Tháng Hai năm 2017 không phải là một tháng tốt lành đối với Travis Kalanick, giám đốc điều hành của Uber vào thời điểm đó. Doanh nghiệp cung cấp nền tảng sử dụng xe chung độc đáo mà ông thành lập vốn đã bị chỉ trích suốt nhiều năm liền bởi các nhà lập pháp cấp thành phố và các nhà hoạt động công đoàn, nhất là ở những thành phố lớn như New York và San Francisco. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng truyền thông của họ chỉ lên đến đỉnh điểm sau khi hàng loạt các bê bối xuất hiện, mở đầu bằng bài đăng trên blog của cựu kỹ sư Susan Fowler về quấy rối tình dục và phân biệt giới tính tại công ty. Tin này lan truyền rộng rãi trong cùng tháng khi đơn vị xe tự hành Waymo thuộc sở hữu của tập đoàn Alphabet đệ đơn lên tòa án liên bang với cáo buộc rằng một kỹ sư phần mềm đã đánh cắp bí mật kinh doanh của họ và mang nó đến Uber, đơn vị cũng đang phát triển dòng xe tự hành.
Một đoạn video gây sốc đã được đăng tải năm ngày sau đó, cho thấy cảnh Kalanick tranh cãi với một người lái xe Uber vì dám khiếu nại về chính sách giá của công ty. Chính camera hành trình của Uber đã ghi lại vụ việc, trong đó chủ xe nói ông bị phá sản vì đã đầu tư 97.000 đô-la vào một chiếc xe hơi cao cấp để chạy uberBLACK, nhưng giá cước của Uber cứ giảm dần và tiêu chuẩn thì hạ thấp theo hướng có lợi cho xe giá rẻ. Kalanick kích động nói: “Tôi chỉ thấy là một số người không chịu nhận trách nhiệm về những quyết định tồi tệ của mình. Mọi vấn đề trong cuộc sống của họ đều do lỗi của người khác. Chúc anh may mắn!”. Người lái xe đáp: “Tôi cũng chúc anh may mắn. Tôi biết anh sẽ không tiến xa được đâu!”.
Kalanick quả thật đã không tiến xa, cả trên chiếc xe đó lẫn trong ban giám đốc của Uber, nhất là khi hàng loạt vụ việc liên tiếp diễn ra: có thêm nhiều cáo buộc về vụ quấy rối tình dục, các lãnh đạo chủ chốt từ chức, Bộ Tư pháp tiến hành điều tra về việc liệu Uber có sử dụng phần mềm để lẩn tránh chính quyền khi cố gắng phát triển mạng lưới ở các thành phố khác nhau hay không. Vào tháng Sáu năm 2017, Kalanick thông báo nghỉ phép. Cuối tháng đó, trong bối cảnh công ty phải đối mặt với về nhiều vấn đề – từ các vụ kiện dân sự với cáo buộc về việc không đảm bảo an toàn cho người lái xe, đến rò rỉ dữ liệu và bị kêu gọi bài trừ bởi chiến dịch #DeleteUber – Kalanick bị các nhà đầu tư buộc rời ghế CEO. Người thay thế ông là Dara Khosrowshahi, cựu nhân viên ngân hàng người Mỹ gốc Iran được Barry Diller dẫn dắt, từng điều hành trang dịch vụ du lịch Expedia thuộc sở hữu của Diller. Trong một bài báo về Uber được đăng trên tạp chí The New Yorker vào năm 2018, Diller kể rằng ông đã cố thuyết phục Dara đừng làm cho Uber: “Tôi thốt lên trước mặt cậu ấy: ‘Ôi trời, anh mất trí rồi, Dara. Đó là một nơi rất nguy hiểm’”.
Đó cũng là một công ty giàu có – ít nhất là trên giấy tờ. Bất chấp nhiều thất bại, Uber vẫn tự hào là có mức định giá trước IPO cao nhất (một con số khổng lồ lên tới 70 tỷ đô-la) so với bất kỳ công ty nào trong lịch sử, dù nền tảng chia sẻ chuyến đi này đã lỗ hơn 1 tỷ đô-la mỗi quý và vẫn chưa có lợi nhuận trong năm 2018. Nhưng việc lật đổ Kalanick không làm thay đổi mô hình kinh doanh cơ bản của Uber, một công ty đã xây dựng tiếng tăm và quy mô bằng cách tập trung vào tăng trưởng thay vì lợi nhuận, giống như rất nhiều “kỳ lân” khác ở Thung lũng Silicon. Vấn đề là khi một công ty chính thức phát hành cổ phiếu ra công chúng, các nhà đầu tư sẽ muốn thấy công ty đó mang về lợi nhuận. Đợt IPO của Uber vào ngày 10 tháng Năm năm 2019 là một trong những đợt IPO được mong đợi nhất lịch sử, nhưng đồng thời cũng là một thất bại thảm hại. Ngay trong những ngày đầu giao dịch, cổ phiếu của Uber đã giảm đến 19%, khiến các nhà đầu tư từng đổ hàng tỷ đô-la vào công ty này như muốn chết ngộp. Một phần vấn đề đơn giản là Uber đã trở nên quá lớn trước khi lên sàn, vậy nên nhiều tổ chức từng mua cổ phần của công ty này từ ngày họ còn là doanh nghiệp tư nhân không có lý do gì để mua thêm. Cùng lúc đó, màn chào sân thảm hại của Uber cũng là dấu hiệu mà nhiều nhà đầu tư nhìn nhận là cổ phiếu của công ty công nghệ này đã đạt đỉnh và không còn khả năng tạo ra lợi nhuận, bất chấp quy mô và sức mạnh đột phá của họ.
“LUÔN HỐI HẢ”
Giống như hầu hết mọi người, lần đầu tiên tôi làm quen với Uber là với tư cách một người sử dụng dịch vụ; và giống như hầu hết mọi người, tôi rất ngạc nhiên với tốc độ mà những chiếc xe Uber chiếm lĩnh khu Brooklyn tôi sinh sống, phần lớn Thành phố New York và hầu hết các đô thị lớn khác. Thực tế này mang đến niềm vui cho những người đi xe yêu thích sự tiện lợi, nhưng đồng thời cũng gây cảm giác phẫn nộ ở các quan chức và những người cho rằng dịch vụ này làm tăng lượng phương tiện tham gia giao thông và tình trạng tắc nghẽn. Vào năm 2015, tôi từng tìm hiểu sâu hơn về “Thế giới của Uber” (Uberland) khi có cơ hội tiếp cận nhiều với Kalanick, người nằm trong danh sách đề cử Nhân vật của năm do tạp chí Time bình chọn. (Thời điểm đó, tôi còn là trợ lý tổng biên tập của tạp chí này.)
Tôi mất khá nhiều thời gian để thuyết phục giám đốc truyền thông của Kalanick khi đó là Rachel Whetstone – một người Anh cứng rắn và kín tiếng từng làm việc tại Google và về sau này chuyển qua Facebook – rằng sẽ là một ý hay nếu Uber cho phép tôi làm việc trong nội bộ công ty vài ngày. Whetstone lo ngại nguy cơ thông tin bị tiết lộ, và bà có lý do chính đáng: dù Kalanick chưa bùng nổ nhưng ông rõ ràng là một khẩu đại bác đã lên nòng. Nhưng cũng giống như nhiều doanh nhân bay bổng khác, Kalanick bị hấp dẫn bởi ý tưởng được nhìn thấy bản thân trong khung viền đỏ trên trang bìa của tạp chí Time. Đó là lý do vì sao tôi được phép đi cùng Kalanick quanh Uber và thu thập tài liệu cần thiết để viết một bài tiểu sử chuyên sâu, trong khi Whetstone lúc nào cũng lượn lờ gần đó và cố gắng kiểm soát những câu chuyện ngẫu hứng của vị CEO.
Kalanick bày tỏ rằng ông tôn kính Alexander Hamilton đến mức đã dùng ảnh của Hamilton để làm ảnh đại diện trên Uber. Chia sẻ về cố Bộ trưởng Ngân khố – một con người cứng rắn, tự thân vận động (hay tự tung tự tác như một số người nhận định), và đã đặt nền móng cho hệ thống tài chính của nước Mỹ bất chấp nhiều phản đối dữ dội – Kalanick nói: “Hamilton là doanh nhân chính trị yêu thích của tôi. Hamilton có thể nhìn thấy tương lai, đồng thời cũng biết cách kết nối tầm nhìn đó với thực tế của hiện tại. Ông là một nhà hùng biện tuyệt vời, thậm chí là quá tuyệt vời. Có lẽ ông đã nói quá nhiều”.
