Sớm ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Hòn đá chênh vênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Sau một đêm làm việc và nghỉ lại tại trụ sở tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn. Sáng ra Bác nhận được điện từ Hà Nội báo lên: Trời nhiều sương mù, máy bay không thể đưa Bác từ Lạng Sơn lên Cao Bằng được.
Bác vui vẻ bảo anh Nguyễn Quang Việt, Thứ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm bảo vệ Bác trong chuyên đi về Cao Bằng - Pắc Bó.
- Không đi bằng máy bay, thì ta đi bằng ô tô, lại có dịp trực tiếp thăm lại Thất Khê, Bông Lau.
Một đồng chí trong uỷ ban Lạng Sơn xin mời Bác tiện đường lên thăm Mẫu Sơn: - Thung lũng ở đây rất đẹp giống như Tam Đảo, Sapa, nhưng lại có gió biển, mùa lạnh lạnh lắm vì gần Trung Quốc.
Bác lắng nghe, rồi hỏi:
- Tại sao lại gọi là Mẫu Sơn? Có sự tích gì không?
- Dạ, về địa hình cao nhất Lạng Sơn - cả dãy Thập Vạn Đại Sơn của Trung Quốc cũng không có ngọn núi nào cao bằng! Nó chỉ kém những ngọn núi cao Na Thuộc của Đình Lập - vì ở đó là nơi phát nguyên của mấy con sông: sông Tiên Yên, sông Lục Nam, sông Kỳ Cùng chảy từ Đình Lập qua Lộc Bình về Lạng Sơn - ra Thất Khê rồi sang Trung Quốc ạ! Còn về giai thoại thì ngọn Mẫu Sơn cao nhất rồi tới núi Chồng thấp hơn một chút, hai núi con lại thấp hơn. Núi mẹ lệch một má. Truyện là: Biên giới ngày xưa của ta ra ngoài huyện Ninh Minh bên Trung Quốc nên trai tráng phải thay nhau ra gác ở biên giới. Có một người ba năm không về, ai cũng tưởng là chết rồi. Người vợ ngày đêm khóc lóc. Có một người từ bên Trung Quốc lẻn sang, nói là biết việc người chồng đã chết. Chính anh ta mai táng người chồng. Cảm ơn cái đó, người vợ tiếp đãi y tử tế. Ở đó ít ngày người vợ bị tên này tán tỉnh, gò ép mây mưa, đẻ được hai đứa con.
Chợt người chồng về. Người vợ biết bị lừa, nên một đêm giết tên gián điệp người phương Bắc đi. Chồng về người vợ kể lại sự tình. Lúc đầu chồng giận quá, tát một cái quá mạnh nên lệch hẳn mặt đi. Sau đó nghĩ lại cả nhà cùng đứng lên canh gác, bảo vệ biên cương. Núi mẹ cao hơn núi chồng và các con là vậy.
Nghe câu chuyện xong, Bác cười và bảo: Tuy là giai thoại, nhưng cũng có ý: cảnh giác, bảo vệ biên cương, phải biết đoàn kết, phải biết quên những chuyện nhỏ, lấy cái nghĩa lớn làm trọng.
Rồi Bác hỏi: Các chú mời Bác đi lên Mẫu Sơn chú Kháng tính sao? Anh Việt và anh Kháng tính là thời gian không cho phép! Nên xin phép Bác cho đi luôn lên Cao Bằng.
Đoàn xe ra khỏi phố Kỳ Lừa. Bác cho xe vượt lên trên xe anh Nguyễn Quang Việt và dừng lại, Bác bảo mấy chú đi cùng anh Việt: chuyển xuống xe Bác, xe thứ hai.
Bác lên ngồi cùng anh Nguyễn Quang Việt. Còn một đồng chí trung đội trưởng đi cùng bảo vệ anh Việt.
Bác bảo anh Việt: Mình thích ngồi cùng chú Việt, ta nói chuyện cho vui, mà đi xe đầu đỡ cực.
Hiểu ý Bác anh Việt bảo lái xe cứ bình tĩnh mà lái tốc độ 40km/giờ.
Nhìn lại xe sau, là xe của Bác do anh Kháng, một bác sĩ và một chiến sĩ cùng đi, xe sau nữa là xe anh Tố Hữu, một số nhà báo, nhiếp ảnh đi cùng.
Một lát xe tới Đồng Đăng, Bác hỏi:
- Chú Việt có biết núi Kỳ Cấp ở chỗ nào không?
