Ước mơ bé nhỏ
Xinh như hạt mầm
Nằm ở trong lòng
Tôi vun tôi tưới.
Ước mơ tươi mới
Cựa quậy chào đời
Vươn vai gọi mời
Nắng hồng rạng rỡ.
Em nhìn bỡ ngỡ
Ước mơ ngày nào
Đẹp tươi biết bao
Đã thành... sự thật!
Ước mơ bé nhỏ
Xinh như hạt mầm
Nằm ở trong lòng
Tôi vun tôi tưới.
Ước mơ tươi mới
Cựa quậy chào đời
Vươn vai gọi mời
Nắng hồng rạng rỡ.
Em nhìn bỡ ngỡ
Ước mơ ngày nào
Đẹp tươi biết bao
Đã thành... sự thật!
Đây là bài thơ mình sáng tác cho Nam khi con 5 tuổi. Nam thích lắm, cứ lẩm nhẩm đọc suốt. Mình còn dán cả bài thơ lên chiếc bảng cạnh góc học tập của con, kèm theo dòng chữ: Ước mơ ơi, tớ sẽ luôn ở cùng bạn!
Sở dĩ mình làm điều này vì mình biết, trẻ con luôn có nhiều mơ ước. Có những ước mơ giản dị, có những ước mơ cao xa, có những ước mơ hiền hòa và có cả những ước mơ thật mãnh liệt. Những ước mơ nằm trong lòng khiến cuộc sống của trẻ rộn rã, đáng yêu.
Tuy nhiên, người lớn nhiều khi bận rộn lắm, người lớn nhiều khi cũng “ham chơi” lắm, người lớn cũng hay tặc lưỡi: “Ôi trời, trẻ con ấy mà!” Và những ước mơ không được tưới tắm, nó cũng buồn, nó sẽ bỏ đứa trẻ mà đi.
Vậy nên, khi có con, mình cố gắng đồng hành cùng con trong những ước mơ. Ví dụ, năm lên 3 tuổi, con ước làm siêu nhân có thể “giải cứu thế giới”, mình hay cùng con ngồi ra chiều ngẫm nghĩ và đoán xem: giải cứu thế giới sẽ gồm những công việc gì? Sẽ gặp những khó khăn gì?... Hai mẹ con cứ miên man mãi trong những “nhiệm vụ” khó khăn ấy.
Với Nam, có lẽ ước mơ lâu dài và bền bỉ nhất là được du học ở Mỹ. Năm Nam 6 tuổi, con nghe được một bài phát biểu của Steve Jobs. Con quả quyết: “Em nhất định phải đến Mỹ để học mẹ ạ”. Ngay lập tức, chiều hôm đó, mình treo hình của Steve Jobs lên chiếc bảng con và viết: Chào ngài, tôi là Đỗ Nhật Nam, hẹn gặp ngài năm tôi 15 tuổi tại Mỹ.
Từ hôm đó, mỗi ngày mình thường dành ra ít phút để hỏi chuyện con về ước mơ. Những điều mình thường trò chuyện cùng con là: Theo em, để đến được Mỹ, để thực hiện được ước mơ, mình cần phải làm những gì? Em sẽ làm gì khi đến đó? Em sẽ mang theo những gì để giới thiệu cho mọi người biết về mình? Em có muốn cho mẹ đi cùng không? Em sẽ đi thăm những đâu? Em sẽ ăn những món ăn gì? Em sẽ mua quà gì tặng mẹ?... Đại loại là như vậy. Vì Nam còn nhỏ nên mình cố gắng hỏi con những câu hỏi ngộ nghĩnh, dễ thương vậy thôi.
Không chỉ dừng lại ở việc hỏi, mình mua cho Nam một số cuốn sách nói về nước Mỹ, cả sách tiếng Anh và tiếng Việt. Mỗi lần Nam đọc xong mình lại thảo luận với con cảm tưởng về những cuốn sách ấy, về những điều con đã đọc được.
