Bậc thầy vĩ đại về quản trị Peter Drucker từng nói: “Trong mọi cuộc suy thoái kinh tế lớn trong lịch sử Mỹ, ‘kẻ phản diện’ (villain) đều từng là những ‘anh hùng’ (hero) của thời kỳ bùng nổ trước đó”. Tôi không thể không tự hỏi liệu điều đó có xảy ra trong vài năm tới hay không, khi Mỹ (và có lẽ là cả thế giới) bắt đầu hướng tới đợt suy thoái lớn tiếp theo. Lịch sử cho thấy, cứ khoảng một thập niên lại có một cuộc suy thoái diễn ra, và chu kỳ này có lẽ đã giãn ra kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Thời điểm đó, ngân hàng được xem là những tổ chức “lớn mạnh đến mức không thể sụp đổ”, những gã khổng lồ đã làm sụt giảm các danh mục đầu tư chứng khoán, giá nhà cũng như tiền lương của chúng ta. Ngược lại, trong hơn mười năm qua, các công ty công nghệ luôn đưa thị trường đi lên. Nhưng đến thời điểm hiện tại, có lẽ các công ty Big Tech lại chính là “kẻ phản diện”.
Nhiều người không nghĩ mọi chuyện có thể xảy ra như vậy khi nhìn vào các công ty công nghệ lớn nhất và giàu có nhất hiện nay. Hãy lấy Apple làm ví dụ. Warren Buffett từng nói ông ước gì mình sở hữu nhiều cổ phiếu của Apple hơn (công ty Berkshire Hathaway của ông nắm giữ 5% cổ phần của Apple). Goldman Sachs cũng tung ra một loại thẻ tín dụng mới cùng gã khổng lồ công nghệ này, công ty mà vào năm 2018 đã trở thành tổ chức đầu tiên có vốn hóa thị trường ngàn tỷ đô-la. Nhưng đằng sau những sự kiện hoành tráng là nhiều xu hướng gây xáo trộn kinh tế mà trong đó, Apple cũng góp một phần không nhỏ. Khi nghiên cứu công ty này, bạn sẽ bắt đầu nhận ra các công ty Big Tech – những tổ chức “lớn mạnh đến mức không thể sụp đổ” của thời đại mới – có thể gieo mầm cho cuộc khủng hoảng tiếp theo như thế nào.
*
Đầu tiên, hãy xem xét các kỹ thuật tài chính được thực hiện bởi Big Tech. Giống như hầu hết các công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất, Apple có quỹ tiền mặt rất lớn (khoảng 285 tỷ đô-la) cùng rất nhiều nợ trái phiếu (xấp xỉ 122 tỷ đô-la). Đó là bởi vì – giống như hầu hết các công ty lớn và giàu có khác – họ đã chuyển phần lớn tiền mặt dự phòng của mình vào các danh mục đầu tư trái phiếu ở nước ngoài trong hơn mười năm qua. Thêm vào đó, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, họ đã phát hành nợ trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất thấp để tiến hành các hoạt động mua lại cổ phiếu và thanh toán cổ tức nhiều đến mức kỷ lục. Apple tự mua lại khoảng 25% trong số 407 tỷ đô-la giao dịch mua lại được công bố kể từ khi dự luật thuế Trump được thông qua vào tháng Mười Hai năm 2017.
Nhưng hoạt động mua lại cổ phiếu chỉ củng cố lợi ích của 10% cá nhân hàng đầu đang sở hữu 84% cổ phiếu ở Mỹ. Hoạt động này đã trở thành cách sử dụng tiền mặt duy nhất và phổ biến nhất của các doanh nghiệp trong hơn một thập niên qua, và điều này đã giúp thị trường trở nên sôi động. Nhưng đó cũng là hoạt động làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo – tình trạng mà nhiều nhà kinh tế nhận định là nguyên nhân lớn nhất khiến sự tăng trưởng có khuynh hướng ngày càng chậm đi, cũng như là yếu tố thúc đẩy chủ nghĩa dân túy chính trị có thể đe dọa chính hệ thống của thị trường.
Hiện tượng này đã được đẩy mạnh bởi một xu hướng khác, cũng được minh họa rõ rệt trong trường hợp của Apple: sự vượt trội của những tài sản vô hình như sở hữu trí tuệ hay thương hiệu (những thứ mà Apple đều có rất nhiều) so với tài sản hữu hình trong miếng bánh kinh tế toàn cầu. Như Jonathan Haskel và Stian Westlake đã chỉ ra trong quyển Capitalism Without Capital, dù bắt đầu trở nên dễ nhận thấy vào khoảng năm 2000 nhưng xu hướng này chỉ thật sự bùng nổ sau khi iPhone ra đời vào năm 2007. Trên thực tế, nền kinh tế kỹ thuật số có khuynh hướng tạo ra các siêu sao, bởi phần mềm và các dịch vụ Internet có khả năng mở rộng cũng như được tận hưởng lợi thế từ hiệu ứng mạng. Nhưng theo Haskel và Westlake, thực tế đó dường như cũng làm giảm hoạt động đầu tư trên toàn bộ nền kinh tế. Lý do không chỉ vì các ngân hàng không muốn cho các doanh nghiệp vay vốn – bởi tài sản vô hình có thể đột ngột biến mất nếu các doanh nghiệp này phá sản – mà còn vì hiệu ứng “người thắng cuộc giành được tất cả” đang mang tới nhiều lợi ích cho nhiều công ty, trong đó có Apple (và Amazon và Google).
Như đã đề cập trong chương trước, hiệu ứng đó có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khan hiếm công ty khởi nghiệp, giảm số lượng việc làm mới, giảm nhu cầu, đồng thời gây ra nhiều khuynh hướng đáng lo ngại khác trong nền kinh tế đang bị chia rẽ của chúng ta. Sự tập trung quyền lực như Apple và Amazon đang tận hưởng là lý do chính khiến các vụ mua bán và sáp nhập tăng đến mức kỷ lục. Đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông và truyền thông, nhiều công ty đã phát hành một lượng trái phiếu doanh nghiệp đáng kể để tăng trưởng và cạnh tranh trong môi trường mới của video trực tuyến và các dạng truyền thông kỹ thuật số.
