Sau lễ phong quân hàm cho các đồng chí cấp tá của QĐND do đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thay mặt Đảng, Nhà nước tuyên đọc Quyết định của Chủ tịch Ho Chí Minh. Đồng chí Phan Trọng Tuệ vừa thay đồng chí Hà Kế Tấn làm Tư lệnh Bộ đội bảo vệ mời các đồng chí Cục trưởng, Cục phó vừa được phong quân hàm về nhà riêng để trao đổi những công việc cần thiết.
Nhà anh Phan Trọng Tuệ cùng ở chung với anh Trần Tử Bình - Chánh Thanh tra Quân đội. Nhà hai anh đều ngay đường Hoàng Diệu. Chị Tuệ và các cháu vui vẻ ra mời chúng tôi vào phòng khách, mời mọi người ngồi vào ghế. Anh Tuệ niềm nở nói:
- Để chúc mừng các vị trung tá vừa được phong quân hàm và nhận chức, nhà tôi mổ con lợn làm bánh canh theo kiểu Cần Thơ, ta vừa lai rai vừa bàn việc luôn.
Ngồi nhìn cán bộ vừa đeo quân hàm mới sáng rực trên cầu vai, anh Tuệ vui vẻ nói: "Các vị cán bộ của ta đều còn trẻ, đeo quân hàm vào trông khá đẹp". Mọi người đều cười. Huỳnh Thủ Quyền - Cục trưởng Tham mưu, vốn là Trung đoàn trưởng dưới quyền anh Tuệ từ chiến trường miền Nam nên dễ nói hơn:
- Đồng chí Tư lệnh trưởng mới đẹp trai nhất hội.
Anh Tuệ vừa cười vừa nói:
- Hồi qua Liên Xô, có một nữ sĩ quan hỏi mình đã đến hai mươi bảy tuổi chưa. Mình bảo với cô ta là gần bốn mươi tuổi, cô ta không tin.
Không khí vui hẳn lên khi chị Tuệ chạy lên hỏi:
- Vị nào biết đánh tiết canh xuống bếp giúp một tay.
Anh Ngô Kiếm - Cục trưởng Cục hậu cần đứng phắt dậy: "Để tôi, xuống ngay". Anh Huỳnh Thủ cũng đứng lên nói:
- ... Thái thịt lợn, thái bánh canh kiểu Cần Thơ phải có tay tôi... nói xong cũng xuống bếp luôn.
Với cặp mắt nhanh nhậy, anh nhìn chúng tôi rồi nói:
- Các anh là cán bộ cốt cán của Bộ Tư lệnh sau này, song mỗi anh ở một địa phương, một vùng chiến thuật nên nhân tiện tôi mời về đây cũng là dịp tìm hiểu nhằm vừa qua tôi đã giới thiệu anh Huỳnh Thủ, anh Ngô Kiếm với các anh, nay tôi tiếp tục giới thiệu. Anh chỉ tay vào đồng chí Nguyễn Hoàn và giới thiệu: Đây là đồng chí Nguyễn Hoàn vào Đảng năm 1940. Sau khởi nghĩa ở Sài Gòn Cân Thơ thắng lợi anh Hoàn về làm Trưởng phòng trinh sát ở Quân khu 8.
Anh chỉ vào anh Châu Đốc giới thiệu: "Anh Châu Đốc một cán bộ cốt cán huấn luyện viên quân sự của chiến khu II, anh Văn Tiến Dũng rất quý anh Châu Đốc".
Chúng tôi lần đầu gặp nhau. Qua sự giới thiệu của đồng chí Tư lệnh, đã hiểu biết phần nào vì sớm có một niềm tin vào đội ngũ cán bộ cốt cán của Bộ Tư lệnh bảo vệ và tin ở đồng chí Tư lệnh mới. Tuy vừa mới nhận nhiệm vụ, nhưng anh đã nắm chắc các cán bộ của mình. Nhìn vào các đồng chí quyền Cục trưởng đều là cán bộ hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám và đã là cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn trong kháng chiến chống Pháp. Cũng vừa lúc đó đồng chí Huỳnh Thủ, Ngô Kiếm làm xong công việc hỗ trợ nhà bếp, anh Tuệ vui vẻ nói: - Nhân các anh đã có mặt đông đủ tôi tranh thủ báo một số tin cần thiết để ngày mai bắt đầu vào việc luôn:
Ban Bí thư cho ta lập một đảng bộ trực thuộc Trung ương - Đảng bộ này tách khỏi Đảng bộ Quân đội, nhưng là lực lượng vũ trang nên nó cũng không nằm trong Đảng bộ cơ quan - Dân chính đảng, Ban Bí thư chỉ định Đảng uỷ, tôi là Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Huỳnh Thủ, đồng chí Ngô Kiếm, Ngọc Châu trong thường vụ Đảng uỷ, đồng chí Ngọc Châu là thường trực.