- Dạ nay không còn dấu tích. Núi Kỳ Cấp là nơi Trần Hưng Đạo dàn quân đánh trận lớn. Chắc phải bên kia sông Kỳ Cùng, và Hưng Đạo Đại Vương, phải dùng sông Kỳ Cùng làm chiến hào chặn lũ giặc Mông Cổ.
Bác bảo: Cũng có thể như thế. Cũng có thể là ở ngay vùng Kỳ Lừa để chặn giặc từ biên ải không cho giặc dàn trận. Sau này các chú cần nghiên cứu các trận của cha ông ta. Tại sao giặc cứ phải qua Chi Lăng, Bạch Đằng để bị phục kích mãi. Sao không đi đường khác? Các cụ ngày xưa gìn giữ biên giới như thế nào? Cột mốc các thời kỳ, cột mốc hiện nay là Tây và Mãn Thanh dựng, đã chắc gì chính quyền hiện nay chịu thừa nhận.
Anh Nguyễn Quang Việt ngạc nhiên:
- Dạ! Đây là biên giới lịch sử rồi mà!
- Đó là chú nghĩ. Vấn đề biên giới chỉ khi nào chính quyền hai nước có biên giới ký kết thì mới được coi là chính thức. Chú có chuyện gì hay về hai nhà ở nhà quê gần nhau chú thử kể nghe.
Anh Việt nói:
- Dạ quê cháu ở Tiền Hải ruộng tốt, người đông, dân sống bằng nghề chạm vàng bạc nên cũng ít quan tâm tới đất đai. Sau đó, một gia đình gần nhà cụ có một mảnh đất chia đôi cho hai con! Song ở giữa có một cây mít, cụ muốn chia cho con cả, còn thờ cúng. Người con thứ hai hiểu ý bố, nói:
- Dạ, thưa cha, thưa anh cả. Cây mít này do ông trồng bố chăm bón nay ở giữa tường xin để anh cả, con chỉ xin những cành nào chìa sang vườn con có quả thì con xin quả lộc cho các cháu hưởng cái của ông cha để lại. Người cha, người anh cả đều thống nhất thế, thầm khen đứa con biết cách cư xử. Nghe đâu, sau khi chia rồi ba năm liền, cây và cành bên anh cả không có trái. Năm thứ tư, ông ta chợt ngửi thấy mùi thơm bèn sang nhà đứa em coi, thì ra người em đã khoét sâu dưới gốc mít. Giống mít thì ra quả ở gốc - nên gốc đã ra quả thì thân cành không ra quả.
Bác nói ở nhà quê, cột mốc lối rào giữa hai anh em còn vậy, huống chi biên giới giữa hai nước. Dân biên giới tranh chấp từ khe núi, dòng suối, đất đai làm ăn. Từ việc dân thành việc bản, việc huyện hoá ra việc nước. Nhà Thanh có lúc cấm không bán trâu bò cái và nông cụ cho ta. Ở châu Âu khi các nhà nghiên cứu khoa học, khi tạo được giống lợn hay gà tốt thì cấm bán những con đực qua biên giới vì con đực mới tạo giống, nhân giống nhanh nên vấn đề bảo vệ biên giới còn là luật học, y tế, kinh tế, ngoại giao, tâm lý xã hội học v.v... không phải chỉ là cây súng đâu!
Lắng nghe lời Bác, anh Nguyễn Quang Việt cố gắng ghi nhớ để về báo lại cho anh em trong Đảng uỷ Biên phòng.
Bác chợt hỏi các cán bộ chiến sĩ đi cùng:
- Có chú nào đã chiến đấu ở vùng Đồng Đăng này kể Bác và Tư lệnh Biên phòng cùng nghe.