Hồi đó, Nam rất thích chơi máy bay. Trò chơi hàng tối mà Nam vô cùng hứng thú là được bố giả làm máy bay đưa Nam đến Mỹ. Bố sẽ giới thiệu rất chi là “dài dòng” rằng: Hãng hàng không HONHEN Airlines (là Hổn hển đó! Vì Nam ục ịch nên chở được Nam, bố phải hổn hển là phải!) đón giáo sư từ Việt Nam sang Mỹ thỉnh giảng. Máy bay sẽ bay tốc độ rất nhanh nên đề nghị “giáo sư” thắt dây an toàn cẩn thận. Nam ngồi trên hai bàn chân bố, cười như nắc nẻ. Bố đẩy vút lên, veo véo. Cả nhà cười giòn tan. Rồi bố mẹ còn tưởng tượng cảnh đón Nam ở sân bay, bố mẹ sẽ ôm Nam thật chặt, đến khi nào Nam la lên oai oái: Á, “giáo sư” gì mà bị bắt nạt thế này! Bố mẹ mới buông ra. Vui lắm luôn!
Mình cũng sưu tầm những bài viết về các học sinh sang Mỹ du học và thành công trên đất Mỹ. Những bài viết về cộng đồng người Việt ở Mỹ... hai mẹ con thường thảo luận rất lâu.
Nam lớn lên, ước mơ cũng lớn lên theo. Mình vẫn không ngừng khuyến khích và động viên con. Mình đọc sách nói về kinh nghiệm của các bà mẹ có con đi du học để biết rằng, muốn đi du học thì cần có các bằng tiếng Anh chuẩn quốc tế. Hai mẹ con lên kế hoạch để Nam có thể tham gia các kì thi ấy từ rất sớm với tâm lý: Thi cho đến khi nào đạt điểm cao mới thôi. Cứ 6 tháng một lần, Nam lại lên kế hoạch, đặt ra mục tiêu và tham gia thi. Nhưng ái chà, còn một điều khó nữa là: Muốn đi học ở Mỹ thì sẽ phải xa bố mẹ. Khó ghê nhỉ. Mình cùng Nam lên một bảng chi tiết xem Nam sẽ phải làm gì khi xa bố mẹ. Sẽ thực hiện những điều đó ra sao. Hai mẹ con có một trò rất vui là mỗi khi mẹ đi công tác hoặc khi Nam đi chơi đâu đó xa mẹ, hai mẹ con sẽ giả là: Nam đang ở Mỹ và mẹ ở Việt Nam. Mẹ điện thoại sẽ hỏi: Em ơi, hôm nay ở Mỹ thời tiết thế nào? Em đi học về rồi à? Em đã ăn gì rồi? Em thử kể về một ngày ở Mỹ của em đi, nhớ kể bằng tiếng Anh vì em đang ở Mỹ rồi mà... Hi, tiện thể rèn luyện kĩ năng tiếng Anh luôn. Cứ thế, mình giúp Nam thấy ước mơ đó luôn sống động và để thực hiện được nó, chỉ cần mình thực sự đam mê và nỗ lực.
Hôm nay, tình cờ xem một đoạn clip nói về việc đừng đánh mất ước mơ của con trẻ, mình thực sự rất ấn tượng. Những nụ cười trẻ thơ, những ước mơ giản dị trong sáng của các em đẹp quá. Chúng cứ lung linh, lóng lánh thần tiên.
Có những ước mơ thành sự thật. Có những ước mơ mãi chỉ là mơ ước. Không có vấn đề gì cả, miễn là trẻ em có người để chia sẻ, để đồng hành cùng ước mơ của mình.
Thế giới của trẻ thơ là thiên đường hạnh phúc. Nơi đó các em được sống, được trải nghiệm và được... mơ. Xin hãy để ước mơ của các em lên tiếng. Xin hãy mang lại chút nắng, chút gió cho “hạt mầm” ước mơ luôn sống động, cựa mình và lớn dậy. Mình tin, với trái tim người mẹ, các bạn sẽ làm được.
Thật mà!