Sau lần suýt đầu quân cho Google hơn mười năm trước, lần thứ hai tôi đến trụ sở New York của công ty này là vào năm 2017, không lâu sau khi tôi trở thành người phụ trách chuyên mục kinh doanh toàn cầu của tờ Financial Times. Thức ăn vẫn ngon như trước, nhưng sự trái ngược giữa cách các nhân viên Google nhìn nhận về công ty với cách nhiều người khác nhìn nhận về họ đã trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Khi tôi đề cập vấn đề độc quyền với nhân viên chính sách công của công ty, người này có vẻ vô cùng ngạc nhiên: “Chúng tôi luôn cảm nhận được sự đe dọa từ các công ty công nghệ lớn khác. Chúng tôi không thể hiểu nổi sao lại có người nói thị trường chưa có đủ sự cạnh tranh”.
Tôi có thể hiểu quan điểm của cô – như chúng ta đã biết, Amazon đã trở thành một đối thủ cạnh tranh lớn của Google. Vấn đề là hai hoặc ba gã khổng lồ cạnh tranh với nhau không thật sự tạo nên nền kinh tế cạnh tranh. Để có được nền kinh tế như vậy, các công ty thuộc mọi quy mô phải cùng tham gia và phát triển trong một thị trường. Nhưng càng về sau này, điều đó càng hiếm khi xảy ra. Nguyên do là vì các công ty Big Tech được hưởng một số lợi thế tự nhiên, có thể tạo nên sức mạnh độc quyền: sự bất cân xứng về thông tin, hiệu ứng mạng, khả năng sao chép ý tưởng của đối thủ nhỏ hơn trong môi trường mã nguồn mở, cơ hội thu phí cầu nối thông tin (dù phí này được thu ở dạng dữ liệu chứ không phải tiền thật), lợi thế vừa sở hữu một nền tảng được nhiều người sử dụng vừa có thể hoạt động thương mại trên nền tảng đó, một cơ chế chính trị và pháp lý mà những tay chơi lớn nhất có thể tùy ý chi phối ở Washington. Tôi đã tận mắt chứng kiến sức mạnh chính trị này khi Eric Schmidt – một trong những nhà tài trợ lớn nhất của tổ chức nghiên cứu có sức ảnh hưởng ở Washington là quỹ New America – chèn ép một chuyên viên hoạch định chính sách, người có những ý tưởng khiến ông cảm thấy bị đe dọa.
Tôi biết đến học giả Barry Lynn qua công trình nghiên cứu của ông về tương lai nền kinh tế cung ứng, trong đó ông xem xét việc Mỹ đã đánh mất khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất trước Trung Quốc như thế nào. Vốn cũng là người ủng hộ chủ nghĩa địa phương và các doanh nghiệp nhỏ, Lynn bắt đầu xem xét cách mà các công ty Big Tech đang áp dụng để thống trị nền kinh tế và gây trở ngại cho hoạt động tăng trưởng của những doanh nghiệp khác. Khi đội ngũ nghiên cứu Open Markets của Lynn đăng một bài viết trên trang web của quỹ tài trợ và ca ngợi phán quyết chống độc quyền của EU đối với Google, Schmidt (lúc đó vẫn là chủ tịch điều hành của Alphabet, công ty mẹ của Google) đã gọi điện cho người đứng đầu quỹ New America là Anne-Marie Slaughter (cựu giám đốc Chính sách của Bộ Ngoại giao dưới thời Hillary Clinton) và tỏ thái độ không bằng lòng.
Đó là khi Slaughter nói với Lynn – trong một email bị tờ New York Times vạch trần – rằng “đã đến lúc Open Markets và New America” chia tay; đồng thời nhấn mạnh lý do không phải vì công việc mà vì Lynn “thiếu tinh thần đồng đội”, gây tổn hại đến toàn bộ tổ chức. Vụ việc này gợi cho người ta nhớ đến một email mà Slaughter từng gửi cho Lynn một năm trước đó (2016), trước khi diễn ra một hội nghị do Lynn tổ chức và được nhiều người đón nhận về sự thống trị của Google, Amazon và Facebook. Theo những gì Slaughter trao đổi với Lynn, rõ ràng Google lo ngại vị thế của họ sẽ bị ảnh hưởng. Trong email, bà viết: “Chúng ta đang trong quá trình mở rộng mối quan hệ với Google trên một số phương diện quan trọng”. Bà kêu gọi Lynn: “Hãy NGHĨ xem anh đang gây hại đến nguồn tài trợ của những người khác như thế nào”.
Sau khi buộc phải rời New America (cả Google lẫn Slaughter đều không thừa nhận sự ra đi của Lynn có liên quan đến sức ép của Schmidt), Lynn đã lập ra một đơn vị nghiên cứu độc lập mà sau này có sức ảnh hưởng thậm chí còn lớn hơn: Viện Open Markets (xin được tiết lộ, tôi là một thành viên trong ban cố vấn của tổ chức mới này). Kể từ đó, những mối lo ngại của Lynn về sức mạnh độc quyền của Big Tech đã trở thành vấn đề nổi bật trong các cuộc thảo luận chính sách ở Washington, có tác động đến cả người theo chủ nghĩa tự do lẫn người bảo thủ. Một trong những bài luận có ảnh hưởng nhất gắn liền với nhóm tổ chức này là Amazon’s Antitrust Paradox (tạm dịch: Amazon và nghịch lý chống độc quyền), được viết bởi nhà nghiên cứu pháp lý trẻ Lina Khan và đăng trên tờ Yale Law Journal vào tháng Một năm 2017, trong đó nêu lý do vì sao lối tư duy cũ về quyền lực độc quyền không còn phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số. (Khan từng làm việc với Open Markets trong hai năm trước khi vào trường luật và quay lại làm thêm một năm sau khi tốt nghiệp.)
Thật khó tin khi Khan – một học giả khiêm tốn, mới ba mươi tuổi và hoạt động trong lĩnh vực chống độc quyền vốn bị quên lãng từ lâu – hiện là kẻ thù số một của những gã khổng lồ công nghệ trên thế giới (hoặc có lẽ là số hai, sau Margrethe Vestager, ủy viên điều tra về cạnh tranh của Liên minh châu Âu đã đưa một số luận điểm của Khan ra thảo luận). Theo những gì Khan chia sẻ với tôi trong cuộc phỏng vấn năm 2019, bước đột phá của cô đến từ “sự quan tâm dành cho các nhà kinh tế học đang thật sự nghiên cứu về quyền lực… Đó là một phạm trù đã bị loại bỏ khỏi phiên bản đương đại của kinh tế học”.
