M
ười bảy tuổi, Đăng yêu. Yêu một chàng không yêu mình. Tấm chân tình đầu tiên sau những vật lộn để đấu tranh với lí trí, với quan niệm bó buộc nữ giới của người phương Đông đã bị coi là trò đùa trẻ con. Trước khi chàng đi lấy vợ còn xoa đầu Đăng thủ thỉ: “Em phải học nhiều”. Đăng ngậm ngùi in đậm khối thất vọng và tự ái trong tim.
Mười chín tuổi, Đăng lại yêu. Lần này anh thể hiện tình cảm với Đăng trước. Nồng nàn như thể sẵn sàng cả đời rửa gót chân cho cô. Nhưng chỉ sau vài bận lên giường anh bỗng mất tích từa tựa vô vàn chuyện cũ mèm ai đó kể lể. Niềm tin bị cuốn như lá vàng trước gió lốc.
Hai mốt tuổi, người ta yêu Đăng. Trái tim đã từ hồng chuyển thành đen thì dễ, nhưng sao chẳng chuyển lại thành hồng một lần nữa được? Họ có thể lừa cô, nhưng cô không lừa nổi mình. Cô không yêu. Càng dửng dưng người ta càng yêu. Rồi khống chế, rồi bày mưu tống cô vào một căn phòng sang trọng, lơ mơ thuốc kích thích. Nếu tình dục đồng nghĩa với tình yêu thì cũng tạm coi đây lại là một lần nữa. Ngay đêm đó, vợ người ta đến đánh ghen. Người ta co quắp trong tấm chăn to sụ run lẩy bẩy. Đăng tơ huơ, trơ lì giữa hành lang hút gió ăn no đòn và bị một nhát dao lam liếm vào má.
Trớ trêu, vết sẹo ấy lại làm Đăng duyên hơn. Và chuỗi tai ương bấy nay càng khiến khuôn mặt bầu bĩnh vênh lên cứng cỏi, đôi mắt sâu hằn suy tư, nửa khóc nửa cười thành ra ươn ướt, bởi thế mà quyến rũ lạ thường.
Nhưng giờ Đăng đã dạn dày kinh nghiệm để không vướng vào yêu và cũng không để một chàng nào có thể yêu nổi cô. Nghĩa là Đăng không dây với bất kì ai được quy là đàn ông. Nhưng tình yêu có những móng vuốt khó lường. Làm sao Đăng đề phòng nổi người bạn gái mới quen của mình. Cô ta rõ xinh, rõ là tóc dài, rõ ngực nở, rõ thân ái. Đến mức, sẵn sàng sẻ chia mọi nỗi đau của Đăng. Uống rượu thâu đêm với Đăng. Và say. Và lơ phơ ngủ. Và một bàn tay thần bí kích động. Chiếc lưỡi ướt át mà bừng bừng đam mê. Không cưỡng nổi, Đăng cứ rướn lên trong cơn mộng mị thác loạn. Chỉ một ấn tượng duy nhất in hằn trong cô là hai mái tóc dài xoắn xuýt tã tượi rối vào nhau. Cho đến sáng ra, ánh mặt trời len lỏi qua khe cửa đủ để Đăng nhận rõ mọi sự đêm qua. Rằng cô là nạn nhân, và cũng là kẻ đồng lõa của tệ nạn đồng tính luyến ái. Đủ để cô ghê tởm nôn mật xanh mật vàng. Mùi tanh tưởi vây khắp căn phòng tội lỗi.
Đăng rệu rã, tan nát bước về nhà. Biết bíu lấy gì để tin tưởng và hi vọng nữa? Ước mơ ngày xưa cứ tan từng mảnh tàn nhẫn, vô lối.
Quá khứ tinh khôi lại rừng rực sáng trong tâm khảm, ám ảnh soi rõ mọi ngóc ngách Đăng đã kinh qua. Không một bản án nào nặng nề bằng khi người ta tự kết tội và tự chán mình.
Thế mà ối cậu vẫn cứ tới. Lần này toàn người tử tế như một trò đùa trớ trêu của số phận. Họ không nhìn thấy bất kì thiếu hụt nào ở Đăng. Họ rải thảm hoa hồng và thể hiện mọi quan tâm, ưu ái với cô; dâng trái tim nóng hổi nơi đầu môi ngọt ngào. Bởi vì Đăng quá trẻ, nét mặt còn non mọng. Ai hay biết chỉ cần một lần vấp trong đời tim người phụ nữ đã đủ nhăn nheo. Đăng đóng mọi cánh cửa tâm hồn bằng cái nhếch mép không định hình rõ vui, buồn. Cô vo viên những khái niệm gọi là khát vọng hay ước mơ ném vào một xó nào đó từ lâu. Cô chôn tuổi trẻ trong căn hầm thời gian. Nhưng được độ ba tháng thì nỗi buồn như con mọt cứ suốt ngày đục cô. Có lúc đã nghĩ thà nổi loạn, thà làm kẻ tội đồ, thà ngả theo những cám dỗ bỉ ổi còn hơn sống vô hình vô ảnh và phải nén chịu thế này. Mỗi lúc màn đêm buông xuống, mỗi khi nghe một bản nhạc da diết, mỗi lần nhìn thấy ai đó thương yêu nhau, cái phần bản năng bất trị trong cô lại muốn phá phách để được sống cho thực sự hạnh phúc.
Và rồi Đăng “a” lên khi chiêm nghiệm một quy luật. Mọi tội lỗi đều phải hình thành từ hai người trở lên: Giết người, thông dâm, cướp bóc, tham nhũng… Tất cả đều có nạn nhân và kẻ tội đồ. Chỉ có người gây tội mà không có nạn nhân thì không thể gọi là tội lỗi. Nghĩa là thế gian vô hại khi con người sống không tin ai, không giao du với ai, không liên hệ cùng ai khăng khít cả. Đăng quyết tâm xây dựng một thế giới riêng, độc lập.
Căn phòng hẹp của cô bắt đầu vang ngân những bản nhạc trữ tình nồng nàn, sực nức hương thơm và sặc sỡ sắc màu trang trí. Một giọng nói nhưng thành hai cung độ cất lên đều đặn, ngọt ngào:
- Mình ăn đi, món salát này em trộn là thượng hạng đấy.
- Thôi, ăn uống đơn giản cho đỡ nhọc vợ yêu của anh. Chỉ cần hàng ngày được nhìn thấy em vui cười là anh đủ no rồi.
- Hừ, khéo mồm! Thế này thì mỗi lúc vắng mình người ta nhớ chết.
Chà, Đăng thấy cũng ra dáng một gia đình phết. Còn hơn ối đôi tối ngày làm điếc tai hàng xóm vì đủ mọi lời cặn bã dành cho nhau. Đăng tự nấu món ăn thật ngon để làm đẹp lòng “chồng”. Bữa nào cũng xới hai bát để hai góc đối diện, lần lượt cô vừa trò chuyện, vừa ăn hai bát đó. Cuộc sống bỗng thay đổi, ngập ngời hạnh phúc.
Những đêm khó ngủ, cô bật nhạc, châm nến và tự nói ra nỗi lòng của mình. Rồi đi công viên, đi xem phim… với bộ óc phân thân luôn luôn. Khi bực dọc, Đăng hằm hằm chửi thể, rồi lại tự an ủi. Một anh chồng lí tưởng luôn dịu dàng ở bên kề vai sát cánh thì cáu giận mãi sao được. Lúc gặp chuyện vui, Đăng cười thoải mái mà chẳng lo ai bảo mình điên, chẳng sợ ai nói mình vô duyên.
Một hôm, có tiếng gõ cửa. Người yêu mất tích thuở Đăng mười chín xuất hiện. Cô xốn xang trong nỗi thờ ơ lạnh lùng. Tình yêu vẫn ngắc ngoải trỗi dậy. Vì họ từng có quá khứ. Vì Đăng yêu anh thuở ban đầu. Nhưng sự thật anh đã có vợ, lại yêu vợ, cô vợ ấy vẫn lù lù trong cuộc sống của anh. Đăng không thể làm vợ lẽ, càng không có ý định là bồ. Nhưng vẫn cúi đầu trước sự bất chính. Muốn say vào tình ái như một sự thể hiện, như một nỗi níu kéo tuổi xuân đang trôi phí phạm, như một sự bất xá và thách thức cuộc đời. Anh nhẹ nhàng, anh thơm, anh đẹp, anh tâm lí, anh giỏi, anh yêu Đăng, anh có gần như đủ mọi thứ để cô tôn thờ trừ việc anh là chồng cô một cách danh chính ngôn thuận. Cái miệng đàn ông ấy vẫn luôn mồm mấp máy “Không đi lấy chồng thì em khổ lắm”. Nhưng anh lại chính là khởi nguồn của mọi nỗi đau, mọi sự khổ. Tất nhiên, lại cũng là xuất phát điểm của hạnh phúc. Đăng nhận rõ tình yêu là một trò phù phiếm, là tội đồ, là mầm tai ương, là chẳng bến bờ, là gốc gác của bội phản… nhưng lúc này cô vẫn sẵn sàng chui vào cái vòng oan nghiệt ấy. Vẫn nhận rõ chân tướng giả dối ở anh, rồi ngồn ngộn hoài nghi… ngày xưa, ngày nay như dòng sông chảy trôi. Nói không yêu không đúng, mà bảo yêu càng chẳng phải. Cuối cùng, Đăng giằn lòng đứng dậy khi cơn say đến chặng cuối cùng:
- Anh đi đi. Đừng bao giờ đến nữa.