Cảnh vệ vừa bảo vệ Chính phủ và các tỉnh uỷ, uỷ ban tỉnh và các huyện miền núi thống nhất các lực lượng vừa bảo vệ biên giới vừa bảo vệ công an vừa bảo vệ Quốc phòng. Bác bảo phải trong thời gian chừng một tháng xây dựng xong dự thảo nghị quyết để Bộ Chính trị thông qua. Sau đó là lễ thành lập Bác sẽ đến dự. Chúng tôi nhìn nhau, phấn khởi song lấy dự thảo để Bác nói chuyện thì khó quá! Anh Tuệ biết ý nói luôn: "Đừng lo, Bác đã nói: "Chú muốn tôi nói gì thì cứ thảo ra. Tôi sẽ dựa ý chú, tôi nói cách của tôi". Vì vậy tôi sẽ viết dự thảo lấy ý kiến của anh Văn và anh Thanh là được chứ gì? Sau buổi lễ anh Nguyễn Chí Thanh sẽ thay mặt Quàn uỷ nói chuyện. Cần nhớ là chuyển các lực lượng quân đội sang Bộ Công an là một vấn đề rất hệ trọng về tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng mới. Bài nói chuyện của Bác và anh Thanh sẽ là tài liệu nghiên cứu lâu dài của lực lượng Cục Tham mưu, Cục Trinh sát với nhóm cán bộ từ các khu về hoàn chỉnh văn bản để Bộ Chính trị ra nghị quyết, Cục Chính trị tổ chức buổi lễ thành lập. Sau đó là lớp học chính trị cho cán bộ khu tỉnh, tiểu khu từ cấp tiểu đoàn lần lượt về Cục để thống nhất tư tưởng.
Cục Hậu cần lo phục vụ các cuộc hội nghị nhất là tỉnh thành hẻo lánh chớ để đói lính. Lo tổ chức thì lo, lúc giao thời này bảo vệ Chính phủ các tỉnh hẻo lánh giới tuyến, biên giới Việt Nam không được sơ hở. Và ngay từ bây giờ các Cục cần suy nghĩ về lý luận, lịch sử biên giới và hải đảo của nước ta, kinh nghiệm giữ gìn biên cương hải đảo bờ biển của cha ông ta. Luật pháp của các triều đại xưa bảo vệ đất nước, cách quản lý ngoại kiều và sử dụng người nước ngoài nhập cư của cha ông ta.
- Liệu xây dựng lực lượng vũ trang mà lại đặt bên ngành Công an thì sẽ là quân chủng gì? Có chừng hơn một sư đoàn quân mà lại đứng dàn rải quân ra khắp biên giới, hải đảo, mỗi đồn chừng hơn một trung đội thì... kẻ địch bên kia biên giới nó tập kích theo kiểu "diều hâu bắt gà con" thì đối phó ra sao? Khéo không như Delatua đi tới đâu rải đồn tới đó, ra quân đã lại chiến tranh du kích ta vây diệt. Toàn là vấn đề lý luận cả. Còn vừa làm vừa nghĩ mới trả lời được các vị tướng ở các quân khu.
Có vị quân khu trưởng còn đùa mình rằng: Nghe nói cậu định rải. quân đóng khắp các rẻo biên giới từ biển, hải đảo à! Đừng để quân mình đói mà chạy về quân khu, tớ không trả đâu? Chứ lo gả chồng cho con nó đói chạy về nhà bố mẹ nào nỡ đuổi con đi! Các vợ sếp dọa ghê lắm!
Mình trả lời: - Không phải một mình tớ. Chẳng tỉnh uỷ nào để lính gác cổng đói đâu mà cậu lo!
