“Lễ hội Fyre có thể được xem là sự kiện gây FOMO nhiều nhất năm 2017.”
- NHÀ ĐẦU TƯ LỄ HỘI FYRE, PITCH DECK
Vào tháng 4 năm 2017, Lễ hội Fyre, một sự kiện âm nhạc không thể bỏ qua đã gây được sự chú ý lớn vì những nguyên do hoàn toàn sai trái. Lễ hội do doanh nhân Billy McFarland và nghệ sĩ rap Ja Rule tài trợ, được tổ chức trên hòn đảo riêng của Pablo Escobar6 tại Bahamas. Để bán được vé, ban tổ chức đặt cược hết vào một nhóm nhân vật ưu tú trên mạng xã hội, được gọi là Nhóm phát động Fyre (Fyre Starters). Những người có sức ảnh hưởng này nhắm đến đối tượng là thế hệ Millennials, với gần một nửa thừa nhận rằng họ tham gia các sự kiện trực tiếp chỉ để có thứ gì đó hoành tráng đăng lên mạng xã hội. Nhóm phát động Fyre bao gồm bốn tên tuổi nổi tiếng có sức tác động lớn nhất thời điểm đó: Kendall Jenner, Emily Ratajkowski và chị em nhà Bella (Thorne và Hadid). Tài khoản Instagram của họ có khoảng 150 triệu người theo dõi.
6 Pablo Escobar (1949-1993) là trùm ma túy khét tiếng nhất thế giới, đứng đằng sau các tổ chức buôn ma túy Medellin Cartel của Columbia.
Dưới sự dẫn dắt bởi Bốn (nữ) kỵ sĩ huyền thoại trên mạng xã hội, Nhóm phát động Fyre đã tiếp cận hơn 300 triệu người và lôi kéo những người theo dõi họ mua vé với giá 12.000 đô-la. Cách làm này thật sự hiệu quả. 95% số vé được bán sạch sau bốn mươi tám giờ phát hành. Tuy nhiên, mặc cho những lời hứa hẹn rằng Lễ hội Fyre sẽ mang đến một cuối tuần đáng nhớ nhất trong đời bạn, cuối cùng nó lại biến thành trận hỏa hoạn7 thê thảm đối với cư dân mạng. Hóa ra, khi bạn lên kế hoạch tổ chức lễ hội âm nhạc quốc tế thì những mơ mộng táo bạo và sự hậu thuẫn của Ja Rule thôi là chưa đủ. Bạn cần phải có nền móng cơ bản. Cho tới lúc những vị khách đầu tiên xuất hiện, chương trình rõ ràng vẫn không thể diễn ra vì gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng về an ninh, thực phẩm và nơi lưu trú. Thêm vào đó, ban nhạc Blink-182 rút khỏi buổi biểu diễn. Lễ hội lâm vào bế tắc.
7 Tác giả chơi chữ “fire” – đám cháy và “Fyre” – tên của lễ hội.
Trớ trêu thay, một lễ hội được chống lưng bởi thế lực danh tiếng trên mạng xã hội lại bị một nhóm khách tham dự lông bông phá hoại bằng những bài đăng có sức lan truyền mạnh mẽ. Khi hashtag #FyreFestival xuất hiện khắp nơi, sự thật dần trở nên rõ ràng: tình huống này vốn đã được dàn xếp ngay từ đầu – bắt đầu bằng việc tuyên bố thuê trọn hòn đảo của Escobar đến hứa hẹn những món ăn cao cấp và chỗ ở sang trọng – để tạo ra tâm lý FOMO rồi kiếm tiền từ đó. Thật là một âm mưu ích kỷ, quá đáng. Cuối cùng, McFarland bị kết án sáu năm tù vì những hành động của mình.
Bạn không phải là người duy nhất liếc mắt hay lắc đầu khi nghĩ đến sự điên rồ của Lễ hội Fyre. Hầu như chẳng ai nghĩ được rằng họ sẽ mất một phần nhỏ gia tài chỉ vì chị em nhà Bella đăng một thứ gì đó lên Instagram. Toàn bộ sự việc dường như đã đạt đến đỉnh điểm của sự ngu ngốc, lố bịch. Tuy nhiên mỗi ngày, bạn đều phải đối mặt với Lễ hội Fyre của riêng mình theo những cách nhỏ nhặt và tinh vi hơn nhiều. Bạn thường xuyên bị choáng ngợp trước các yếu tố kích thích trên mạng lẫn trong thực tế, chúng tác động vào tiềm thức và kiểm soát trực giác của bạn. Đó có thể là cảm giác bứt rứt khi bỏ qua một sự kiện xã hội để ở lại công ty làm việc muộn, cố không cầm điện thoại lên khi đang ăn tối, hoặc tự hỏi tại sao hình như ai cũng làm giàu được với bitcoin8 trong khi bạn không hề biết nó là gì. FOMO vẫn lan rộng dù bạn có nhận thức được hay không.
8 Một loại tiền ảo, có thể trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.
Trước thực tế này, bước đầu tiên để đánh bại FOMO là học cách phát hiện ra tất cả đòn “đánh tỉa” của nó vào sự tập trung và ý hướng của bạn. Muốn vậy, trước hết, bạn cần phải hiểu FOMO hoạt động như thế nào và có ý nghĩa ra sao. Nghe thì dễ còn làm mới khó. Vì thuật ngữ này đã trở nên phổ biến nên có hàng loạt định nghĩa được gán cho nó. Để bạn đọc hiểu rõ hơn, tôi sẽ đưa ra một định nghĩa toàn diện về FOMO của chính tôi, và từ giờ trở về sau cuốn sách, nó sẽ định hình cách sử dụng và thảo luận về thuật ngữ này của chúng ta.
FOMO
\ʹfō-(ʹ)mō\ Danh từ. Thông tục
1. Cảm giác lo lắng không mong muốn vì nghĩ rằng người khác đang có những trải nghiệm thú vị hơn bạn và mong muốn đó thường bị khuếch đại bởi các trang mạng xã hội.