Tôi cũng có những nhận định tương tự về Kalanick. Những khoảnh khắc thú vị nhất trong thời gian tôi đi cùng ông đã làm nổi bật cái gọi là trạng thái “vừa yêu vừa ghét” mà nhiều người vẫn thường dành cho công ty này. Đầu tiên là trong một cuộc họp tại trụ sở Uber ở Boston với sự tham gia của hàng chục nhân viên toàn thời gian, hầu hết đều là những kỹ sư trẻ, đến từ các đại học danh tiếng, mặc áo thun có mũ trùm đầu và tôn thờ Travis như một vị thần. Năng lượng trong hội trường, sự phấn khích chỉ đơn giản vì được ở cùng một không gian với “anh cả Uber”, được thể hiện rất rõ. Mọi người thưởng thức những món ăn nhẹ cao cấp được chuẩn bị bởi căn-tin của công ty trong khi Kalanick trả lời những câu hỏi dồn dập về lịch sử sự nghiệp của bản thân ông và các dự án mới của Uber trong mảng xe tự hành, hoặc về việc công ty có cân nhắc tăng lương và mức phúc lợi vốn đã khá cao của nhân viên bằng cách trợ cấp tiền học Thạc sĩ như các tập đoàn công nghệ lớn thường làm hay không. “Ồ, mọi thứ bắt đầu nóng lên rồi đây!”, Kalanick vui vẻ nói trước những nhân viên đang nở nụ cười và gật đầu đồng tình.
Nhưng trong một buổi họp mặt khác, tôi đã có một cái nhìn khác về công ty này. Họ thuê một khán phòng lớn gần bờ sông và cẩn thận lựa chọn các thành viên tham dự gồm những tài xế có doanh thu cao hàng đầu. Được xem như các “đối tác” chứ không phải nhân viên, những người này đã giúp Uber khắc họa hình ảnh mà họ muốn thể hiện với thế giới: một công ty mạnh dạn đổi mới, tạo điều kiện để bất kỳ ai có phương tiện và bằng lái hợp pháp cũng có thể trở thành “doanh nhân” bằng cách cung cấp sự linh hoạt, khả năng kiểm soát và khả năng kiếm thêm thu nhập trong khi theo đuổi những mục tiêu khác. (Trong nhóm thành viên tham dự có cả những bà mẹ đơn thân lái xe để kiếm tiền đóng học phí cho con lẫn những sinh viên lái xe để tự xoay xở học phí cho mình.)
Nhưng sự bất mãn vẫn tồn tại trong nhóm người được tuyển chọn kỹ lưỡng này. Trong phần hỏi-đáp với Kalanick – người có vẻ kém thoải mái hơn nhiều so với lần xuất hiện trước các nhân viên – những câu hỏi quen thuộc được đưa ra: Khi nào công ty sẽ lên sàn? Liệu các đối tác có được chia cổ phần không?
Kalanick im lặng khá lâu, như thể đang thận trọng tìm cách trả lời. Cuối cùng, ông lên tiếng thoái thác: “Chúng tôi đang suy nghĩ về điều đó. Chúng tôi phải cẩn thận xem xét dưới góc độ luật pháp. Có rất nhiều vấn đề về thủ tục khi trở thành một công ty đại chúng”. Giọng Kalanick nhỏ dần, có lẽ vì ông biết việc chia cổ phần cho tài xế sẽ khơi gợi cuộc đấu tranh nhằm nâng tầm “đối tác” lên thành “nhân viên” – danh xưng sẽ mang đến cho các tài xế những phúc lợi mà Uber đã dành nhiều thời gian và tiền bạc để tránh né như lương làm việc ngoài giờ, bảo hiểm thu nhập tối thiểu và các gói chăm sóc sức khỏe.
Không khí buổi họp thậm chí còn trở nên gượng gạo hơn khi Kalanick cố gắng giải thích về quy tắc không nhận tiền boa mà Uber áp dụng vào thời điểm đó, bằng cách nói rằng những lĩnh vực cho phép nhận tiền boa thường có xu hướng trả lương thấp cho nhân viên. Cách lý giải này có vẻ không được mọi người chấp nhận (ngay cả khi nó được củng cố bởi các bằng chứng thực nghiệm), chủ yếu là vì khi Uber ngày càng phát triển, biên lợi nhuận cho các tài xế ngày càng thu hẹp. “Thật nực cười”, một nữ đối tác trung niên lẩm bẩm, rõ ràng là bà không mấy ấn tượng với phần trình bày của Kalanick. Những người khác ngồi gần tôi cũng lên tiếng cằn nhằn, tỏ ý đồng tình. Vị CEO nhanh chóng rời khỏi sân khấu trong khi các tài xế và người nhà của họ được xoa dịu bằng bánh pizza với bỏng ngô miễn phí.
Uber hiện đã cho phép tài xế nhận tiền boa, đồng thời cũng cung cấp một số quyền chọn cổ phiếu có giới hạn cho những đối tác thâm niên. Khosrowshahi – người có cái đầu lạnh hơn nhà sáng lập công ty – đã cố gắng giải quyết nhiều vấn đề văn hóa mà ông “thừa hưởng” khi tiếp quản vị trí CEO của công ty, dù nhiều vấn đề khác cũng trở nên nổi cộm dưới thời của ông (đáng chú ý nhất là một phụ nữ ở bang Arizona đã tử vong vì bị một chiếc xe tự hành của Uber đâm vào với tốc độ xấp xỉ 65 ki-lô-mét một giờ khi cô đang băng qua đường). Rõ ràng Khosrowshahi đã thực hiện nhiều cải tiến, nhưng ông chưa thật sự thay đổi mô hình kinh doanh “phát triển nhanh và phá vỡ mọi thứ” của công ty, bao gồm việc chuyển đổi cơ sở hạ tầng giao thông vốn có của các thành phố lớn bằng cách thay xe taxi truyền thống bằng những người lái xe tự do với mức phí thấp hơn. Và họ thật sự đã phát triển rất nhanh chóng: từ chỉ hai chiếc xe tại San Francisco vào năm 2010, Uber đã tuyển dụng (dù bản thân công ty không thích dùng từ này để nói về mối quan hệ giữa họ với các “đối tác”) thêm đến 3 triệu tài xế trên khắp thế giới.
Với phương châm không chính thức là “luôn hối hả”, Kalanick vẫn thường được xem là một người có tầm nhìn, một kẻ đột phá, một thiên tài và một tay lập dị. Nhưng có một điều chắc chắn: công ty của ông không giống với bất cứ doanh nghiệp nào mà thế giới từng thấy. “Uber” không chỉ trở thành một động từ (như Google) mà còn là một nền tảng điển hình để rất nhiều doanh nhân công nghệ lấy làm ví dụ trong các cuộc họp quan trọng về “Uber giao thức ăn nhanh”, “Uber giúp việc nhà”… Tham vọng của công ty đi từ xe tự hành đến phương tiện đệm khí. Những chiếc xe bay của hãng vốn được dự kiến là sẽ cất cánh trên bầu trời Los Angeles, Dallas và Dubai vào năm 2020. Tại Pháp, Uber đã có thể điều đến cho bạn một chiếc trực thăng. Tại San Francisco, dịch vụ Uber Eats sẽ giao thức ăn đến tận nơi cho bạn trong chưa tới mười phút. Với thái độ có phần hơi cởi mở thái quá, Kalanick từng chia sẻ: “Nếu có thứ gì đó di chuyển từ nơi này đến nơi khác trong thành phố, đó chính là những chiếc xe của chúng tôi”.
