C
ả tuần nay, lúc nào lòng Giang cũng như có lửa đốt; chỉ mong đến giờ tan tầm để đi đón con. Một nỗi lo vô cớ nhưng nặng chịch đè lên tâm não cô. Nhỡ đâu Khánh biết chuyện, nhỡ đâu Khánh hận, rồi cuối cùng lại hại đứa con yêu vô tội của cô?
Giang phăm phăm bước ra cổng, không kịp chào ai, cô chạy thẳng ra nhà xe, rồi rồ ga phóng hết tốc lực. Xe đỗ khựng trước cổng nhà Khánh. Tiếng bọn trẻ vẫn đang ca hát vui vẻ. Giang hoàn hồn, nhẹ nhàng đi vào. Bé Bống - con gái cô đang ngồi thu lu một góc, ngoan đến phát khó chịu, cái vẻ nhu mì không phải của nó nhìn mà bực mình. Đôi mắt cứ dán chằm chằm xuống nền nhà, thi thoảng ngước lên nhìn lén Khánh một cái rồi lại cúi ngay. Chứng kiến vẻ sợ sệt của con, cổ Giang như có một cục gì đó nghèn nghẹn. Nó vốn không thế. “Cục vàng” của cô thường ngày nghịch như tiểu yêu, đi đến đâu nó cũng leo trèo đến đấy. Cái mặt nó câng câng và ráo hoảnh không biết sợ là gì, rất cá tính, rất đáng yêu. Cô đã tự hào biết bao về sự hiếu động và lém lỉnh hơn người ấy. Thế mà giờ đây nó ngồi thui thủi như một chiến binh bại trận, như mất hồn, như bị cầm tù. Định bước ngay vào gọi con, nhưng nghĩ thế nào cô dừng lại quan sát tiếp.
Bàn chân vốn không bao giờ chịu để yên bắt đầu ngọ nguậy. Nó vừa lén nhìn cô giáo, vừa dũi dũi ngón cái vào lỗ thủng cặp sách của đứa ngồi phía trước. Đứa trẻ nọ quay lại. Khánh phát hiện được liền đập mạnh chiếc thước kẻ gỗ to đoành xuống bàn phát ra tiếng khô đanh. Mắt Khánh quắc lên nhìn Bống, giọng rin rít cái âm thanh khiến người nghe nổi gai ốc:
- Vân Yên!
Vân Yên là tên khai sinh của cái Bống. Cái Bống giật bắn mình, rụt vội chân về và ngồi im như tượng. Giang cảm nhận được trái tim non nớt của con gái đang đập những nhịp sợ hãi. Nó ngước lên, trời ơi, đôi mắt ngân ngấn. Giang quặn lòng, bước ngay vào. Cái Bống nhìn thấy mẹ đứng bật dậy định chạy nhào ra nhưng chiếc dây buộc ngang bụng đã kéo em ngồi phịch trở lại.
Lúm đồng tiền một bên duyên dáng của Khánh lại có dịp lồ lộ khi cô tươi cười chào bạn thân:
- Hôm nay về sớm thế?
Giang chỉ khẽ nhăn mặt cho cố tươi để đáp lễ rồi tới bế con. Khánh vội lết đôi chân bị liệt lâu ngày ra tháo dây cho Bống, rồi giải thích:
- Cô nàng “du côn” quá. Phải dùng biện pháp mới ngoan được. Sau này nó trở thành cô gái dịu dàng, chuẩn mực là cậu phải hậu tạ tớ đấy nhé.
Giọng Khánh lúc này ngọt như mía lùi, ngọt vẫn như hồi mười năm trước. Giọng nói ấy đã khiến không biết bao chàng trai si mê và theo đuổi. Nhưng giờ, nó còn đó mà vời vợi đơn côi.
Cái Bống nhào tới bíu chặt lấy mẹ, òa khóc nức nở. Khánh xoa xoa lưng cho bé và nói:
- Sao mà mít ướt thế này, có ai làm gì đâu?
Cái Bống khẽ mở mắt, thấy tia nhìn thoáng đầy roi vọt trong mắt cô giáo liền mím môi im bặt. Mắt thì vẫn ầng ậc nước.
