M
uôn bực bội đứng dậy bật nhạc uỳnh uỳnh. Cô đã ngồi hàng tiếng đồng hồ trước máy tính mà không viết được chữ nào. Đây là chuyện tình lãng mạn thứ bao nhiêu được cô dựng nên chẳng đếm nổi. Nhưng chuyện của bản thân cô thì cứ mãi là con số không tròn trĩnh. Ai đọc những trang văn cô viết cũng nghĩ Muôn từng trải lắm. Có ông bác tới tận nơi cô ở “Để tao xem mày sống ra sao mà viết ghê thế”. Rồi thất vọng khi thấy mọi sự không như suy đoán: “Mày cũng bình thường đấy chứ. Vậy thì nghe ai kể mà viết được nhiều vấn đề sâu kín vậy?”. Muôn cười: “Cháu tưởng tượng”. Ai thân thiết với cô cũng không ít lần ngạc nhiên: “Sắc sảo đâu đâu còn mặt cứ ngơ ngơ như người trên cung trăng, hỏi gì đều không biết. Thật, cái câu “văn là người” sai bét be nếu áp dụng cho mày, Muôn ạ”. Nhiều người sau khi cầm vài tập bản thảo dày bịch của cô nhíu mày thương cảm: “Thế này thì thời gian đi chơi với bạn trai ở đâu hả em?”.
Muôn làm gì có thời gian đi chơi khi suốt ngày phải “đẻ” những ý tưởng chồng chất trong tâm trí. “Đẻ” rồi “bán”, “bán” rồi “mua”, mua các thứ cần thiết cho một cuộc sống bình bình, để mà lại “đẻ”. Cái vòng luẩn quẩn ấy bận túi bụi khiến cô không lúc nào được yên, ngay cả trong giấc ngủ đã từ bao nhiêu năm nay. Lúc này đầu óc căng thẳng - phôi thai triệu chứng của một trận ốm. Khi ốm thì công cuộc “đẻ” - “bán” - “mua” bị gián đoạn. Những lần thế cô thường chùm chăn ngủ, ngủ mê mệt, ngủ triền miên từ giờ này sang giờ khác. Phần nhiều sau đó khỏi. Khỏi thì lại dậy “đẻ” - “bán” - “mua”. Cơ mà hôm nay cô không ngủ được, không viết được, đọc sách cũng như phát điên, giở quyển tiếng Anh ra muốn học vài từ mới thì ôi hoa cà hoa cải treo lơ lửng khắp nơi. Giờ bật nhạc, nhạc như quả lựu đạn mở chốt cứ inh inh tra tấn đầu óc. Chuyển sang giai điệu êm dịu, cũng chẳng ổn, lòng cô buồn như có kiến bò. Xem ra mọi trò giải trí tại nhà không còn tác dụng. Tắt phụt máy tính, căn phòng trở nên tĩnh lặng. Muôn quanh quẩn đi lại suy tính mình nên làm gì, nên đi đâu. Và cô càng căng thẳng hơn khi câu trả lời trở nên quá hóc búa. Thế mà bấy nay cô tưởng mình có nhiều thứ lắm. Ai nấy cũng đều đinh ninh cô đủ đầy mọi nhẽ do vô vàn con chữ, vô vàn chuyện hoa lệ cô “đẻ” ra, vô vàn những mối quan hệ thân quý ngày một sinh sôi. Nhưng sự quý hóa ấy chủ yếu xã giao. Vì lúc như thế này chả lẽ lại bảo “Anh ơi, chị à, đi uống cafe với em, đi dã ngoại một buổi nhé”, hay tới thăm người ta vô lí do. Họ dễ cho cô bất bình thường vì ai cũng còn bận bịu với con cái, gia đình, người yêu, với hàng tỉ chuyện bà rằm quan trọng khác. Tình thân của công việc thường quy định sự cười nói vẻ vui chỉ ở trên cơ quan hoặc tòa soạn.
