Đọc từ đầu tới chương này, bạn đã tìm hiểu về sự đơn giản lẫn phức tạp của chánh niệm. Bạn đã khám phá ra rằng chánh niệm là một loại nhận thức và chúng ta có thể tiếp cận nó vào bất kỳ lúc nào nếu chúng ta áp dụng một chút tập trung. Bạn đã học được nhiều phương pháp rèn luyện và nâng cao nhận biết để đưa vào nó ba đặc điểm quan trọng nhằm biến sự nhận thức bình thường thành chánh niệm: đầu tiên, chỉ tập trung vào khoảnh khắc hiện tại; thứ hai, không phản ứng; và thứ ba, không phê phán. Bạn cũng đã nhận thấy tại sao những hướng dẫn về chánh niệm nghe thì rất dễ nhưng cảm nhận được lại khó hơn. Sau khi đã hiểu rồi, hãy thử nghiệm bằng cách sử dụng mục Tiêu điểm sau đây để xem xét bạn sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ chánh niệm trong những hoàn cảnh nào trong cuộc sống hiện tại của mình.
Tiêu điểm: Nhận diện chánh niệm có thể mang lại lợi ích thế nào
Sống tỉnh thức có thể thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống, nhưng nó cần được tiếp cận tốt nhất theo một cách có mục tiêu và chủ ý. Do vậy, rất đáng để dành một ít thời gian cân nhắc xem chánh niệm có thể hữu ích nhất với bạn trong hoàn cảnh nào của cuộc sống. Đây có thể là những mối quan hệ, sự nghiệp, thời gian nhàn rỗi, mục đích, tài chính, sức khỏe hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác.
Làm thế nào để đưa hành trình của tôi tiến tới?
Với những công cụ được cung cấp trong quyển sách này, bạn đã được trang bị để khởi động cuộc hành trình của mình đến với đời sống tỉnh thức. Nên nhớ rằng không có cách nào là đúng hoàn toàn. Chỉ có cách hữu ích nhất cho bạn vào lúc này mà thôi! Hãy ghi nhớ ba khái niệm sau để giúp bạn đạt được sự tiến bộ: hành động với sự nhận biết, đón nhận những thách thức của cuộc sống và tìm ra cách riêng của mình.
Hành động với sự nhận biết
Khi chọn những bài tập chánh niệm, hoặc đưa ra bất kỳ quyết định nào, hãy chắc chắn rằng bạn hành động với sự nhận biết. Điều này đơn giản có nghĩa là nhận biết những gì bạn đang làm như nó đang là, và lý tưởng nữa là nhận biết ngay cả trước khi bắt đầu hành động. Khi nhận ra được sự thôi thúc muốn nói hoặc di chuyển, việc rèn luyện chánh niệm sẽ giúp bạn hiểu lý do tiềm ẩn của những lời nói/hành động của bản thân. Đáp lại, điều này sẽ cho phép bạn xác định liệu những mục tiêu lớn hơn của bạn có được đáp ứng hay không. Bạn hãy luôn tự hỏi: “Hành động này có phù hợp với mục đích sống của tôi trong thế giới này không?”. Điều này đòi hỏi bạn phải biết và đề ra các mục tiêu, sử dụng những mục tiêu này để hướng dẫn những hành động của mình, đồng thời phản ứng một cách bình tĩnh và tích cực khi bạn nhìn thấy mình đang đi chệch hướng.
Đón nhận những thách thức của cuộc sống
Cuộc sống ném những thách thức vào tất cả chúng ta. Những sự kiện như bệnh tật bất chợt hoặc những sự thay đổi đột ngột thường buộc chúng ta quay trở lại những gì là quan trọng và có thể khiến ta phải đột ngột thay đổi những mục tiêu sống của mình. May thay, mục tiêu thì luôn linh hoạt. Cũng có những thời điểm tự nhiên khi các điều kiện thay đổi khiến việc xét lại những mục tiêu sống là điều bạn nên làm, nhất là khi chúng ta bước vào hoặc ra khỏi những mối quan hệ hoặc công việc, khi trở thành cha mẹ, hoặc khi chúng ta già đi. Bạn có thể định hướng được sự chuyển tiếp tiếp theo trong cuộc đời với sự nhận thức rõ hơn về những mục tiêu sống không? Điều này đảm bảo bạn đang sống thật với chính mình trong lúc này, không phải là một phiên bản của chính mình từ quá khứ hoặc một cái tôi tương lai được tưởng tượng ra.