Nhưng Uber đang phá vỡ nhiều thứ, chứ không chỉ vận chuyển: họ đang định nghĩa lại hợp đồng lao động. Suốt nhiều năm qua, Uber luôn chứng tỏ họ là công ty sung mãn và ngoan cường nhất trong số những tổ chức đã định hình nền kinh tế gig như Airbnb, TaskRabbit cũng như hàng chục doanh nghiệp khác. Tất cả những tổ chức này đều là biểu tượng của sự thay đổi nhanh chóng trong cách chúng ta làm việc: 24/7, được chỉ đạo bằng công nghệ, không được bảo vệ và không có các phúc lợi truyền thống như tầng lớp trung lưu đang được hưởng. Một mặt, có điều gì đó rất kỳ diệu về việc những công ty này tạo điều kiện để mọi người có thể kiếm tiền từ các nguồn lực họ có như nhà cửa, xe hơi hay thời gian rỗi. Mặt khác, một số người nhận thấy đây là một mô hình hoạt động tai hại, đẩy người lao động vào tình thế bị lợi dụng. Nhiều chuyên gia cho rằng sự trỗi dậy của nền kinh tế gig là nguyên nhân chủ yếu khiến tiền lương bị trì trệ, vì nền kinh tế này đã làm nổi bật sự mất cân bằng quyền lực vốn ngày càng gia tăng suốt bốn mươi năm qua giữa người lao động với người thuê lao động, sự suy yếu của các công đoàn và việc gỡ bỏ các quy định nói chung.
CẢNH NGỘ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
“Việc thời vụ” hay “việc tự do” (gig work) dường như đã đạt đến một đỉnh cao mới với sự bành trướng của các công ty như Uber. Chẳng hạn, hãy xem xét những tài xế taxi không phù hiệu ở New York, người có thể làm việc cho ba công ty (hoặc nhiều hơn) cùng một lúc: Uber, Lyft và thậm chí là một hãng xe dịch vụ không có giấy phép. Cũng có phần đúng khi nói những người này về cơ bản là các doanh nhân được tự do làm việc cho bản thân họ. Khi là “đối tác” của Uber, các tài xế có thể tự định thời gian làm việc cho mình và theo một nghĩa nào đó, họ là chủ của chính họ – điều mà Kalanick luôn ca ngợi là tạo động lực rất lớn. “Khi kiểm soát thời gian của chính mình, bạn sẽ giữ được sự tự chủ và phẩm giá của bản thân”, ông nói với tôi vào năm 2015. Điều này cũng tương đối đúng. Nhưng thời gian là tất cả những gì các tài xế Uber có thể kiểm soát. Họ không có tiếng nói đối với chính sách giá của công ty: giá cước thường xuyên thay đổi theo nhu cầu của người dùng, và trong phần lớn trường hợp là giảm giá để thu hút thêm người sử dụng Uber. Trên thực tế, giá cước được quyết định bởi các thuật toán. Từ những cuộc nói chuyện với các tài xế ở New York, tôi được biết khi Uber ngày càng chiếm nhiều thị phần, giá cước ngày càng giảm. Đến thời điểm hiện tại, cước của Uber đang ở khoảng 20%, thấp hơn cả mức 30% của các dịch vụ vận chuyển tại địa phương mà nhiều người trong khu vực vẫn sử dụng.
Uber luôn coi các tài xế của mình là những đối tác “tự do và độc lập”, nhưng đồng thời họ cũng vận dụng hệ thống quản lý tự động bằng thuật toán để kiểm soát các đối tác, cũng như đưa ra hình phạt mỗi khi một đối tác nào đó có những hành vi khác với những gì có thể mang lại lợi nhuận cao nhất cho Uber. Uber có thể xác định một tầng lớp hành khách sẵn sàng trả nhiều hơn những người khác, bằng cách sử dụng AI và thông tin về mã bưu chính. Và vì số tiền tài xế thu về thường được tách riêng khỏi số tiền hành khách thực trả, nên Uber có thể bỏ túi số tiền được trả nhiều hơn đó mà không cần phải chia thêm cho tài xế. Hơn nữa, vì tự nhận mình là một công ty công nghệ chứ không phải công ty vận tải, nên Uber đã né tránh được các quy định bảo vệ người lao động vốn được áp dụng cho loại hình công việc này, chẳng hạn như Đạo luật Người khuyết tật Mỹ.
Trong quyển Uberland (tạm dịch: Thế giới của Uber), nhà khoa học xã hội Alex Rosenblat kể rằng bà đã di chuyển bằng xe Uber trên tổng quãng đường lên đến 8.000 ki-lô-mét cùng vô số tài xế Uber ở 25 thành phố trên khắp nước Mỹ và Canada. Không có gì ngạc nhiên khi bà cho rằng Uber đã giành phần lớn lợi ích của nền tảng công nghệ đột phá này, trong khi các tài xế phải tự gánh chịu chi phí và nhận về nhiều bất lợi.
Lyft – đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Uber – luôn được xem là dịch vụ chia sẻ chuyến đi tử tế hơn, dễ chịu hơn. Một phần lý do là vì CEO Logan Green của Lyft có xu hướng bàn luận nhiều hơn về những mặt trái của nền kinh tế chia sẻ một cách toàn diện và cởi mở (bên cạnh thực tế là ông không bị phát hiện đang lớn tiếng với tài xế trong một đoạn phim do camera hành trình ghi lại). Ví dụ, Green lo ngại về khả năng xe tự hành sẽ thay thế một số lượng lớn các tài xế ở Mỹ (danh mục công việc lớn nhất dành cho nam giới có trình độ từ trung học trở xuống). Theo báo cáo, người lái xe có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi chạy cho Lyft thay vì Uber, đồng thời họ cũng có mức độ hài lòng với công việc cao hơn. (Lyft là nền tảng vận tải đầu tiên cho phép tài xế nhận tiền boa.) Nhưng không may, những điều này lại không tạo nên sự khác biệt. Nói cho cùng, mô hình kinh doanh của cả hai công ty gần như là giống hệt nhau và đều tạo ra mối quan hệ bất cân xứng giữa công ty với người lao động theo những cách khiến người lao động dễ tổn thương hơn. Điều này nói lên một thực tế, đó là vấn đề của các công ty trong nền kinh tế chia sẻ có liên quan nhiều đến mô hình kinh doanh cốt lõi hơn là giám đốc điều hành.
THUẬT TOÁN PHÁ VỠ CÔNG VIỆC
Quản lý bằng thuật toán đã trở thành một thực tế trong cuộc sống của không chỉ các tài xế mà còn của bất kỳ người lao động nào khác, từ nhân viên pha chế của Starbucks không có lịch làm việc cụ thể được định trước hằng tuần, đến những người giao hàng có thể bị chấm dứt hợp đồng nếu không muốn nhận nhiệm vụ ở một số khu vực nhất định vào những thời điểm nhất định. Quản lý bằng thuật toán có thể là một lĩnh vực mới mẻ nhưng sản phẩm phụ của nó thì đã quá quen thuộc, vì đó là những gì công nghệ đã gây ra cho người lao động từ trước đến nay. Công nghệ mới phá hủy các danh mục nghề nghiệp cũng nhanh như khi nó tạo ra chúng, từ công nhân dệt may đến đại lý du lịch. Lịch sử cho thấy công nghệ cuối cùng vẫn luôn là yếu tố tạo việc làm ròng, nhưng câu hỏi được đặt ra là sự tàn phá mang tính sáng tạo đó sẽ kéo dài bao lâu. Ngày nay, quá trình này dường như đang diễn ra nhanh hơn những gì mà hệ thống chính trị và xã hội của chúng ta có thể xử lý được. Chúng ta đã không lường trước độ sâu và độ rộng của sự thay đổi dưới tác động của nền kinh tế gig. Và mặc dù tỷ lệ người lao động trong nền kinh tế gig so với trong nền kinh tế truyền thống vẫn chưa cao như một số học giả từng dự đoán, sự thay đổi vẫn đang diễn ra trong hầu hết mọi ngành, ở hầu hết mọi vùng địa lý.
Điều gì sẽ xảy ra khi tất cả chúng ta đều trở thành những người làm việc tự do, ở một mức độ nào đó? Điều gì sẽ xảy ra khi tất cả chúng ta đều phải luôn hối hả, vì một công việc duy nhất không còn đủ an toàn? Đó là một trong những nỗi lo lớn mà Uber đã tạo ra cho nhiều người, ngay cả khi họ – với tư cách khách hàng – được tận hưởng cơ chế tiết kiệm chi phí và sự tiện lợi khổng lồ mà Uber cung cấp.