Ngày trước một ông chú có kinh nghiệm lâu năm trong nghề sáng tác đã khuyên “Cháu là con gái, theo nghề viết đa đoan dễ không lấy được chồng. Mà đã theo thì đừng mong khá. “Cơm áo không đùa với khách thơ đâu”. Dạo ấy, Muôn quay ngoắt, nhủ thầm: “Người ta chưa bước đi đã trù ẻo. Được, để rồi xem. Thời bây giờ có kiến thức, có khả năng, có sức khỏe, có ý chí mà lại nghèo? Ông cứ lười biếng ngồi đấy, huy động sức lực mà cay ca thế sự. Còn tôi sẽ chứng minh sự khác biệt của người tài và kẻ bất tài!”. Sau đó, như lên đồng, Muôn điên cuồng làm việc suốt ngày đêm. Cô chòi ngòi bút của mình vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nào viết về diễn viên, về doanh nghiệp, về những người cùng khổ, về các ông chủ thời đại mới, về sinh viên, thể thao, văn hóa, giáo dục, đĩ điếm, cướp bóc… đủ kiểu. Mỗi mặt cô lại có vô khối cách nhìn và khai thác, cô đều rút ruột mà cảm, mà sống, mà hóa thân. Cường độ ra quầy báo nhiều hơn. Từ một, hai truyện ngắn mỗi tháng, tới lúc năm ba bài mỗi tuần. Và kỉ lục nhất có tháng Muôn đã được in tới 30 bài báo đủ các thể loại thơ, truyện ngắn, truyện cực ngắn, bài về chân dung, kí… nhuận bút nhiều mức khác nhau. Lần ấy thu nhập khá. Nhưng cô chi vào tiền thuê nhà, tiền điện thoại, tiền xăng xe, tiền ăn uống, tiền mừng đám cưới, mua quà tặng sinh nhật, vẫn ốm nếu ốm một trận. Đấy là chưa kể lúc tắc bút không “đẻ” được bài nào, chưa kể bạn bè bắt khao, chưa kể tháng đó có phải về quê hay không.
Muôn ngồi phịch. Tai u u thứ âm thanh không rõ ràng từ não bộ phát ra. Định hình dần mọi hình ảnh nhòe nhoẹt - hội chứng của bệnh nhìn máy tính nhiều quá - cô mới để ý chiếc chiếu mình đang ngồi mốc xanh, mốc trắng. Vài con chuột chin chít chạy qua. Thảo nào bấy nay mua đồ ăn gì về chả mấy đã hết veo. Nhiều khi cô tự cười thói đãng trí của mình và lẩm bẩm “chén từ lúc nào rồi quên”, cô châm biếm mình “dạo này ăn khỏe quá”. Nhưng giờ cô mới ý thức rõ là mình đã đãng trí khi bỏ qua lũ chuột tinh ranh kia.
Căn phòng vẩn lên mùi ngai ngái ẩm mốc, thoang thoảng mùi nồng nặc của nhà vệ sinh từ bên ngoài phả vào, và mùi thức ăn nưng nức từ chiếc bếp hàng xóm bay sang. Phòng ở um um giống y trong một cãn hầm thiếu ánh sáng, thiếu hõi ấm trong mùa đông và thiếu gió mát vào mùa hè. Chợt Muôn nhớ mình vẫn còn một ngôi nhà. Ngôi nhà ấy thừa gió, thừa nắng, thừa tiện nghi, xung quanh là vườn trái quả, là bể cá, lồng chim, cây cảnh. Ngôi nhà mát lành đó dựa thân vào đồi cây bạch đàn, hướng nhìn ra dòng sông êm đềm. Lâu quá cô chưa về. Thế là lại đã sắp hết năm.Veo một cái, chỉ vài cú điện thoại thăm hỏi để khi về thấy tóc mẹ thêm bạc, mắt bố cười nhiều nếp nhăn hơn. Vậy mà lúc này thì cô không biết đi đâu. Bởi vì ngày mai còn nộp bài cho báo A, lấy nhuận bút ở báo B, đi gặp nhân vật C, sinh nhật bạn D, xem cuộc triển lãm E, F nào đó.