Ứng phó với khủng hoảng một cách tỉnh thức đòi hỏi chúng ta đào sâu và khám phá mình thật sự là ai. Nó có nghĩa là tận dụng bất kỳ cơ hội học tập nào và không lãng phí năng lượng cho việc thầm ao ước mọi việc sẽ khác đi, cũng như vật lộn để chống lại những trải nghiệm đang có.
Tìm ra con đường riêng cho mình
Như đã khám phá, bạn có thể chọn những cách chính thức hoặc không chính thức để phát triển chánh niệm. Cho dù cách tiếp cận bạn chọn là gì đi nữa, điều quan trong vẫn là tuân theo chu kỳ “khoảnh khắc chánh niệm” bốn bước, để đảm bảo rằng nó được thực hiện một cách hiệu quả và có nhiều thông tin thu thập được.
Với một người nào đó, sống tỉnh thức có thể là một quyết tâm duy trì chánh niệm nhiều hơn trong các hoạt động hằng ngày, chẳng hạn như đi bộ trong thiên nhiên hay hòa mình vào trong những nỗ lực sáng tạo. Với những người khác, đó có thể là một quyết định sử dụng những khoảnh khắc thách thức như là cách rèn luyện sự không phản ứng của mình, chẳng hạn như làm việc bằng chánh niệm với những người hàng xóm khó chịu, hoặc kiểm soát cảm xúc tiêu cực khi gặp những người tài xế vượt ẩu. Việc quyết định tiếp cận những phiền toái hằng ngày bằng chánh niệm, thay vì phản ứng bùng nổ với chúng, chính là sự rèn luyện quan trọng và nó sẽ tiếp sức cho bạn khi những thách thức lớn hơn xảy đến.
Một số người có thể thử nghiệm cách bản thân cảm nhận ra sao khi chọn sống tử tế và từ bi hơn làm mục tiêu chính của mình. Những người này có thể tạo ra một sự khác biệt to lớn khi đi vào một cuộc họp với một đồng nghiệp khó chịu cùng ý định khắc ghi trong đầu là mình sẽ “cởi mở”. Bạn càng thực hành bao nhiêu, bạn sẽ càng thấy nó trở nên dễ dàng bấy nhiêu.
Bạn có thể sẵn sàng cho một lộ trình chuyên tâm hơn, cam kết theo đuổi một khóa học hoặc một chương trình rèn luyện lâu dài. Mức độ đặt ra mục tiêu cũng giúp đảm bảo những nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp.
Tôi có thể mong đợi những gì nếu cứ tiếp tục thực hành?
Thông qua việc không ngừng thực hành chánh niệm, bạn sẽ dần dần trải nghiệm cuộc sống một cách tỉnh thức - có mặt trong hiện tại nhiều hơn, ít phản ứng hơn và cảm thông hơn với bản thân và người khác. Bạn hãy mong rằng mọi việc sẽ thay đổi - đôi khi chuyện đó diễn ra rất đột ngột, đôi khi lại từ từ hoặc chỉ thay đổi rất nhỏ. Hãy kỳ vọng rằng bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên, phấn khích, bị thách thức, thích thú, bối rối và không chắc chắn về những gì đang xảy ra. Khi những cảm giác này xuất hiện, bạn sẽ biết mình đang học tập và đi đúng hướng.
Có mặt nhiều hơn trong hiện tại
Trước tiên, bạn có thể sẽ bị sốc khi khám phá bản thân đã từng bị mất tập trung như thế nào. Khi bạn giảm sự phân tâm xuống và gia tăng khả năng có mặt trong hiện tại lên, sự phong phú của cuộc sống ngay trước mắt bạn có thể tiến triển và rõ ràng hơn.
