Nếu Facebook là một quốc gia, đó sẽ là quốc gia lớn nhất hành tinh. Mỗi tháng, có hơn 2 tỷ người dùng, tức hơn một phần ba số người trên toàn thế giới, đăng nhập vào nền tảng này. Facebook biết nhiều về chúng ta hơn bất kỳ ai khác, chỉ kém những người bạn thân thiết nhất và gia đình của chúng ta – những người dĩ nhiên là cũng hoạt động trên cùng một nền tảng với chúng ta hằng ngày. Bây giờ nghĩ lại, việc những kẻ hiểm ác tìm ra cách khai thác dữ liệu để phá hoại tiến trình dân chủ dường như chỉ là chuyện sớm muộn.
Bao năm qua, nhiều chính trị gia đã vận dụng những dữ liệu chi tiết cũng như phản hồi của thị trường để cố tác động đến kết quả bầu cử. Nhưng phải đến năm 2016, công chúng mới thật sự hiểu được khả năng đáng gờm của các kỹ thuật này, khi chúng được khuếch đại bởi loại chủ nghĩa tư bản giám sát của các công ty nền tảng lớn nhất. Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống, các nhóm chính trị đã chi tổng cộng 1,4 tỷ đô-la cho quảng cáo và marketing trực tuyến, tăng gấp bốn lần so với đợt bầu cử trước đó. Tất nhiên, cả Facebook lẫn Google đều là những bên được hưởng lợi rất lớn. Nhưng bên cạnh đó, họ còn đóng một vai trò khác trong cuộc bầu cử: họ “cài cắm” các nhân viên của mình vào chiến dịch của Trump, về cơ bản là cung cấp nhân viên miễn phí nhằm giúp các chính trị gia tìm ra cách tốt nhất để sử dụng các nền tảng của họ và truyền tải thông điệp tranh cử đến các cử tri tiềm năng. (Cần nói thêm rằng “cài cắm” là từ mà đại diện PR của hai công ty này đã cố loại bỏ khỏi các báo cáo truyền thông, nhưng đó lại là khái niệm hoàn hảo nhất để thể hiện sự liên can của họ trong cuộc bầu cử tổng thống, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.)
Dù việc này đạt được những kết quả chưa từng có, nhưng bản thân cách thức thì không có gì mới lạ, bởi nhiều tổ chức truyền thông vẫn thường hợp tác chặt chẽ với các chiến dịch chính trị. Như hàng loạt nghiên cứu và báo cáo trong vài năm qua cho thấy, Big Tech – không chỉ Facebook và Google mà cả những công ty khác như Twitter, Microsoft hay Apple – đã đưa truyền thông chính trị lên một tầm cao mới. Kể từ năm 2012, những công ty này đã có liên quan mật thiết đến chiến lược vận động ở cả hai phe. Các nhân viên của Google và Facebook đã góp mặt trong chiến dịch của cả Obama lẫn Romney vào năm 2012 để sắp đặt các giao dịch quảng cáo kỹ thuật số. Năm 2014, Twitter phát hành một hướng dẫn dài 136 trang về cách sử dụng nền tảng này để tác động đến cử tri trong các cuộc bầu cử. Cũng trong năm 2014, một bản hướng dẫn chiến lược đã được gửi tới chủ tịch điều hành chiến dịch của Hillary Clinton cũng như nhiều lãnh đạo cấp cao khác, trong đó có phần tóm lược về việc chiến dịch này có thể kết hợp với các công ty công nghệ: “Mối quan hệ hợp tác với Google, Facebook, Apple và những công ty công nghệ khác rất quan trọng với chúng tôi vào năm 2012 và thậm chí sẽ còn quan trọng hơn với bạn vào năm 2016, bởi họ vẫn chiếm những vị thế quan trọng trong nền văn hóa. Những mối quan hệ hợp tác này có thể mang lại nhiều lợi ích cho một chiến dịch, từ khả năng tiếp cận nhân tài và nhà tài trợ tiềm năng, đến nhanh chóng nắm bắt thông tin về sản phẩm thử nghiệm hoặc cơ hội tham gia các chương trình thử nghiệm”.
Nhưng chỉ đến 2016, Big Tech mới thật sự phá vỡ phong cách vận động chính trị cũ. Tại cả Hội nghị Quốc gia Đảng Dân chủ ở bang Philadelphia lẫn Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở bang Maryland, Big Tech luôn đóng một vai trò rất lớn. Tại Philadelphia, Google đã đứng ra bố trí một không gian công nghiệp, nơi các chính trị gia và đội ngũ của họ có thể hòa nhập với những nhân viên công nghệ. Công ty này cũng làm việc với các đảng viên Cộng hòa như Rand Paul, người đã cử giám đốc kỹ thuật số của mình là Vincent Harris bay đến trụ sở Google để tham gia các buổi “trao đổi quan điểm” về nội dung chiến dịch và quảng cáo. Facebook cũng có chỗ đứng quan trọng ở cả hai hội nghị và cũng từng hợp tác “đào tạo các ứng cử viên theo khuynh hướng bảo thủ [tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ] cách sử dụng nền tảng của Facebook để tiếp cận các cử tri mới”.
Đây là những mối quan hệ có lợi cho đôi bên. Hai nhà nghiên cứu Daniel Kreiss và Shannon McGregor nhận xét: “Các doanh nghiệp muốn góp mặt trong không gian chính trị để tiếp thị, tăng doanh thu quảng cáo và xây dựng mối quan hệ nhằm hỗ trợ các nỗ lực vận động hành lang… Facebook, Twitter và Google không chỉ quảng bá dịch vụ của họ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua quảng cáo kỹ thuật số, mà còn tích cực định hình các chiến dịch truyền thông”. Hai học giả này kết luận: “Những công ty này đóng vai trò gần giống như là một nhà tư vấn kỹ thuật số – người đề ra chiến lược, nội dung cũng như cách thực thi chiến lược đó”.
Và từ quan điểm của người thực hiện chiến dịch thì tại sao lại không? Các công ty Big Tech có thể đóng vai trò là “lao động tự do”, như cách gọi của Nu Wexler – phó giám đốc truyền thông của Twitter – trong một thông báo nội bộ vào năm 2017. Khi được Kreiss và McGregor phỏng vấn, Wexler nhấn mạnh rằng chiến dịch của Trump đã bù đắp cho quy mô đội ngũ nhỏ bằng cách tận dụng chuyên môn của các công ty công nghệ trong khía cạnh chiến lược và truyền thông: “Giải pháp của Trump là thuê một số văn phòng giá rẻ gần sân bay hoặc trung tâm mua sắm và gọi đó là ‘Trump Digital’. Họ để các doanh nghiệp quảng cáo cũng như truyền thông xã hội tới đó [San Antonio, trụ sở của chiến dịch] và làm việc ở đó. Chúng tôi đã làm như thế, Facebook đã làm như thế, Google đã làm như thế”. Theo Wexler, phần lớn sự trợ giúp đều xoay quanh việc xây dựng “những quảng cáo thu được kết quả”.