Giữa lúc ấy chị Tuệ đã mang bát đũa và bưng bánh canh lên, bày trên bàn và bảo anh:
- Hãy ngừng làm việc, ăn cho nóng đã.
Anh Tuệ vui vẻ mở nút mấy chai vang và rót rượu ra chén mời anh em nâng cốc, chúc cuộc họp mặt vui vẻ. Mọi người đang vui vẻ chạm cốc thì chợt có một đồng chí thiếu tá bước vào.
Anh chào to: "Chào anh chị Tuệ" - Đi ngoài đường đã ngửi thấy mùi bánh canh Cần Thơ, nỡ nào bỏ quên thằng em út này.
Nhìn ra, anh Tuệ chạy vội tới nắm tay lôi vào bàn ăn và vui vẻ giới thiệu: Đây là đồng chí Thắng - người gốc Hưng Yên nghèo đói các cụ bán cho một vị trưởng tộc Dao ở Bắc Sơn - nên thành người Dao, lại là trưởng họ to lắm, nên trong Nam thường gọi Thắng Mán tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn bị Pháp bắt, án tù 10 năm nên cùng tù Sơn La và Côn Đảo với mình. Sau cùng về quân khu 8, khu 9 với mình. Thắng là tiểu đoàn trưởng, những ngày đầu Thắng về khu với mình ít khi xa nhau.
Chị Tuệ đã mang bát đũa tới trước anh Thắng. Anh Tuệ rót rượu mời Thắng. Anh Thắng nâng cốc chúc mừng -anh chị -Tuệ và anh em. Tôi để ý thấy anh Thắng đeo huân chương Quân công hạng ba - thời kháng chiến chống Pháp mà Quân công hạng ba là ghê gớm lắm.
Anh Thắng chạm cốc rồi nói to: "Xin phép anh chị Tuệ cho tôi kể câu chuyện vui - vì cái lần tôi ghen với chị Tuệ, không nói ra nó ấm ức lắm".
Chị Tuệ ngẩn người, chú Thắng có vợ là nữ trinh sát đấy, mà chú lại ghen với tôi!
Thắng phá lên cười rồi nói oang oang:
- Tôi là đàn ông là tiểu đoàn trưởng đánh có hạng mà tôi lại ghen với chị mới hay chứ! Số là thế này: Từ 1941 tôi bị đi tù Sơn La cùng anh Tuệ. Nó thấy tôi còn trẻ, lại là Mán ngớ ngẩn cho nên nó còng tay tôi với anh Tuệ để cho vị thường vụ xứ uỷ Bắc Kỳ có chạy cũng vướng ngay anh Mán ngớ ngẩn này khó thoát được từ Hà Nội đi Sơn La, lại từ Sơn La đi Côn Đảo, ăn có nhau, ngủ có nhau. Kể cả đại, tiểu tiện đều có nhau, về Ban bệ khi anh Tuệ ở khu 8, khu 9, khu 7 đều có nhau. Thế mà chị lại giằng anh Tuệ của tôi. Chả biết các cô gái bị mất chồng hay mất người yêu như thế nào! Chứ tôi cũng đau như thế hoặc hơn thế! Hôm anh chị tân hôn trên một con thuyền ở Hậu Giang tôi với tổ bảo vệ ở con thuyền gần đó tôi buồn như thế nào không. Vừa lo chị bảo vệ anh ấy thế nào! Tối đến trà nước, đóng cửa, cơm cháo ra sao! Cả đêm không ngủ, sáng ra thấy anh chị dậy, ông ấy khỏe mạnh múc nước sông tắm giặt tôi mới yên tâm. Qua tuần lễ tôi mới nhận ra: Cái khoản giặt gấp quần áo, chăm sóc cơm nước thủ trưởng chị hơn đứt mình mà bắn súng ngắn của đội nữ trinh sát Cần Thơ hơn hẳn anh chàng Mán này! Rồi từ khi thủ trưởng Tuệ cưới vợ cho tôi, tôi cũng quên luôn cái thú ngủ chung với thủ trưởng mà dăm bảy năm, tay xích, chân xiềng cơm nắm chia đôi hạt vừng xẻ nửa.
Chị Tuệ phá lên cười:
- Thế còn ghen nữa không?