Việc có mặt trong hiện tại không chỉ cho phép bạn quan tâm kỹ hơn đến bản thân mà còn giúp cho những mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn. Bạn sẽ nhìn thấy mọi người như chính họ ngay bây giờ chứ không phải như cách nay mười năm, hoặc thậm chí như ngày hôm qua. Hãy hình dung ai đó mà bạn có sự bất hòa từ lâu. Cảm giác của bạn ra sao khi ngày mai nhìn thấy họ và gắn kết với họ như thể lần đầu mới gặp? Hãy nghĩ về những khả năng và cơ hội mở ra khi chúng ta không khư khư bám vào những kỳ vọng về mọi việc sẽ như thế nào, hoặc sợ rằng chúng có thể không phải như mình mong đợi.
Ít phản ứng hơn
Càng gia tăng khả năng nhận biết, bạn càng nhận ra những mặt khó khăn của chính mình. Chánh niệm cho phép chúng ta không phản ứng ngay trong lúc đó. Với những thách thức này, chúng ta có thể ứng phó một cách bình tĩnh hơn. Ngay cả khi mọi việc dường như rất bất ổn, chúng ta vẫn thấy mình có thể đối phó được. Ví dụ, thay vì xem bệnh tật, già và cái chết là những nỗi đau của mỗi cá nhân thì chúng ta phải hiểu rằng đây là số phận của loài người. Phần Tiêu điểm ở những trang sau sẽ cung cấp một số câu hỏi giúp bạn hiểu rõ hơn về mối liên kết với bản thân có thể thay đổi như thế nào thông qua chánh niệm liên tục.
Cảm thông hơn
Trong lúc thực hành Chánh niệm Hơi thở, nếu bạn chú ý thấy mọi thứ diễn biến theo kiểu: “Ôi, đây là những ý nghĩ về bữa ăn tối nay, chứ không phải là hơi thở!” thì hãy áp dụng một giọng điệu nhẹ nhàng hơn một chút với chính mình bằng cách nhanh chóng quay trở lại với việc thở. Việc khám phá ra thái độ ít nghiêm khắc hơn với bản thân sẽ tăng tốc khả năng học tập chính là giai đoạn quan trọng trong phát triển chánh niệm. Việc thực hành lặp đi lặp lại những khoảnh khắc tự cảm thông “nho nhỏ” như vậy giúp bạn có thể áp dụng cùng một định hướng tinh thần vào mọi vấn đề trong cuộc sống của mình.
Chúng ta có thể nhìn thấy ngay những lợi ích trong các mối quan hệ. Việc liên kết tử tế hơn với bản thân, đặc biệt với những cảm xúc của chúng ta, sẽ tự động giúp ta có mối quan hệ tốt đẹp hơn với người khác. Việc hiểu rằng chúng ta từng phản ứng tiêu cực do đang đau đớn hoặc đang tức giận sẽ giúp bản thân dễ dàng cảm thông hơn với người khác khi họ phản ứng tương tự với bạn. Nếu bạn quá nhu nhược, dễ thuận theo người khác và chịu nhiều thiệt thòi từ thói quen này, việc rèn luyện bài tập tự cảm thông sẽ giúp bạn đặt ra những giới hạn thích hợp với người khác. Đây là khía cạnh bền vững của lòng từ bi. Tương tự, những người vốn dĩ quá cứng rắn với bản thân hoặc với người khác sẽ trở nên ít nghiêm khắc hơn và hiểu được rằng ta không cần phải lúc nào cũng hoàn hảo, không cần phải là người xếp thứ nhất hoặc lúc nào cũng đúng.
Tuy nhiên, hãy thận trọng, đừng để cho sự khao khát muốn phát triển bản thân biến thành nỗ lực vươn đến sự hoàn hảo. Ngoài ra, đừng lo lắng trước mức độ phê phán và phản ứng mà bạn phát hiện ra, quan trọng là cố gắng không phê phán hoặc phản ứng khi bạn thấy chúng.
Điều gì sẽ xảy ra với việc thực hành liên tục?
Dần dần qua thời gian, những trạng thái chánh niệm sẽ trở nên thường xuyên và ổn định hơn, và tâm trí tự nhiên của bạn sẽ có khuynh hướng hướng về lòng từ bi - với bản thân và người khác. Chúng ta hãy xem xét những kỹ năng chánh niệm được phát triển ở mức độ cao trong những môi trường thế tục và tâm linh, và nhìn xem nơi chúng có thể gặp nhau.
Về phương diện thế tục
Trong thế giới ngày nay, chúng ta có một thế hệ những người thực hành chánh niệm trong môi trường thế tục. Đây có thể là những người đã thấy chánh niệm tại nơi làm việc, trường học hoặc trên mạng. Họ có thể không quan tâm tới những câu hỏi tâm linh sâu sắc hơn, nhưng chắc chắn có quan tâm tới những lợi ích của chánh niệm đối với cơ thể và tâm trí. Họ có những mục đích và cấp độ quyết tâm thực hành chánh niệm khác nhau, nhưng cách họ học tập và rèn luyện thì rất khác so với cách truyền thống được dạy trong những ngữ cảnh triết học và tâm linh.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người sử dụng phương pháp này để chánh niệm trong cuộc sống vốn lặp đi lặp lại mỗi ngày. Họ học cách có mặt một cách có ý thức vào những gì thật sự quan trọng đối với mình, thay vì chờ cho tới khi những nghịch cảnh không mong muốn buộc họ phải làm như vậy. Họ hiểu rằng mình có những lựa chọn và khả năng để đặt ra những mục tiêu. Những người thực hành chánh niệm thường đưa ra những lựa chọn đi ngược lại với khuynh hướng thông thường của xã hội như muốn đạt được nhiều hơn, làm việc nhiều hơn, tích lũy của cải nhiều hơn. Sống tỉnh thức dạy chúng ta sống với những gì mình cần, chứ không phải những gì mình muốn.
Về phương diện tâm linh
Các nhà tu hành từ nhiều truyền thống tu tập và chiêm nghiệm khác nhau đã biến lối sống tỉnh thức trở thành thiên hướng của họ. Với hàng chục năm rèn luyện bài bản và rất ít sự xao lãng, thật là thú vị khi chứng kiến cách họ nhìn thế giới. Một thiền sinh Tây Tạng sống trên núi chia sẻ: “Mặc dù trông tôi như một con người bình thường qua vẻ bề ngoài, nhưng tình trạng tinh thần của tôi rất khác biệt”. Toàn bộ những trải nghiệm của họ về thực tại và nhận thức đã biến đổi lớn lao từ trải nghiệm thông thường hằng ngày.
Khi sự nhận thức được mở rộng, họ có thể theo đuổi những cảm giác toàn vẹn hơn, mạnh mẽ hơn bằng cảm xúc của con tim. Một cuộc sống lấy sự cảm nhận toàn vẹn của con tim làm trung tâm sẽ giảm bớt cách bạn kết nối với bản thân và thế giới theo hướng khái niệm và lý trí, đồng thời đề cao lối sống hướng đến tình yêu thương vô điều kiện. Quan điểm về cách sống từ bi này không hề là một chọn lựa yếu đuối mà nó đòi hỏi sự rèn luyện và lòng can đảm.
Nơi “đời” và “đạo” gặp nhau
Chánh niệm thế tục và chánh niệm tâm linh là hai thực thể tách biệt, tuy nhiên chúng luôn đan quyện vào nhau. Phần lớn những chương trình thế tục đã được phát triển bởi những người thực hành tâm linh không chuyên. Vậy thì chúng có thể hoàn toàn thế tục được không? Liệu có vấn đề gì không nếu tất cả mọi người bằng mọi cách đưa mục đích riêng vào việc thực hành?
Với sự thực hành không ngừng, những người thế tục hầu như không thể tránh khỏi việc bắt đầu đặt ra những thắc mắc về trải nghiệm của họ - vốn nằm ngoài bản đồ kiến thức của khoa học phương Tây - và sớm muộn cũng đi vào khía cạnh tâm linh. Việc rèn luyện sự chú tâm toàn vẹn vào nhận thức sẽ mở ra một không gian tìm tòi khác, và không gian đó đang được giải thích toàn diện nhất bởi những truyền thống tâm linh. Nói chung, dường như có một xu hướng chủ đạo ngày càng tăng cao khi người ta quan tâm nhiều hơn đến những câu hỏi tâm linh, và chánh niệm là một chiếc cầu nối tốt cho nhiều người bắt đầu tham gia vào những câu hỏi sâu sắc này. Những câu hỏi về tâm linh có thể kể đến như “Mục đích sống của tôi trên hành tinh này là gì?” hoặc “Làm thế nào để tôi có thể đóng góp hiệu quả nhất cho thế giới?”…
Tiêu điểm: Sử dụng chánh niệm khi sự việc đi chệch hướng
Khi mọi việc trở nên chệch hướng, chúng ta thường gây ra nhiều vấn đề hơn khi phản ứng thái quá hoặc theo kiểu bi quan. Điều này ngăn không cho chúng ta nhìn thấy rằng ngay cả bên trong sự đau đớn cũng có thể có một bài học gì đó hữu ích cho bản thân. Hãy chú ý những gì xảy ra trong cơ thể mình khi suy ngẫm về những câu hỏi dưới đây. Hãy thận trọng đừng để tâm trí lôi kéo bạn đi xa ngay cả khi đang ngẫm nghĩ về những câu hỏi này.
Bạn liên hệ thế nào với những khó khăn, sự thất vọng, bệnh tật hoặc sự khước từ mang tính tiêu cực của bản thân? Đối với những vấn đề của người thân xung quanh thì bạn liên hệ ra sao? Bạn liên hệ đến nỗi đau của những người bên ngoài môi trường gần gũi của mình ra sao, chẳng hạn như những người tị nạn, những người đang sống trong các quốc gia bị chiến tranh tàn phá, hoặc tới những vấn đề lớn lao hơn mà hành tinh chúng ta đang đối mặt, từ biến đổi khí hậu cho tới bất bình đẳng xã hội?
Chánh niệm không làm cho những điều xấu xa và buồn phiền biến mất một cách kỳ diệu. Nhưng nếu chúng ta có thể duy trì chánh niệm và thái độ cầu thị ngay cả khi mọi việc không ổn, thì những giải pháp sáng tạo có thể được tìm thấy. Ít phản ứng hơn có nghĩa là những gì đã xảy ra sẽ không bị nhào nặn thêm bởi những phản ứng nông nổi và khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Sự sáng tạo nảy nở trong Đời sống tỉnh thức
Sự pha trộn giữa các truyền thống phương Đông và phương Tây, cộng thêm khoa học hiện đại, cũng như việc áp dụng các phương pháp giảng dạy của thế kỷ XXI đã tạo nên khoảng thời gian rất thú vị để chánh niệm có mặt rộng rãi như hiện nay. Cánh cửa thế tục rộng mở đã tạo nên sự bùng nổ về những cải biến và sáng tạo để chánh niệm bước vào những môi trường đa dạng như sức khỏe, giáo dục, công sở và nhiều hơn nữa. Việc áp dụng chánh niệm đang được thay hình đổi dạng khi nó tham gia ngày càng nhiều vào các khía cạnh của đời sống. Dưới đây là một số ví dụ về những gì có thể xảy đến trong tương lai gần.
Những sáng tạo từ khoa học thần kinh
Trong quyển sách này, ý định chính của tôi là chia sẻ vòng chu kỳ bốn bước như đã đề cập, để giúp bạn hiểu về mạng lưới thần kinh mà bạn cần phải tập luyện để gặt hái được những lợi ích của chánh niệm, đồng thời xây dựng cách tiếp cận cuộc sống tỉnh thức cho riêng mình. Việc sử dụng một cách sáng tạo những dữ liệu của khoa học thần kinh trong viêc học tập và khám phá chánh niệm sẽ giúp bạn thấy rằng bất kỳ hoạt động nào cũng có thể được thực hiện bằng chánh niệm, cho dù là cắt cỏ, buộc dây giày, hay chuẩn bị bữa ăn tối. Kiểm tra xem bạn đã đặt ra mục tiêu chưa? Kiểm tra xem bạn đã tập trung sự chú ý vào một việc duy nhất mà mình đang làm chưa? Bạn có bình tĩnh và cảm thông ghi nhận những lúc tâm trí lang thang và rồi quyết tâm đưa sự tập trung trở lại không? Nếu có, bạn đã và đang phát triển chánh niệm và tập luyện bộ não của mình rồi đấy.