2. Áp lực xã hội vì nhận thấy rằng bạn sẽ bỏ lỡ hoặc bị loại khỏi một trải nghiệm chung tích cực hoặc đáng nhớ.
Vai trò của nhận thức
Ấn tượng của bạn về giá trị nội tại của một thứ dựa trên tất cả các loại tín hiệu bên trong lẫn bên ngoài, như gia đình, bạn bè, những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, kinh nghiệm quá khứ, sở thích hoặc đam mê. Đây là những yếu tố thuyết phục rằng bạn phải làm hoặc sở hữu thứ gì đó. Chúng vốn không định lượng được nhưng lại chi phối, ít nhất là một phần, cảm xúc, thành kiến, hy vọng và sự bất an của chúng ta. Xét theo nghĩa cơ bản nhất, nhận thức là sản phẩm của sự tính toán đầy cảm tính. Khi bạn có cảm giác FOMO, nghĩa là trái tim đang thúc đẩy bạn hãy cải thiện tình trạng của mình. Niềm tin rằng cuộc sống của bạn sẽ trở nên tốt đẹp hơn so với hiện tại, theo cách nào đó, là động lực thôi thúc bạn rời khỏi chiếc đi-văng để chạy theo những bữa tiệc, chuyến đi, con cái hay công việc. Về cốt lõi, bản chất FOMO là sự khao khát, bắt nguồn từ việc tìm kiếm bất kỳ thứ gì lớn hơn, tốt hơn và có triển vọng hơn so với hoàn cảnh hiện tại. Nó cũng mặc nhiên cho rằng bạn có nhiều lựa chọn, thậm chí là quá nhiều chọn lựa, có thực hoặc chỉ do tưởng tượng, để tự do làm theo ý mình.
Đồng thời, nhận thức cũng có thể lừa dối bạn. Nếu bạn đang cân nhắc về một sự việc nào đó, thật ra bạn cũng đâu biết nó sẽ diễn ra như thế nào. Sự thiếu liên kết giữa điều bạn nghĩ hoặc hy vọng nhận được với thứ bạn thật sự nhận được, trên thực tế được gọi là sự bất cân xứng thông tin. Nó trực tiếp làm nên bản chất của FOMO. Mọi thứ trở nên thú vị khi bạn nhớ rằng luôn có những ngoại lực đang cố thôi thúc bạn làm điều gì đó mơ hồ, và có khả năng đã bị bóp méo, bởi sự bất cân xứng thông tin. Nếu biết trước mình sẽ nhận được gì, bạn sẽ không phí phạm dù chỉ một phút hoặc đốt cháy một calo nào cho việc lo sợ bỏ lỡ. Thay vào đó, bạn chỉ cần đồng ý hoặc cho qua là xong. Thông tin đầy đủ sẽ vô hiệu hóa sức mạnh của những điều chưa biết. Nếu bạn từng tham gia hẹn hò trực tuyến hoặc mua sắm bất động sản, nơi thực tế là “một trời một vực” so với ảnh minh họa, thì hẳn bạn hiểu tôi đang nói gì. Sự khác biệt giữa nhận thức với thực tế có thể khiến bạn bị sốc. Đó là lý do tại sao những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội thường mang động cơ không mấy tốt đẹp khi đảm bảo mọi sản phẩm do họ giới thiệu đều rất tuyệt vời, dù thật ra chúng chẳng có gì đặc biệt. Giây phút mà sự bất cân xứng thông tin được làm sáng tỏ, phần độc diễn cũng hạ màn.
Vai trò của hòa nhập
Trong phần tiếp theo của chương này, bạn sẽ thấy rằng con người bẩm sinh có khuynh hướng tìm kiếm sự hòa nhập và tránh né sự loại trừ bằng bất kỳ giá nào. Xét về mặt lịch sử, bản năng này là biểu hiện sinh tồn của những cá thể có khả năng thích nghi mạnh mẽ nhất trong hoàn cảnh khắc nghiệt, nhưng hiện nay nó đã dần biến thành thứ khác: khao khát trở thành thành viên của nhóm và được nhiều người biết đến. Về cơ bản, mong muốn đó cũng tương tự như cảm xúc của bạn trong những lần lựa chọn thành viên cho đội thi đấu thể thao hồi nhỏ. Bạn đứng dựa vào tường, trong lúc các đội trưởng chọn từng người trong số các bạn học của bạn, cho đến khi họ gọi tên hai người cuối cùng kém may mắn nhất. Nếu bạn không phải là một vận động viên xuất sắc (nhờ vài cân mỡ thừa nên tôi cũng không) thì nỗi sợ lớn nhất của bạn là bị chọn sau cùng (tôi cũng thường như vậy). Khi đứng ngó trân trân xuống đôi giày Nike, tất cả những gì tôi ao ước là cảm giác được hòa nhập. Nếu bạn từng rơi vào tình huống như vậy, hẳn bạn sẽ biết tôi đang nói gì. Bạn không cần thắng cuộc, thậm chí cũng chẳng quan tâm xem mình có ghi được điểm nào hay không, bạn chỉ không muốn bị bỏ lại mà thôi.
Cuộc đua bò tót ở Mỹ
Mặc dù việc định nghĩa FOMO rất hữu ích, nhưng cách tốt nhất để nói về FOMO là minh họa sự hiện diện của nó trong thế giới thực. Tuy đã có rất nhiều điển cứu được phân tích nhưng tôi tin rằng một ngày nào đó, khi các bác sĩ tâm thần và nhà xã hội học hợp tác nghiên cứu về sự bành trướng của FOMO và tác động của nó đối với xã hội, chắc chắn họ sẽ dành nhiều trang để viết về một thói quen “thâm căn cố đế” và được xem như dấu hiệu nhận biết mùa lễ hội mua sắm bắt đầu. Hằng năm, vào sáng sớm ngày thứ Sáu thứ tư của tháng Mười một, hàng triệu người Mỹ sẽ tham gia vào một hiện tượng văn hóa được gọi là Black Friday (Thứ Sáu Đen).