Cô đứng dậy nhìn lên chiếc gương trước mặt. Chiếc gương phủ mờ bụi. Khẽ lau cho sáng hơn, cô giật mình thấy mình đã chững chạc, mọi đường nét đủ gọi là xinh xắn. Mai là thứ mấy? Cô nhìn lên tờ lịch trên tường. Mai chủ nhật. Ồ, những ngày nghỉ cuối tuần thế này có ý nghĩa bao nhiêu với các nhân vật đang rối bời yêu đương của cô. Còn với cô nó cũng chỉ là hai tư tiếng. Hết ngồi vào máy tính thì đọc sách hoặc nấu ăn, đi chợ, và ngủ… khác gì đâu. Nheo mắt một chút để nhìn cho rõ xem sắp tới có ngày quan trọng nào? Hôm nay trên tờ lịch khoanh dấu bút đỏ số “27”. Cô nhớ rõ đó là nét bút của mình. Để chống lại tật hay quên của mình, cứ mùng một Tết Muôn thường khoanh vào lịch nhắc nhở những ngày cần nhớ. Nhưng ngày mùng chín tháng năm là ngày gì nhỉ? Nghĩ mãi không ra, cô định bỏ qua thì lại ám ảnh bởi số “27”. À, đúng, ngày sinh nhật thứ hai bảy của cô mà lại quên. Những năm cuối của thời thiếu nữ người ta thường gọi là gì nhỉ? Sau “trăng tròn” là “trăng xế”, hình như vậy. Nhưng tuổi cô làm gì còn được là “trăng” mà xế với chả xệ. Thế thì gọi là… chậc! - Muôn tự nhủ lát nữa sẽ tìm từ cho chuẩn. Hai mươi bảy tuổi cô cảm giác mình như thứ quả chín mõm mòm sắp rụng. Thế mà ngày xưa cô hình dung khi nào tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định sẽ bấn lên vì ối chàng theo đuổi. Nhưng đời trái khoáy lại chứng thực rằng khi tới cái đích ấy thì cô càng cô đơn và càng ý thức sự cô đơn ấy mạnh mẽ hơn.
Đọc và tưởng tượng nhiều càng thấy sao trên đời lắm chuyện tình đẹp thế, vật vô tri cũng biết yêu thương nhau, những người có số phận rách nát cũng cháy sáng vì tình yêu cao cả. Còn cô thiếu cái điều mà ai cũng nghĩ là đầy ứ. Vô vàn lời tán tỉnh, sự quan tâm của vài người có vợ muốn lợi dụng, hay của mấy chàng có trái tim đa ngăn luôn thích thử nghiệm, hoặc của một số cậu trai mãi nằm trong sự bảo trợ của cha mẹ không thể khiến ý thức cô neo đậu. Muôn mệt mỏi muốn hóa điên mà không điên nổi. Càng tỉnh càng sống trong những bi kịch không rõ bi kịch thế này càng như bị tra tấn. Giá mà cô có thật nhiều nhược điểm hay đui què mẻ sứt sẽ còn có lí do an ủi. Đằng này… dằn lòng đứng dậy, cô quyết đi tắm giặt dọn dẹp mọi sự cho tươm tất. Giật mình thấy đã đến tháng. Cô thẫn thờ nuối tiếc vẩn vơ khi hình dung tới ngày sẽ không còn phải bận bịu vì sự phiền toái rất con gái này nữa.
Chiếc điện thoại réo vang điệu nhạc quen thuộc, Muôn lau vội mái tóc vừa gội, vui vẻ nhấc máy:
- Alô.
- Chúc mừng sinh nhật con gái yêu.
- Cảm ơn bố.
- Mày xem có anh chàng nào thì gật đầu đi chứ. Là thân gái đừng để quá tuổi mà ân hận con ạ.
Muôn miễn cưỡng đáp lễ với câu chuyện không có gì mới mỗi khi bố gọi điện:
- Vầng.
Người bố vẫn sôi nổi:
- Sự nghiệp là tốt nhưng phải biết dành thời gian cho hạnh phúc riêng tư. Người phụ nữ quan trọng vẫn là gia đình. Ra đường, con phải ăn vận, trang điểm tươm tất vào. Bố gửi tặng con bộ đầm đẹp lắm. Chắc mai, kia bưu điện sẽ chuyển tới nơi. Chỉ đạo mấy công trình ở đây xong bố sẽ lên thăm con.
- Thôi, không cần đâu, để con thu xếp về. Bố đi xa vất vả.
- Kệ bố. Việc của con là hỏi bạn bè xem chỗ nào phẫu thuật thẩm mỹ có uy tín, bố đầu tư.
- Khổ, nhưng con làm sao mà phải đi thẩm mỹ? Xinh rồi mà.
- Bố muốn con gái bố xinh hơn nữa.
- Trời ơi, trong năm nay con sẽ đem chàng rể về trình bố được chưa, không thẩm mỹ thẩm mèo gì nữa bố nhá.
- Phải thẩm mỹ. Con yên tâm, bố đã chuẩn bị tài chính đâu vào đấy rồi.
Người bố đắc ý với kế hoạch của mình rồi cúp máy. Muôn ngẩn ngơ suy nghĩ khi vấn đề trở nên nghiêm trọng và vẫn không thoát khỏi bế tắc.