Kết quả là một chuyện. Nhưng nền chính trị bẩn thỉu của chiến dịch Trump cùng kho dữ liệu khổng lồ có thể được thu thập từ Facebook và nhiều trang web hoặc ứng dụng khác lại dẫn đến một chuyện khác, đen tối hơn nhiều. Theo một bài báo được đăng trên tờ Bloomberg Businessweek hai tuần trước cuộc bầu cử, Trump biết rằng ông cần một phép màu để giành chiến thắng, và đội ngũ vận động tranh cử của ông (với người đứng đầu là Steve Bannon, cựu chiến lược gia khét tiếng; Jared Kushner, con rể của Trump; và những người am hiểu về truyền thông xã hội khác) đã tìm thấy “điều kỳ diệu” đó ở Facebook, Twitter và YouTube.
Theo bài báo này, Kushner – người có nhiều bạn bè trong giới công nghệ – đã liên hệ “một số người hâm mộ bí mật của Trump ở Thung lũng Silicon và cũng là các chuyên gia trong lĩnh vực marketing kỹ thuật số”. Những chuyên gia này đã giúp Trump nhắm mục tiêu vào các nhóm cử tri còn đang phân vân và gửi cho họ các tin nhắn trực tuyến trước khi cuộc bầu cử diễn ra, để khuyến khích hoặc ngăn cản họ bỏ phiếu. Bài báo này còn trích lời thừa nhận của một quan chức cấp cao trong chiến dịch: “Chúng tôi có ba chiến dịch lớn đang được tiến hành, nhắm vào ba nhóm cử tri mà Clinton cần giành được số phiếu áp đảo để chiến thắng, bao gồm người da trắng theo chủ nghĩa tự do lý tưởng, phụ nữ trẻ và người Mỹ gốc Phi”.
Chiến dịch này đã thành công trong việc tung hàng loạt thông tin tuyên truyền được thiết kế để ngăn cản mọi người ủng hộ Clinton. Họ lan truyền video phản đối Hillary, sử dụng Facebook để huy động gần 300.000 đô-la tiền quyên góp cho chiến dịch, nhưng đồng thời cũng chi tiền để Facebook gửi tin nhắn trực tuyến nhấn mạnh sự ủng hộ của Clinton đối với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, chiến dịch này còn thể hiện tư tưởng “kỳ thị phụ nữ” theo kiểu “Bernie-Bro”39 để thu hút nhiều cử tri là nam giới da trắng ở Vành đai rỉ sét (những người này biết họ đã bị Đảng Cộng hòa bán đứng nhưng lại cảm thấy bị phản bội bởi cánh nghiệp đoàn của Đảng Dân chủ, và vì thế họ sẵn sàng đón nhận những thông điệp thù hằn về Clinton). Mọi chuyện lẽ ra đã tốt hơn nhiều nếu các cử tri biết được dù chỉ một ít sự thật (chẳng hạn như Hillary đã thay đổi lập trường thương mại của mình trong chiến dịch tranh cử, dù Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ vốn do chính quyền của chồng bà ký lệnh thành lập).
39 “Bernie-Bro” là một thuật ngữ được dùng để chỉ những nam thanh niên ủng hộ ứng cử viên tổng thống Bernie Sanders trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Họ thường bị xem là những người bất ổn, dễ kích động, phân biệt giới tính, và coi bất cứ ai không có cùng chính kiến là “kẻ ngốc”.
Một số nội dung tuyên truyền xuất phát từ chính bộ sậu của Trump. Một số khác được sắp xếp bởi các đặc vụ nước ngoài, trong đó bao gồm đặc vụ Nga, những kẻ muốn giúp ngôi-sao-truyền-hình-thực-tế-trở-thành-ứng-cử-viên này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Bất kể Trump có thật sự ủng hộ Putin hay không, việc thao túng ông rõ ràng sẽ dễ dàng hơn nhiều so với Hillary, nữ chính khách từ lâu đã luôn siết chặt chính sách đối ngoại, nhất là với Nga. (Một báo cáo được mong đợi của cố vấn đặc biệt Robert Mueller thuộc Cục điều tra Liên bang tuy không khẳng định là đã có sự thông đồng giữa Trump và các đặc vụ Nga, nhưng lại khiến cả hai chính đảng tin rằng điều đó chắc chắn đã diễn ra bởi trong báo cáo có nêu rất nhiều ví dụ về những lần tiếp xúc đáng ngờ giữa Nga và đội tuyên truyền của Trump trước thời điểm bầu cử.)
Cuộc điều tra của Mueller cho thấy Cơ quan Nghiên cứu Internet – một doanh nghiệp Nga làm việc cho Điện Kremlin – đã thu hút được hàng trăm người dùng của Facebook cũng như của nhiều nền tảng truyền thông xã hội khác vào những quảng cáo được thiết kế để gây tổn hại cho Clinton. Nội dung của nhóm này đã tiếp cận được số người dùng lớn đến kinh ngạc: 150 triệu người. Theresa Hong, giám đốc kỹ thuật số trong chiến dịch Trump, từng thẳng thắn thừa nhận: “Nếu không có Facebook, có lẽ chúng tôi đã không thể giành chiến thắng”.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Roger McNamee – nhà đầu tư của Facebook và cố vấn cũ của Zuckerberg – bắt đầu nhận thấy những điều kỳ lạ trên mạng. “Lần đầu tiên tôi thật sự lo ngại về Facebook là vào tháng Hai năm 2016, thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử sơ bộ”, McNamee chia sẻ với tôi vào năm 2017, thời điểm ông bắt đầu viết quyển Zucked về chủ đề này. Trong tác phẩm của mình, ông viết: “Là một người nghiện chính trị, tôi dành vài giờ mỗi ngày để đọc tin tức và cũng dành khá nhiều thời gian để lướt Facebook. Tôi thấy những hình ảnh đáng lo ngại đột ngột gia tăng và được bạn bè chia sẻ cho nhau, bắt nguồn từ các nhóm Facebook có vẻ là liên quan đến chiến dịch của Bernie Sanders. Đó là những ảnh chế về Hillary Clinton theo hướng bài xích phụ nữ. Tôi không thể tưởng tượng là chiến dịch của Bernie sẽ cho phép điều đó. Đáng lo ngại hơn, những hình ảnh này được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Rất nhiều bạn bè của tôi đã chia sẻ chúng. Và ngày nào cũng có thêm những hình ảnh mới”.