Các bài viết học thuật thường không có xu hướng lan truyền rộng rãi, nhưng bài viết của Khan đã nhận được mức độ quan tâm gần như vô tiền khoáng hậu từ các nhà hoạch định chính sách. Trong chưa đầy 100 trang, Khan đã chứng minh những cách diễn giải hiện có về luật chống độc quyền của Mỹ – những quy định vốn được đặt ra nhằm kiểm soát hoạt động cạnh tranh và kiềm chế hành vi độc quyền – hoàn toàn không phù hợp với cấu trúc của nền kinh tế hiện đại.
Suốt gần bốn thập niên, các học giả chống độc quyền đã áp dụng những quy tắc trong quyển The Antitrust Paradox năm 1978 của Robert Bork và gắn định nghĩa về quyền lực độc quyền với các hiệu ứng giá trong ngắn hạn; điều này có nghĩa là nếu Amazon bán sản phẩm với giá thấp hơn, thị trường hẳn phải hoạt động hiệu quả. Khan đưa ra một lập luận phản biện đơn giản nhưng có sức thuyết phục: việc những công ty như Amazon có đang làm mọi thứ rẻ hơn hay không là không thành vấn đề khi họ sử dụng các chiến lược định giá mang tính săn mồi để thống trị đa ngành, bóp chết sự cạnh tranh và giảm thiểu lựa chọn. “Tôi cảm thấy thật thú vị trước cách nhìn nhận của Phố Wall về Amazon, cũng như trước mức độ khác biệt giữa thực tế với những gì lý thuyết kinh tế truyền thống thường nói về công ty này”, Khan nói.
Việc Khan tái định hình vấn đề là một sự khai sáng, hiện đang được vận dụng trong nhiều hoạt động chống độc quyền ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Nhiều chuyên gia vẫn luôn nói với chúng ta suốt những năm qua rằng sự tập trung quyền lực vào một số công ty khổng lồ là nguyên nhân cốt lõi của hàng loạt vấn đề, từ trì trệ tiền lương, gia tăng tình trạng bất bình đẳng đến bùng phát chủ nghĩa dân túy chính trị. Nhưng giờ đây, nhờ bài viết của Khan, một lộ trình cụ thể đã được vạch ra để nắm bắt vấn đề và một công cụ pháp lý đã được phát triển để giải quyết vấn đề đó.
“Ở cấp độ cơ bản nhất, tôi quan tâm đến sự chênh lệch về sức mạnh thị trường và biểu hiện của nó. Đó là điều bạn có thể thấy không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà còn trong nhiều ngành công nghiệp khác”, Khan – tác giả của những bài viết sắc sảo về quyền lực độc quyền trong nhiều lĩnh vực đa dạng, như hàng không và nông nghiệp – cho biết. “Những gì nhiều người vẫn thường nói về thị trường là những nguồn lực xuất phát từ quá trình toàn cầu hóa và công nghệ, là những thứ hoàn toàn bị loại bỏ hoặc hoàn toàn tách biệt với luật pháp và thể chế pháp lý”. Nhưng giống như nhiều nhà nghiên cứu khác, Khan tin vào điều ngược lại: “Nếu thị trường đang dẫn dắt chúng ta theo những định hướng mà chúng ta – với tư cách là một xã hội dân chủ – xác định rằng không phù hợp với tầm nhìn của chúng ta về tự do hoặc dân chủ, thì chính phủ có trách nhiệm phải làm điều gì đó”.
Như tiêu đề cho thấy, bài viết của Khan tập trung vào Amazon, công ty mà xét theo nhiều khía cạnh là mạnh nhất và có quyền lực thống trị lớn nhất trong nhóm FAANG. Công ty này hiện đang kiểm soát tỷ lệ cao nhất trong mảng thương mại điện tử ở Mỹ, xứng đáng với danh hiệu “cửa hàng mọi thứ” được Brad Stone lấy làm tiêu đề cho quyển sách của mình. Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ, khởi đầu của Amazon là một nhà cung cấp sách giá rẻ, đe dọa hạ bệ các nhà xuất bản – chưa kể các cửa hàng sách thực tế – bằng những kỹ thuật định giá chỉ có thể được tả là “có tính săn mồi”. Các chiến thuật mà Amazon sử dụng trong cuộc tấn công trực diện vào ngành sách về sau đã trở thành một quy trình tiêu chuẩn, khi công ty tiếp tục thực hiện những hành vi lấn sân tương tự sang vô số ngành và thị trường khác.
ẢO TƯỞNG “GIÁ RẺ”
Nếu có một điều mà Amazon không tài nào có được trong hoạt động kinh doanh sách, đó có lẽ là sự tế nhị. Trong quyển sách của mình, Stone viết: “Bezos đã ra lệnh cho nhân viên tiếp cận các nhà xuất bản nhỏ theo cách một con báo đốm đang săn đuổi một con linh dương gazelle ốm yếu”. Dự án Gazelle được tiến hành thời điểm đó bao gồm việc giảm giá sâu những quyển sách bán chạy nhất để thống trị thị trường sách điện tử, như cách Apple từng làm để thống trị thị trường nhạc kỹ thuật số. Không những vậy, Amazon còn bán thiết bị đọc sách Kindle với giá thấp hơn cả chi phí sản xuất. Cả hai “chiêu” đó đều nhằm xây dựng một mạng lưới người tiêu dùng mà về sau sẽ luôn gắn bó và tìm đến nhà bán lẻ điện tử này. Thêm vào đó, Amazon cũng giảm giá sách in trên trang web của mình và áp dụng chính kỹ thuật định giá săn mồi mà Khan đề cập trong bài luận của cô. Có thể công ty đã kiếm được rất ít lợi nhuận trên doanh thu sách điện tử, nhưng chiến lược này hiệu quả. Đến năm 2009, khoảng hai năm sau khi Kindle ra mắt, Amazon đã bán được xấp xỉ 90% tổng số sách điện tử.