Các công ty luôn ba hoa nói về việc muốn nhân viên của mình hành động như những doanh nhân, nhưng lại tránh đề cập ý nghĩa thật sự đằng sau những lời nói đó: họ muốn nhân viên phải làm việc chăm chỉ 24/7 mà không được thưởng (bằng quyền sở hữu cổ phiếu hay tiền thưởng hiệu suất) như người làm kinh doanh. Đó là một kết luận hợp lý nếu nói rằng rất khó để hình dung vì sao một công việc nào đó lại không thể được “Uber hóa”, khi mà từ những người lao động tay chân đến các chuyên gia X-quang đều có thể được chuyển sang các nền tảng như vậy. Nhưng khi mọi người đều làm việc theo yêu cầu, không được bảo vệ và liên tục bị đánh giá, thị trường lao động sẽ xuất hiện sức ép “thích nghi để tồn tại”. John Battelle, người từng góp phần ra mắt tạp chí Wired và đang điều hành công ty NewCo chuyên về sự kiện và hội nghị, nhận xét: “Đây là điều khiến mọi người rất khó chịu về Uber. Đó không phải là một câu chuyện về công nghệ, đó là một câu chuyện về xã hội – về cách chúng ta thích ứng với những khả năng mới. Đó là về sự ràng buộc giữa các công ty với chính phủ và việc xã hội sẽ trở nên như thế nào”.
Đây là một vấn đề có thể ảnh hưởng không chỉ đến các công ty và người lao động thuộc nền kinh tế chia sẻ, mà còn đến hàng loạt những công ty – cả trên mạng lẫn ngoài đời – đang sử dụng công nghệ để theo dõi và kiểm soát người lao động theo những cách thức ngày càng sâu sát hơn.
Amazon nổi tiếng là đối xử tệ bạc với các công nhân trong kho hàng, nơi từng bị Hội đồng Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Lao động liệt vào danh sách những nơi làm việc nguy hiểm nhất nước Mỹ năm 2018. Nhiều công nhân Amazon nói việc liên tục bị các thiết bị kỹ thuật số theo dõi khiến họ có mức độ căng thẳng cao hơn và gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn. Một cuộc điều tra của tờ The Guardian cho thấy có rất nhiều báo cáo về tai nạn và thương tích ở công ty này. Cũng theo tạp chí này, Amazon từng sa thải một công nhân bị tai nạn lao động trước khi cho người này điều trị. Nhiều công nhân gặp phải tình huống tương tự cũng bị từ chối bồi thường hoặc cắt ngắn thời gian nghỉ phép – cách hành xử có thể đoán trước của phong cách quản lý đối xử với người lao động như những cái máy.
Tôi từng phỏng vấn nhà khoa học AI nổi tiếng, Vivienne Ming, người được Amazon mời làm Trưởng ban khoa học nhưng đã từ chối vì chính những lý do trên. Jeff Bezos nói với Ming rằng ông muốn bà tiến hành các thử nghiệm thời gian thực về việc “công nghệ có thể làm cho cuộc sống của con người tốt hơn” như thế nào. Bà kể: “Cuối cùng, tôi xác định là Jeff và tôi có những định nghĩa rất khác nhau về thế nào là tốt hơn”. Vì sao lại vậy? Ming nêu ví dụ về một bằng sáng chế mà công ty này vừa lấy được cho một loại dây đeo cổ tay nhỏ dành cho nhân viên đóng hàng, và nếu nhân viên với tay tới nhầm gói hàng, dây đeo sẽ kêu vo vo. “Tôi nghĩ tôi không bao giờ muốn tạo ra những thứ như vậy!”
Ngay cả Starbucks – công ty thường được khen ngợi về cách đối xử với người lao động (mua bảo hiểm y tế cho nhân viên bán thời gian và thanh toán học phí đại học trực tuyến cho tất cả nhân viên) – cũng bị chỉ trích vì sử dụng phần mềm xếp lịch làm việc có nguy cơ gây xáo trộn cuộc sống của người lao động, không phân ca trực theo tuần hoặc theo tháng mà buộc nhân viên phải có mặt bất cứ khi nào cửa hàng đông khách. Sau khi phóng viên Jodi Kantor của tờ New York Times viết một bài báo trên trang nhất về chủ đề này vào năm 2014, chủ tịch Starbucks khi đó là Howard Schultz phải lên tiếng xin lỗi và cam kết cải tiến hệ thống lập kế hoạch của công ty. Dù sao đi nữa, việc lên lịch bằng thuật toán đã trở thành điều bình thường ở cả Starbucks lẫn hầu hết các nhà bán lẻ khác – tương tự việc “tăng giá giờ cao điểm” (surge pricing) ở Uber hay Lyft.
Rõ ràng, sự ra đời của nền kinh tế gig trên nền tảng công nghệ cao có ý nghĩa rất khác nhau đối với những người lao động khác nhau. Có lẽ các tài xế Uber hoặc người giao hàng sẽ cảm thấy nền kinh tế này giống một chế độ nông nô mới. Họ không có lương hưu, không được bảo hiểm y tế hoặc không được hưởng chế độ bảo vệ quyền lợi dành cho người lao động, và phải chịu sự tác động của các chỉ số đo lường. Nhiều tài xế được đề cập trong sách của Rosenblat đã phải làm việc cật lực chỉ để kiếm được nhiều hơn mức lương tối thiểu một chút sau khi trừ đi chi phí mua xe, đổ xăng, bảo dưỡng, đóng thuế tư doanh… Khi tự mình phỏng vấn các tài xế Uber, tôi thấy hầu hết những người này đều nhận ra họ khó tìm được điểm cân bằng giữa cái gọi là “lợi ích của sự tự do” với thực tế là công nghệ luôn-trực-tuyến khiến họ không có được sự linh hoạt mà lẽ ra họ sẽ có nếu làm một công việc chất lượng hơn. Nhiều cuốc xe có giá cao nhất lại rơi vào những khu vực và thời điểm bất tiện hoặc gây căng thẳng cho tài xế, nhưng nếu không nhận cuốc thì họ sẽ không được trả tiền. Tất nhiên, hầu hết tài xế đều không được chia vốn chủ sở hữu của công ty mà họ đã góp phần tạo ra.
Thế là đối với rất nhiều lao động trình độ thấp (chiếm phần lớn nền kinh tế gig), “thị trường lao động ngày càng giống như một hội chợ tuyển dụng nông nghiệp thời phong kiến, trong đó vị lãnh chúa xuất hiện và nói: ‘Tôi sẽ chọn người này, người này và người này vào hôm nay’” – nhận xét của Adair Turner, chủ tịch Viện Tư duy Kinh tế Mới, một trong nhiều tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của các công ty như Uber lên nền kinh tế địa phương.
Kết luận của Turner cũng giống như của nhiều các nhà kinh tế học, theo đó nền kinh tế gig đã giảm áp lực trên thị trường lao động – nghĩa là nó giải quyết nhu cầu thực tế và tạo ra sự thuận tiện – nhưng đồng thời cũng tạo ra sự phân mảnh theo hướng có lợi hơn cho người sử dụng lao động, những người có thể tận dụng công nghệ và thông tin vượt trội. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm phi lợi nhuận khác là Viện Nghiên cứu Xã hội và Dữ liệu, việc mọi dữ liệu đều thuộc sở hữu của Uber và tài xế không thể nhìn thấy bất kỳ dữ liệu nào cũng tạo ra sự bất cân xứng thông tin giữa người lao động với công ty này.
Tài xế có nguy cơ bị “đình chỉ hoạt động” nếu hủy các chuyến đi không mang lại lợi nhuận và phải chấp nhận rủi ro về những chi phí ẩn, “mặc dù Uber luôn đề xướng ý tưởng rằng họ là những doanh nhân đang chủ động đầu tư vào những rủi ro đó”. Như nhận định của FTC về các tài xế Uber, những “khách hàng doanh nhân” này (entrepreneurial consumers) – cách gọi của chính Uber với hàm ý rằng tài xế là những người đang “sử dụng” các giá trị của công ty chứ không phải tạo ra chúng) – không có quyền truy cập vào kho dữ liệu đồ sộ của những khách hàng đã giúp đại gia công nghệ này thu về khoản lợi nhuận khổng lồ. Như Rosenblat đã chỉ ra, sự bất cân xứng này cũng tương tự sự bất cân xứng mà các công ty Big Tech khác đang tận dụng, như Amazon dùng bảng xếp hạng sản phẩm bán chạy để hướng khách hàng đến những sản phẩm đắt tiền hơn, hoặc Google tự đề cao bản thân là một trọng tài thông tin trung lập trong khi các thuật toán PageRank vẫn được giữ kín và nếu có bất kỳ sự thiên vị nào thì chỉ mình Google biết.