Cô nằm phờ ra mệt mỏi. Nhưng nụ hôn vừa rồi ám ảnh. Nó cứ lẩn quẩn quanh đây khiến từng tế bào cô cựa quậy. Càng nhắm mắt càng rõ. Bàn tay tuổi hai sáu mũm mĩm ấy vô thức xoa từng bộ phận cơ thể. Mơn man, trễ nải. Đăng nhắm nghiền mắt, trùm chăn trong cái nóng hầm hập khi không thể cưỡng lại cơn khát của dục vọng. Và cô bừng tỉnh khi mồ hôi túa ròng ròng. Nhớ bài báo nào đó nói rằng thủ dâm là hình thức tình dục an toàn nhất, cô cười buồn. Hóa ra, một mình người ta cũng có thể làm được những điều như thế. Rồi khi chết cũng chỉ một mình một nấm mồ thôi mà.
Đôi chân hai sáu tuổi thong dong khắp chốn phồn hoa thụ hưởng. Cho đến một ngày nó bước về quê mừng thọ bà nội. Bao nhiêu người đổ xô hỏi han chuyện duyên tình. Đăng luôn trả lời bằng nụ cười đa nghĩa. Người bà trước đây nổi tiếng cổ hủ và nghiêm khắc nay tới bên cô cháu gái ân cần khuyên:
- Này, bà thấy anh chàng lai cháu cũng được đấy.
- Xe ôm bà ạ.
- Mày phải mở rộng giao lưu chứ không thế này thì hỏng to. Bà khuyên thật, đừng có phong kiến. Tối nên đi chơi với các bạn để còn tìm hiểu nhau. Hay tao bảo dì Là làm mối cho thằng cháu bên chồng, làm công nhân, được lắm. Vừa to khỏe, lại tốt bụng. Đừng có cậy cái bằng thạc sĩ mà già kén kẹn hom cháu ạ.
Bà cụ nhăn thêm những nếp nhăn trên mặt vẻ bí mật, tay vén cạp quần để lộ hai chiếc nhẫn vàng được khâu cẩn thận ở trong:
- Họ nhà mình còn ba cô cháu gái mãi chẳng chịu lấy chồng. Đứa nào cưới trước bà sẽ thưởng cho cái này làm vốn.
Đăng bật cười mà mắt cay sè.
Hai năm sau bà mất, Đăng vẫn chẳng lấy được phần thưởng tưởng chừng rất dễ ấy. Sự nghiệp ổn định, thăng tiến, sức khỏe, sắc đẹp được cải thiện vẫn vô nghĩa nếu cả cuộc đời cô độc. Đăng thấy mình cần một đứa con. Người ta có thể chỉ có một mình mà vẫn sinh con không? Có. Đó là những phụ nữ lấy phải chồng vô sinh. Đăng đắc chí đập đùi đánh đét. Cô hứng chí đứng phắt dậy thu gom tiền bạc lao tới bệnh viện phụ sản.
Sau bao công của đi thụ tinh nhân tạo, Đăng mãn nguyện trong đau đớn khi mà chẳng cần đàn ông cô vẫn có thể có con. Đỡ bao nhiêu phiền toái. Giờ thì dư luận hết nói cô “có vấn đề” về giới tính.
Nhưng, ngoài khung cửa kia lại rình rập tình yêu. Những chàng trai vè vè soi con mắt tò mò và háo hức, những tiếng điện thoại giật thót lúc nửa đêm; những món quà, hoa và lời mời gài đầy cánh cổng lạnh lùng. Nhiều sáng, Đăng mở cửa bước ra thấy anh chàng ngủ gục ngoài cửa hứng sương đêm. Sao người ta cứ hành xác phí phạm như thế với một trái tim đã héo quắt? Đăng có biết xúc động đâu? Đôi chân nhẹ nhàng bước qua thân hình vạm vỡ đang dũi bên cột cổng đó mà đi. Tới lúc về, anh ta vẫn án ngữ ở đấy. Bền bỉ đến phát ghê. Như bị khủng bố, tâm lí Đăng bất ổn, cô lo bé con trong bụng bị ảnh hưởng. Đăng liền thuê mấy tay tứ chiếng ngoài đầu đường “bứng rễ” “gốc si” ấy đi.
Lại một hôm, cơn buốt đầu bóp nghẹt mọi dây thần kinh của Đăng. Xương cốt cô không chỗ nào không đau đớn. Ngực quặn lên cơn buồn nôn, nhưng cô không tài nào dậy nổi. Chiếc điện thoại bị hỏng, không thể gọi đi bất kì đâu. Nỗi lo sống dậy một chút lại lả đi trong cơn đau quằn quại. Cố, cố, cố lê lết hết cỡ, Đăng trườn được vào nhà vệ sinh và rớt ra một cục máu to. Thế là hết đứa con ngốn bao bạc tiền. Rồi chẳng dậy được nữa. Căn phòng sẽ thành nấm mồ chôn Đăng mất thôi.
Khi Đăng mở mắt ra, xung quanh là màu trắng bao phủ. Vẫn “cây si” hôm trước ngồi bên nắm chặt tay cô lo lắng. Cuối cùng sau bao nhiêu thời gian thì thứ nước mằn mặn ấy đã trở lại nơi đôi mắt ướt ấy. Nhòa nhoẹt và xúc động. Đăng sụt sịt cố nói thành lời:
- Cửa đóng, làm thế nào cứu được em?
- Cả ngày không thấy em ra, không tiếng động bên trong, xe máy vẫn ở nhà. Lòng như lửa đốt nên thử biến thành trộm đột nhập qua cửa sổ xem sao.
- Không giận em?
- Ai bảo không? Nhưng chuyện gì đi chuyện nấy. Giờ em có thể nằm tiếp một mình rồi.
“Cây si” định đứng lên. Bàn tay xanh xao chấp chới muốn níu lấy bàn tay. Anh lại ngồi xuống bên Đăng, thở dài nhìn cô thương cảm.
Bễ lò rèn quay phành phạch phát ra ngọn lửa xanh rì. Chiếc gọng kìm lạnh lùng chui vào làn lửa đang cháy phần phật lôi ra chiếc đinh thuyền đỏ rực. Chiếc đinh nằm gọn trên đe chờ từng nhát búa đều đặn phang xuống. Những âm thanh chát chúa vang lên. Chiếc đinh nguội dần, chuyển sang màu xanh trên đôi tay gân guốc của người phụ nữ. Dù mang bầu đến tháng thứ bảy nhưng Ngát vẫn không được nghỉ. Chị vẹo người khó nhọc trên chiếc ghế đẩu, chân dạng ra đỡ chiếc bụng to kềng. Bên cạnh, anh Kiết, chồng chị mải miết với chiếc máy hàn để cho ra cái khung cửa sắt. Dáng anh khô đét, nước da xám ngoét, trông như anh em sinh đôi với Thần Chết mà người ta vẫn hay hình dung bằng tranh vẽ ở đâu đó Hiệu lò rèn của Kiết có từ khá lâu, chủ yếu sản xuất đinh thuyền cung cấp cho mấy xưởng đóng tàu thuyền tư nhân gần nhà. Trước đây, việc nhiều Kiết phải thuê năm nhân công nữa mới làm xuể. Hồi ấy tiền vào như nước. Đà tiến để Kiết trở thành ông chủ giàu có bị lụi bại đi dần khi các cơ sở đóng tàu thuyền tư nhân rơi rụng, nhường chỗ cho những cơ sở quy mô, bề thế của nhà nước. Kiết chuyển sang làm tạp phí lù, không nề hà sản xuất bất kì vật dụng vặt vãnh nào người ta đặt hàng. Thế mà nhiều lúc vẫn khó khăn, nhất là ở cái thời bão giá này. Cũng có lẽ “đen bạc đỏ tình” thật nên mới ra thế. Bởi vì đó là giai đoạn Kiết cưới được Ngát về làm vợ.
Người như Kiết dẫu có đắp hàng núi tiền cũng chẳng thể nào béo nổi, chẳng sang nổi, chẳng ai bảo là có tiền, cũng chẳng cô nào thèm nhòm ngó chứ nói gì tới chuyện Ngát chịu làm vợ anh. Lấy vợ không quá khó, nhưng lấy một người chấm được điểm trên trung bình họa chăng chỉ xuất hiện trong mơ. Thế mà giờ đây bên anh tồn tại hẳn một cô vợ xinh đẹp, đẫy đà. Nếu Ngát không có một đời chồng trước đó, không có đứa con riêng thì hẳn Kiết đã đặt chị lên bệ mà thờ, mà ngắm, mà cung phụng rồi. Nhưng suy cho cùng, số phận thế là đã quá ưu ái với anh.
Anh Phan - chồng của Ngát là bộ đội đóng quân ngoài đảo xa, cả năm may ra về nhà được một, hai lần. Ngát sẵn sàng hi sinh tuổi xuân để chờ chồng, chấp nhận mọi thiếu thốn, khó khăn, phớt lờ tất cả sự theo đuổi và những khẩn cầu thống thiết của các anh đàn ông. Đã đức hạnh lại còn xinh đẹp. Đẹp mà nghèo. Sự thực trái khoáy ấy như miếng mồi dễ ăn. Vậy mà trường hợp này lại vô cùng khó với vô khối đàn ông có hoàn cảnh muốn tòng tem với chị cứ sôi tiết lên. Càng sôi tiết càng chẳng giải quyết được vấn đề gì nên càng thêm bức xúc. Bao nhiêu chuyện li kì từ đó xảy ra khiến cho Ngát thành nổi tiếng.