Ngay cả khi bạn quyết tâm đứng ngoài thì Thứ Sáu Đen vẫn có thể ảnh hưởng một chút đến ngày Lễ Tạ Ơn của bạn như thế này: Khi bạn đang chăm chú chuẩn bị cho một ngày nghỉ trọn vẹn bên gia đình với thật nhiều thức ăn và thưởng thức bóng bầu dục, thì từ từ, bạn nhận ra đang có chương trình giảm giá – những món hàng GIẢM SỐC – sẽ được mở bán trong vài giờ nữa. Rõ ràng mạng xã hội là yếu tố góp phần làm nên hiện tượng này vì tin tức về đợt giảm giá “có một không hai trong đời” này được lan truyền mạnh mẽ trên internet. Tuy vậy, còn nhiều tín hiệu tương tự góp phần thúc đẩy Thứ Sáu Đen tiếp cận với nhiều người hơn. Đầu tiên, số báo địa phương dịp Lễ Tạ Ơn chứa đầy tờ rơi bóng loáng, hứa hẹn giảm sốc cho những người đầu tiên can đảm xếp hàng chờ cửa hàng mở bán. Sau đó, tivi hoặc đài phát thanh sẽ nhắc nhở rằng nếu bạn thực sự yêu quý những người xung quanh, hãy chứng minh bằng cách mua quà tặng họ vào lúc nửa đêm. Cuối cùng, khi bạn đang cắn dở miếng bánh bí ngô, dì của bạn sẽ thông báo rằng dì phải đi ngủ sớm để đến trung tâm mua sắm trước ba giờ sáng, giành lấy chiếc máy chơi điện tử mới nhất, đẹp nhất cho các cháu của mình như mọi năm.
Ngoài những vụ giảm giá, và những người không mê giá sốc, còn rất nhiều điều về Thứ Sáu Đen không hề đáng yêu chút nào. Mỗi năm, mùa mua sắm sẽ bắt đầu sớm hơn một chút, nghĩa là những người làm việc trong ngành bán lẻ sẽ không được nghỉ lễ và thường phải làm cả trong ngày Lễ Tạ Ơn. Ngoài Thứ Sáu Đen, ngành này còn tạo ra nhiều chương trình khuyến mãi mới như Thứ Bảy Mua Lẻ (Small Business Saturday) và Thứ Hai Điện Tử (Cyber Monday), còn có Thứ Ba Cho Đi (Giving Tuesday) và toàn bộ tuần Lễ Tạ Ơn biến thành một lễ hội mua sắm quy mô lớn. Tuy nhiên, những phiền toái này không hề đáng kể nếu so với một truyền thống khác đi kèm Thứ Sáu Đen. Năm nào cũng vậy, khi đám đông hối hả chen lấn nhau giành chỗ mua hàng, luôn có nhiều người bị thương hoặc thậm chí tử vong. Suy cho cùng, người ta gọi những chương trình khuyến mãi này là “bom phá cửa” (doorbusters) cũng có lý do. Chúng luôn luôn phơi bày ra phần tồi tệ nhất trong bản chất con người. Thậm chí còn có một trang web mang tên blackfridaydeathcount.com ghi lại cảnh thương vong do giẫm đạp, xô xát và đánh nhau ở các bãi đỗ xe!
Nếu lùi lại một bước để nhìn rõ hơn, bạn sẽ nhận thấy Thứ Sáu Đen cũng chứa những yếu tố cơ bản tương tự với nền tảng của FOMO: sự nhận thức và hòa nhập. Đầu tiên, sự bất cân xứng thông tin khiến bạn bị thuyết phục gia nhập vào đám đông để chớp lấy mọi cơ hội giành được món hàng giá hời trong khi nguồn cung vẫn còn. Bạn không biết người ta sẽ tranh giành quyết liệt thế nào hoặc còn bao nhiêu hàng trong kho. Vì vậy, khi cửa hàng vừa mở, bạn phải có mặt ở đó ngay nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội tiết kiệm tiền sắm sửa. Thứ hai, sự điên cuồng được dựng lên để khai thác sức mạnh đám đông. Toàn bộ trải nghiệm được xây dựng trên cảm giác phấn khích khi bạn chạy đua với hàng xóm để mua được vật trang trí hoàn hảo đặt dưới gốc cây, bên cạnh đế đèn cầy menorah9, hoặc trong tủ quần áo của bạn. Các nhà bán lẻ làm mọi cách để lôi kéo bạn đến cửa hàng. Năm 2018, Walmart thông báo các cửa hàng của họ sẽ tổ chức “tiệc”, tặng bốn triệu tách cà phê và hai triệu cái bánh quy. Những loại chiến thuật này nghe có vẻ hơi rẻ tiền nhưng hóa ra lại rất hiệu quả: khoảng 175 triệu người Mỹ (trong đó có tôi) ngày nay đang mua sắm trực tuyến hoặc đến cửa hàng trong suốt dịp cuối tuần giữa Lễ Tạ Ơn và Thứ Hai Điện Tử.
9 Chiếc đế đèn cầy của người Do Thái, được chia làm tám nhánh, thường thắp trong lễ hội Hanukkah (Lễ hội Ánh sáng) truyền thống (ND).
Chung quy lại, các thế lực đứng đằng sau Thứ Sáu Đen là một âm mưu đa chiều với ý đồ chia cách bạn với gia đình, chiếc giường và thẻ tín dụng. Nhưng đó không phải là âm mưu duy nhất. Mỗi ngày, dù ít hay nhiều, bạn đều phải đối mặt với một âm mưu được thúc đẩy bởi sự kết hợp hữu hiệu giữa sinh học, văn hóa và công nghệ, nhằm đạt được mục tiêu tương tự như Thứ Sáu Đen: kích thích cảm giác FOMO trong bạn, khiến bạn đưa ra lựa chọn theo sự tác động của các yếu tố bên ngoài chứ không phải bằng trực giác và tính logic của cá nhân bạn. Chính vì vậy, điều quan trọng là bạn phải nhớ rằng bạn không chọn FOMO. Thay vào đó, bạn bị nhồi nhét cảm xúc FOMO bởi một tổ hợp tay chơi bao gồm Apple, Google, Facebook, Snap, mọi ứng dụng trên điện thoại, các thương hiệu tiêu dùng lớn, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, vỏ não, tổ tiên của bạn và cả Kinh Thánh. Vì vậy, như bạn sẽ thấy trong phần tiếp theo, mặc dù FOMO vẫn là cảm giác của bạn, nhưng bạn chưa bao giờ thật sự có cơ hội lựa chọn nó hay không.
Tại sao FOMO không phải là lỗi của bạn? #1: Sinh học
Cụm từ viết tắt FOMO có thể mới nhưng những động lực thúc đẩy đằng sau nó thì không. Xét trên quan điểm sinh học thần kinh, con người bẩm sinh đã có cảm giác FOMO. Thời xa xưa, tổ tiên của chúng ta, Homo habilis và Homo erectus sống bằng nghề săn bắn và hái lượm trong các bộ lạc. Họ biết rõ mình đang có những gì và thiếu những gì cho ngày hôm sau. Thời đó, bạn sẽ phải trả giá nếu mắc chứng hoang tưởng. Nếu bạn cứ lượn lờ xung quanh các đồng loại hominid (vượn người) và bỏ lỡ nguồn thức ăn, nước uống hoặc nơi trú ẩn quan trọng, cuộc sống của tất cả các bạn có thể bị đe dọa. Đồng thời, người tối cổ nhận ra rằng một yếu tố khác chi phối sự sống còn của họ là phải liên tục tham gia vào các nhóm giúp họ định hướng nguồn lương thực và chỗ trú ngụ trong môi trường sống khắc nghiệt thời đó. Nếu bị loại khỏi nhóm hoặc lạc mất luồng thông tin quan trọng, bạn sẽ gặp nguy hiểm. Bạn biết mình cần phải sống theo bầy đàn – bạn cần hòa nhập – để chiếm ưu thế trong cuộc sinh tồn của những kẻ thích nghi tốt nhất. Nếu không có FOMO, toàn bộ loài người chúng ta có thể đã tuyệt chủng!
Nguồn gốc hóa học tạo ra cảm giác FOMO trong tổ tiên vẫn còn tồn tại trong ADN của chúng ta cho đến tận hôm nay. Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan đã đăng một bài báo trên tạp chí Molecular Psychiatry, phân tích chi tiết cách thức bộ não hình thành một phản ứng cảm xúc rất thú vị trước mối đe dọa bị từ chối. Thí nghiệm được thiết kế giống như phiên bản kỳ quặc của ứng dụng hẹn hò. Những người tham gia được sàng lọc thông qua hồ sơ hẹn hò trực tuyến, sau đó bắt cặp với người mà họ có khả năng yêu thích nhất để cả hai đi đến mối quan hệ thân mật. Tiếp theo, các nhà khoa học tiến hành quét não trong hai trường hợp: Khi người tham gia biết rằng đối tượng hẹn hò của họ đã đáp lại lời mời và khi họ bị từ chối. Sau khi bình tĩnh lại, các bản quét cho thấy não người sử dụng cùng một hệ thống giảm đau tự nhiên, tương tự như nhóm opioid10 để phản ứng lại với các tổn thương về thể chất và tinh thần, chẳng hạn như lúc gặp thất bại hoặc bị từ chối. Hóa ra lời nói có thể gây tổn thương, ít nhất cũng làm bạn đau đớn như gậy gộc và đá cuội, nhất là khi bạn đang muốn hòa nhập và được người khác chấp nhận.
10 Thuốc giảm đau nhóm opioid là nhóm các chất tự nhiên và tổng hợp, có các tính chất như morphine, tác động lên các thụ thể opioid (Từ điển Cambridge) (ND).
Không phải chỉ con người mới có bản năng tìm kiếm sự chấp nhận vào một nhóm nào đó. Một số loài động vật khác cũng vậy. Khi quan sát dòng người Mỹ đổ đến trung tâm mua sắm vào Thứ Sáu Đen, tôi lại nhớ đến cuộc di trú của loài linh dương đầu bò qua Serengeti. Mỗi năm, hơn 1,5 triệu con linh dương di cư từ Bắc Tanzania đến Kenya rồi quay ngược lại. Đó là một hành trình đầy nguy hiểm qua quãng đường dài khoảng 1.000 km. Có khoảng 250 nghìn con bị chết dọc đường nhưng chúng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải di cư theo bản năng.
Trong lúc tiến về phía bắc Masai Mara, đàn linh dương đầu bò chen chúc nhau đến nỗi còn rất ít khoảng trống giữa đuôi của con này với mõm của con kia, tạo thành một đường thẳng dài đến độ mắt thường cũng có thể nhìn ra từ xa. Khi quan sát bầy linh dương tiến về phía trước, ta mới cảm nhận rõ ý nghĩa của cuộc diễu hành dường như vô tận này. Đó là một chiến lược sinh tồn dựa trên hiện tượng mang tên trí tuệ bầy đàn (swarm intelligence). Việc di chuyển theo bầy giúp chúng tránh được kẻ săn mồi dễ dàng hơn so với khi chỉ có vài con lẻ tẻ. Vì dù kẻ săn mồi có kéo được một con ra khỏi đàn thì những con còn lại vẫn ngoan cường tiến tới. Con nào cũng tin tưởng vào bản năng của mình, bởi đó là cách giúp chúng sống sót trong suốt hành trình dài băng qua biết bao đồng bằng.