- Từ khi anh chị có các cháu, tôi cũng có vợ con thì ai lo gia đình nấy! Cái lẽ đời nó thế mà! Nay tôi không lại xin việc anh đâu? Nhưng cơ quan thanh tra, tôi ít chữ, không dám xin theo. Nay anh xây dựng lực lượng mới, hãy nhặt thằng Thắng này đi, được không?
- Được chứ! Nhưng chú phải ra chỉ huy đơn vị không ở gần tôi được đâu? Anh Tuệ nói rồi nhìn tôi.
Tôi hiểu ý liền trả lời:
- Về Lạng Sơn hay Thái Nguyên chắc vừa lòng anh Thắng!
Thiếu tá Thắng reo lên:
- Tốt quá! Vừa làm tốt việc cách mạng, vừa làm tốt cái vị trí trưởng họ Mán của tôi rồi.
Anh Tuệ rót thêm cho đồng chí Thắng chén rượu nữa và bảo: - Mọi việc phải chờ quyết định của Cục trưởng cán bộ đã, ít nhất hàng tháng mới có quyết định, đừng nóng vội nhé và ở đơn vị phải gương mẫu, không được rượu chè liên miên.
Đồng chí Thắng vội vã nói:
- Dạ, dạ công việc giấy tờ Thắng biết nó còn lôi thôi lắm đâu có như đánh giặc. Ra lệnh miệng, là xong. Đã chúc thì em phải cố, rượu xin nốt chén này.
Sau buổi gặp gỡ thân mật ấy, Bộ Chính trị ra nghị quyết 58-BTL. Trung đoàn 600 trung đoàn bảo vệ Trung ương Đảng và Chính phủ cũng được tổ chức lại. Tiểu đoàn 144 được chuyển lại cho Bộ Tổng tham mưu và đoàn quân nhạc, đoàn danh dự được chuyển cho Lữ đoàn 350. Tiểu đoàn 12 thành tiểu đoàn cơ động của Bộ Tư lệnh. Còn Trung đoàn 600 tổ chức gọn lại thành Lữ đoàn nhỏ 600 ngày nay.
Anh em trung đoàn bảo vệ tổ chức chào mừng Ban chỉ huy trung đoàn mới và tiễn tôi về Cục Chính trị. Buổi tiễn đưa tổ chức khá rôm rả vì mời tất cả cán bộ các tiểu đoàn và các đại đội trực thuộc đều về dự, nên chỉ huy các đơn vị từ Đá Chông, Tam Đảo, Đồ Sơn, Bãi Cháy đều về dự nhân dịp để anh em chỉ huy trung đoàn cũng được gặp cán bộ cấp Cục mới thành lập. Tôi điện thoại mời các đồng chí Huỳnh Thủ, Nguyễn Hoàn, Ngô Kiếm cùng tới dự. Hồi ấy mạng lưới điện thoại chưa mắc phân biệt từng máy nên gọi Cục thì Bộ Tư lệnh cũng nghe. Nên khi các đồng chí cấp Cục đều vui vẻ nhận lời, chợt có tiếng anh Tuệ hỏi tôi:
- Sao cậu không mời tớ?
Nghe tiếng anh Tuệ tôi ngạc nhiên hỏi:
- Tại các anh em làm thịt chó, tôi tưởng anh là tướng, phải mời những món long trọng. Đây chỉ là liên hoan của dân nhậu nhẹt đâu dám mời anh.
- Tướng nhưng là tướng việt Nam nhé! Liên hoan thịt chó mà "quên mình thì là các cậu không coi mình là bồ bịch rồi đấy nhé!
- Được thế thì xin mời anh, chị và các cháu!
- Thế cậu có thể phần được hai mâm không?
- Dạ khoảng mười bốn tới mười sáu người ạ!
- Thế này nhé, có cần mình cử chuyên gia tới không?
- Không ạ! Vì chuyên gia ở đây chuyên nấu cho các thượng khách để Bác tiếp khách kia mà!
- Thế thì tốt rồi! Cậu tiếp cánh hẩu của cậu trước đi nhưng ăn qua loa còn phải tiếp khách lúc mười hai giờ mà cậu là chủ đấy nhé, mình cũng chỉ là khách thôi. Kê bàn ghế mười sáu người ngồi chung một bàn thôi. Không khí là gia đình thân mật nhưng rất nghiêm túc và thoải mái nhé!
