Đôi bạn

L

ớp học chia thành nhiều nhóm chơi. Nơi chỉ có hai người đi với nhau như đôi uyên ương, chỗ thì ba bốn người tụ tập, có hội nhiều hơn. Ai cũng cười nói rôm rả. Mới bước vào đại học nên tất cả đều muốn tạo lập nhiều mối quan hệ. Chỉ duy có hai cô gái là lầm lì đơn lẻ đóng đinh ở hai đầu góc lớp. Kẻng vào là ngồi cho tới khi kẻng ra. không nói, chẳng cười; thi thoảng chỉ nhìn nhìn các nhóm qua lại chấm chóe nhau với ánh mắt vô cảm, lạnh lùng. Sự kì quặc đó khiến cả lớp không ai không chú ý và để tâm tìm hiểu.

Một cô tên là Xuyến dáng eo dây, ngồi bàn đầu. Cô là cao điểm của sắc đẹp và sự chỉn chu. Ngắm cô không ai có thể rời mắt ngay được. Từ các vòng đo cân đối, những bộ váy áo kiểu cách và họa tiết đơn giản nhưng sang trọng, đắt tiền tới nước da bánh mật sáng mịn. Đặc biệt là khuôn mặt hoàn hảo như một bức vẽ cổ điển, cùng đôi mắt to đen láy mơ màng, vương vất nỗi buồn, cứ khiến cho tâm hồn người nhìn vào phải ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Mọi cung cách của cô đều nhẹ nhàng, khoan thai như quý tộc thời xưa mà người ta mới chỉ được xem trên phim ảnh. Thiếu sót nếu không kể tới mái tóc suôn dài, đen nhánh, lúc nào cũng được vấn lên gọn ghẽ. Nó không dùng một loại thuốc nhuộm, ép nào nhưng vẫn đủ độ đẹp cần thiết nhờ thứ keo vuốt loại xịn. Vài lọn tóc mai cứ xòa cong ve vuốt vầng trán thanh cao, có một chấm nốt ruồi đỏ gần thái dương điểm xuyết. Những đồ dùng của Xuyến từ cái bút viết óng a óng ánh, tới quyển vở giấy thơm, in hoa nổi, hay chiếc túi xách tay bằng da cá sấu hàng hiệu được thiết kế riêng, có một không hai… đều làm nên ấn tượng mạnh. Ai đứng gần cô dường như cũng đều không muốn bước chân đi bởi mùi nước hoa phảng phất thơm dịu ngọt. Nhiều bạn ở tỉnh xa thấy Xuyến lần đầu cứ dán mắt vào rì rầm xuýt xoa:

- Thật là một vẻ đẹp thoát tục!

Bọn ăn chơi trong lớp thì chả lạ gì Xuyến. Chúng bĩu môi cười khẩy khi nghe những lời tán dương kiểu đó, rồi lại rỉ tai nhau: “Thẩm mỹ viện đấy”, “đồ giả cả”, “gái cao cấp mà”… họ bảo rằng Xuyến là gái bao của một ông chủ hãng Mercedes ở Việt Nam. Lại còn giai thoại cô ta hay đi nhảy thoát y ở quán bar nọ, sàn nhảy kia từ khi mới mười lăm, mười sáu tuổi. Thế thì mới có tiền bạc nhiều mà xài sang chứ. Còn gia đình nghèo rớt dưới quê. Hình như mới “cẩu” được bà mẹ lên thủ đô, v.v… những lời bàn tán ấy tung ra khiến người thì tròn mắt ngạc nhiên, người lắc đầu kinh hãi, người nhíu mày khinh mạn, nhưng cũng có người không tin và không muốn tin. Họ biện hộ “bạn ấy đẹp thánh thiện thế kia mà”, “hồng nhan thường bị thị phi, ganh ghét thôi”, “mới chỉ bằng tuổi mình, vừa thoát khỏi học đường mà đã lăng loàn vậy được sao?” “ Đâu phải kiểu phục sức xanh xanh đỏ đỏ, hay vẻ rỗng tuếch, hở hang như bọn gái rẻ tiền thường thấy?”, “Xuyến lúc nào cũng ngẩng đầu kiêu hãnh, bài kiểm tra luôn đạt điểm cao. Nếu là phường xấu xa thì thể nào chẳng dày ăn mỏng làm, chăm chỉ học tập mà làm gì. Chắc cô ấy có nhiều uẩn khúc lắm”… Sự bàn tán dường như không bao giờ dứt về con người có vẻ ngoài nhiều bí ẩn này.