Đồng chí trung đội trưởng đi cùng vội nói:
- Cháu là chiến sĩ đại đội 58 - tức bộ đội địa phương Gia Lâm. Sau được tập trung cùng đại đội 670 là bộ đội Đông Khê. Đại đội địa phương Bắc Sơn và Đại đội Bắc Kạn thành tiểu đoàn 428 - Chủ lực Việt Bắc đã đánh ở vùng này hai trận năm 1950 - khi Đại đoàn 308 đánh viện ở Thất Khê, Cao Bằng. Tiểu đoàn 428 thọc sâu vào Na Sầm, Đồng Đăng để chặn đánh địch. Trận thứ nhất chúng cháu đánh chặn ở khúc Tà Lài, Bắc Lợi, diệt gần 200 địch tại dốc Tà Lài, ở đó có một cái hầm chúng đưa thương binh vào đó. Sau trận ấy là Bộ tổng cho lệnh tiểu đoàn tiến sâu vào Lạng Sơn. Tiểu đoàn chúng cháu vào dãy núi Pa Luông, định thọc sâu vào Kỳ Lừa. Bất ngờ gặp tiểu đoàn địch đi Pa Luông - cách Đồng Đăng 3km - hai bên tao ngộ chiến. Địch bị bất ngờ chúng cháu đã diệt được một đại đội địch, bắt sống một số địch. Sau đó lệnh Bộ tổng kéo quân lên Thất Khê chặn binh đoàn Đờlabuôn ở đèo Khách, diệt hơn một tiểu đoàn địch, bắt sống toàn bộ bộ máy ngụy quyền ở Thất Khê.
Tên đại uý Moro ở Thất Khê và tên Bế Văn Nang định nếu lập xúc vùng Nùng tự trị, Bế Văn Nang sẽ làm Bộ trưởng quốc phòng. Ngay đêm bắt được Nang dân đốt đuốc lên xem mặt. Dân quân thay nhau canh gác vì chỉ sợ bộ đội để nó thoát. Sau tiếp quản thị xã Lạng Sơn, ta lập toà án xử tử tên Nang, dân rất hả hê! Thế mới biết theo giặc gây tội ác, thì khó thoát khỏi sự trừng trị của nhân dân.
Xe đã gần tới Thất Khê, Bác cho dừng xe và bảo anh Kháng vào chợ Thất Khê mua vịt quay Thất Khê và xôi nén người Tày. Bác nói: Vịt Thất Khê quay ngon không kém gì vịt quay Bắc Kinh, nhưng xôi nén thì không đâu bằng. Vì giống gạo nếp ở đây có vị dẻo thơm ngon đặc biệt. Chú Kháng mua mỗi xe một con vịt và hai đĩa xôi. Ta sẽ ăn trưa ở giữa đèo Bông Lau, và Lũng Phầy để ngồi ngắm cánh đồng Thất Khê.
Anh Việt hơi ngạc nhiên, bảo anh Kháng: Mình phụ trách biên phòng, mà chưa biết ở Thất Khê có vịt quay ngon, xôi nén ngon. Sao Bác biết, chắc Bác nghe cán bộ địa phương nói chuyện, cũng có khi Bác đã đi qua, hồi Người hoạt động bí mật. Anh Kháng trả lời anh Việt xong rồi vội cho xe đi vào chợ Thất Khê để mua hàng. Bác cho xe theo đường số 4 đi lên đèo Bông Lau. Tới đỉnh đèo Lũng Phầy, Bác cho dừng xe ngồi chờ xe anh Kháng lên. Anh em tìm nơi có bóng rừng che ánh nắng, anh em tìm một vạt cỏ sạch, lấy đá làm ghế ngồi, mời Bác, anh Tố Hữu, anh Nguyễn Quang Việt cùng ngồi uống nước. Lát sau xe anh Kháng tới kịp, anh phấn khởi lấy đủ số vịt và xôi cho bốn xe của đoàn. Vịt xôi đều còn nóng.
Cũng vừa xin Bác cho ăn trưa luôn thể. Anh em lấy cơm đã chuẩn bị từ Lạng Sơn cùng chia vịt và xôi. Bác bảo ăn xôi, vịt trước cho nóng. Khi ăn Người nói: Quả là không kém vịt quay Bắc Kinh. Nhưng ở đây là rừng núi nên ít ai biết. Còn vịt Bắc Kinh nổi tiếng thế giới. Thật ra chỉ là một cửa hàng nhỏ bé uy tín. Song khi chiêu đãi các khách nguyên thủ các nước đều tới ngay cửa hàng này, do đó nổi tiếng. Anh Kháng nhân thể - ở Thượng Hải cũng có món bún khô - nước dùng rất đặc biệt. Tuy trong suốt không có hơi nhưng rất nóng, cho thịt hay các tim gan cật, bún khô vào đều chín, nước dùng rất ngon ngọt. Nhà nước khuyến khích, người đầu bếp mới lộ bí quyết.
Bác nói: Ta chắc cũng có nhiều người có bí quyết đấy. Song nhà nước chưa có chính sách khuyến khích nên chưa khai thác được bí quyết.