Vừa lúc đó cô bạn thân tên Tần đi cùng một chị bạn tới chúc mừng sinh nhật Muôn. Thế là lần này Muôn không đi đôi với Tần và chịu đựng ánh mắt dò xét của mọi người như mọi hôm nữa. Các ánh mắt ấy nói rằng: “Trông kìa, hai cô gái xinh xắn thế kia cứ quấn quýt nhau dễ là ái nam ái nữ”. Lần này hai đứa không đàm luận về câu chuyện muôn thuở rằng: “Chết rồi, làm sao để lấy được chồng bây giờ? Phải đi tấn công anh chàng nào đó thôi, nhưng mà tấn công ai?”. Tần xinh đẹp, giỏi giang, con nhà gia giáo, tâm tính dễ thương, vừa làm giảng viên của một trường đại học, vừa chuẩn bị hoàn thành chương trình cao học, bạn bè đông nhưng không tài nào tìm nổi một người để yêu. Tất cả sự kì quặc ấy các cô chỉ biết lí giải rằng “duyên chưa đến”. Tần giới thiệu:
- Đây là chị Phan, chị họ của Tần, Giám đốc công ty gốm nghệ thuật liên doanh với nước ngoài.
Chị Tần chừng bốn mươi tuổi, trông đẹp và sang trọng. Có chuông điện thoại, chị ngọt ngào:
- Anh à?
Muôn và Tần sởn gai ốc mỗi khi nghe ngữ âm âu yếm người ta chỉ dành cho một nửa của mình. Họ cùng quay ra giao hòa nhau bằng ánh mắt đồng cảm buồn buồn. Muôn khe khẽ nói với Tần:
- Bố Muôn vừa điện thoại giục lấy chồng. Kế hoạch làm mối lần tiếp theo đang được triển khai với cường độ mạnh đấy.
- Làm sao bây giờ, mẹ Tần cũng suốt ngày kêu ca. Hễ làm việc gì chưa đúng ý bà là bà đay đi đay lại “Mày thế này thì cả đời dễ không lấy nổi chồng đâu con ạ”. Đầu hai đứa mình đâu có thua kém ai, quyết nghĩ kế biến hóa ra một anh chồng mới được.
Chị Phan cúp máy, nghe được câu chuyện liền nói, giọng choe chóe ngược hoàn toàn so với lúc trả lời điện thoại vừa rồi:
- Thông minh thì sao mà lấy được chồng. Khôn cũng phải giả đần. Mà định tảo hôn à? Chị đây ba bảy tuổi mới lấy chồng. Bọn mày ngố quá, hám gì việc chui vào gông. Còn những mười năm nữa, tranh thủ hưởng thụ đi.
Tần nhăn nhó:
- Nhưng chị đi du học, không bị điếc tai như bọn em ở đây.
- Thôi được, nếu thích chị giới thiệu cho anh bạn là tiến sĩ, trưởng phòng vừa giỏi vừa giầu.
Muôn, Tần tròn mắt háo hức:
- Chưa cùng ai? Phan gật. Muôn hỏi:
- Nhưng hình thức không đến nỗi để tụi em phải đeo kính “tờ lờ mờ” thường xuyên chứ?
Phan bất bình:
- Ơ, lấy chồng hay tuyển hoa hậu nam? Đàn ông đẹp chỉ để dành cho cô nào nghèo trí tưởng tượng chứ không phải cho người như “nhà văn” Muôn đâu.
Muôn e ngại:
- Nhưng xấu quá, sau em không biết ăn năn với con em thế nào, cả đời nghe nó phàn nàn, trách móc về dung nhan lai bố thì mệt lắm.
- Thích người toàn diện tốt nhất nên đóng cửa mà tưởng tượng tiếp đi cô nàng cầu toàn ạ. Nói thế chứ chị đã ra tay giới thiệu thì yên tâm đi. Ngày trước anh này cũng vào hạng “cành cao” đấy. Mải mê học tập, phấn đấu thành trung niên lúc nào chẳng hay. Giờ thì không dám vênh nữa, nhưng cũng không thể “vơ bèo vợt tép”.
Tần và Muôn nhìn nhau khẽ gật. Họ quyết tâm liều “nhắm mắt đưa chân” xem thử. Không hợp duyên người này biết đâu sẽ quyến luyến với người kia. Phải mục sở thị mới biết được. Sự nôn nóng khiến “bà mối” Phan triển khai ý tưởng ngay lập tức. Họ điện thoại, hẹn hò, gặp gỡ, chuyện trò. Họ căng mắt quan sát và tự bình xét về nhau. Mỗi thành viên (trừ Phan) vừa làm người mẫu vừa kiêm luôn chân giám khảo.
