17 Meme là một trào lưu, một phần của phương tiện truyền thông, thường hài hước và lan truyền nhanh chóng qua Internet.
“Lòng đố kỵ nằm ở tất thảy niềm vui mà bạn nghĩ người khác có được.”
- ERICA JONG
Trong nhiều năm qua, hàng loạt thương hiệu, từ Macy’s, Dunkin’ đến Spotify đã sử dụng FOMO hoặc các biến thể của thuật ngữ này trong các tài liệu tiếp thị. Tuy nhiên, tôi thích nhất chiến dịch của McDonald’s, trong đó họ cảnh báo khách hàng của mình về FOMM, viết tắt của cụm từ “Fear of Missing Out on McRib” (Lo sợ bỏ lỡ bánh mì thịt lợn McRib) (đừng lo, chúng ta sẽ không bỏ lỡ món này đâu). Cùng lúc đó, trên Instagram, những viện trưng bày “nghệ thuật” và “bảo tàng” thân thiện với nhiều cái tên như Bảo tàng Kem, Nhà máy Sắc màu và Bảo tàng ảnh selfie xuất hiện nhan nhản. Thứ mà tôi thích ở thể loại này là Nhà máy FOMO – một cửa hàng được mở tại trung tâm thương mại thành phố Austin, Texas trong một vài tháng vào năm 2018. Chỉ với 28 đô-la, du khách có thể tham gia vào “trải nghiệm chụp ảnh selfie sống động”, ghé một quầy bar chỉ phục vụ Snapple (một trong những nhà tài trợ của cuộc triển lãm) và chụp đủ kiểu hình để đăng lên mạng xã hội ngay lập tức.
Với giá trị meme cao độ, FOMO trở thành phép ẩn dụ yêu thích của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, người dẫn chương trình giao lưu và quảng bá hashtag. Chính vì vậy, nó thường được coi là một thứ tầm thường, thậm chí là một trò cười – chủ yếu liên quan đến ảnh selfie và nỗi sợ bỏ lỡ các bữa tiệc, kỳ nghỉ hoặc bánh mì thịt lợn McRib. Trên thực tế, định nghĩa đầu tiên xuất hiện trong Từ điển Urban (Từ điển thành ngữ thông tục và tiếng lóng), nơi đã làm nên tên tuổi của FOMO trước khi nó được thêm vào Từ điển Oxford và Merriam-Webster, cũng đồng tình với quan điểm này:
“nỗi sợ bỏ lỡ”
Cảm giác lo lắng rằng nếu bạn không tham dự một bữa tiệc hoặc sự kiện nào đó, thì bạn sẽ bỏ lỡ điều gì đó rất tuyệt vời. Mặc dù đã kiệt sức, nhưng FOMO đã khiến John cố gắng hết sức đến tham gia bữa tiệc. #sợ#bỏlỡ#tiệctùng#nhịpsốngvềđêm
Không giống như Rickroll, Harambe, Hiện tượng Chuck Norris, Tide PODS và hàng triệu hiện tượng có tính lây lan khác nổi lên một dạo rồi nhanh chóng chìm xuống, sức mạnh của FOMO tồn tại lâu dài một cách đáng kinh ngạc. Bây giờ, nó đã trở thành một mã hiệu được sử dụng rộng rãi, đặc biệt với thế hệ Millennials. Chuyên mục “Lát cắt” của New York Magazine đã tóm tắt đầy đủ lý do tại sao FOMO chiếm đặc quyền vượt trội trong nền văn hóa đại chúng: “… nhìn chung, những thuật ngữ như ‘FOMO’ mang lại hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng – nó giúp chúng ta thể hiện những điều mà thậm chí chúng ta còn không biết là mình cảm nhận được”. Như vậy, FOMO không chỉ là một meme. Đó là một trạng thái ảnh hưởng đến một bộ phận lớn trong xã hội và khiến cuộc sống của mọi người trở nên phức tạp và kém thú vị hơn. Cuối cùng, khi bạn nhận ra mình không phải là người duy nhất đang đấu tranh, rằng thậm chí còn có một từ để mô tả cảm xúc của bạn, thì nó trở nên cộng hưởng.
Cuộc đấu tranh này là có thật. Theo báo cáo của tờ Psychology Today, những người mắc FOMO thường dễ chán nản, tổn thương lòng tự trọng, cô đơn và mặc cảm hơn, đặc biệt là khi họ tin rằng mình không thành công bằng bạn bè đồng trang lứa, hoặc những người khác trong mạng lưới quan hệ xã hội của họ. FOMO cũng có mối liên hệ chặt chẽ với thành tích học tập dưới mức trung bình, gây khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ tiếp xúc trực tiếp và làm suy giảm động lực. Với những tác động đó, FOMO đã thu hút sự chú ý của các nhà tâm lý học trên khắp thế giới, buộc họ phải tiến hành nghiên cứu thực tế để có thể hiểu rõ hơn về nguyên nhân và tác động của nó.