Anh Tố Hữu: Xôi Thất Khê là bí quyết.
Anh Việt: Vâng, nó thơm dẻo lạ thường.
Bác nói: Không phải chỉ có Thất Khê, nghe nói xôi Nghĩa Lộ, Quang Huy và Điện Biên cũng ngon lắm! Sau này Tây Bắc giải phóng ta sẽ có dịp so sánh! Có lẽ những thung lũng, đoạn suối thì ta có các dốc núi bồi đắp nhiều dinh dưỡng nên lúa rất tốt, gạo ngon.
Anh Kháng tiếp: Các dòng suối miền núi có nhiều vùng dân trên này ít bán vịt cả con, mà thường bán thịt thôi và mề thường có vàng.
Sau khi mọi người ăn xong, Bác lặng ngắm cánh đồng Thất Khê mênh mông, và các dòng suối uốn lượn. Mọi người đều xuýt xoa cảnh đẹp.
Anh Kháng:
- Bọn Pháp bị phục kích ở đây hai trận thiệt hại không nhỏ. Sau này chúng đề phòng cho máy bay rà soát kỹ nên ta khó phục kích.
Bác hỏi anh Việt: Hồi ấy chú ở trong Nam nghe về chiến dịch Việt Bắc thế nào?
Anh Việt: Dạ, lúc đầu thấy nó đánh lên bằng hai gọng kìm: bằng sông Lô rồi nhảy dù xuống Bắc Kạn, rồi Đại Từ, Vũ Nhai để truy bắt Trung ương Đảng, Chính phủ, chúng cháu cũng lo, nhưng sau tin thắng ở Sông Lô, rồi Bông Lau, Lũng Phầy cũng hết lo.
Anh Tố Hữu: Đứng về chủ trương chiến dịch địch cũng táo bạo và cũng giỏi đấy!
Bác cười: Đó là do tình hình quân ta lúc đó. Nó mới dám làm như vậy. Nếu như tình hình quân ta sau năm 1950 nó không dám nữa. Còn bọn Commuynan, Bôphơrê cũng là những tên chỉ huy kiên cường nếu không khó rút được quân về, mà tiêu hao sẽ lớn.
Mặt trời đã đứng bóng, Bác giục mọi người lên xe.
Khi đoàn xe tới thị trấn Đông Khê, Bác cho dừng xe để nghỉ. Nhìn lại thị trấn đã khôi phục có những cửa hàng có đôi chút khang trang. Anh Việt cùng mọi người ngắm lại đồn Đông Khê cùng các đồn bao quanh. Nhìn đồn Đông Khê kiên cố anh Việt suy nghĩ, dây thép gai dày đặc, lô cốt kiên cố thế này chả trách hai trung đoàn quân ta phải đánh hai ngày, đêm dù có súng cối 120 ly và sơn pháo 75 yểm trợ.
Bác bảo: Chúng còn cả pháo yểm trợ nữa! Phải nói quân ta hết sức anh hùng, chị em dân công cũng tuyệt vời. Có những chị em lấy thắt lưng cõng một lúc hai thương binh ra khỏi vòng lửa đạn. Bình thường phải bốn người khiêng một. Sức mạnh của tinh thần làm cho con người có sức mạnh vượt bậc.
Một người bỗng nói: Bọn chỉ huy Pháp kể cũng lạ, nếu nó cứ cố thủ ở Cao Bằng thì ta diệt được cũng khó chứ!
Anh Kháng hỏi lại: Thế cậu là chỉ huy thì cậu có dám để mặc đội quân Sáctông ở Cao Bằng không? Không cho rút thì phải tăng quân tăng tiếp tế. Do đó phải cho rút mà cho binh đoàn Lơpagiơ lên đón là cần thiết. Mà nó cũng đánh giá quân ta không đủ lực lượng đánh dài ngày và đánh vào hai binh đoàn lớn như vậy. Và cũng sợ giải phóng quân bên kia biên giới nữa!
Anh Việt: Nhờ chiến thắng Biên giới thổi một luồng sinh khí mới vào quân dân Nam Bộ. Chúng lại phải rút quân để giữ ở miền Bắc. Trong Nam nhẹ hẳn, đỡ phải chống càn dành thời gian xây dựng lực lượng.
Anh Tố Hữu: Thắng Biên giới mà địch rút từ Lào Cai, Hoà Bình làm cho Việt Bắc, khu 3 được thông suốt. Có thể nói là từ chiến dịch biên giới ta bước vào giai đoạn phản công.
