C
hiếc xe con lướt nhẹ trên con đường đầy nắng. Nắng vàng rộm chào đón ngày mới khiến con đường đen đúa trở nên lung linh. Những cơn gió biển nồng nàn thổi cho mái tóc Xuân thêm bồng bềnh. Cô nghênh nghênh cổ nhìn ra những con sóng xa. Muôn đời chúng vẫn thế, ầm ào, rì rào chả mới mẻ lên được tí nào. Cái Lý, con Hân, cả thằng Toại nữa đang đi hôi dưới bãi lầy kia. Mặt đứa nào cũng nhuộm vàng ánh nắng.
Những tiếng cười râm ran cả vùng biển. Đã mười năm hay có lẽ đến già chúng cũng chả mấy thay đổi, ngoài cái dáng của thời gian. Chúng giơ những bàn tay lấm bùn lên vẫy chào Xuân. Cái Lý - con bạn thân ngày trước ngồi cùng bàn chuyên cho Xuân chép bài reo to:
- A, người yêu nhá. Oách thế!
Cái đầu vẫn nghểnh cao, Xuân khẽ dựa vào người đàn ông nhỏ thó kế bên. Đó là Trịnh, người tình của cô, chủ nhân của chiếc xe sang trọng, của một tài sản tầm cỡ và của cả một gia đình đã có vợ và con.
Xuân im lặng. Phần vì không biết nói gì. Chả nhẽ nhảy xuống tí toét với chúng nó như ngày chưa lớn? Hay hét toáng lên chào hỏi đáp lại? Quê chết! Phần nữa vì cửa kính kín bưng không để lọt lời nói nhỏ nhẹ của cô ra ngoài. Cô chỉ mỉm cười thân thiện. Đúng là thằng Phúc rồi. Nó đang đèo một đứa trẻ tầm bốn, năm tuổi trên chiếc xe Simson phì khói đen mù. Cái hồi lớp bảy cô đã từng thinh thích nó vì nó có đôi mắt ướt sượt đen láy. Lại tỏ ra rất ga lăng. Nghe đâu giờ đã có vợ con. Chắc kia là con nó. Nó giật mình nhận ra Xuân, mặt rạng rỡ ngay lên. Nó nhấn ga cố đuổi theo sát chiếc ô tô để bắt chuyện:
- Mới về à?
Xuân mỉm cười gật đầu. Phúc quay lại bảo con:
- Chào cô đi!
Xuân chưa kịp nhìn đứa trẻ khoanh tay chào ngoan ngoãn thì ô tô đã vượt lên trước để ngoặt vào lối đầu đê. Xuân thấy người cứ lâng lâng khó tả. Cũng cái ngày học cấp hai ấy, cô đã hình dung ra cảnh này. Mười năm sau có một Xuân sẽ vẹo vọ sau chiếc xe Minsk hoặc Babetta, hay Simson gì đó tay cầm chiếc làn có mấy cái kẹo lạc, vài nải chuối về thăm bố mẹ, tay còn lại cắp đứa trẻ thò lò mũi. Hoặc một Xuân sang trọng trên chiếc xe con bóng lộn, váy vó, son phấn mĩ miều cùng một người đàn ông trông gớm mặt. Đó là hai thái cực của sự cố gắng bứt mình hay an phận thủ thường. Mười năm dự cảm ấy giờ đã tới. Cô mỉm cười khi ước vọng đã ít nhiều thành hiện thực.
Đằng trước có một người lai mía đội chiếc mũ bạc màu sùm sụp chả rõ đàn ông hay đàn bà. Xuân cám cảnh vì bấy nhiêu năm vẫn còn người làm nghề này. Hẳn người đó lai mía tận trong Trới ra. Bây giờ mới gần tám giờ sáng. Những vác mía nặng trịch đằng sau như muốn cẩu cái thân hình mảnh dẻ ấy lên. Nhưng người đó cố lấy sức mình từng giây một gằn đầu xe xuống và liêu xiêu đạp. Vác mía nghiêng bên nọ, vẹo bên kia. Người đó cũng láng theo sự đánh võng của mía, uốn lượn trên chiếc xe đạp đầy gỉ sắt như một nghệ sĩ xiếc đang lấy thăng bằng. Cả đoạn đường dài như thế chắc người này đã thấm mệt và đang nhủ lòng cố lên chút nữa cho kịp chuyến chợ buổi sáng.
