I
Mặt trời từ từ nhô khỏi mặt sóng - chân trời xanh thắm - xa xa những cánh buồm và tâu máy đi lại.
Toàn cảnh Cô Tô hiện ra, xa trông như một chiếc bát khổng lồ. Những dãy núi đá cao nổi lên như bức tường thành chắn sóng.
Sóng từ biển Đông ào ạt vỗ vào vách đá. Phố Cô Tô nổi trên vịnh Cô Tô, bãi cát vàng nhận sóng vỗ nhịp.
Huyện đảo, khách sạn Huổi nay sáng ngời mái ngói đỏ.
Đồn Biên phòng phấp phới bóng cờ sao, các chiên sĩ rộn ràng chuẩn bị tới chân tượng Bác để làm lễ báo công trước Bác, và nghe những cán bộ trước đây 40 năm ra thăm đảo kể chuyện về Bác ra thăm đảo và cho dựng tượng Người tại Cô Tô.
Phía sân đảo Cô Tô lớn là một vịnh nhỏ. Sóng nước yên lặng, xanh thắm. Đảo Cô Tô con, êm ả trong buổi sáng.
II
Các cán bộ, chiến sĩ của đồn, và một vài cán bộ, thanh thiếu niên của huyện Cô Tô đứng hàng chữ u trước tượng Bác. Trong đội ngũ ấy có ba chiến sĩ cựu chiến binh, mái đầu đã bạc.
Đồn trưởng thắp hương, rồi giới thiệu một cựu chiến binh xưa đã từng được đón Bác ra Cô Tô, kể chuyện về ngày Bác ra thăm đảo Cô Tô.
Một cựu chiến binh chừng 70 tuổi, quân phục đã bạc màu, cảm động đứng trước hàng quân kể lại chuyện 40 năm đã qua:
... Bác chúng ta rất khiêm tốn nên nhiều nơi, ngay cả Thủ đô xin được dựng tượng Bác nhưng Người đều từ chối. Song Cô Tô, Bác ra thăm có một lần, nhưng nhân dân xin được dựng tượng Người, Bác đồng ý ngay, do đó tượng Bác ở Cô Tô là tượng đài đầu tiên. Đó là vinh dự nhưng cũng là ý nghĩa sâu xa. Vì khi có một nhà ngoại giao nước ngoài tuyên bố: "Cô Tô thuộc phạm vi lãnh hải của họ" nhưng họ chỉ tuyên bố có một lần.
Vì vậy chúng ta cần hiểu rõ: Truyện được kể bằng hình ảnh: Khoảng hơn 9 giờ sáng... trực thăng từ từ đỗ xuống bãi. Đồng chí Hoàng Chính, Bí thư tỉnh uỷ, người thanh cao, nước da trắng chừng 40 tuổi đã cùng đồng chí Chim Chím người nhỏ nhắn, nước da đen ngâm, dáng nhanh nhẹn cùng một số cán bộ trong Đảng uỷ, đồn Biên phòng, đại biểu nhân dân ra đón Bác.
Bác từ trên máy bay trực thăng bước xuống, anh Phạm Kiệt và vài cán bộ của Chủ tịch phủ cùng theo sau.
Bác vui vẻ bắt tay mọi người rồi khoác tay đồng chí Hoàng Chính, vừa đi, vừa nói:
- Thời gian có hạn, ta vừa đi, các chú vừa giới thiệu, vừa xem cảnh vật có được không?
- Dạ, anh Hoàng Chính liền giới thiệu Chim Chím, Bí thư Đảng uỷ và Đại uý đồn trưởng Biên phòng.
Đồng chí Chim Chím nhanh nhẹn đi lên trước dẫn đường.
- Xin mời Bác về nhà khách nghỉ một chút, chúng cháu được báo cáo rồi sẽ đi thăm đảo.
- Chúng ta đều là chủ cả, có ai là khách đâu, mà chú mời về nhà khách. Bác đã bảo vừa đi vừa trao đổi công việc.
Chim Chím nhanh nhẹn báo cáo:
- Thưa Bác, Cô Tô là một quần đảo. Đảo Cô Tô lớn như một cái bát khổng lồ. Rộng chừng bốn cây số vuông. Núi đá cao phía Đông Bắc. Còn phía Tây Nam là bãi cát. Phía Bắc có vịnh rộng cách chừng hai cây số là đảo Cô Tô con, rộng chừng một cây số vuông và là đất sỏi. Vịnh giữa Cô Tô lớn và Cô Tô con sóng êm nước không sâu lắm nên ngọc trai tụ hội sinh con đẻ cháu nhiều lắm! Mỗi mét vuông có hai, ba chục con. Còn một số đảo khác là núi đá, có chim yến bay về, nhưng chúng chưa làm tổ.