Kiết cũng không dám mơ tưởng có được Ngát, dù đó chỉ là niềm hi vọng mong manh. Ngát, tất nhiên chẳng khi nào hình dung ra kết cục của ngày hôm nay. Bởi thế, những lúc bất đắc dĩ chị thường tới nhờ vả anh vô tư với tâm thế nhờ một người hàng xóm tốt bụng. Phần nữa vì Kiết là người nhà của anh bạn cùng đơn vị với Phan, nên chị coi anh cũng chẳng khác gì người thân trong nhà. Còn các anh đàn ông khác sau thời gian theo đuổi chỉ thu lại niềm vô vọng thì đã bỏ đi, không sủi tăm. Rồi bất ngờ ập đến tin Phan hi sinh trong một cuộc rượt bắt cướp biển. Quá đau đớn và hẫng hụt, Ngát đến với Kiết tự nhiên như một sự sắp đặt trớ trêu của số phận. Kiết thì không thể diễn tả được niềm hạnh phúc bất ngờ. Thế nhưng con người ta đôi khi không biết quý trọng những gì mình có. Quá khứ kia của Ngát không xóa nổi trong Kiết giống như nét điêu khắc sắc lạnh, ngày một ám ảnh tạo thành cái hố không giới hạn ngăn cách tình yêu thương của anh dành cho vợ. Giờ, Ngát không phải là đối tượng cao vời mà là vợ anh. Đã vợ phải ra vợ, phải biết phục tùng chồng mọi nhẽ. Anh vốn khắc kỉ với những gì thuộc về mình. Ngày trước tiền bạc nhiều cũng chỉ luôn mặc bộ quần áo nhàu nhĩ, vá víu. Lúc này, vợ con phải chịu chung cung cách sống như thế với chồng cũng dễ hiểu. Tiền là thứ cần cho cả cuộc đời, không thể phung phí bất kì một đồng xu nhỏ nào. Kinh tế gia đình anh làm ra chính thì anh quản. Thằng Đô - con riêng của Ngát mười một tuổi đang học lớp năm, Kiết bố trí nghỉ để ở nhà học nghề lò rèn. Nhưng nó vẫn trốn đi học. Đánh cũng không chịu bỏ học. Anh cứ để yên xem nó còn ngoan cố đến đâu khi một xu dính túi không có. Thời buổi này đi học không có tiền họa là Thánh.
- Thằng Đô đâu? Sao giờ này còn chưa ra quay bễ? - Kiết cất giọng khàn khàn hỏi Ngát.
- Đô ơi. - Ngát mệt mỏi gọi vọng vào trong nhà.
Đô giật nảy mình nhưng không dám thưa. Em cứ ngồi thu lu trong căn phòng tranh tối tranh sáng ngổn ngang sắt vụn. Đó là kho chứa phế liệu của Kiết, thỉnh thoảng anh mới bước chân vào. Nơi ấy bẩn thỉu, tăm tối nhưng an toàn và có nhiều ngóc ngách để trốn. Đó là nơi lí tưởng để Đô học bài. Em đã dậy từ lúc cha dượng và mẹ chưa dậy nhưng không dám ra ngoài. Nếu xuất hiện thể nào chẳng bị bắt chui đầu vào bễ lò rèn đến khi nghỉ ăn cơm. Rồi lại tiếp tục quai búa sái tay cho tới tối mịt. Có lần Đô để quyển sách bên cạnh vừa học vừa quay bễ, liền bị Kiết ném ngay vào lò lửa đỏ rực. Mẹ thương con nhưng không dám chống đối chồng. Bởi trong tay chị không có một xu, lại đang bụng mang dạ chửa, bữa cơm thường ngày nuôi sống mẹ con chị phải trông chờ vào những đồng tiền eo hẹp Kiết giỏ giọt thì làm sao mà mở miệng nổi? Khi đã là vợ chồng, Ngát mới chứng thực sự kẹt xỉ đến tàn nhẫn của Kiết. Những tưởng “nhắm mắt đưa chân” là xong mà nào có xong. Lúc này, một bên là con lớn, một bên là đứa nhỏ trong bụng, Ngát không thể phản kháng, tốt nhất đành gạt nước mắt mà nín nhịn đi cho yên chuyện, đành bó buộc mọi khát khao mà tạm nghe lời anh ta.
Nhưng Đô không nghe. Nó khát học. Mấy ngày đầu nghỉ, nhìn chúng bạn cắp sách đi qua mặt nó cứ cúi gằm, tái nhợt, tay run run không nâng nổi chiếc búa. Rồi Đô bỏ nhà, bỏ ăn để đến lớp bằng được. Học sinh giỏi nhất lớp như Đô mà bỏ học sẽ khiến ối người sửng sốt. Ngát biết, nhưng không dám để trí não hoạt động, phân tích về chuyện này. Đồng đội của Phan vẫn qua lại muốn giúp đỡ Ngát. Nhưng chị đã là hạt mưa sa đến lúc bị cùm chân héo quắt nơi chiếc bễ lò rèn này mất rồi. Chị cũng chẳng muốn phiền luỵ những người lính nghèo khó đã nặng gánh đủ mọi bề ấy. Dẫu vậy, Ngát vẫn cố nài nỉ chồng:
- Anh cho nó tiền đóng học nốt kì này để lấy cái bằng tốt nghiệp cấp một, đỡ phí.
- Đằng nào cũng nghỉ thì học nữa làm gì cho phí? Đầy người học hết đại học, cao học mà vẫn thất nghiệp chỏng vó lên kia kìa. Bằng tốt nghiệp cấp một dọa ai?
Ngát lại thở dài bất lực.
Nắng gắt. Ngồi trong cái phòng mái tôn chật ních sắt vụn, Đô càng ròng ròng mồ hôi. Bụng đã sôi cồn lên nhưng em không dám bước ra vì chắc ra là sẽ bị giam chân bên cái lò rèn rực lửa sau khi ăn mấy “con lươn” lằn mông. Mà chiều thì ở lớp có bài kiểm tra quan trọng, không thể bỏ được. Kệ mùi rau muống xào tỏi mẹ nấu có xực điếc mũi thế nào, Đô vẫn cố giữ chân mình ở yên trong căn hầm đó.
Mười hai rưỡi, mẹ và cha dượng nghỉ trưa. Đô rón rén bước ra, nhưng không dám xuống bếp vì sẽ đi qua cái phản gần bễ rèn, Kiết đang nằm trên đó. Em nhẹ nhàng bước lên nhà trên, tới chỗ để hòm gạo xúc một ít nhai ngấu nghiến. Khé cổ, mỏi răng nhưng đỡ đói. Tu vội gáo nước ngoài ao, rồi chạy biến.
Cô giáo đến bên Đô nói nghiêm giọng:
- Lớp chỉ còn mình em chưa đóng tiền học phí. Em hứa hết hôm này đến hôm khác, tới hôm nay cũng vẫn chưa có à? Thế thì lát nữa cô đến nhà nói chuyện với bố mẹ em xem thế nào nhá?
Đô hốt hoảng:
- Dạ không, cô ơi. Em xin cô. Chỉ mai, nhất định ngày mai em sẽ đem tiền nộp đủ ạ. Em lỡ… lỡ tiêu rồi. Bây giờ cô tới bố mẹ sẽ đánh em chết mất.
- Lỡ tiêu rồi thì lấy tiền ở đâu ra được? - Cô giáo nhìn Đô băn khoăn.
- Em… đập lợn. Con lợn đất của em to lắm ạ.
- Được rồi. Nếu ngày mai em vẫn không nộp thì tôi sẽ đến nhà đấy.
Đô hứa bừa như vậy và phải bịa ra cái lỗi mình không có.
Bởi vì nếu cô giáo đến nhà em biết chắc mình sẽ không còn cơ hội bước vào lớp được nữa.
Làm bài kiểm tra mà đầu óc Đô cứ láng váng những câu hỏi về tiền. Rồi em đành gác lại bởi những con toán bí ẩn trước mắt lôi kéo em đi tìm đáp số.
Tan học, lòng Đô đầy nỗi lo âu. Ngày mai lấy tiền đâu để nộp học đây? Ăn cắp ư? Trong phút chốc Đô ước giá mà có thể như thế. Nhưng ông ta quản lí từng cái chổi cùn. Mẹ đã lâu không có tiền. Làm liều, ông ấy mà phát hiện được mẹ sẽ ảnh hưởng khi đang mang thai. Tiếng mấy thằng đầu gấu ở lớp ơi ới gọi nhau. Chúng vẫn thường đi kiếm sắt vụn bán cho cha dượng Đô. Trước đây, em mải học, lại được mẹ chăm lo cho đầy đủ nên không để tâm. Giờ, chuyện ấy lại trở thành cứu cánh, là cánh cửa duy nhất mở ra trước mắt Đô. Em chạy tới phía bọn thằng Cường Khánh bảo:
- Cho tao đi lượm sắt với! Cả bọn cười phá lên:
- Nhà mày còn thiếu sắt vụn hay sao?
Nhưng thằng Khoa sún với vẻ mặt hiểu biết lên tiếng tham gia:
- Đó là của cha dượng nó. Nó không có tiền đóng học, bị bắt ở nhà làm thợ rèn đấy. Thôi, cho nó nhập bọn, đổi lại giờ kiểm tra chúng mình nhìn bài nó thả phanh.
Cường thấy hợp lí liền thu thập ngay Đô vào làm đệ tử:
- Chẳng bù cho nhà tao, ớn học muốn chết mà bố mẹ cứ tọng. Còn đặt tiền thưởng nếu đạt điểm cao nữa chứ. Cóc cần, đi đào sắt đầy tiền. Nhưng bây giờ có thằng Đô học thì khi nào được thưởng tao sẽ chiêu đãi chúng mày bét nhè nhá.
Đào sắt dễ như đào dế. Đôi khi bắt được những chú dế béo ú, rất khoái. Khu vực đồi trọc này, Đô không ngờ rằng gần như là đào đâu cũng có thể ra sắt. Đôi lúc rùng rợn vì đào phải xương người.
Thằng Cường tuyên bố:
- Mấy năm nữa, tao sẽ bỏ học, mở một công ty chuyên đi đào sắt vụn.
Cả hội dò la trên một bãi cỏ rộng. Đô mải miết đào. Thân hình gầy còm của em lao theo từng nhát cuốc. Nhưng em không cảm thấy mệt mỏi, chỉ tràn ngập một niềm vui khôn tả. Lâu lắm rồi, từ ngày cha mất đến hôm nay dường như nỗi buồn mới được giảm bớt. Một cục sắt trồi lên. Chà, chỉ lát nữa đào được nó, bọn thằng Cường sẽ đem đến chỗ dượng Kiết bán, và ngày mai Đô không còn sợ cô giáo đến nhà nữa. Em tha hồ học, tha hồ nuôi nấng ước mơ của mình. Cố lên. Nhát nữa. Nhát nữa. Rồi em sẽ bỏ ngôi nhà ấy. Đến một ngày thành đạt sẽ trở về đón mẹ Ngát thoát khỏi cái cùm xích vô hình và ác nghiệt ở địa ngục sắt kia. Đó là lúc em sẽ trở thành anh bộ đội như bố Phan, cầm súng hiên ngang canh giữ bầu trời Tổ quốc. Mồ hôi ướt đẫm chiếc áo mỏng, Đô hăng hái đào. Cục sắt mới to làm sao! Nó vồng lên như một cái xô. “Kiến” trong bụng lại bò cồn cào, Đô tự nhủ đào xong cục sắt này em sẽ vay thằng Cường hai nghìn đi ăn cái bánh mì nóng. Nhát nữa. Rồi nhát nữa. Những nhát cuốc như cẩu cả thân thể Đô lên nhưng em thấy nó nhẹ hơn nhát búa bên lò rèn vì đây là con đường đi đến tương lai. Sắp lấy được cục sắt rồi. Đô hết sức giơ cuốc phập xuống. Và chưa kịp bậy lên thì một tiếng nổ tung trời vang dội. Đất đá bay tứ tung. Đó là quả bom còn sống trong lòng đất suốt mấy chục năm qua. Năm đứa trong hội bị thương nặng. Đô tan đi theo giấc mơ dở dang và quả bom dữ.
Được tin, Ngát ngất. Sau khi tỉnh lại chị viết đơn li hôn chồng. Nỗi đau khiến người đàn bà trơ khấc như tấm đe bên lò rèn. Nhưng ôi, lòng vẫn quặn lên ám ảnh. Quá khứ qua rồi sao vẫn để lại những dấu tích không thể xóa nhòa?
Ngôi miếu nhỏ trước đây nằm khuất sau tán đa cổ thụ, sát biển, xung quanh um tùm cây cối. Nhà cửa gần đó thưa thớt. Bây giờ thì nó ở vị trí rõ hơn, biển cách xa vì người ta đã làm con đường quốc lộ chạy qua. Dù hơi khuất, dù nhỏ nhưng những người duy tâm không ai không biết tiếng thiêng của nó. Ngày rằm, mùng một, nhất là vào dịp xuân rất nhiều du khách ở xa đổ về. Dân tình đồn miếu thờ một cô gái chết trẻ. Họ tới lạy tạ, kêu xin và chả bao giờ quan tâm chủ nhân của miếu chết thế nào, từ bao giờ mà trở thành bậc thánh thần như vậy. Duy chỉ một người biết rõ, nhưng lặng thinh. Hằng năm tới ngày giỗ của cô, ông âm thầm đến, âm thầm dâng hương, âm thầm khóc.
Năm nay, ông đã ngoại bát tuần, dò dẫm từng bước chống gậy tới. Bà coi miếu chắc mới đến nên không biết ông. Người bà thấp béo như một đĩa thịt quay, mắt đảo liên hồi, lè nhè nói:
- Kêu xin gì đưa lễ đây tôi khấn cho. Lập cập bước vào đấy rồi đổ vỡ ra các ngài lại quở.
Ông lạnh lùng nhìn bà. Bà bỏm bẻm nhai trầu vô tư. Ông không nói không rằng, tới bên bệ thờ bày lễ thắp hương. Bà khó chịu, đành ngồi vào một góc nguýt dài.
Miếu được trang hoàng bởi những tượng Thần, Phật uy nghiêm, những nón áo lủng lẳng, những đồ hàng mã sặc sỡ.
Làm gì có tấm hình nào của người đã khuất trên nấm mồ lâu năm ấy. Nhưng ông vẫn nhớ như in khuôn mặt tròn vạnh, đôi mắt tươi sáng và nốt ruồi đỏ bên khóe mũi xinh xinh.
Ngày đó, ông tròn hai mươi tuổi, trên một chuyến tàu cùng gia đình buôn bán sang Trung Quốc. Chiếc tàu sang trọng chứa nhiều hàng hóa và chở những người thân yêu nhất của ông đã nằm gọn trong tầm ngắm của bọn cướp có tổ chức lớn. Những thủy thủ can trường cố cầm cự mà không thoát khỏi nanh vuốt của chúng. Tới bây giờ ông vẫn còn run lên căm hận khi nhớ lại quang cảnh thê thảm ấy. Bệnh say sóng khiến ông phải nằm bẹp dí sau thùng rượu. Từng đợt sóng dập dềnh làm cho ông choáng váng, không tài nào đứng dậy nổi. Để rồi chứng kiến tận mắt chúng đâm nát ngực cha ông, giằng lấy người mẹ của ông mà hãm hiếp. Chẳng khác gì những cảnh rùng rợn trong rạp chiếu phim thời nay người ta tái hiện ra. Cái thằng lệch cổ cứ ngoái ngoái như một cố tật vục mặt vào thùng rượu uống ừng ực. Phát hiện ra ông đang quằn quại với cơn nôn khan, hắn lôi ông ra, nhấc bổng ông như nhấc một chú bé. Rồi quẳng ông xuống làn sóng dữ dằn, vừa sủi bọt mép chửi thề.
Ông cố chới với bíu chặt lấy một bọc gì đó bập bềnh bên cạnh, sau lịm đi không biết gì nữa. Tỉnh dậy, ông thấy xung quanh lạnh ngắt và tối om. Định thần một lúc mới nhìn rõ là hang đá. Ông choáng váng chạy ra, bốn bề ngầm ngập sóng nước. Ông đành ngồi lại, hi vọng sự may mắn đem đến một chiếc thuyền lương thiện nào đó.
Khi cơn đói hoành hành dữ dội thì một cô gái xuất hiện. Nàng mang cho ông gói cơm cá khô. Chính nàng là người đã cứu ông. Bát cơm nguội sao mà ngon như một thứ cao lương mĩ vị chưa bao giờ được nếm. Ông xót xa hiểu rằng chuỗi ngày vương giả xưa kia đã trở thành nỗi khát khao. Những bữa tiệc sang trọng chỉ còn trong hoài niệm.
Ân nhân của ông tên là Ngân. Nàng bảo nàng là tiên cá được Thủy Tề sai cứu ông. Ông cười câu chuyện cổ tích quá đơn giản, nhưng thật lạ, vẫn tin tin. Ông hỏi về những tàu thuyền lớn để tìm cách vào đất liền. Ngân tỏ ra không hiểu. Cô bảo:
- Anh chịu khó ở lại đây một thời gian để các vết xây xước lành đã. Ngày ngày em sẽ mang cơm cho. Vào đất liền xa lắm, em chưa có tiền giúp anh được.
- Nhà em ở đâu?
- Trên “thiền”, à quên, đã bảo dưới Thủy Cung mà.
Từ đó ông ngao ngán ngắm mặt trời lên, xuống, những dãy núi im lìm, những con sóng rì rào gối lên nhau mãi không ngơi nghỉ, những cánh chim thấp thoáng chao liệng. Chiều muộn, Ngân đem cơm tới cho ông an ủi cơn đói cồn cào. Ông biết rằng có được nó cô phải nhịn phần cơm của mình và công phu giấu gia đình.
Khi khát, ông vục từng vụm từ các vũng nước tù trong hang. Đêm, tìm mãi một góc khô ráo để co người chợp mắt cũng khó. Những nhũ đá rỏ nước lạnh nhớp nháp len lỏi xung quanh không cho ông yên.
Hai ngày sau, có một chiếc mủng lượn lờ ngoài cửa hang. Ông vui sướng chạy ra gọi. Trên mủng là một cô gái chạc tuổi Ngân đang say sưa vợt cá. Thoạt đầu thấy ông cô gái sợ hãi cong người chèo mủng đi. Cô không ngờ trong cái hang vắng vẻ ấy lại có người. Sau tĩnh tâm nghe tiếng gọi như kêu cứu, cô ngập ngừng quay mủng.
Ông hơi thất vọng vì cô gái ấy xấu xí. Mái tóc vàng hoe cháy nắng. Đôi mắt gắng mở to nhìn mọi sự mà cũng chỉ được ở mức ti hí. Chiếc mũi hếch ngược lên cố sức thực hiện chức năng khứu giác của mình. Cái miệng cũng thế, cong vêu hết cỡ để nói. Tất cả con người cô rướn lên một sự cố gắng không ngơi nghỉ. Song, dẫu sao cô xuất hiện đã khẳng định quanh đây có một xóm chài chứ chả có tiên cá hay Thủy Cung, Thủy Tề nào hết. Ông kể lại hoàn cảnh éo le của mình, tất nhiên nếu để lộ rằng đã có người giúp đỡ sẽ không huy động được tình thương triệt để. Cô gái có tên Ngà này thấy thương cảm chàng trai vô hạn. Cô neo mủng, tận tình lấy nõn sú nhai dập đắp vào vết thương cho ông. Qua câu chuyện cô kể thì gia đình cô nghèo lắm. Mẹ cô rất nghiêm khắc nên dù muốn giúp cũng không thể đưa người lạ về nhà được. Nói chuyện, cô có vẻ bẽn lẽn, giọng dịu êm, ngọt ngào làm ông say. Giá tách được lời nói ra khỏi khuôn mặt ấy thì tuyệt diệu biết bao. Ông thích nhắm nghiền mắt để thưởng thức trọn vẹn âm hưởng mê ly đó. Thật lạ lùng, nơi biển dữ, gió to, sóng cả này lại có được giọng nói dịu nhẹ đến thế. Nó làm nhạt nhòa biết bao sự mất thiện cảm lúc đầu. Cô hứa sẽ đem cơm cho ông để hủy diệt cái đói. Rồi cô về nhà lấy và mang ngay đến. Cơn đói giảm phần nào, nhưng vẫn không đáp ứng đủ với sức ăn của ông.