Tôi vâng lời nhưng chưa rõ khách nào, anh Tuệ phải dặn kỹ vậy? Nhưng qua buổi tiếp xúc ở nhà anh tôi đã hiểu phong cách của vị Tư lệnh của mình.
Mười một giờ chúng tôi liên hoan chia tay và chúc mừng nhau gắng sức hoàn thành nhiệm vụ mới vừa xong. Đúng mười một giờ ba mươi, hai chiếc xe Volga bóng loáng từ từ vào sân trung đoàn, xe trước anh chị Tuệ bước ra và một số cán bộ mặc thường phục cũng ra. Tôi chạy lại chúc mừng các anh. Anh ra hiệu quay lại đón khách xe sau. Xe sau cửa vừa mở thì anh Văn, chị Hà và các đồng chí thư ký, bảo vệ cùng bước ra. Chúng tôi mời anh chị Văn, anh chị Tuệ vào bàn ăn ngay. Anh Văn vừa cười, vừa vỗ vai tôi vừa nói:
- Nghe anh Tuệ nói: Các cậu có chuyên gia về mộc tồn nên chúng mình tới thưởng thức đấy!
- Dạ, xin các anh kiểm tra rồi cho ý kiến ạ! Chuyên gia của trung đoàn được anh Phạm Hùng tín nhiệm lắm, mỗi khi cần đều gọi cả ạ! Mấy cán bộ ở bên Thống nhất Trung ương mỉm cười nhìn nhau.
Anh Tuệ với các anh cùng đi, khi nói tới anh Phạm Hùng đều nhìn nhau vỗ vai thích thú.
Sau khi nâng cốc chúc mừng sức khỏe các anh chị, anh Văn bỗng hỏi:
- Này các cậu huấn luyện kiểu gì mà bữa nọ mình cùng anh Tạ Quang Bửu được Bác gọi vào làm việc, anh Bửu quên không mang giấy triệu tập, mình bảo lãnh, các cậu gác vẫn không cho vào. Mình phải hỏi:
- Các đồng chí có biết tôi không?
- Dạ biết ạ?
- Tôi ra lệnh có chấp hành không?
- Dạ chấp hành ạ!
- Tôi ra lệnh để tôi đưa đồng chí Bửu vào!
- Dạ có quy định của cấp cao hơn Đại tướng ạ. Đại tướng có giấy mời xin cứ vào gặp Bác. Rồi Bác sẽ cho người ra đưa đồng chí Tạ Quang Bửu vào sau ạ!
Mình phải vào báo cáo với Bác, cho Vũ Kỳ ra đón anh Bửu vào đấy! Tôi đã biết chuyện này nên đành báo cáo lại một chuyện: Có một hội nghị Bộ Chính trị mà trong cuộc họp ấy ai có giấy triệu tập mới được tham dự. Anh Trường Chinh tới, đồng chí đốc gác là một trung uý trung đội trưởng đang xem giấy. Đồng chí đại uý đại đội trưởng ra nhắc đồng chí trung đội trưởng là anh Trường Chinh sao lại còn xem giấy! Anh Trường Chinh vào hội nghị rồi, gọi Trung đoàn trưởng lại yêu cầu cách chức Đại đội trưởng và đề bạt Trung đội trưởng lên thay, từ đấy anh em chấp hành nghiêm chỉnh lắm nên đôi khi cũng hơi máy móc xin anh thông cảm cho.
Anh Văn cười: - Té ra vậy, mình không biết có chuyện này. Thế rồi cậu đại đội trưởng ấy ra sao?
- Dạ cũng phải hạ mất một năm. Sau báo cáo lại với anh Trường Chinh cho phục chức rồi ạ!
Anh Văn khen: - Tốt. Việc tuy nhỏ nhưng cũng cần thông báo để các thủ trưởng các ngành biết. Nguyên tắc như vậy mọi người phải chấp hành. Bảo vệ Bác có riêng các cậu đâu!
Lần đầu cán bộ trung đoàn được ăn cơm thân mật với đồng chí Tổng Tư lệnh nên không khí dù thân mật mấy cũng không tránh khỏi sự e dè gìn giữ.
Anh Văn hỏi anh Tuệ: Sang công tác ở Bộ Công an thế nào? Đã mệt về các danh từ mới nào đặc tình, thái khiển nào trinh sát ngoại tuyến, nội tuyến chưa?