Damon Silvers – giám đốc chính sách của Liên đoàn Lao động và Hiệp hội các Tổ chức Công nghiệp Mỹ – nhận xét trong một chương trình phát thanh của Trường Kinh doanh Harvard về những việc làm trong tương lai: “Những chiến lược này khiến nhiều người ảo tưởng rằng vấn đề quyền lực không còn tồn tại ở nơi làm việc. Trên thực tế, những công ty như Uber hiểu về các nhân viên của họ rõ hơn và kiểm soát hành vi của những người này chặt chẽ hơn bất kỳ công ty thép xe hơi nào. Khi không có sức mạnh tập thể của người lao động, công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ giám sát giá rẻ sẽ kết hợp lại để tạo ra lợi thế thông tin ngày càng lớn cho chủ doanh nghiệp với một quy mô và mức độ mà chúng ta chưa từng thấy trước đây”.
CÁC SIÊU SAO GIÀNH ĐƯỢC TẤT CẢ!
Không có gì phải bàn cãi khi người lao động cấp thấp – từ thợ sửa chữa đến huấn luyện viên yoga hay bảo mẫu – luôn chịu nhiều bất lợi trong nền kinh tế kỹ thuật số. Nhưng những chuyên gia trình độ cao có thể cảm nhận một phương diện hoàn toàn trái ngược của nền kinh tế này: một cách để kiếm được nhiều tiền hơn, trong thời gian ngắn hơn, theo những cách linh hoạt hơn. Hãy lấy ví dụ về cuộc sống của một nhà tư vấn quản lý làm việc tự do. Người này có thể tính phí 10.000 đô-la một ngày trên mỗi khách hàng; việc sử dụng điện toán đám mây, điện thoại thông minh, các nền tảng mạng xã hội và phần mềm họp trực tuyến để làm việc mọi lúc mọi nơi có thể giúp họ dễ dàng kiếm được mức thu nhập lên đến hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu đô-la. Cùng lúc đó, chính những công nghệ này đã giảm chi phí hoạt động xuống gần như bằng không, vì mức giá để sở hữu một trợ lý ảo tại Ấn Độ là không đáng kể đối với chuyên gia tư vấn tự do cấp cao này, và họ cũng có thể làm việc tại nhà hoặc thuê các không gian làm việc giá rẻ thông qua chương trình thành viên của những công ty như WeWork.
Hóa ra, nền kinh tế gig kỹ thuật số không ít phân cực hơn nền kinh tế truyền thống. Đây là một điều đáng lo ngại khi một loạt nghiên cứu mới của nhiều tổ chức khác nhau như McKinsey hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development – OECD) đã cho thấy trong từ mười đến hai mươi năm tới, số người làm việc tự do, nhà thầu độc lập hoặc nhân viên làm việc bán thời gian cho nhiều công ty… sẽ tăng lên đáng kể. Tại Mỹ, 35% lực lượng lao động hiện đang làm việc theo những phương thức này. Nếu “quốc gia làm việc tự do” được khai sinh, sự chia rẽ trong thế giới mới đó sẽ chỉ làm trầm trọng thêm xu hướng “người thắng cuộc giành được tất cả” vốn đang chi phối nền chính trị phân cực ở thời điểm hiện tại.
Nền kinh tế kỹ thuật số hiện đã gia tăng khoảng cách giữa người-có với người-không-có, trong đó người chiến thắng là những người có khả năng truy cập, kiểm soát và tận dụng công nghệ – thứ được kết nối với giáo dục, hay nói cách khác là với tiền và giai cấp. Trong quyển The Race Between Education and Technology (tạm dịch: Cuộc đua giữa giáo dục với công nghệ), học giả Harvard Claudia Goldin và Lawrence Katz đã nhận định làn sóng tiến bộ công nghệ có thể đẩy mọi con thuyền, nhưng chỉ khi con người có đủ kỹ năng và khả năng tiếp cận để vận dụng những tiến bộ đó.
Các nền tảng mạng và phần mềm của nền kinh tế kỹ thuật số mới này đang mang đến mức giá rẻ hơn cho người tiêu dùng, giảm chi phí cho người sử dụng lao động và mức lương cao hơn cho những người lao động có trình độ và kỹ năng hàng đầu, có thể làm những công việc được trả lương cao hơn trong thời gian ngắn hơn. Nhưng các nền tảng và phần mềm kỹ thuật số đó cũng góp phần thúc đẩy sự tập trung một lượng lớn tài sản trong một bộ phận nhỏ hơn của xã hội, một phần nguyên nhân là vì có một bộ phận lớn những người có trình độ thấp hơn bị chi phối bởi công nghệ và bởi những người biết tận dụng công nghệ. Giám đốc James Manyika của Viện McKinsey từng nêu ví dụ như sau: “Hãy nghĩ đến việc một bác sĩ phẫu thuật hàng đầu có thể sử dụng công nghệ hội nghị trực tuyến tiên tiến để thực hiện nhiều cuộc tư vấn hơn cho nhiều bệnh nhân ở nhiều quốc gia khác nhau. Bây giờ hãy so sánh việc đó với chuyện một nhân viên bán hàng bị xáo trộn cuộc sống vì phần mềm phân công liên tục thay đổi lịch làm việc của họ”.
Đây là cách đặt vấn đề không mới, nhưng ấn tượng. Năm 1981, nhà kinh tế học Sherwin Rosen đã đăng tải bài viết The Economics of Superstars (tạm dịch: Kinh tế học của các siêu sao), trong đó lập luận rằng sự đột phá công nghệ sẽ mang đến sức mạnh không cân xứng cho một số tay chơi nhất định trong một thị trường cụ thể. Ví dụ, truyền hình giúp các vận động viên và ngôi sao nhạc pop có mức thù lao cao nhất thế giới kiếm được số tiền cao hơn gấp nhiều lần so với những người khác trong cùng lĩnh vực. Rosen dự đoán sự nổi lên của các siêu sao này sẽ gây bất lợi cho nhiều người khác, và ông đã đúng. Hiện tại, thu nhập của người lao động đang ở mức thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ trở lại đây. Song, các công ty ở Thung lũng Silicon như Uber, Google, Apple, Facebook và Amazon – cũng như các nhân viên cấp cao nhất của họ – thì đang sung sướng tận hưởng hiệu ứng siêu sao.
Sự tách biệt này có một tác động khổng lồ, chưa được khám phá hết; và nó không chỉ tác động đến từng người lao động tự do mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung. Nhiều nhà kinh tế cho rằng một trong những nguyên nhân khiến đồ thị tăng trưởng tiền lương vẫn gần như đi ngang xuất phát từ chính những công nghệ đột phá trong các ngành nghề. Rob Kaplan, người đứng đầu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, tin rằng công nghệ và sự thâm nhập sâu rộng của công nghệ vào các lĩnh vực phi công nghệ chính là lý do khiến chúng ta không được tăng lương, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đang thấp như trước khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra. Kaplan cũng cho rằng việc Trump cắt giảm thuế doanh nghiệp đã góp phần làm tình trạng này trầm trọng thêm, khi mà các công ty được khuyến khích chi vốn cho các khoản đầu tư dài hạn quyết định đầu tư vào công nghệ chứ không phải con người. Ông kể: “Mỗi tháng tôi đều có từ 30 đến 35 cuộc gọi với các giám đốc điều hành trong và ngoài lĩnh vực công nghệ, và nội dung của tất cả những cuộc gọi đó đều xoay quanh việc các công ty phi công nghệ đang bắt đầu ứng dụng công nghệ [để thay thế con người]”. Kaplan tin rằng trong tương lai gần, chúng ta sẽ sớm thấy các tổng đài viên, nhân viên xử lý hành lý của hãng hàng không, đại lý đặt chỗ, thậm chí cả đại lý xe hơi được thay thế bằng công nghệ.
Các con số đang củng cố nhận định của Kaplan. Theo dữ liệu do Daniel Alpert của Ngân hàng Westwood Capital tổng hợp, năm 1998 khi thời kỳ mở rộng kinh tế bước vào giai đoạn cuối, 48,3% vốn kinh doanh được đầu tư vào việc xây dựng công trình và mua sắm thiết bị công nghiệp (bao gồm nhà máy, máy móc và các cơ sở hạ tầng truyền thống khác), và khoảng 30% là đầu tư vào công nghệ (như thiết bị xử lý thông tin hay nhiều loại tài sản trí tuệ khác). Đến năm 2018, vốn đầu tư dành cho hạ tầng và thiết bị công nghiệp chỉ còn chiếm khoảng 28,6%, trong khi công nghệ và tài sản trí tuệ chiếm 52%.