Bác lắng nghe mọi người trao đổi, đôi mắt thoáng nét cười:
- Thôi ta lên đường kẻo ở Cao Bằng các chú ấy chờ...
Đoàn xe lại theo nhau vượt đường số 4 đến Cao Bằng. Tới Cao Bằng vừa xế chiều. Các đồng chí trong Thường vụ tỉnh uỷ ra đón. Bác bắt tay đồng chí Hồng Kỳ, Bí thư tỉnh uỷ, Dương Đại Lân trong Bộ tư lệnh Quân khu Việt Bắc, đồng chí Mai Trung Lân, Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang Việt Bắc rất thân thiết rồi vào phòng khách của Tỉnh uỷ. Anh Dương Đại Lân báo cáo chương trình đi Pắc Bó với Bác:
1. Bác đi thăm Pắc Bó và trồng cây lưu niệm.
2. Dự mít tinh nhân dân Pắc Bó chúc mừng Bác.
3. Bác ăn cơm thân mật với gia đình của Dương Đại Lân.
Nghe xong Bác nhất trí và bảo anh Dương Đại Lân:
- Ăn cơm nhà chú thì được, nhưng đừng làm lợn gà nhé! Kẻo cả bản cùng ăn theo tốn kém lắm!
- Dạ, bữa cơm tiễn Bác Nam tiến thế nào thì hôm nay cũng thế thôi ạ!
Bác cảm động, rồi bằng lòng.
Mọi người lên xe. Một đồng chí bảo vệ Bác lâu năm, sau là Đại đội trưởng đại đội I thuộc Trung đoàn 600 đã nghỉ hưu anh về thăm quê ở Bảo Lạc lại chào Bác: Nô Văn Trung, Bác vui vẻ hỏi: - Chú Trung Hoa(1) đấy ư?
(1) Đồng chí trông giống Trung Quốc, Bác và anh em hay gọi là Trung Hoa.
- Chú về thăm quê hả? Bà con trên Bảo Lạc có khỏe không? Đời sống các cụ ta ở quê thế nào?
- Dạ cũng có tiến bộ đôi chút! Cháu đi sửa sai về đây!
Bác ngạc nhiên: Sai gì mà sửa?
- Dạ cháu vừa cưới vợ được ba ngày, được anh em rủ đi làm cách mạng, mừng quá đi luôn, đi mãi rồi quên là mình đã có vợ. Sau này có anh em giới thiệu cháu lấy vợ được hai con đi bộ đội cả. Lúc về hưu, cấp bậc đại uý. Công an Thái Nguyên bảo ra làm việc chỉ huy bộ đội cứu hoả hơn trung đội cháu xin quân hàm Thiếu uý. Các vị lãnh đạo không nghe bắt đeo quân hàm đại uý. Cháu không chịu! Xin về làm ruộng. Có ba năm mà giàu quá!
Bác cười bảo: Chú giàu thế nào? Tiền nghỉ hưu cháu về mua bò, trâu và cấy lúa. Được mấy tấn lúa. Bò dê, trâu đẻ ra nhiều quá, trông không xuể, có hai vợ chồng, cháu bán rẻ cho hợp tác xã. Để lại cho nhà cháu năm con bò và hai trâu, một ít dê. Cháu về Cao Bằng thăm lại bà mẹ. Về đến gần nhà, mới biết mẹ đã bị mất và cô vợ cũ vẫn còn. Cháu sợ quá! Mình quá sai, quên cả quê hương, người vợ hiền lành, quả là sai quá! Bây giờ gặp lại ăn làm sao! Nói làm sao! May quá đi lâu không có tin gì. Bà mẹ giục cô đi lấy chồng vì không có tin gì về cháu thì chắc là chết rồi! Cũng may có một người cùng bản, quá hiền nên không có vợ. Người trong bản ghép ngay về cho nhà cháu ở trông nom bà cụ. Cô chú cũng được hai thằng con trai, chúng đi bộ đội. Biết tin, mừng quá! Cháu mới dám về nhà. Nhìn vợ đang phơi quần áo trên sàn nhà, tính gặp chúc mừng chồng mới của cô ấy, sợ quá chạy luôn. Thấy cháu cô ấy khóc nói: Sao còn ư? Sao không thư gì về nhà làm cho mẹ buồn, bảo em đi lấy chồng để bà có cháu bồng. Tôi an ủi: Thôi đừng khóc nữa, tôi về là vui rồi! Chú ấy đâu? Cô ấy lúc đấy mới gọi, không thấy chồng. Cô ấy đoán: Thấy tôi, ông ấy sợ, bỏ lên nương rồi. Tôi đưa ít tiền bảo đi mua thức ăn, gọi ông ấy về tán chuyện cho vui.