Lo ngại rằng chiến lược định giá của Amazon đang thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về mức giá “bình thường” họ phải trả cho một quyển sách điện tử và thay đổi vĩnh viễn ngành kinh doanh sách, các nhà xuất bản lớn đã cố giành lại quyền kiểm soát. Có năm trong sáu công ty Big Six (nhóm các nhà xuất bản lớn nhất của Mỹ trước khi Penguin sáp nhập với Random House vào năm 2013) quyết định chuyển sang kinh doanh trên nền tảng của Apple. Công ty này đồng ý để các nhà xuất bản tự đặt giá – nghĩa là Apple không thể cắt giảm một nửa giá tiền bất cứ khi nào họ muốn – và chỉ lấy 30% trên bất kỳ mức giá nào các nhà xuất bản cho là hợp lý. Macmillan, một nhà xuất bản trong nhóm Big Six, đã kêu gọi Amazon chấp nhận một thỏa thuận tương tự; nhưng tại thời điểm đó, Amazon đã quay lại buộc tội Macmillan lợi dụng sức mạnh độc quyền.
Ngạc nhiên thay, Bộ Tư pháp lại không hiểu được điều trớ trêu: một nhà xuất bản có giá trị chỉ bằng một phần rất nhỏ giá trị của Amazon lại có thể lợi dụng quyền lực để chi phối thị trường. Năm 2012, Bộ Tư pháp quyết định mở cuộc điều tra chống độc quyền và khởi tố cả Apple lẫn các nhà xuất bản với cáo buộc thông đồng. Nhiều chính trị gia và chuyên gia ngoài cuộc cho rằng Bộ Tư pháp đã “nhắm” sai phe. Suy cho cùng, chiến lược định giá của Amazon là gì nếu không phải là nỗ lực nhằm chiếm ngày càng nhiều thị phần? Thế mà các nhà điều tra lại kết luận “thiếu bằng chứng thuyết phục” rằng công ty có dính líu đến hoạt động định giá kiểu săn mồi, vì việc kinh doanh của họ luôn có lợi nhuận ngay cả khi sách được giảm giá mạnh.
Theo Khan, vấn đề ở đây là cách tiếp cận của Bộ đã không tính đến hai điều. Thứ nhất, việc giảm giá các sản phẩm được bán trên nền tảng kỹ thuật số như Amazon mang lại cho chủ sở hữu nền tảng đó những lợi thế nhất định mà một nhà bán lẻ truyền thống không thể có khi giảm giá sản phẩm trong các cửa hàng truyền thống. Cụ thể là với những mức giá siêu thấp đó, Amazon đã thu được vô số dữ liệu từ khách hàng, ngay cả khi khách hàng chỉ lướt qua các sản phẩm trên nền tảng chứ chưa mua hàng. Thứ hai, Amazon thời điểm đó đã thống trị nhiều mảng bán lẻ khác và có nhiều cách khác nhau để bù đắp những thiệt hại mà họ sẵn sàng chấp nhận trong mảng sách điện tử. Trong khi đó, Bộ Tư pháp lại xem xét quyền lực chi phối giá bằng một góc nhìn quá tuyến tính, thiếu sự đa chiều: Liệu một ngành kinh doanh cụ thể (như sách hoặc tã em bé) có chấp nhận thua lỗ để giảm bớt cạnh tranh hay không? Liệu người tiêu dùng có bị thiệt hại do sự giảm giá đó hay không?
Trái ngược với cách nhìn nhận của Bộ, công nghệ nền tảng đã thay đổi ngành xuất bản (thật ra là mọi doanh nghiệp bán lẻ) theo những cách khiến những lý thuyết cũ về giá trở nên lỗi thời. Khan giải thích: “Điều Bộ Tư pháp đã bỏ qua là phương pháp định giá dưới chi phí đã giúp Amazon củng cố sức mạnh thống trị theo những cách mà các nhà bán lẻ truyền thống không thể có được khi bán lỗ”.
Từ thành công của chiến lược này, Amazon đã áp dụng những chiến thuật tương tự để thống trị rất nhiều lĩnh vực khác, tiến đến hạ gục đối thủ cạnh tranh cả trong bán lẻ truyền thống lẫn thương mại điện tử. Ví dụ, trong thị trường sản phẩm trẻ em, Amazon đã đẩy một đối thủ cạnh tranh là Quidsi khỏi vị trí hàng đầu bằng cách sử dụng bot để theo dõi giá của Quidsi và hạ gục họ bằng chính sách giá được tối ưu hóa theo thời gian thực. Cuối cùng Amazon đã mua lại Quidsi, như họ đã mua lại nhiều đối thủ cạnh tranh khác, trong đó có nhà bán lẻ giày Zappos.
Amazon hiện là trang web mặc định của nhiều người khi mua sắm trực tuyến, chiếm 44% lượt tìm kiếm sản phẩm đầu tiên của người tiêu dùng tại Mỹ. Ngoài vai trò là một nhà bán lẻ, Amazon còn là một nền tảng tiếp thị, mạng lưới hậu cần (logistics) và giao hàng, dịch vụ thanh toán, nhà cung cấp tín dụng, đơn vị tổ chức đấu giá, nhà xuất bản sách lớn, nhà sản xuất phim và chương trình truyền hình, nhà thiết kế thời trang, công ty sản xuất phần cứng, và là nhà cung cấp hàng đầu về không gian máy chủ đám mây và sức mạnh máy tính. Doanh thu thuần hằng năm của Amazon luôn tăng trưởng trên 10% suốt nhiều năm liên tục, dù khi đó họ vẫn đang chấp nhận lỗ hoặc thu về lợi nhuận thấp để chiếm nhiều thị phần hơn và mở rộng sang nhiều lĩnh vực hơn.
Thành thật mà nói, giá cả trên Amazon thật sự rất hấp dẫn. Bản thân tôi vẫn thường xuyên mua sắm trên trang này, và tôi nghĩ nhiều người đọc quyển sách này cũng vậy. Nhưng khả năng kiểm soát bối cảnh cạnh tranh không nằm trong tay người tiêu dùng mà là các nhà quản lý. Và khi xem xét kỹ hơn về Amazon, họ phát hiện rất nhiều hành vi có vẻ phản cạnh tranh, nếu không muốn nói là cực kỳ đáng sợ. Ví dụ, hãy nghĩ về cách trí thông minh nhân tạo Alexa vẫn thường hướng người dùng đến một số sản phẩm nhất định thay vì những sản phẩm khác. Một nghiên cứu cho thấy những hành vi như vậy có thể giúp Amazon tăng doanh số bán hàng đến 29%.