Xuân nhớ ngày xưa, sáng nào cô cũng cùng mấy đứa bạn hàng xóm chầu chực bà Sa méo mồm lảo đảo đạp xe mía từ Trới qua cổng nhà mình, rồi ba chân bốn cẳng chạy theo. Đến đoạn lên dốc, cả bọn lại hùa nhau chung sức đẩy xe mía lên để nhanh tới chợ. Mấy anh thanh niên ăn chơi khi đó đã lăm lăm sẵn con dao sáng loáng, phì phèo hút thuốc chờ sẵn ở các quán nước. Gánh mía của bà Sa đến, họ nhanh chóng mua bán và chơi trò chém mía cá cược. Để cho cây mía đứng thật thăng bằng họ buông tay ra, giơ con dao thật sắc chém phập một nhát dọc thân cây. Ai chém được nhiều cây thành hai nửa cân bằng nhau thì người đó thắng. Bọn trẻ con bu quanh hò reo và nhặt những thân cây mía đã chém xong tha hồ nhấm nháp. Nhiều hôm ăn no bụng mà “bãi chiến trường” mía vẫn còn đầy. Đứa nào cũng tiếc rẻ nhưng không dám nhặt về vì sợ bố mẹ.
Xuân rùng mình khi nhớ lần một người chém mía bị thua đã điên lên cầm dao đuổi chém đối phương nhưng để trượt lưỡi dao vào chân mình làm máu chảy lênh láng. Bởi thế mà bố mẹ đứa nào cũng cấm chơi gần những chỗ nguy hiểm đó.
Chiếc ô tô đi sát người lai mía. Xuân nhìn ra đó là một người đàn ông. Anh lái xe cười khà khà:
- Tôi đảm bảo quệt vào bây giờ lão già chổng vó lên ngay. Xuân và Trịnh hình dung ra cảnh ấy liền bật cười khoái trí.
Trịnh ồm ồm nói:
- Sợ xước sơn chứ không thì chơi một quả cũng vui.
Anh lái xe bảo:
- Không xước đâu. Chỉ cần lang láng qua cũng đủ. Trịnh bảo:
- Thử đi!
Chiếc xe đang đi đều đều đột ngột tăng tốc vèo qua người đàn ông. Đôi tay, đôi chân và cả con người ông cuộn lên những gân guốc. Chiếc xe đạp lảo đảo, bó mía nặng chịch chòng chành. Nó hơi cẩu người đàn ông lên một chút, nhưng ông nhanh chóng ghìm nó lại như ghìm một con ngựa bất kham. Mọi người trên xe đều ngạc nhiên. Trịnh cho xe dừng lại:
- Để thưởng cho sự can trường của bố già, dừng lại mua một bó. Cũng khát rồi.
Chiếc ô tô dừng trước mặt người đàn ông. Ông già cố ghìm xe mía lại. Trịnh chưa kịp hỏi thì Xuân đã thảng thốt bật ra tiếng nói bột phát:
- Bố! Trời ơi!
- Ơ, Xuân à? - Người lai mía tròn mắt nhận ra Xuân.
Xuân tĩnh trí, cô hoảng hồn hơn. Mặt nóng bừng, cô đẩy Trịnh vào xe:
- Anh để em nói chuyện riêng với ông ấy một chút! Trịnh cũng ngạc nhiên không kém:
- Sao bảo bố em là nhà thơ?
- Đây là bố nhận. Phải rồi, thì bố đỡ đầu, bố nuôi ấy mà. Anh… anh ngồi yên đây một tí để em bảo ông ấy cái này.
Ông già hỏi Xuân:
- Con có về nhà không?
- Có ạ.
- Thế thì về ngay đi nhé. Chờ bố mang mấy vác mía này ra chợ giao cho người ta một lát thôi.
Xuân thở phào buột miệng:
- May quá!
- Sao cơ? - Ông già ngạc nhiên.
- Dạ không.
- Thế thì về luôn đi kẻo nắng. Có bình mơ dưới nóc chạn, bảo mẹ pha cho. Bố đi đây.
- Vâng.
- À mà, đừng có nói gì với bà ấy là gặp bố thế này nhé. Bố vẫn bảo là buổi sáng đi ngắm bình minh lên. Con nhớ chưa?
- Vâng.
- Hứa với bố nhá. Bí mật đấy!
Giọng ông vừa hài hài vừa nghiêm nghiêm chẳng khác gì hồi Xuân còn ở nhà. Cô muốn hỏi nhiều, muốn nói nhiều nhưng nhìn chiếc ô tô cạnh đó cô lại chỉ thốt ra được một câu:
- Vâng.
Rồi cô mong cho bố đi thật nhanh. Ông già hăng hái đạp xe đi. Xuân quay vào ô tô, Trịnh thắc mắc:
- Không mua mía à?
- Về nhà em pha nước mát cho. Lát nữa ông ấy mang mía về sau. Giờ để lên xe khó ra, lại phải chặt, róc, phiền lắm.
