“FOMO (Nỗi sợ bỏ lỡ) là kẻ thù đối với thời gian quý báu của bạn.”
- ANDREW YANG
Năm 2002, tôi trở thành sinh viên năm nhất của Trường Kinh doanh Harvard. Ngẫm lại thì, khi tôi đến Boston để bắt đầu việc học hành của mình, tôi tự nhận thấy mình là một Homo sapiens tương đối “tăng động”. Tôi bỏ ra mấy năm trời để đưa ra quyết định, những quyết định trọng đại của người lớn, những kiểu mà hồi còn ở trường đại học tôi chưa từng nghĩ tới. Tôi chuyển chỗ ở ba lần, làm việc ở hai công ty và đầu tư vào hơn mười công ty với vai trò một nhà đầu tư mạo hiểm. Tôi đã học cách đưa ra những quyết định dựa trên hệ quả, cả trong đời sống cá nhân lẫn công việc, và tôi đã xoay xở làm được điều đó với rất ít biến cố. Nếu tại thời điểm đó, bạn hỏi tôi, thì tôi dám nói rằng tôi đã xoay xở khá tốt với hành trình trưởng thành của mình.
Phải thừa nhận rằng, trước khi con người biết đến những thứ như chat sex hay chụp ảnh selfie, cuộc sống rất đơn giản. Khi bắt đầu theo học trường kinh doanh, tôi không dùng bất cứ phương tiện truyền thông xã hội nào. Mà cũng chẳng ai dùng cả. Mạng xã hội lúc đó vẫn còn sơ khai, dù vậy, cũng đang manh nha thay đổi: Mark Zuckerberg đang thực hiện phiên bản đầu tiên của Facebook ở nơi cách ký túc xá sinh viên của tôi chưa đến một dặm dù khi đó tôi không biết. Tuy nhiên, ngay cả khi chưa có Facebook, Twitter và tất cả các mạng xã hội đã trợ lực cho hiện tượng FOMO hôm nay, thì vẫn có điều gì đó xuất hiện ngay khi tôi đặt chân đến trường: một nỗi lo sợ dai dẳng đột ngột xâm chiếm lấy tôi, rằng bất kể tôi đang ở đâu, làm gì, vẫn có điều tốt đẹp hơn đang diễn ra ở những nơi khác. Đó là sự tác động rõ ràng mà môi trường mới đem lại cho tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi đắm chìm trong một môi trường có quá nhiều lựa chọn. Ở đây không gì là không thể. Đồng thời, tôi cũng chẳng hy vọng mình có thể nắm bắt được dù chỉ một phần nhỏ trong số những cơ hội ấy. Tất cả những gì tôi phải làm là so sánh bản thân với bạn bè đồng trang lứa – đa số đều rất hồ hởi khoe với tôi những gì họ có – để biết rằng mình không bao giờ bắt kịp họ.
Hãy để tôi giải thích lý do tại sao. Trong trí tưởng tượng của tôi, cuộc sống tại Trường Kinh doanh Harvard giống như cuộc sống bên trong một trang mạng xã hội. Mỗi ngày ở đây bề bộn hệt như “phiên bản” thực tế của tổ hợp LinkedIn, Facebook, Twitter và Snapchat, mặc dù lúc đó vẫn chưa có công ty nào trong số ấy ra đời. Bạn sống trong một bong bóng xà phòng tự phản chiếu, nơi thông tin được truyền đi với tốc độ ánh sáng, nên những cuộc trò chuyện và khoe khoang của bạn (dù khiêm tốn hay không) đều trở thành đề tài được đem ra bàn tán. Những câu chuyện này có chức năng tương tự như bản tin trên Facebook, story dí dỏm trên Instagram hay dòng tweet ác ý trên Twitter. Môi trường đó lại càng nuôi dưỡng một nỗi lo sợ lan tràn rằng bạn sẽ bị cho ra rìa trong hoạt động nào đó đang xảy ra quanh bạn, nhất là khi nó quan trọng hơn, tốt hơn và có triển vọng hơn việc bạn đang làm. Ngay cả khi tôi, bạn bè của tôi và bạn không thể gọi tên những cảm xúc đó, thì bạn vẫn phải liên tục đấu tranh với chúng.