Tìm mãi, ông ấy mới về. Cô ấy làm thịt con gà, chai rượu cẩm. Ba người hàn huyên trò chuyện thực là vui. Bác hỏi:
- Chuyện chú lạ thực! Vậy vui thế nào?
- Dạ, cô chú ấy cũng có hai con cũng đi bộ đội. Cháu cũng có hai con cùng đi bộ đội, thế là hoà và đẹp đẽ. Nghe tới đây anh Mai Trung Lân nói chen vào: Vì việc nước mà quên nhà thì nhiều lắm! Anh Long Xuyên, Giám đốc Công an đang chặt cây gỗ nghiến để làm nhà. Cây to lắm chặt ba ngày chưa đổ, nghe tin được chọn sang Quảng Tây học quân sự để về đánh Tây. Anh đi luôn rồi cho tới nay chưa về nhà. Nhà đang cần gỗ để sửa lại vậy mà anh ấy vẫn chưa về để hạ cây gỗ. Bữa nhà thơ Chế Lan Viên lên chơi đã đưa xem lại cây gỗ, anh làm bài thơ ca ngợi những người cách mạng quên mọi tình riêng để hy sinh cho cách mạng.
Bác nghe tới đây vui vẻ hỏi: Chú Trung biết được sai rồi! Chúng ta có nhiều người hy sinh tình nhà, thì cách mạng mới thành công, nhưng không đòi hỏi phải quên hẳn như chú Trung. Nên nói đường đi lại xa quá! Mà chú Trung văn hoá kém! Thím ấy cũng kém chữ nên liên lạc không có nên mọi cái sai sót từ đó mà ra. Cách mạng đâu cứ buộc ta phải hy sinh như vậy!
Lúc đó mọi người đều lên xe. Đường từ Cao Bằng lên Pắc Bó tới Nước Hai còn tốt. Tới đây anh Mai Trung Lân giới thiệu với Bác, vùng Nước Hai chính là thủ đô của nhà nước Nam Cương mà Nông Tồn Phúc xây dựng. Ngọn núi phía đông cánh đồng Nước Hai là núi Cột Cờ - chợ Nước Hai lúc này - chỉ có đàn bà hiếm có đàn ông. Trước kia đông vui lắm! Từ Mã Phục sang, từ Hà Quảng xuống, từ Cao Bằng lên. Hay từ Mà Kẻ lên đông vui lắm! Bây giờ chợ chỉ có đàn bà - đàn ông có hai loại trẻ em và các ông già - phụ nữ thì trẻ đẹp mà nhiều chị ba mươi tuổi chưa có chồng. Anh Mai Trung Lân than thở.
Bác lắng nghe rồi nói: - Cả nước đánh giặc, nên đâu cũng vậy. Trong Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, chợ cũng chỉ có các bà, các chị em.
Anh Việt bỗng hỏi anh Mai: Nông Trí Cao đánh sang Quảng Tây, Quảng Đông mạnh lắm! Vậy mà nguyên soái nhà Tống bị vây rất ác liệt. Nhưng sao nhà Lý lên đánh lần nào cũng đại thắng rất nhanh là do thế nào? Anh Mai có nghiên cứu nói cho chúng tôi biết với.
Anh Mai suy nghĩ rồi nói: Có Lê - Tống là quân nhà Hán - đánh xuống Quảng Tây không phù hợp thuỷ thổ, không được nhân dân ủng hộ. Còn Nông Tồn Phúc - Trí Cao chống lại nhà Lý là nhà nước thống nhất Việt Nam lại được nhân dân ủng hộ nên mới đại bại.
Bác nói: Chú Lân nói có lý.
Đoàn xe lại lên đường, đường ở đây chỉ rải đá nên xe đi có khó khăn. Tới 9 giờ mới tới Pắc Bó.