Hãy nhớ rằng cái giá bạn phải trả trên Amazon không thật sự rẻ, nếu bạn xét cả giá trị của dữ liệu cá nhân mà bạn đang để cho họ thu thập. Một ước tính thận trọng về giá trị dữ liệu cá nhân đối với các công ty nền tảng như Google, Facebook, Amazon cùng nhiều công ty tổng hợp lớn khác như các tổ chức tín dụng… đã cho ra con số khoảng 76 tỷ đô-la vào năm 2018. Và đó chỉ mới là ước tính dựa trên việc những công ty này có thể bán quảng cáo nhắm mục tiêu – phân khúc vốn chiếm 50% tổng doanh thu quảng cáo của các nền tảng. Con số ước tính đó chưa tính đến việc tất cả dữ liệu cá nhân đều có thể được phân tích đối chiếu để gia tăng giá trị, để các công ty sử dụng theo nhiều cách khác nhau nhằm thúc đẩy người dùng đưa ra những quyết định mua hàng nhất định.
Nếu dành thời gian phân tích quyển Information Rules năm 1998 của Hal Varian, bạn sẽ nhận ra những người phụ trách các công ty Big Tech biết rõ các sản phẩm “miễn phí” thật ra đều là ảo tưởng. Vấn đề là chúng ta không hình dung được dữ liệu của ta thật sự có giá trị như thế nào đối với những công ty khai thác chúng. “Tại sao Google lại cho không các sản phẩm như trình duyệt, ứng dụng và hệ điều hành Android cho điện thoại di động?”, Varian đặt câu hỏi phản biện trong một bài viết đăng trên tạp chí Wired năm 2009. “Bất cứ điều gì thúc đẩy việc sử dụng Internet cuối cùng đều làm giàu cho Google”. Khi “cho không” nhiều tiện ích để đổi lấy những thứ thật sự có giá trị hơn nhiều, các công ty như Google và Amazon có thể thu được lợi nhuận kếch xù, đồng thời xây dựng những “chiến hào” bất khả xâm phạm để bảo vệ hoạt động kinh doanh của họ.
Amazon nắm quyền kiểm soát trong ngành logistics nhiều đến mức có thể yêu cầu các công ty như UPS giảm giá mạnh, có khi giảm tới 70% so với giá hiện hành. Hệ quả là nhiều công ty giao nhận phải tăng phí đối với những khách hàng nhỏ hơn để bù đắp cho phần lợi nhuận bị cắt giảm. Lợi dụng tình thế đó, Amazon đã có một động thái cạnh tranh “tuy nhu mà hiểm”: thành lập một công ty con để cung cấp dịch vụ logistics và giao nhận cho các nhà bán lẻ hiện đang bị UPS và FedEx tính phí cao hơn do hậu quả của chính Amazon gây ra. Hầu hết những người sử dụng dịch vụ này vốn đang cạnh tranh với chính Amazon để bán hàng lại càng bị mất đi lợi thế cạnh tranh hơn, và do đó tiếp tục tạo điều kiện cho Amazon củng cố sức mạnh của họ.
Amazon giống như “nhà cái” trong một sòng bạc ở Las Vegas – họ luôn thắng. “Bạn không thể bán được nhiều hàng trên mạng nếu không có mặt trên Amazon, nhưng bạn cũng ý thức rất rõ Amazon là đối thủ cạnh tranh chính của bạn”, một thương nhân chia sẻ với tờ The Wall Street Journal vào năm 2015. Kết quả là thị phần do Amazon kiểm soát lại ngày càng phình to. Hiện tại, tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Bezos đã trở thành một thế lực hùng mạnh trong mảng hậu cần và vận chuyển, với hàng ngàn chiếc xe tải, tàu container, máy bay vận tải và máy bay không người lái (drone). Các cựu nhân viên của Amazon cho biết mục tiêu tối thượng của công ty này là thay thế tất cả các dịch vụ giao hàng, và phát triển từ một cửa hàng bán mọi thứ thành một đơn vị giao mọi hàng hóa.
Sự lớn mạnh của các nền tảng công nghệ luôn được cho là có liên quan đến tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp mới bị sụt giảm và cơ hội của người kinh doanh bị thu hẹp. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do các nền tảng luôn có thể nhanh chóng chuyển sang những ngành kinh doanh mới theo những cách mà các doanh nghiệp truyền thống (nhất là các doanh nghiệp nhỏ) không thể thực hiện được. Ở Chương 7, chúng ta đã tìm hiểu chuyện Google sao chép mô hình kinh doanh của Yelp rồi nhanh chóng tìm cách độc chiếm không gian kinh doanh đó (và tiếp đến là doanh thu quảng cáo). Một lần nữa, giống như các công ty đường sắt hoặc viễn thông trước đây, Big Tech có thể vừa tạo ra thị trường vừa tiến hành hoạt động thương mại trong thị trường đó, và đây rõ ràng là một lợi thế bất công.
Đa số mọi người đều hiểu rằng nhờ quyền lực độc quyền mà các công ty công nghệ được hưởng những khoản lợi nhuận bất thường và cao quá đáng (như nhiều người sẽ nói). Vào năm 2018, tờ The Economist ước tính tình trạng tập trung gia tăng trên thị trường đã dẫn đến một khoản lợi nhuận bất thường lên đến 660 triệu đô-la, trong đó hai phần ba đến từ Mỹ và một phần ba là của riêng lĩnh vực công nghệ. Đây là hệ quả trực tiếp của việc các công ty có thể thay đổi các quy luật hấp dẫn thông thường của nền kinh tế.
Big Tech quyết liệt phủ nhận điều này. Eric Schmidt của Google cho biết vào năm 2009: “Cứ mỗi cú nhấp chuột là chúng tôi lại có nguy cơ mất một khách hàng; vì vậy, chúng tôi rất khó có thể giữ chân bạn theo cách các công ty truyền thống thường làm”. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu khác cho thấy khách hàng ít khi chuyển sang nền tảng khác một khi nền tảng họ đang sử dụng đã đạt vị thế thống trị trên thị trường, bởi vì “cái giá của sự chuyển đổi” là khá cao – việc chuyển từ nền tảng này sang nền tảng khác là một vấn đề khó khăn về mặt nhận thức, khác với việc đơn giản là bỏ cửa hàng này để mua đồ ở một cửa hàng khác. (Mỗi việc ghi nhớ mật khẩu thôi cũng đã quá phiền toái.) Sự thật là khả năng chúng ta đi dạo quanh khu phố của mình còn cao hơn khả năng ta chuyển sang sử dụng một nền tảng khác, ví dụ như chuyển sang công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft nếu Google đột ngột ngừng hoạt động. Các quy luật cạnh tranh thông thường đơn giản là không có tác dụng trong thế giới nền tảng.
