T
rưởng khoa bệnh viện giới thiệu với ông Khoáng:
- Đây là bác sĩ Lương Sĩ Hân, sẽ trực tiếp mổ cho bà nhà.
Ông Khoáng giật mình khi nghe cái tên rất quen và sửng sốt nhìn người đàn ông mặc áo blu trắng đứng trước mặt. Cậu chạc bốn mươi tuổi, mỉm cười bắt tay ông. Cái răng khểnh bị sứt một nửa không thể lẫn đi đâu được. Ông nóng bừng người và luống cuống làm đổ chiếc cốc bên cạnh. Hân ân cần nhặt lên, nhìn ông như không có việc gì xảy ra. Vẫn ánh mắt rắn lạnh và bướng bỉnh. Tại sao đứa học trò cá biệt như nó lại có thế trở thành bác sĩ danh tiếng của cái bệnh viện lớn thế này được chứ? Không tin nổi. Ông nhìn xoáy một lần nữa. Chẳng thể nghi ngờ. Cái tật thi thoảng gãi mũi có từ thủa học phổ thông của nó vẫn thế. Đích thị nó, thằng Hân lém, học trò cũ, ông chủ nhiệm nó hồi lớp tám, cách đây hơn hai mươi năm. Cái răng sứt kia chính là hậu quả do ông gây ra. Đận ấy, thằng quỷ nghịch ngợm này đầu têu biết bao trò tai quái ở lớp. Đánh nhau với các bạn cùng trường đã đành, ba tuổi ranh dám trêu bạn gái đến mức nhiều cô xấu hổ phải bỏ học. Hết nhét rắn khô vào ngăn bàn, lại đến bỏ phẩm đỏ vào vạt sau áo dài của những nàng đỏng đảnh mà nó không ưa… thầy cô nào sơ suất ở bài giảng hoặc quá khắt khe mà để nó thù thì ôi thôi nào là dán giấy với những dòng chữ bôi bác sau lưng, nào là bí mật bôi hắc ín dưới ghế của họ, nào là bắt sâu bỏ vào ngăn bàn cô giáo, v.v… lúc nào mặt nó cũng câng câng. Khiển trách, kỉ luật càng nhiều càng như chất xúc tác để cu cậu khắc sâu hơn tính cách quái đản của mình. Chuyên phụ trách lớp chọn, toàn “mọt sách” nên chưa bao giờ Khoáng dạy học sinh nào bất hảo đến vậy. Hân không giỏi nhưng cũng chẳng dốt. Dường như khái niệm học bài ở nhà không bao giờ xuất hiện trong từ điển của cậu ta. Thế nhưng bài kiểm tra nào cũng đạt điểm khá. Môn học thuộc cậu chỉ liếc từ cuối lớp lên trên bảng nếu bị gọi, và đạt điểm trên trung bình một chút là điều dễ dàng.
Thời gian đó, Khoáng đang cảm tình Đảng. Đau đầu bởi bao nhiêu khát vọng, bao nhiêu mối quan hệ không kinh hoàng bằng đau đầu đối phó với cậu học sinh ngỗ ngược này. Để nó hoành hành ở lớp cho tới khi ra trường ư? Như thế, Khoáng không chỉ không được vào Đảng mà hậu họa sẽ khôn lường. Cuối cùng ông đuổi Hân khỏi lớp sau khi nó đánh nhau với thằng bạn vì “vụ xỏ lá”. Hân đã đón đường thương lượng với ông bằng thái độ xấc xược:
- Thầy mà không cho em học lớp mình em sẽ cho cái trường xinh xẻo này ăn toàn khói mìn đấy.
Ông bực mình hất bàn tay đen trũi của nó khỏi người mình. Ai ngờ nó mất đà ngã vập xuống tảng đá gần đó. Thằng tiểu yêu tím bầm mặt và sứt mất chiếc răng khểnh. Sau đó, Khoáng vẫn kiên quyết không nhận lại Hân, cậu phải chuyển sang trường bên và việc đem mìn phá trường cũ chỉ nằm trong ý tưởng nông nổi. Khoáng chịu kỉ luật của nhà trường. Thà phấn đấu lại từ đầu còn dễ hơn cứ bực bội dậm chân tại chỗ khi suốt ngày phải nhìn thấy “cái mặt không chơi được” ấy. Thế mà giờ nó là bác sĩ giỏi, lại còn trực tiếp mổ cho vợ ông trong vụ này. Tâm can ông tràn ngập nỗi lo lắng.
Thấy ông Khoáng loay hoay nhặt chiếc cốc vỡ, Hân nói:
- Ông đem ra sọt rác đầu kia!