Một số trái phiếu lãi suất cao trong số đó hiện đang lung lay – dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng lớn tiếp theo có thể không xuất phát từ ngân hàng mà từ khu vực doanh nghiệp. Trong lịch sử, mức nợ tăng nhanh thường là yếu tố dự báo tốt nhất về một cuộc khủng hoảng. Trong những năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp không ngừng phát triển khi các công ty thuộc nhiều nền kinh tế cấp cao phát hành nợ trái phiếu nhiều đến mức kỷ lục: thị trường chứng khoán đã tăng 70% trong vòng mười năm, đạt đến 10.170 tỷ đô-la vào năm 2018. Ngay cả những công ty bình thường cũng có thể kiếm tiền một cách dễ dàng. Nhưng khi môi trường lãi suất thay đổi, có thể nói là nhanh hơn dự đoán, nhiều người có nguy cơ bị tổn thương. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements – BIS), cơ quan giám sát hệ thống tài chính toàn cầu – lưu ý rằng lãi suất thấp trong thời gian dài đã tạo ra một số lượng lớn hơn bình thường các công ty “thây ma”, những tổ chức sẽ không có đủ lợi nhuận để trả nợ nếu lãi suất tăng. BIS lưu ý rằng khi lãi suất dần tăng lên, mức độ và phạm vi tổn thất có thể sẽ nghiêm trọng hơn bình thường.
Tất nhiên, nếu cuộc khủng hoảng tiếp theo thật sự xảy ra, sức mạnh giảm lạm phát của công nghệ mà chúng ta nhìn thấy ở các công ty như Apple có thể khiến mọi thứ trở nên khó quản lý hơn. Đây là xu hướng cuối cùng cần được xem xét. Big Tech làm giảm giá rất nhiều thứ, và sự giảm phát liên quan đến công nghệ là nguyên nhân chủ yếu khiến lãi suất được giữ ở mức thấp trong thời gian dài, từ đó kìm hãm không chỉ giá cả mà còn cả tiền lương. Thực tế là lãi suất quá thấp đồng nghĩa với việc các ngân hàng trung ương có khả năng xoay xở kém hơn, khó có thể vượt qua bất kỳ cuộc khủng hoảng nào sắp tới. So với các công ty khác, Apple và những công ty cung cấp dịch vụ vô hình đã được hưởng nhiều lợi hơn từ môi trường lãi suất thấp, trái phiếu rẻ và giá cổ phiếu cao trong mười năm qua. Nhưng cùng lúc đó, sức mạnh của họ lại gieo mầm cho những gì có thể trở thành cú xoay chuyển lớn tiếp theo trên thị trường.
CÁC CÔNG TY “LỚN ĐẾN MỨC KHÔNG THỂ SỤP ĐỔ” CỦA THỜI ĐẠI MỚI
Tất cả những điều này khiến tôi nhớ lại cuộc trò chuyện thú vị vài năm trước với một nhà kinh tế tại Văn phòng Nghiên cứu Tài chính của Bộ Ngân khố. Văn phòng này là một cơ quan nhỏ nhưng quan trọng, được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để nghiên cứu các vấn đề của thị trường và về sau đã bị Tổng thống Trump cắt tài trợ. Vào thời điểm cuộc trò chuyện diễn ra, tôi đang lần theo các thông tin về rủi ro tài chính để xem chúng có thể bắt nguồn từ đâu, và nhà kinh tế đó đã bảo tôi hãy xem xét các khoản nợ cũng như trái phiếu doanh nghiệp của những tập đoàn lớn nhất và giàu nhất thế giới như Apple hay Google, những công ty khi đó có giá trị thị trường thấp hơn nhiều so với giá trị của ngân hàng và các tổ chức đầu tư hàng đầu.
Trong một môi trường lãi suất thấp, với thu nhập hàng tỷ đô-la mỗi năm, các công ty cao cấp này phát hành trái phiếu doanh nghiệp giá rẻ rồi lại mua trái phiếu doanh nghiệp của các công ty khác với giá cao hơn. Trong quá trình tìm kiếm cả lợi nhuận cao hơn lẫn việc gì đó để làm với đống tiền của mình, Big Tech theo một cách nào đó đã hoạt động giống như các ngân hàng, chiếm những vị trí trọng yếu trong trái phiếu doanh nghiệp mới và về cơ bản là bảo đảm cho các danh mục trái phiếu đó như những gì J. P. Morgan hoặc Goldman Sachs có thể làm. Nhưng điều đáng chú ý là vì các công ty công nghệ này không bị kiểm soát bằng những quy định đang được áp dụng với ngân hàng, nên rất khó để theo dõi chính xác họ mua những gì, số lượng bao nhiêu và có thể tác động thế nào đến thị trường. Nói một cách đơn giản, khác với bên tài chính, các doanh nghiệp này không để lại “dấu vết” mua bán trên chứng từ. Dù sao đi nữa, ý tưởng rằng các công ty công nghệ giàu có có thể là những tổ chức quan trọng mới của toàn hệ thống thật sự khiến tôi rất tò mò.
Tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này và đến năm 2018 (khoảng hai năm sau đó), tôi tình cờ đọc được một báo cáo xuất sắc của Credit Suisse, không những khẳng định ý tưởng trên mà còn đưa ra những con số định lượng. Tác giả của bài báo cáo, nhà kinh tế Zoltan Pozsar, đã phân tích kỹ lưỡng khoản tiền 1.000 tỷ đô-la được trữ trong tài khoản nước ngoài của các doanh nghiệp, chủ yếu là của các công ty Big Tech. Trong số đó, 10% công ty lớn nhất và sở hữu nhiều tài sản trí tuệ nhất – như Apple, Microsoft, Cisco, Oracle và Alphabet – kiểm soát đến 80% khoản tiền này.
Theo tính toán của Pozsar, phần lớn số tiền đó không được trữ dưới dạng tiền mặt mà dưới dạng trái phiếu, một nửa trong số đó là trái phiếu doanh nghiệp. Khoản tiền cực lớn ở nước ngoài này – một kho tàng mà các đảng viên Cộng hòa dưới thời Trump từng vin vào đó để thông qua một kế hoạch “cải cách” thuế thiếu khôn ngoan – thật ra là một danh mục đầu tư trái phiếu khổng lồ. Và danh mục đó không thuộc sở hữu của những tổ chức thường sở hữu sức mạnh tài chính lớn như ngân hàng hoặc quỹ tương hỗ, mà thuộc về các công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Ngoài việc trở thành lĩnh vực có lợi nhuận cao nhất và ít bị kiểm soát nhất hành tinh, những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon còn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống thị trường khi nắm giữ những tài sản mà nếu bị bán hoặc hạ giá có thể làm khuynh đảo chính thị trường đó. Ngay trước mắt chúng ta là một khám phá đáng kinh ngạc: Big Tech, chứ không phải các ngân hàng lớn, mới chính là ngành công nghiệp “lớn đến mức không thể sụp đổ”.