McNamee đã rất lo ngại về tác động của mạng xã hội đối với kết quả bầu cử. Giống như hầu hết mọi người, ông cũng bị sốc trước kết quả của Brexit, một kết quả hoàn toàn trái ngược với tất cả những cuộc thăm dò dư luận trước khi trưng cầu dân ý. Mặc dù ban đầu chính phủ Anh khẳng định cuộc trưng cầu dân ý không hề bị những kẻ hiểm ác tác động bằng công nghệ nền tảng, nhưng một báo cáo của Quốc hội Anh được công bố vào tháng Hai năm 2019 đã cho thấy điều ngược lại. Theo báo cáo này: cuộc biểu quyết Brexit có khả năng đã bị ảnh hưởng bởi các đặc vụ Nga, và chúng ta cần nghiêm túc đặt câu hỏi về sức ảnh hưởng của thông tin sai lệch đối với các cuộc bầu cử. Đây được cho là những câu hỏi có thể dẫn đến việc sửa đổi các điều luật bầu cử, nếu ủy ban phụ trách điều tra nhận thấy là chúng “không phù hợp với mục đích” kiểm soát các công ty như Facebook – tổ chức “có ý định và cố tình vi phạm cả quyền riêng tư dữ liệu lẫn luật chống cạnh tranh”.
Về vấn đề này, nghị sĩ Damian Collins – chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Anh – nhận định: “Nền dân chủ đang đứng trước nguy cơ khi công dân liên tục bị nhắm mục tiêu với ý đồ xấu, thông qua những thông tin sai lệch và ‘quảng cáo ẩn’ (dark ads) được cá nhân hóa từ các nguồn không xác định và được truyền tải qua các nền tảng truyền thông xã hội lớn mà chúng ta sử dụng hằng ngày. Phần lớn những hoạt động này được điều khiển bởi các tổ chức ở nước ngoài, bao gồm cả ở Nga… Các công ty công nghệ lớn đang không hoàn thành nhiệm vụ của họ trong việc bảo vệ người dùng chống lại những nội dung độc hại, đồng thời cũng không tôn trọng quyền riêng tư dữ liệu của người dùng”.
Collins nói thêm: “Chúng tôi tin rằng khi điều trần trước Ủy ban, Facebook thường cố tình khiến công việc của chúng tôi trở nên khó khăn hơn bằng cách đưa ra những câu trả lời không đầy đủ, không thành thật và thậm chí là dài dòng để đánh lạc hướng… Ngay cả khi Mark Zuckerberg không tin rằng bản thân phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội Anh, ông ta vẫn phải chịu trách nhiệm trước hàng tỷ người dùng Facebook trên toàn thế giới. Các bằng chứng mà Ủy ban phát hiện đã cho thấy ông ta vẫn còn nhiều câu hỏi phải trả lời, nhưng ông ta cứ liên tục tránh né, không đưa ra phản hồi trước những lời mời của chúng tôi hoặc chỉ cử đến những người đại diện không nắm thông tin chính xác. Mark Zuckerberg không ngừng thể hiện cho mọi người thấy ông ta không có cái tầm của một lãnh đạo và trách nhiệm của một cá nhân, những phẩm chất mà lẽ ra người đứng đầu của một trong những công ty lớn nhất thế giới nên có”.
*
Facebook cũng có những phản ứng tương tự đối với kết quả bầu cử năm 2016 của Mỹ. Nhưng đối với bất kỳ ai có theo dõi, các bằng chứng đã quá rõ ràng. Càng có nhiều báo cáo về vai trò của Facebook và Google cũng như các nền tảng khác trong cuộc bầu cử, người ta càng thấy rõ vai trò của hoạt động tuyên truyền trực tuyến trong việc thổi bùng ngọn lửa của nhiều vấn đề, chẳng hạn như vấn đề nhập cư từng được phe ủng hộ Brexit cũng như chiến dịch tranh cử của Trump năm 2016 khai thác trong suốt thời gian bỏ phiếu.
McNamee nói: “Đây là lần đầu tiên tôi nhận ra có thể các thuật toán của Facebook đang ưu tiên những thông điệp mang tính kích động thay vì trung lập”. Không những vậy, rõ ràng là các thuật toán này có thể khiến thế giới trở nên phân cực hơn, nguy hiểm hơn, chưa kể là kém dân chủ hơn.
Vì vậy, ông quyết định can thiệp để thay đổi hiện trạng đó. Vào tháng Mười năm 2016, vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, McNamee liên hệ với Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg. Đây là những người ông coi là bạn bè, và ông có mọi lý do để tin rằng họ sẽ lắng nghe mối lo ngại của ông. Nói cho cùng, McNamee là người đã khuyên Mark Zuckerberg từ chối lời đề nghị của Yahoo khi công ty này muốn mua lại Facebook với giá 1 tỷ đô-la (khi tính đến giá trị hiện tại của Facebook, rõ ràng từ chối là một nước đi thông minh); ông cũng là người đã gợi ý cho Zuckerberg mời phù thủy quảng cáo Sheryl Sandberg của Google về làm giám đốc điều hành cho công ty.
Hóa ra McNamee đã quá lạc quan về mối quan hệ của mình với Zuckerberg và Sandberg. Bất chấp mối thâm tình giữa ông với hai nhà quản trị này cũng như việc ông là một nhà đầu tư lâu năm của Thung lũng Silicon với tư cách người trong ngành, họ chặn đứng những nỗ lực của ông và tìm cách lảng tránh, như họ từng làm với nhiều người khác suốt hai năm trước đó.
McNamee về sau đã chia sẻ trên tờ Financial Times: “Họ lịch sự thông báo với tôi rằng những gì tôi thấy là những sự kiện đơn lẻ mà công ty đã giải quyết. Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, tôi đã dành hẳn ba tháng để cố thuyết phục Facebook rằng thương hiệu công ty sẽ bị đe dọa nếu những vấn đề mà tôi đề cập được chứng minh là hậu quả của những sai sót trong cơ cấu hoặc mô hình kinh doanh. Tôi nói với họ nếu không chịu nhận trách nhiệm, họ có thể sẽ phá hủy lòng tin của mọi người, yếu tố mà doanh nghiệp này đang phụ thuộc vào đó”. Nhưng vô ích.
Trong các cuộc phỏng vấn vào năm 2017, McNamee chia sẻ với tôi rằng Sandberg và Zuckerberg vẫn tỏ thái độ “vô can” trong vụ bê bối đang dần được đưa ra ánh sáng. Họ dự định sẽ bưng bít mọi thứ, bảo vệ bản thân và công ty bằng mọi giá, bất kể hậu quả. Mô hình của họ cho thấy bất kỳ nội dung nào mang lại nhiều cú nhấp chuột nhất – và do đó mang về nhiều doanh thu nhất cho nền tảng – sẽ được ưu tiên, kể cả khi nội dung đó được thiết kế để thao túng cử tri hoặc thổi bùng ngọn lửa phân biệt chủng tộc và thù hằn. Mô hình của Facebook cũng nói lên khoản lợi nhuận mà bản thân họ – cũng như nhiều công ty nền tảng lớn khác – đã thu được lớn đến mức nào. Năm 2012, Facebook có 1 tỷ người dùng. Đến năm 2016, con số này đã tăng gấp đôi. Doanh thu của họ trong khoảng thời gian đó thì tăng hơn năm lần, từ 5 tỷ đô-la thành 27,6 tỷ đô-la. Đến cuối năm 2018, con số này là 55,8 tỷ đô-la.