Giang nhanh chóng chào bạn để đưa con về.
Chiếc xe đi khuất, bé Bống lại ôm chặt vào lưng mẹ và khóc òa lên. Giang nóng bừng khi lưng áo mình ươn ướt. Cô nhẹ nhàng hỏi con:
- Bống nói cho mẹ nghe chuyện gì nào!
Giọng nói ngọng nghịu của đứa trẻ sắp lên năm lẫn trong tiếng nấc:
- Mẹ chuyển cho con về nhà trẻ cũ đi. Con sợ cô Khánh lắm.
- Được rồi, mẹ sẽ chuyển.
- Không, mẹ chuyển ngay cơ.
- Mẹ hứa mà.
Từ ngày chuyển cái Bống sang gửi chỗ Khánh, nó thay đổi hẳn. Luôn lầm lì, sợ hãi, ban đêm toàn giật mình thon thót và co rúm người lại hoặc òa khóc. Sáng nào nó cũng bíu chặt lấy giường ngủ biểu tình:
- Con không đi học đâu. Gặng hỏi thì nó kể:
- Ở nhà trẻ cô Khánh hay đánh đòn lắm.
Thì ra giờ đây Khánh đã biến thành một bà bảo mẫu khó tính và máu lạnh, trông trẻ nhưng không thương trẻ. Hiếu động cô cho là nghịch ngợm, là giặc cái. Ho nhiều cũng không được.
Ngủ trưa đứa nào nằm ngửa là cô phang. Cô bảo con gái phải ý tứ, phải năm nghiêng. Cô không chấp nhận đứa nào hay gãi, ngứa cũng không được gãi. Nếu gãi phải duyên, phải nữ tính. Mà duyên thế nào thì những bé em bốn - năm tuổi chưa phân biệt được. Bởi vậy dù có bị muỗi đốt hay nóng quá mà nổi dôm thì chúng cũng chỉ dám cắn răng chịu ngồi im hoặc vẫn hăng say vỗ tay, hát, múa.
Tất nhiên ngày hôm sau Giang chuyển con về nhà trẻ của công ty nhưng trong lòng cô vẫn không thôi day dứt. Cứ nghĩ rằng Khánh như hôm nay, với những bức xúc, với sự hiện hữu của cái chân liệt đã teo kia và bao nhiêu bất hạnh khác là hậu quả của mình, của lời nguyền độc địa ngày nào đã linh ứng.
Đó là vào mùa hè cách đây 10 năm.
Cái nóng cuối tháng sáu như cháy da cháy thịt, như cái lò muốn nướng người ta lên. Ở ngoài đường thấy bỏng rát đã đành, về tới nhà càng hầm hập, ngột ngạt tưởng không chịu nổi. Thường ngày đi học về, việc đầu tiên là Khánh bật quạt cho thốc vào người chừng ba mươi phút rồi muốn làm gì thì mới đủ dũng khí để làm tiếp. Nhưng như vậy cũng chả mát hơn mấy tí. Mồ hôi vẫn ròng ròng. Thế mà chui vào cái kí túc xá này lại không có một chiếc quạt máy nào. Toàn học sinh lên ôn thi, sợ mua quạt, sau khó mang về, nên đành cố chịu. Cái quạt tay phe phẩy thì chọi làm sao được với thời tiết khắc nghiệt. Đã thế tiếng ồn ong ong cứ như tra tấn, cứ như muốn hành con người ta nổ tung óc ra mới thôi. Mùi của nhà vệ sinh nồng nặc luôn luôn. Hơn nữa, muốn lê tới cái chốn khủng khiếp ấy còn phải leo năm tầng cầu thang dài dặc. Thật chả khác nào địa ngục, chả khác nào bị hành xác, chả khác nào chui vào lò bát quái. Khánh nhăn mặt ghê sợ hình dung nếu mình rơi vào trường hợp của Giang phải ở đây hàng ngày. Như thế thì thà không đi ôn thi đại học còn hơn. Không thể buông xuôi nhìn Giang khổ, Khánh bảo:
- Về ở cùng Khánh đi! Sống thế này chịu đã khó lại còn đòi ôn thi. Nhà Khánh thì rộng thênh thang.