Có thể bạn đang tự hỏi: Cuộc di cư của linh dương đầu bò thì liên quan gì đến Thứ Sáu Đen? Rất liên quan đấy. Cả hai đều là ví dụ về tâm lý bầy đàn. FOMO bắt nguồn từ một mong muốn sơ khai của con người là được thuộc về một nhóm nào đó. Hiểu theo cách này, chúng ta không khác mấy so với linh dương đầu bò. Bản năng thôi thúc con người tìm kiếm sự hòa nhập, vốn được xem là nền tảng để sống còn (xét về mặt cảm xúc) của chúng ta. Với suy nghĩ đó, việc người ta giẫm đạp lên nhau trong “cuộc đua bò tót ở Mỹ” hoàn toàn có thể đổ lỗi cho đặc điểm di truyền.
Tuy nói vậy nhưng có một điều quan trọng bạn cần phải nhớ: Chẳng ai trong chúng ta là linh dương đầu bò cả. Nếu bạn bỏ qua Lễ hội Fyre hoặc bữa tiệc kỷ niệm trang trí theo chủ đề Game of Thrones11 của nhà hàng xóm, thì bạn cũng không bao giờ bị linh cẩu tấn công và phải toi mạng. Trừ khi bạn sống ở Serengeti (ở đây, bất kỳ con linh dương đầu bò nào cũng có thể nói với bạn rằng xác suất xảy ra việc đó rất có ý nghĩa về mặt thống kê), bằng không bạn có thể bỏ qua rủi ro này. Khác với linh dương đầu bò, bạn không cần phải đi theo bầy đàn thì mới sinh tồn được.
11 Game of Thrones (Trò chơi Vương quyền) là bộ phim truyền hình giả tưởng sản xuất bởi đài HBO, được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết A Song of Ice and Fire của nhà văn George R. R. Martin.
Tại sao FOMO không phải lỗi của bạn? #2: Văn hóa
Nguồn gốc sinh học, thứ khiến cho con người dễ bị ảnh hưởng bởi những cảm giác do FOMO mang lại trong suốt lịch sử nhân loại, vẫn chưa biến mất. Vì là một phần cơ bản trong bản chất con người nên FOMO đã được thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, kịch, phim ảnh, tôn giáo và văn hóa đại chúng suốt hàng thiên niên kỷ.
Chúng ta hãy cùng xem xét Sách Sáng Thế trong Kinh Thánh. Câu chuyện bắt đầu từ buổi bình minh của nhân loại, khi Adam và Eva đang tận tâm chăm sóc Vườn Địa Đàng và theo lời răn của Chúa Trời, họ tuyệt đối không được ăn quả của Cây Trí Tuệ. Thời gian trôi đi êm ả, họ sống ở một thiên đường trần thế cho đến khi con rắn xuất hiện và thuyết phục Eva ăn trái cấm. Nó dụ dỗ Eva bằng những lý do khó có thể chối từ – loại trái đó trông rất đẹp mắt, nếu Eva ăn nó, cô sẽ biết cách phân biệt điều thiện và điều ác giống như Chúa Trời. Eva đã đầu hàng trước cám dỗ và bị trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng. Đối với Eva, đây chính là cái giá phải trả vì đã bị cảm giác FOMO lôi kéo.
Theo Kinh Thánh, Eva là người đầu tiên, nhưng chắc chắn không phải là người cuối cùng, phải chịu hậu quả do quyết định thiếu khôn ngoan. Những đoạn video quay lại cảnh người ta ăn ớt, quế hay uống sữa... vô tội vạ thu hút hàng trăm triệu lượt xem trên YouTube. Những trò quảng cáo này sau đó lại được tái hiện trong nhà hàng, tại nhà và các sân chơi vì mọi người trên thế giới hiện nay thích đùa với lửa, đầu hàng trước FOMO và tham gia những thử thách ăn uống vô bổ. Họ cũng bị cám dỗ, nhưng không phải vì con rắn, mà vì cơ hội hòa vào đám đông và chạy theo trào lưu. Những trò lố bịch ấy không chỉ gây lãng phí thực phẩm tươi ngon mà còn khiến họ trả giá. Họ có thể phải nhập viện. Năm học sinh ở Ohio sau khi ăn ớt ma cực cay đã phải vào viện do dị ứng. Tồi tệ hơn, một người đàn ông ở California phải nằm viện hai mươi ba ngày vì bị vỡ thực quản.
Sự kết hợp giữa FOMO và internet có thể xui khiến cá nhân và cả các công ty làm những việc vô cùng liều lĩnh. Năm 2017, Pepsi hy vọng thu hút được sự chú ý của thế hệ Millennials, nhóm đối tượng triển vọng và có ý thức về chính trị, bằng một bộ phim ngắn mang tên Live for Now Moments Anthem (tạm dịch: Bài ngợi ca sống cho giây phút hiện tại). Trong đoạn phim (nói đúng ra là phim quảng cáo), người mẫu Kendall Jenner đã bỏ ngang buổi chụp hình để tham gia một cuộc biểu tình đang diễu hành ngang qua. Mặc dù quảng cáo không nói rõ đám đông phản đối việc gì (chỉ có một tấm bảng đề chữ “Love”) nhưng Kendall đã gật đầu với người dẫn đầu và đi theo họ. Khi đến nơi tập trung biểu tình, cô tự tin sải bước lại gần hàng cảnh sát chống bạo loạn với vẻ mặt lạnh như tiền. Không khí căng thẳng được phá vỡ khi cô rút ra một lon Pepsi và đưa cho viên sĩ quan. Khi anh ta uống nó và mỉm cười, đám đông reo hò rồi ôm chầm lấy nhau. Tất cả đều công nhận Pepsi có thể là giải pháp cho mọi vấn đề trên thế giới.