Người đàn ông tên Thành dù bôn ba và cả chặng đời dài tạo dựng cho mình nhiều uy lực vẫn không giấu nổi sự luống cuống trước hai cô gái trẻ. Đúng là anh không xấu, không quá già nhưng cái nụ cười nịnh hềnh hệch thường trực của anh khiến cả Muôn và Tần đều không thể chịu nổi. Khuôn miệng nhờn nhợt ấy dường như chẳng bao giờ biết ngậm vào, mà lại không phải mở ra để nói, cũng chẳng là ngoang ngoác để cười. Cứ ha há một cách lỡ cỡ khiến người ta nhìn thấy bực bội vô lí do. Chiếc mũi đang cao tự nhiên gãy gập ở giữa chả ra hình thù cụ thể. Mắt nhìn chòng chọc vào người đối diện nhưng lại không ra nhìn. Cứ lờ đờ mở. Giá mà nó nhắm lại hay quay đi ắt khiến người ta đẹp lòng hơn. Khi anh cất giọng nói thì Muôn và Tần so người nổi gai ốc. Không hẳn vì thứ ngôn ngữ hoa mỹ, giàu triết lý, đậm giáo huấn mà phần nhiều do âm lượng của nó cứ nhát gừng, rời rạc và nửa vời thế nào...
Muôn ngồi im đăm chiêu nghĩ ngợi, suýt ứa nước mắt khi hình dung mình phải ở chung một mái nhà với con người này. Hàng ngày nhìn thấy anh ta và chịu đựng. Sau đó sản sinh ra vài phiên bản như thế. Eo ôi… có lẽ không sống nữa sẽ hạnh phúc bao nhiêu. Mặt tái đi, Muôn nhăn nhó như bị trúng gió. Phan hốt hoảng:
- Em làm sao đấy?
Muôn giật mình chớp mắt cười gượng:
- Dạ, không sao. Tần nhanh nhảu:
- Cảm gió rồi. Thôi chúng ta tạm biệt nhau đi, em đưa nó về đánh gió.
Tần sờ vào trán Muôn giật nảy mình:
- Đấy, lạnh ngắt rồi này.
Tìm được lí do, Tần và Muôn nhanh chóng rời khỏi quán cafe, phóng xe vù đi. Muôn vẫn trăn trở:
- Hay là “cố đấm ăn xôi” để bố mẹ an lòng nhỉ? Giọng Tần châm biếm:
- Ờ, lấy chồng đi. Lấy về mà viết tiểu… thu… uyê… ết!
Sau thất vọng là hi vọng. Việc “phải có chồng” như chiếc vòng kim cô vô hình án ngữ trên đầu khiến Muôn trăn trở. Tâm trạng đó đã từng ám ảnh cô trong những cơn mơ dữ dằn. Nhiều khi cô thẫn thờ suy tính không làm nổi việc gì ra hồn. Và đôi lúc sự tưởng tượng mắc cạn. Lúc này Muôn vẫn không thể buông trôi. Cô quyết định “tép”, “tôm” gì cũng tóm. Lại lục tìm trong điện thoại xem có mối quan hệ nào khả thi không. Nhưng tay đã mỏi vì tra danh bạ vẫn chẳng tìm nổi một cái tên. Cô giật mình bởi tiếng chuông báo tin nhắn: “Truyện ngắn của em vừa in đó”.
Đó là nhà báo Hoàng Sự trưởng phòng biên tập của một tòa soạn mà Muôn là cộng tác viên. Bỗng trong đầu cô loé lên hình ảnh của anh. Sao lại không phải là anh chàng này chứ? Anh ấy đã có vợ con nhưng lại chia tay rồi, giờ đang sống độc thân. Ngọc nào chả có vết xước, quan trọng có phải là ngọc hay không. Mà anh ấy thì tâm, tính, tình, tài ai nấy đều rõ. Người này cô có yêu đơn phương đi nữa cũng bõ. Thế mà bấy nay nghĩ không ra. Lòng Muôn rộn ràng và trí tưởng tượng lại dồi dào như thể yêu ngay người ta được. Muôn nói với Tần, giọng reo lên:
- Đã tìm ra đối tượng đó là: “Hoàng Sự”.
- Nhà báo nổi tiếng “HS”? Nhân vật này đáng nể trọng đấy. Muôn “chiến” đi, Tần hậu thuẫn.
- