Hôm nay là một ngày đẹp trời. Bạn Nam dậy từ rất sớm. Bạn mặc đẹp, cài một chiếc nơ đỏ nơi cổ áo. Bạn cho cả cái ô tô bạn yêu thích vào trong ba lô. Ra khỏi cửa, bạn quay lại lấy thêm chú mèo bông. Hôm nay, bạn đi thi hát. Vì bạn hồi hộp nên cần có thêm bạn bè đi theo cổ vũ. Bạn sẽ biểu diễn bài hát mà mình yêu thích nhất có tên là: Cả nhà thương nhau. Bạn đã luyện giọng nhiều lần. Bạn tin rằng mình hát sẽ cực hay.
Vào phòng thi, bạn mỉm cười thật tươi chào ban giám khảo. Và bạn cất tiếng hát. Thật tuyệt! Giá mà bạn không bị ngọng, không hát câu cuối là: “Cả nhà ta đều yêu nương nhau” thì có lẽ đó sẽ là một màn trình diễn hoàn hảo.
Và đây là kết quả mà ban giám khảo công bố sau khi cuộc thi kết thúc:
1. Linh Thỏ: 8 điểm
2. Hùng Sún răng: 7 điểm
3. Nga Mèo: 7 điểm
4. Bình Sơn ca: 9 điểm
5. Nam Na: 5 điểm
6. Hạnh Mít: 6 điểm.
Em thử xem:
- Bạn nào được cao điểm nhất?
- Những bạn nào có điểm bằng nhau?
- Cùng mẹ sắp xếp lại bảng trên theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp, từ thấp đến cao.
- Em thử tưởng tượng và vẽ lại khuôn mặt của các bạn khi cuộc thi kết thúc.
Trên đây chỉ là một “đề bài” mình tưởng tượng để dạy Nam làm quen với Toán khi con 5 tuổi. Với đề bài này, Nam hiểu những khái niệm sơ đẳng nhất về số, về dãy số, về cách lập bảng. Nhưng mọi người có thấy điều gì ẩn “đằng sau” của “đề bài” này không? Đó chính là, trong tình huống mẹ kể, Nam là người bị điểm thấp nhất, bị “thua cuộc”.
Đây là điều mà mình muốn dạy Nam: Trong thực tế, nhất là khi tham gia vào các cuộc thi, không phải lúc nào con cũng là người chiến thắng.
Vì thế, sau khi Nam đã “chơi” chán chê với những đề bài kiểu trên, mình sẽ nói chuyện với Nam, những cuộc nói chuyện vui ơi là vui. Đại loại như:
- Ui, bạn Nam được 5 điểm à, bạn hát bài gì thế em nhỉ?
- Tại vì bạn hơi ngọng đó, nếu không chắc điểm sẽ cao hơn.
- Em nghĩ xem, bạn Ô tô, bạn Mèo đi cùng sẽ nói gì với bạn Nam?
- Bạn Nam Na đáng yêu quá, bạn đã mặc rất đẹp, bạn đã rất cố gắng nhưng bạn không đạt điểm như mong muốn. Không sao, về nhà bạn Nam sẽ tiếp tục luyện tập, cố gắng hát hay hơn, biểu diễn đẹp hơn, lần sau bạn Nam Na nhất định đạt điểm cao.
Và quan trọng, bạn Nam Na đã nhận được một phần thưởng, đó là được mẹ ôm, được bạn Ô tô, bạn Mèo cổ vũ. Thật là tuyệt vời!
Rồi Nam sẽ cười lỏn lẻn, sẽ ôm mẹ và thơm lấy thơm để.
Mình đã dạy Nam cách biết chấp nhận những điều không như mong muốn từ những câu chuyện giản đơn như thế.
Và khi Nam đi học, không phải kì thi nào Nam cũng giành thứ hạng cao, không phải bài kiểm tra nào cũng đạt điểm tốt. Mỗi lần như thế, mình luôn nói với Nam một câu mình đã từng đọc được và rất thích, đó là: Không phải em thất bại, chỉ là Thành công-bị-trì-hoãn thôi mà.
Mỗi lần nghe mẹ nói, Nam đều quay mặt đi, miệng tủm tỉm cười. Và mình biết, trong lòng Nam ngập tràn cảm giác yêu thương.
Nhưng thực sự nhiều lúc cũng khó để mà nói câu đó. Bởi đôi khi, những cơn buồn, những chút giận cũng “loanh quanh” trong lòng, chẳng chịu bỏ trái tim mẹ mà đi.
Mình nhớ năm Nam học lớp ba, cô giáo chủ nhiệm gọi điện nói: “Chị ơi, lạ quá, Nam thi môn Toán được có 8 điểm thôi”.
Mình lặng lẽ đóng cửa, đi ra ngoài, hít thở sâu và cố gắng tìm các lí do để mỉm cười: Ừ lạ nhỉ, 8 điểm là tốt quá còn gì, hồi mình đi học, toàn được điểm 5 môn Toán thôi à. Mà cái bạn Nam lủng củng, hậu đậu này lại hay ẩu nữa, lần này bị cô trừ điểm chắc là nhớ đời đây. Mà thôi, 8 điểm theo như cách nói của dân gian là “phát” ấy, rồi sẽ là khởi đầu cho những điều tốt đẹp phía sau... Nghĩ những thứ “vơ vẩn” như thế, mình thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Và mình sẵn sàng đón Nam về trong tâm trạng vui vẻ.