Có lẽ tôi đã phải chịu đựng cảm giác này nhiều hơn bạn bè của mình. Nhìn lại quá khứ, tôi thấy mình là một ứng cử viên tự nhiên để trở thành FOMO sapiens đầu tiên trên thế giới. Tôi lớn lên ở thị trấn Maine nhỏ bé, chẳng khác gì những địa điểm mà bạn có thể bắt gặp trong tiểu thuyết của Stephen King3. Nếu bạn chưa từng đến đó thì tôi sẽ cho bạn biết một ít thông tin về những hoạt động thường ngày của người dân địa phương. Họ ăn tôm hùm. Họ đi dạo trên bãi biển. Họ cào tuyết. Họ đến L. L. Bean4. Đó là một nơi tuyệt vời để sống và lớn lên, nhưng không phải là môi trường có nhiều lựa chọn phong phú. Cuộc sống ở đó tương đối dễ đoán, thậm chí còn thoải mái. Vì vậy, hầu như bất cứ lúc nào muốn hoặc cần thứ gì, tôi đã quen với việc có sẵn một số lượng chọn lựa vừa phải.
3 Stephen King là nhà văn người Mỹ thiên về thể loại kinh dị hoặc giả tưởng, rất ăn khách trên khắp thế giới. Ông nổi tiếng với mô-típ biến những tình huống căng thẳng bình thường thành hiện tượng khiếp đảm.
4 Một công ty bán lẻ tư nhân của Mỹ được thành lập vào năm 1912 bởi Leon Leonwood Bean.
Mọi thứ thay đổi kể từ khi tôi bắt đầu học thạc sĩ quản trị kinh doanh. Không những choáng váng trước nhiều lựa chọn, thành thật mà nói, tôi còn cảm thấy mình không thể vuột mất bất cứ cơ hội “nghìn năm có một” nào. Dưới con mắt của tôi, nếu bạn không sợ bỏ lỡ thì có lẽ bạn đã bỏ lỡ rồi. Tôi làm tất cả mọi việc để đảm bảo mình không bỏ qua bất cứ thứ gì. Chỗ nào trong trường cũng có mặt tôi. Chỉ khi ngủ tôi mới thoát khỏi nỗi lo sợ bỏ lỡ đó. Tôi tham gia nhiều câu lạc bộ và hàng loạt sự kiện xã hội, những buổi tuyển dụng, hội nghị, dã ngoại cuối tuần, tọa đàm và tất nhiên là những giờ học trên lớp. Vào các ngày trong tuần, tôi lê mình khỏi giường trước bảy giờ sáng và đổ ập xuống giường khi đã quá nửa đêm. Cuối tuần cũng tất bật không kém. Nếu bạn ném một viên đá vào đám đông tham gia bất kỳ sự kiện nào đang diễn ra trong trường, rất có thể bạn sẽ ném trúng tôi đấy.
Thấy tôi hăm hở tham gia tất cả hoạt động, bạn bè bắt đầu trêu chọc rằng cứ sự kiện nào giúp ích cho việc tiến thân thì có lẽ sẽ có mặt tôi. Họ nói đúng. Rõ ràng tôi phải chịu đựng nỗi sợ triền miên rằng mình chưa tận dụng được hết lợi thế của bất cứ điều gì diễn ra xung quanh, dù nó là về xã hội, học thuật, hay là gì đi nữa. Đáp lại, tôi bảo họ hãy tự nhìn vào gương xem – họ cũng không khá hơn tôi. Tất cả chúng tôi đều bận rộn để chắc chắn rằng mình không tụt lại phía sau. Chúng tôi tốn rất nhiều thời gian và năng lượng vào những thứ không thật sự phản ánh những mối ưu tiên của bản thân. Thay vì làm những việc giúp mình hạnh phúc hay giỏi giang hơn, chúng tôi lại bắt chước việc mà ai cũng làm. Hành vi này xuất phát từ suy nghĩ rất nông cạn: Nếu gật đầu với tất cả, bạn sẽ chẳng cần phải cân nhắc thứ gì.
Dù tôi và các bạn vẫn hay bông đùa về nỗi sợ này, nhưng thực ra đó là sự thật rành rành. Nó nhan nhản trong cuộc sống của tôi và bạn bè đến nỗi tôi quyết định đặt cho nó một cái tên. Vì thường thích tự tạo ra những từ tiếng lóng và tốc ký nên tôi đưa ra một từ viết tắt cho khái niệm này. Cụm từ “fear of missing out” (nỗi sợ bỏ lỡ) được viết tắt thành FOMO. Tôi bổ sung FOMO vào vốn từ vựng cá nhân và biến nó thành một biệt ngữ cho nhóm bạn của tôi. Trước khi tốt nghiệp vào tháng 5 năm 2004, tôi đã viết về thuật ngữ yêu thích này trong bài viết phản ánh thực tế đăng trên tờ báo của trường. Chỉ trong khoảng một nghìn từ, tôi đã vạch trần nền văn hóa học đường tràn ngập FOMO.