Đồng bào ở các bản đã tới đón Bác và thấy Bác nhân dân mừng rỡ. Thấy là gia đình anh Dương Đại Lân và các cháu đều reo mừng. Bác bắt tay và đi chầm chậm như nhìn trông từng người. Các đồng chí cán bộ địa phương cũng chạy lại đón Bác đưa Bác lên hầm. Một đồng chí trong Tỉnh uỷ Cao Bằng báo cáo Bác.
Đã làm tốt con đường vào hang, sẽ xây thuỷ điện nhỏ phía dưới suối Lênin. Bác dừng lại trên hầm ngước về núi Các Mác ngắm nhìn rồi nhẹ nhàng bảo cán bộ: xây thuỷ điện nhỏ ở đây để dân có điện dùng là tốt. Nhưng đường đi tới hầm ta sửa cho xe đi lại là tốt. Còn đường vào hang nên để như cũ. Rừng núi không nên có thay đổi gì! Để sau này con cháu ta mới thấy hoạt động cách mạng gian khổ! Các chú sửa lại đường cho xe vào hang thì còn ý nghĩa gì?
Mọi người như nhận ra lẽ phải! Bác vừa đi vừa ngắm cảnh núi: núi Các Mác hùng vĩ, suối Lênin trong vắt chảy mạnh càng làm cho buổi thăm của Bác thêm đẹp đẽ. Chặng đường chừng như cũng đỡ đi, non nửa giờ đã tới nơi. Gần hang thấy bên bờ suối có hòn đá to. Bác chỉ và nói: Nơi này Bác hay ra làm việc đón không khí mát từ cánh đồng ngoài thổi vào sưởi nắng.
Anh Mai Trung Lân se sẽ đọc:
Sớm ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Hòn đá chênh vênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Sau đó đoàn về bản Pắc Bó. Nhân dân đã chờ sẵn ở đó. Anh Dương Đại Lân mời Bác nói chuyện với dân. Bác bắt tay các cụ già thăm hỏi sức khỏe, chuyện làm ăn. Rồi Bác nói chuyện.
Người nói như thăm hỏi, dặn dò: Nhân dân cần đoàn kết dân tộc, chịu khó sản xuất tiết kiệm, học hành để ngày một ấm no, tiến bộ. Sau đó một già bản lên chúc mừng Bác, hứa hẹn sẽ thực hiện lời Bác dạy. Lần sau Bác về Pắc Bó, sẽ giàu đẹp hơn. Sau đó anh Dương Đại Lâm mời đồng chí Bí thư tỉnh uỷ, anh Tố Hữu, anh Nguyễn Quang Việt vào ăn cơm ở ngay gần nơi mít tinh.
Mời Bác về nhà anh Đại Lâm, tuy nhà chật nhưng Bác về đó cho có không khí gia đình. Bác về phép thăm lại Pắc Bó quê hương thứ hai của Người, như Bác nói lên ở Tỉnh uỷ Cao Bằng.
Bữa cơm được dọn ở giữa nhà sàn, chờ anh chị Dương Đại Lâm và các cháu ngồi đông đủ, anh Dương Đại Lâm cảm động nói:
- Thưa Bác, trước đây hai mươi năm gia đình có làm bữa cơm tiễn Bác lên đường Nam tiến. Chúc Bác "mã đáo thành công". Nay Bác trở lại Pắc Bó, đã có nhiều đổi mới. Gia đình xin phép làm bữa cơm đón Bác, giống như bữa cơm năm xưa. Vậy xin nâng cốc chúc Bác mạnh khỏe. Chúc miền Bắc ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng tốt đẹp. Chúc miền Nam đấu tranh giành nhiều thắng lợi.
Mọi người vui vẻ nâng cốc.
Bác nhấp chút rượu, rồi nhìn anh chị Lân, các cháu, rồi hỏi chị Dương Đại Lâm:
- Chú thím thấy bữa cơm hôm nay có cái gì giống như bữa cơm xưa? Cái gì khác?
Chị Song Đại Lân phấn khởi thưa:
- Thưa Cha hoàn toàn giống ạ! Vẫn là gà sống thiến luộc. Chân giò hầm hạt dẻ Cao Bằng, thịt heo nạc nướng.. xôi nhiều mầu rau làm đúng như buổi tiễn Cha Nam tiến. Là để chứng tỏ Pắc Bó luôn ghi nhớ lời Cha dạy...
