H
ơn một tuần nay nhà văn Cải bị mất ngủ. Cứ tầm ba giờ, ba rưỡi sáng là tiếng lợn lại kêu thét bên tai. Nó ai oán gầm rít, reo réo như tiếng khóc. Nó ghê hơn tiếng mèo động đực trong đêm, kinh hơn tất cả thứ tiếng quái thai nào trên đời mà nhà văn từng nghe hay tưởng tượng ra. Nó là tiếng cầu cứu của con vật hiền lành khi nhìn thấy cái chết trước mắt. Tiếng kêu bất thường ấy không phải chỉ vài ba phút. Nó dai dẳng hàng tiếng đồng hồ. Nghe nó, người ta hình dung được con vật đang vùng vẫy dưới vòng dây trói, như thấy nồi nước sôi sùng sục bên cạnh và con dao bầu sắc lẻm xọc một cái vào cổ con vật vô tội. Tiếng tru lên đứt quãng. Thế là máu ứa ra ồng ộc. Những gương mặt đồ tể xám ngoét bên cạnh. Mũi dao theo đường luồn lách khéo léo của những đôi tay đẫm máu hoặc đeo găng khô khốc đang phanh thây con vật, xẻo ra từng miếng.
Khi lợn không kêu nổi nữa thì tiếng rì rầm trò chuyện, tiếng í ới sai, gọi của con người vang lên như khúc vĩ thanh.
Ông Cải cứ thức giấc và không thể ngủ lại được. Càng cố chẹn đi để nuôi giấc ngủ thì những hình ảnh, âm thanh của nơi giết chóc ấy càng chồng chéo hiện lên hành hạ tâm não thánh thiện của ông. Ông choàng dậy bật nhạc. Nhưng nhạc to đến mấy cũng không át được tiếng động này.
Ngày nào cũng có vài chú lợn ra đi mang theo sự yên bình trong tâm hồn ông. Mất ngủ, ông khó chịu bứt rứt, không làm nổi việc gì. Đối mặt với tờ giấy, những con chữ bỗng dưng như đỏ au, cứ nhảy múa, những âm thanh ai oán vang dội. Thân hình vốn đã khẳng khiu và mang vô khối tật bệnh nay càng suy kiệt hơn. Ông mới ra viện vì bị viêm đa khớp, viêm tắc tĩnh mạch, teo cơ... bác sĩ bảo ngoài thuốc điều trị ra, ngày nào cũng phải ăn óc và tủy lợn hoặc nấu với thuốc bắc, hoặc nấu với đỗ xanh. Người vợ yêu thương ra sức chăm bẵm mãi ông mới hồi phục được một chút.
Sáng nào nàng cũng có sẵn cho ông những thứ đó để bồi bổ sức khỏe. Dù gặp và chung sống với nàng ở tuổi đã xế chiều nhưng đó vẫn là mối tình lớn, sâu đậm nhất, là niềm tự hào và nguồn vui sống lớn nhất của ông. Nàng mê những áng văn cao sang, đã tìm đến với ông như một vật hiến sinh. Không cần biết quá khứ, gia đình, không cần cưới xin, chẳng đòi hỏi gì. Nàng hi sinh xuân sắc cho một người bệnh. Nàng vượt lên hết, bất chấp mọi cám dỗ khác để đến với ông như cô Tấm bước ra từ quả thị. Vừa bầu bạn, vừa là người phục vụ, lại còn là độc giả và nhà phê bình đầu tiên cho những tác phẩm của ông. Có nàng, ngòi bút ông trơn sắc hơn. Ông mãn nguyện với hạnh phúc muộn mằn này. Bù lại những thiệt thòi cho nàng, ông chỉ biết hiến dâng tâm hồn tinh khiết, tri thức nhặt nhạnh một đời để vẽ nàng trong những tác phẩm của mình thật đẹp. Đẹp như trong huyền thoại. Với sự tôn thờ cao cả. Bất kì cô gái chính diện nào trong truyện ông viết cũng đều mang một nét gì đó của nàng. Nàng thích lắm và càng yêu ông hơn.
Ngày trước, khu phố vốn tĩnh lặng. Chỉ vài tiếng nô đùa của trẻ con đã khiến ông cáu kỉnh. Biết tính ấy nên khi thấy ông say mê với trang bản thảo, nàng đi thật rón rén, làm cái gì cũng nhẹ nhàng. Nàng trân trọng hết mức những khoảnh khắc tinh anh của ông. Thế mà oái oăm, giờ lại mọc ra cái lò mổ ngay sát vách.