- Dạ, công tác ở Bộ Công an sang Bộ Tư lệnh Biên phòng cũng mệt với tên người, tên đất những Leng Xu Xìn, Ma Lù thàng... quả là mệt nhưng làm cách mạng Đảng giao gì thì phải ra sức mà làm thôi. Khó mấy cũng không thể từ.
- Thế hôm gặp Bác thì Bác bảo sao?
Cụ hỏi: - Chú đã biết biên giới sao lại nơi nhô ra nơi lõm vào là thế nào?
Tôi đành báo cáo là chưa kịp nghiên cứu.
Bác bảo:
- Biên đảo của ta, biên giới của ta Tây nó vẽ hộ mà khi nó vẽ thì nó đâu có biết đất nước mình thế-nào đâu?
- Vì thế, nay ta phải sưu tầm chứng cứ đường biên giới của Việt Nam qua các thời đại. Kể cả các hải đảo và đường phân tuyến trên biển. Nên nhớ nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới giữa nước này với nước khác đều từ tranh chấp các nguồn lợi ở biên giới, hải đảo mà ra. Chứng cớ là gì? Ngoài cột mốc biên giới mà các tài liệu lịch sử của nước ta và nước ngoài như tài liệu của Trung Quốc, của Pháp, của Thái Lan, và các nước gần ta. Đình, chùa, sắc phong thần, văn tự về ruộng đất của các đời xưa v.v...
Bác lại hỏi:
- Chú có biết các tướng giữ biên giới giỏi là những vị nào không?
Tôi cũng mang máng nhớ được mấy vị liền trả lời:
- Thưa có Trần Nhật Duật và Trần Quốc Tảng.
Bác bảo:
- Đó là các tướng nhà Trần, nên nhớ là từ Ngô Quyền tới Lê Đại Hành sau này Lý Đạo Thành tới Lý Thường Kiệt đều là tướng giữ biên cương rất giỏi.
Phải tìm hiểu quân sự, ngoại giao, dân vận của các vị như Trần Hưng Đạo giả làm nhà sư Trung Quốc vào nói chuyện với sứ thần nhà Nguyên để moi tin từ người Trung Quốc nó nói lộ ý đồ chiến lược của vua Nguyên với ta thì đủ biết tiếng Trung Quốc, Kinh Phật Trần Hưng Đạo giỏi thế nào?
Trinh sát đất Trung Quốc các cụ phải đi rất nhiều mặt. Lê Đại Hành nắm rất chắc đường tiến quân của giặc mới bắt được nguyên soái giặc ở Chi Lăng.
- Nay các chú chọn địa điểm đóng quân phải hiểu xưa các cụ đóng quân, nuôi quân, bố trí thị trấn buôn bán như thế nào? Nên bàn bạc cùng các ngành cùng nhiệm vụ mà liên kết bảo vệ biên giới sao cho bề ngoài thì dễ dàng thuận lợi, bề trong thì nghiêm mật giữ gìn sự tôn nghiêm của đất nước.
Bác lại hỏi:
- Chú có biết các tướng người dân tộc giữ biên giới giỏi là ai không?
- Dạ Lạng Sơn có Thân Cảnh Phúc, Thái Nguyên có Dương Tự Minh, Phú Thọ có Hà Đặc.
- Các vị này đều là tướng đời Lý, Trần. Chú nên nghiên cứu các tướng đời Lê, Trịnh sau này như Nguyễn Ngọc Thoại ngọc hầu đào kênh Vĩnh Tế. Tướng Mạc Cửu giữ Hà Tiên, tướng quân Hoàng Công Chất giữ Điện Biên Phủ không phải chỉ các tướng mà còn xem các cụ ngoại giao gìn giữ đất nước. Việc mở mang buôn bán các đời. Rồi sóng ngầm, động đất, dịch bệnh gây tác hại biên giới. Các quan giỏi cùng dân chống thiên tai địch hoạ ra sao?
Nghe Bác hỏi và dạy bảo, vừa mừng, vừa lo phải vội ghi vào nhật ký để vừa làm vừa học.
