Sáng ngắm mặt trời mọc
Chiêu xem ánh trăng soi
Bàu trời như thấp xuống
Núi như cao hẳn lên.
Đồng chí Kháng báo cho đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Phó chính uỷ E600 trực tiếp làm chính trị viên đại đội bảo vệ Bác:
- Nguyễn Lợi, mình chọn được nơi nghỉ mát cho Bác rồi. Về Sầm Sơn.
Đồng chí Lợi sốt sắng: Vậy ở khách sạn nào?
Không, Bác chỉ muốn ở một nơi nào vắng vẻ. Không ai biết cả. Đồng chí cẩn sẽ nấu ăn cho Bác.
Chúng ta tựa như một nhóm bảo vệ địa chất hay thuỷ sản gì đó thôi. Cậu lấy thêm mấy cậu nữa đã gần Bác để dễ dàng làm việc, đi hai xe thôi.
Xe Bác có bác sĩ để bảo vệ sức khỏe, đồng chí thư ký Lợi bảo vệ ngồi xe trên. Còn một số cán bộ, chiến sĩ đi cùng, ngồi trên xe trước, đoàn rời khỏi Hà Nội khoảng 8 giờ, đoàn xe đi nghỉ của Chủ tịch nước thực gọn nhẹ, xe trước là chiếc commăngca, xe sau là loại du lịch bình thường của Pháp. Xe trước cách xe sau chừng 200m, chạy trung bình 50 km/giờ.
Mỗi khi qua vùng nào có di tích lịch sử Bác thường hỏi. Bởi kinh nghiệm của đồng chí chỉ huy cùng đoàn để lại, nên đồng chí Văn Lợi đã tìm hiểu kỹ chặng đường đi để mỗi khi Bác hỏi không bị động.
Khi xe tới Đồng Văn, Bác nhìn sang phía đông hỏi:
- Núi kia là núi gì?
- Dạ, núi Đọi Sơn có chùa Đọi Sơn nổi tiếng do bà Ỷ Lan dựng từ thời Lý ạ.
Bác trầm ngâm...
Khi xe tới nhà thờ Tạ Xá. Bác hỏi:
- Nhà thờ này lớn hơn. Có từ lâu chưa?
Anh Lợi: Dạ lâu rồi ạ! Đây là một xã toàn tòng.
Khi xe tới cầu Gián Khẩu, Bác bảo xe chạy từ từ, Bác nhìn đôi, bờ rồi nói:
- Xưa là chiến tuyến để ngăn giặc từ Bắc đánh vào Nam và ngăn giặc từ Nam tiến ra Bắc. Có thể sông xưa phải to sâu, nước chảy xiết hơn!
Lời Bác đã gợi lại những hiểu biết của Lợi về đạo quân Thoát Hoan, hay gần đây nhất là đội quân tiền đồn của Tôn Sĩ Nghị. Ngay thời Pháp ở đây chúng đóng nguyên một đại đội mạnh. Có đại bác bảo vệ nay ta mới làm cầu đi lại dễ dàng. Câu chuyện xưa làm Bác cháu cùng vui vẻ.
Chợt biển đề đường vào đền vua Đinh và vua Lê. Bác bảo: đây cảnh đẹp, hùng vĩ thế này, mà các chú cảnh vệ ít bố trí để Bác đi coi. Cần hiểu, mỗi lần đi xem di tích lịch sử, là một lần học tập người xưa!
Xe qua Sông Vân, Bác hỏi sao lại gọi là Sông Vân.
- Dạ, truyền thuyết kể rằng, khi Thập đạo tướng quân bắt sống nguyên soái Tống là Hán Nhân Quả về triều. Thuyền từ sông Hồng chuyển về sông Đáy, rồi ngự tại sông Vân. Bà Dương Thị Vân Nga lúc đó là Thái hậu nhiếp chính mang áo hoàng bào của vua Đinh giao cho tướng quân Lê Hoàn. Do đó vua Lê Đại Hành phong cho bà Dương Thị Vân Nga làm Hoàng hậu. Và họ tổ chức tuần trăng mật trên dòng sông này, nên gọi là sông Vân ạ!