Các nhà nghiên cứu đã phát triển các phân tích dựa trên dữ liệu cho thấy FOMO có ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống và cách nhìn nhận bản thân của bạn. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2018 do các sinh viên đại học thực hiện cho thấy những người mắc FOMO thường “bị mệt mỏi, căng thẳng, khó ngủ và mắc các chứng bệnh về thể chất nhiều hơn”. Những phát hiện được công bố trên tạp chí Motivation and Emotion cũng thể hiện rằng FOMO thay đổi theo lịch trình và hoạt động hằng ngày của mỗi người. Ví dụ, FOMO tăng lên vào cuối ngày và cuối tuần. Nó đạt đến đỉnh điểm khi bạn phải thực hiện những việc cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng thú vị trong cuộc sống, chẳng hạn như làm việc hay học tập. Không có gì ngạc nhiên nếu nguy cơ bạn cảm thấy FOMO khi đến thư viện vào tối thứ Sáu sẽ cao hơn nhiều so với khi ăn trưa với bạn bè vào chiều thứ Ba. Nghiên cứu đó cũng xác định rằng các đối tượng đều trải nghiệm cảm giác FOMO giống hệt nhau, dù họ tình cờ biết đến một sự kiện trên mạng hay qua lời giới thiệu của người khác ngoài đời thực.
Ngay cả khi mạng xã hội đóng vai trò là yếu tố cấp quyền hơn là chất xúc tác cho những cảm xúc này, nó vẫn đóng một vai trò quá khổ khi nó trở thành sự kích động. Cụ thể, nó làm giảm cảm giác mâu thuẫn khi bạn phát hiện ra những lựa chọn thay thế cho bất cứ việc gì bạn đang làm ngay lúc này. Bạn sẽ dễ dàng, nếu không nói là có nhiều khả năng tìm thấy những tác nhân kích thích FOMO lây lan quanh bạn nhờ vào mạng xã hội, hơn là bằng cách đi khắp khuôn viên trường. Chính vì mạng xã hội là công cụ đắc lực thúc đẩy FOMO nên nó bị cho là nguyên nhân gây ra căng thẳng, đố kỵ và trầm cảm, cũng như khiến người trẻ gặp phải những rủi ro không đáng có trên mạng khi đăng tải những nội dung không phù hợp hoặc tự khoe khoang về bản thân. Nó cũng có thể lan đến đời thật vì gây tổn hại các mối quan hệ thực tế.
Dù bạn cảm thấy FOMO khi gọi điện hay trực tiếp gặp mặt bạn bè thì cũng ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy cuộc sống và kế sinh nhai của bạn thật sự đang đối mặt với nguy cơ bị thiệt hại lâu dài. Khi đồng nghiệp, môi trường xung quanh hoặc internet chi phối những động lực đằng sau các quyết định của bạn, thì nghĩa là bạn đang từ bỏ quyền kiểm soát và không còn khả năng làm chủ cuộc sống của mình. Mặc dù tài liệu học thuật về FOMO đang được thu thập thêm, nhưng hiện tượng này vẫn còn quá mới mẻ, chúng ta cần phải học hỏi và tìm hiểu thêm rất nhiều về hậu quả lâu dài của nó đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Như các tác giả của bài viết “Fear of Missing Out: Prevalence, Dynamics, and Consequences of Experiencing FOMO” (tạm dịch: Nỗi sợ bỏ lỡ: sự lây lan, động lực và hậu quả của FOMO) đã kết luận: “Tựu trung lại, chúng tôi tin rằng lĩnh vực tâm lý học xã hội đã bỏ lỡ FOMO và chúng ta cần có thêm nhiều nghiên cứu về hiện tượng này”.
Ai bảo các nhà tâm lý học xã hội không có khiếu hài hước?