Với mong muốn đoàn kết thế hệ Millennials trong một tình yêu chung dành cho nước giải khát Pepsi, công ty này còn cố gắng đạt được một mục đích khó thực hiện hơn: hợp nhất những người Mỹ thuộc tất cả đảng phái chính trị vì tất cả mọi người đều tin rằng bộ phim (ừm, quảng cáo) của họ hoàn toàn trung lập. Tuy nhiên, Pepsi bị chỉ trích vì đã lồng ghép hình ảnh của các phong trào xã hội (cũng là nguồn cảm hứng đầu tiên của quảng cáo này) vào một cuộc biểu tình ôn hòa nhằm giới thiệu nước giải khát. Sau khi bị công chúng phản ứng dữ dội trên diện rộng, Pepsi đã gỡ quảng cáo xuống trong vòng chưa đầy bốn mươi tám tiếng. Sau đó, tập đoàn này công khai xin lỗi người tiêu dùng và người mẫu Jenner. Đó là khởi đầu cho một tháng khủng khiếp đối với Jenner: Chỉ vài tuần sau đó, Lễ hội Fyre lại diễn ra.
Dù là ăn trái cấm, tiêu thụ thức ăn hay uống lon Pepsi bị cấm thì những ví dụ trên đều cho thấy FOMO đã ăn sâu vào văn hóa, đến nỗi bạn không cần đến điện thoại thông minh hay mạng xã hội thì mới được trải nghiệm hoặc bị trả giá vì nó. Trước khi internet và mạng xã hội ra đời, báo chí, đài phát thanh, truyền hình, các cuộc trò chuyện thường ngày và thậm chí buổi trình diễn của Chú Frank trong hành trình đến Hawaii, đều hợp sức khơi dậy cảm giác sợ bỏ lỡ trong bạn. Đồng thời, trong vòng hai mươi năm qua, có một việc rõ ràng đã thay đổi. Chẳng hạn, tại sao tất cả mọi người từ Homo habilis đến Homer Simpson12 đều có thể tồn tại trên trái đất này trong nhiều thiên niên kỷ mà không cần đến một từ mô tả cảm giác FOMO cho đến tận bây giờ? Tất nhiên, thay đổi đó chính là sự bùng nổ của internet và việc nó biến đổi xã hội của chúng ta từ tín hiệu analog sang tín hiệu số.
12 Nhân vật chính hư cấu của loạt phim hoạt hình The Simpsons, là người bố trong gia đình Simpson.
Tại sao FOMO không phải là lỗi của bạn? #3: Công nghệ
Nếu bạn muốn hiểu vai trò của công nghệ trong việc thúc đẩy FOMO thời đại ngày nay, hãy nhớ lại những năm đầu thập niên 2000, hay còn được biết đến là Thời kỳ Tăm tối13 (Dark Ages) của mạng xã hội. Khi chưa có mạng xã hội, điện thoại thông minh, ứng dụng nhắn tin và sự kết nối rộng khắp của chúng kết hợp với nhau, thế giới của chúng ta đã vận động theo một cách khác. Hầu như mọi tương tác kỹ thuật số đều yêu cầu bạn phải chủ động truy cập internet. Bạn khởi động máy tính, kết nối với mạng LAN hoặc một trong những điểm phát Wi-Fi hiếm hoi rồi bắt đầu lướt web hoặc gửi email. Không có bất kỳ thông báo hay ứng dụng nhắn tin nào buộc bạn cứ vài phút lại phải chú ý một lần. Nhờ đó, việc sử dụng internet rất giống xem tivi. Vì hoàn toàn chủ động mỗi lúc truy cập mạng nên bạn kiểm soát nó chứ không phải ngược lại.
13 Thời kỳ Tăm tối (Dark Ages) là một cách phân kỳ lịch sử thường dùng để chỉ thời kỳ Trung Cổ. Cách gọi này nhấn mạnh sự suy thoái văn hóa và kinh tế ở châu Âu sau khi Đế chế La Mã suy tàn.
Quay trở về thời điểm hiện nay. Lần cuối cùng bạn không bị mất tập trung là khi nào? Có lẽ là cái ngày trước khi bạn sở hữu chiếc điện thoại thông minh đầu tiên. Kể từ đó đến nay, nếu có lúc nào hơi rảnh rỗi một chút, chẳng hạn như khi đang xếp hàng hoặc lựa đồ tạp hóa, có lẽ bạn sẽ rút điện thoại ra xem. Bạn cài một ứng dụng, viết một email, lướt mạng xã hội, chơi trò chơi hoặc xóa hàng loạt tin nhắn. Bạn không dành nổi một vài phút để mơ mộng hoặc cho phép bản thân cảm thấy thư thái, để tâm trí thảnh thơi và tự do tự tại. Người Mỹ hiện nay dành hơn mười tiếng mỗi ngày chỉ để nhìn vào màn hình, phần lớn là trên các thiết bị di động. Ngày nay, internet chính là nguyên nhân gây ra FOMO. Nó kiểm soát bạn.
Điều gì đã thay đổi? Về cơ bản, có ba lực tác động mạnh mẽ đã sắp xếp lại các mối quan hệ giữa con người với công nghệ và giữa con người với nhau, thay đổi cách chúng ta tiếp nhận thông tin và làm trỗi dậy bản năng nguyên thủy đã biến FOMO thành một phần trong tâm lý con người. Thứ nhất, chúng ta sống trong một thời đại không ngừng tiếp cận thông tin. Thứ hai, cuộc sống của chúng ta bị thay đổi do sự gia tăng các siêu đa liên kết mà sự phát triển của mạng xã hội tạo ra. Thứ ba, tất cả thông tin và khả năng đa liên kết này khiến bạn dễ dàng so sánh bản thân với người khác, dù họ sống ngay cạnh nhà bạn hay cách bạn nửa vòng trái đất. Hậu quả là nỗi sợ so sánh trở nên đặc biệt nguy hiểm trong hoàn cảnh thế giới mạng xã hội bị kiểm soát chặt chẽ.