Những sáng kiến trong việc ứng dụng chánh niệm
Với những bằng chứng khoa học, chánh niệm giờ đây đang được đưa vào những môi trường vượt ngoài lĩnh vực chăm sóc sức khỏe - là lĩnh vực đầu tiên mà chánh niệm được ứng dụng trong một môi trường thế tục. Việc mang chánh niệm vào môi trường trường học, văn phòng và những nơi khác đòi hỏi sự cải biến nhất định để đảm bảo các phương pháp phù hợp với mục đích của công việc trong từng môi trường. Để làm được điều này, người ta đưa thêm những nét hiện đại vào những bài tập truyền thống, tận dụng những tinh hoa trong mọi lĩnh vực để tối ưu hóa việc học tập. Có một số triển vọng không thể ngờ khi áp dụng tất cả những điều này. Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả nhân viên trong văn phòng hay tất cả học sinh và thầy cô giáo trong trường học đều tỉnh thức? Những đứa trẻ này có thể sẽ trở thành kiểu người lớn nào trong tương lai? Những quyết định do các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra có thể sẽ khác biệt ra sao nếu họ là người tỉnh thức?
Chánh niệm “toàn hệ thống”
Trong những nỗ lực xây dựng một hệ thống dựa trên chánh niệm, tôi xin đưa ví dụ về một sáng kiến rất hay, đó là quán cà phê Dragon ở London. Đó là một không gian chữa lành rất sáng tạo cho cộng đồng, nhằm khám phá những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, hoàn toàn được xây dựng trên chánh niệm. Đội ngũ ở đó sử dụng những quy trình chánh niệm trong mọi quyết định, suy nghĩ và hành động; các thành viên cũng như tình nguyện viên tại quán được huấn luyện về chánh niệm để đảm bảo đời sống chánh niệm sẽ tác động lên tất cả mọi tương tác tại nơi đây. Chánh niệm sẽ được giới thiệu đến những khách ghé thăm quán theo một cách sáng tạo, gần gũi. Tại không gian này, tình trạng dễ bị tổn thương và bất an sẽ được chữa trị theo cách không phản ứng và không phê phán. Đó là một mô hình sống động nhằm thúc đẩy sự trưởng thành thông qua việc chúng ta làm cách nào để nhận thức về đời sống chánh niệm, ngay cả khi đang có những trải nghiệm đau đớn và khó khăn nhất. Ở quán Dragon, lòng trắc ẩn/từ bi và mọi mục đích/ý định đều được củng cố dựa trên nền tảng của hai câu hỏi chính: “Bạn muốn tìm hiểu trải nghiệm này như thế nào?” và “Bạn cần gì ngay lúc này?”.
Điều quan trọng hơn, quán cà phê này chính là sự kết nối hiệu quả với cộng đồng. Nhiều người đến đây thực hành chánh niệm và nhận thức rằng mặc dù những lý do dẫn tới sự buồn chán của mỗi người có thể khác nhau, nhưng những cảm xúc về mất mát, lo sợ, tức giận, bị bỏ rơi, hạnh phúc và vui sướng của chúng ta lại đều giống nhau. Thành công của quán cà phê Dragon đang thu hút sự chú ý rộng rãi từ những nhà cung cấp dịch vụ và nhân viên chăm sóc sức khỏe. Bạn có thể tưởng tượng xem nếu các hệ thống y tế công cộng hoặc những doanh nghiệp lớn đều hoạt động như vậy thì sẽ thế nào? Đó không phải là một lựa chọn dễ dàng mà đòi hỏi sự can đảm và cam kết, và quán cà phê Dragon chứng tỏ cho chúng ta thấy điều đó là khả thi.
Tóm tắt
Chánh niệm tiếp tục phát triển và sẽ luôn như vậy. Càng quay trở về với đời sống tỉnh thức có sẵn của mình bao nhiêu, cơ hội chúng ta sống với nhau một cách hài hòa trên hành tinh này sẽ càng lớn bấy nhiêu. Nhân duyên đã kết nối con người chúng ta lại với nhau, trong đó bao gồm cả nỗi đau, sự xấu hổ, niềm vui và nước mắt. Hãy cởi mở và không sợ hãi những điều có thể gây tổn thương cho mình, điều này sẽ giúp bạn kết nối, học tập và phát triển tốt hơn. Chánh niệm là phương tiện giúp mỗi người vượt qua những phần hạn chế của bản thân để hướng đến sự toàn vẹn hơn trong nhận thức và đời sống.