây lãng phí thời gian, khiến bạn kiệt quệ và làm việc không hiệu quả. Nếu không được kiểm soát tốt, hành vi này có thể gây ra thiệt hại khó lòng cứu vãn đối với sự nghiệp nói riêng và cả cuộc sống của bạn nói chung.
FOBO còn có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống của người khác. Khi bị FOBO chi phối, bạn trở thành gánh nặng cho tất cả những người xung quanh đang chờ đợi sự cam kết của bạn với bất cứ việc gì để họ có thể tiếp tục làm nhiệm vụ của mình. Những người đang chờ bạn ra quyết định không thể lên kế hoạch cho kỳ nghỉ, chuyến công tác, cuộc họp, những thời hạn, buổi hẹn hò, chiến lược đàm phán hay đám cưới. Họ không bao giờ thật lòng tin tưởng rằng bạn có thể quyết tâm làm bất cứ thứ gì. Khi có cơ hội tốt hơn xuất hiện, bạn sẽ thay đổi suy nghĩ, hối tiếc, bỏ dở, hoặc nỗ lực nửa vời để giữ lời hứa. Trong những trường hợp cực đoan nhất, bạn cứ thế lặn mất tăm. Và dù truyền đi thông điệp thế nào thì bạn cũng không thể hiện được tinh thần quyết tâm hay trách nhiệm.
Vì lý do này, FOBO độc hại hơn nhiều so với FOMO. FOMO không khiến bạn trở thành người tồi tệ, nhưng FOBO thì có. FOBO khiến bạn nói có lẽ thay vì cam kết, im lặng trong lúc phải hoàn thành kế hoạch và “trở mặt“ vào phút cuối nếu có cơ hội nào đó tốt hơn xuất hiện. Trong khi FOMO chỉ làm tổn thương người phải chịu đựng nó thì FOBO tác động đến tất cả mọi người xung quanh. Và trong hai nỗi sợ, FOBO thường là vấn đề gây hậu quả về lâu về dài. Đó là nỗi khổ vì quá sung túc. Nó thường tăng lên khi bạn nhiều tuổi hơn, ổn định, giàu có hơn, tất cả đều mang đến cho bạn nhiều lựa chọn hơn trong cuộc sống. Khi đó, FOBO không còn chỉ là bỏ dở chầu cà phê hay cuộc hẹn ăn tối mà còn thâm nhập vào mọi khía cạnh của các mối quan hệ cá nhân lẫn công việc. Bạn càng có nhiều khả năng làm theo ý mình, số lượng lựa chọn càng phong phú thì sức cám dỗ duy trì giá trị lựa chọn càng lớn, bất kể bạn có đang lãng phí thời gian hay làm tổn thương cảm xúc của người khác hay không. Bạn cũng ít quan tâm xem hành vi của mình gây ảnh hưởng đến họ như thế nào. Bởi suy cho cùng, bạn luôn có nhiều phương án kia mà.
Vấn đề lớn nhất mà bạn không biết mình gặp phải
Khi giải thích cho một người chưa bao giờ nghe về FOBO, tôi thường nhận được một phản ứng giống nhau. Lông mày nhướn lên, họ chỉ tay vào ngực và thảng thốt: “Đúng là tôi đó!”. Nghe quen chứ? Dù trước khi mua cuốn sách này, có thể bạn chưa bao giờ biết về FOBO, nhưng rất có thể là bạn hoặc ai đó thân thiết với bạn đã sống với nó rồi. Tuy vậy, không có từ nào để mô tả hành vi này vì thật sự nó rất khó để gọi tên.