Bắt đầu với thế hệ FOMO, nhưng chưa dừng lại ở đó
FOMO vẫn luôn là một phần của tâm lý con người từ khi bạn sinh ra cho đến lúc “nhắm mắt xuôi tay”. Nếu bạn từng cố gắng dỗ dành con mình đi ngủ trong khi chúng còn muốn thức hay cố vòi cho bằng được chiếc điện thoại trong tay ông bà (những người luôn đặt rất nhiều câu hỏi!), thì hẳn bạn biết tôi đang nói về điều gì rồi đấy. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết sự chú ý lại chỉ tập trung vào thế hệ Millennials. Năm 2011, một nghiên cứu mang tính bước ngoặt về FOMO do công ty quảng cáo toàn cầu J. Walter Thompson thực hiện cho thấy 72% người trưởng thành thuộc thế hệ Millennials nhận thấy bản thân có liên quan đến khái niệm này, trong khi 41% thỉnh thoảng hoặc thường xuyên trải nghiệm FOMO. Mặc dù nghiên cứu trên được tiến hành vào thời điểm được cho là FOMO chưa xuất hiện nhiều như ngày nay (các ứng dụng như Instagram, Snapchat và Tinder thậm chí còn chưa tồn tại!), nhưng ý nghĩa đã quá rõ ràng. Tôi gọi nhóm người này là Thế hệ FOMO – đại diện cho làn sóng đầu tiên của những cư dân mạng chân chính.
Hầu hết thế hệ Millennials chẳng bao giờ biết được cuộc sống trước khi có internet là như thế nào, nên có thể họ sẽ sống cả đời trong một thế giới trực tuyến. Họ trở thành nhân vật thí nghiệm đầu tiên cho mỗi sản phẩm số thu hút thị hiếu, từ Yik Yak, Tumblr, Vine đến TikTok, cùng tất cả trang web hoặc ứng dụng khác mà cha mẹ họ không bao giờ hiểu nổi. Những năm thiếu niên vụng về, những năm đại học vô tư lự và hầu hết mọi khía cạnh khác trong cuộc sống đều được họ chia sẻ lên mạng. Một cách hết sức tự nhiên, họ trở thành chuyên gia trong việc xây dựng thương hiệu số của bản thân để tăng tối đa lượt “like” và cố gắng hết sức để trau chuốt hình ảnh sao cho thật hoàn hảo. Dù thế hệ Millennials có thể thu hút mọi sự chú ý (ám chỉ những lời than thở thô lỗ rằng một lần nữa bọn trẻ thế hệ Millennials làm điều này đều là vì bản thân họ) nhưng rõ ràng họ không phải là những người duy nhất làm vậy. Một nghiên cứu tương tự của J. Walter Thompson nhận thấy hơn một nửa thế hệ Gen X (những người sinh ra trong khoảng thập niên 1960 đến thập niên 1970) và một phần ba thế hệ Baby Boomers (thời bùng nổ dân số 1946 - 1964 tại Mỹ) vẫn có thể gặp phải FOMO.
Kết luận trên sẽ trở nên hợp lý nếu bạn nhớ lại rằng FOMO hoàn toàn liên quan đến việc ra quyết định. Dù bạn tin hay không thì những nỗi lo âu đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện ngay từ thời thơ ấu. Khi bạn nhận thức được thế giới xung quanh và bắt đầu cảm nhận tất cả cơ hội mà nó mang lại, thì bạn cũng ý thức được những hạn chế của bản thân và sự thiếu tự chủ của mình nói chung. Bạn không được quyết định thời gian đi ngủ, không được tự chọn thức ăn và cũng không có những quy tắc riêng. Tình trạng ép buộc đó kéo dài suốt thời thơ ấu cho đến tuổi vị thành niên, khi bạn bắt đầu nếm trải cảm giác tự do – mặc dù vẫn còn bị giới hạn, trừ khi bạn là kẻ bất trị hoàn toàn. Cuối cùng, khi bước vào ngưỡng cửa trưởng thành, bạn rời khỏi nhà của cha mẹ (hoặc vẫn ở chung) và bắt đầu sống theo lựa chọn của mình.
Viễn cảnh sống tự lập vô cùng hấp dẫn nhưng cũng rất áp lực, đặc biệt khi bạn bị cuốn theo tâm lý so sánh bản thân với tất cả những người mà bạn mới gặp, những người có xuất thân và trải nghiệm đa dạng nên cuộc sống của họ dường như thú vị hơn so với bạn. Việc phải làm thì rất nhiều nhưng thời gian lại quá ít, vì vậy, bạn cố gắng ôm hết tất cả và chuốc lấy thất bại. Lối suy nghĩ “You Only Live Once” (Bạn chỉ sống một lần trên đời) hay YOLO vốn đã ăn sâu vào tâm trí lại tiếp tục đeo bám bạn những năm sau đại học, và nếu hiểu theo nhiều cách, đó là quãng thời gian đại học kéo dài. Bạn bè, đồng nghiệp vẫn ở xung quanh bạn nên bạn càng dễ dàng so sánh với họ và nhận lời mời đến các cuộc vui chơi hay phiêu lưu. Đây là thời điểm bạn dễ bị cám dỗ nhất nếu ngừng suy nghĩ một cách chủ động mà bắt đầu quyết định dựa trên tất cả tín hiệu bên ngoài do môi trường xung quanh tạo ra.