Vào tháng Hai năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội 13 công dân và ba công ty của Nga về hành vi thao túng bầu cử Mỹ, trong đó bao gồm truyền bá nội dung sai lệch và gây chia rẽ để giúp Donald Trump giành chiến thắng. Theo điều tra của Bộ Tư pháp, những tổ chức này đã thực hiện hành vi phạm tội bằng cách lợi dụng các nền tảng công nghệ của Mỹ. Đáng chú ý nhất trong số đó là Facebook, công ty bị phát hiện đã nhận 100.000 đô-la quảng cáo; ngoài ra còn có Instagram (cũng thuộc sở hữu của Facebook), Twitter, YouTube (thuộc sở hữu của Google) và PayPal.
Tất nhiên, tất cả những công ty còn lại cũng không phải là ngoại lệ và cũng đều chối bỏ mọi trách nhiệm, giống như Facebook. Văn bản nội bộ do phó chủ tịch Andrew Bosworth của Facebook viết vào năm 2016 bị rò rỉ và được trang BuzzFeed đăng tải vào năm 2018 có thể cho chúng ta thấy một manh mối về lý do tại sao: “Chúng ta đơn giản là kết nối mọi người. Đó là lý do vì sao tất cả những việc chúng ta làm để phát triển [ám chỉ các thuật toán xâm phạm quyền riêng tư] đều là chính đáng, từ việc tự động sao lưu thông tin liên lạc đang bị nhiều người chất vấn, đến những ngôn ngữ lập trình tinh tế giúp người dùng có thể được bạn bè họ tìm thấy trên mạng. Tất cả những việc chúng ta làm đều là để gia tăng sự giao tiếp giữa mọi người”. Cũng trong văn bản này, Bosworth đưa ra những suy đoán về mặt xấu của việc kết nối: “Có thể nó sẽ khiến ai đó gặp phải những kẻ côn đồ và phải trả giá bằng mạng sống”, hoặc “Có thể ai đó sẽ tử vong trong một cuộc tấn công khủng bố được hỗ trợ bởi các công cụ của chúng ta”. Rõ ràng, ban lãnh đạo của Facebook cảm thấy mọi tình huống tiêu cực có thể xảy ra đều là một cái giá phải trả xứng đáng để phục vụ sứ mệnh cao hơn của Facebook: kết nối thế giới.
Tháng Chín năm 2018, nhà báo Evan Osnos đã đăng một bức ảnh chân dung khá ấn tượng của Zuckerberg trên trang The New Yorker, mô tả thái độ phủ nhận và né tránh của ông đối với không chỉ việc thao túng bầu cử mà còn nhiều vụ bê bối khác có liên quan đến Facebook: vi phạm các thỏa thuận về dữ liệu người dùng, sử dụng công nghệ hành vi để thao túng trẻ em, để các chế độ độc tài như chính quyền Miến Điện tùy ý lợi dụng và đẩy mạnh hoạt động diệt chủng. Từ đầu đến cuối, thái độ của Zuckerberg về tất cả những cuộc khủng hoảng này đều là: chả có gì để bàn.
“Theo tôi, ý tưởng cho rằng các tin giả trên Facebook – bạn biết đấy, đó là một lượng nội dung rất nhỏ – có thể có ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào đến cuộc bầu cử là một ý tưởng điên rồ”, Zuckerberg tuyên bố vào năm 2016. Và thậm chí, vào mùa hè năm 2018 khi tất cả bằng chứng đều chứng minh điều ngược lại, lập trường của ông vẫn không thay đổi. “Tôi thấy ý kiến cho rằng mọi người quyết định bỏ phiếu theo một cách nào đó chỉ bởi vì họ bị dẫn dắt là một ý kiến gần như mang tính xúc phạm”, Zuckerberg nói với Osnos, trong một tuyên bố gây sốc về sự phát triển của công ty và việc triển khai các công nghệ để làm điều đó.
Những vấn đề này không hề xảy ra mà không có dấu hiệu cảnh báo. Nhiều người ở Thung lũng đã công khai đặt nghi vấn về những vấn đề đó ngay từ năm 2011. Đó là khi Eli Pariser, chủ tịch hội đồng quản trị của tổ chức chính trị tự do MoveOn.org, thuyết trình trên TED Talk về việc Facebook và Google đang sử dụng các thuật toán khuyến khích mọi người tham gia những tập thể riêng biệt, được xây dựng cho những người có cùng chính kiến với nhau. Cùng năm với bài diễn thuyết của Pariser, Beware Online Filter Bubbles (tạm dịch: Hãy cẩn thận với bong bóng nhận thức trực tuyến), Google đã tung ra mạng xã hội của riêng mình và cạnh tranh với Facebook để tạo ra những hồ sơ người dùng với độ chi tiết cao hơn, cũng có nghĩa là có giá trị hơn đối với các nhà quảng cáo. Tất cả những lo ngại mà Page và Brin đã đề cập trong bài viết năm 1998 của họ về những kẻ hiểm ác có thể lợi dụng người dùng Internet để trục lợi đã trở thành sự thật.
Nhưng nếu thay đổi mô hình kinh doanh gây ảnh hưởng đến lợi nhuận, con đường mà các nền tảng sẽ chọn đã quá rõ ràng. McNamee cho biết: “Tôi phải mất rất nhiều thời gian để chấp nhận rằng Zuckerberg và Sheryl đã trở thành nạn nhân của sự tự tin thái quá”. Ngay cả khi các bằng chứng lần lượt được trưng ra và tiếp sau đó là báo cáo về vụ can thiệp bầu cử của thượng nghị sĩ, McNamee vẫn hy vọng: “Tôi muốn tin rằng [họ] cuối cùng sẽ thay đổi cách tiếp cận của mình”.
Nhưng điều đó đã không diễn ra.
CHỦ NGHĨA TƯ BẢN GIÁM SÁT BÙNG NỔ
Ngay cả khi thao túng bầu cử là việc làm duy nhất của Big Tech gây tổn hại đến nền dân chủ và tự do dân sự, tình hình cũng đã đủ tồi tệ. Nhưng không phải như vậy. Bất kể có bỏ phiếu vào năm 2016 hay không, chúng ta vẫn có nguy cơ bị nhắm mục tiêu bởi các công cụ của một nhà nước giám sát đang ngày càng tinh vi.
Trong phim Minority Report năm 2002, Tom Cruise vào vai một cảnh sát làm việc trong PreCrime – một cơ quan đặc biệt ở Virginia, chuyên bắt giữ những người sẽ trở thành tội phạm, dựa trên những dự đoán về tội ác của họ do các nhà tâm linh học cung cấp. Các công nghệ giám sát hàng loạt được mô tả trong phim như quảng cáo cá nhân hóa dựa trên vị trí, nhận dạng khuôn mặt hay các trang tin tự cập nhật hiện đã trở nên phổ biến trong đời sống của chúng ta. Chi tiết duy nhất mà đạo diễn Steven Spielberg chưa khắc họa chính xác là vai trò của các nhà ngoại cảm. Thay vì nhờ đến nhà ngoại cảm, các cơ quan thực thi pháp luật hiện có thể sử dụng dữ liệu và công nghệ được cung cấp bởi Google, Facebook, Amazon hay tập đoàn tình báo Palantir – những tổ chức đang sử dụng các công cụ dữ liệu lớn đến mức khiến cho thực tế của cuộc chiến chống tội phạm dựa trên dữ liệu ở Mỹ ngày càng giống với bối cảnh khoa học viễn tưởng của phim Minority Report.