Bắt đầu từ bây giờ, mọi thứ sẽ thay đổi. Giờ là lúc cần đặt tên và vạch trần FOBO. Đây cũng là thời điểm thích hợp để đưa ra một định nghĩa đúng đắn về FOBO, vì trước đây tôi chưa từng làm như vậy. Lần đầu tiên viết về FOBO khi còn học ở trường kinh doanh, tôi đã biết rằng tất cả bạn bè đồng trang lứa của tôi không chỉ là FOMO sapiens mà họ còn là FOBO sapiens, chắc chắn đến nỗi không cần bất cứ lời giải thích nào. Trường học – một môi trường giàu sự lựa chọn cùng với vô vàn cơ hội đã thúc đẩy văn hóa FOMO – khiến cho việc quyết định một cách dứt khoát trong hàng loạt khả năng trở nên khó khăn đến mức kinh ngạc. Vì hầu hết các bạn cùng lớp và tôi đã đi làm vài năm, để dành được tiền tiết kiệm, nên chúng tôi có thể thực hiện khá nhiều việc theo mong muốn của mình. Như vậy, có thể giả định rằng chúng tôi đã thoát khỏi lối mòn FOBO và cam kết thực hiện cho bằng được việc đã hứa.
Vì thiếu định nghĩa đúng đắn nên cho đến gần đây, FOBO không chỉ vô danh mà còn có phần vô hình. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi vào mùa hè năm 2018, khi Tim Herrera đã định nghĩa FOBO trong bài báo của mình đăng trên chuyên mục “Sống Thông minh” (Smarter Living) của tờ New York Times như sau:
Đó là khi bạn không ngừng nghiền ngẫm tất cả lựa chọn khả thi vì sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ cơ hội “tốt nhất”, dẫn đến sự thiếu quyết đoán, hối tiếc, thậm chí là giảm bớt mức độ hạnh phúc.
Mặc dù thích cách tóm tắt ngắn gọn này của Herrera, nhưng tôi sẽ tiến thêm một bước nữa bằng cách đưa ra định nghĩa toàn diện về FOBO để làm nền tảng cho những cuộc thảo luận về sau:
FOBO
\ʹfō-(ʹ)bō\ Danh từ. Thông tục
1. Cảm giác lo lắng thôi thúc bạn nắm bắt một điều gì đó tốt hơn vì bạn cho rằng có thể tồn tại một phương án thay thế hoặc chọn lựa có triển vọng hơn.
2. Cảm giác thôi thúc bảo toàn giá trị của tất cả phương án dẫn đến việc trì hoãn ra quyết định hoặc ngưng thực hiện vô hạn định. 3. Hành vi biến bạn thành một kẻ khó ưa.
Như vậy, bạn có thể thấy rằng đặc trưng của FOBO là có hai động lực riêng biệt nhưng đều tác động mạnh mẽ:
- Thứ nhất, nó hình thành dựa trên niềm tin rằng có ít nhất một lựa chọn tốt hơn vẫn chưa được khám phá. Nếu bạn mong mỏi một thứ hoàn hảo hơn, bạn sẽ tiếp tục tìm cho đến khi nào ra mới thôi, chịu đựng cảm giác vô cùng khổ sở vì tránh né đưa ra bất kỳ một quyết định nào trong thời gian đó.
- Thứ hai, đây là lối tư duy cho rằng việc bảo toàn giá trị quyền lựa chọn cũng quan trọng không kém việc lựa chọn. Bằng cách bỏ ngỏ tất cả phương án, bạn tin rằng mình có thể tự quyết định theo ý của bản thân.
Khi kết hợp hai hành vi này – chờ đợi điều tốt hơn và bảo toàn giá trị của sự lựa chọn – bạn sẽ nhận ra rằng mình gần như không thể cam kết với bất cứ điều gì, ít nhất là trong khoảng thời gian mà người khác chấp nhận được. Cảm giác cho rằng mình quan trọng, rằng thế giới phải tuân theo lịch trình và phục vụ nhu cầu của mình tạo ra một môi trường độc hại, với nguy cơ khiến cho tất cả những người phải phục tùng theo ý muốn nhất thời của bạn sẽ quyết định xa lánh bạn. Về cơ bản, nó khiến bạn trở thành một kẻ chẳng ra gì.