- Nhưng ngại lắm, còn bao nhiêu người khác nữa.
- Vợ chồng anh trai đi công tác suốt, chỉ có mỗi chị An và Khánh thôi. Ở đây duỗi chân cho thoải mái cũng khó. Quá bằng sống dưới thuyền.
- Nhỡ gia đình Khánh không đồng ý?
- Sao lại không? Khánh nói một câu được ngay, đừng ngại. Ai chả biết Giang là bạn thân nhất của Khánh. Dưới Quảng Ninh ngày nào mình chả sang nhà người ta trèo ổi, ngủ nghê, ăn uống. Đây thì có khác gì mà ngại? Vừa được ôn cùng nhau, vừa không mất tiền nhà, ăn uống lại đảm bảo. Thôi, đi luôn nào!
- Nhưng tiền ăn ở đóng hết tại đây rồi.
- Bỏ! Thiếu, Khánh bù!
Khánh nhanh chóng thu dọn sách vở, quần áo cho Giang. Rồi cả hai khệ nệ xách vali ra khỏi kí túc xá.
Gia đình Khánh niềm nở đón tiếp Giang và nhanh chóng sắp xếp chỗ nghỉ cho cô. Anh trai Khánh bảo:
- Lẽ ra em phải đưa bạn về nhà mình ngay từ đầu. Ai lại để ở thế suốt một tuần. May chưa ốm đấy.
Khánh đáp:
- Mấy hôm lên Hà Nội bận quá, đã đến được chỗ Giang đâu mà biết.
Chị An vừa đơm cúc cho chiếc áo mới may vừa nói:
- Dù sao giờ cũng đã về đây rồi. Hai đứa đã giỏi nay được ở gần nhau phải cố mà giúp nhau đậu thủ khoa. Chị chịu trách nhiệm tẩm bổ.
Giang rụt rè đưa chị An chiếc phong bì:
- Em gửi chị tiền ăn ở luôn. Chị An cười, xua tay:
- Thôi, có một tháng, coi như tới đây chơi.
- Không, cái gì ra cái nấy. Chị đã cho em ở đây là giúp em nhiều lắm rồi, còn chuyện tiền nong chị phải cầm thì em mới không ngại, không mặc cảm …
- Thế thì đưa 150 nghìn tiền ăn thôi, còn tiền nhà, chị không là chủ kinh doanh, em ở cũng như Khánh ở thôi mà. Thế là thoải mái rồi nhá.
- Sao lại chỉ có thế?
- Nếu còn tiền, em nên dành mà mua sách vở.
- Em áy náy lắm.
- Áy náy thì tập trung vào ôn, miễn sao thi đỗ là chị thỏa mãn rồi.
Giang thấy hạnh phúc như được trở về nhà mình. Nhìn những người ngồi trước mặt lòng cô rộn lên tình yêu thương và lòng biết ơn.
Chị An đi Liên xô về giờ làm thợ may ở một hiệu lớn. Giang thán phục chị ở sắc đẹp và vẻ kiêu sa. Có lẽ vì thế chị được nhiều người yêu nhưng tới giờ vẫn không chọn nổi người tương xứng. Giang yêu chị một lại sợ chị hai, ba. Trông chị cứ nghiêm nghiêm. Lúc nào nhìn Giang là để ý và góp ý:
- Đừng có chạy uỳnh uỵch như thế. Con gái người ta đi đứng nhẹ nhàng chứ. Đây không như Quảng Ninh, nhà cửa san sát, còn người ở tầng dưới nữa, em phải ý tứ.
- Nói nhỏ, cười vừa duyên thôi. Em nhìn con gái Hà Nội xem có ai miệng cười là cứ toác loác ra không. Ngô khoai phơi hết ra còn đâu thanh lịch!
- Quần áo không ai gấp nhăn nhúm thế này cả. Trước hết phải vuốt cho thật phẳng, rồi nếp nào ra nếp ấy. Thôi, tránh ra để chị làm nốt rồi cố mà quan sát, chị không bảo lại lần thứ hai đâu.