- Ông ấy ở cạnh nhà em à?
- Ừm, cũng gần. Mê thơ của bố em từ hồi còn trẻ, rồi hay sang nhận em là con gái ấy mà.
Chiếc ô tô dừng ở ngôi nhà cấp bốn thân yêu của Xuân. Cô mở chiếc cổng quen thuộc và gọi to:
- Mẹ ơi, con về rồi.
Nhưng bên trong cửa khóa. Vài phút sau mẹ cô mới ra mở cửa đón cô bằng bộ mặt hốt hoảng. Cô tái mặt khi thấy mẹ đang vội vàng cài chiếc cúc áo. Đằng sau là ông hàng xóm có vẻ ngoài phương phi, đạo mạo. Cô cảm thấy cơn buồn nôn từ đâu chực trào ra khỏi cuống họng mình. Xuân “à” ra bao nhiêu điều. Ngày xưa, bố hay đi công tác, ông này suốt ngày sang với mẹ. Những lúc đó mẹ thường giải phóng Xuân khỏi đống bài tập khổng lồ để cô được sang chơi nhà cái Lý. Hơi lớn một chút cô đã ngờ ngợ điều gì đó uẩn khúc trong mối quan hệ này. Bây giờ thì khẳng định. Chà!
Mặt bà đỏ dừ, mặt ông xám ngoét - toàn những bộ mặt biến dạng. Sự ghê tởm chưa kịp bùng lên thì Xuân ý thức ra điều khác nữa. Cô thốt lên như tự nhiên:
- Bố, con tưởng bố đi công tác?
Đến lượt ông, bà ngỡ ngàng nhìn nhau không hiểu gì, chỉ cười cười ngượng nghịu. Bà thì thào:
- Mẹ xin con!
Xuân nhăn nhó khẽ khàng:
- Con xin mẹ!
Xuân nhanh nhẹn kéo hai người ra trước mặt Trịnh:
- Đây là bố mẹ em. Anh thấy họ có đẹp đôi không nào? Và thưa bố mẹ, đây là anh Trịnh, anh trai kết nghĩa của con. Còn đây là lái xe của anh ấy. Bố với các anh ngồi nói chuyện nhá. Bố nhớ đọc cho anh ấy mấy bài thơ tâm đắc vừa sáng tác đấy. Hai mẹ con mình vào pha nước mát thôi!
Họ nhanh chóng nhập vai kịch mà Xuân vừa sắp đặt. Uống vội cốc nước, Xuân nhanh chóng lấy lí do lên đường ngay. Vậy mà vẫn không kịp, ra đến đầu đê lại gặp người bố vội vã đạp xe về. Những vác mía không còn nữa. Người ông nảy lên cùng chiếc xe trên đoạn đường gồ ghề. Nhìn thấy con gái, ông phanh xe khựng lại nhưng chiếc ô tô đã vọt đi. Ông lại hộc tốc đạp theo. Rồi cũng được gần đến. Trịnh nhẹ nhàng chỉ vào gương chiếu hậu hỏi Xuân:
- Bố nuôi kìa, gặp một tí nữa chứ? Xuân miễn cưỡng:
- Vâng.
Xe dừng lại, thấy Xuân bước xuống ông vồn vã hỏi:
- Đi đâu đấy? Sao bảo đợi bố về một tí không đợi hả?
- Dạ chiều nay con có buổi học không bỏ được.
- Vậy thì còn về làm gì cho nhọc?
- Con về lấy mấy quyển sách quan trọng.
- Sao không bảo bố gửi lên?
- Tiện xe mà bố.
- Thằng đấy là thế nào?
- Dạ, bạn bè ạ. Bố, sao bố lại đi lai mía?
- Dạo này bố mệt không sáng tác được. Với lại đi thế này tăng thể lực, coi như tập thể dục luôn, lại có đồng ra đồng vào cho mẹ mày đỡ kêu. Mà vừa nãy con không để lộ cho mẹ biết đấy chứ?
- Vâng. Nhưng bố mệt còn làm làm gì. Mắt mũi thì có tinh tường gì cho cam.
- Thế mới phải đi. Tinh anh dành cho thơ không còn thì phải có tinh hoa dành cho con chứ.
Ông có vẻ khoái về câu nói của mình, cứ mủm mỉm cười, rồi rút ra mười lăm nghìn toàn tiền lẻ dúi vào tay Xuân:
- Đây, tinh hoa của bố dành cho con đây. Cầm đi mà thêm vào tiền ăn sáng. Cuối tháng bố lại gửi tiếp.
- Một ngày lai mía của bố đây à?