Chờ đợi lựa chọn tốt hơn
Khi mắc phải cảm giác FOBO, bạn luôn tin rằng vẫn còn một lựa chọn tốt hơn dù nó chưa xuất hiện. Tất nhiên, khi làm việc trong một môi trường giàu sự lựa chọn, bạn hoàn toàn có lý khi cho rằng ngoài kia vẫn có một cơ hội tốt hơn và bạn có thể tối ưu hóa kết quả bằng cách cưỡng lại mong muốn “an phận”, ổn định. Niềm tin bất diệt rằng chắc hẳn vẫn có một phương án tốt hơn tồn tại ở đâu đó nghe có vẻ như một dạng lạc quan nhưng thực chất, nó bị thúc đẩy bởi sự bất cân xứng thông tin. Khi người bi quan nhìn thấy chiếc cốc đã cạn một nửa, họ sẽ cho rằng từ giờ mọi chuyện chỉ tụt dốc chứ không tài nào cứu vãn được. Ngược lại, người lạc quan tin rằng những ngày tốt đẹp, tươi sáng, và nhiều lựa chọn hơn vẫn đang ở phía trước. Tư duy như vậy thường được xem là lối sống tích cực, dù nó buộc bạn phải liên tục dấn thân tìm kiếm các lựa chọn thay thế, xuất phát từ nỗi ám ảnh rủi ro.
Tuy sự lạc quan quá mức như vậy rất có hại, nhưng bạn cũng không cần phải mù quáng chấp nhận ngay phương án đầu tiên mà bạn nhận được. Đừng “ngậm bồ hòn làm ngọt” nếu chén xúp bưng ra đã nguội ngắt, phòng khách sạn nhếch nhác hay mức lương được đề xuất quá eo hẹp. Bạn có thể trình bày mong muốn của mình và thương lượng để có được thứ tốt hơn trong tình huống bắt buộc. Làm như vậy không có nghĩa là bạn đang bị FOBO chi phối, mà là bạn biết quý trọng giá trị thời gian và tiền bạc của bản thân. Nhưng hành vi của bạn sẽ đi quá giới hạn nếu cứ tiếp tục tìm kiếm lựa chọn khác dựa trên mong muốn vô lý rằng bạn sẽ tìm được một thứ hấp dẫn đến mức đi đến quyết định ngay và bạn không gặp bất lợi gì. Trên lý thuyết, chuyện này nghe có vẻ thú vị nhưng bạn sẽ không có cách nào biết được liệu một quyết định có đúng đắn hay không, kể cả tại thời điểm đó hay về lâu về dài. Vì thiếu thông tin chính xác nên sự tính toán như vậy sẽ luôn có phần chủ quan. Tuy nhiên, nếu đang bị FOBO ám ảnh, bạn sẽ bác bỏ quan điểm này. Nỗi sợ lớn nhất của bạn và yếu tố thúc đẩy bạn suy nghĩ rằng chọn lựa hiện tại chỉ tốt thứ nhì, khiến bạn mải mê tìm kiếm, trong khi thời gian cứ trôi đi. Khi đó, bạn đã sa thẳng vào cái bẫy của sự do dự.
Bảo toàn giá trị của sự lựa chọn
Bạn bị FOBO chi phối khi đề cao giá trị của sự lựa chọn đến mức tê liệt lý trí. Nguyên tắc sống của bạn là: Không bao giờ đóng bất kỳ cánh cửa hay loại bỏ phương án tiềm năng nào. Dù đang lên kế hoạch cuối tuần, lựa chọn bạn đời hay tìm kiếm việc làm, bạn cũng không muốn bỏ đi một cơ hội nào trong danh sách. Ngay cả khi tiếp tục dự trữ nhiều cơ hội mới, bạn vẫn cảm thấy an ủi khi biết rằng dù mình thay đổi ý định bất cứ lúc nào thì cũng không có cánh cửa nào đóng lại cả. Quá trình quyết định của bạn không chỉ tập trung vào việc tìm kiếm thứ tốt nhất mà còn gắn với việc duy trì mức độ linh hoạt tối đa. Mặt khác, bạn có nguy cơ nhận được kết cục tệ hơn những gì đáng ra bạn có thể có được. Bạn hối tiếc về con đường mình đã không chọn và vô cùng đau khổ. Cuộc sống của bạn sẽ bị nuốt chửng bởi khao khát tìm kiếm sự tối ưu.