- Là con gái mình phải học cả cách ăn. Chả ai ăn chuối mà để cả quả như thế. Phải bẻ đôi ra rồi thong thả ăn từng nửa một thôi. Nhớ là đừng có nhai để phát ra tiếng, man rợ lắm!
Chính vì thế Giang mến chị An hơn, coi chị chả khác gì chị gái mình. Giang thấy mình còn nhiều thiếu sót quá. Thế mà ngày xưa ở nhà mẹ chẳng dạy cặn kẽ như vậy. Có lẽ vì mẹ quá bận lo chuyện cơm áo. Hay mẹ cũng chẳng được ai chỉ bảo kĩ càng nét văn hóa tối thiểu như thế vì mẹ phải tự lập từ khi 10 tuổi. Đôi lúc Giang xấu hổ nhưng thấy vui nhiều hơn bởi như đang ở trong cung vua với một bà bảo mẫu ân cần, tốt bụng.
Cho tới một hôm trời đổ mưa rào, chị An bảo:
- Lên sân thượng lấy quần áo, rồi để cái quần bò xám vào phòng chị, chiều chị mặc.
Chưa bao giờ Giang được lên phòng ngủ của chị. Cô sững sờ ngắm nhìn các bức tranh rực rỡ, những hộp trang điểm trạm trổ sang trọng, vô khối bức tượng và đồ trang trí lạ, đầy thẩm mĩ. Thầm ước sau này thành đạt mình cũng có một căn phòng lí tưởng như vậy.
Chiều hôm sau, chị An nghiêm nghị gọi Giang vào trước mặt cả nhà. Chị hỏi:
- Em có cầm cái đồng hồ vàng trong vali của chị không? Giang ngơ ngác:
- Đồng hồ nào ạ?
- Đồng hồ có dây xích bằng vàng Nga. Giang sửng sốt:
- Em không biết cái đồng hồ đó để đâu, hình thù nó ra sao.
- Chỉ có mỗi em lên phòng chị
- Chị đừng hiểu lầm. Em đang rất mang ơn chị, sao lại làm vậy được.
Khánh lườm lườm nhìn Giang:
- Không ngờ Giang lại thay đổi nhanh thế. Nếu lấy thật thì cứ nói thẳng ra, không ai ăn thịt đâu. Khánh sẽ đảm bảo bí mật chuyện này
Chị An tiếp lời:
- Bằng không công an phường sẽ hỏi thăm em đấy.
Anh trai và chị dâu Khánh khinh khỉnh. Giá như họ chửi, chửi oan cũng còn hơn là những ánh mắt khinh thị thế kia. Giang thấy sởn gai ốc, ớn lạnh. Mặt cô tái nhợt, môi khô đắng. Cô cứ bàng hoàng như vừa rơi xuống một cõi khác, như đứng trước những người của hành tinh khác. Lạ lẫm và hãi hùng. Sao có thể chỉ vài giờ mà cô đã biến thành kẻ ăn cắp, chỉ vài giờ mà tình cảm đã héo quắt như bông hoa bị nướng thế này? Giang bật khóc.
Khóe môi những người xung quanh như nhếch lên một chút giễu cợt. Không còn cách nào khác, Giang thu dọn đồ đạc. Trước khi xách vali ra khỏi nhà, cô ngậm ngùi nói:
- Xin mọi người hãy tìm kĩ lại, Giang không bao giờ có hành vi ấy.
Trời đã tối sập, mưa vẫn tầm tã. Giang bước khỏi ngôi nhà oan khiên ấy. Cô không biết đi theo hướng nào, không biết gọi tên ai bây giờ. Tiền mẹ cho cô đã đóng hết ở kí túc xá và ở cả chốn này rồi. Giờ đây số tiền chỉ đủ cho một vài bữa ăn sáng. Còn cách duy nhất là quay trở lại kí túc xá. Nhưng tối muộn lại mưa gió thế này ai làm thủ tục? Kiểu gì cũng phải chờ đến sáng mai.