Bác nhẹ nhàng nói:
- Giống là giống các món ăn, thịt gà trước chú thím phải đi vay, nay nhà nuôi được. Khác là ngày ấy Bác cháu ta còn là dân nô lệ, nay là dân độc lập tự do, hồi ấy thím chưa biết chữ, nói tiếng phổ thông chưa thạo. Chú là du kích nay là Đại tá Quân khu phó. Các cháu nay cháu đại học, cháu là sĩ quan có phải khác không? Đó là ta thắng được bọn Nhật, bọn Tây mới có được. Phải cố gắng thắng được Mỹ ở miền Nam, thống nhất đất nước thì cái vui mới trọn vẹn.
Mọi người trong gia đình anh Dương Đại Lâm mới vỡ lẽ ra. Cả nhà vui vẻ xin chạm cốc với Bác. Anh Dương Đại Lâm xin tự cạn chén.
Cơm xong, Bác đang trò chuyện thì đã có tiếng máy bay trực thăng từ từ đậu xuống, ngay trước cánh đồng Pắc Bó.
Anh Kháng vào báo cáo Bác trời đã sang chiều, xin Bác về sớm kẻo chiều sương mù xuống, khó về.
Chị Lân kêu lên:
- Cha ơi! Cha về phép ít thế, cả nhà đã kịp nói chuyện gì đâu?
Bác an ủi:
- Bác rất muốn ở lâu với gia đình và dân bản nhưng Chính phủ có nhiều việc, lại cho máy bay đón, nên phải về thôi.
Bác bảo anh Nguyễn Quang Việt và anh Lân:
- Bác không lên đồn Sóc Giang thăm các chú Biên phòng được. Các chú lên thăm tặng quà cho anh em. Để các chú ấy vui vẻ.
Anh Mai Trung Lân: Cháu còn nhiều việc muốn báo cáo với Bác nhưng không kịp.
Bác bảo: Chú cứ nói với chú Việt, Bác sẽ nhận được.
Bác và anh Tố Hữu ra máy bay.
Mọi người tiễn Bác lưu luyến, đứng trước bản nhìn theo máy bay khi không thấy mới trở về xuýt xoa: Bác về thời gian ngắn quá!
Anh Mai Trung Lâm lại gần anh Nguyễn Quang Việt than thở: có. một chuyện về biên giới rất cần nói với Bác nhưng không một chút thời gian nào có thể nói được nay mới nói với anh, có thời gian mời anh tiện thưa với Bác.
- Trung Quốc, theo tôi biết, họ không cóng nhận các đường biên giới mà các đế quốc ký với Mãn Thanh kể cũng có lý, vì đế quốc Anh, Pháp, Nhật, Nga, Mỹ mạnh, nhà Thanh yếu nên ký trong thế yếu. Nhưng riêng Pháp ký với Mãn Thanh lại có sự thoả hiệp với nhau. Vì Pháp muốn lấn chiếm như tô giới của Trung Quốc lúc ấy, như Hạ Môn ở Phúc Kiến, Tô giới Thượng Hải, tô giới ở Quảng Châu, và lấy cả vùng Quảng Châu Loan ở Quảng Đông lập thành một tỉnh, lại làm đường sắt Lào Kay - Vân Nam nên Pháp lấy cả Tổng Điền Lương của Cao Bằng cho Trung Quốc, vùng Sơn Mỹ Long Bình nhập vào huyện Phòng Thành cho Trung Quốc trong đó có tới 6.000 dân Việt.
Tụ Long của Hà Giang sang Trung Quốc, mỏ Tụ Long mỏ đồng lớn nhất của ta. Công nhân Trung Quốc khai thác có lúc có hàng vạn công nhân là người Hoa. Mỏ Tụ Long đi từ biên giới vào phải ba ngày, mất đoạn này đất đai lớn lắm. Nay Trung Quốc giải phóng thu hồi các tô giới ở Thượng Hải, Quảng Châu. Lấy lại cả Quảng Châu Loan, Hạ Môn, nhưng những vùng đất ta như Điền Lương, Tụ Long, Vạn Mỹ thì im lặng.
Anh Việt hỏi lại: Những điều anh nói có đúng không?
Anh Mai Trung Lân: Tôi xin lấy đầu tôi bảo đảm đó là sự thực! Ta phải hiểu sự thực lịch sử, để đề phòng mọi sự thiên lệch ở vùng biên. Có lẽ bạn còn rõ hơn ta?
Anh Việt: Điều anh phát hiện rất cần sưu tầm chứng cứ, còn xem ý bạn ra sao đã.
(NGUYỄN QUANG VIỆT kể)