Phản ứng của bạn với nỗi sợ này là bỏ ngỏ tất cả lựa chọn, chứ không từ bỏ một thứ nào và cố tình trì hoãn. Theo một nghĩa nào đó, bạn là người tích trữ. Tuy nhiên, thay vì tích trữ mèo, giày hay những số của tạp chí The New Yorker mà bạn nghĩ mình sẽ đọc vào một ngày nào đó, bạn lại đang tích trữ cơ hội. Bằng cách đó, bạn sẽ không bao giờ lo lắng về việc có ngày bạn thức dậy và ước rằng mình đã đồng ý đi trượt tuyết hoặc giá như đã đầu tư vào dự án bất động sản nọ. Những người đang chờ bạn phản hồi có thể phát ốm và mệt mỏi vì phải chiều theo bạn, nhưng nếu họ quyết định bỏ bạn lại, thì đó là tại họ chứ không phải tại bạn. Miễn là bạn không nói không với thứ gì thì sẽ không phải hối tiếc. Bạn vẫn có được mọi thứ mình muốn và xứng đáng với bạn. Bạn vẫn có thể sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Theo cách này, chính sự thiếu quyết đoán đã trở thành thành lũy cuối cùng bảo vệ để bạn không phạm phải bất cứ sai lầm nào.
Nếu bạn tin mình có thể kiểm soát thời gian đưa ra quyết định, bạn cũng sẽ cho rằng mình có thể quay đầu lại. Khi làm việc trong một môi trường có nhiều lựa chọn, bạn dễ dàng bắt đầu tin rằng mình có thể làm chủ số phận. Thật không may, đó chỉ là ảo tưởng. Mặc dù thỉnh thoảng bạn có thể thoát khỏi FOBO, nhưng cuối cùng, nó cũng sẽ bắt kịp bạn. Càng trì hoãn các quyết định, bạn càng có nguy cơ vuột mất một số lựa chọn tiềm năng. Khi hạn cuối ngày càng đến gần và dần trôi qua, thế giới sẽ tiếp tục vận hành mà chẳng cần có bạn. Bạn sẽ nhanh chóng bị mất kiểm soát và đau khổ nhận ra rằng mình không còn nắm quyền điều khiển. Bạn phải hành động thật nhanh để tránh được thảm họa. Trớ trêu thay, ngay lúc này, bạn lại thay đổi suy nghĩ. Thay vì tối ưu hóa hoặc đặt hy vọng vào phương án tốt nhất trong tất cả các phương án, bạn lại chuyển sang chế độ giảm thiểu rủi ro. Bạn vơ lấy tất cả những gì có thể, trông mong vào điều gì đó, bất cứ điều gì, còn hơn là tay trắng.
Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá những động cơ khiến cho việc chờ đợi một lựa chọn tốt hơn trở nên vô cùng hấp dẫn, hoặc thậm chí cám dỗ đến mức không thể cưỡng lại. Bạn biết đấy, các yếu tố như tâm lý, công nghệ và tính ái kỷ cuồng nhiệt lỗi thời đã cùng “bắt tay” với nhau để truyền sức sống cho FOBO. Một phần nguyên nhân khiến cho sự kết hợp này có tác động mạnh mẽ là do nhìn từ bên ngoài, trông chúng không quá nguy hiểm. Ngược lại, mong muốn có nhiều lựa chọn hơn và chọn thứ hoàn hảo nhất cho bản thân có vẻ rất hợp lý. Tuy nhiên, bạn thấy đấy, không phải lúc nào mong muốn đó cũng giúp bạn tự chủ hơn. Đối với người mắc phải FOBO, mong muốn đó giống một nhà tù nhiều hơn.