Nam đi học về, không ríu rít như mọi hôm. Nam khẽ quay sang ôm mẹ và nói: “Mẹ ơi...” Mình cắt ngang: “Mẹ biết rồi, 8 điểm đúng không? Em giống mẹ đó. Môn Toán luôn là môn học “đáng sợ” của mẹ”. Nam nhoẻn cười: “Không, em thích môn Toán. Hôm cả lớp thi em bận ở trường quay nên cô cho nghỉ. Hôm sau, em thi một mình nên được vào phòng cô hiệu phó làm bài. Trong phòng cô có nhiều kẹo mẹ ạ. Cô bảo cứ vừa làm vừa ăn kẹo thoải mái. Em thích quá nên ăn luôn 3 cái. Và em cũng làm sai luôn 3 phép tính. Mẹ cứ nói ăn kẹo không tốt cho sức khỏe nhưng chắc còn không tốt cho não nữa”.
Cả hai mẹ con cùng cười.
Tối hôm đó, hai mẹ con mang bài kiểm tra ra xem, đánh dấu vào chỗ “những viên kẹo không ngọt ngào” theo cách gọi của Nam. Mình cho Nam làm lại. Mình cũng nói: “Cô giáo bảo nếu em muốn thì cô cho làm lại bài, nhưng theo mẹ là không nên. Làm như thế là không “fair play” đúng không em”.
Và cũng còn nhiều lần như thế nữa. Với mỗi tình huống ấy, mình đều “sắp xếp” lại suy nghĩ của mình:
- Những bài thi ấy kiểm tra những kĩ năng gì? Con còn thiếu kĩ năng gì?
- Có cách nào để con sẽ làm tốt hơn ở những lần sau?
Nếu mình ở độ tuổi của con, mình có gặp những lỗi như thế không? Mình mong sẽ nhận được gì từ bố mẹ?
- Mình giải quyết theo cách nào thì con sẽ tiến bộ hơn?
Sau khi tự trả lời những câu hỏi đó, cách mình làm với Nam luôn là: Mỉm cười, lắng nghe, tìm giải pháp tốt hơn cho lần sau và luôn TIN TƯỞNG.
Những câu nói mà mình thường hay nói để động viên Nam mỗi khi không đạt được những điều như mong muốn:
- Không có dấu hiệu nào trên cái kén cho thấy nó sẽ là một con bướm xinh đẹp.
- Không có thang máy đi tới thành công, muốn đến được với nó, em phải đi cầu thang bộ.
- Dù em không phải là giỏi nhất nhưng em hãy cố gắng ở mức cao nhất.
Vì Nam hay thích suy ngẫm theo kiểu “triết lí” nên những câu nói ấy thực sự rất có tác dụng với con. Nam thường lặng yên, nắm tay mẹ thật chặt. Trong đêm tối, hai mẹ con thư thái bên nhau. Và đó chính là lúc mình biến những câu chuyện chưa vui thành những khoảnh khắc của sẻ chia và tin cậy.
Có lẽ vì thế mà Nam luôn vui vẻ. Nam không giấu giếm mẹ điều gì. Nếu có buồn cũng thoáng qua. Nam luôn nói: “Mẹ cứ làm em thấy phì cười ấy. Mẹ có nhiều cái buồn cười lắm”.
Hôm trước, có một báo đăng lại bài viết của mình nói về việc làm gì khi con mắc lỗi. Mình tình cờ đọc được một comment của một bạn trẻ, bạn ấy nói rằng: “Ôi, làm gì có người mẹ nào hiền thế chứ!” Mình đọc xong bật cười. Mình bảo Nam, đấy em thấy không, em may mắn nhé!
Mình cứ tưởng Nam sẽ trêu mẹ như mọi lần và nói mẹ “hư cấu”. Nhưng lần này, Nam nhìn mẹ và nói rất nghiêm túc: “Đúng đó mẹ, mẹ không biết là có một số bạn bè của em căng thẳng thế nào khi nói điểm xấu với mẹ của các bạn đâu. Các bạn bảo cứ như có núi lửa sắp phun trào”.
Mình nghĩ mỗi bà mẹ sẽ là người hiểu con mình nhất và biết cách làm thế nào để đem lại những điều tốt nhất cho con.
Ai cũng có lí do để “biện hộ” cho sự nổi nóng, cho sự “phun trào núi lửa” của mình, đó là: Vì mình thương con, mình muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con. Mắng là để con sẽ cố gắng trong những lần sau chứ mình không mắng, con lại tưởng như thế là tốt rồi, không cần cố gắng nữa.
Mình không có lời khuyên nào cả vì mình biết, với mỗi đứa trẻ, với những hoàn cảnh khác nhau, khí chất khác nhau lại cần những “đơn thuốc” khác nhau mà bố mẹ chính là vị bác sỹ tài ba nhất. Nhưng mình nghĩ, điều quan trọng trong “đơn thuốc” bạn kê cho con đó, phải CHỐNG CHỈ ĐỊNH với những lời nói kiểu mạt sát, những thể hiện của sự thất vọng, những phủ đầu kiểu “rồi sẽ chẳng làm nên trò trống gì”. Vì những nỗi buồn, những cơn giận thì sẽ nhanh qua nhưng những câu nói ấy, có thể sẽ theo mãi trong trí nhớ con trẻ. Chúng ở đó hiện hữu trong lòng đứa trẻ ngăn cản sự tự tin, ngăn cản sự sáng tạo, ngăn cản sự cố gắng.
Như bất kì bạn nhỏ nào khác, con đường con đi còn quá rộng dài trước mắt. Khó khăn, thử thách, thành công, thất bại, niềm vui, nỗi buồn... tất cả những điều đó sẽ đến với Nam như một lẽ đương nhiên. Nhưng mình luôn tin, con sẽ luôn nỗ lực hết sức và đón nhận mọi điều bằng nụ cười, bằng niềm vui, bằng sự thơ ngây giống như khi con háo hức giải “bài toán” thi hát mẹ ra năm nào.