NGHỊCH LÝ CHỐNG ĐỘC QUYỀN
Khi một công ty vừa là tay chơi trên thị trường vừa sở hữu chính thị trường đó, rõ ràng là có vấn đề xét dưới góc độ cạnh tranh. Đây là lý do tại sao lĩnh vực tài chính có những nguyên tắc nhằm ngăn chặn các công ty sở hữu những tài sản họ giao dịch, cũng như không cho họ giao dịch trên các thị trường họ tạo ra (mặc dù những nguyên tắc này đôi khi vẫn bị phá vỡ bởi các luật sư và nhà vận động hành lang khôn khéo). Đến nay, các công ty công nghệ vẫn chưa bị hạn chế bởi các quy định đặc biệt, ngay cả khi họ đã trở thành những công ty lớn nhất và nắm nhiều quyền lực nhất thế giới. Một phần lý do là vì họ có một mô hình kinh doanh không rõ ràng, khiến việc hiểu được mô hình đó cũng vô cùng khó khăn chứ chưa nói đến chuyện kiểm soát. Nhưng một phần khác là do những nhà lập pháp có khả năng kiềm chế sức mạnh bành trướng của các công ty đó đang áp dụng một mô hình lỗi thời để nhận diện quyền lực độc quyền, một mô hình chưa từng được xem xét lại suốt hơn bốn mươi năm.
Lần cuối cùng chính sách chống độc quyền ở Mỹ được tái thiết lập là khi Robert Bork xuất bản quyển The Antitrust Paradox vào năm 1978. Bork cho rằng mục tiêu chính của chính sách chống độc quyền phải là thúc đẩy “hiệu quả kinh doanh”, yếu tố mà từ những năm 1980 đến nay được đo bằng giá tiêu dùng. Sự thay đổi này đã khiến Mỹ từ bỏ chính sách chống độc quyền dựa trên phúc lợi của “công dân” và hướng tới một chính sách rõ ràng là có lợi cho nền chính trị tự do của chính quyền Reagan. Vấn đề là trong một thế giới nơi dữ liệu là một đơn vị tiền tệ mới, giá cả là một thước đo không đầy đủ – nếu không muốn nói là không phù hợp. Vì vậy, đã có những lời kêu gọi “đại tu” chính sách chống độc quyền, giống như lần “đại tu” đã dẫn đến sự ra đời của Đạo luật Sherman vào cuối thế kỷ 19 – đạo luật được thiết kế để đảm bảo sức mạnh kinh tế của các công ty lớn không gây ra tình trạng tham nhũng trong tiến trình chính trị.
Đó là những lời kêu gọi đúng lúc. Bất bình đẳng thu nhập và hoạt động hợp nhất doanh nghiệp ở Mỹ hiện đã đạt mức cao kỷ lục kể từ Thời Vàng son đó. Điều này không phải là ngẫu nhiên, mà vì tương tự thời kỳ đó, luật độc quyền của chúng ta đã trở nên yếu kém và không còn hiệu quả. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, những ông trùm như Standard Oil hay U.S. Steel thậm chí còn có quyền lực lớn hơn chính phủ trong nhiều phương diện. Họ – như nhiều tay chơi trong lĩnh vực công nghệ ngày nay – cũng mua chuộc và nắm trong tay nhiều chính trị gia; ngay cả Tổng thống William McKinley cũng “ngầm thừa nhận quyền kiểm soát nền kinh tế thuộc về Phố Wall chứ không phải Nhà Trắng”.
Những “kẻ cướp giàu có” của Thời Vàng son cuối cùng đã bị ngăn chặn bởi Louis Brandeis – một luật sư biện hộ, nhà cải cách, thẩm phán của Tòa án tối cao. Ông trưởng thành trong giai đoạn từ giữa cuối những năm 1800 ở Louisville của Thành phố Kentucky, một thị trấn không to cũng không nhỏ, đa dạng và phi tập trung mà Brandeis thường ca ngợi là “bình dị” và không dính phải “lời nguyền của sự to lớn” (cụm từ này về sau đã được phổ biến bởi nhà nghiên cứu pháp lý Tim Wu của Đại học Columbia, người ủng hộ việc quay lại cách diễn giải chống độc quyền của thế kỷ trước).
Khi Brandeis còn nhỏ, Louisville tuy rất thịnh vượng nhưng vẫn chưa bị xâm lấn bởi các loại hình tập trung công nghiệp thường thấy ở các thành phố ven biển và một số khu vực khác của nước Mỹ. Đó là nơi các nông dân, chuyên gia, các nhà sản xuất và người buôn bán lẻ đều quen biết nhau, làm việc cùng nhau và có chung một khuôn khổ đạo đức mà Adam Smith tin rằng đó chính là chìa khóa giúp thị trường hoạt động tốt. Nhưng vào thời điểm Brandeis trở thành một luật sư ở Thành phố Boston, các nhà tài phiệt như John D. Rockefeller và J. P. Morgan đang xây dựng những đế chế – triều đại dầu mỏ của Rockefeller và thế độc quyền đường sắt của Morgan – không hợp đạo đức và cũng không mang lại hiệu quả kinh tế. Nhưng những nhà tài phiệt này đã mua chuộc các cơ quan lập pháp và không còn ai đủ quyền lực để kiểm soát được họ.
Brandeis đã mạnh dạn tiếp nhận một vụ kiện chống lại công ty đường sắt New Haven Railroad của Morgan, vạch trần những mặt trái của quyền lực độc quyền: thông đồng định giá, hối lộ quan chức, gian lận kế toán… Kết quả không chỉ là sự tan rã của đế chế đường sắt mà còn là một cách tiếp cận mới đối với việc chống độc quyền, đồng thời khiến công chúng tin rằng chính phủ nên – theo lập luận của Wu – “trừng phạt những ai vì muốn thành công mà sử dụng các phương pháp kinh doanh vô lương tâm, lạm dụng quyền lực, chèn ép kẻ yếu”. Brandeis tin rằng các tập đoàn khổng lồ đang cướp đi tính nhân văn của con người khi hạn chế khả năng làm việc, cạnh tranh và phát triển của mỗi cá nhân. Ông viết: “Nghiêm trọng hơn nhiều so với việc đàn áp cạnh tranh là đàn áp tự do công nghiệp, hay thực chất chính là đàn áp con người”.