Những thay đổi về tỷ lệ vốn đánh dấu sự dịch chuyển từ đầu tư cơ sở vật chất sang đầu tư cho tài sản phi vật lý – một xu hướng không chỉ xuất hiện ở Mỹ mà còn ở các quốc gia giàu có khác như Anh hay Thụy Điển, những nơi hiện có lượng tiền đổ vào tài sản vô hình nhiều hơn tài sản hữu hình. Vấn đề là trong khi nhà máy và máy móc mới thường tạo ra việc làm, thiết bị và phần mềm xử lý dữ liệu – vốn đang chiếm phần lớn các loại phí được chi cho công nghệ – lại có khuynh hướng giảm bớt việc làm, ít nhất là trong ngắn hạn. Như chúng ta đã thấy, tình trạng đó có thể thay đổi khi người lao động biết vận dụng công nghệ để tăng năng suất của chính họ. Nhưng điều này chỉ có thể diễn ra khi trình độ học vấn và kỹ năng bắt kịp tốc độ thay đổi của công nghệ. Đáng buồn thay, ở Mỹ, giáo dục đang tụt hậu thảm hại sau cuộc cách mạng kỹ thuật số.
Có thể thấy trong một số lĩnh vực như tài chính hay công nghệ thông tin, mặt bằng lương đã tăng lên. Tuy nhiên, những lĩnh vực này tạo ra tương đối ít việc làm. Ví dụ, ngành tài chính chiếm 25% tổng lợi nhuận của tất cả các công ty nhưng chỉ tạo ra 4% việc làm. Và mặc dù 50% các doanh nghiệp Mỹ có lợi nhuận từ 25% trở lên đều là công ty công nghệ, nhưng những gã khổng lồ công nghệ ngày nay – Facebook, Google, Amazon – lại tạo ra ít việc làm hơn nhiều so với các tập đoàn công nghiệp lớn như General Motors và General Electric, đồng thời cũng ít hơn so với những ông trùm công nghệ thế hệ trước như IBM và Microsoft.
Thêm vào đó là mối lo ngại ngày càng gia tăng rằng công việc của giới lao động cổ cồn trắng cũng sẽ bị hủy hoại dưới bàn tay của Big Tech. Một nghiên cứu gần đây về các giám đốc điều hành trên toàn cầu cho thấy đa số đều nghĩ họ sẽ đào tạo lại hoặc cắt giảm hai phần ba lực lượng lao động trong tương lai nhờ các đột phá kỹ thuật số.
Vivienne Ming, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo tôi từng phỏng vấn về chủ đề này vào năm 2018, cho biết: “Tôi nghĩ tầng lớp trung lưu đang làm những công việc chuyên môn cao trên toàn cầu sắp bị tấn công bất ngờ”. Ming đưa dẫn chứng về một cuộc tranh tài tại Đại học Columbia giữa các luật sư thật với luật sư ảo để xem nhóm nào có thể phát hiện nhiều sơ hở nhất trong các thỏa thuận không tiết lộ. Bà chia sẻ: “Trí tuệ nhân tạo tìm được 95% sơ hở, còn người thật tìm được 88%. Nhưng trong khi người thật mất đến chín mươi phút để đọc tài liệu, trí tuệ nhân tạo chỉ mất hai mươi hai giây”. Đội con người rõ ràng đã thua trắng. Tất cả những điều này là lý do vì sao Ming hợp tác với các công ty như Accenture để nghiên cứu xem nhân viên có thể được đào tạo lại như thế nào để làm những công việc có tính sáng tạo hơn – loại công việc kết hợp trí tuệ cảm xúc của con người với trí thông minh máy móc – giúp công ty không phải sa thải hàng trăm ngàn nhân viên kế toán, nhân viên kinh doanh văn phòng hay thậm chí là các lập trình viên cấp thấp trong tương lai.
*
Cùng lúc đó, khoảng cách ngày càng lớn giữa kẻ thắng và người thua cũng được phản ánh qua mức lương. Trong số các doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất nước Mỹ, 10% có mức lợi nhuận gấp tám lần những công ty trung bình. (Vào những năm 1990, mức chênh lệch chỉ là gấp ba lần.) Những doanh nghiệp siêu lợi nhuận đó trả lương nhân viên rất cao, trong khi các đối thủ cạnh tranh của họ không thể đưa ra một mức lương dù chỉ gần bằng. Theo nghiên cứu từ Viện Kinh tế Lao động có trụ sở tại Thành phố Bonn của Đức, sự chênh lệch về lương giữa (không phải trong) các công ty là yếu tố chính dẫn đến sự cách biệt về lương của người lao động. Một nghiên cứu khác từ Trung tâm Hiệu suất Kinh tế ở London cho thấy tình trạng chênh lệch lương giữa các công ty cấp cao nhất với những công ty khác là nguyên nhân gây ra hầu hết sự bất bình đẳng ở Mỹ.
Không có gì ngạc nhiên khi những lĩnh vực và doanh nghiệp hàng đầu đang chiếm phần lớn miếng bánh kinh tế cũng là những lĩnh vực và doanh nghiệp được số hóa nhiều nhất. Theo phân tích của Viện McKinsey về những người-có và người-có-nhiều-hơn ở nước Mỹ trong thời đại kỹ thuật số, ngành nào càng nhanh chóng áp dụng nhiều công nghệ càng có nhiều lợi nhuận. Công nghệ và tài chính hiện đang đứng đầu về khoản này, trong khi những lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm nhất – chẳng hạn như bán lẻ, giáo dục và chính phủ – lại tụt hậu thê thảm. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ có một nền kinh tế hai tầng: tầng cao hoạt động rất hiệu quả, nắm giữ phần lớn tài sản nhưng tạo ra ít việc làm; còn tầng thấp thì trì trệ, chậm chạp.
Sự chênh lệch về kỹ thuật số cũng xảy ra giữa các khu vực địa lý khác nhau, làm trầm trọng thêm xu hướng “người thắng cuộc giành được tất cả”. Để khai thác nền kinh tế được số hóa nhiều hơn và linh hoạt hơn, các công ty (bất kể là thuộc lĩnh vực nào) cần có đường truyền băng thông rộng và tốc độ cao – một tiện ích dễ được cung cấp ở thành thị hơn nông thôn gấp ba lần. Thậm chí giữa các khu vực đô thị với nhau cũng có khoảng cách rất lớn. Chẳng hạn như ở Thành phố New York, có đến 80% cư dân khu Manhattan thượng lưu có thể truy cập băng thông rộng, trong khi con số này ở quận nghèo Bronx chỉ đạt 65%. Kết quả là sự tập trung của các công ty siêu sao tạo việc làm cho giới chuyên gia siêu sao, ở một số ít những thành phố có khả năng kết nối siêu cao. Trên thực tế, một báo cáo năm 2016 của Nhóm Đổi mới Kinh tế cho thấy 50% tổng số việc làm mới được tạo ra chỉ ở 75 trong số 3.000 hạt ở Mỹ. Đó là một xu hướng ngày càng gia tăng khi người tài bị thu hút đến một số thành phố lớn, khiến giá bất động sản tăng cao và đẩy những người không thuộc nhóm siêu sao vào tình thế khó khăn. Tất nhiên, xu hướng này đã làm trầm trọng thêm sự phân hóa giàu nghèo, vấn đề cần được ưu tiên bởi hai chính đảng Mỹ cũng như bởi bất kỳ quốc gia nào khác.
Để hiểu được tác động của tất cả những điều trên, bạn có thể đến thăm các thành phố công nghệ như San Francisco hoặc Seattle (hoặc những vùng lãnh thổ ngoài nước Mỹ như Tel Aviv của Israel hay Thâm Quyến của Trung Quốc). Khi đó, bạn sẽ thấy không chỉ giá nhà mà các vấn đề về người vô gia cư cũng tăng đột biến. Tuy nhiên, điều bạn sẽ không thấy là nhiều người Mỹ trung lưu đã không còn đủ khả năng trang trải cuộc sống và sở hữu những tiện ích cơ bản như nhà ở, chăm sóc sức khỏe hay tiết kiệm hưu trí… bằng thu nhập ở mức trung lưu của họ, sau khi hàng loạt triệu phú giấy được các công ty công nghệ tạo ra và ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn hơn đối với chính quyền địa phương. Ví dụ như ở Seattle, nhằm giúp cải thiện tình trạng vô gia cư đang gia tăng, hội đồng thành phố từng đề xuất mức thuế khiêm tốn 500 đô-la trên mỗi nhân viên đối với các doanh nghiệp địa phương; nhưng khi những đại gia như Starbucks và Amazon lên tiếng phản đối, mức thuế này nhanh chóng được giảm còn 275 đô-la. Và ở San Francisco, tỷ phú công nghệ Jack Dorsey của Twitter, đồng sáng lập Patrick Collison của Stripe và nhà sáng lập Mark Pincus của Zynga đã quyết liệt đấu tranh để chống lại một đề xuất được đưa ra vào năm 2018, theo đó những công ty có doanh thu trên 50 triệu đô-la phải trả một khoản thuế nhỏ (chỉ 0,5%) để góp quỹ cho dịch vụ nhà ở và hỗ trợ người vô gia cư tại địa phương. (Đề xuất này được thông qua, và nhiều công ty sau đó đã nộp đơn phản đối.)