Sau khi đạt đỉnh điểm trong giai đoạn từ khi còn nhỏ cho đến giữa tuổi trưởng thành, cảm giác FOMO thường giảm dần từ giữa cho đến cuối thời trưởng thành. Vào khoảng thời gian này, bạn tất bật với công việc lẫn chuyện gia đình hơn bao giờ hết, bạn ít có thời gian hơn để suy nghĩ về những thứ mình đang bỏ lỡ và cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
Nếu bạn lang thang ở ngoài cả đêm thì nhất định sẽ thấy hậu quả ngay ngày hôm sau. Thêm vào đó, sự bất cân xứng thông tin – nguyên nhân gây ra FOMO – đã không còn tác động mạnh mẽ như trước. Bạn tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống nên khi những cơ hội mới vụt qua, bạn ý thức được mình sẽ bỏ lỡ những gì. Nhờ vậy, bạn tiến lên phía trước dễ dàng hơn nhiều, chỉ cần chọn thứ nào ý nghĩa nhất và bỏ qua những thứ còn lại. Bạn có thể thở phào nhẹ nhõm rồi đấy. Cuộc đấu tranh đã kết thúc, phải không?
Ngay cả khi bạn nghĩ FOMO đã qua đi thì nó vẫn có thể hồi sinh mạnh mẽ trong những giai đoạn sau của cuộc đời. Đầu tiên, bạn có nguy cơ gặp khủng hoảng ở tuổi trung niên. Sau nhiều năm trời cặm cụi sống và làm việc, cuối cùng, bạn cũng ngước nhìn lên và nhận ra rằng: Giờ đây, khoảng thời gian bạn bỏ lại phía sau đã dài hơn số năm tháng mà bạn còn lại để sống. Sự háo hức mua quần jeans bó sát và chiếc xe thể thao xa hoa cho bằng bạn bằng bè đã nói lên tất cả. Rồi khi về hưu, bạn có nhiều thời gian rảnh hơn và cần phải làm gì đó để lấp đầy thời gian trống. Bạn cũng nhận thức rõ hơn về cái chết và thực tế là bạn không thể sống mãi để làm hết tất cả những gì mình muốn. Từ lúc này, các lựa chọn của bạn sẽ dần bị hạn chế. Nếu bạn mơ ước được một lần trong đời tới Ấn Độ hoặc đưa các cháu của mình đến Disneyland, hãy làm ngay bây giờ, khi sức khỏe vẫn còn cho phép. Dù thật đáng buồn nhưng bạn biết rằng đến một lúc nào đó, bạn sẽ lại phải tuân theo các quy tắc do người khác đặt ra, giống hệt như khi bạn còn nhỏ. Đó có thể là con cái đã trưởng thành hoặc người chăm sóc bạn. Họ điều khiển cuộc sống và bạn sẽ không còn giữ quyền kiểm soát. Bây giờ hoặc không bao giờ!
Bạn có phải là FOMO Sapiens?
Bây giờ, bạn đã hiểu được những biểu hiện của FOMO và nhận ra rằng mình gần như không thể nào tránh được các yếu tố kích thích nó, cả trên mạng lẫn trong thế giới thực, trừ khi bạn sống trong một hang động xa xôi nào đó. Lựa chọn duy nhất của bạn là học cách kiểm soát nó. Để bắt đầu quá trình này, bạn hãy thành thật nhìn nhận cách FOMO đang thay đổi hành vi và định hình các quyết định của bạn. Bạn có thể bắt đầu hiểu rõ nguồn gốc của mọi thứ bằng cách thực hiện bài kiểm tra do một nhóm nhà tâm lý học soạn ra và công bố trên tạp chí học thuật Computers in Human Behavior vào năm 2013. Loạt câu hỏi thường xuyên được trích dẫn trong cộng đồng nghiên cứu này cũng đã nhảy vào văn hóa internet. Bài kiểm tra này được chia sẻ rộng rãi, và trớ trêu thay, tôi ngờ rằng nó phổ biến như vậy là nhờ FOMO. Nếu biết bạn bè của mình đã làm bài kiểm tra này, hẳn bạn cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội làm theo.