Triết lý của Brandeis đã phổ biến suốt những năm 1960, sau khi được chính thống hóa bởi Tổng thống Theodore Roosevelt, một người chống độc quyền có thái độ mâu thuẫn, vừa yêu vừa ghét quyền lực, đồng thời lại muốn thấy các tập đoàn bị chính phủ kiềm chế. Nhưng khi các học giả bảo thủ của Trường phái Kinh tế học Chicago – cụ thể là Robert Bork – có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn, quan điểm cho rằng chỉ riêng việc các tập đoàn nắm giữ quá nhiều quyền lực đã là vấn đề không còn được ủng hộ. Chính sách chống độc quyền trở nên kỹ trị, yếu kém và gắn liền với quan niệm rằng miễn là các công ty còn giảm giá cho người tiêu dùng thì họ có thể lớn mạnh đến bất cứ mức độ nào họ muốn.
Sự thay đổi cơ bản đó tất nhiên đã cho phép mọi ngành công nghiệp, từ hàng không, truyền thông đến dược phẩm, tiến hành hợp nhất ở một mức độ lớn chưa từng có. Nhưng rõ ràng hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, ngành công nghệ – trong đó các sản phẩm và dịch vụ không chỉ rẻ mà còn “miễn phí” (hay đúng hơn là sự trao đổi để lấy dữ liệu cá nhân trong các giao dịch không rõ ràng) – đã cho thấy chúng ta cần phải có một cách hiểu mới về quyền lực độc quyền.
Đối với Wu, Khan, Lynn và ngày càng nhiều chuyên gia khác, Google, Facebook và Amazon chính là Standard Oil hay U.S. Steel của thời đại chúng ta – những công ty quyền lực hơn cả chính phủ, có thể đe dọa nền dân chủ tự do nếu không được kiểm soát thông qua một góc nhìn rộng hơn về độc quyền. Với những thách thức do Big Tech gây ra, biện pháp mới về hoạt động chống độc quyền không chỉ cần một tầm nhìn rộng hơn về giá cả và lợi ích của người tiêu dùng, mà còn phải xem xét liệu các công ty mới có khả năng thâm nhập thị trường do những tay độc quyền công nghệ kiểm soát hay không và sản phẩm của họ có thể cạnh tranh dựa trên giá trị của nó hay không.
“Trong phần lớn trường hợp, câu trả lời sẽ là không”, Lina Khan nhận định. Cô đang xem xét rất nhiều vụ kiện cũ – từ các cuộc điều tra chống độc quyền đường sắt đến vụ tách bạch ngân hàng thương mại với quyền sở hữu hàng hóa – để củng cố cho lập luận “nếu bạn là bên cung cấp cơ sở hạ tầng, thì bạn không được quyền cạnh tranh với tất cả những doanh nghiệp đang phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của bạn”.
Các nguyên tắc mới không thể được đưa ra kịp lúc, vì sự phát triển của Big Tech đã gây hiệu ứng domino về tập trung lên phần còn lại của nền kinh tế, điều mà nhiều nhà kinh tế cho là đã tạo sức cản làm chậm tốc độ tăng trưởng chung. Từ năm 1997 đến năm 2012, mức độ tập trung của các doanh nghiệp trong 900 ngành nghề được khảo sát đã tăng đến hai phần ba, với thị phần bình quân gia quyền của bốn công ty hàng đầu mỗi ngành tăng từ 26% lên 32%. Đó là vì các công ty thuộc tất cả các ngành đều tin rằng họ cần nhiều sức mạnh hơn để đấu với FAANG.
Trong những năm gần đây, ngay cả những gã khổng lồ trong các ngành công nghiệp lâu đời cũng phải vật lộn để duy trì quy mô mà họ tin là cần thiết để cạnh tranh. Một số lượng kỷ lục các vụ mua bán và sáp nhập công ty đã được tiến hành trong năm 2018, trong đó có nhiều vụ liên quan đến việc các công ty lớn cố gắng cạnh tranh với những công ty kỹ thuật số thậm chí còn lớn hơn và đã phá vỡ mô hình kinh doanh truyền thống của họ. Chẳng hạn, tập đoàn dược phẩm CVS đã mua lại công ty bảo hiểm y tế Aetna khi Google và Amazon lấn sân sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tương tự, chuỗi siêu thị Walmart cũng mua lại Flipkart – một doanh nghiệp thương mại điện tử lớn của Ấn Độ – sau khi Amazon nuốt chửng chuỗi cửa hàng chuyên thực phẩm sạch Whole Foods.
Hiện tượng này có biểu hiện rõ ràng nhất trong lĩnh vực truyền thông và viễn thông. Điển hình trong đó có cuộc chiến giữa Disney và Comcast để tranh giành tài sản của Tập đoàn 21st Century Fox, hoặc đề xuất hợp nhất do hai đại gia viễn thông T-Mobile và Sprint đưa lên Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission – FCC) vào năm 2018. Có lẽ quan trọng hơn cả là quyết định gây tranh cãi của Tòa án Quận trong cùng năm đó – cho phép AT&T hợp nhất với Time Warner – đã mở đường cho hàng loạt các thỏa thuận sáp nhập mới. Thẩm phán Richard J. Leon, người phê duyệt đề xuất hợp nhất của AT&T và Time Warner, trình bày trong bản phán quyết dài 172 trang: “Nếu có một vụ kiện chống độc quyền mà mỗi bên đều có những đánh giá cực kỳ khác nhau về hiện trạng thị trường và những tầm nhìn hoàn toàn khác biệt về sự phát triển của thị trường đó trong tương lai, thì đây chính là một vụ kiện như thế. Không có gì ngạc nhiên khi nó phải được đưa ra xem xét trước tòa!”.
Thật khó để xác định khi hai gã khổng lồ truyền hình cáp bắt tay với nhau thì người tiêu dùng có được hưởng lợi hay không, nhưng bản thân thỏa thuận này đã làm nổi bật những thay đổi đáng kể trong bối cảnh truyền thông những năm qua. Thật khó tin khi AT&T và Time Warner dù đã trở thành một tập đoàn truyền thông trị giá hàng tỷ đô-la sau khi hợp nhất, nhưng vẫn là “chú kiến nhỏ” khi đứng bên cạnh những đối thủ cạnh tranh mới nổi đến từ Thung lũng Silicon: các dịch vụ truyền phát trực tuyến của Netflix, Amazon, Facebook, Google, và gần đây nhất là Apple – công ty vừa công bố một bước tiến lớn sang lĩnh vực giải trí và truyền thông vào năm 2019.