Cũng trong năm 2018, Amazon đã thu hút sự chú ý của mọi người khi công bố rộng rãi về việc tìm kiếm địa điểm đặt trụ sở thứ hai, điều mà công ty này buộc phải làm vì nó đã lớn mạnh đến mức không thể mở rộng thêm ở Seattle: bản thân những người đang làm ở đây cũng không thể chấp nhận chuyện giá cả không ngừng tăng cao và giao thông ngày một dày đặc. Ban đầu, ông trùm bán lẻ nhắm tới New York và Washington D.C., tuyên bố rằng lựa chọn của họ được thực hiện dựa trên các chỉ số về chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và phương tiện giao thông, mặc dù nhiều thành phố họ không chọn cũng đáp ứng được những tiêu chí đó, nếu không muốn nói là tốt hơn. Trên thực tế, lựa chọn của Amazon thiên về những địa điểm được đại diện bởi các thượng nghị sĩ cấp cao và có các gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ đô-la tín dụng thuế cũng như nhiều khoản trợ cấp khác (cả New York và Washington D.C. đều có).
Trước những ý kiến trái chiều ở cả hai thành phố, các chính trị gia cố gắng thuyết phục cử tri rằng Amazon là một công ty tạo ra nhiều việc làm. Mặc dù vậy, họ vẫn không thuyết phục được người dân New York, và điều này không phải là không có lý do. Nghiên cứu cho thấy khi cung cấp các gói hỗ trợ để thu hút những công ty lớn, các địa phương có thể thu hút sự chú ý tích cực trong thời gian đầu và thu về những lợi ích ngắn hạn, nhưng kết quả cuối cùng xét trên quan điểm kinh tế hầu như luôn tiêu cực. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 70% những khoản trợ cấp như vậy đều rơi vào các trường hợp giảm thuế tài sản hoặc cấp tín dụng thuế dựa trên số việc làm mới được tạo ra. Điều này có nghĩa là các công ty lớn phải trả ít tiền hơn cho bất động sản họ sở hữu trong khi nguồn nhân lực trở nên suy yếu, bởi thuế tài sản là nguồn quỹ để hỗ trợ trường học và các dịch vụ công. Nói cách khác, những chủ doanh nghiệp đòi hỏi người lao động có tay nghề cao và cơ sở hạ tầng tốt đang làm tổn hại đến chính cơ sở thuế có thể tạo ra những điều đó. Kể từ những năm 1990 đến nay, các khoản trợ cấp như vậy đã tăng gấp ba lần, khiến các tiểu bang có năng lực ứng phó với suy thoái kinh tế yếu hơn so với những năm trước do nợ thành phố ngày càng tăng. Cuối cùng, sự phẫn nộ của công chúng đối với số tiền mà Thành phố New York trợ cấp cho Amazon đã nhấn chìm thương vụ này: sau khi hàng loạt cuộc biểu tình phản đối nổ ra, Jeff Bezos quyết định rút hồ sơ xin đặt trụ sở và rời thành phố.
Trước đó, Amazon vốn đã có lượng dữ liệu thị trường lớn hơn rất nhiều so với các đơn vị thuộc khu vực công hay bất kỳ công ty bán lẻ nào khác; giờ đây, nhờ quá trình đấu thầu kín và các thỏa thuận không tiết lộ mà họ yêu cầu các quan chức phải ký trong quá trình thương lượng về trụ sở mới, Amazon lại có thêm một lượng thông tin độc quyền khổng lồ về các thành phố cạnh tranh mà họ có thể tận dụng theo bất kỳ cách nào họ thích để giành lợi thế tài chính.
NGƯỜI LAO ĐỘNG PHẢN CÔNG
Amazon đang nắm giữ một vũ khí lợi hại. Nhưng thứ vũ khí mà những người theo chủ nghĩa dân túy sắp sử dụng trong những năm tới có lẽ sẽ còn lợi hại hơn. Uber đã từng cảm nhận mũi nhọn của thứ vũ khí này.
Sự bành trướng của Uber đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình bạo lực ở Thành phố Mexico và Paris, nhưng Kalanick – vốn nổi tiếng là người vừa nắm rõ các rào cản luật pháp vừa sẵn sàng đối đầu với chúng – vẫn bình chân như vại. Ông nói với tôi vào năm 2015: “Có rất nhiều quy tắc được đặt ra ở các thành phố chỉ để bảo vệ lãnh đạo đương nhiệm, chứ không phải để thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức, công dân và bản thân thành phố đó. Đây chính là vấn đề. Chúng ta cần tìm cách hợp nhất tiến trình chính trị với sự tiến bộ của xã hội trong thực tế”. Ý tưởng của Uber về sự tiến bộ rất đơn giản và bao quát: ở đâu cũng có các phương tiện giao thông đáng tin cậy, như nước chảy đến muôn nơi và dành cho mọi người.
Tất nhiên, cố tình không chấp hành nhằm xác lập lại các quy tắc về cách thành phố vận hành cũng là một phần của tầm nhìn đó. “Sao chính phủ lại có quyền tạo ra giá trị tiền tệ chỉ vì tình trạng khan hiếm xảy ra?”, Eric Schmidt đặt vấn đề khi tôi phỏng vấn ông vào năm 2015 để viết bài về Kalanick. (Năm 2013, Google Ventures đã đầu tư số tiền khổng lồ 258 triệu đô-la cho Uber, nói cách khác họ gần như đã mang tặng Kalanick một tấm séc trắng để ông có thể điền vào đó bất kỳ con số nào ông muốn.) “Người lái xe taxi không thể mua nổi tấm phù hiệu hàng triệu đô-la, nên rốt cục họ chỉ làm lợi cho các công ty tài chính.” Đây là một lập luận hợp lý. Trong khi Uber và Lyft vẫn thường bị đổ lỗi vì đã phá vỡ ngành taxi, các báo cáo gần đây của tờ New York Times cho thấy quan chức thành phố đã thông đồng với các tổ chức cho vay suốt nhiều năm qua để đẩy giá phù hiệu taxi Yellow Cab – thương hiệu về sau đã sụp đổ và khiến nhiều tài xế phải lao đao. Vì thế, Schmidt tin rằng cần có những người như Kalanick để phá vỡ hệ thống cũ: “Anh ấy là người ở thế yếu, chiến đấu chống lại các cấu trúc công nghiệp. Anh ấy là kiểu người có thể biến không thành có. Lý do những người như anh lên tiếng phản đối là vì không cảm thấy hài lòng [với hiện trạng]”.
Tất nhiên, điều ông nói là đúng. Trong cùng năm 2015, tôi đã theo dõi bài phát biểu của Kalanick trước lãnh đạo doanh nghiệp địa phương ở Boston khi ông mạnh dạn tuyên bố: “Tôi mường tượng ra một Boston không còn tình trạng kẹt xe của năm năm tới”. Giám đốc điều hành hiện tại của Uber – Khosrowshahi – đến nay vẫn thường xuyên nói về khả năng giảm thiểu ô nhiễm và giảm tải giao thông khi công ty bành trướng ở các khu vực đô thị. Tuy nhiên, hiện đã có một nghiên cứu đáng lo ngại cho thấy dù việc đi chung xe có thể giảm số người sở hữu xe hơi, nhưng đồng thời cũng có thể làm tăng số ki-lô-mét di chuyển trong các thành phố, từ đó gia tăng các vấn đề về ô nhiễm và giao thông.