- Mỗi buổi sáng thế là nhiều đấy con ạ. Chịu khó học hành cho tốt nhé. Bố luôn tự hào về con, con gái ạ.
Tiếng còi xe giục giã Xuân. Ông bố vội nói:
- Nhanh lên, người ta gọi rồi kìa!
Xuân đành bước đi. Mắt cô cay xè. Trước nay cô vốn lì lợm. Trịnh thường phê phán: “Em là người không có nước mắt”. Cô thấy đó là điểm yếu lớn nhất của mình. Nhưng thực sự là chả bao giờ cô thấy có gì phải khóc lóc. Kể cả những lúc đau khổ, thất bại nhất cô càng ráo hoảnh, chỉ chất chứa hằn học và cười khẩy, quyết vượt qua bằng mọi giá. Thế mà giờ cô đã khóc. Nước mắt tuôn như không thể dừng. Cô xót bố. Cô hiểu ra bao nhiêu điều cảm động và chua chát. Cô tủi thân thấy mình nhỏ bé và đớn hèn. Cô vẫn điềm nhiên tiêu pha những đồng tiền khó nhọc ấy. Lấy cớ đi học trường nọ trường kia, mua sách vở này khác, lại còn bảo sắp được đi du học. Năm năm ăn chơi ở chốn thị thành chứ có học hành gì. Đỗ đạt gì mà học! Nhiều khi Xuân thấy bố mẹ sao mà khờ khạo. Giờ đây hết thời kì được chu cấp thì cố kiếm một người đàn ông bảo trợ cho ngon lành. Sự nghiệp của người con gái là ở đấy. Nhưng hình như không phải vậy. Xuân khóc nhiều quá. Cô không nhìn thấy gì nữa, không thể nghĩ được gì nữa, chỉ khóc.
Trịnh ngạc nhiên hỏi:
- Sao thế em?
Rồi anh ôm cô vào lòng an ủi. Có bao giờ anh có thái độ tình cảm chân thành như thế đâu. Hai người luôn tôn thờ chữ “T”: tỉnh táo, tính toán và tinh tường. Xuân càng xúc động và khóc nhiều hơn.
Xuân giật mình tỉnh giấc. Thì ra những chuyện vừa rồi chỉ là một giấc mơ. Bên cạnh, tiếng Trịnh ngáy ầm ầm. Cô thấy nước mắt mình chảy ướt cả gối. Chiếc đèn ngủ của khách sạn mờ mờ để lộ hai thân hình nguyên sơ. Cô ý thức mình đang ở đâu, và chuyện xúc động như thật vừa rồi chỉ là một cơn mơ. Nhưng cũng không hẳn là mơ. Nó lẫn sự thật. Gần như tất cả là sự thật.
Có điều cơn mơ lắp ghép lại hoàn thiện hơn thôi. Cô thương bố quá. Bố đã chi chút tất cả để cô dối trá gia đình, bán rẻ mình cho số phận. Xuân chưa bao giờ ân hận như thế.
Đúng là Xuân chưa bao giờ biết khóc. Ôi giọt nước mắt quý giá, vật báu ở mọi người, trừ Xuân. Cô cố sức khóc và gằn to tiếng nức nở để dòng nước mắt đừng ngừng chảy, để cơn mơ không còn là cơn mơ đơn thuần nữa. Tay cô cấu mạnh vào sườn Trịnh khiến anh choàng tỉnh và hoảng hốt hỏi:
- Sao thế em?
- Em… mơ.
- Mơ sao?
- Mơ anh đang nằm với vợ. Anh hắt hủi em. Em tủi thân quá.
- Hừ, anh bảo rồi, trước sau anh cũng sẽ bỏ bà ấy. Đừng kh… óc mà không em cứ khóc cho thỏa đi. Anh chưa bao giờ thấy yêu em như lúc này.
Trịnh ôm chặt Xuân vào lòng cảm kích.
Sáng ra, Xuân thì thào với Trịnh rồi luồn tay vào túi anh:
- Đưa em hai triệu nhá!
- Làm gì?
- Đêm qua mơ hay cực. Một là mười lăm hai là năm mốt. Em đảm bảo sẽ về hai con ấy.
- Sai thì sao?
- Anh muốn sao cũng được.
- Hoãn mọi chuyện li dị cưới xin. Không đòi hỏi gì nữa.
Cứ sống mãi cuộc sống lí tưởng thế này nhé?
- Ô kê.
Tối đó đề đổ vào số 11. Xuân đập mạnh vào đầu mình cay cú:
- Ngu thế, miếng ăn đến miệng còn mất. Mía là gậy, gậy là một. Chỉ có mười một thôi mà cũng để xổng.