Makan Delrahim, người đứng đầu bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp, cho rằng không nên cho phép AT&T mua lại Time Warner, vì việc sáp nhập hai công ty có thể sẽ khiến người dùng Mỹ phải trả mức phí cao hơn cho dịch vụ truyền hình cáp. Tuy nhiên, thẩm phán lại đồng ý với lập luận của các công ty rằng việc sáp nhập là cần thiết để ngăn chặn áp lực cạnh tranh từ những “cá mập” lớn hơn: Google cung cấp đến 50 kênh nội dung đặc biệt trên YouTube với giá 49,99 đô-la một tháng; Amazon và Netflix đầu tư mạnh cho hoạt động sáng tạo nội dung độc quyền (riêng Netflix đã đầu tư 13 tỷ đô-la trong năm 2018) để tranh giành cả người xem lẫn nhân tài của HBO; Apple và Facebook cũng chi khoảng 1 tỷ đô-la vào năm 2018 cho mảng nội dung video.
Năm 2017, Google và Facebook chiếm 84% thị trường quảng cáo kỹ thuật số. Như thẩm phán Leon đã nêu rõ ở trang 2 trong bản phán quyết về vụ sáp nhập Time Warner, “các nền tảng quảng cáo kỹ thuật số đang chiếm ưu thế thuộc sở hữu của Facebook và Google đã vượt qua doanh thu quảng cáo truyền hình”, khiến các công ty như Time Warner gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì phí đăng ký ở mức thấp. Không có gì ngạc nhiên khi cùng năm đó, số người dùng truyền hình cáp ở Mỹ quyết định “cắt cáp” – gỡ bỏ thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình số – đã lên tới 22 triệu, tăng 33% so với năm 2016. Nếu ai đó đang sở hữu quyền lực độc quyền trong thế giới truyền thông kỹ thuật số ngày nay, đó chắc chắn không phải là những tay chơi dày dặn kinh nghiệm trong ngành truyền thông.
Nhưng có thể tình hình đang bắt đầu thay đổi, khi các cơ quan quản lý dần nhận ra mối đe dọa cạnh tranh xuất phát từ sự tập trung của các công ty gây ra. Năm 2017, Liên minh châu Âu – tổ chức dẫn đầu về hoạt động chống độc quyền – đã phạt Google một mức phạt kỷ lục là 2,7 tỷ đô-la vì đã ưu tiên hiển thị các dịch vụ của chính Google ở vị trí cao hơn so với dịch vụ của đối thủ. Tuy nguyên đơn chính trong vụ này – như tôi từng đề cập trong Chương 7 – là trang dịch vụ mua sắm Foundem của Anh, nhưng vụ kiện cũng có liên quan đến các vấn đề đã dẫn đến cuộc xung đột giữa Yelp với Google và vụ điều tra từng bị bác bỏ vào năm 2012 của FTC. Margrethe Vestager, thành viên Ủy ban Cạnh tranh của EU, đã ghi điểm tuyệt đối khi sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ để buộc tội Google về hành vi “tiêu diệt việc làm và dập tắt sự đổi mới”. Ngay trong năm tiếp theo, EU một lần nữa đưa ra cho Google một án phạt thậm chí còn lớn hơn (khoảng 5 tỷ đô-la) vì tội danh lạm dụng vị thế thống trị trên thị trường di động.
Rõ ràng, kiện tụng chống độc quyền là một quá trình chậm chạp và phức tạp, nhưng ngay cả ở Mỹ – nơi mà lần gần nhất có một cuộc điều tra chống độc quyền lớn đã là hơn hai mươi năm trước – cũng bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi. Chủ tịch Joseph Simons của FTC từng cam kết đẩy mạnh hoạt động chống độc quyền và đã triệu tập các phiên điều trần trên diện rộng về cạnh tranh cũng như bảo vệ người tiêu dùng vào năm 2018 (lần đầu tiên kể từ năm 1995). Các đảng viên Dân chủ Hạ viện đang rất phấn khích trước động thái này. Ngay cả các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cũng tham gia cùng Đảng Dân chủ trong việc kêu gọi FTC và Bộ Tư pháp điều tra các công ty công nghệ lớn nhất. Vào tháng Bảy năm 2019, Facebook cho biết FTC đã bắt đầu một cuộc điều tra chống độc quyền đối với công ty của họ. Thời điểm tôi viết quyển sách này, cả FTC lẫn Bộ Tư pháp đều đang xem xét các hành động mà họ có thể thực hiện đối với những công ty Big Tech khác.
Makan Delrahim – người đứng đầu bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp từng cố gắng ngăn cản việc sáp nhập giữa AT&T với Time Warner – từng nói với tôi rằng ông tin giá cả không phải là thước đo duy nhất về lợi ích của người tiêu dùng, và “dữ liệu là một tài sản quan trọng”. Mặc dù không phản đối mô hình kinh doanh hoặc giao dịch của Big Tech, nhưng Delrahim lo ngại các công ty này lạm dụng vị thế dẫn đầu. Nhiều chuyên gia đã nhìn thấy ở Google ngày nay biểu hiện của hành vi lạm dụng và như Delrahim đã cho tôi biết, đó là những gì Bộ Tư pháp đang tìm kiếm. Ông đặt vấn đề: “Người ta có thể lợi dụng vị thế để gây bất lợi và phân biệt đối xử với một công nghệ mới có thể đe đọa thế độc quyền của họ không? Tôi nghĩ đó là một câu hỏi quan trọng và cũng là một hướng nhìn nhận vấn đề hợp lý để chúng ta áp dụng khi xem xét những thực tế đang diễn ra với Google hoặc với bất kỳ công ty nào khác”.
GIÁ NÀO CHO DỮ LIỆU?
Câu hỏi quan trọng lúc này là chính sách nên thay đổi như thế nào, các vụ kiện mới về độc quyền và chống cạnh tranh nên được lập luận trên cơ sở nào. Một số người tin rằng triết lý định giá tiêu dùng của Trường phái Chicago thật sự có thể được áp dụng để kiềm chế sức mạnh của những gã khổng lồ công nghệ. Delrahim cho biết: “Khi dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng, bạn sẽ có thể cung cấp những sản phẩm hiệu quả hơn cho người tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng gặp phải những rào cản nhất định [trong cạnh tranh]”. Ông nhận định: “Cần phải có sự cạnh tranh trong việc tạo và thu thập dữ liệu”, ngụ ý rằng không chỉ giá cả mà khả năng lựa chọn cũng nên được tính là thước đo lợi ích người tiêu dùng. Ủy viên Robert Jackson của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ cho rằng các công ty phải báo cáo giá trị dữ liệu trên hồ sơ của họ, giống như bất kỳ loại tài sản vật chất nào khác. Khi thông tin đó được công bố, sức mạnh thật sự của các công ty Big Tech trên thị trường sẽ phần nào trở nên rõ ràng hơn.
Tất nhiên, dữ liệu cần phải được định giá, và những nỗ lực để thực hiện điều này hiện đang được tiến hành. Như nhà đầu tư Roger McNamee đã chỉ ra, sức mạnh tổng hợp của dữ liệu và hiệu ứng mạng đúng là đã tạo ra giá trị cho người tiêu dùng. Nhưng cùng lúc đó, chúng đã tạo ra giá trị cao hơn gấp nhiều lần cho các công ty Big Tech. McNamee giải thích: “Mỗi khi Google giới thiệu một dịch vụ mới, người tiêu dùng được hưởng một phần nhỏ giá trị gia tăng theo hàm bước, nhưng tất cả chỉ có thế. Mỗi lượt tìm kiếm, gửi email hoặc truy vấn bản đồ mới đều tạo ra giá trị gần như bằng nhau cho người dùng. Trong khi đó, Google nhận được ít nhất ba dạng giá trị: bất kỳ giá trị nào họ có thể trích xuất từ điểm dữ liệu đó thông qua quảng cáo, giá trị gia tăng theo cấp số nhân từ quảng cáo khi kết hợp các bộ dữ liệu, khả năng phát triển cách thức sử dụng mới đối với dữ liệu của người dùng nhờ kết hợp các bộ dữ liệu. Một trong những cách sử dụng có giá trị nhất là đưa ra dự đoán về ý định mua hàng của người tiêu dùng dựa trên lịch sử chi tiết về hành vi của họ. Khi người dùng nhận được quảng cáo về những thứ họ vừa nhắc đến trong một cuộc nói chuyện, đó chính là nhờ những dự đoán hành vi dựa trên các tập dữ liệu kết hợp”.
Vậy điểm mấu chốt là gì? Giá trị mà người dùng đang cho đi dưới dạng dữ liệu cá nhân thật sự lớn hơn rất rất nhiều so với giá trị họ nhận được từ các dịch vụ. Điều này có nghĩa là mức giá thực tế chúng ta phải trả cho các công ty Big Tech đã tăng đột biến – cùng với đó là lượng thời gian chúng ta sử dụng các thiết bị và lượng dữ liệu chúng ta tạo ra trong hơn hai mươi năm. Và nếu quan điểm này được chứng minh là đúng, các nhà quản lý – ngay cả với tư duy của Trường phái Chicago – sẽ có thể khẳng định rằng Google, Facebook, Amazon cùng nhiều công ty khổng lồ khác không đảm bảo được những yêu cầu tiêu chuẩn về quyền lợi người tiêu dùng, vì thế họ cần được kiểm soát bằng những biện pháp mới hoặc phải được chia nhỏ.
Nhưng nhiều người khác – trong đó có tôi – tin rằng chúng ta cần phải nhìn xa hơn Trường phái Chicago và xem xét kỹ hơn những cách thức mà quyền lực của Big Tech đã bóp méo thị trường cũng như nền kinh tế chính trị. Trong quyển The Curse of Bigness (tạm dịch: Lời nguyền của sự to lớn), học giả Tim Wu đã đề ra những biện pháp có sức thuyết phục để thực hiện một cuộc cải cách “tân Brandeis”, bao gồm: tăng mức độ công khai của các phiên điều trần và các buổi thảo luận về những vụ sáp nhập lớn, chia nhỏ các tổ chức hợp nhất được xác định là làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường (ví dụ: Wu ủng hộ tách Instagram và WhatsApp khỏi Facebook), xác lập nguyên tắc mới để các nhà quản lý có thể điều tra không chỉ các công ty riêng lẻ mà còn cả toàn bộ bối cảnh kinh tế (cách làm này đã được nước Anh áp dụng để xác định việc một công ty sở hữu cả ba sân bay Heathrow, Gatwick và Stansted không có lợi cho công chúng).
Tương tự những nhà nghiên cứu khác, trong đó có Barry Lynn của Open Markets và Lina Khan (người đã tư vấn cho FTC, cũng như đã bắt đầu các phiên điều trần về chủ đề Big Tech và chống độc quyền cùng đội ngũ nhân viên của Tiểu ban Tư pháp Hạ viện về Chống độc quyền, Luật Thương mại và Hành chính), Tim Wu cũng lập luận rằng chúng ta nên bỏ khái niệm “quyền lợi người tiêu dùng” và sử dụng “quyền lợi công dân” làm tiêu chuẩn cho hoạt động sáp nhập. Wu viết: “Sau hàng chục năm được áp dụng, phương pháp của Trường phái Chicago rõ ràng là không thể mang đến sự chắc chắn về mặt khoa học như nó đã hứa hẹn, vì nền kinh tế của chúng ta hiện không có câu trả lời mà chỉ có các lập luận”.
Đó là một quan điểm hợp lý. Trên thực tế, nếu cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 không “đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài” của khái niệm độc quyền do Trường phái Chicago đề ra, sự trỗi dậy của những gã khổng lồ kỹ thuật số chắc chắn sẽ làm điều đó. Cả hai đợt chuyển biến đó đều góp phần khiến nhiều người dân Mỹ cảm thấy hệ thống chính trị đang bị thao túng. Và điều này không tốt cho nền kinh tế cũng như nền dân chủ của chúng ta. Theo nhận định của Khan, phong trào Brandeis mới không chỉ là về chống độc quyền mà thật ra là về các giá trị: “Luật chống độc quyền từng phản ánh một tập hợp giá trị, nhưng sau đó đã có một sự thay đổi về giá trị và chúng ta đang sống trong một bối cảnh rất khác”. Giờ đây, sức mạnh tập đoàn ở Mỹ đã đạt đến tầm mức chưa từng thấy kể từ Thời Vàng son. Giờ là lúc chúng ta cần một sự thay đổi khác.
Vào thời điểm tôi viết quyển sách này, vẫn chưa rõ liệu Washington có lắng nghe hay không. Song, có một điều rõ ràng: sự sống động của nền kinh tế không phải là thứ duy nhất bị đe dọa. Bất kể là bằng các chính sách chống độc quyền, các điều lệ được ban hành bởi các cấp chính quyền hay một triết lý mới về phúc lợi… sức mạnh kinh tế và chính trị của Thung lũng Silicon cần được kiểm soát để chúng ta không thất bại trong cuộc thử nghiệm đắt giá về tính ổn định của nền dân chủ.