Mặc dù bài báo đã trở thành một “cú hit” trong trường, nhưng tôi vẫn không hy vọng từ viết tắt này có thể tồn tại lâu dài. Thật ra, tôi đặt nhiều kỳ vọng hơn vào một từ khác cũng do tôi vừa sáng tạo ra trong thời gian đó – McGincident. Tôi muốn rằng hễ thành viên nào trong gia đình tôi làm việc gì đó hài hước, tài tình hoặc đáng nhớ, thì người ta sẽ nhắc đến McGincident. Nhưng sau đó, FOMO dần dần phát triển một đời sống riêng dù tôi không hề hay biết. Mười năm tiếp theo, câu chuyện về FOMO và hành trình thống lĩnh toàn cầu của nó thật sự trở thành một McGincident đầy bản lĩnh!
FOMO đã thống lĩnh thế giới như thế nào?
Mặc dù lúc đó tôi chẳng biết chuyện gì đang xảy ra nhưng giờ đây, tôi đã có thể xâu chuỗi lại hành trình phát triển của FOMO. Từ phạm vi bạn bè của tôi, nó đã lan đến mọi ngóc ngách trên trái đất một cách chậm rãi mà chắc chắn. Đầu tiên, thuật ngữ này trở nên phổ biến đối với những người học thạc sĩ quản trị kinh doanh trên khắp nước Mỹ. Họ dễ dàng nhận ra khái niệm này rất gần gũi với bản thân mình và nhanh chóng biến nó thành một biệt ngữ phổ biến trong trường học. Năm 2007, tờ Businessweek (nay đổi tên thành Bloomberg Businessweek) nhận xét châm biếm như sau:
Một dịch bệnh đã tấn công các chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh hàng đầu nước Mỹ. Tại Trường Kinh doanh Harvard, nó được gọi là FOMO: nỗi sợ bỏ lỡ. Các triệu chứng của nó bao gồm cảm giác bất lực triền miên khi không thể từ chối tham dự tiệc tùng, các bữa ăn tối hoặc cuộc liên hoan nào có sự góp mặt của những nhân vật có thể tăng thêm giá trị cho mạng lưới quan hệ xã hội của người tham gia, với bất cứ giá nào.
Năm 2008, trong cuốn sách bán chạy nhất theo xếp hạng của tờ New York Times – cuốn Ahead of the Curve: Two Years at Harvard Business School (tạm dịch: Trước đường cong: Hai năm tại Trường Kinh doanh Harvard), tác giả Philip Delves Broughton, người tốt nghiệp sau tôi hai năm, đã viết:
Ban giám hiệu nhà trường liên tục nhắc nhở chúng tôi rằng bí quyết để học ở Trường Kinh doanh Harvard là tuyệt đối không đầu hàng trước FOMO. Hãy lựa chọn chính xác việc bạn muốn làm và kiên quyết thực hiện nó, đừng để ý xung quanh đang xảy ra chuyện gì. Tôi tự dập tắt cảm giác FOMO bằng cách đến thư viện đọc báo mỗi ngày, cố gắng giữ cho tâm trí tránh xa những ảo tưởng phù phiếm càng nhiều càng tốt. Nhưng FOMO luôn lì lợm rình rập, gieo rắc mầm mống độc hại vào đầu óc mọi sinh viên.
FOMO tiếp tục lôi kéo nhiều trường đại học vào vòng ảnh hưởng. Tháng 5 hằng năm, những FOMO sapiens mới tốt nghiệp lại ùa vào thế giới, làm việc trong các ngành công nghệ, tư vấn và tài chính,… Khi đến những văn phòng trên khắp nước Mỹ và toàn thế giới, họ mang theo FOMO và lan truyền nó tới đội ngũ lao động chuyên nghiệp với phạm vi phủ sóng rộng hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội, quá trình thâm nhập của mạng di động và tiếp thị số cũng góp phần đưa FOMO thâm nhập vào nền văn hóa đại chúng.
Mặc dù, tiến bộ công nghệ là yếu tố không thể thiếu thúc đẩy FOMO lan truyền sâu rộng, nhưng tôi vẫn nhớ một câu châm ngôn xưa trong ngành tài chính: Tương quan không có nghĩa là quan hệ nhân quả. Trong chương tiếp theo, bạn sẽ thấy FOMO đã ra đời rất lâu trước khi điện thoại thông minh được phát minh và nó vẫn tồn tại ngay cả khi bạn không bổ sung thiết bị số hỗ trợ cá nhân Palm Pilot đời đầu vào bộ sưu tập tiện ích của mình. Công nghệ ngày nay đã biến những cảm xúc, một phần rất nhân bản của loài người bắt đầu xuất hiện từ thời Homo habilis, trở thành vũ khí sát thương. Những thiết bị điện tử đổ thêm dầu vào ngọn lửa đã cháy từ lâu và khiến nó bùng lên dữ dội hơn bao giờ hết.
Trên thực tế, xét theo nhiều phương diện, FOMO là phiên bản hậu hiện đại của một thành ngữ cổ điển từ lâu đã trở thành một phần văn hóa Mỹ. Trở lại năm 1913, bộ truyện tranh Keeping Up with the Joneses (tạm dịch: Đuổi theo nhà Jones) lần đầu được đăng trên tờ New York Globe. Bộ truyện kéo dài nhiều thập niên. Nội dung của nó là châm biếm nỗi bất hạnh của Aloysius – một người muốn leo lên nấc thang danh vọng cùng gia đình của anh ta trong cuộc chạy đua để theo kịp lối sống thời thượng của nhà hàng xóm – gia đình Jones. Nếu từng đọc bộ truyện này, bạn sẽ thấy đó là câu chuyện giống với FOMO nhất từng được ghi lại. Cốt truyện xoay quanh nỗ lực của vợ Aloysius trong việc giúp anh trở thành bản sao của ông Jones, một kẻ thù đội lốt bạn bè, bằng cách cho anh mang vớ hồng, thắt cà vạt đỏ và đi giày xanh lá. Dù thỉnh thoảng, người ta cũng thấy tôi “chơi” nguyên chiếc cà vạt đỏ nhưng giữa Aloysius và tôi còn một sự trùng hợp khác đáng chú ý hơn nhiều. Tên đầy đủ của anh ấy là Aloysius P. McGinis. Tuy tên của chúng tôi khác nhau một chữ “n” nhưng rõ ràng, Aloysius và tôi có rất nhiều điểm chung. Anh ấy là McGin(n)is đầu tiên mắc FOMO, nhưng chắc chắn không phải là người cuối cùng.
FOMO – nổi danh toàn thế giới
Ngày nay, FOMO đã thâm nhập vào mọi tầng lớp trong xã hội. Nó không còn là vấn đề mang tính vi mô mà đã trở thành nỗi khổ chung có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Để công nhận tầm tác động này, từ FOMO được đưa vào Oxford English Dictionary trong năm 2013 và ba năm sau được đưa vào bản đầy đủ của Merriam-Webster Unabridged Dictionary. Không chỉ được mọi người sử dụng rộng rãi, FOMO còn lan ra toàn cầu. Rõ ràng, nó đã vượt khỏi phạm vi một hiện tượng ở Mỹ để trở thành tiêu điểm trên khắp thế giới. Trong vài năm qua, tờ El País của Tây Ban Nha đã đăng một bài viết châm biếm sự phát triển mạnh mẽ của “thế hệ FOMO”; tờ The Times of Indian đặt câu hỏi “FOMO có đang làm bạn hoang tưởng?”; trong khi đó, bài viết “Le fomo, nouvelle maladie du siècle?” trên tờ Le Figaro của Pháp thắc mắc: Phải chăng FOMO chỉ là một căn bệnh của thế kỷ mới; nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Daily Sabah cảnh báo: “Hastalığın adı ‘FOMO‘! Siz de yakalanmış olabilirsiniz…” nghĩa là “Tên của căn bệnh này là ‘FOMO’! Bạn có thể mắc bệnh đấy…”.
Ngày nay, có hơn mười triệu kết quả cho từ khóa “FOMO” trên Google và hashtag #FOMO xuất hiện hàng trăm nghìn lần trên các trang mạng xã hội như Twitter và Instagram. Nó cũng được sử dụng rộng rãi trên những phương tiện truyền thông, quảng cáo, ứng dụng bitmojis tạo ra biểu tượng hoạt hình đại diện cho cảm xúc của bạn và vô số cuộc trò chuyện hằng ngày trên toàn cầu.
Nói một cách đơn giản, FOMO hiện đã trở thành cụm từ nổi tiếng trên toàn thế giới, được những người ăn xin, tổng thống và cả những thành viên nhà Kardashian5 sử dụng. Bằng sức mạnh của mình, giờ đây nó chiếm vị trí đầu não trong một âm mưu toàn cầu do những nhân vật có sức ảnh hưởng, các thương hiệu và thậm chí cả đồng loại FOMO sapiens của bạn “giật dây”, nhằm tác động đến những quyết định của bạn. Trớ trêu thay, ngay cả gia đình Kardashian nổi tiếng – một phần quan trọng của guồng máy này – cũng bị FOMO chi phối không khác gì bạn và tôi... Trong chương tiếp theo, bạn sẽ thấy hầu như không ai có thể thật sự thoát khỏi FOMO, ngoại trừ một vài tâm hồn vô cùng kiên định và không thể xuyên thủng.
5 Gia đình nổi tiếng trong giới giải trí Mỹ, có chương trình truyền hình thực tế Keeping Up with the Kardashians (tên viết tắt: KUWTK, tạm dịch: Theo chân nhà Kardashian).