Ví dụ, theo Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union – ACLU), các công cụ quảng cáo của Facebook từng được sử dụng để thu thập dữ liệu về những người có vẻ quan tâm đến phong trào Black Lives Matter40, và những dữ liệu này sau đó đã được bán cho sở cảnh sát thông qua một công ty giám sát và kinh doanh dữ liệu tên là Geofeedia. Điều này không có gì lạ. Việc thu thập và bán dữ liệu từ lâu đã được thực hiện không chỉ bởi các công ty Big Tech mà còn bởi vô số công ty khác thông qua các trung gian môi giới dữ liệu. Và thật ra, việc mua bán dữ liệu chính là bộ phận phát triển nhanh nhất của nền kinh tế Hoa Kỳ.
40 Black Lives Matter (tạm dịch: Mạng sống người da đen cũng quan trọng) là một phong trào quốc tế bắt nguồn từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi, nhằm đầy lùi những hành động bạo lực và tư tưởng phân biệt chủng tộc nhắm đến người da đen.
Một báo cáo năm 2019 của nhóm chiến lược Future Majority thuộc Đảng Dân chủ cho thấy: “Hàng ngàn công ty đã thu thập thông tin cá nhân mà khách hàng cung cấp cho họ trong quá trình giao dịch và bán lại những thông tin này cho các nhà thầu dữ liệu, chẳng hạn như văn phòng tín dụng. Sau đó, các nhà thầu này sẽ phân tích, phân loại và bán lại các gói dữ liệu, thường là dưới dạng hồ sơ cá nhân. Khách hàng của họ rất đa dạng, từ các nhà tuyển dụng, những công ty đang lên kế hoạch tiếp thị, cho đến các ngân hàng và tổ chức cho vay thế chấp, trường cao đẳng, đại học, nhóm vận động chiến dịch chính trị và cả tổ chức từ thiện”. Cần nói thêm rằng các tổ chức đại chúng như cơ quan hành pháp và văn phòng chính phủ cũng là khách hàng của những nhà thầu dữ liệu này.
Báo cáo này còn viết: “Ngoài ra, các công ty thẻ tín dụng và công ty dữ liệu chăm sóc sức khỏe cũng thường xuyên thu thập, phân tích và thu lợi nhuận từ thông tin cá nhân của người dùng”. Nhiều người trong chúng ta có thể sẽ rất ngạc nhiên khi biết điều này, bởi nước Mỹ có Đạo luật về Tính di động và Trách nhiệm Bảo hiểm Y tế (Health Insurance Portability and Accountability Act – HIPAA) với nhiều quy định hạn chế chia sẻ dữ liệu chăm sóc sức khỏe, hay thực tế là ngay cả những chủ thẻ tín dụng cũng khó có thể truy cập các dữ liệu cũng như điểm tín dụng của chính họ. Tuy nhiên, như báo cáo này đã chỉ rõ, “những hạn chế đó chỉ áp dụng cho một số loại thông tin tài chính như số dư tài khoản cá nhân, chứ không phải các dữ liệu như lịch sử trả nợ vay; hoặc các hạn chế về thông tin chăm sóc sức khỏe chỉ áp dụng với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chứ không áp dụng với hiệu thuốc hay nhà sản xuất thiết bị y tế”. Điều đó có nghĩa là một hiệu thuốc trực tuyến (do Amazon sở hữu chẳng hạn) sẽ không bị ràng buộc bởi các nguyên tắc này. Tương tự, Fitbit hay bất kỳ ứng dụng rèn luyện thể chất nào cũng có thể theo dõi những thông tin về sức khỏe và các chuyển động của bạn.
“Tất cả thông tin liên quan đến tài chính và sức khỏe cá nhân đều có thể được thu thập, phân tích và bán ở dạng ẩn danh – kiểu dữ liệu mà các thuật toán có thể cho ra kết quả khớp đến từng người hoặc đơn giản là tạo hồ sơ chi tiết có liên quan đến sức khỏe và tài chính dựa trên lượng thông tin phong phú mà các nền tảng Internet và nhà môi giới dữ liệu có được về mọi người. Cuối cùng, các dữ liệu cá nhân hiện đang được sử dụng thường xuyên cho mục đích thương mại không chỉ giới hạn ở những thông tin mà người dùng để lộ thông qua những hoạt động trên các nền tảng Internet hoặc thông qua hàng hóa/dịch vụ họ mua. Thêm vào đó, Internet vạn vật đã đưa việc thu thập dữ liệu cá nhân vào nhiều khía cạnh khác trong đời sống. Ví dụ, tivi thông minh thu thập, phân tích và bán thông tin cá nhân của những người sở hữu chúng và những gì họ xem. Xe hơi và điện thoại thông minh thu thập, phân tích và bán thông tin cá nhân của những người sở hữu chúng và mọi nơi họ đến. Giường thông minh và các loại thiết bị đeo thông minh thu thập, phân tích và bán thông tin của những người sử dụng các sản phẩm này cũng như dữ liệu về nhiệt độ, nhịp tim và hoạt động hô hấp của họ. Không những vậy, các thế hệ thiết bị gia dụng mới, tích hợp Wi-Fi và có khả năng phản hồi các mệnh lệnh bằng giọng nói – dẫn đầu là Amazon Echo và Amazon Dot với công nghệ AI Alexa, kế đến là Google Nest và Google Home – có thể nắm bắt không chỉ thông tin cá nhân của những người mua và lắp đặt chúng mà còn cả những gì họ nói trong phạm vi ghi nhận của thiết bị.”
Nói tóm lại, một nước Mỹ bị giám sát không phải là chuyện khoa học viễn tưởng. Đó chính là nước Mỹ của hiện tại.
Việc các công ty ở Thung lũng Silicon tự xem mình là những nhóm đề cao tự do và lên tiếng ủng hộ các tổ chức như Black Lives Matter trong khi vẫn kiếm tiền từ hoạt động giám sát của mình là một sự mỉa mai đen tối, nhưng họ không phải là những trường hợp duy nhất. Hãy xem xét hệ thống xử lý hình ảnh Rekognition theo phong cách Orwellian của Amazon mà gần đây, ACLU đã kêu gọi Jeff Bezos ngừng bán cho cán bộ hành pháp vì cho rằng hệ thống này “có nguy cơ bị lạm dụng trong tay chính phủ”. ACLU lập luận rằng hệ thống này có thể gây ra một “mối đe dọa nghiêm trọng đối với các cộng đồng, bao gồm cả cộng đồng người da màu lẫn người nhập cư”, củng cố cho những nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần mềm nhận dạng khuôn mặt thường xuyên nhận nhầm người da màu.