TĂNG TRƯỞNG LUÔN ĐƯỢC ƯU TIÊN
Khi bắt đầu so sánh giữa tài chính với công nghệ, tôi ngày càng nhận ra nhiều điểm tương đồng. Một trong những điểm đó là về mặt biểu hiện. Ví dụ, thật thú vị khi thấy phản ứng của ngành công nghệ đối với cuộc khủng hoảng bầu cử năm 2016 tương tự phản ứng của ngành ngân hàng với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hoặc nếu Phố Wall từng cố gắng xóa càng nhiều dấu vết càng tốt về những gì họ đã làm trước và sau cuộc khủng hoảng, Big Tech cũng tìm cách tránh mọi thông tin cho thấy họ có liên quan đến vụ can thiệp bầu cử.
Đầu tiên, họ khẳng định họ không làm gì sai, và bất kỳ ai nghĩ họ sai đều đơn giản là không hiểu về ngành công nghệ. Điều này hoàn toàn giống với thái độ “đơn giản là bạn không hiểu” mà các nhà phê bình trong lĩnh vực tài chính từng chứng kiến. Trước áp lực cực lớn từ cả báo chí lẫn cơ quan quản lý, Mark Zuckerberg của Facebook cuối cùng phải chuyển 3.000 quảng cáo có liên quan đến Nga cho Quốc hội Mỹ. Google và những ông lớn công nghệ khác tương đối ít lảng tránh hơn. Tương tự các nhà tài chính Phố Wall sau cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn, những gã khổng lồ công nghệ cũng giữ thế phòng thủ suốt nhiều năm sau lùm xùm bầu cử năm 2016, tìm cách đưa ra càng ít chi tiết càng tốt, và cố gắng duy trì lợi thế thông tin bất cân xứng trong mô hình kinh doanh (tương tự của ngành ngân hàng) đã giúp tạo ra tỷ suất lợi nhuận vượt trội. Đó chính là thái độ “phủ nhận và làm chệch hướng” mà chúng ta từng thấy ở các nhà tài chính vào năm 2008, và cũng là những gì đã dẫn đến hàng loạt thảm họa PR.
Không dừng lại ở đó, Big Finance và Big Tech vẫn còn nhiều điểm tương đồng khác. Ở cấp độ vĩ mô, tôi nhận thấy họ giống nhau ở bốn phương diện chính: những câu chuyện thần thoại về doanh nghiệp, sự mơ hồ, độ phức tạp và quy mô. Về mặt thần thoại, Phố Wall trước năm 2008 đã rao bán cho chúng ta ý tưởng rằng những gì tốt cho ngành tài chính sẽ tốt cho nền kinh tế. Đến tận những năm gần đây, Big Tech cũng cố gắng thuyết phục chúng ta điều tương tự. Nhưng mỗi câu chuyện đều có hai mặt, và cả hai ngành này đều không nhanh chóng thừa nhận hay chịu trách nhiệm cho mặt trái của “sự đổi mới”.
Một loạt nghiên cứu đã cho chúng ta thấy niềm tin vào nền dân chủ tự do, chính phủ, truyền thông và các tổ chức phi chính phủ không ngừng giảm xuống khi hoạt động sử dụng mạng xã hội tăng lên. Ở Myanmar, Facebook bị lợi dụng để ủng hộ chế độ diệt chủng. Tại Trung Quốc, Apple và Google phải cúi đầu trước yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ. Và ở Mỹ, dữ liệu cá nhân đang bị thu thập, thương mại hóa và vũ khí hóa theo những cách mà chúng ta chỉ vừa bắt đầu mường tượng ra, trong khi các công ty độc quyền không ngừng phá vỡ sự tăng trưởng việc làm và sự đổi mới. Tại thời điểm này, thật khó để có thể ủng hộ cho luận điểm rằng lợi ích của công nghệ nền tảng lớn hơn nhiều so với cái giá phải trả.
Xét về mức độ mơ hồ và phức tạp trong hoạt động, việc sử dụng dữ liệu theo thuật toán cũng khó nắm bắt như quá trình chứng khoán hóa từng được thực hiện bởi các ngân hàng “lớn đến mức không thể sụp đổ” trong kỷ nguyên nợ dưới chuẩn. Cả hai khái niệm này đều chỉ được hiểu rõ bởi chuyên gia trong ngành, những người có khả năng sử dụng sự bất cân xứng thông tin để che giấu rủi ro và những mưu đồ đen tối (như quảng cáo mơ hồ mang tính chính trị) mà các công ty có thể thu lợi từ đó.
Nhưng sự phức tạp đó có nguy cơ phản tác dụng. Tương tự nhiều nhà quản lý rủi ro của các ngân hàng lớn không biết những vấn đề đang diễn ra trong hệ thống trước năm 2008, các giám đốc điều hành trong nhóm Big Tech có lẽ cũng không khỏi choáng váng khi nhận ra những phương thức mà công nghệ của họ có thể bị lợi dụng. Ví dụ, phóng sự năm 2018 của tờ New York Times đã tiết lộ dù hứa hẹn bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, nhưng Facebook vẫn cho phép một số công ty Big Tech khác – bao gồm Apple, Amazon và Microsoft – khai thác các dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Từ năm 2010 đến năm 2017, để nhanh chóng mở rộng mạng xã hội của mình, Facebook đã tham gia những thỏa thuận chia sẻ dữ liệu có thể mang lại lợi ích chung cho các công ty Big Tech thông qua việc tăng lưu lượng truy cập giữa các nền tảng khác nhau và thu hút ngày càng nhiều người dùng. Nhưng cả Facebook lẫn các công ty liên quan đều không thể kiểm soát mọi tác động của những thỏa thuận này đối với quyền riêng tư của người dùng. Apple tuyên bố họ thậm chí không biết mình có một thỏa thuận như vậy với Facebook, và đó là một sự thừa nhận khá thú vị khi Apple luôn tự tiếp thị bản thân như người bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Bài phóng sự trên New York Times cho biết tại Facebook, “một số kỹ sư và quản lý nhìn nhận các đánh giá về quyền riêng tư như những trở ngại đối với sự đổi mới và tăng trưởng nhanh chóng”. Và họ đã tăng trưởng nhanh khủng khiếp: Facebook đạt doanh thu hơn 40 tỷ đô-la trong năm 2017, cao hơn gấp đôi so với 17,9 tỷ đô-la theo báo cáo năm 2015.