Những vấn đề như vậy đã bắt đầu trở nên rõ ràng khi tôi tìm hiểu về Uber nhiều năm trước. Nhưng Kalanick – với chế độ “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ” điển hình – không muốn thảo luận về những vấn đề đó. Trên thực tế, ông không cảm thấy thoải mái khi bất kỳ vấn đề nào trong đó được đề cập. Và giống như nhiều doanh nhân ở Thung lũng Silicon tôi biết, ông sẽ nhanh chóng chuyển sang chế độ “chiến đấu” nếu bạn cố dẫn dắt ông đến với những khía cạnh gây tranh cãi trong cuộc thảo luận về Big Tech.
Khi tôi đề cập đến những lời phê bình về Kalanick và công ty của ông, ngay cả khi đó là lời của người trong Thung lũng, ngôn ngữ cơ thể của Kalanick thay đổi, mắt ông nheo lại: “Những người đó không biết tôi”. Ông miễn cưỡng nói thêm: “Những gì có thể tạo động lực cho tôi là một vấn đề khó chưa được giải quyết, một vấn đề cần một giải pháp thật sự thú vị và có sức ảnh hưởng. Và đối với tôi, vấn đề là gì thậm chí cũng không quan trọng. Tôi đơn giản là bị hút về phía nó. Có lẽ khuynh hướng này đã khiến tôi có một phong cách hơi khác một chút. Tôi đang học cách giữ vững niềm đam mê và đồng thời chấp nhận thực tế rằng khi bạn lớn mạnh hơn, bạn phải lắng nghe nhiều hơn, cởi mở hơn và đụng chạm nhẹ nhàng hơn”. Trong một khoảnh khắc chia sẻ thật lòng, ông nói: “Đôi khi tôi có cảm giác như đang lái xe trong sương mù. Tôi cầm vô-lăng và lái nhanh đến mức không kịp nhìn lại phía sau, nhưng cũng không thể nhìn quá xa phía trước”.
Đó là một phép ẩn dụ có thể áp dụng cho toàn bộ các công ty Big Tech. Xét cho cùng, Uber không một mình gây ra cơn địa chấn kinh tế làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động. Nhưng dù sao đi nữa, họ vẫn được hưởng lợi từ cơn địa chấn đó. Thú vị thay, sự dịch chuyển do nền kinh tế gig gây ra lại có tác động tích cực đến một khía cạnh khác: phong trào lao động.
Tỷ trọng lao động trong miếng bánh kinh tế chung đang thấp tương đương thời kỳ sau Thế chiến thứ hai, và đây là một vấn đề lớn trong nền kinh tế đang có đến 70% phụ thuộc vào chi tiêu của người tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra vấn đề này là sự sụp đổ của các công đoàn truyền thống – trước đó, công đoàn phí thường được thu theo luật và người trong công đoàn thường là người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ công hay lao động tay chân như xây dựng và sản xuất. Ngày nay, với chỉ 10,7% lực lượng lao động Mỹ tham gia công đoàn (thấp hơn một nửa so với đầu những năm 1980), người lao động đơn giản là không có tiếng nói – một vấn đề ngày càng trầm trọng hơn do ảnh hưởng của nền kinh tế gig và quá trình tự động hóa.
Mặc dù vậy, có vẻ như có một dạng phong trào lao động mới đang bén lửa, một phong trào có phạm vi rộng hơn, linh hoạt hơn và thiên về kỹ thuật số hơn. New York đã ra mắt quỹ tài trợ trị giá 2 triệu đô-la để giúp phát triển các cơ sở kinh doanh có kết hợp kỹ thuật số như tiệm in ấn, quán cà phê và cửa hàng thủ công cao cấp. Liên đoàn Lao động Tự do (Freelancers Union) – dành cho những người cung cấp dịch vụ cấp cao, đang bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế gig như nhà văn, nghệ sĩ đồ họa, nhiếp ảnh gia – hiện đại diện cho khoảng 375.000 người lao động và đang góp phần bù đắp cho sự suy thoái của các công đoàn truyền thống.
Điều này làm nổi bật sự thay đổi về bản chất của việc trở thành “tầng lớp lao động” trong thế giới do Big Tech tạo ra. Nếu bạn chỉ xem xét số tiền người lao động kiếm được trên mỗi giờ làm, nhiều người làm việc tự do trong giới cổ cồn trắng sẽ không thuộc giai cấp này. Nhưng nếu làm như nhiều nhà kinh tế cánh tả và xem xét thêm khía cạnh được đảm bảo việc làm và phúc lợi, bạn sẽ thấy những người làm việc trí óc cũng có những thách thức và mối lo ngại tương tự người làm việc tay chân, từ chuyện không có lương hưu và bảo hiểm y tế cho đến nguy cơ bị cắt giảm việc làm ngày càng cao do tác động của những công nghệ thay thế – thứ đang dần có vị trí cao hơn trên chuỗi kinh tế.
Theo Sara Horowitz, người sáng lập Liên đoàn Lao động Tự do, đó là một sự kết hợp có sức tác động về kinh tế và chính trị. Bà chia sẻ: “Về tư tưởng, tôi bước ra từ phong trào lao động Do Thái những năm 1920, một phong trào không chỉ có sự tham gia của các công nhân may mặc mà còn cả những người buôn bán nhỏ”. Quả thật, bà đã mang đến một sự kết hợp thú vị giữa nhiệt huyết kinh doanh với tư duy chiến lược cho cộng đồng của mình. Ví dụ, Liên đoàn Lao động Tự do đã thúc đẩy việc thông qua một đạo luật ở Thành phố New York, theo đó các nhà thầu độc lập được quyền khởi kiện nếu khách hàng không thanh toán phí dịch vụ, buộc khách hàng bồi thường gấp đôi thiệt hại và chi trả phí pháp lý. Nhóm của Horowitz sau đó đã phát triển một ứng dụng để giúp các thành viên tìm được luật sư đảm nhận vụ kiện. Và vì hầu hết các chuyên gia pháp lý tham gia đều hoạt động độc lập hoặc làm việc cho các công ty nhỏ, nên Horowitz cũng bắt đầu tổ chức lại đội ngũ này. (Bà dự định sẽ mở rộng chiến lược này sang các lĩnh vực khác, trong đó có ngành kế toán.) Bà muốn Đảng Dân chủ phải giải quyết tốt hơn những mối quan tâm chung của mọi người lao động ở mọi mức thu nhập: “Tôi cảm thấy lo ngại khi phong trào lao động bị định nghĩa quá hẹp”.
Đây có thể là thời điểm thích hợp để làm điều đó. Một nghiên cứu của Pew Foundation cho thấy thế hệ Millennials có quan điểm về công đoàn khác với cha mẹ của họ. Sự ủng hộ dành cho công đoàn đã tăng lên đều đặn kể từ khi nó chạm mức thấp nhất vào khoảng năm 2010. Theo nghiên cứu này, 48% người dân Mỹ tin rằng nên có công đoàn, và thế hệ Millennials là những người có quan điểm tích cực nhất. Như Kashana Cauley – người viết kịch bản chương trình The Daily Show with Trevor Noah (tạm dịch: Chuyện hằng ngày với Trevor Noah) – chia sẻ trên tờ New York Times, thế hệ Millennials đang chú ý đến lời kêu gọi “tham gia hoặc tự thành lập công đoàn, khi tiền lương ngày càng thấp và chính phủ muốn cắt giảm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe công và tư”. Điều thú vị là quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều người trẻ thuộc cả hai đảng phái chính trị. Có đến 50% đảng viên bảo thủ thuộc thế hệ Millennials ủng hộ các tổ chức lao động, trong khi con số này ở những người lớn tuổi theo Đảng Cộng hòa là chỉ 24%.
Lần cuối cùng tôi trò chuyện với Kalanick, ông đang quan tâm đến một thời kỳ khác, cũng có nhiều đột phá về lao động: giai đoạn cuối những năm 1800, hay còn được gọi là Thời Vàng son. Ông kể rằng ông đang đọc quyển Titan (tạm dịch: Người khổng lồ) của nhà văn chuyên viết tiểu sử Ron Chernow về John D. Rockefeller. Giống như Kalanick, Rockefeller là một người tự tay lập cơ đồ; ông đã gây dựng công ty độc quyền lớn nhất và mạnh nhất thế giới là Standard Oil, đồng thời đánh bại các nhà lập pháp, công đoàn và quan chức chính trị trong quá trình đó. Câu chuyện về Rockefeller là một câu chuyện mà nhiều chính trị gia và giới lập pháp cần nhìn lại khi đối phó với các nhà độc quyền mới: Big Tech.