Anh Văn lặng lẽ nghe anh Tuệ trình bày. Sau đó mới bảo:
- Quốc phòng có bao nhiêu tướng mà Bác chọn anh, Trung ương, Quân uỷ chọn anh là chọn mặt gửi vàng đấy chứ!
- Nếu Bác hay anh giao cho tôi một quân khu tôi không ngại gì. Nhưng giao việc này mới quá nên rất lo.
Xin anh cho phép lúc nào bí quá gõ cửa mong anh chỉ bảo. Có việc trước mắt, Bác giao tôi vẽ lại hình ảnh anh Hoàng Văn Thụ bằng trí nhớ. Hàng tuần sau đưa vào Bác sẽ tham gia. Bác. bảo:
- Chú là thợ vẽ truyền thần. Tôi là tay sửa ảnh mời thêm các chủ đã làm việc với đồng chí Hoàng Văn Thụ tham gia nhất định ba tháng sẽ vẽ xong. Tôi phác thảo xong xin mang lại để anh góp ý.
Anh Văn xúc động im lặng giờ lâu mới nói:
- Bác còn giao anh những việc cụ thể như vậy ư? Tôi vẫn có thể hình dung ra được khuôn mặt, hình ảnh của anh Hoàng Văn Thụ. Khi nào anh vẽ xong để Bác góp ý nên mời cả anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng lại góp ý luôn. Anh nắm tay anh Tuệ thật chặt. Anh Văn lại hỏi Bác còn dặn gì nữa không?
Anh Tuệ chậm rãi nói: Bác bảo xác định rõ biên giới rồi thì núi rừng núi bạc của người ta cũng không ham, nhưng bãi cát bãi đá của ta cũng phải ra sức mà gìn giữ. Vì đó là xương máu của cha ông.
Anh Văn gật đầu nói: Đó là châm ngôn của chúng ta về biên giới. Đúng là phải có lực lượng chuyên trách.
Bữa ăn cũng vừa xong. Anh Văn đứng dậy ra về, chúng tôi theo ra xe quyến luyến tiễn Đại tướng, người anh cả, người thầy tưởng không sao dứt được! Anh Tuệ cũng lại gần anh Văn nói:
- Anh coi cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn đều là học trò của anh, người chiến sĩ cận vệ của anh cả. Thời bình phải tách ra để cho các binh quân chủng chủ lực thuận tiện việc tổ chức huấn luyện tiến lên chính quy hiện đại. Thời chiến tất nhiên phải tập trung trong tay một Tổng tư lệnh.
Anh Văn vui vẻ bắt tay anh Tuệ, Ban chỉ huy trung đoàn và nói về bữa cơm thân mật nhưng lại có nhiều trao đổi rất hay.
Nhìn theo xe anh Văn lướt nhanh trên phố Ngọc Hà, anh Tuệ nhìn tôi nói:
Thế là trong mấy năm mà cậu đã từ Quốc phòng sang Công an lại về Quốc phòng rồi nay lại sang Công an hai lần rồi phải không?
- Dạ đúng ạ! Tháng 8 năm 1953 sang xây dựng đoàn 600. Hồi ấy đề phòng địch tập kích căn cứ địa bằng đường không Bác cho phép Bộ Quốc phòng xây dựng đơn vị bảo vệ không được phép tới một trung đoàn, nhưng trên một tiểu đoàn, có khả năng phòng không và chiến đấu với một trung đoàn địch. Vì vậy có đơn vị phòng không khá mạnh. Và đoàn 600 trang bị hoàn toàn tiểu liên, thông tin tốt ở từng tiểu đội, đại đội có cối 81. Chỉ huy phải trên một cấp nên có 600 quân mà chỉ huy là cấp trung đoàn. Khi tiếp quản thủ đô thành lập đại đoàn 350, trung đoàn 600 trở thành trung đoàn mạnh có 4 tiểu đoàn bảo vệ và một tiểu đoàn cơ động. Còn đoàn danh dự và tiểu đoàn quân nhạc. Còn các đại đội trinh sát, thông tin, công binh không kể. Nay lại về Bộ Công an và tổ chức lại cho phù hợp.