Ông muốn có nàng bên cạnh để ôm, để lấp đi giây phút inh ỏi khốn đốn đó. Nhưng ngay từ hồi ở với nhau, nàng chỉ ngủ đến nửa đêm lại phải đi trực. Ông chấp nhận san sẻ nàng cho bệnh viện danh tiếng mà nàng làm y tá.
Cho đến một hôm, không thể chịu nổi tiếng kêu. Ông muốn hóa điên, liền khoác áo rét, tung chăn, hùng hổ chạy sang nhà bên, quát từ đầu ngõ:
- Có thôi cái trò sát sinh ấy đi không? Chúng mày giết lợn hay giết dần giết mòn hàng xóm quanh đây?
Mọi người nhốn nháo, chỉ trỏ, cười cợt. Một người hốt hoảng chạy ra phía sau như có chuyện gì. Ông thấy quen quen. Ở đây có vài người cùng khu phố. Họ bá vai ông:
- Bố là nhà văn có biết câu “Muốn thấy bình minh phải dậy sớm” không? Ba rưỡi, ngủ thế là đủ rồi.
Có người giơ cả cỗ lòng còn dính máu lên trước mặt ông:
- Em xẻo một phần về anh nhắm rượu viết cho có men nhá? Ông lùi ra che mặt. Cặp kính cận rơi xuống. Ông lập cập nhặt lên, run run đeo vào. Một vết máu loang trên mặt kính. Ông hốt hoảng vứt vội ra. Kính vỡ tan. Ông quay gót lẩm bẩm:
- Rặt một phường đồ tể!
Ông va phải cái ang nước, ngã uỵch. Rồi lại cố đứng dậy đi khuất. Tiếng cười oang oang phía sau.
Ông biết ông không thể chiến đấu với bọn này bằng cách đó được. Toàn những đứa mồm năm miệng mười. Phải dùng vũ khí duy nhất và hữu hiệu của mình. Đó là ngòi bút.
Ông quyết chí viết những thứ thật dữ dội về bọn đồ tể. Oan hồn của những con lợn về báo oán. Đời này sang đời khác người ta sẽ xa lánh nghề mạt hạng đó như một thứ ma gà của người dân tộc, hay như tiếng có ma hủi của người nhà quê xưa. Để con người biết tôn thờ cuộc sống thanh bạch, trong sạch như Phật Tổ. Ông phải viết những bài kí, những phóng sự đệ lên báo chí để chính quyền đóng cửa ngay cái lò mổ quái quỷ này lại. Phải rồi, ông vẫn nợ anh trưởng phòng biên tập một truyện ngắn. Ngày nào anh ta cũng giục. Bảo rằng độc giả đang chờ đọc sáng tác mới của ông. Đêm qua, anh ta còn gọi điện nói tha thiết là số báo này đã dành hẳn cho ông hai trang. Kiểu gì ông cũng phải hoàn thành bài gấp. Ông Cải nghĩ ngay tới cái lò mổ và các tình tiết đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Nhưng viết gì cũng cần có vốn sống, cần tìm hiểu về nó cặn kẽ. Thói quen ấy bắt ông lập kế hoạch theo dõi.
Ngay sáng hôm sau, ông dậy đúng giờ lợn kêu. Lặng lẽ đứng khuất sau chiếc ang nước quan sát tỉ mỉ. Một phụ nữ đeo khẩu trang là người mổ chính. Đường mổ ngọt sắc như một thứ quả. Điêu luyện. Ông bị hút mắt và quên dần mục đích của mình. Đôi tay khéo léo lạng mỡ ra mỡ, lọc rẻ xương sườn sao cho thật ngon mắt. Đôi tay cứ thoăn thoắt xếp đặt gọn gàng từng bộ phận vào với nhau. Nào lá gan, quả tim, cỗ lòng... ngay cái đầu lợn cũng được cắt lọc một cách cẩn trọng và chính xác đến ngạc nhiên. Cô giơ chiếc dao lên phập, phập, phập, phập bốn góc thế là xương ra xương, óc ra óc. Không tin được, lưỡi dao phạt sát màng óc, không bị lẹm một mi li nào. Từng cái gân, từng thớ thịt, hình như cô ta đã thuộc làu. Ông bổ quả cam, quả bưởi mà không lẹm vào múi đã là một kì tích; thế mà cô này lại tinh xảo đến đáng nể. Nhà văn Cải liên tưởng đến đôi tay của nhà phẫu thuật cũng chỉ khéo đến thế là cùng. Dáng người phụ nữ cứ uyển chuyển mà sừng sững. Ông thấy phảng phất thần thái tự tại của người anh hùng. Một vẻ đẹp lạ lùng mà giờ ông mới khám phá được. Mặt ông trở nên rạng rỡ.