1. Không ngừng tiếp cận thông tin
Nhà văn nổi tiếng Henry David Thoreau14 từng viết: “phần lớn con người đều sống một cuộc đời quá đỗi thầm lặng”. Nếu Henry David Thoreau còn sống đến hôm nay, có lẽ ông đã đăng dòng tweet bày tỏ kết quả quan sát đầy ảm đạm sau:
14 Nhà văn Mỹ nổi tiếng với tác phẩm Walden kể về trải nghiệm cuộc sống của ông giữa thiên nhiên hoang dã ở hồ Walden.
Chúng ta luôn sống giữa một thế giới phức tạp và khó lường, nhưng mãi đến gần đây, hầu hết mọi người vẫn còn cảm thấy hạnh phúc khi không hề biết chuyện gì đang diễn ra bên ngoài môi trường xung quanh họ. Một người bình thường nhận được thông tin định kỳ từ ba nguồn dữ liệu: truyền hình, báo in và truyền miệng. Bây giờ nhìn lại, tất cả chuyện đó dường như thật cổ lỗ và xa lạ. Ngày nay, internet liên tục truyền tin tức trực tiếp và nóng hổi đến chiếc điện thoại trong tay bạn. Bạn có thể theo dõi đến từng chi tiết bất cứ điều gì mình muốn – bất kể câu chuyện ở ngóc ngách nào hay bạn đang sống ở đâu. Bạn cũng có thể tham gia, bình luận và trêu chọc các cư dân mạng khác và nhờ đó trở thành một phần của câu chuyện.
Sự phổ biến của các phương tiện truyền thông số và di động đã định hình mạnh mẽ cách tiếp nhận, xử lý và truyền bá thông tin, đồng thời tác động của công nghệ cũng tăng lên nhanh chóng. Trong mười năm, từ năm 2008 đến 2017, thời gian người Mỹ sử dụng phương tiện số hằng ngày đã tăng hơn gấp đôi, từ 2,7 giờ lên 5,9 giờ. Trong khi đó, thời lượng dùng di động tăng vọt hơn 800%, từ dưới hai mươi phút lên đến hơn ba tiếng mỗi ngày! Kết quả là quyền truy cập thông tin đã được dân chủ hóa cho tất cả mọi người, thông tin có thể lan ra khắp nơi, và lượng thông tin khổng lồ đó, trong khi có thể khiến người ta vui vẻ, cũng thường khiến họ kiệt sức và không thể phớt lờ. Nhưng trên hết, nó có tính gây nghiện. Trung tâm Nghiên cứu Pew chỉ ra rằng 77% người Mỹ lên mạng mỗi ngày, trong đó có 26% gần như online liên tục. Giữa một xã hội luôn “trong trạng thái hoạt động”, chúng ta trở nên quá phụ thuộc vào internet, như một kênh giải trí, nâng cao hiệu quả làm việc, tìm kiếm cơ hội, thông tin,... đến mức gần như không thể tưởng tượng được một cuộc sống thiếu internet. Một cuộc khảo sát gần đây của Asurion15 cho thấy hầu hết người Mỹ tin rằng họ chỉ có thể sống được một ngày nếu thiếu điện thoại di động. Đó cũng là thời gian mà họ cho rằng mình có thể tồn tại khi không có thức ăn và nước uống.
15 Một công ty tư nhân cung cấp bảo hiểm cho điện thoại thông minh, máy tính bảng, điện tử tiêu dùng, thiết bị, máy thu vệ tinh và trang sức có trụ sở tại Nashville, Tennessee.
2. Siêu đa liên kết
Ngay trong lúc chúng ta đang chìm đắm giữa biển thông tin thì cuộc sống của chúng ta đã bị thay đổi bởi sự kết nối triệt để và sự chia sẻ liên tục (đến thái quá). Ngay từ đầu, sức hấp dẫn của mạng xã hội đã là điều không thể phủ nhận. Trong cuộc sống ảo, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhân vật chính. Mạng xã hội bắt đầu với những dòng cập nhật trạng thái và thỉnh thoảng là những sự kiện “giật gân”, nhưng nó nhanh chóng phát triển thành một quảng trường công cộng, nơi người dùng có thể chia sẻ hình ảnh, video, ý kiến hoặc bất cứ điều gì khác để nhận được một “like”. Tại sao phải xem tivi trong khi bạn có thể dựng nên vở kịch của riêng mình và nhận được phản hồi ngay lập tức?
Các cuộc khảo sát phát hiện ra rằng 56% người dùng sợ bỏ lỡ các sự kiện, tin tức và những dòng cập nhật trạng thái quan trọng nếu không sử dụng mạng xã hội. Con số sau đây sẽ thực sự nói lên một thông điệp, nếu bạn biết tổng số người dùng mạng xã hội trên trái đất đã vượt trên 2,6 tỷ và được dự đoán sẽ tăng lên hơn 3 tỷ, tương đương 40% dân số toàn cầu vào năm 2021. Như vậy, hơn 1,5 tỷ người sẽ sớm phải chịu đựng FOMO. Trước sự “xâm chiếm” đáng kinh ngạc của FOMO, dù bạn đang ở Palo Alto hay Papua New Guinea, có lẽ bạn vẫn tốn hơn hai tiếng mỗi ngày để kết nối mạng xã hội, nhiều hơn thời gian mà hầu hết mọi người dành cho việc ăn uống, lái xe hoặc tập thể dục, chỉ kém thời gian để ngủ, làm việc và xem tivi. Thật đáng kinh ngạc. Trong vòng chưa đầy hai mươi năm, thay vì dành thời gian sống, tương tác với thế giới và mọi người xung quanh, chúng ta đã nhường lại một phần quan trọng trong cuộc sống cho một thế lực hoàn toàn mới.