Trước đây người Cô Tô khai thác ngọc tự nhiên nên đẹp và quý lắm. Nay có trại nuôi cấy ngọc trai. Mỗi năm cũng được vài tạ. Ngoài ra cá mục, thu, nhụ, đé, hải sâm rất sẵn. Còn có đồi mồi, trước đây có bào ngư, nhưng nay chỉ có Bạch Long Vỹ mới có...
Bác ngắt lời Chim Chím hỏi:
- Chú cho biết nhân dân thế nào? Sản xuất ra sao?
- Đã có trên 6.000 người, đa số người Hoa từ Phòng Thành ra. Nghề cá chừng 1.5:00 người, làm ruộng chừng 1.000 người, còn làm muối trên trăm. Nuôi trai lấy ngọc 100. Vận tải chừng 60 người. Còn đâu là người già, trẻ em tới một nửa...
Bác cười:
- Chú Chim Chím báo cáo toàn con số tròn...
- Dạ Chim Chím không nhớ con số lẻ đâu, nhưng vào nhà nào Chim Chím biết tên, và ai mới đến Chim Chím biết ngay...
Đồng chí Hoàng Chính bổ sung:
- Đồng chí Chim Chím là cơ sở của đồng chí Lý Ban từ trước năm 1945. Đôi lần đồng chí Lý Ban đã qua lại Cô Tô và khi đồng chí Trang Điền - Tư lệnh Hải Nam thời chống Nhật, Tưởng, trở về Quảng Đông cũng do đồng chí Chim Chím đưa.
Bác gật đầu khen:
- Có một cán bộ hoạt động lâu ở đảo là rất tốt.
Bác bảo Chim Chím đưa vào một số nhà dân. Chim Chím nói:
- Thưa Bác lúc này họ đi biển, làm đồng, trẻ em đi học, nhà không có ai đâu?
Bác lại hỏi:
- Dân trước đây sống thế nào? Quân Pháp đóng ở đây ra sao?
- Đảo ở đây chỉ có sòng bạc, chủ cá là giàu thôi! Một ít người buôn cũng tàm tạm. Còn dân đánh cá làm ruộng, nghèo đói lắm. Lấy cá thay cơm. Gạo, ngô nhiều lúc chỉ dành cho người ốm, trẻ em, người già thôi. Chim Chím có lúc ăn cá thay cơm nên chim, thu cũng chả ngon!
Mọi người cười vang.
- Sau khi giải phóng quân Nam Hạ. Ta giải phóng Hải Phòng, Hải Ninh thì những người giàu ở Cô Tô lại kéo nhau đi Sài Gòn, Tân-Gia-Ba. Dân Phòng Thành lại chạy ra rất đông! Đa số là dân lao động, nhưng không hiểu cách mạng, sợ cách mạng lắm! Nhất là sợ cách mạng Trung Quốc. Còn với cách mạng Việt Nam thì cũng không hãi đâu? Ngừng một lát Chim Chím tiếp:
- Ở đây dân vẫn nói tiếng Quảng Đông. Một ít biết tiếng Việt, đủ để bán cá thôi.
Bác quay hỏi đồn trưởng:
- Chú đã học tiếng địa phương chưa?
- Dạ nói tàm tạm thôi! Cháu mới ra đảo được một năm.
Đồn trưởng nói xong, cảm thấy như có lỗi cúi xuống.
Chim Chím đỡ lời:
- Đồng chí đồn trưởng đọc nhanh lắm! Đã giải thích với dân bằng tiếng Quảng Đông rồi đấy ạ.
- Vậy các sĩ quan và chiến sĩ nói được chưa?
- Dạ đa số là con em các dân tộc Hải Ninh nên nói tiếng Việt, hay tiếng địa phương đều tốt cả.
Bác tỏ ý hài lòng. Người cùng các cán bộ qua thăm cánh đồng muối.
Đồng chí Hoàng Chính:
- Thưa Bác độ nước mặn ở đây rất cao, nên ruộng muối không nhiều, nhưng lượng muối đủ dùng nghề cá. Còn đưa vào đất liền bán ở Tiên Yên. Ngược lên Lạng Sơn. Sau này làm muối công nghiệp chắc là tốt.
Bác nhìn toàn cảnh Cô Tô vẻ suy nghĩ rồi hỏi anh Hoàng Chính:
- Nước ngọt ở đảo có thiếu không?
- Dạ đặc biệt nước ngọt ở Cô Tô rất nhiều và rất tốt. Ngay bãi biển, đào ngay ở bãi cát là có nước ngọt rồi!
Bác vỗ vai Chim Chím nói:
- Thật là thiên nhiên ưu đãi Cô Tô nhiều mặt rồi đó.
Nhìn những cánh chim bay rồi đậu trên núi đá, Bác hỏi:
- Núi đá nhiều, có yến không?
- Dạ chỉ có đảo Trần là dãy núi đá giáp Bắc Hải Trung Quốc mới có chim yến làm tổ. Gần đây có biển Cô Tô yên bình, chim yến bắt đầu ra làm tổ ở các núi đá quanh Cô Tô. Hy vọng sẽ có chim yến. Đất lành chim đậu mà!
Cả đoàn theo Bác về trụ sở của Đảo uỷ. Bác bảo anh Phạm Kiệt mở bản đồ vùng Biển Đông ra xem và hỏi:
- Tình hình an ninh trên đảo và ngoài khơi thế nào?
Anh Phạm Kiệt lúc ấy nói:
- Dạ hải phỉ vùng này trước kia có nhiều nhưng từ khi ta giải phóng. Hải quân ta tuần tiễu nên cũng bớt ạ.
Chim Chím cười xoà:
- Thưa Bác, nhiều người già ở đảo, xưa đều là cướp biển đấy! Nay con cháu đều đi đánh cá biển cả rồi. Còn an ninh trên đảo thì khá tốt.
III
Cơm trưa
Phòng khách của Đảo uỷ - mấy chiếc bàn dài dãy ghế tựa hai bên. Mỗi bàn có bình hoa. Trên lọ hoa có ít bông hồng, nhiều hoa sim, hoa mua.
Trên vách có cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ.
Bác ngồi giữa, Bác dìu Chim Chím ngồi cạnh, hai bên là đồn trưởng Biên phòng rồi tới đồng chí Phạm Kiệt. Đồng chí Hoàng Chính. Các đồng chí khác chia nhau ngồi quanh, chừng vài chục người.
Thức ăn đưa lên là mỗi bàn có những đĩa cá thu luộc thật to, nước mắm ngon, rau húng thơm, mùi tầu...
Chim Chím rót rượu.
Bác chủ động đứng lên. nâng cốc nói:
- Ta chúc rượu một chút cho vui, ăn xong còn làm việc, không nên uống nhiều trên đảo, uống nhiều, dễ cảm.
Mọi người hiểu ý Bác, vâng lời.
Các thức ăn Bác đã chuẩn bị sẵn đưa từ trên máy bay trực thăng lại, gồm xôi, thịt gà, chuối.
Bác gắp cá cho anh Phạm Kiệt, Hoàng Chính, rồi gắp. thịt gà cho Chim Chím, và bảo:
- Chú quen ăn cá nhiều giờ ăn thịt gà sẽ thấy rất ngon. Và nên hô hào dân ở đây nuôi nhiều gà, lợn vào để đổi món.
Bàn tiệc đổi món, sau cá luộc là cá nướng, rồi cá rán, cá nấu măng.
Bác hỏi:
- Các chú định thết bao nhiêu món cá?
Chim Chím:
- Dạ ở đảo cá là cơm, còn cơm là cá ạ!
Cả bàn ăn vang tiếng cười.
Tiệc tan Bác chia chuối cho mọi người.
*
Cơm xong mọi người ra ngoài, để Bác làm việc riêng với anh Hoàng Chính, Phạm Kiệt.
Anh Phạm Kiệt trải bản đồ vùng Đông Bắc ra để Bác xem lại tuyến đảo Đông Bắc, Bái Tử Long và Hạ Long. Quần đảo Cô Tô một nhóm đảo như lạc khỏi quần đảo Hạ Long, Bái Tử Long.
Bác hỏi anh Hoàng Chính:
- Pháp trước đây đóng quân ở đây bao nhiêu?
- Bình thường là một đại đội thiếu. Có một thuyền máy vượt biển có lúc lên tới một đại đội tăng cường và có thêm hai khẩu pháo trăm linh năm, và vài pháo hạm tuần tra quanh biển.
Bác nhắc:
- Chú Hoàng Chính phải làm trong Tỉnh uỷ và ủy ban, trước mắt là sản xuất sao cho tốt. Nhưng phải tính khi chiến sự xảy ra, Cô Tô sẽ là một pháo đài bảo vệ miền biển Đông Bắc và cũng là điểm tựa cho con đường thuỷ vào Nam, ra Bắc, đi quốc tế... của ta trên biển.