Nhưng chúng ta cũng cần xem xét một khía cạnh khác: khi lần đầu được triển khai ở Mỹ nhiều năm về trước, hoạt động kiểm soát an ninh bằng big data là một phần của nỗ lực xóa bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc và thành kiến. Các mô hình tính toán bằng vi tính để kiểm soát an ninh vốn đã được áp dụng từ năm 1994, thông qua một hệ thống được gọi là CompStat có chức năng liên hệ số liệu thống kê tội phạm và kết quả thực thi pháp luật, được sử dụng trước tiên bởi các cán bộ hành pháp ở New York và sau đó là ở nhiều nơi khác. Cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001 đã góp phần thúc đẩy việc “kiểm soát an ninh bằng các thông tin tình báo”, kết nối các cơ quan thực thi pháp luật địa phương và liên bang với cơ sở dữ liệu của họ.
Năm 2002, William Bratton – người từng lãnh đạo lực lượng cảnh sát New York – đã chuyển đến Los Angeles vào năm 2002 và mang theo phương pháp “đoán định tư pháp”, tức là sử dụng càng nhiều dữ liệu từ càng nhiều nguồn càng tốt để dự đoán những hành vi phạm tội có thể xảy ra trước khi nó thật sự xảy ra. Hồ sơ cá nhân có thể được xây dựng dựa trên dữ liệu từ vô số nguồn – báo cáo tội phạm, biên bản giám sát giao thông, những cuộc gọi đến các đơn vị dịch vụ công và thông tin trích từ các camera được đặt trên khắp Los Angeles cũng như những thành phố lớn khác. Sau đó, cảnh sát có thể phân loại hồ sơ trên một cổng dữ liệu đồng bộ hóa đơn giản (Really Simple Syndication – RSS), cung cấp cho họ những thông tin về hành động của mọi người trong thời gian thực. Kết quả là gì? Nếu bạn vi phạm giao thông vào một ngày nào đó, tùy vào những gì thuật toán biết về bạn (chẳng hạn như bạn đã đi đâu và làm gì), bạn có thể sẽ nằm trong danh sách theo dõi của cảnh sát vào ngày hôm sau.
Ý tưởng của hoạt động giám sát này là kiểm soát an ninh bằng thuật toán sẽ giúp phá vỡ các thành kiến nhận thức của con người, chẳng hạn như thành kiến liên hệ người da đen với tội phạm. Nhưng thuật toán cũng có những vấn đề nhất định. Học giả Sarah Brayne của Đại học Texas từng nghiên cứu về việc sử dụng big data ở Sở Cảnh sát Los Angeles, nơi trước đó đã làm việc với Palantir (công ty giúp thu thập và phân loại dữ liệu) để xây dựng các mô hình dự đoán về những trường hợp phạm tội có thể xảy ra. Brayne phát hiện big data đã thay đổi bản chất của việc kiểm soát an ninh, khiến nó ngày càng kém nhạy với hành vi phạm tội và chỉ chú trọng việc dự đoán cũng như giám sát hàng loạt. Hãy thử tưởng tượng, với sự tham gia của Palantir, tất cả dữ liệu của bạn có thể bị công ty này thu thập, đối chiếu, mua bán và sau đó bổ sung vào cơ sở dữ liệu mà cơ quan cảnh sát đã tự thu thập. Vấn đề là việc hợp nhất nhiều nguồn dữ liệu vào các mô hình của Palantir đồng nghĩa với việc những người chưa bao giờ gặp rắc rối với pháp luật cũng có nguy cơ bị giám sát – một thực tế trái ngược với nguyên tắc “vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội”. Những gì ban đầu là một cách để làm cho cuộc chiến chống tội phạm trở nên công bằng hơn rốt cục lại diễn ra theo hướng hoàn toàn trái ngược.
Trong bài viết của mình, Brayne trình bày: “Nghiên cứu này chỉ rõ hoạt động giám sát dựa trên dữ liệu có thể dẫn đến ba hình thức mới của sự bất bình đẳng: tăng cường giám sát đối với các cá nhân vốn đã bị nghi ngờ, mở rộng mạng lưới tư pháp hình sự một cách không đồng đều, khiến người dân có xu hướng tránh né các tổ chức ‘giám sát’ có vai trò quan trọng trong xã hội”. Bên cạnh đó, bà cũng nhấn mạnh một chi tiết quan trọng: “Khi được ‘thuật toán hóa’, các mô hình hành pháp này sẽ đặt những cá nhân đang bị nghi ngờ vào các hình thức giám sát mới, sâu sát hơn, trong khi vẫn có vẻ khách quan – hay theo cách nói của một sĩ quan cảnh sát là ‘mọi thứ đều do thuật toán’”.
Dù mục đích ban đầu của hệ thống là để tránh tình trạng thiên kiến trong hoạt động hành pháp, nó vẫn ẩn chứa những sự bất công cả cố ý lẫn không cố ý trong việc kiểm soát an ninh, tạo ra một vòng lẩn quẩn: những cá nhân đang chịu sự giám sát chặt chẽ có nhiều nguy cơ bị dừng lại để kiểm tra hơn. Cách làm này sẽ gây bất lợi những người đang có tên trong hệ thống tư pháp hình sự, đồng thời làm lu mờ vai trò của cơ quan chức năng trong việc xác định các hồ sơ rủi ro, khiến những người đó có thể bị “mắc kẹt” trong hệ thống. Hơn nữa, những công dân sống ở khu vực ít người và có thu nhập thấp sẽ có xác suất bị định lượng “rủi ro” cao hơn so với những người sống ở các khu vực giàu có hơn, nơi cảnh sát không tiến hành giám sát như vậy.
Đây là một lỗ hổng nghiêm trọng, không chỉ vì hệ thống này có tính phân biệt chủng tộc, mà còn vì nó bỏ sót rất nhiều hoạt động bất chính. Trên thực tế, hai vấn đề này thường đi liền với nhau. Một người môi giới chứng khoán ăn mặc đẹp đẽ ngồi trong căn hộ cao cấp Upper East Side có thể sẽ không kích hoạt các thuật toán giám sát, nhưng hành vi phạm tội của anh ta sẽ có tác động lớn hơn và gây thiệt hại nhiều hơn cho xã hội, so với một đứa trẻ vị thành niên mặc áo hoodie từng vi phạm luật giao thông và đang mắc kẹt trong vòng lặp giám sát của cảnh sát. Tất nhiên, kiểu kiểm soát xã hội này “có những hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân”. “Thuật toán phân biệt chủng tộc” (algoracism) hiện đang là một chủ đề nóng, khi các nhà hoạt động và luật sư dân quyền không ngừng đấu tranh để phản đối cách mà Big Tech làm đảo lộn hoạt động kiểm soát an ninh, gây ra những tác động nghiêm trọng đối với quyền tự do dân sự của cả cộng đồng.
Dù những thay đổi này đều rất đáng báo động, nhưng chúng ta chỉ mới bắt đầu tạo ra một thế giới mà trong đó mọi thứ chúng ta làm và nói, trên mạng và ngoài đời thực, đều có thể bị theo dõi và sử dụng bởi cả Big Tech lẫn các đơn vị dịch vụ công. Ví dụ, hãy xem xét dự án của Sidewalk Labs – phân nhánh chuyên về “đổi mới công trình đô thị” của tập đoàn Alphabet – ở Thành phố Toronto, Canada. Sidewalk Labs làm việc với chính quyền địa phương để đặt các cảm biến và thiết bị công nghệ ở nhiều nơi trong thành phố (bề ngoài là để cải thiện các dịch vụ của thành phố, nhưng tất nhiên cũng để thu thập dữ liệu cho Google), nhằm tạo ra một “thành phố thông minh” tại Toronto. Thành phố công nghệ cao này – một khu vực được xây dựng mới hoàn toàn, nằm dọc bờ sông và rộng xấp xỉ bốn héc-ta – sẽ có các cảm biến để phát hiện tiếng ồn và ô nhiễm, cũng như có những chỗ đậu xe được lắp hệ thống sưởi dành cho xe hơi thông minh. Thư từ sẽ được chuyển đến từng hộ gia đình qua hệ thống ống ngầm, và tất cả vật liệu được sử dụng trong thành phố đều thân thiện với môi trường.
Bất luận bạn thấy ý tưởng này hấp dẫn hay rùng rợn, điểm mấu chốt ở đây là kế hoạch triển khai dự án không hề rõ ràng. Cả chính quyền thành phố lẫn Google đều không chủ động công bố về dự án; thay vì thế, mọi thông tin chi tiết đều được tiết lộ bởi các phóng viên điều tra. Tháng Hai năm 2019, tờ Toronto Star cho biết kế hoạch được vạch ra cho thành phố thông minh này có quy mô lớn hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu của công chúng: Google đã lên kế hoạch xây dựng một tuyến giao thông công cộng của riêng họ đến khu vực này để đổi lấy một phần thuế bất động sản, chi phí phát triển và giá trị đất tăng – những phần giá trị thường sẽ đi vào kho bạc của thành phố. Hãy dành một phút để suy nghĩ về điều này: một trong những công ty giàu nhất thế giới đang yêu cầu chính quyền của một thành phố – loại tổ chức mà nó thường xuyên kiến nghị là cần cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục và dịch vụ – bỏ ra một số tiền để nó giúp cung cấp chính xác những tiện ích đó.
Điều quan trọng tiếp theo là ai sẽ nắm giữ các dữ liệu được thu thập trong thành phố thông minh đó. Cảm biến trên vỉa hè sẽ có thể theo dõi mọi người ở mọi nơi – ví dụ như khi họ ngồi trên băng ghế công viên, đi bộ qua đường, dành thời gian cho người thân hoặc người yêu. Google cam kết sẽ lưu tất cả dữ liệu của thành phố dưới dạng “ẩn danh” – nghĩa là không liên hệ đến bất kỳ cá nhân cụ thể nào – và sẽ đóng góp một phần dữ liệu vào ngân hàng dữ liệu của chính quyền nhằm cải thiện các luồng giao thông và dịch vụ của thành phố. Nhưng họ không cam kết chỉ sử dụng dữ liệu trong phạm vi dự án, và điều này có nghĩa là Google có thể sử dụng dữ liệu cho bất kỳ hoạt động nào khác của họ.
Dĩ nhiên, những người phản đối ở địa phương ngày càng thể hiện sự phẫn nộ đối với dự án này khi các chi tiết được tiết lộ ngày càng nhiều. Trên thực tế, trong khu dự án có một “bức tường phản hồi” lớn, tạo điều kiện cho khách thăm viết ra ý kiến của họ trước những câu hỏi được nêu sẵn; và trên đó đã xuất hiện những dòng chữ nguệch ngoạc như: “Thứ nhà nước giám sát!”, “Hãy làm Toronto vĩ đại một lần nữa”. Trước sự phẫn nộ ngày càng tăng, sẽ rất thú vị khi chờ xem liệu Sidewalk Labs có gặp số phận tương tự HQ2 của Amazon hay không.
Nhưng nếu bạn nghĩ dự án của Sidewalk Labs thật đáng sợ, hãy thử tìm hiểu về dự án phát triển công cụ tìm kiếm Dragonfly của Google. Tháng Tám năm 2018, trang web Intercept chuyên thực hiện các phóng sự điều tra đưa tin rằng Google đang cân nhắc việc xây dựng một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt dành riêng cho thị trường Trung Quốc, được đặt tên là Dragonfly. Đây là một cú sốc lớn, không chỉ đối với người dân Mỹ mà còn với đại đa số nhân viên của chính Google. Việc Google giúp Trung Quốc kiểm duyệt thông tin và dùng số điện thoại để truy ngược bất kỳ kết quả tìm kiếm nào nhằm xác định chính xác cá nhân đã thực hiện tìm kiếm dường như hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc “Đừng trở nên xấu xa” của gã trùm công nghệ.
Trên thực tế, Google đã từng giữ vững nguyên tắc này trong lần triển khai trước đó ở Trung Quốc, khi Google.cn được ra mắt vào năm 2006. Dù khi đó bộ máy tìm kiếm của Google vẫn không được phép trả về một số thông tin mà chính phủ cho là có hại, nhưng công ty vẫn quyết định họ đơn giản là sẽ ở lại đất nước này và giúp người dân tìm kiếm thông tin, thúc đẩy chính phủ nước này trở nên cởi mở hơn.
Nhìn lại, đó là một mong muốn ngây thơ. Ở Trung Quốc, quyền lực nằm hoàn toàn trong tay chính phủ. Và như thường lệ, khi công nghệ mới của Google được du nhập vào Trung Quốc, chính phủ nước này đã nghiên cứu nó, kiểm soát nó và chuyển sự ủng hộ sang phiên bản Google “cây nhà lá vườn” tên là Baidu – nền tảng được phép hoạt động tự do hơn miễn là nó chấp nhận để chính phủ kiểm soát. Đến năm 2009, Google chỉ có 30% thị trường tìm kiếm, trong khi Baidu chiếm đến 58%. Một năm sau đó, Google quyết định rút khỏi thị trường Trung Quốc sau khi các tổ chức ở nước này thực hiện Chiến dịch Aurora – vụ thâm nhập vào cơ sở dữ liệu của Google, tài khoản Gmail, và quan trọng nhất là danh tính của các nhà hoạt động nhân quyền đang sử dụng nền tảng này.
Từ đó đến nay, Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn về mặt chính trị. Những tiết lộ về Dragonfly – những thông tin ban đầu công ty phủ nhận và sau đó cố tìm cách nói giảm nói tránh – đã khiến Washington nổi giận, nhất là khi tin tức này bùng lên cùng thời điểm Google bỏ ghế trống tại các phiên điều trần trước Thượng viện về quyền riêng tư và chống độc quyền, đồng thời từ chối làm việc với các quan chức Lầu Năm Góc về các dự án trí tuệ nhân tạo của Mỹ.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner và đảng viên Cộng hòa Marco Rubio đã đại diện một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng viết thư trình chính phủ vào ngày 3 tháng Tám năm 2018, bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về vấn đề nhân quyền và tác động về mặt an ninh xuất phát từ dự án đó. Cuối thư, nhóm thượng nghị sĩ đặt một câu hỏi đơn giản nhưng đáng suy ngẫm: “Làm thế nào mà việc phát triển [Dragonfly]… lại có thể được xem là phù hợp với phương châm không chính thức của Google – Đừng trở nên xấu xa?”.