Giang kéo lê chiếc vali trên đường vắng ngắt và lênh láng nước. Thi thoảng vài người sùm sụp áo mưa phóng xe vội vã. Chợt Giang sực nhớ còn một người bạn tên Nga, thường ngày đi học ôn cùng ngồi với Giang và Khánh. Không còn cách nào khác, cô đành tới nhờ nhà bạn:
- Cho mình nghỉ nhờ qua đêm nay, sáng mai mình vào kí túc xá.
Nga và gia đình vui vẻ đồng ý. Ăn uống, dọn dẹp và trò chuyện với gia đình Nga xong đã hơn chín giờ. Chợt có tiếng gõ cửa, rồi tiếng Khánh nói oang oang vọng tới:
- Em đoán chắc nó chỉ ở đây thôi. Nó không thể còn chỗ nào khác cả.
Chị An xộc vào, mặt đỏ bừng bừng, chị hất hàm nói:
- Có Giang ở đây không?
Cả nhà Nga nhìn nhau thắc mắc không hiểu chuyện gì. Hai chị em Khánh thấy vali của Giang ở góc nhà liền vội sà xuống lục lọi. Những chiếc quần áo tung tóe vứt ra khỏi vali, sách vở lộn xộn ngược xuôi bởi những bàn tay bực tức và đầy nghi kị. Khánh quay lên nhìn An lắc đầu. Chị An quắt mắt hỏi Giang:
- Mày giấu ở đâu rồi? Mặt Giang rắn đanh:
- Em không lấy.
Chị An nói bắn cả bọt mép vào mặt Giang:
- Mày không thoát được đâu. Cứ chối đi. Hừ, rồi mai công an tới xử lí mày.
Hai chị em Khánh hầm hầm bước ra khỏi nhà. Những ánh mắt lạ nhìn xoáy Giang dò hỏi. Cô đành buồn buồn kể lại mọi sự. Họ nghe. Họ im lặng. Họ nhìn Giang cảnh giác. Đêm đó Giang không tài nào chợp mắt được. Nỗi oan ức cứ nghẹn ứ nơi cổ họng. Không khạc ra được, cũng chả nuốt vào được, nó cứ lơ lửng, bực bội và ám ảnh. Nỗi hãi hùng vô cớ như con sóng chực chồm lên bóp nghẹt tim Giang, rồi sự can đảm chế ngự lại chồm lên nhấn chìm nỗi sợ, chỉ còn hằn học. Cứ thế những tiếng thở dài bị nén chặt trong khí quản. Phải làm gì để rửa sạch nỗi oan này? Ai hiểu cô? Ai tin cô? Ai thương cô? Cô có thể khóc được với ai? Chả lẽ trên thế gian này không ai cho cô cái quyền được chia sẻ hay sao? Bởi vì đến người bạn thân nhất kề cạnh trong suốt thời ấu thơ còn nghi kị cô cơ mà.
Sáng hôm sau, sắp xếp lại chỗ ăn ở tại kí túc xá đâu vào đấy, Giang tới một ngôi đền gần đó. Nghe bạn bè bảo ở đó thiêng lắm. Thế là đủ. Thế là đã có người nghe và thấu hiểu. Thế là cô có thể dồn trọn tâm sự của mình vào đó. Giang kể. Giang khóc. Giang than. Rồi Giang nguyền:
- Kẻ nào vu oan cho con xin trời đất trừng phạt cho kẻ ấy sống dở chết dở!
Ngày thi đại học, Giang không nhìn thấy Khánh đâu. Nga bảo:
- Nó bị đau khớp nặng lắm, bỏ thi rồi, về quê để mẹ chăm. Thoáng một chút rùng mình khi Giang nhớ đến lời nguyền của mình.
Ngày ngày trôi. Tháng tháng tới. Những năm mới trở thành năm cũ. Giang tốt nghiệp đại học rồi xin vào một cơ quan gần nhà; lấy một anh chồng, sinh được đứa trẻ dễ thương. Cuộc sống bận bịu cuốn đi tất cả. Nhưng những ngày sinh nhật Khánh, Giang không bao giờ quên gửi hoa chúc mừng. Những bông hoa như gửi vào kí ức, không chút hồi âm.