- Chú Phạm Kiệt nên báo cáo với chú Văn, cần ra nghiên cứu Cô Tô mọi mặt. Thời bình, thời chiến, công thủ cho trọn vẹn.
Hai đồng chí đều vâng.
IV
Trưa Bác không nghỉ, Bác cùng đồng chí Hoàng Chính, Phạm Kiệt, Chim Chím, đồn trưởng sang thăm Cô Tô con bằng canô.
Chiếc canô chở Bác đi trong vịnh.
Chim Chím chỉ cho Bác thấy các trai ngọc nằm chen chân trong đáy biển, nơi nước nông chừng 3m và chỉ. những bãi đặt các lồng trai ngọc.
Bác vui vẻ nhìn những bãi nuôi thả trai ngọc.
Chim Chím xuýt xoa:
- Bao công phu mới nuôi được một viên trai ngọc, thế mà rất nhiều lồng đến ngày thu hoạch, vẫn bị tàu thuyền ngoài tới trộm mất. Hoặc làm ra ngọc rồi vẫn bị cắp mất có tiếc không?
Bác hỏi:
- Sao họ biết Tông nào mới cấy, Tông nào trai đã có ngọc?
Chim Chím: Ô giám đốc, thầy dạy công nhân đều là người của ta cả mà, người làm, kẻ trộm đều biết nhẵn cả mà! Ta phải tính sao mới tránh được việc "cốc mò, cò ăn".
Bác khen: "Chim Chím làm tham mưu cho đồng chí Hoàng Chính tốt rồi đấy!".
Thuyền đã tới bến. Đồng chí giám đốc cùng công nhân làm ngọc trai ra đón, hô vang khẩu hiệu:
- Hồ Chủ tịch oan xây... (muôn năm).
- Hồ Chủ tịch oan xây...
Bác vào thăm nơi cấy ngọc, nơi dưỡng trai và cấy. Rồi họ kéo những lồng trai ngọc đã cấy thành công để Bác xem.
Sau đó Bác khen ngợi:
- Người Nhật đã làm giàu đất nước họ bằng trai ngọc, ở Trung Quốc cũng đã sản xuất được trai ngọc làm thuốc, làm đồ trang sức. Nay chúng ta bước đầu làm được thế này là rất tốt. Song phải đào tạo được nhiều thợ giỏi để sau này nuôi được ở nhiều nơi.
*
Trên đường trở về khi tới gần máy bay, Chim Chím bỗng chạy lại gần Bác, cầm tay Người khẩn khoản:
- Bác đến bất ngờ quá! Nhân dân đảo nhiều người chưa được thấy Bác, xin Bác cho được dựng tượng Người, để nhân dân trên đảo xa này luôn được thấy Bác.
Bác nhìn đồng chí Hoàng Chính rồi nhẹ nhàng bảo Chim Chím:
- Chú muốn Bác luôn sát cánh cùng dân, và quân trên đảo sản xuất, bảo vệ Cô Tô chứ gì! Bác tán thành đấy.
Anh Hoàng Chính, Chim Chím vui mừng cảm ơn Bác.
Bác vui cười:
- Bác cũng cảm ơn các cháu trong dịp Bác thăm đảo Cô Tô.
Đồng chí Phạm Kiệt lại gần đưa Bác lên máy bay vừa đi, vừa nói:
- Cháu xin thay mặt các chiến sĩ biên phòng cảm ơn Bác luôn cùng chúng cháu hành quân nay lại cùng chúng cháu vững vàng trên đảo xa.
Bác khoác vai đồng chí Phạm Kiệt cùng đi lên máy bay.
Các cán bộ, chiến sĩ Cô Tô nhìn theo máy bay vẫy chào.
*
Trước tượng đài Bác, đồn trưởng bắt tay các chiến sĩ già:
- Cảm ơn đồng chí đã kể lại chuyện "Bác ra thăm Cô Tô". Chúng tôi xin hứa các chiến sĩ Cô Tô luôn ghi nhớ lời Bác, và noi gương các đồng chí bảo vệ đảo Cô Tô anh hùng thời chiến. Chúng tôi sẽ xây dựng Cô Tô ngày nay anh hùng trong thời kinh tế thị trường.
Toàn cảnh Cô Tô trong nắng đẹp.
(Viết theo lời kể của anh PHẠM KIỆT)