Anh Tuệ tủm tỉm cười: Vì sự thay đổi tổ chức cho phù hợp tình hình là cái lý, nhưng còn cư xử làm sao cho đẹp đời còn là cái tình. Bữa nay cảm ơn anh em đã giúp Bộ Tư lệnh xây dựng cái tình cho đẹp. Chúng ta được Bộ Quốc phòng lập ra như cô con gái ấy. Sang Bộ Công an như cô gái đi lấy chồng. Song cuộc hôn nhân này chuẩn bị nhanh quá. Nên cặp trai gái này tìm hiểu nhau chưa chín đã ép gả. Ta phải liệu mà ăn ở cho đẹp đôi bề.
Tôi từng xây dựng nhiều đơn vị vào lúc khó khăn từ trung đội tới đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn. Song đều ở cơ sở nay tôi mới nhìn ra những cái khó khăn mà đồng chí Tư lệnh trưởng đây phải khéo léo đưa con tàu vào bến.
Sau đó ít ngày Bộ Chính trị ra Nghị quyết 58 BCT và rồi ngày thành lập lực lượng được tổ chức. Bác tới dự và tặng bài thơ "Đoàn kết, cảnh giác". Thời gian tuy ngắn nhưng lời dạy của Bác đã thành sức mạnh cho toàn lực lượng mãi mãi bền vững.
Tiễn Bác ra về, Bác dặn anh Tuệ:
- Thời gian có ít, Bác nói ngắn. Các chú phải liệu mà tán ra. Thơ hay là do các chú tán ra. Chú Tuệ chắc là người tán khéo rồi!
Sau buổi lễ thành lập anh đã cho cán bộ đi các quân khu nhận bàn giao và lo liệu việc tổ chức lực lượng đóng các đồn ở biên cương, giới tuyến, hải đảo. Anh Huỳnh Thủ đi Tây Bắc tả ngạn, anh Tuệ trực tiếp đi Việt Bắc. Tôi đi Hữu ngạn và khu IV, nhân tiện vào thẳng Vĩnh Linh. Thấy vất vả, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các tỉnh, ở Hữu ngạn và khu IV khá mạnh. Các đồng chí quân khu trưởng tuyên bố: Cán bộ loại I - khá tốt chúng tôi rút lại, loại 4, 5 chúng tôi cũng rút và giao các anh, các anh không biết nên không quản được chúng tôi mang tiếng. Rút loại I các anh đừng lo, con chị nó đi con dì nó lớn. Sau khi nhận bàn giao xong và báo cáo với các tỉnh uỷ, các đồng chí đều hết sức chăm lo cho biên phòng nên việc đói là không lo.
Anh Tuệ đã đề nghị Bộ Chính trị chuyển từ Cảnh vệ sang Công an nhân dân vũ trang, anh mời hoạ sĩ vẽ quân hàm, quân hiệu mới. Kể cả biển số hiệu xe và tàu thuyền. Đồng thời xin viện trợ về chó nghiệp vụ của Liên Xô và Đức, ngựa của Mông cổ và các trường dạy chó ở Suối Hai, ngựa ở Hoà Bình.
Các chuyên gia về thú của Liên Xô cũ và chuyên gia Mông Cổ về ngựa cùng đến một lúc. Họ đều là các cán bộ ưu tú của các nước bạn.
Bác trực tiếp bàn bạc với anh Tuệ về tên Công an nhân dân vũ trang. Và duyệt bản vẽ quân hàm, quân hiệu. Buổi đầu thông tin vô tuyến còn khó khăn.
Anh cho nuôi cả bồ câu mang thư. Sau này chim bồ câu hay bị chim cắt đánh bất đành phải bỏ. Anh rất tiếc.
Sau một năm chuẩn bị đối phó với chiến tranh phá hoại, anh chuyển về Bộ Giao thông. Thỉnh thoảng vẫn gọi chúng tôi sang chơi và hỏi thăm tình hình của lực lượng và sự trưởng thành của các cán bộ mà anh từng sử dụng.
Anh Phan Trọng Tuệ chỉ ở lực lượng trong một năm nhưng tổ chức Đảng, anh thành lập vẫn là gốc của hiện nay, những người học trò, đàn em của anh chưa bao giờ quên anh. Hình ảnh đồng chí Xứ uỷ viên Bắc Kỳ, Nam Kỳ, đồng chí Tư lệnh trưởng kiêm Chính uỷ luôn sống động trong Bộ đội biên phòng.
Hồi ký của NGỌC CHÂU
(Nguyên Cục trưởng Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng)