H
ói Ngà là cá tên Vược đặt cho Mai và cũng từ lâu rồi làng chài dùng để gọi cô theo cách âu yếm của mình. Đó vốn là tên của loài cá đẹp nhất của biển, hay còn gọi là cá hoa hậu! Không hiểu sao lúc này cái tên ấy cứ văng vẳng lên theo nhịp sóng vỗ. Nó ồm ồm như giọng Vược, lại thanh thanh giống giọng lũ trẻ. Kìa, có cả tiếng cười lảnh lót của cái Vẻ. Đúng rồi, phía chân trời rực sáng kia là ánh mắt như xoáy vào tim người ta bởi vẻ u buồn của anh. Sự ám ảnh cao độ khiến Mai không còn biết gì ở hiện tại. Cô thả lỏng người nằm dài trên mặt cát, mặc mọi sự sôi động của bãi tắm xung quanh, cô sống lại kí ức những ngày êm đẹp và dữ dội.
Mòn mỏi bao ngày tháng chờ việc khi tốt nghiệp xong Cao đẳng Sư phạm, cuối cùng cô được phân công ra dạy tại thôn chài ngoài biển. Sau hai giờ tàu chạy, vượt khoảng 17 hải lí, cô cùng Huyền, Ngọc đã có mặt ở một ngôi trường đặc biệt. Ngôi trường nổi nênh giữa biển, xung quanh được che chắn bởi dãy núi đá hình vòng cung. Từ đó có thể nhìn bao quát cả thôn. Những ngôi nhà bè san sát nằm dưới chân núi tĩnh lặng và yên bình. Ở đây không một hạt bụi, không có tiếng chát chúa inh ỏi của những phương tiện giao thông. Thi thoảng chỉ ào lên một chút bởi vài con tàu chạy qua. Ngay từ giây phút đầu Mai đã ngập ngời trong khung cảnh thiên đường ấy. Nó hùng vĩ mà hết sức hiền hòa. Không giống sự yên ả của một vùng quê thuần Việt, hay sự thanh tịnh ở miền sơn cước nào đó. Nó như cõi cực lạc mà cô thường tưởng tượng ra khi ngắm các họa phẩm nổi danh thế giới. Nó là sự hài hòa, sự ôm ấp giữa đá và nước, giữa trời và biển. Những lúc xuất hiện ông trăng hay vầng mặt trời, cô nhận thấy rõ sự hôn phối của vạn vật hơn bất kì nơi nào khác. Con người hòa mình trong thiên nhiên mộng ảo ấy không khỏi lâng lâng như được bay giữa vũ trụ bao la. Dường như núi đá cũng run rẩy khi soi mình trên mặt nước. Mai hạnh phúc vì cảm nhận được cái hồn của thiên nhiên nơi đây.
Nhưng chẳng lâu sau đó, những trăn trở đã len lỏi dần vào cuộc sống của cô.
Trong chuyến du ngoạn của mình ở làng chài sau giờ lên lớp ấy, Mai đã phát hiện một gia đình thuyền chài nằm ở cuối con lạch. Bọn trẻ trong nhà này được đặt tên theo một chuỗi từ lí tưởng: Vui, Vẻ, Sung, Sướng. Nhưng mới sinh được bé Sung thì cái sự Sung đã ập tới với họ. Bé Sướng chết từ khi lọt lòng. Người mẹ xinh đẹp của chúng cũng không qua khỏi trận băng huyết ngoài biển. từ đấy bốn bố con sống bên nhau. Vui thường đi biển cùng bố để bán cá. Vẻ có một chiếc thúng đầy hàng hóa bán thong dong trên biển, thỉnh thoảng về qua nhà trông em. Còn Sung nằm chỏng chơ với vài cái vỏ ốc.
Nhìn cảnh đó, Mai xót xa thương cảm. Cô cố gắng thuyết phục Vược cho bọn trẻ tới lớp. Ngay từ giây phút đầu nhìn thấy anh, Mai đã ngẩn ngơ trước vẻ đẹp phong trần, trước mùi biển mặn mòi tỏa ra từ cơ thể đen bóng như đồng hun ấy. Cô ngỡ mình đang đứng trước một bức tượng thần Hy Lạp. Song, cái ấn tượng ban đầu ấy nhanh chóng bị sự khó chịu thay thế. Vược nói với cô về quan niệm của mình “Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền”, “Con tôi còn phải đi kiếm ăn, không rỗi hơi tới lớp”. Mai bực dọc ra về.
Ngay hôm sau, cô đã thấy Vược đi khắp làng chài để tìm người đọc hộ thư mà mãi chẳng tìm được ai, cuối cùng lại phải nhờ Mai đọc hộ. Đó là bức thư của người em từ nước ngoài gửi về nói đến chuyện cô ấy gửi tiền cho anh. Mai vui mừng thấy từ đó Vược thay đổi hẳn thái độ với mình. Anh còn nhờ cô khi rỗi tới dạy chữ cho bọn trẻ, vì nhà anh không có điều kiện cho chúng tới lớp. Mai yêu bọn trẻ thông minh và giàu tình cảm. Cô thông cảm với nỗi vất vả của Vược. Cô bật cười khi ý nghĩ hài hước len vào tâm trí: Mình mà yêu Vược! Chả đời nào có chuyện ấy. Thấy cô nhiệt tình với gia đình Vược, Huyền mỉa mai.
- Lão “Chử Đồng Tử” này có những ba cái khố, nhưng cái nào cũng rách ở chỗ quan trọng nhất!
Song, Mai không lí giải nổi cảm giác kì lạ đó. Nó cứ cuộn lên mỗi lúc cô nhìn thấy Vược, ngồi cạnh anh, hay dù chỉ là nghĩ đến thôi. Sao mọi giác quan của cô cứ hướng về nơi có anh ta? Không phải tình yêu. Cô không chấp nhận mình yêu người một chữ bẻ làm đôi không biết ấy. Sự lí giải không thành. Mọi thứ cứ mông lung, loang loáng trong tâm hồn cô. Rồi cô mặc nhiên chấp nhận. Chấp nhận trong sự khó chịu.
Một tối, Vược đưa Mai về lớp học sau giờ dạy thêm ở nhà anh. Mai quyết định nói:
- Anh đừng nhìn tôi nữa! Vược nhìn Mai tinh nghịch:
- Ý cô là tôi nên chọc mù mắt mình à?
- Tôi không dạy được khi có ánh mắt dò xét của phụ huynh.
Vược nhẹ nhàng:
- À… vậy thì từ mai cô giáo tới dạy tôi sẽ không ở nhà nữa.
- Không. Đó là nhà anh. Tôi… tôi chỉ muốn khi dạy anh đừng để ý tới tôi.
- Tôi chưa bao giờ dám để ý cô giáo.
- Anh đừng hiểu lầm. Tôi… tôi… tôi khó nói quá.
- Tôi hiểu rồi. Cô giáo về đi!
Bước lên căn nhà bè, Mai luống cuống nên bị trượt chân. Vược vội nhoài người đỡ cô. Ôi, giây phút ấy cô cảm giác người mình bị tách ra làm hai. Một phần xác, một phần hồn. Cô run lên và chỉ muốn bay bổng. Nhưng Vược nhanh chóng bỏ cô ra và ánh nhìn của anh thật lạnh lùng. Cô ngại ngùng bước vào nhà. Lòng dạ vô cùng trống truếnh.
Mai tắm. Gáo nước vừa dội lên người thì có một vật gì đó trơn lạnh nơi sống lưng. Cô thót tim quay ra. Trời ơi, một con rắn được buộc vào chiếc que đang ngoe nguẩy quất vào người cô rồi lặn biến xuống nước. Cô thét lên kinh hoàng. Vược ngoi lên ngay qua khe hở, ân cần hỏi:
- Cô giáo không sao chứ?
Lúc đó, Mai chỉ muốn băm vằm anh thành trăm mảnh cho hả tức vì lầm tưởng anh trêu cô. Cho mãi tới sau này cô mới biết thủ phạm vụ đó là bọn trẻ nghịch ngợm dưới sự chỉ đạo của lão Cẩn đã hù dọa cô chứ không phải anh. Anh có mặt vì lúc chở cô về phát hiện thấy bóng người lạ nhiều khả nghi ở gần đó. Anh đi theo và ngoi lên đúng lúc cô hãi hùng nhất.
Lão Cẩn là thầy cúng lâu đời ở thôn này. Trước nay, ở đây chỉ duy nhất có mình lão biết chữ. Ai cần cúng bái, cần làm giấy tờ gì, hay có tật bệnh, sự vụ gì đều phải tới nhờ lão. Thế nên lão được sùng kính hết mức.
Nhưng từ dạo các cô giáo trẻ này xuất hiện, lão đã dần mất đi uy thế và nghề kiếm cơm. Người ta nhờ cậy các cô nhiều hơn nhờ lão. Có lần Mai còn xía cả vào công việc của lão. Cô đã thuyết phục bằng được đứa trẻ sắp bị hà bá bắt vào bệnh viện chứ không để lão cúng. Đứa trẻ sống được. Còn lão thì cứ chết mòn đi.
Lão thâm thù Mai và còn hại cô vài lần nữa.
Hôm ấy, Vược tới biếu Mai túi cua mới bắt được. Mai vừa ngồi vào ghế thì bị rơi tõm xuống biển. Học sinh ngẩng lên không thấy cô giáo đâu, chỉ thấy chỗ ngồi của cô là tấm bè mảng hở toác, chúng liền vội nháo nhác đi tìm. Lúc đó Mai đang chới với. Lão Cẩn phục sâu dưới lòng biển kéo dìm chân cô xuống. May mà Vược bơi đến kịp thời để cứu Mai và vạch mặt lão.