Việc Facebook ưu tiên tăng trưởng hơn quản trị là một sai lầm nghiêm trọng, nhưng không phải là quá xa lạ. Phố Wall trước đây cũng áp dụng một tầm nhìn thiển cận, xem giá cổ phiếu là chỉ số duy nhất về giá trị và không đưa ra bất kỳ biện pháp hạn chế nào. “Tính hay quên” của các giám đốc công nghệ đã ký thỏa thuận chia sẻ dữ liệu khiến tôi nhớ đến các giám đốc ngân hàng, những người không biết gì về những rủi ro tiềm ẩn trong bảng cân đối kế toán của họ cho đến khi thị trường bắt đầu sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nói tóm lại, các công ty thường ưu tiên những giá trị có thể được định lượng – như thu nhập trên mỗi cổ phiếu hay tỷ suất giá cổ phiếu trên thu nhập chẳng hạn – và bỏ qua những rủi ro khó đo lường hơn, cho đến khi mọi thứ đã quá muộn.
LÒNG THAM THẾ HỆ
Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn của cải trên thế giới đều nằm trong tay của một phần ngày càng nhỏ các cá nhân và tập đoàn giàu có, những kẻ đang sử dụng các thủ thuật tài chính như mua lại cổ phiếu hoặc né thuế bằng cách chuyển tiền sang các thiên đường thuế ở nước ngoài để đảm bảo chính phủ không thể đụng đến tài sản của họ. Những hành vi này đã luôn được coi là bình thường, khi Trường phái Kinh tế học Chicago phát triển và không ngừng rao giảng trong hơn nửa thế kỷ qua rằng mục đích duy nhất của các công ty là tối đa hóa lợi nhuận.
Ý tưởng này có thể được gói gọn trong khái niệm “giá trị cổ đông”. Việc tối đa hóa giá trị cổ đông là một phần của quá trình “tài chính hóa” lớn hơn mà tôi từng đề cập trong quyển Makers and Takers. Quá trình đó phát triển song song với Trường phái Chicago kể từ những năm 1980 và tạo ra một tình huống mà trong đó, thay vì đóng vai trò cầu nối để hỗ trợ cho nền kinh tế thực như nhà kinh tế học quá cố Adam Smith từng mô tả thì thị trường lại trở thành “cái đuôi điều khiển chú chó”.
Chúng ta chỉ lo ngại về “quyền lợi của người tiêu dùng” thay vì “quyền lợi của công dân”. Chúng ta cho rằng giá cổ phiếu tăng là dấu hiệu khởi sắc của toàn bộ nền kinh tế, chứ không phải là chỉ làm giàu cho những người sở hữu chúng. Trong quá trình tài chính hóa, chúng ta chuyển từ nền kinh tế thị trường sang cái mà giáo sư Michael Sandel của Trường luật Harvard gọi là “xã hội thị trường”, một xã hội chỉ chăm chăm tối đa hóa lợi nhuận trong mọi khía cạnh cuộc sống. Quyền của chúng ta trong việc tiếp cận những tiện ích cơ bản như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, sự công bằng… bị chi phối bởi khối lượng tài sản ta sở hữu. Chúng ta nghĩ về những hoạt động mình tự thực hiện với bản thân hoặc với những người xung quanh ta như những “giao dịch”, và điều này được thể hiện qua ngôn ngữ ta sử dụng hằng ngày như “tối đa hóa” thời gian hay “kiếm tiền” từ các mối quan hệ.
Giờ đây khi chủ nghĩa tư bản giám sát của các công ty Big Tech trỗi dậy, chúng ta trở thành đối tượng bị “tối đa hóa” vì lợi nhuận. Hãy nhớ rằng dữ liệu cá nhân của chúng ta chính là nguyên liệu đầu vào trong mô hình kinh doanh của Big Tech và của mọi công ty đang khai thác các dữ liệu đó. Khi được hỏi Google là gì, Larry Page đã trả lời: “Nếu chúng tôi được xếp vào một danh mục kinh doanh, đó sẽ là dữ liệu cá nhân… Những nơi bạn đã đến. Những thông tin bạn đã trao đổi… Các cảm biến thật sự rất rẻ… Dịch vụ lưu trữ rẻ. Camera rẻ. Mọi người sẽ tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ … Mọi thứ bạn nghe, nhìn hoặc trải nghiệm đều có thể được tìm thấy trong hệ thống dữ liệu. Toàn bộ cuộc sống của bạn cũng vậy”.
Hãy suy ngẫm về những lời nói đó. Chúng ta chính là nguyên liệu thô được dùng để tạo ra sản phẩm và bán cho các công ty quảng cáo. Vâng, chính xác là chúng ta đang sống trong Ma trận.
Thị trường tài chính đã tạo điều kiện cho sự dịch chuyển sang kiểu chủ nghĩa tư bản ích kỷ, ngắn hạn và xâm lấn của hiện tại. Khi kết hợp với quá trình toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ, nó tạo ra một vòng lặp khắc nghiệt: chúng ta phải cạnh tranh với nhiều người hơn, trong thời gian ngắn hơn, để tạo ra nhiều hàng tiêu dùng hơn với cái giá rẻ hơn – nhờ tác động giảm phát của hoạt động thuê gia công và những đột phá công nghệ. Nhưng dù sao đi nữa, những điều này cũng không thể bù đắp cho thu nhập trì trệ và cuộc sống căng thẳng của chúng ta.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thể lý luận rằng theo một cách sâu xa hơn, Thung lũng Silicon – không phải Thung lũng của những nhà cách tân thực thụ khởi nghiệp trong ga-ra xe mà là Thung lũng đang chạy theo định hướng tài chính của hiện tại – đại diện cho đỉnh cao của xu hướng tài chính hóa. Những ông lớn công nghệ ngày nay được điều hành bởi một thế hệ lãnh đạo vốn trưởng thành và khởi nghiệp vào thời điểm mà chính phủ bị coi như kẻ thù, và tối đa hóa lợi nhuận được xem là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy cả kinh tế lẫn xã hội. Các điều luật hoặc quy định nhằm kìm hãm hành vi của công ty đều bị coi là chuyên chế, thậm chí độc tài. “Tự điều chỉnh” trở thành tiêu chuẩn. “Người tiêu dùng” thay thế “công dân”.