Ông Khoáng lập cập đi ra. Cứ như thể nó không nhận ra ông vậy. Hơi tưng tức nhưng đó lại là điều ông cầu mong lúc này. Cơ mà ánh mắt thoáng ngỡ ngàng của nó không nói thế. Ông khẳng định là nó nhận ra mình. Dạy cậu chàng hơn năm trời, giữa hai thầy trò có bao nhiêu biến động nên ông khá hiểu nó. Thế thì rõ là nó cố tình bơ lác. Nó vẫn hận ông đợt ấy và giờ là dịp để trả đũa. Phải ông thì ông cũng chẳng thể quên được, cũng có thể sống lại niềm uất hận xưa như bất kì ai. Thật, cuộc đời làm sao mà biết trước những đáp số bí ẩn. Một chút tiếc nuối, giá như ngày ấy ông bình tĩnh hơn, chịu đựng giỏi hơn và biết tìm cách mềm dẻo hơn thì đâu đến nỗi xảy ra mâu thuẫn. Giờ, ông chỉ là một ông già yếu ớt, mọi quyền hành đã nằm gọn trong tay lớp trẻ chúng nó.
Vứt chiếc cốc vỡ xong ông đi luôn ra khỏi bệnh viện. Phải tính kế. Không thể quay lại giáp mặt, càng không thể nhận nhõ thân quen lúc này. Nó đang cầm sinh mệnh vợ ông - tri kỉ và là người thân duy nhất của ông. Ông phải lánh mặt, kệ nó xét đoán. Coi như ông chỉ là một người đã giúp bà ấy đến bệnh viện thôi. Như thế dễ bề cứu vợ hơn.
Lại còn việc lót tiền mới thật nan giải. Chắc chắn ông đưa nó không nhận. Sao nó có thể ngang nhiên cầm tiền của thầy được. Nó sẽ giữ kẽ. Mà không đưa thì thời buổi này ai chữa không cho mình? Người dưng đưa đã đành, càng thân càng phải đưa nhiều. Đằng này một người còn nguy hiểm hơn cả người thân, biết đưa thế nào cho đủ? Lòng ông bộn bề trăm mối.
Cho nên thực hiện theo kế sách đã định, ông Khoáng cắn răng không bén mảng đến phòng khám bệnh thường xuyên nữa. Và thuê chị Thanh hàng xóm làm người nhà của vợ để dễ bề giao dịch với Hân.
Bà Khoáng bị ung thư vú từ hơn năm nay, chữa bao nhiêu thuốc đông y mà không tiêu đi được. Giờ chọc vào kiểm tra là u ác nên phải mổ. Mà mổ là tiêu cả núi tiền. Đồ đạc có giá trị đã bán hết. Ngôi nhà giờ đây chỉ còn độc đống sách cũ và những tấm bằng khen. Giá có thể ra tiền chắc ông cũng bán. Nuối tiếc hồi lâu, ông quyết định bán thứ tài sản đáng giá cuối cùng là ngôi nhà ba gian của mình. Dù sau khi chữa cho bà ấy sống rồi cả hai đi ăn mày và chết cho có đôi cũng được. Nhìn ảnh đứa con trai duy nhất trên bàn thờ ông không khỏi rớt nước mắt. Mất bao công sức dạy dỗ nó nên người thì bị ô tô nghiến nát hồi Tết năm ngoái. Nên ngôi nhà này sau cũng chẳng còn người thừa kế nữa. Chị Thanh hàng xóm nghe xong dự định của ông nhận sẽ gọi người tới mua.
Chị Thanh bảo người mua nhà giờ ở xa nên mọi thủ tục đều nhờ vào chị. Họ sẽ không trả một cục mà rải rác theo yêu cầu của ông. Thế cũng được. Ông có tiêu gì đến tiền. Chỉ cần có đủ để chữa bệnh cho bà ấy là hạnh phúc lắm rồi.
Bao nhiêu tiền chị Thanh đưa thằng Hân đều nhận hết. Nó không đòi hỏi, cũng không hồ hởi, cứ tửng tưng như việc thường ngày. Nhận là nhận. Bệnh tình của bà Khoáng ngày một nguy kịch. Ông lo phải “đấm” tiền thật nhiều cho Hân. Tiền thuốc, tiền truyền hóa chất cứ tăng lên con số khổng lồ. Ông chỉ sợ vợ chết vẫn chết mà tiền hết vẫn hết.
Mỗi lúc rút một khoản để đưa cho Hân, mặt ông Khoáng lại biến sắc. Chen lẫn nỗi lo là sự buồn tê tái, là tâm trạng bực bội mà vẫn cứ phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Vì ông ngấm cái hận cuộc đời bạc bẽo. Lúc này làm gì còn đạo thầy trò, làm gì còn thứ nghĩa tình nào cao hơn uy lực của đồng tiền? Có lợi là nó bóp, bất chấp người ta bị róc xương róc tủy đến thế nào, người ta bất lực và khốn cùng đến đâu. Những câu chuyện cùng khổ đâu chỉ tồn tại ở thời xưa. Dù sao bây giờ nó cũng đang là ân nhân nhà mình. Đưa tiền còn phải khéo nịnh, còn phải dập đầu mà cảm ơn!