Ngày họp lớp cũ sau mười năm xa cách. Bạn bè tưng bừng gặp lại nhau. Người thành đạt về công danh, người súng sính giàu có, người có con, người sắp cưới. Giang dắt tay con gái bốn tuổi. Cô giật mình nhận ra Khánh. Hoa khôi của lớp ngày nào, vẻ yêu kiều kiêu sa ngày nào giờ ngồi bất động trên chiếc xe lăn, khô quắt như quả táo mứt. Giang đứng lặng trong góc tối nhìn Khánh cười nói. Nỗi ân hận, day dứt giằng xé khi Giang nhớ lại lời nguyền ngày nào của mình, không cô chỉ nói cho hả những uất ức chứ không bao giờ muốn có cái kết quả như thế này. Cô định chạy ào lại trò chuyện thân mật với bạn để phá bung cái rào chắn mà bấy lâu họ phải chịu đựng, kệ cho Khánh vẫn ghét đi nữa. Không. Thế chả có nghĩa lí gì hết. Hậu quả hôm nay Khánh đang phải chịu Giang linh cảm là do mình. Chỉ có mình cô biết. Vậy thì phải bù đắp sao đây? Phải chuộc lỗi thế nào?
Bàn tay vốn đã gầy gò của Khánh giờ gân guốc cố sức tự đẩy chiếc bánh xe lăn như đang tìm ai đó. Một người bạn chỉ ra phía Giang. Giang muốn trốn chạy. Nhưng không được. Khánh đã ngồi trước mặt. Ngồi cùng chiếc xe lăn. Giang chôn chân bất động nhìn Khánh trân trân. Hai ánh mắt đều đầy vẻ ăn năn. Khánh nhẹ nhàng nói:
- Tha lỗi cho Khánh và gia đình nhé. Mọi người đã đổ oan cho Giang. Người lấy chiếc đồng hồ đợt ấy là chị dâu Khánh. Sau khi Giang đi nhà còn xảy ra ba vụ mất tiền mà không xác định được đối tượng. Mấy tháng trước chị An nhận ra chiếc đồng hồ ấy trên tay một người bạn của chị dâu. Hóa ra chị dâu tớ đã đem bán nó.
Khánh càng xin lỗi Giang càng xót xa, bởi cô thấy lỗi của mình còn lớn hơn chuyện ăn cắp rất nhiều, rất nhiều! Cô vô tình đánh cắp mười năm son trẻ, mười năm tươi đẹp của đời người bạn thân nhất. Mà lúc này cô không biết xin lỗi, không biết hối hận thế nào.
Khánh nhìn con gái Giang trìu mến:
- Nhà Khánh bây giờ thành lớp mẫu giáo mầm non tư thục, Giang đem con đến Khánh trông cho. Nó dễ thương quá.
Giang nhanh chóng đồng ý. Phải chăng đó là cách hữu hiệu để giúp bạn. Lại được yên tâm khi con mình không phải vất vưởng ở nhà trẻ công ty; mà do một người nhận là mẹ đỡ đầu chăm sóc. Nhưng ngược lại, sự yên tâm chưa bén rễ thì nỗi lo đã choáng ngập trong lòng. Nhìn đứa con xinh xắn trong tay bạn, Giang sợ. Mỗi lần đón nó về cô lại như trải qua một trận hành xác. Chỉ lo Khánh biết sự thật mà cô đang từng giờ, từng phút linh cảm và hối hận. Mỗi hôm gặp bạn lại là mỗi lần xót xa và day dứt. Trộn lẫn với nó là nỗi lo. Khánh mà biết sự thật về lời nguyền, ắt con mình sẽ bị hại. Người thân nhất dễ trở thành kẻ thù thâm hiểm nhất!
Lâu nay, Giang đã đi khắp các đền chùa, tới cả ngôi miếu ngày xưa để lễ tạ và xin lại lời nguyền xưa, để Khánh khỏi bệnh và có một cuộc sống hạnh phúc bình thường. Nhưng chưa biết bao giờ thì điều cầu xin này linh ứng. Và nó có linh ứng được thêm một lần nữa không?