Tất cả những điều này được thể hiện qua lối tư duy phổ biến ở Thung lũng là “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ”, một triết lý mà những gã khổng lồ công nghệ cho là không thể thay đổi. Trong phần lời bạt của quyển The New Digital Age (tạm dịch: Kỷ nguyên kỹ thuật số mới), Eric Schmidt và Jared Cohen đã viết: “Nếu cứ than vãn về sự gia tăng không thể tránh khỏi trong khía cạnh quy mô và phạm vi tiếp cận của công nghệ, chúng ta sẽ bị xao nhãng khỏi câu hỏi thật sự… Nhiều thay đổi mà chúng ta đang thảo luận là không thể tránh khỏi. Chúng đã bắt đầu diễn ra”.
CÁI GIÁ CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN GIÁM SÁT
Có lẽ nhận định trên là đúng. Nhưng nếu vì vậy mà muốn loại trừ mọi cuộc thảo luận về tác động của công nghệ đối với công chúng thì họ đúng là quá kiêu ngạo. Lối suy nghĩ này đi kèm với một cái giá phải trả khổng lồ.
Hãy xem xét khối tài sản trị giá 1.000 tỷ đô-la được ký gửi ở nước ngoài bởi những công ty nhiều sở hữu trí tuệ nhất và giàu có nhất nước Mỹ. Một ngàn tỷ không phải là số tiền nhỏ: nó tương đương với giá trị của 1/18 tổng sản phẩm quốc nội hằng năm của Mỹ, phần lớn đều là những sản phẩm/dịch vụ được tạo ra từ các nghiên cứu và chiến lược đổi mới do chính phủ tài trợ. Tuy nhiên, người dân Mỹ lại không nhận được phần chia công bằng từ những khoản đầu tư này vì thuế đã bị chuyển ra nước ngoài. Đáng chú ý, mặc dù thuế doanh nghiệp gần đây đã hạ từ 35% xuống 21%, nhưng hầu hết các công ty lớn trước nay chỉ phải đóng khoảng 20% thu nhập vì biết lợi dụng nhiều lỗ hổng luật khác nhau. Ngành công nghệ thậm chí còn đóng thuế ít hơn – khoảng 11% đến 15% – vì những lý do tương tự: dữ liệu và tài sản trí tuệ có thể được chuyển ra nước ngoài, còn nhà máy hoặc cửa hàng tạp hóa thì không.
Điều này dẫn đến một ý tưởng hoang đường khác theo chủ nghĩa tân tự do: nếu chính phủ cắt giảm thuế, các công ty Mỹ sẽ mang tiền về nước, đầu tư cho hàng hóa và dịch vụ trong nước, tạo thêm việc làm tại quốc gia này. Nhưng trên thực tế, các công ty lớn nhất và giàu nhất nước Mỹ đã luôn hoạt động ở tuyến đầu của quá trình toàn cầu hóa kể từ những năm 1980. Dù lượng doanh thu ở nước ngoài trong vài năm qua có phần sụt giảm, nhưng gần một nửa tổng doanh thu của năm trăm doanh nghiệp có vốn hóa thị trường cao nhất được liệt kê trong danh sách S&P 500 đều đến từ ngoài nước. Vậy làm sao các công ty này có thể được coi là “toàn tâm toàn ý” với Mỹ, hay nói đúng ra là với bất kỳ quốc gia nào khác? Trong bối cảnh hiện tại của chủ nghĩa tư bản Mỹ, sự “toàn tâm toàn ý” của các công ty này thực chất là hướng về khách hàng và nhà đầu tư. Và khi cả khách hàng lẫn nhà đầu tư đều đang không ngừng trở nên “toàn cầu hóa”, thật khó để tin rằng sẽ có bất kỳ sự cân nhắc đặc biệt nào dành cho người lao động hoặc xã hội Mỹ trong cuộc họp hội đồng quản trị của một doanh nghiệp lớn.
Các công ty công nghệ có nhiều khả năng hơn bất kỳ công ty nào thuộc bất kỳ lĩnh vực nào, trong việc chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, vì phần lớn tài sản của họ không nằm ở “tài sản cố định” mà ở dữ liệu, nguồn nhân lực, bằng sáng chế và phần mềm – những tài sản vốn không gắn liền với địa điểm thực tế (như nhà máy, cửa hàng bán lẻ), có thể được chuyển đến bất cứ đâu. Và như chúng ta đã biết, dù những điều đó đại diện cho sự giàu có, nhưng chúng lại không tạo ra được sự gia tăng nhu cầu trên diện rộng như các khoản đầu tư của kỷ nguyên trước.
Nhà tài chính đang nghiên cứu tác động của sự dịch chuyển trong đầu tư, giáo sư Daniel Alpert của Đại học Cornell, cho biết: “Nếu Apple xin được giấy phép chuyển giao công nghệ cho một loại điện thoại họ sản xuất ở Trung Quốc, họ sẽ không tạo ra việc làm nào ở Mỹ ngoại trừ việc làm cho người đã tạo ra công nghệ được cấp phép đó, nếu người đó ở Mỹ. Các ứng dụng, Netflix và các bộ phim Amazon không tạo ra việc làm theo cách mà một nhà máy mới sẽ tạo ra”. Đồng nghiệp Martin Wolf của tôi tại tờ Financial Times cũng từng nói điều tương tự: “[Apple] hiện là một quỹ đầu tư gắn liền với một cỗ máy đổi mới và một lỗ đen nuốt trọn tổng cầu. Thật là một ý tưởng lố bịch khi cho rằng giảm thuế doanh nghiệp sẽ khiến các doanh nghiệp này tăng cường đầu tư”. Tóm lại, các tập đoàn giàu có – nhất là những công ty công nghệ – đã trở thành kỹ sư tài chính của thời đại chúng ta.
“NHÀ CÁI” LUÔN THẮNG
Như chúng ta đã biết, Big Tech luôn có nhiều phương pháp để thúc đẩy các xu hướng lớn trên thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, họ cũng có những cách thức hoạt động giúp họ có lợi thế vượt trội so với người tiêu dùng. Ví dụ, Google, Facebook và Amazon hiện đang làm chủ thị trường quảng cáo kỹ thuật số và có thể tùy ý đặt ra bất kỳ điều khoản nào cho khách hàng. Sự mập mờ trong các thuật toán cùng với sức mạnh thống trị của họ trên các thị trường tương ứng khiến khách hàng không thể có được một sân chơi công bằng. Điều này có thể dẫn đến hoạt động định giá và/hoặc những hành vi trục lợi khiến quyền riêng tư của chúng ta gặp rủi ro. Hãy xem xét chính sách “tăng giá giờ cao điểm” do Uber đề ra để định giá chuyến đi dựa trên độ sẵn sàng chi trả của khách hàng, hoặc “hồ sơ ảo” mà Facebook soạn sẵn cho người dùng chưa đăng ký. Tương tự, Google và Mastercard cũng bắt tay nhau để theo dõi xem liệu quảng cáo trực tuyến có giúp tăng doanh số bán hàng tại các cửa hàng thực tế hay không, trong khi chủ thẻ Mastercard không hề biết rằng họ đang bị theo dõi.
Đáng chú ý hơn là một thỏa thuận cung ứng bất thường vào năm 2018 giữa Amazon với các chính quyền địa phương. Theo đó, Amazon được chọn làm nền tảng thương mại điện tử chịu trách nhiệm cung ứng tất cả văn phòng phẩm và đồ dùng học tập cho 1.500 đơn vị công lập (bao gồm các cơ quan và trường học trên khắp nước Mỹ), mà không cần đảm bảo mức giá cố định cho từng mặt hàng. Thay vào đó, sau khi các nhà cung cấp đưa ra giá thầu trên nền tảng của Amazon, sản phẩm sẽ được Amazon định giá thông qua chính sách “định giá động” (thực chất là một hình thức khác của cơ chế tăng giá theo nhu cầu của Uber, trong đó mức giá phản ánh mức độ sẵn sàng chi trả của thị trường). Đó là một nước đi “tuyệt vời” của ông trùm bán lẻ, dù mục đích ban đầu của thỏa thuận mua hàng số lượng lớn này là gộp nhu cầu để đảm bảo mức giá cạnh tranh cho lĩnh vực dịch vụ công. Trước những lời đồn thổi về chiết khấu của Amazon, một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Tự lực Địa phương – một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ – kết luận rằng một học khu ở California sẽ phải trả nhiều hơn từ 10% đến 12% nếu mua hàng trên Amazon. Và nếu muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ của những nhà cung cấp chưa có mặt trên nền tảng của gã khổng lồ bán lẻ, các thành phố buộc phải chuyển các dịch vụ đó (cùng những nhà cung cấp đó) lên Amazon, vì đó là những quy định ràng buộc đã được nêu rõ trong thỏa thuận.
Thật khó để phớt lờ những điểm tương đồng trong hành vi của Amazon với hoạt động cho vay của một số tập đoàn tài chính trước cuộc sụp đổ năm 2008. Những tập đoàn đó cũng sử dụng phương pháp định giá động để đưa ra tỷ suất cho các khoản vay thế chấp dưới chuẩn, và họ cũng khai thác sự bất cân xứng khổng lồ về thông tin để bán các chứng khoán thế chấp và trái phiếu phức tạp cho những nhà đầu tư không thận trọng, từ cá nhân cho đến các thành phố như Detroit. Về phần mình, Amazon có nhiều dữ liệu thị trường hơn bất cứ nhà cung cấp hay khách hàng nào trong khu vực công mà họ lên kế hoạch liên kết. Và trong bất kỳ giao dịch nào, bên nắm bắt tình hình rõ nhất sẽ có được thỏa thuận có lợi nhất cho mình. Điểm mấu chốt là cả những ông trùm công nghệ nền tảng lẫn các tổ chức tài chính lớn đều nắm giữ phần thắt eo của chiếc đồng hồ cát thông tin và thương mại, hạn chế những “hạt cát” đang chảy về phía khách hàng. Các công ty này chính là “nhà cái”, và nhà cái thì luôn thắng.
Cũng như những biện pháp đã được áp dụng với ngành ngân hàng, các điều luật có tính hệ thống có thể là cách duy nhất để ngăn chặn Big Tech lợi dụng những lợi thế đó một cách không công bằng. Lina Khan – luật sư chống độc quyền mà tôi từng đề cập ở Chương 9 – đã phân tích khả năng này trong một bài viết trên tờ Columbia Law Review; cô lập luận rằng các công ty vừa tạo ra thị trường hoặc nền tảng vừa kinh doanh trong thị trường hoặc nền tảng đó luôn có ưu thế vượt trội so với các bên khác. Bài luận của Khan một phần được tạo tiền đề từ bài viết của một học giả có khả năng thấy trước vấn đề – giáo sư luật Saule Omarova của Đại học Cornell, người mà tôi bắt đầu chú ý đến khi đang nghiên cứu để viết quyển Makers and Takers. Omarova là nhân chứng quan trọng trong cuộc điều trần về vụ đầu cơ tích trữ nhôm của Goldman Sachs, ngân hàng đã tìm ra một cách ranh mãnh để né tránh quy định rằng các tổ chức tài chính lớn không được tích trữ nguyên liệu thô như nhôm để tăng giá, mà chỉ được di chuyển hàng hóa ra vào nhà kho để đảm bảo nguồn cung không bị ảnh hưởng. Như một bài viết trên tờ New York Times tiết lộ, Goldman đã lách luật bằng cách sử dụng xe nâng để chuyển nhôm qua lại giữa những nhà kho chỉ cách nhau vài bước.
Đi sâu phân tích tình trạng các tổ chức tài chính vừa sở hữu vừa kinh doanh hàng hóa, bài viết The Merchants of Wall Street: Banking, Commerce, and Commodities (tạm dịch: Những con buôn của Phố Wall: Ngân hàng, Thương mại và Hàng hóa) của Omarova đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của công chúng. Mặc dù cuối cùng ngân hàng cũng bán hết nhôm và rút khỏi câu chuyện mà không gặp phải bất kỳ vấn đề pháp lý nào, Omarova vẫn quả quyết: “Tôi tin chắc là Goldman đã sử dụng những thông tin họ có về nhôm để tác động đến thị trường”. Và để nhấn mạnh sự mập mờ cũng như độ phức tạp của vấn đề, bà nói thêm: “Tôi có thể chứng minh điều đó không? Không. Vậy Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn có thể chứng minh điều đó không? Tôi không nghĩ họ có thể. Và nếu thế, Goldman có cần làm bất cứ điều gì không? Hoàn toàn không”.
Omarova tin rằng những hành vi tương tự đang tái diễn trong thế giới công nghệ, khi các nền tảng lớn đều vừa sở hữu thị trường vừa tiến hành giao dịch trong thị trường đó. Nghiên cứu gần đây của bà đã đặt ra những câu hỏi về việc liệu các công ty nền tảng có gây ra mối đe dọa tương tự các doanh nghiệp đường sắt ở thế kỷ 19 và các ngân hàng “lớn đến mức không thể sụp đổ” hay không. Bà đặc biệt lo ngại về sự kết hợp giữa Big Tech với ngành tài chính, và không khó để chúng ta hình dung lý do vì sao. “Nếu Amazon có thể nhìn thấy dữ liệu ngân hàng và tài sản của bạn thì điều gì có thể ngăn cản họ bán cho bạn một khoản vay với mức giá tối đa mà họ biết là vẫn nằm trong khả năng chi trả của bạn?”, Omarova đặt vấn đề.
Vị giáo sư này không phải là người duy nhất lo lắng về vấn đề đó. Vào tháng Sáu năm 2019, Christine Lagarde, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về Big Tech bằng cách đặt câu hỏi: Liệu các công ty nền tảng lớn nhất có thể gây tình trạng mất ổn định trong hệ thống tài chính toàn cầu hay không? Vào tháng Mười Hai năm 2018, tổng giám đốc Agustín Carstens của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã thảo luận về sự trỗi dậy của Google, Alibaba, Facebook, Tencent, Baidu, eBay cùng nhiều công ty khác trên thị trường tín dụng toàn cầu; không những thế, ông còn gọi họ là “một trong những thách thức lớn nhất” đối với các quy định tài chính hiện hành. Ông hoài nghi: “Liệu sự tham gia của Big Tech trong lĩnh vực tài chính sẽ tạo nên một hệ thống tài chính đa dạng và cạnh tranh hơn, hay sẽ tạo ra các hình thức mới của tập trung, quyền lực thị trường và sức mạnh hệ thống? Sự lớn mạnh của Big Tech được thúc đẩy bởi sự gia tăng hiệu suất hay là bởi lợi thế về chi phí khi họ phá vỡ hệ thống quy định hiện hành?”. Đây là những câu hỏi ngày càng trở nên cấp bách, khi Facebook không ngừng nỗ lực để ra mắt loại tiền điện tử của riêng họ.
Hiện vẫn chưa thể khẳng định liệu các công ty Big Tech có gây mất ổn định tài chính toàn cầu hay không. Trong khi đó, Carstens cùng các cơ quan quản lý ở cả Mỹ lẫn châu Âu đã chuyển sang xem xét liệu các thuật toán dự đoán hoặc phần mềm có khả năng tự cải thiện (machine learning) được cung cấp bởi Apple, Amazon, Facebook và những công ty đang lấn sân sang lĩnh vực tài chính có tác động làm tăng hay giảm sự ổn định của ngành tài chính. Một khía cạnh đặc biệt đáng lo ngại là Big Tech đã sử dụng máy móc thay vì mối quan hệ giữa người với người để đánh giá khách hàng (từ đó phá vỡ nguyên tắc “hiểu khách hàng của bạn” vốn chi phối ngành ngân hàng truyền thống). Như nhà toán học Cathy O’Neil đã trình bày trong quyển Weapons of Math Destruction (tạm dịch: Vũ khí hủy diệt toán học), các công ty thẻ tín dụng và tổ chức tài chính khác thường sử dụng những thuật toán không rõ ràng để thu thập và sử dụng dữ liệu trực tuyến (từ thói quen duyệt web đến thông tin vị trí của chúng ta) để tạo hồ sơ khách hàng và nhờ đó có được nhiều tín dụng hơn. Ví dụ, khi một người có Zip Code thuộc một khu vực hạng sang tìm kiếm một chiếc xe hơi, các thuật toán sẽ dẫn dắt anh ta nhấp vào một chiếc Jaguar cao cấp thay vì mẫu Taurus tầm trung. Bà cho rằng điều này về sau sẽ gây tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng: “Một người sử dụng máy tính ở khu thượng lưu Balboa Terrace của San Francisco sẽ là một khách hàng có tiềm năng [tín dụng] cao hơn nhiều so với một người ở Đông Oakland ngoại ô, phía bên kia vịnh”. Tất nhiên, mọi chuyện có thể không diễn ra đúng như thế. Nhưng dù sao đi nữa, kết quả vẫn là những gì bạn làm trên không gian mạng có thể ảnh hưởng rất lớn đến các cơ hội trong cuộc sống thực tế của bạn.
Một số người đã đặt những câu hỏi về việc liệu Amazon và Facebook có thể hay không thể tận dụng vị thế hiện có của họ trong thương mại điện tử hoặc phương tiện truyền thông xã hội để chiếm ưu thế trong lĩnh vực tài chính, sử dụng những gì họ đã biết về thói quen mua sắm của chúng ta để thúc đẩy chúng ta mua các sản phẩm mà họ muốn chúng ta mua, theo những cách hoặc là phản cạnh tranh, hoặc là mang tính săn mồi. Một số người khác cũng đặt vấn đề liệu các công ty công nghệ có “bỏ của chạy lấy người” khi phát hiện dấu hiệu đầu tiên của sự cố thị trường và khiến thị trường tín dụng bất ổn hay không.
Carstens nhận định: “Các khoản cho vay của Big Tech không có sự can thiệp của con người dưới hình thức mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Các khoản vay này hoàn toàn chỉ mang tính giao dịch, thường là các hạn mức tín dụng ngắn hạn có thể tự động bị cắt nếu tình trạng của công ty vay xấu đi. Điều này có nghĩa là nếu suy thoái diễn ra, tín dụng [của các công ty vừa và nhỏ] có thể sụt giảm đáng kể và chi phí xã hội tăng đột biến”. Nếu bạn nghĩ điều đó giống với tình huống chúng ta từng gặp phải vào năm 2008, bạn đã đúng.
Một số người không hề lo lắng về điều này. Họ cảm thấy những rủi ro như vậy là một sự trao đổi công bằng để có được sự thuận tiện khi họ có thể liên kết tất cả những công việc hằng ngày với nhau, thông qua một mật khẩu duy nhất, trên một nền tảng duy nhất – bất kể nền tảng đó là Apple, Amazon, Google hay Facebook. Nhưng thật khó để xác định thế nào là “công bằng” khi không ai trong chúng ta có thể nhìn thấy bên trong những chiếc hộp bí mật đang chứa đựng thuật toán của các công ty công nghệ lớn nhất. Một công ty nắm được thói quen mua sắm trong kỳ nghỉ của tôi hay loại phương tiện truyền thông tôi thích là một chuyện; nhưng nếu họ truy cập vào toàn bộ lịch sử tài chính của tôi, kể cả các khoản đầu tư, đó lại là chuyện khác. Không ít người hiện vẫn thiếu tự tin trong việc đưa ra các quyết định tài chính và quản lý tài sản cá nhân (còn lý do gì khác khiến nhiều người vẫn trả mức phí trên mức trung bình cho các dịch vụ như vậy?). Hãy tưởng tượng người tiêu dùng dễ bị xâm phạm quyền riêng tư đến mức nào nếu ngân hàng thông báo rằng họ có 9.000 đô-la trong tài khoản tiết kiệm rồi lập tức chào mời họ chuyển số tiền đó vào một phương tiện đầu tư mới với khả năng sinh lợi cao hơn. Hoặc hãy tưởng tượng nếu đầu trang Facebook của bạn có hiển thị một tài khoản thanh toán, điều tồi tệ gì có thể xảy ra?