Cô bạn còn lại tên là Len. Đó là bức tranh phản diện của Xuyến. Cô luôn ngồi bàn dưới cùng của lớp. Vóc người to béo và thô như một gốc cây cổ thụ. Nước da xanh mai mái. Lông mày to rậm không hề được tỉa tót. Gò má cao. Hàm răng hơi chìa, khi cười mặt nhăn nhúm lại trông như mếu thật khắc khổ. Mái tóc dài, mỏng tèo và hoe vàng, chẻ ngọn như đuôi bò. Ai đời thời này vẫn còn dùng chiếc kẹp tóc ba lá. Trang phục thì đặc biệt hết sức. Quần thụng, áo thụng đuôi tôm vai bồng - mốt của những năm đầu thập niên 90. Không chỉ cả lớp mà cả trường đại học này cũng chả bói đâu ra đôi dép tổ ong màu ngà đã mòn gót và có vài chỗ khâu bằng cước mà cô thường xuyên quèn quẹt đi tới lớp. Sinh viên của lớp diễn viên bên cạnh thi thoảng lại sang mượn hoặc đổi đồ để làm đạo cụ diễn vai nữ hồi xưa cho bộ phim sắp quay. Len ý thức rõ sự lạc hậu có phần nhếch nhác và đậm màu sắc nghèo nàn của mình nên lúc nào cũng cúi mặt gằm gằm, thỉnh thoảng chỉ dám liếc trộm các “tiên nữ” sành điệu trong lớp với cặp mắt của người đang được xem phim nổi, màn ảnh rộng, loại hiện đại đến mức chưa từng được sản xuất.

Sinh viên lớp trên và các thầy cô giáo không ai lạ gì Len. Sáu năm liền cô đã miệt mài ôn thi vào trường này. Cuối năm thứ sáu mới đỗ được với số điểm thấp nhất. Người ta đồn, cô không đủ điểm nhưng các thầy quá thương hại nên vớt vát. Nghe đâu, nhà Len ở quê nghèo rớt mùng tơi, nhà vẫn còn ở vách đất, mái lợp lá, mùa mưa thì gần như không còn chỗ nào không dột. Cô chẳng những đi rửa bát thuê, chạy bàn ăn ngoài giờ học, mà có lúc còn phải đi bán máu lấy tiền để… sản sinh ra máu.

Các em trong lớp không hào hứng khi truyện trò cùng Len. Họ coi cô như bà lão quá lứa và quê kệch, không có khả năng trong nghề nghiệp.

Nửa năm sau, Xuyến và Len vẫn là hai thái cực đối ngược nhau. Hai chiếc bàn mà hai người họ ngồi luôn chỉ có mình họ, vì với Xuyến dường như không ai dám ngồi gần, còn với Len thì chả ai thích ngồi cùng. Một người xa vời với họ, còn một người thì họ cảm thấy chả cần thiết phải gần làm gì.

Len ngước nhìn Xuyến với đôi mắt ngưỡng mộ. Xuyến thi thoảng quay xuống liếc Len với thoáng chút thương cảm. Cô thấy có một chút mình của ngày xưa trong con người kia. Một sự tự nhiên trong sáng, một nỗi khổ cực hạnh phúc mà cô không bao giờ có lại được nữa. Len thấy ánh mắt Xuyến dừng lại ở mình có vẻ thân thiện và nồng ấm thì mon men tới gần và can đảm trò chuyện:

- Chào Xuyến, nhà Xuyến ở gần đây không? Xuyến mỉm cười khẽ gật đầu:

- Ngồi xuống đây. Quê Len ở đâu?

Kém Len sáu tuổi nhưng Xuyến không muốn gọi bằng chị. Cô cho rằng đã học cùng lớp nghĩa là bình đẳng mọi nhẽ, làm gì có chuyện bề bậc mà chị với chả em. Len không để tâm chuyện đó. Cô đang phấn chấn vì không ngờ Xuyến ưu ái mình đến vậy, trong lớp dường như chỉ nói chuyện với mình cô. Len bẽn lẽn trả lời:

- Thái Bình Xuyến ạ. Xuyến vồn vã:

- Cùng quê với Xuyến rồi. Mình yêu vùng đất đó lắm. Nó thật trù phú…

Câu chuyện của họ cứ thế đượm dần. Cái vỏ khách sáo mỗi lúc được tháo bỏ thêm. Họ thấy hợp và đồng cảm với nhau trong những câu chuyện không đầu cuối về quê hương, về nhân sinh và xã hội… mỗi giờ ra chơi họ lại nói chuyện với nhau. Cho tới khi Len xách hẳn cặp lên ngồi cạnh Xuyến. Thế là họ thành đôi bạn thân.

Len sung sướng vì trước đây không dám mơ có một người bạn như thế. Cô tôn thờ vẻ đẹp và phong thái thanh tao của Xuyến. Nhiều khi cứ ngẩn ngơ ngắm nhìn rồi lén kí họa để về kí túc xá được ngắm thêm. Xuyến biết, không giận, không kiêu, mà còn tặng Len cả một bức ảnh chụp to của mình. Mọi cặp mắt trong lớp được dịp thưởng ngoạn sự kiện lạ. Họ thấy ngạc nhiên và khôi hài.

Thi thoảng Xuyến đến thăm hoặc rủ Len đi chơi. Những buổi học ngoại khóa Len không có xe, Xuyến luôn tới đón. Xuyến thấy thoải mái khi được nằm trên chiếc giường chật hẹp của Len. Nó khiến cô có cảm giác mình đang được sống những ngày tháng tinh khiết xưa kia tại kí túc xá trường cấp ba. Cô say sưa nghe tiếng Len cười to sảng khoái. Tiếng cười đó cô đã đánh mất ở quá khứ trên đường đi tới ngày hôm nay. Giờ đây, nụ cười nhẹ nhàng, mím môi khinh mạn đã thành thói quen, Xuyến không còn trở lại được cái giọng cười bản năng như ngày xưa nữa.

Len ngập ngời trong cảm giác lạ khi được đặt mình trên chiếc Dylan màu mận chín bóng lộn của Xuyến. Thấy mình sao mà cao thế. Lâng lâng như lạc vào cõi khác. Cứ vèo vèo lướt êm ru trên đường. Ai đi qua cũng phải liếc một cái. Những ánh mắt ghen tị soi mói của phụ nữ, những tia nhìn ngưỡng mộ, thèm thuồng của đàn ông đổ dồn vào chiếc xe đó khiến Len thấy mình như một ngôi sao. Lý trí Len khẳng định họ đang chiêm ngưỡng Xuyến, nhưng cảm giác thì cãi rằng họ đang nhìn cả cô nữa. Cô thấy mình cũng gần bằng Xuyến. Và sao mà hãnh diện. Sáu năm cần mẫn khổ luyện cộng với mười hai năm dùi mài kinh sử để có được thời khắc sánh bước với cô gái thơm tho thế này thật không uổng.

Xuyến vẫn quý Len nhưng chỉ một lần duy nhất cho Len theo vào vũ trường gặp những người đàn ông của cô là đủ chợn. Không phải lúc nào trải lòng mình cho người đã là tốt. Chả khéo mà họ lại biến đó thành tấm nệm êm để dẫm đạp thỏa thuê. Cái gì cũng có “lim” của nó. Những ánh mắt khác giới chuyển sang Len tò mò xen lẫn sự thích thú. Xuyến thấy giống như khi người ta chiêm ngưỡng một gốc cây kiểu bonsai xù xì, độc đáo. Và không ít người lại thích nó hơn một bông hoa mượt mà được chăm bón tốt tươi nơi phòng kính. Xuyến chạnh lòng và thấy bất công một chút.

Len đã hiểu công việc của Xuyến. Có thể khẳng định những lời đồn đại ở lớp không hoàn toàn là bịa đặt. Nhưng cô không thấy ghê tởm như thường tưởng tượng. Cô muôn muốn mình được giống Xuyến. Cô quyết tâm “lột xác” và lập cho mình một chế độ luyện tập ngặt nghèo.

“Nhất dáng, nhì da…” nên trước hết phải cải tạo dáng hình. Cô nhịn ăn. Những bữa tiệc toàn sơn hào hải vị được đi dự cùng Xuyến, Len không dám ăn bạt mạng như hồi đầu nữa. Những thỏi sôcôla Xuyến mang tới, Len hào phóng chia cho các bạn cùng phòng chứ không giữ khư khư hưởng một mình. Ngay cả bữa cơm hằng ngày cũng nhịn. Được một, hai ngày thì cơn đói cồn cào hành hạ, áp chế cô ra hàng ăn. Cô nuốt không kịp nhai, ăn nhiều gấp ba bốn bữa bình thường. Đầu óc quay cuồng chẳng nghĩ gì ngoài những món ăn ngon như “mầm đá”.

Len thỏa mãn với cái bụng lặc lè về kí túc xá. Nhưng nỗi ân hận ập tới. Thế thì đến bao giờ thân hình mới nhỏ nhắn được? Cô quyết tâm móc họng. Và sau những cơn nôn oẹ, cô kiệt sức.

Sách làm đẹp viết rằng muốn giảm béo phải tắm nước lạnh. Nên bất chấp thời tiết cóng rét thế nào, làn da tím tái ra sao, Len vẫn cắn răng múc nước lạnh dội ào vào mỗi sáng sớm và tối mịt. Đêm, cô cố thức thật khuya. Không chịu nổi cơn buồn ngủ thì vùng dậy bật nhạc DJ nhảy loạn xị. Sáng chạy. Trưa nhảy dây. Tối lắc vòng. Đêm nhảy disco. Ngày chỉ nhấm nháp mấy hạt bỏng ngô hay vài miếng dưa chuột. Sau một tuần thì Len kiệt sức, sụt bốn cân, người khô đét, có chỗ phù lên kì quặc. Xuyến nhiệt tình tới chăm sóc. Sắp tới thi học kì, tưởng Len mải ôn luyện nên ra nông nỗi ấy, Xuyến chân thành khuyên:

- Học để chết à? Người ta thuộc hết bài rồi, mình lại ngồi cạnh nhau, ngại gì! Len phải dưỡng sức đấy.

Len cười lẩm bẩm:

- Sắp xong rồi.

Xuyến đi mua đồ ăn cho Len. Cô bỏ lại đôi giày cao gót và xỏ tạm dép tổ ong để đi cho nhanh. Xuyến khoan khoái với đôi chân êm ru. Cô nhận rõ Len có những thứ hạnh phúc mà cô không thể có được. Dẫu có đi đôi dép này hay mặc những đồ áo quần như Len kia, Xuyến cũng không thể biến thành Len hay trở về ngày xưa được. Cô thở dài nhớ nhung một sự xa xôi.

Chờ cho Xuyến đi khỏi, Len bật dậy xỏ thử đôi giày óng ánh. Dù chân chưa nhét vừa nhưng vẫn rất đẹp. Cô ngơ ngẩn thèm thuồng.

Sau đợt ốm, Len trở lại lớp với dáng hình khác hẳn. Đầu cô nghênh nghênh cố ngẩng cao để khoe với mọi người mái tóc đã cắt, lông mày mới tỉa gọn gàng, môi thoa chút son màu gạch cua. Bộ quần áo bó ôm lấy thân hình xương xương. Và đôi chân khòng khòng vì đeo giầy cao gót loại rẻ tiền nên đau quá không bước cho tự nhiên được. Thế mà tới tận khi cô trẹo chân ngã uỵch thì bạn bè mới chỉ liếc qua. Có người vốn tính hòa nhã buông một lời chả ra khen:

- Chị Len hôm nay khác thế.

Dẫu vậy, Len vẫn cười sung sướng. Vài ánh mắt thì giễu cợt. Vài cái nhíu mày, nhún vai khó hiểu. Luồng mắt họ giao nhau như muốn nói rằng:

- Sao mà kệch cỡm!

Xuyến thấy rõ điều đó. Cô buồn và lầm lì. Ánh mắt bỗng xa cách tạo thành hàng thép gai khiến Len không dám chép bài thi của cô.

Kì thi qua. Điểm của Len thấp nhất lớp. Một số môn phải thi lại. Ai cũng coi đó là điều tất yếu. Chỉ có cậu bạn cao hơn Len nửa điểm là tới an ủi cô.

Bước sang năm học mới, lớp văng vắng. Sau khi điểm danh, mọi người phát hiện ra thiếu Len. Vài bạn to nhỏ kể rằng. Len có bầu với anh bạn học dốt nhất lớp. Anh ta không nhận hậu quả đó. Thai nhi đã quá to bác sĩ khuyên không nên phá. Vậy là cô đành bảo lưu để sang năm sinh con xong sẽ học tiếp.

Người thất vọng:

- Mất công ôn thi sáu năm trời nhọc nhằn tưởng có chí lắm, ai ngờ… người thì thương hại:

- Chưa nóng nước đã đỏ gọng, dại quá!

- Liệu còn đi học được nữa không mà bảo lưu? Xuyến cười cười không rõ vui, buồn.