3. Nỗi sợ so sánh
Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu công cụ duy nhất để nghiên cứu về loài người mà các nhà nhân khẩu học có được chính là Instagram. Họ sẽ rút ra kết luận nào về xã hội hiện đại? Dựa trên những gì tôi thấy trong bản tin của mình, tôi đoán rằng họ sẽ kinh ngạc trước một thế giới đầy những tay Brooklyn thời thượng đang uống matcha latte, những đứa trẻ đáng yêu luôn cười toe toét và nhiều người hay chụp ảnh đôi chân khi đang nằm dài bên bể bơi. Sau đó, có lẽ họ sẽ bắt đầu cảm thấy hơi thiếu thốn vì cuộc sống của mình không thể nào sánh được với cuộc sống của người khác.
Tất cả thông tin mà bạn thu thập trên mạng xã hội đều dẫn đến một hệ quả tiêu cực: bạn gần như không thể tránh được sự cám dỗ thúc đẩy bạn “thăm dò” cuộc sống của người khác, dù bạn có quen biết họ hay không, rồi sau đó so sánh với cuộc sống của mình. Mọi người luôn tự so sánh bản thân với bạn bè và hàng xóm. Suy cho cùng, con người sinh ra vốn đã thích cạnh tranh và dễ bị bất an. Tuy nhiên, nếu bộ phim Keeping Up with the Joneses chỉ xảy ra trong phạm vi địa phương thì mạng xã hội cho phép người ta dễ dàng thấy được những hình ảnh “ký họa” về cuộc sống của người khác, dù họ đang sống ở đâu. Bạn có thể tiếp cận sơ bộ cuộc sống (trực tuyến) của họ, sau đó so sánh với cuộc sống của mình. Tất nhiên, bạn không biết liệu những hình ảnh và bài đăng được trau chuốt kỹ càng kia có phản ánh đúng thực tế hay không. Nhờ sự bất cân xứng thông tin, có thể bạn sẽ không bao giờ biết đằng sau bộ lọc hoàn hảo đó có những gì.
Có ai chưa từng chặn tài khoản của những người thành công trên bản tin mạng xã hội của mình? Dù bạn yêu thích và tôn trọng người đó thế nào đi nữa thì việc biết về thành công và lướt đọc những lời khoe khoang khiêm tốn của họ hằng ngày cũng khiến bạn mệt mỏi. Nhưng dù chặn bao nhiêu người, hoặc biết rõ là tất cả mọi người, từ bạn thân nhất của bạn đến Selena Gomez đều đã trau chuốt cho cuộc sống ảo của họ kỹ càng đến thế nào, thì cũng thật khó có thể ngừng so sánh bản thân với những cái mốc không thể vượt qua đó, không cần biết nó có thực hay chỉ là tưởng tượng. Nếu muốn biết việc chạy theo gia đình Jones mệt mỏi như thế nào, hãy hỏi Aloysius McGinis.
Đồng thời, điều trớ trêu là trên thực tế bạn có thể theo kịp họ, hãy nỗ lực nhiều hơn, và tìm kiếm những trải nghiệm hiếm có vốn dễ dàng hơn nhiều so với trước đây. Giá vé máy bay đã giảm đến 50% trong vòng ba mươi năm qua, khiến cho việc ngắm một buổi hoàng hôn hoàn hảo trở nên khả dĩ và dễ dàng hơn nhiều. Trong khi đó, sự ra đời của những lao động tự do, nền kinh tế Gig16 và công nghệ viễn thông mang lại lối sống linh hoạt chưa từng có. Ngay cả khi tất cả mọi chuyện trong cuộc sống đều thất bại, bạn vẫn có thể dùng bộ lọc để chỉnh sửa hình ảnh ổ bánh mì nướng bơ, tô điểm cho nó bằng vài ứng dụng để thuyết phục thế giới, và có lẽ cả chính bản thân bạn nữa, rằng bạn vừa đăng bức ảnh ổ bánh mì tuyệt vời nhất từ trước đến nay.
16 Nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian.
Bằng cách đó, bạn đã đặt những bước đầu tiên vào một cuộc đua không hồi kết. Khi bước chân vào một trận chiến không trung thực bị những mánh khóe kỹ thuật số và thông tin bất cân xứng thống trị, bạn không bao giờ có cơ hội chiến thắng. Không ai có thể chiến thắng. Và dù bạn “thắng” đi nữa, thì chiến thắng đó cũng chỉ là bề nổi. Nếu bắt đầu định lượng giá trị bản thân bằng số lượt “like” mình nhận được, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy thất vọng. Sự công nhận đến từ người ngoài vốn không tồn tại lâu dài. Hào quang của nó sẽ nhanh chóng phai nhạt và bạn sẽ sớm vội vã tìm kiếm sự công nhận tiếp theo, hệt như một con nghiện đi tìm thuốc cho lần hút kế tiếp.
Nếu thấy những điều tôi nói trên nghe có vẻ kịch tính hóa thì bạn nên biết rằng FOMO không phải là một câu chuyện đùa. Nó liên lụy hết sức hệ trọng đến bạn và xã hội, vì vậy bạn phải cẩn thận. Bây giờ, khi đã biết về nguy cơ mắc phải FOMO, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy dấu vết của nó ở khắp mọi nơi. Bạn sẽ nhận ra cách mà các yếu tố khách quan thúc đẩy bạn đưa ra quyết định cảm tính thay vì dựa trên lý trí, nên bạn không còn tin vào trực giác của mình nữa. Đây là bước đầu tiên để chống lại cuộc tấn công đang diễn ra hằng ngày và bủa vây mọi giác quan của bạn.
Trong chương tiếp theo, bạn sẽ thấy ngay cả khi các yếu tố biến bạn thành FOMO sapiens thoạt nhìn tưởng như vô hại, nhưng thực chất, cái giá sau cùng mà chúng buộc bạn phải trả tăng nhanh một cách đáng kinh ngạc.