Chiếc kính cận mới thay khiến ông nhìn rõ hơn. Ông nhẹ nhàng lại gần như bị thôi miên. Mắt cứ dán vào đôi tay lanh lẹn ấy. Rồi chợt giật nảy mình khi nhìn thấy chiếc nhẫn trên đó. Nó là một trong cặp song sinh với chiếc nhẫn ông đang đeo. Trên đời này chỉ có hai cái như thế. Lẽ nào? Ông toát mồ hôi nhìn chằm chặp người phụ nữ. Rồi bất ngờ giật tung khẩu trang trên mặt cô ta. Mọi đường nét của nàng - vợ ông!
Hai người đều sững lại bất ngờ. Vợ ông bối rối muốn chạy. Nhưng đôi chân cô không nhích nổi. Mọi người xung quanh không hiểu chuyện gì. Cô vợ bật khóc:
- Anh về đi! Hôm nay lợn kêu ít đấy thôi.
- Nghĩa là thế nào?
- Tất cả lợn đã bị buộc mõm lại rồi. Từ nay anh sẽ ngủ ngon mà.
- Tại sao lại thế?
- Em vốn quen với tiếng động ở đây nên quên mất anh cần yên tĩnh nhường nào. Cơ bản chỗ cũ người ta quy hoạch nên phải chuyển tạm lò mổ ra đây. Em xin lỗi. Anh về nghỉ đi.
Ông Cải quát lên nhưng giọng vẫn run run:
- Không. Tôi hỏi tại sao em lại giấu tôi đến tận bây giờ? Tôi tưởng bàn tay búp măng này chỉ để cắm hoa hay khám cho bệnh nhân thôi.
Ông nắm chặt tay cô. Người vợ gục đầu xuống, nấc lên:
- Nếu biết, anh chấp nhận và hòa hợp sao được với em? Anh vốn lãng mạn và cao quý.
Ông Cải nhìn chằm chằm vợ. Những chiếc óc và tủy hấp hàng sáng, những món tiền cô góp cho tủ sách của ông phong phú, những bình hoa ngát hương lúc nào cũng rực rỡ trên bàn viết của ông và cả những lần ông nằm liệt giường ở bệnh viện được chăm sóc chu đáo cũng từ đôi bàn tay này, con người này. Chính nó đã nuôi sống ông, là nguồn gốc sâu xa làm nên những áng văn bay bổng của ông. Ông chợt hiểu ra biết bao điều thiêng liêng. Bồi hồi, ông nâng đôi bàn tay đầy mỡ màng lên môi hôn nồng nhiệt và đầy trân trọng.
Mọi người tròn xoe mắt ngạc nhiên, rồi cười phá lên. Cô vợ bàng hoàng vội giật tay lại, nói hoảng hốt:
- Bẩn đấy anh.
Một người đàn ông khệ nệ xách xô tiết đi qua, nói khàn khàn:
- Nhanh tay lên. Văn nghệ văn giềng để đêm. Sáng đến nơi rồi, các hàng ăn tới lấy đồ kia kìa.
Mọi người cấp tập vào công việc của mình. Ông Cải nhẹ nhàng tháo hẳn chiếc khẩu trang của vợ ra, âu yếm nói:
- Bây giờ không phải trốn nữa nhé. Làm việc tiếp đi!
Cô vợ mỉm cười cảm động. Đôi tay lại thoăn thoắt mổ, xẻo, lạng, lách. Ông khoanh tay đứng khuất một góc ngắm nhìn say sưa.
Từ đó tiếng lợn kêu mỗi buổi sáng là tiếng đồng hồ báo thức gọi ông dậy cầm bút.