Số tiền cuối cùng lấy được ở người mua nhà ông Khoáng dành cho đợt tiếp hóa chất và khám lại lần cuối. Chị Thanh hồ hởi thông báo:
- Thoát rồi chú ạ. Bác sĩ bảo cuối tuần có thể đón cô ấy về. Đúng là thần thánh. Nhiều trường hợp như cô ấy đều đã bó tay. Ai cũng bảo mình may vì gặp được bác sĩ giỏi, chữa kịp thời. Nói ra số tiền bảy chục triệu để cứu cô nhà nhiều người sửng sốt “chỉ có thế thôi sao?”.
Ông Khoáng cười buồn “Thế thôi mà cũng chẳng còn chỗ tá túc, chứ nữa thì chắc là ngồi mà khóc chờ ngày đưa tang nhau”. Rồi ông cũng cố thở phào vì ít ra những ngày cuối đời sẽ không cô đơn khi vẫn còn bà ấy ở bên.
Ngày đón vợ về ông Khoáng buồn tê tái vì cũng là ngày ông phải bàn giao nhà cho chủ nhân mới. Bà ấy cáu trong nước mắt:
- Sao ông làm vậy? Biết trước chữa bệnh nhiều tiền thế này tôi đã chết quách cho rồi. Sống mà để ông phải khổ thì tôi sống làm gì? Sao lần nào vào gặp tôi ông cũng bẻn mép nói là không đáng bao nhiêu tiền thuốc. Lại còn vui vẻ bảo người chữa trị cho tôi là thằng học trò cũ không lấy của thầy nửa xu. Thế này là thế nào?
Ông bối rối:
- Thôi mà. Bà đánh tôi đi cho bõ tức, rồi chúng mình còn phải chuyển nhà.
- Chuyển đi đâu?
- Tôi đã xin được nhà trường cho ở tạm một phòng cuối dãy cấp hai.
- Trời ơi, cái phòng gần nhà về sinh chứ gì? Nồng nặc mùi khai nước giải; rồi ngày nào bọn học sinh cũng la hét ầm ĩ; ông có chịu nổi không?
- Miễn là có bà. Chị Thanh dắt người chủ nhà mới bước vào. Ông bà Khoáng tròn mắt khi đó chính là bác sĩ Hân. Thì ra là thế. Nó chữa bệnh để kinh doanh bất động sản. Người mà nó đẩy vào bước đường cùng chính là người thầy của nó. Toàn thân ông Khoáng nóng ran như bốc hỏa. Nỗi uất bóp nghẹn cổ ông, khô đắng. Nhưng vẫn không thể mở mồm cáu. Ông nuốt khan, muối mặt nhếch miệng:
- Cảm ơn bác sĩ!
Hân mỉm cười nhìn đống đồ đạc lỉnh kỉnh đặt ngổn ngang để chuẩn bị dọn đi. Anh ân cần nói:
- Thưa thầy cô, thầy cô không phải chuyển đi đâu cả. Em đến đây hôm nay để thăm gia đình mình và để nói cho thầy hiểu mọi chuyện.
Ông Khoáng lập cập rót nước. Ông khó hiểu:
- Nghĩa là sao? Anh đã mua nhà này rồi mà.
Hân đỡ chén nước chè bốc khói thơm mùi hoa nhài:
- Cứu người là trách nhiệm của những bác sĩ như em, hơn nữa đây lại là cô nhà mình. Em nghĩ phải giả bộ nhận tiền thì thầy mới an lòng để em chữa trị cho cô. Bệnh của cô phải chữa càng nhanh càng tốt. Nên em sợ thầy ghét em mà chuyển cô đi nơi khác.
- Còn bao nhiêu thuốc thang nữa chứ, tôi biết không phải số tiền nhỏ.
- Vâng, nhưng nó cũng không quá lớn để đền đáp ơn nghĩa của thầy giáo mình, không quá lớn với tuổi trẻ đang làm ra tiền như chúng em.
- Ơn nghĩa ư? Ngày xưa tôi đã đuổi anh ra khỏi lớp, đã hất anh ngã rất đau, anh không hận tôi sao?
- Dạ không, nhờ thầy em mới có ngày hôm nay. Sang trường bên, các thầy cô còn nghiêm khắc hơn thầy. Và từ đấy em quyết tâm học cho thành đạt. Nhiều khi em muốn về thăm thầy nhưng lại sợ thầy vẫn khó chịu cái thằng học trò cứng cổ này nên cứ chần chừ mãi.
- Thật vậy ư?
Thầy Khoáng xúc động nắm chặt bàn tay người học trò cũ. Hơi ấm từ Hân truyền sang thầy một luồng sinh khí mới lạ. Niềm vui như được nhân lên vô tận khi ông Khoáng không chỉ thấy vợ mình trở lại mạnh khỏe, ngôi nhà ấm cúng không mất, mà hơn hết ông đã thấy lại nhiềm tin ở thế hệ trẻ. Mắt ông đỏ hoe, rơm rớm ướt.