Đó là một kịch bản mà có lẽ chúng ta sẽ sớm phải đối mặt, khi chính phủ Trump quyết định cắt giảm kinh phí của Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng – đơn vị được thành lập để bảo vệ những người dân thường có tranh chấp với ngân hàng. Cùng lúc đó, Bộ Tài chính của chế độ Trump cũng ráo riết thúc giục việc chia sẻ dữ liệu giữa các công ty công nghệ và ngân hàng lớn để “nâng cao hiệu quả, mở rộng quy mô và hạ giá tiêu dùng”. Một lần nữa, chúng ta lại phải hỏi: Giá sản phẩm thấp hơn có thật sự đáng để ta đánh đổi bằng tất cả những chi phí ngầm kia không?
Thật khó để biết được câu trả lời, một phần là vì kinh phí của Văn phòng Nghiên cứu Tài chính cũng đã bị cắt giảm – lý do tại sao hầu như không có nghiên cứu nào về rủi ro hệ thống và các phương thức định giá săn mồi được thực hiện khi các công ty công nghệ lớn nhất thế giới cùng những ngân hàng lớn nhất Phố Wall chia sẻ dữ liệu người tiêu dùng với nhau. Việc chính phủ không chú ý đến những vấn đề này không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng vẫn rất đáng báo động.
Nhưng đáng báo động hơn cả là Bộ Tài chính đã phác thảo một số lưu đồ về việc các công ty nền tảng và ngân hàng có thể hợp tác để chia sẻ thông tin tài chính của người tiêu dùng nhằm cung cấp các sản phẩm và dịch vụ được “cá nhân hóa”, và số lưu đồ này khiến tôi nhớ đến những hình minh họa phức tạp về giao dịch hoán đổi tín dụng mà chúng ta từng thấy ở cuộc khủng hoảng năm 2008. Cả hai đều là những nghiên cứu về rủi ro theo phong cách Rube Goldberg, chỉ có ý nghĩa trên giấy và bất khả thi trong thực tế. Sự phức tạp theo kiểu đó luôn khiến tôi lo lắng, vì nó luôn tạo điều kiện thuận lợi cho bên có nhiều thông tin hơn thao túng tình hình. Bạn có thể gọi tôi là kẻ thủ cựu, nhưng tôi luôn đồng ý với cựu chủ tịch Paul Volcker của Cục Dự trữ Liên bang về quan điểm cho rằng máy ATM mới chính là “sự đổi mới” hữu ích nhất trong lĩnh vực tài chính hàng chục năm qua.
LỚN ĐẾN MỨC KHÔNG AI CÓ THỂ QUẢN
Bất kể những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon có lý luận thế nào thì cuối cùng, giống như các ngân hàng “lớn đến mức không thể sụp đổ”, quy mô vẫn là một vấn đề đối với họ. Đó không phải vì lớn hơn là xấu, mà vì sự phức tạp của các tổ chức này đã khiến họ trở nên khó kiểm soát. Giống như các ngân hàng lớn, Big Tech cũng vận dụng sức mạnh vận động hành lang để tìm cách né tránh các quy định. Và giống như các ngân hàng, họ cố gắng thuyết phục chúng ta rằng họ xứng đáng được chơi theo những luật chơi khác.
Nhưng không. Nếu thật sự có sự khác biệt về luật chơi, tôi cho rằng khi các công ty trở nên lớn mạnh và phức tạp như vậy, họ cần được kiểm soát bằng nhiều nguyên tắc hơn so với đa số những tổ chức khác. Ít nhất thì Facebook, Google, Amazon và các nền tảng lớn khác cần phải công khai thông tin liên quan đến những quảng cáo mang tính chất chính trị, như các hãng thông tấn đang công khai. Khi tham gia thị trường tài chính, họ cần phải đáp ứng những yêu cầu nhất định, như các ngân hàng lớn, đối thủ cạnh tranh của họ, đang đáp ứng. Khi mua bán và truyền tải các loại dữ liệu cá nhân như thông tin chăm sóc sức khỏe (có thể được thu thập và bán thông qua những ứng dụng về sức khỏe hay thể chất mà tất cả chúng ta đều sử dụng), họ cần phải bị ràng buộc bởi các nguyên tắc bảo mật, như ngành chăm sóc sức khỏe đang bị ràng buộc. Các công ty Big Tech không phải là ngoại lệ. Song, họ sở hữu sức mạnh hệ thống. Họ giữ vai trò chủ đạo trong thị trường truyền thông và quảng cáo, giống như các ông lớn ngành ngân hàng trong thị trường tài chính. Cục Dự trữ hoặc Ủy ban Thương mại có thể can thiệp khi các tổ chức tài chính sở hữu sức mạnh hệ thống vừa tạo ra thị trường mà vừa tham gia vào thị trường đó, và đó là điều FTC nên làm với Big Tech. Thật ra, tôi nghĩ chúng ta cần một cơ quan quản lý riêng biệt cho ngành công nghệ. Đây cũng là chủ đề tôi sẽ bàn đến trong chương cuối cùng.
Nếu chúng ta thật sự đối xử với ngành công nghệ như với bất kỳ lĩnh vực nào khác, chắc chắn Big Tech sẽ phải thực hiện một sự thay đổi đáng kể trong mô hình kinh doanh Big Tech, thứ gắn liền với tiềm năng về lợi nhuận và giá cổ phiếu. Giá trị cao bất thường của các công ty Big Tech một phần xuất phát từ kỳ vọng của thị trường rằng họ vẫn sẽ là những thế lực độc quyền được quản lý lỏng lẻo và đánh thuế nhẹ nhàng. Nhưng không có gì bảo đảm những kỳ vọng đó sẽ trở thành sự thật. Các vấn đề độc quyền và chống độc quyền đang nhanh chóng thu hút sự quan tâm ở Washington, nơi mà những gã khổng lồ Big Tech có thể sẽ sớm được chú ý tới.