Từ đó, ông ngủ rốn và nhịn đói đến trưa chờ Ngà. vết xước dần lành, Ngà cho ông lên mủng đi vợt cá cùng. Ông dạy cho cô những bài hát mình biết. Giọng ca của cô ngân nga loang xa hòa vào từng lớp sóng. Ông thấy mình yêu cái giọng diệu kì này mất thôi.
Buổi chiều, Ngà về được một lúc thì Ngân tới mang cơm.
Vết xước đã lành. Cô dạy bơi cho ông. Bơi đủ kiểu. Ông bất ngờ với chính mình. Kiểu bơi ngửa khi còn trong trường ông đã cố hết mình mà vẫn không sao học được. Vậy mà giờ đây, cô gái bé nhỏ này chỉ hướng dẫn vài lần ông đã uốn lượn thuần thục dưới nước. Nếu trước lúc rơi xuống biển ông chuẩn bị kĩ biết đâu sẽ thoát được những cơn sóng cuồng dại, sẽ bám trụ trên một chiếc thuyền nào đó chứ chả phải trôi dạt vào cái hang u tối, nơi mà tiếng khỉ ho, cò gáy bói cũng chẳng ra ở nơi này.
Nhìn cô bơi như một con rái cá, ông thú vị không chớp mắt. Câu nói của cô “em là tiên cá” vì thế vẫn làm ông nghi hoặc. Đôi mắt trong trẻo, nét mặt tươi sáng, nụ cười thường trực, với nốt ruồi đỏ trên khóe mũi đã tạo nên một sự duyên dáng khiến ông ám ảnh. Ông dạy chữ cho cô. Sự thông minh của cô càng làm ông ngỡ ngàng. Ông thấy hình như mình đang yêu.
Một sáng tinh mơ, ông giật mình dậy bởi tiếng khóc tấm tức. Lưỡng lự bước ra, thấy chiếc mủng neo gần đó. Trên mỏm đá cạnh cửa hang có cô gái đang ngồi gục đầu khóc. Dáng cô che hẳn ánh mặt trời rạng rỡ đang nhô dần khỏi dãy núi. Ông từ từ bước lại. Cô gái giật mình suýt ngã. Cô nhanh chóng định thần và choáng váng trước vẻ phong độ của ông. Cô ngạc nhiên hỏi:
- Anh là ai?
Cô gái đẹp quá. Vẻ đẹp hoang sơ. Đôi mắt sưng mọng dưới hàng lông mày đen láy thẳng tắp như một đường kẻ hoàn mĩ của tạo hóa. Đôi mắt như biết nói, biết sai khiến, biết hút hồn người khác. Và tất cả những đường nét khác hài hòa đến lí tưởng. Không thể có một sự sắp xếp nào tinh tế hơn. Mắt ấy phải hợp với miệng ấy, mũi ấy, mái tóc bồng bềnh ấy, làn da ấy, khuôn mặt ấy, dáng hình ấy. Dù đang buồn nhưng ở nàng vẫn toát ra một ánh hào quang khác lạ, một sự khiêu khích đầy cám dỗ. Ông choáng váng đứng lặng ngơ ngẩn. Nàng hỏi lần thứ hai, ông mới giật mình định thần và trả lời bằng câu hỏi lại:
- Em là ai?
Cô gái nhìn ra xa, nước mắt ướt đẫm bờ mi ken dày. Cô kể rằng sắp phải đi lấy chồng, lấy một người mình không yêu. Người ấy là bạn bố cô mà bố cô mất rồi. Cô quý ông ta nên không biết từ chối thế nào. Cô mong có một mối tình cuốn cô đi. Cô lại khóc. Ông bối rối muốn lau giọt nước mắt long lanh đó nhưng sợ cô sợ. Ông tự chủ phớt lờ:
- Sao ở đây lại sản sinh ra một người yếu hèn thế nhỉ?
Cô gái ngạc nhiên nhìn ông trừng trừng. Ông cố liếc cô bằng nửa con mắt:
- Chuyện đơn giản mà khóc như chết đến nơi. Cô có biết tôi là người từ cõi chết trở về không?
Và ông kể lại chuyện gia đình mình, tai biến của mình. Rồi ông bịa ra sự nỗ lực để chống cự với cái sống và cái chết trong mấy ngày qua:
- Tôi phải lặn xuống nơi sâu nhất để bắt từng con cá, con tôm; phải lật từng hòn đá nhọn để tìm cua, cáy; phải giận đến sưng tấy cả chân từng lỗ bống, lỗ bề tìm cái mà ăn.
- Anh ăn sống ư?
Ông cầm hai hòn sỏi to cọ vào nhau phát ra ánh lửa xanh rì:
- Lửa đây. Rồi tôi nhặt lá khô nướng lên.
Cô gái nhìn ông thán phục. Ông vênh mặt nói tiếp:
- Sáng nay thấy có tiếng người tôi đã vui mừng vì nghĩ rằng mình sắp được trở lại đất liền, ai ngờ gặp phải kẻ sướt mướt như cô.
- Anh chả hiểu gì cả?- Cô gái hờn dỗi.
- Tôi cần gì hiểu. Nhưng cô ở đâu?
- Sao bảo “cần gì hiểu” lại còn hỏi? Ông bối rối:
- Thì … phải hiểu từ từ.
Ánh mắt cô gái đã bớt buồn:
- Tôi ở dưới Thủy Cung.
- Lại Thủy Cung. Lắm Thủy Cung thế?
- Gì ạ?
- À không. Tôi biết bài của cô rồi. Chuẩn bị nhận mình là nàng tiên cá chứ gì?
Nói khoác với người đẹp như vậy nhưng thật ra bản thân ông đang hoang mang không biết mình còn sống thật hay không. Biết đâu chốn này là nơi đầu tiên của linh hồn dừng chân? Và ba cô gái nhiều ấn tượng kia có phải người thật? Người thật diệu kì vậy sao?
Cô thứ ba này tên Ngọc. Cô vồn vã hỏi người thanh niên:
- Vậy là cả tuần nay anh chưa có hạt cơm nào vào bụng?
- Cô tự trả lời rồi đấy.
- Anh chờ chút nha. Tôi về rồi ra ngay.
- Khoan. Đói thì đã đói rồi. Sáng mai cô đem cơm cho tôi cũng chả muộn. Bây giờ tôi nhờ cô một chút.
- Làm gì?
- Biết ngay thôi.
Tiếc biết bao khi thời khắc tinh anh tới lại không đủ điều kiện. Ông đành vẽ cô trên mảng cát mịn kế đó. Ôi, càng ngắm cô càng đẹp, càng vẽ ông càng say. Hình trên cát làm Ngọc sửng sốt với chính sắc đẹp của mình:
- Không, tôi đâu có được như thế. Ông khó chịu:
- Tôi bất tài quá. Môn vẽ của tôi tồi quá. Cố mãi vẫn chả thể chạm được cái thần của cô. Ước gì có một mảnh giấy.
Vừa hoàn thành bức vẽ thì một cơn sóng ào lên xóa đi tất cả. Tiếc nhưng vui.
Bắt đầu từ sáng hôm sau, Ngọc thường xuyên mang cơm cho ông và ngồi làm mẫu vẽ cho tới lúc thủy triều lên.
Kết bạn cùng ba cô gái và ba bữa đều có cơm ăn, ông mất dần cảm giác đói khát, thấy cuộc đời đã hồng hào lên phần nào. Nếu đây là cõi chết thật hay là nơi tận cùng của số phận thì cũng tốt.
Ngọc từ bỏ cuộc hôn nhân không tình yêu với người đáng tuổi cha mình. Thâm tâm cô muốn tìm một ý trung nhân giống người thanh niên lạ này.
Cho tới một hôm, ông sốt. Ngọc phải nán lại. Giờ của Ngà sắp đến. nếu để những cô gái này giáp mặt nhau thì hỏng mất. Thành cái chợ không ngại, mất một trong ba bữa ăn thường ngày cũng chả sao nhưng ông sẽ mất đi một trong những niềm yêu thương của mình. Cả ba cô đều gắn bó, đều để lại trong ông tình cảm sâu nặng. Nhưng ông không ngăn cản được Ngọc. Cơn sốt cao đã khiến ông mê man rồi lịm dần.
Ngà xuất hiện khiến cả cô và Ngọc đều bất ngờ thốt lên:
- Sao chị lại ở đây?
- Kìa, em tới đây làm gì?
Suy ngĩ một thoáng, Ngọc nói thật:
- Chị đem cơm cho anh ấy, Còn em?
- Cũng thế.
Trời ơi anh ấy bị sao vậy?
- Sốt. Em về nhà lấy chai rượu cá ngựa ra đây! Hay để chị cũng được.
Ban nãy không có ai chị về chẳng đành.
Đánh gió xong, ông dịu được một hồi. Chiều đến, lại sốt. Ngọc và Ngà cuống lên không biết làm thế nào. Nếu có mẹ Ngọc ở đây chắc chắn ông sẽ nhanh chóng dứt cơn, vì bà có biệt tài bấm huyệt. Nhưng báo cho mẹ thì mẹ sẽ trừng trị các cô và xử lý cả ông nữa. Bà đã được các cô đặt cho biệt danh là “Lưỡi tầm sét” vì sự nghiêm khắc quá độ.
Đúng giờ, Ngân đến. Tất cả thêm một lần ngỡ ngàng. Ngọc và Ngà đồng thanh:
- Sao lại thế này?
Ngân hoảng hốt:
- Trời ơi, các chị!
Nhưng có lẽ ngạc nhiên nhất là ông. Trong lúc mê man ông vẫn nhận ra rồi thoảng thốt kêu:
- Hóa ra các cô là người một nhà?
Ba cái đầu xinh xắn bẽn lẽn gật. Ngân nhìn ông nghiêm khắc:
- Còn anh thì lợi dụng chị em chúng tôi?
Ông định thanh minh nhưng không đủ sức. Người vừa nóng bừng bối rối và gai lạnh. Ông co giật một hồi rồi thiếp đi. Ba chị em chả còn tâm thế trách cứ hay suy diễn, họ chỉ có một ý nghĩ duy nhất là làm sao cứu chàng trai thoát khỏi cơn sốt càng nhanh càng tốt. Họ không chỉ có tình thương chung chung mà bấy nay chàng trai này đã là điểm sáng trong cả ba trái tim trinh trắng ấy.
Đến đêm, ông vẫn không đỡ. Ba chị em người nọ đùn đẩy người kia về nhưng ai cũng cố nấn ná. Ngọc lấy quyền chị cả nói:
- Cả ngày không thấy mặt mũi chúng mình, mẹ đi tìm thì chết. Chị bảo, các em phải về!
Ngà, Ngân tần ngần bước ra, đến cửa hang thì dừng. Đầu tiên là Ngà, rồi tới Ngân mon men trở lại. Ngọc bất lực:
- Thôi đã về thì về cả, ở lại thì ở tất. Kiểu gì mẹ cũng lo rồi. Ba người con gái ngồi dúm bên nhau dưới ánh đuốc bập bùng. Ông run lên từng cơn, mồ hôi túa ra, vật vã, mê sảng. Các cô gái nhăn nhó xót xa. Ai cũng muốn gánh hộ căn bệnh của ông mà không được. Họ không khóc, không rên nhưng môi ai cũng cắn chặt đến rớm màu. Ngân vùng dậy:
- Em phải gọi mẹ ra. Ngọc giữ lại:
- Đừng. Em biết tính mẹ rồi, sẽ không tha thứ đâu. Ngà tán thành ý kiến của Ngân:
- Ngồi mãi ở đây thế này sao? Ngọc bật khóc:
- Chị không biết, nhưng … nhưng …
Tiếng họ cãi nhau vang vang trong đêm thanh vắng. Một ánh đuốc tới gần. Người mẹ xuất hiện. Bà chưa kịp vui mừng khi tìm ra ba “viên ngọc” của mình, cũng chưa kịp răn dạy gì thì đã hiểu phần nào nguyên nhân.
Ngân quỳ sụp xuống chân mẹ:
- Mẹ cứu anh ấy đi!
Ngọc và Ngà cùng quỳ xuống theo. Người mẹ vội bắt tay vào công việc sở trường của mình.
Sáng hôm sau, bốn mẹ con thiếp đi cạnh cửa hang là lúc ông tỉnh giấc. Người mẹ bỗng dưng dễ tính đến bất ngờ. Bà không những không trách mắng mà còn khuyên ông nên về nhà bà ở cho đỡ khổ. Ông sẽ là trụ cột của cái gia đình bấy nay bà gồng mình làm chủ. Rồi bà sẽ dạy ông nghề đánh bắt cá. Còn ông thì dạy ba cô con gái yêu của bà cái chữ, bài hát và những kiến thức khác mà ông biết.
Đường để vào đất liền tới gần, ông hăm hở chấp nhận. Ngôi nhà của họ là một chiếc thuyền nan đã cũ. Nó lênh đênh trong hẻm núi cùng số thuyền rải rác gần đó. Khi các thuyền ra khơi, ngôi làng vắng ngắt. Lúc xế chiều hay cuối con nước, cả vùng biển râm ran quây tụ trong một quần thể nhỏ. Hóa ra đây là làng chài cách đất liền hơn nửa ngày chèo lái. Thực phẩm mà họ có được do đổi thủy sản cho những chiếc tàu từ đất liền ra. Ông hiểu việc vào đất liền không còn là ước mơ nữa. Nhưng về làm gì khi gia đình ông đã thu vén tất cả của cải để buôn bán chuyến hàng này. Người thân đã chết, vốn liếng cạn sạch. Về bây giờ chả khác nào kẻ ăn mày thì thà làm ngư dân sống giản dị nơi đây. Song, quan trọng là ba thiên thần kia như ba cục nam châm hút ông về một hướng. Ông muốn đem những gì mình đã học được dạy cho các cô, muốn ngắm nhìn các cô, muốn sống êm dịu bên các cô. Ông tha thiết với “nơi thiên đàng thanh tịnh” này hơn “chốn thượng giới” xô bồ trên đất liền kia.
Khi biết chị, em của mình cùng mến ông, rồi khẳng định đó là một người lí tưởng thì cả ba đều lặng lẽ xa lánh ông. Họ ngại, họ mặc cảm, họ nhường nhịn và vun vén cho nhau. Ngọc cho rằng: “Mình quá yếu đuối, lại có người nhòm ngó, anh ấy chả để tâm đâu. Phải bé Ngân mới xứng. Mà Ngân vẫn nhỏ. Ngà không xinh nhưng dễ thương. Biết đâu anh bao dung sẽ dành tình cảm cho nó”. Ngọc lảng tránh ông.
Ngà nghĩ: “Sao mình xấu thế? Đứng bên anh ấy mà ngượng. Chắc chả mấy anh sẽ cưới chị Ngọc. Họ đẹp đôi. Vậy mừng quá chứ sao lại buồn thế này?”. Ngà trốn chạy ông.
Ngân rầu rầu ra mặt. Cô chả còn đùa vui dí dỏm như hồi mới gặp ông, luôn trăn trở bởi ngàn câu hỏi: “Sao mình không xinh như chị Ngọc? Sao không hát hay như chị Ngà? Sao không là chị cả? Sao anh lại ốm? Sao các chị lại biết về anh để cô chả còn bí mật gì cho riêng mình nữa? Sao? ...”
Những đêm trăng sáng vằng vặc, gió hiu hiu xui đôi chân từng người chạy tới gần ông nhưng cả ba đều khựng người lại. Họ nhìn nhau. Xót cho mình nhưng thương cho người ruột thịt của mình hơn. Họ nén chịu mọi xúc cảm để mong người thân của mình được hạnh phúc. Rốt cuộc, ba cô gái đứng lặng trong ba góc tối khao khát lặng nhìn người đàn ông dưới trăng.
Ông nhận rõ tình cảm của cả ba. Ông cũng có tình cảm với cả ba người như nhau, không thể phân biệt rạch ròi ai hơn ai. Thân thiện với người này quá sợ người kia buồn phiền hoặc sợ mất hẳn họ. Vậy là cứ cố níu giữ cả ba. Vươn tay này thì tuột tay kia. Họ không là một như ông ao ước.
Nhà họ đông người hơn nhưng tiếng cười thưa vắng hơn. Họ lặng lẽ, câm nín, thui thủi dù trong lòng mỗi người đều chứa đầy bão tố. Người mẹ hiểu lòng con trẻ nên cho chúng toàn quyền quyết định. Kiểu gì cậu chàng này cũng sẽ chiếm giữ một trong ba cô con gái bà. Ngờ đâu, tối đó cả ba cô nàng cùng thưa chuyện với mẹ. Ngọc ngập ngừng:
- Thứ ba tuần sau con cưới. Ngà lưỡng lự:
- Anh Sỏi đã ngỏ lời. Thứ ba tuần tới anh ấy đến thưa chuyện với mẹ.
Ngân đỏ bừng mặt nói run run:
- Người ta chuẩn bị rồi, cũng hôm ấy mang lễ đến hỏi con.
Ngân tắc nghẹn lời nói. Cô cúi gằm mặt giấu đi đôi mắt đỏ hoe. Người mẹ ngỡ ngàng. Ông ngơ ngác tưởng mình mê man. Ba cô gái ngạc nhiên rồi nhìn nhau phản đối. Lần đầu tiên họ tranh giành to tiếng với nhau để cái ngày thứ ba ấy là của mình. Mình sẽ đi lấy chồng trước cho người còn lại sáng suốt bỏ cái mặt nạ ra mà hạnh phúc cùng ông. Chả ai chịu ai. Ai cũng dành phần thua thiệt về mình như một thứ hạnh phúc. Rồi cùng giận nhau bởi xót lòng cho nhau.
Người mẹ đành chấp nhận cho Ngọc cưới trước còn tất cả hoãn lại. Ngọc đau khổ mãn nguyện. Ông trằn trọc tiếc nuối.
Trưa hôm sau, theo con nước người mẹ lại ra khơi. Ông mệt nhoài không dậy nổi để đi cùng bà. Các cô ở nhà chăm chỉ phơi cá, đan lưới rồi học chữ do ông dạy.
Chiều, ráng trời đỏ gắt như có bão. Mẹ vẫn chưa về, ba cô gái lo lắng.
Tối, trời đen sầm vần vũ. Thể nào cũng bão. Ba cô gái lòng như có lửa đốt. Mọi lần tầm này mẹ phải có mặt rồi. Hay ngoài khơi bão đã hoành hành? Ngân quyết định:
- Em đi đón mẹ. Ngọc hoảng hồn:
- Em điên sao? Ngân chắc chắn:
- Em biết mẹ ở đâu.
Ngân phăm phăm gỡ neo mủng. Phần vì lo cho mẹ, phần cô không chịu nổi thời khắc trống chuếnh mà lại gần ông. Cô muốn một mình giải tỏa và muốn một trong hai người chị có điều kiện gần ông hơn. Chả ai ngăn cản nổi.
Lúc sau, vẫn không thấy ai về. Sấm chớp nổi lên dữ dội. Họ nhìn vào mặt nhau tối om. Nặng nề. Ngà đứng dậy:
- Chắc Ngân vẫn còn quanh quẩn đâu đây, để em đi gọi. Ngọc cố ôm ghì em nhưng không được. Người đàn ông giằng lại chiếc neo:
- Để anh đi!
- Không. Anh vẫn còn hay say sóng, lại không quen luồn lạch. Hai cô gái cố níu giữ ông lại trên thuyền. Ngà thừa cơ giật lấy chiếc mủng, chèo mủng đi. Ông và Ngọc bất lực nhìn theo. Họ lặng câm ngồi bên nhau như hai pho tượng. Căng thẳng.
Mưa bắt đầu rơi, quất vào mặt Ngọc như khiến cô sự tỉnh. Ngọc bật khóc:
- Em là chị cả mà hèn nhát. Người đi tìm mẹ phải là em. Xấu hổ làm sao! Em không xứng đáng với anh cũng phải.
Miệng nói, tay cô tháo nốt chiếc mủng cuối cùng. Ông giằng lại:
- Chỉ còn mỗi mình em thôi. Ngọc hất tay ông ra:
- Buông ra. Chúng nó có mệnh hệ gì em chả thiết sống trên đời này nữa Ông ôm chặt người con gái xinh đẹp:
- Anh yêu em. Chỉ còn mình em, hãy ở lại đi!
Không kịp nghe hết câu, Ngọc đã đẩy ông ngã nhào. Yếu đuối tích tụ nhiều quá đến lúc sẽ bùng phát thành sức mạnh cao hơn mọi sức mạnh. Chiếc mủng lao vút đi trong đêm đen đầy bão tố. Thuyền chòng chành như muốn lật. Người đàn ông đứng chơ vơ đơn độc. Ông muốn đuổi theo nhưng không biết làm cách nào? Chưa bao giờ ông thấy sợ đến thế. Phải chăng lúc này mới chính là địa ngục?
Bão tố nổi lên mỗi lúc một dữ dội. Ông cay đắng chửi mình hèn hạ, tham lam. Không biết mình là ai và tự bằng lòng chọn cho mình một người yêu thương duy nhất, để rồi chẳng có được ai. Tất cả đều tuột khỏi vòng tay không quyết đoán của ông. Ông đau xót, lòng muốn gầm lên theo trời nước.
Bão lặng. Ông xơ xác ngây dại ngóng trân trân ra biển. Một chiếc mủng chèo tới gần làm mắt ông sáng lên. Họng ông tắc nghẽn âm “Ng”. Ngân? Ngọc? Hay Ngà?
Chiếc mủng rõ hơn. Thì ra đó là người mẹ. Bà bình yên bước vào chiếc thuyền hoang vắng. Bà đã trốn cơn bão trong hang sâu. Bà hỏi về những đứa con. Nhưng chúng đã bị Thủy Tề rước về Cung thật rồi.
Vài ngày sau, xác ba cô gái trôi về ba nơi. Họ được những người dân tử tế chôn cất. Ngày này qua tháng khác, nhiều người bất hạnh đi qua nhìn thấy ngôi mộ hoang liền thắp nén nhang cầu khấn. Phần nhiều lời cầu của họ thành hiện thực. Dân nơi đó ngày một hưng thịnh. Từ đấy người ta lập thành miếu thờ. Cả ba miếu đều rất linh thiêng.
Còn ông, một thời gian sau đưa người mẹ vào đất liền.
Người mẹ thương con khóc lòa mắt. Ông cứ sống như thế thay các nàng chăm sóc bà cụ. Bà đã mất cách đây hơn ba mươi năm. Ông vẫn thế, hàng năm đều đặn tới thắp nhang cho ba ngôi miếu.
Dâng nén nhang cuối cùng nơi miếu của cô út, ông khuỵu hẳn xuống. Một thoáng mãn nguyện trên nét mặt. Ông sắp được gặp cả ba mối lương duyên của đời mình.
Sau bao năm khổ luyện, tiến sĩ Phúng được cất nhắc làm Giám đốc. Đầu tiên, anh thoái thác bởi những cuộc họp hành, nhậu nhẹt, những vụ thăm, viếng, ngoại giao vốn vô vị hơn rất nhiều nếu dành thời gian đó đọc sách hay nghiên cứu. Nhưng ông Hản - Giám đốc cũ đã quá tuổi về hưu, giờ ốm đau liên miên. Ông Thỉnh, bà Hoàn thì không đủ năng lực chuyên môn, đang cố chờ tới ngày lấy xuất lương hưu. Cậu Phấn đi học nước ngoài. Cô Thoa thì chanh chua, nói ai nghe? Người khác non về nghiệp vụ và mang nhiều thói tật. Rốt cục cả sở thủy lợi ngót nghét năm mươi nhân mạng nâng lên đặt xuống tới mỏi cũng chẳng chọn nổi ai ngoài chàng tiến sĩ giàu năng lực ở độ tuổi băm tám này. Anh không từ chối nổi trách nhiệm đồng nghiệp trao gửi. Dẫu sao từ nay lương lậu cũng tăng được chút ít. Họ nội, nhà ngoại bớt dè bỉu “hữu danh vô thực”, “mang tiếng tiến này sĩ nọ mà lúc nào cũng thiếu thốn” …
Phúng bắt tay vào việc bằng hàng loạt các quyết định thay đổi cơ cấu quản lý, giảm biên chế ai chuyên ngồi chơi xơi nước tán dóc, v.v…trước, người ta tưởng đặt “con mọt sách” vào vị trí Giám đốc thì sẽ thừa cơ thích làm gì thì làm. Họ cho rằng người giỏi chuyên môn thường không ma mãnh trong quản lý. Khối người từng mở cờ trong bụng thảo sẵn kế hoạch lợi dụng mác “nhà nước” và “con rối đứng mũi chịu sào” này mà móc ngoặc bên ngoài hòng đục khoét. Ai ngờ họ bị biến thành cái máy, suốt ngày phải làm việc. Trước đây không làm vẫn đủ ăn. Thành ra người ta ân hận sự tín nhiệm vừa rồi. Dần dà họ không ưa anh Giám đốc mới. “Không ưa thì dưa có dòi”, sự biểu tình ngấm ngầm nảy sinh. Chẳng việc gì phải răm rắp theo điều hành của Phúng. Làm một nửa, một nửa để đấy. Họ sáng tạo thần thông vô vàn lí do, lí giải về phần việc chưa hoàn thành. Thế thì cớ đâu mà trách, lí đâu mà đuổi? Tội vạ, Giám đốc chịu.
Từ ngày Phúng nhận chức, từng toán họ hàng nối nhau tới thăm. Họ gần, họ xa, họ nội, họ ngoại, họ của hai họ, người ở tít miền ngược, người tận vùng biển hẻo lánh đều lặn lội đến. Nhà anh đầy ăm ắp nào muối, đường, mắm tôm, gà, vịt, na, ổi… những đặc sản họ mang theo làm quà. Tất cả cùng mục đích: “Một người làm quan, cả họ được nhờ, mong chú (ông, bác, anh, em...) Phúng giúp cho cháu (cô, chị, em…) có việc nhàn, thu nhập cao ở thành phố”, sau đó làm mối cho ai đấy chưa có gia đình. Thế là Phúng kiêm chức thánh nhân trong mắt họ tộc. Đêm đến đủ các tiếng ngáy, thở, nghiến răng tựa dàn giao hưởng đặc biệt. Chật chội, mọi người bảo thế mới gắn bó. Ba cái quạt máy quay các góc không đủ mát thì dùng quạt tay. Các giường chen chúc. Ghế sofa hai người nằm. Nền nhà trải chiếu san sát. Hiên chẳng đủ rộng để đi lại thoải mái. Ai nằm phía trong nhà mà thận yếu buồn đi vệ sinh trước khi trời sáng thì đúng là khó xử. Phải xoay người này, nghiêng người kia một chút, rồi người ngồi dậy một tẹo mới có diện tích đặt chân bước ra. Ấy là chưa kể chuyện ăn, vấn đề sinh hoạt của hơn ba chục người.
Đầu Phúng ong ong như chứa bom nổ chậm. Rồi anh giải thích cho họ rằng đây là cơ quan chuyên nghành không thể nhận người không có chuyên môn. Tất cả nên trở lại quê hương làm việc của mình. Họ lì ra, mặt nặng như đeo đá. Phúng biết ý dúi chút tiền lộ phí tàu xe và quà cáp cho cháu chắt ở nhà. Họ đành lườm nguýt, khăn gói quả mướp ra về. Những lời cạnh khoé, chửi bới ào lên không nể nang: “Đúng là vô phúc, họ nhà mình nảy nòi ra kẻ khôn nhà dại chợ, bạc tình bạc nghĩa”. “Nhận người ngoài thì được mà không hiểu cái lí “một giọt máu đào hơn ao nước lã”… Chị Kiên con bác Sình cố nán lại, chờ mọi người về hết mới đến bên Phúng cười tươi nói nhỏ: “Đông quá, giải quyết sao nổi cho ngần ấy người. Mà ai không có việc lại tị nạnh. Chị đồng ý với quan điểm của cậu là chỉ chọn mặt gửi vàng với họ hàng thật gần gũi như chị thôi”. Phúng không biết giải thích thế nào. Anh chợt nhớ, liền nói “Cô Hóa làm vệ sinh sắp nghỉ chăm chồng nằm viện, chị vào việc ấy vậy”. Mặt Kiên sắt ngay lại, vênh lên, giọng đanh đanh: “Cậu đùa? Tôi bán trâu, bò ra đây để hầu hạ cơ quan cậu à? Nhà tôi thù oán gì mà cậu bày mưu đầy ải thế? Ham chó gì!” Người họ hàng cuối cùng phừng phừng nguẩy đi. Nhà Phúng vắng hơn ngày họ chưa tới.