Đó là câu hỏi mà chính các nhân viên của Google cũng bắt đầu tự hỏi. Làm thế nào một công ty từng tuyên bố họ không thể (hoặc sẽ không) kiểm duyệt nền tảng của mình ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới lại sẵn sàng làm việc mà không màng đến quyền riêng tư?
Câu trả lời dĩ nhiên có liên quan đến việc kinh doanh. Nhiều nhân viên Google đã nói với tôi, Trung Quốc được coi là “nơi thử nghiệm” công nghệ kỹ thuật số của thế giới. Cùng với việc ngày càng tăng cường kiểm soát người dân, đất nước này cũng ngày càng trở nên bão hòa về công nghệ. Trên thực tế, Trung Quốc hiện đang có nhiều người dùng Internet nhất và nhiều dịch vụ sáng tạo nhất, trong khi những công ty giàu có và quyền lực nhất của họ – Baidu, Alibaba, Tencent và nhiều công ty khác – hoàn toàn không bị cản trở bởi các cuộc thảo luận về quyền riêng tư và chống độc quyền như ở Mỹ. Thanh niên Trung Quốc thậm chí còn được tiếp xúc với kỹ thuật số nhiều hơn thanh niên phương Tây. Đây là một thị trường mà Google sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để thâm nhập, và điều này đã được thể hiện qua một nhận định bị rò rỉ của Ben Gomes, người đứng đầu bộ phận tìm kiếm của Google: “Trung Quốc hiện là thị trường thú vị nhất thế giới. Google không hiện diện ở đó chỉ để kiếm tiền, mà là để hiểu những gì đang xảy ra ở đó và truyền cảm hứng cho chúng ta… Trung Quốc sẽ dạy chúng ta những điều mà chúng ta không biết”.
Mặc dù phải hứng chịu áp lực chính trị khổng lồ từ các chính trị gia, lực lượng bảo vệ an ninh và những nhà hoạt động nhân quyền, nhưng công ty này chỉ thật sự lắng nghe khi các kỹ sư của chính công ty bắt đầu lên tiếng, yêu cầu Google ngừng phát triển một bộ máy tìm kiếm có kiểm duyệt cho Trung Quốc. Và đó không phải là một cuộc chiến dễ dàng. Cựu kỹ sư Jack Poulson của Google đã mất hơn một tháng tranh luận trong nội bộ công ty để làm rõ các quan điểm đạo đức của Google xung quanh dự án. Poulson từng viết một bài xã luận cho tờ New York Times vào tháng Tư năm 2019, trong đó kể rằng một lãnh đạo của Google đã nói với ông khi ông nghỉ việc: “Chúng tôi có thể bỏ qua những khác biệt về quan điểm chính trị và tập trung vào những đóng góp kỹ thuật của anh, miễn là anh không làm điều gì đó nghiêm trọng đến mức không thể tha thứ, chẳng hạn như phát biểu trước báo chí”. Hiển nhiên, Poulson đã phớt lờ lời khuyên của vị lãnh đạo.
Sau đó ông đã thành lập Tech Inquiry, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm buộc Big Tech phải đảm bảo các tiêu chuẩn nhân quyền và chuẩn mực dân chủ. Poulson là một trong số ngày càng nhiều những kỹ sư công nghệ tin rằng “đã qua cái thời các công ty công nghệ chỉ cần phát triển công cụ, viết thuật toán và tích lũy dữ liệu mà không cần quan tâm đến việc ai sử dụng công nghệ đó và vì mục đích gì”. Một ngàn bốn trăm nhân viên của chính Google đã ký tên để phản đối sự thiếu minh bạch trong quyết định triển khai Dragonfly của công ty. Mới vài tháng trước đó, các nhân viên cũng từng thực hiện một cuộc phản đối tương tự, liên quan đến việc Lầu Năm Góc sử dụng công nghệ AI của Google (sự kiện này đã khiến công ty chấm dứt hợp đồng với Bộ Quốc phòng, nhưng thật là một sự mỉa mai lớn khi họ chuyển sang hợp tác với Trung Quốc và dự án đó cũng phải kết thúc).
Cuộc khủng hoảng nội bộ của Google về quyết định thâm nhập thị trường Trung Quốc khiến tôi nhớ đến một câu trích dẫn trong quyển Googled: The End of the World as We Know It (tạm dịch: Google hóa – Cái kết của thế giới chúng ta từng biết) của Ken Auletta. Quyển sách này được viết từ năm 2009, và câu trích dẫn là của Tim Wu – giáo sư Đại học Columbia, chuyên gia công nghệ, tác giả của quyển sách tuyệt vời về các vấn đề nhận thức của Big Tech có tựa đề The Attention Merchants (tạm dịch: Các thương gia kinh doanh sự chú ý).
Câu trích dẫn tôi đang nói đến chính là: “Google là một công ty phát triển vượt bậc với thứ hạng tuyệt vời, IPO hoàn hảo, một trường trung học nổi bật điển hình. Vấn đề là liệu họ có giữ đúng triết lý sáng lập của họ hay không. Ý tôi không chỉ là ‘Đừng trở nên xấu xa’. Liệu họ có tập trung vào việc tìm kiếm, vào triết lý sáng lập của họ mà theo đó, nét đẹp lao động của một kỹ sư là tìm cách nhanh nhất để đưa bạn đến cái đích bạn muốn và không can thiệp sâu hơn? Hay họ sẽ trở thành một nguồn nội dung, một nền tảng, một điểm đến tìm cách giữ chân mọi người trong một khu vườn biệt lập? Tôi đoán rằng Google cuối cùng sẽ xung đột với chính họ”.
Thật là một tiên đoán thú vị. Nhưng hiện tại, không chỉ Google phải chiến đấu với chính họ, mà toàn bộ Internet đã trở thành một kiểu chiến trường mới của các thế lực lớn trên thế giới. Internet không còn là một thực thể thống nhất, mà đang trở thành một “hệ thống mạng bị phân mảnh” (splinternet) khi cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đấu tranh để kiểm soát cách thức Internet được điều hành và quản lý, như một phần của một đấu trường lớn hơn nhằm kiểm soát những ngành công nghệ cao và có tốc độ tăng trưởng nhanh trong tương lai. Cả hai cường quốc này đều đang ngày càng đề cao chủ nghĩa dân tộc, ủng hộ những gã khổng lồ nước họ nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại công nghệ. Đó cũng chính là một cuộc chiến tranh lạnh mới, có nguy cơ làm trầm trọng thêm những vấn đề mà tôi đã nêu trong quyển sách này.