Khi bạn trả lời các câu hỏi dưới đây, điều thú vị là chỉ có một câu duy nhất trực tiếp đề cập đến internet. Những câu hỏi này đều xác định các hành vi mang tính phổ quát. Tuy nhiên, bạn rất dễ, hay thậm chí bị cám dỗ, đầu hàng trước những lo lắng tiềm ẩn này trong thời đại số. Bạn chỉ cần cầm điện thoại lên, và như vậy, bạn đã vô tình mở cánh cửa để kích hoạt, thậm chí nạp thêm năng lượng cho nỗi lo lắng đó.
Các câu hỏi tự đánh giá
Với mỗi câu trong mười câu hỏi dưới đây, hãy tự đánh giá theo thang điểm từ 1 (hoàn toàn không đúng với tôi) đến 5 (cực kỳ đúng với tôi).
1. Tôi sợ người khác có nhiều trải nghiệm đáng giá hơn tôi.
2. Tôi sợ bạn bè có nhiều trải nghiệm đáng giá hơn tôi.
3. Tôi lo lắng khi phát hiện ra rằng bạn bè đang vui vẻ mà không có tôi.
4. Tôi cảm thấy lo lắng khi không biết bạn bè của mình đang làm gì.
5. Tôi nhất định phải hiểu những câu đùa của bạn tôi có ý nghĩa gì.
6. Đôi khi, tôi tự hỏi liệu mình có mất quá nhiều thời gian để theo kịp những gì đang xảy ra hay không.
7. Tôi cảm thấy khó chịu khi bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ bạn bè.
8. Mỗi khi có dịp nào vui vẻ đáng nhớ, tôi muốn chia sẻ chi tiết sự kiện đó trên mạng cho mọi người cùng biết (ví dụ: cập nhật trạng thái).
9. Việc bỏ lỡ một kế hoạch đã được sắp xếp từ trước khiến tôi bực bội.
10. Trong kỳ nghỉ, tôi vẫn tiếp tục theo dõi xem bạn bè đang làm gì.
Tiếp theo, bạn hãy tính điểm trung bình cho mười câu trả lời trên.
Được rồi, giờ thì kết quả đó cho bạn biết điều gì? Trước khi đưa ra bất kỳ kết luận chắc nịch nào, bạn hãy nhớ rằng cần đánh giá mọi thứ một cách khách quan. Dù bạn đạt điểm trung bình là 5 trong cả bài đánh giá thì đây cũng chỉ là phép đo lường tượng trưng, chứ không phải một đánh giá chính thức của chuyên gia trị liệu. Thay vì xem điểm số đó như kết luận cuối cùng, bạn hãy xem nó như một xuất phát điểm để bắt nhịp với tình hình hiện tại. Chúng ta đã rõ ràng tất cả, bây giờ bạn có thể nghe diễn giải về điểm số của mình. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát một nhóm đối tượng gồm hai nghìn người trong độ tuổi từ hai mươi hai đến sáu mươi lăm và nhận thấy kết quả trung bình là khoảng 2 điểm. Do đó, nếu bạn đạt điểm dưới 3 nghĩa là ở mức trung bình khá. Bạn sẽ gia nhập đội ngũ FOMO sapiens nếu có điểm trên 3. Nhưng dù vậy thì cũng đừng lo lắng. Trong hai phần cuối của cuốn sách này, bạn sẽ học được cách thay đổi tình hình.
Một điều đáng mừng là bạn có thể kiểm soát các quyết định của mình, và khi làm vậy, bạn đang vô hiệu hóa FOMO. Tuy nhiên, khống chế được FOMO thì vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề. Rốt cuộc, FOMO không còn là thủ phạm duy nhất chi phối quyết định của bạn. Còn có một FO khác, FOBO, tức Fear of a Better Option (Nỗi sợ còn có lựa chọn tốt hơn), cũng tác động đến những lựa chọn (hoặc quyết định không chọn) trong cuộc sống cá nhân hoặc chuyên môn của bạn hằng ngày. Tuy nhiên, khác với FOMO, FOBO chủ yếu ẩn nấp trong bóng tối, chờ đợi thời điểm thích hợp để bùng nổ. Tôi rất ngạc nhiên trước phát hiện này vì tôi đã luôn tin rằng FOBO gần giống như FOMO, hoặc chỉ nhỉnh hơn FOMO một chút. Tôi cũng học được rằng giống như hai mặt của một đồng tiền, chúng ta phải đồng thời xử lý FOMO và FOBO, vì chúng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sâu xa giống nhau. Trong chương tiếp theo, bạn sẽ thấy rằng mặc dù sức mạnh của FOMO rất ghê gớm, nhưng bạn nhất định cần phải biết đến một FO khác nữa.