Đồng chí Kháng kể:
- Cũng có thuyết nói rằng: Vua Lê Hoàn nhận long bài, từ ngôi trước khi xuất chinh. Sau khi chiến thắng trở về ngự tại dòng sông này. Dòng sông trở thành vân sàng - tức là giường của Vua. Truyền thuyết đẹp thực! Ninh Bình là Hạ Long cạn, đúng thật!
Xe đã tới Tam Điệp, Bác bảo đi thật từ từ để Bác ngắm cảnh.
Đồng chí bác sĩ kêu lên:
- Thực là bức trường thành, chẳng trách quân Tây Sơn giữ nơi đây. Quân Thanh bị chặn lại là phải. Bác cười:
- Chặn được hay không là ở con người chứ! Bác đã qua Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, nó mới hùng vĩ làm sao, nhưng đâu có chặn được quân Nguyên Mông, quân Thanh.
Mọi người ngẩn ra, thừa nhận ý Bác.
Tới đền bà Liễu Hạnh, Bác lại hỏi:
- Các chú có biết Việt Nam có tứ bất tử là những ai không? Tại sao?
Lợi suy nghĩ rồi nói:
- Thưa Bác là Phủ Đổng Thiên Vương, là Tản Viên Sơn Thần, là Chử Đồng Tử, và bà Liễu Hạnh.
Lợi nói tới đây, đồng chí bác sĩ đã góp ý thêm:
- Phù Đổng Thiên Vương bất tử là do quyết tâm đánh giặc, Chử Đồng Tử là đấu tranh cho tự do hôn nhân. Tản Viên là chống giặc lũ mà dân coi lụt là giặc đáng sợ nhất, còn bà Liễu Hạnh bất tử vì đẹp. Cái đẹp cũng bất tử đấy chứ.
Đồng chí Kháng góp ý:
- Đúng là bình luận của bác sĩ! Bác cháu cùng cười vang.
Đến tới Sầm Sơn cũng gần trưa. Gió biển mát rượi, mọi mệt nhọc đi đường dường như tan biến.
Bãi biển trước mặt, từng đợt sóng từ xa xa xô vào bờ. Người tắm, người phơi nắng bãi kéo dài hàng cây số.
Xe nhẹ vươn lên núi Sầm Sơn. Bác bảo dừng lại để cùng đi bộ.
*
Leo núi buổi sớm xem mặt trời mọc đẹp lắm.
Núi Sầm Sơn co chừng trên trăm mét, dốc thoai thoải nên từ từ chả mấy chốc đã tới sườn núi gần Hòn Trống Mái - từ đây nhìn ra biển đã mông mênh, chân trời xa trắng. Mặt trời đỏ hồng từ từ nhô khỏi mặt biển. Bác ngồi xuống Hòn đá bên sườn núi. Anh em đều ngồi xuống cạnh Bác, lặng ngắm cảnh biển. Bây giờ mới hiểu ý Bác gọi dậy sớm. Lợi thốt lên một ý thơ chả rõ của ai:
Sáng ngắm mặt trời mọc
Chiêu xem ánh trăng soi
Bàu trời như thấp xuống
Núi như cao hẳn lên.
Nghe Lợi lẩm nhẩm đọc, Bác tủm tỉm cười hỏi:
- Chú Lợi làm thơ ư?
Lợi vội nói:
- Dạ, dạ, không đâu. Cháu đọc thơ của ai đó.
Bác đứng dậy tiếp tục đi. Khi tới hòn Trống Mái đã có vài ba người đang lễ bái. Bác ngạc nhiên hỏi Lợi:
- Chú người xứ Thanh chắc có biết hòn Trống Mái chỉ là cảnh đẹp. Có gì linh thiêng mà lễ bái vậy!
Lợi cũng ngạc nhiên nên nói:
- Trước đây không có lễ bái gì ở đây đâu? Không rõ hôm nay lại có người tới lễ.
Nói xong đồng chí Lợi vội hỏi những người tới lễ. Một người chừng ba mươi tuổi có vẻ muộn mằn cho biết: gần đây người ta đồn tới lễ cầu tự, linh lắm!
Đồng chí bác sĩ bình luận:
- Linh gì, chiến tranh rồi xây dựng đất nước, xa nhau lâu sao có con được. Lớn tuổi ai chả mong có con. Gặp nhau đúng dịp là đẻ. Chả phải lễ hòn Trống Mái, cứ lễ bất cứ hòn đá nào mà đúng kỳ đều đẻ tuốt.
Mọi người đều cười xoà. Bác đi một quãng chợt hỏi:
- Gần đây có đền thờ cụ Tô Hiến Thành phải không?
- Dạ có ạ!
Đồng chí Lợi vội dẫn đường. Chỉ cách hòn Trống Mái chừng vài ba trăm mét là tới đền cụ Tô Hiến Thành. Ông từ cũng vừa quét dọn xong sân đền. Thấy có khách, ông liền trân trọng mời vào thăm đền lễ. Bác ra hiệu cho đồng chí Kháng bỏ tiền vào hòm công đức, sau đó Bác và đoàn thắp hương trước ban thờ cụ Tô Hiến Thành.
Ra trước cửa đền, Bác hỏi ông từ có biết về cụ Tô Hiến Thành không. Sao lại có đền thờ ở đây?
Ông từ cũng không rõ Bác là ai! Song thấy cụ già lại có bộ đội, cán bộ đi cùng chắc là cán bộ lâu năm của Đảng, của Nhà nước, nên cụ cũng từ tốn trả lời:
- Thưa cụ, tôi là cán bộ người địa phương nghỉ mất sức, nên dân làng cử lên trông nom đền cụ Tô. Cũng được hiểu sơ sơ: Cụ là văn võ toàn tài, là thái uý. Có lúc người trấn thủ ở Thanh Hoá. Lập đền thờ ở đây vì xưa vùng này là rừng rậm, núi non hiểm trở. Cánh đồng giữa Sầm Sơn vào quốc lộ một là bãi lầy. Cụ Tô cho dân tới khai phá làm ăn. Trên nền miếu thờ này là nơi cụ lúc đóng quân đề phòng mặt biển.
Bác gật đầu khen:
- Thế là ông từ hiểu về người mình thờ cúng. Song tại sao trong đền ít người tới cúng lễ?
Ông từ ngẩn người:
- Dạ thưa cụ, tôi không được rõ ạ!
Bác nói:
- Đáng lẽ gần ngay nơi nghỉ mát đông đảo này, có một đền thờ vị quốc công nước ta nên tu sửa để mọi người tới viếng thăm có phải hay không? Việc ấy đề nghị Sở văn hoá lo.
Nói rồi Bác bảo Lợi đi đến đền Tiên Cô.
- Đền Thượng cũng có tên, gọi đền Cô Tiên vì đây là đền thờ vị núi Sầm Sơn. Cũng có tên là núi Cô Tiên xa tưởng như một cô gái nằm đầu quay về đất liền, chân duỗi ra biển. Giữa núi có hai khoảng nhô cao như ngực người con gái. Vậy đền Cô Tiên có thể là đền thờ thần núi Sầm Sơn.
Tới đây nhìn cảnh vật Bác thích hẳn, liền bảo mọi người:
- Chú Kháng khéo chọn lắm, vừa ngắm cảnh vừa hưởng gió biển không dễ gì tránh được cảnh ồn ào dưới kia.
Chúng tôi vâng lời. Đưa ngay các đồ dùng từ ô tô lên và bố trí nơi làm việc của Bác, nơi canh gác bảo vệ sao cho như những du khách nghỉ tạm ở đây.
Chiều ấy, nghỉ ngơi, Bác mới ra tường xây trước cửa đền. Bác ngồi ngắm đền rồi nói:
- Đền này mới sửa lại. Cũng đẹp, nhưng đồ thờ đều mới cả.
Không rõ có ai trông coi không? Các chú nên gặp họ cho biết, chúng ta ở đây sống phải giữ bí mật.
Sau đó nhìn ra phía đảo xa xa Bác hỏi:
- Xa xa phía đông có đảo. Vậy đảo nào?
- Dạ đó là Hòn Mê, cách đây hai mươi hải lý.
- Hòn Mê à! Đảo có lớn không?
- Dạ chừng 4 km2 Thời xưa từng là căn cứ của bọn dã phỉ. Hồi mới khởi nghĩa bọn Quốc dân đảng đóng ở đó.
- Hồi kháng chiến bọn Pháp cũng đóng đồn uy hiếp Thanh Hoá ta. Nay có căn cứ hải quân và đồn biên phòng, ở đó có nhiều hải sản quý lắm. Có những con ốc biển to như chiếc mũ sắt. Họ mài sạch để làm đế đèn trông như ngọc.
- Bác đọc sách và nghe Bộ tư lệnh Hải quân báo cáo nhiều về Hòn Mê.
Bác lại nhìn về phía Nam.
Đồng chí Lợi vội báo cáo tiếp:
- Thưa Bác cách đây chừng 20 km là hải đảo Biện Sơn. Đó là căn cứ hải quân xưa. Khi ta tiến quân vào phía Nam thường hội thuỷ quân ở đó. Quân Tây Sơn cũng hội quân ở đó rồi tiến ra Bắc. Từ Biện Sơn chạy thuyền thẳng ra cửa sông Đáy, sông Hồng, sông Thái Bình rất thuận tiện và tránh được cửa Đền Phù rất nguy hiểm.
- Nơi ấy khi ông Đào Duy Từ rời bỏ quê hương Tĩnh Gia vào làm quân sư cho chúa Nguyễn cũng từ cửa Biện Sơn này.
Bác cười hỏi:
- Cháu đọc ở tài liệu nào, hay suy đoán!
Lợi đang phấn khởi, Bác hỏi, lại ngập ngừng rồi trình bày:
- Cháu nghe các cụ truyền lại cho, không có tài liệu nào kể về ông Đào Duy Từ trốn vào với chúa Nguyễn.
Bác trầm ngâm một lát rồi bảo ngày mai Bác cùng các chú nghỉ ngơi, tắm biển. Ngày sau Bác sẽ đi thăm biển, thôn xóm dưới chân núi.
*
Sớm sau, ăn sáng xong, Bác cháu cùng xuống bãi biển ngay dưới chân đền Cô Tiên. Nhìn thấy rất nhiều cát đen lóng lánh, Bác bảo:
- À bãi cát ở đây rất giống bãi Trà cổ, có nhiều titan lắm. Cát này rất quý! Thấy các chiến sĩ ngơ ngẩn tỏ ra không rõ, Bác giải thích thêm:
- Titan là thứ cát dành cho ngành công nghiệp chế tạo thép, phải sử dụng nó để tạo ra hợp chất thép. Cố nhiên để chế tạo ra những loại đó, có những cách chế tạo riêng. Đó là bí mật công nghiệp của mỗi nước. Họ giữ bí mật lắm!
Ra tới bãi biển, cũng vừa lúc mẻ lưới quay một vòng khá rộng được kéo vào. Trong lúc các chiến sĩ còn đang ngẩn người ngắm cảnh kéo lưới, bắt cá thì Bác đã xắn quần, xăm xăm lại kéo lưới. Các chiến sĩ vội vã tham gia. Mẻ lưới được kéo nhanh hơn, và cá cũng được nhiều.
Trong lúc các chiến sĩ mải mê xem bắt cá, chia cá, thì Bác lặng lẽ đi cuốn các dây thừng, thấy một người như chỉ huy việc kéo lưới đi lại, Bác dừng tay cuốn thừng bảo ông này:
- Trong lúc thu cá, nên cho một người ngoài cuốn dây thừng, để khi rải lưới lại đỡ mất thì giờ.
Người chỉ huy việc kéo lưới cúi đầu cảm ơn Bác rồi vừa đi, vừa nhìn Bác mà nói:
- Cụ già này có vẻ dân biển mình đây, nay chả biết làm gì, mà vẫn thành thạo nghề vậy!
*
Nắng lên cao. Sợ Bác mệt. Anh em mời Bác vào thăm làng. Đây là thôn Sơn của vùng phía đông núi Sầm Sơn. Từ đây tới cửa sông Ghép chừng hơn mười cây số. Bác nhìn địa thế rồi nói:
- Sau này có lẽ cửa sông Ghép sẽ có bến tàu, bến cá. Cửa sông Mã và phía nam Sầm Sơn này cũng có nhà nghỉ mát bãi tắm như phía Bắc. Sóng biển ở đây có lẽ nhẹ hơn phía trên.
Văn Lợi nghe Bác nói vậy mừng quá vội nói:
- Được vậy thì Thanh Hoá giàu to.
Vào tới làng, thì rất vắng. Vì người lớn đi làm biển, làm đồng, trẻ em đi học. Qua một nhà có một cụ già đang vá lưới trước sân, Bác bước vào. Thấy có khách ông cụ toan đứng dậy mời khách vào nhà, Bác ngăn lại nói:
- Thôi cụ cứ vá lưới đi. Tôi qua thôn hỏi đường lên núi gặp cụ hỏi chuyện một lát, cụ đừng phiền, mất việc.
Cụ già lại ngồi xuống tiếp tục vá lưới. Bác hỏi cụ còn trẻ có đi biển không?
- Dạ có ạ! Bây giờ các cháu nó đi biển thay tôi. Mình hơn bảy mươi tuổi rồi, ở nhà vá lưới cho chúng. Nhưng khi đẹp trời, nhớ biển, vẫn đi. Chỉ cho chúng biết sự thay đổi của tiết trời, sóng gió, luồng cá, già thì kém sức, nhưng cái đầu lại khôn ra. Mà biển thực giàu và rất khó tính, lại keo kiệt. Không hiểu biển, thì chỉ có uống nước mặn không xong đâu.
Thấy cụ già vui tính, Bác cũng vui vẻ hỏi: Cụ có đông con cháu không?
Ông già khoái trí trả lời:
- Ba trai, hai gái. Sáu cháu nội ngoại Cụ ạ!
- Dân chài chúng tội chả ăn nhiều cá mà. Chồng đi biển về nhà là vợ chửa. - Ông cụ cười. Bác cũng bật cười.
Ở cái làng này, loại già như tôi chỉ biết chữ qua lớp bình dân để khỏi mù chữ thôi. Các con đều đi bộ đội, được học thêm đứa nào cũng lớp 6, lớp 7. Còn các cháu thì biết chạy là tới trường. Cháu đầu đã học đại học. Ong cụ ngừng lời suy nghĩ rồi tiếp: Chà, cái xóm Sơn nghèo này trước cứ thấy cậu lính lệ đeo lưỡi lê về làng đã sợ run lên. Thế mà nay có tú tài, cử nhân sướng không? Chỉ tội, cứ trời làm cơn bão biển lại phải nộp cho thần biển ít lao động! Con bé út nhà tôi mới 29 tuổi đầu đã phải đeo khăn tang hai lần. Thế có cực không cụ.
Cụ già nói tới đây bỗng buồn se lại. Rồi chợt nhớ ra việc Bác hỏi đường lên núi, vội ngừng lời và chỉ lối đi qua xóm để tới chùa. Sau chùa sẽ có lối lên núi.
Qua câu chuyện của ông cụ, Bác vừa đi vừa nói:
- Cuộc sống của nhân dân đã có điều tốt hơn. Song rõ ràng việc lao động trên biển rất cực nhọc. Phải sống với biển thế nào đây!
Bác cháu đã tới chùa. Chùa mới được làm lại, trừ cây đề là cổ thụ. Còn cây đa, cây si, cây phi lao đều trồng được vài năm. Trước sân một người đang đứng ngắm cảnh mặc quần áo nâu, thì là nhà chùa, nhưng lại để tóc nên chẳng rõ là ông từ hay sư bác.
Bác bước tới, Người chào trước:
- Chào nhà chùa! Chúng tôi tới vãn cảnh chùa! Xin hỏi chùa này là chùa gì?
- Dạ, là chùa Lại ạ!
- Sao gọi là chùa Lại?
- Vì chùa trước đây to đẹp lắm. Hồi chiến tranh máy bay, tàu chiến của Pháp bắn phá hư hỏng cả nên nay trên cho làm lại. Vì vậy gọi là chùa Lại ạ!
Nghe nhà chùa trả lời, Bác có vẻ chưa tin lắm! Người bảo:
- Đó là tên dân dã. Còn chắc chùa phải có tên chữ và có sự tích. Vì nhìn sân chùa, dấu tích tường hoa. Xưa chắc phải đẹp lắm!
Nhà chùa vội trình bày:
- Quả thế ạ! Nhưng cháu là bộ đội là bệnh binh về nhà chữa bệnh mới khỏe. Chưa có việc gì, thôn xóm cử ra trông chùa. Cũng chưa kịp tìm hiểu gì ạ! Song cụ từ truyền lại, có một vị cao tăng tuổi ngoài năm mươi trụ trì ở đây. Trong một đêm mưa gió, dạt vào bờ có mấy miếng ván. Có ba người đàn bà bám vào tấm ván và có một miếng ván to cổ buộc theo cái Hòm nhỏ. Nhà sư vớt lên. Cứu được ba người. Sau mới biết đó là bà hoàng hậu cuối cùng của nhà Tống cùng hai công chúa trốn quân Nguyên phải chạy ra biển. Chẳng may bị bão quan quân đi theo chết cả. Ba mẹ con được buộc vào mảnh ván, trôi nổi vật vờ đã mấy ngày nay được nhà chùa cứu vớt, xin được ở lại chùa xuống tóc để tu hành mà cũng là tạ ơn cứu mệnh. Vàng, bạc trong Hòm và nữ trang trong người đã có thể tu tạo lại chùa và nuôi sống mọi người một cuộc sống sung túc.
Sư ông suy nghĩ rồi nói với hoàng hậu:
- ở đây chỉ có một sư ông. Các vị tu ở đây không tiện. Để sẽ tìm cho chùa nào toàn sư nữ. Hoặc sẽ tìm nơi nào có nhiều người Tống tới ở như trên huyện Tống Sơn (Hà Trung) sẽ đưa hoàng hậu, công chúa tới đó.
Nghe vậy hoàng hậu cũng thấy yên lòng. Nhà sư là vị chân tu. Nhưng rồi qua đông, sang xuân, cuộc sống của bốn người cứ lùi dần, rồi học tiếng của nhau. Lửa gân rơm lâu ngày cũng rát. Vị hoàng hậu và nhà chùa cũng đôi lúc tu tỉnh. Các công chúa không bằng lòng. Vị sư phải đưa hoàng hậu và công chúa đi nơi khác. Rồi trở lại chùa, dốc tâm tu tỉnh làm lại cuộc đời tu nên gọi là chùa Lại. Song cũng có thuyết khác. Là hoàng hậu tự vẫn. Các công chúa bỏ đi. Nhà sư đau đớn vì cứu người mà hoá ra gây ác. Nên một lòng tu tỉnh trở lại. Chẳng rõ thuyết nào đúng.
Câu chuyện làm mọi người bùi ngùi.
Bác bảo: Khi con người ta còn mê mải cường quyền thì còn nhiều đau khổ.
Dù là hoàng hậu của Trung Quốc hay nhà sư của Việt Nam. Có khi nào con người thấy trái đất quá nhỏ hẹp, biết đoàn kết, nương nhau cùng nhau hợp tác, dể sống tốt đẹp, cùng chinh phục vũ trụ thì lúc đó mới hết các chuyện đau buồn.
Nhà chùa chống tay vái Bác mà nói:
- A di đà Phật! Cụ dạy chí phải!
Bác bảo: Tôi chỉ từ cái thiện mà nghĩ sao nói vậy thôi!
Nói xong Bác chào nhà chùa và cùng anh em lên núi.
*
Chiều hôm đó Bác bảo thu dọn đồ lễ để về, đang thu dọn chợt có một số trẻ em chăn trâu gần đó. Bác gọi lại bảo phân phát chuối, cam cho các cháu.
Bác đưa tận tay cho một cháu, nó cầm nhưng cứ nhìn Bác trân trân.
Thấy lúc này cũng chả cần giấu bí mật nữa, Lợi bảo em:
- Cháu ăn đi, hoặc cầm về biếu bố mẹ. Chuối cam của Bác Hồ cho đấy!
Lúc này em bé như chợt nhận ra:
- A Bác Hồ, cháu chào Bác Hồ. Bác Hồ muôn năm. Bác Hồ hiện ra ở miếu Cô Tiên. Lũ trẻ reo vang.
Chạy về làng, cũng là lúc Bác lên xe về Hà Nội.
NGỌC CHÂU.