Người ta nói mãi không hết chuyện về anh. Phúng trở thành giai thoại của cả họ. Trưởng tộc điện ra cấm cửa anh quay về đất tổ. Người ngoài hứng thú xì xào “Đến họ hàng nó còn chả chịu nổi, huống hồ …”, “Cái mặt càng ngày càng lạnh hơn tiền”, “khi lên cơ là biết nhau ngay”.
Phúng làm Giám đốc cứng tay một chút thì Sa - vợ anh - nghỉ hẳn việc tạp vụ của trường tiểu học ở nhà tiếp khách. Mấy ai đi đường thẳng, phải tế nhị “đánh” từ vợ đánh ra. Có người sâu sắc “đánh” từ xa vào gần bằng cách nịnh cậu con trai mới lớn của sếp với đủ thể loại “đường mật”. Nhưng Giám đốc lúc nào cũng trơ trơ như đá. Tiền, quà đã ra đi sao đòi lại được? Thế là “xin” không xong thì “xỏ”, “nhờ” chẳng được thì “vả”, “biếu” không kết quả thì mưu đồ “xén” mỗi lúc một tăng. Người vợ có tiền đẹp ra song song với việc chán chồng và thấy ối thứ hưởng thụ hấp dẫn. Nhà vãn khách, cuối cùng chả khác gì miếu hoang. Nhưng Sa không đi tu. Và mọi chuyện xảy đến theo quy luật thường thấy. Cậu con có ông bố quá bận lại sống gần mẹ nhiều hơn nên ảnh hưởng. Phúng nhanh chóng biến thành ông sư duy nhất của “ngôi miếu” ấy. Không thể xoay chuyển, anh phải kí đơn li hôn. Rồi quên sầu chỉ còn cách vùi đầu vào công việc.
Thành tích cứ theo chiều thuận mà phát. Công trình nghiên cứu về đê đập anh làm chung cùng cậu bạn thân được giải thưởng quốc tế. Người bạn đó hùng dũng đứng lên nói không chút gợn: “Đây hoàn toàn là công trình của tôi. Anh Phúng chẳng tham gia gì hết”. Báo chí hùa vào sự kiện nóng hổi. Phúng cứng nhắc một chiều không biết luật “cửa trước sân sau” nên dễ thua như bỡn. Anh lại là người có vị trí, mọi chuyện càng thêm rùm beng. Câu bạn vênh vang nhìn đồng chí, ân nhân của mình bằng ánh mắt dành cho kẻ thù. Phúng quen với những đảo điên từ lúc anh ngồi vào chiếc “ghế” này. Ngờ đâu tiếng tăm lan xa, anh trở thành nhân vật bất hảo.
Dẫu thị phi thế nào thì chức sắc ấy, tâm tính ấy, lại có hoàn cảnh gia đình đầy “thuận lợi” như thế, nhiều cô gái đã đến bên anh. Hôm nay, người ta thấy anh đi với chị Giám đốc sang trọng. Mai, nhìn anh sánh bước cùng cô nhân viên tươi như hoa. Ngày kia, họ tròn mắt quan sát anh ngồi cạnh cô gái trẻ mắt xanh môi đỏ. Ngày kịa, ngày kìa, ngày kía… hiếm ngày nào anh lẻ bóng! Thế là Phúng đeo thêm cái tiếng đáng “hâm mộ” của người đàn ông thành đạt: “Úi, no cơm ấm cật giậm giật mọi nơi, cái khoản “em út” giờ mới lộ chân tướng”, “Mồm miệng gặp các em cứ vén tận mây xanh!”
Thỉnh thoảng Sa và đứa con tới “móc túi” Phúng với lí do ốm hoặc đi thăm họ hàng ốm… Thế gian này bệnh tật đâu chỉ đếm đầu ngón tay. Nhưng Phúng chẳng thích trữ tiền nên anh dễ dàng đáp ứng yêu cầu của họ.
Phụ trách mảng kế toán của cơ quan là cô Diệp vừa xinh, vừa giỏi, tính tình nền nã, con nhà gia giáo mà mãi hai tám tuổi vẫn chưa sánh duyên cùng ai. Có lần Phúng làm mối cho cậu em kết nghĩa, Diệp giận ra mặt. Phúng không để ý. Cho tới sáng hôm đó, cô bước vào phòng anh đưa gói xôi, đầy giận dữ: “Cái bản thân anh còn không lo nổi, đòi đi lo cho thiên hạ! Cả tuần nay người ta tức không mua đồ ăn sáng là không chịu ăn. Ốm ra đấy mới sướng!” Diệp nói xong bỏ đi luôn. Phúng mở gói xôi thơm phức ra, đầy những giò chả, mới sực tỉnh là cả tuần nay mải làm việc quên bữa sáng. Anh ngẩn ngơ lí giải vì sao cô ấy luôn nhận đi công tác xa với mình, luôn uống đỡ bia rượu khi anh ngà ngà. Cả lọ hoa tươi trong phòng này nữa, rõ ràng hôm qua anh thấy cô ấy cầm nó ra ngoài cửa. Thế mà vô tâm. Người Phúng gai lên như có luồng khí lạ chạy vào từng thớ thịt. Nhưng …
Cả đêm ấy tóc anh như bạc đi vì những mâu thuẫn. Cuối cùng anh quyết định nói với Diệp: “Em còn trẻ, không hiểu hết sự đời đâu. Rồi người ta sẽ nói tôi giăng bẫy em. Em khó chịu đã đành mà cũng không đáng phải chịu. Em còn nhiều cơ hội tốt hơn”. Giọng Diệp lạc đi, mắt đỏ hoe: “Anh sợ hay nghĩ em sợ? À, phải anh cho là em cơ hội, cần cơ hội!”. Phúng bối rối nắm chặt tay cô: “Ý anh không như vậy”.
Và anh làm sao thoát khỏi tình yêu chân thành cùng sự quyến rũ của cô gái thanh tân. Không theo dự kiến đã suy tính kĩ của anh, họ say vào nhau như thể thế gian này chỉ có duy nhất họ. Diệp không còn phải lén lút chăm sóc mà thả sức trang hoàng từ đôi tất đến cái caravat cho ông chủ của tâm hồn mình. Họ nên duyên trước con mắt hằn học của nhiều người.
Công việc cơ quan nhiều lên thì nhân viên hùa nhau vào đông hơn. Gần như mình Phúng gánh vác tất cả. Những việc cỏn con anh cố một chút sẽ đỡ mệt hơn khi đi thúc giục và đỡ bực mình vì người ta cứ “mân mê” tãi việc ra. Đôi lúc giục lái xe bằng hàng chục cuộc điện thoại, anh ta vẫn ề à chưa tới, Giám đốc đành lái luôn xe của mình cho tiện. Nhân viên nhàn càng không biết làm gì ngoài việc buôn điện thoại suốt ngày. Cơ quan biến thành bưu điện miễn phí. Tiền giao dịch tăng vùn vụt. Phúng gọi sang phòng nào cũng đều báo máy bận. Cuối cùng anh ra quyết định khóa máy để trưởng phòng quản lý. Ai cần gọi việc gì thì ghi chép rõ ràng. Người ta chuyển sang “buôn dưa lê” trực diện. Những cơ mặt thay đổi cảm xúc linh hoạt, những chiếc miệng mấp máy không ngớt, những tiếng cười nói xầm xì liên miên. Họ càng nói càng khát nói hơn. Và hứng thú thật nhiều với những câu chuyện xấu xa, tăng dần chất giật gân. Thực ra đẹp mà nhìn lệch một chút thành xấu ngay. Vô vàn gươm giáo trong lời nói chĩa thẳng vào người Giám đốc này. Khi Phúng đem lợi về cho cơ quan, họ chửi “lão ấy mị dân để mưu đồ”. Phúng hòa nhã vui vẽ, họ bảo “không có uy của một người sếp”. Phúng cáu, họ nói “chấp làm gì, lão nói huyên thuyên ấy mà”… Bệnh thiếu tiền ăn chơi của nhân viên lây lan không ngừng. Khi lương không đủ cho nhu cầu vô bờ, người ta dựng lên những chuyện động trời, những bôi bác mua vui về sự ki bo của Phúng: “Giàu thế mà sáng nào cũng chỉ ăn có cơm nguội hoặc cơm nắm”, “Chả biết để tiền làm gì?”, “Cho vợ tiêu”, “Tớ cá với cậu là nàng Diệp có bồ đấy”, “Dễ hiểu, vớ phải thằng già không làm ăn được gì mà”… Hết đường nói anh, họ bình xét con anh: “Hai vợ chồng không đến nỗi mà con bé xấu tệ. Mặt to uỳnh như cái thớt, trái hẳn với thằng anh nó mặt quắt cứ như bị bổ đôi”. Cho tới khi sóng gió tích lại thành bão, họ bày mưu đánh bật Phúng khỏi vị trí bằng những lá đơn vu cáo: Ăn chặn của anh em, tranh công việc của cơ quan tuồn ra ngoài. Họ lấy lại chuyện anh bị cướp công khi xưa để khẳng định bản chất xấu của anh, v.v… mình Phúng làm sao địch nổi với tập thể, mà bấy nay anh có bao giờ thù địch ai. Cái lỗi của anh là ở đấy, ở sự hơn người kèm theo những điểm không thể giống đa số thành viên của cơ quan này.
Phúng bị chuyển công tác, anh nghỉ việc. Diệp cũng xin nghỉ. Họ cùng chung lưng mở công ty tư nhân về thiết kế và thi công những công trình thủy lợi. Với năng lực và mối quan hệ sẵn có, công ty hoạt động ngày một xuôi chèo mát mái. Sở thủy lợi điều người khác về nhận chức. Cơ quan thay đổi cơ cấu quản lý theo ý tưởng của Giám đốc mới. Một số người quay sang thì thầm kể xấu đồng nghiệp với Giám đốc. Số khác chuyển ra ngoài. Có người đến công ty của vợ chồng Phúng xin việc.