Vụ đó chưa kịp hoàn hồn thì bão gió lại nổi lên. Trận cuồng phong đã khiến tất cả trở nên tan hoang. Huyền không chịu nổi, bỏ về. Ngọc cố ở lại vì sự níu giữ của tình yêu đầu với anh lính biên phòng. Còn Mai thì trăn trở không yên giữa việc đi và ở. Sau rồi cô cũng quyết về.
Buổi sáng hôm ấy, Mai xách túi hành lí ra khỏi phòng ở sang lớp học thì đã thấy bọn trẻ đã ngồi ngay ngắn trước mặt. Chúng nói có món quà tặng cô. Mai giơ tay đón đợi một cành san hô hay chiếc vỏ ốc gì đó. Thì ngờ đâu, những giọng hát trong trẻo cất lên. Chúng tự sáng tác lời hát theo điệu nhạc karaoke bài “Đừng xa em đêm nay”:
- Đừng xa em cô ơi khi chúng em đang cần cô
Đừng xa em cô ơi, em rất buồn
Đừng xa em cô ơi khi em biết sẽ học ai?
Đừng xa em, đừng xa em cô ơi…
Mai không thể cầm được dòng nước mắt xúc động. Cô vừa quyết định lại, sẽ gắn bó với vùng biển này thì lại nhận được điện thoại. người mẹ yêu quý của cô đang hấp hối chờ được nói lời cuối với cô. Mai đành vội vã về ngay.
Áp thấp nhiệt đới đổ bộ. Không một con thuyền nào dám vào bờ lúc ấy. Lòng Mai nóng như lửa đốt. Cô cần về bên mẹ - người thân yêu nhất còn lại trên cuộc đời này của cô. Cha cô đã bị bệnh nặng và ra đi từ lâu. Người mẹ hiện đang sống cùng dượng. Bằng mọi giá cô phải về. Mẹ cô có mỗi giọt máu duy nhất là cô. Nhưng bốn bề là biển nước. Lúc bất lực nhất thì Vược đứng ra nhận đưa cô về.
Chẳng ngờ khi về tới nhà thì mẹ cô vẫn khỏe mạnh bình thường. Hóa ra tin đó của Toán. Anh đã mua được cho Mai một chân dạy học trong thành phố. Anh muốn tổ chức hôn lễ ngay nên bày mưu gọi cô về như vậy. Trước đây họ cùng dạy một trường. Nhưng từ khi Mai ra biển thì Toán bỏ việc chuyển sang mở khách sạn. Mai chưa từng yêu anh. Nhưng mẹ cô cần anh vì đó là người đàn ông giàu có và nhiều uy thế.
Mai buồn bã ngồi bên chồng thiếp mời. Cô lơ đãng nhìn ra phía biển xa. Một chiếc thuyền ðang tiến dần về ðất liền. Chiếc thuyền khuất dần, để lại trong cô nỗi nuối tiếc vẩn võ. Cô lôi từ trong ngãn kéo ra những vỏ hà, vỏ ốc học sinh tặng, rồi chãm chú ngắm một chiếc vỏ ốc trắng muốt trông giống nụ hồng bạch e ấp. Có tiếng ù ù nhý gió rít khi áp nó vào tai. Cô ngắm tiếp vỏ sò trắng muốt rồi từ từ mở ra và ngạc nhiên khi trong đó có một sợi tóc rất dài. Sợi tóc đó dài bằng tóc cô. Đó là vỏ sò mà Vẻ tặng cô. Vừa lúc đó, Mai giật mình khi nghe tiếng rao văng vẳng dưới đường:
- Ai mua cá đơi…
Tiếng rao quen quá. Mỗi lúc một gần hơn, rõ hơn. Mai nhoài người ra cửa sổ nhìn xuống đường. Dưới đó là một bé gái đội khăn tang trắng đang vẹo người bê mẹt cá tươi vừa đi vừa rao. Mắt Mai sáng lên, cô gọi to:
- Vui ơi, Vui!
Cô bé đó ngẩng lên. Trời ơi, đúng là Vui. Mai vội chạy ào xuống nhà. Bước chân gấp gáp lướt nhanh xuống bậc cầu thang hình xoắn ốc. Cô cuống quýt mở chiếc cổng sắt to. Vui ôm chặt cô òa khóc. Em vừa kể vừa nấc lên thổn thức:
- Cái đêm đưa cô về đất liền, khi trở ra bố em gặp một toán buôn lậu đang trốn chạy bộ đội biên phòng. Chúng đã đâm bố em rồi cướp thuyền. Lúc các chú bộ đội giải thoát được thì bố em đã tắt thở rồi cô ạ.
Màu trắng của chiếc khăn tang như choáng ngợp trước mắt Mai. Cô muốn ra biển ngay. Cô sẽ ra. Nơi ấy mới là của cô, cần cô vì cô là một con cá hói: Hói Ngà.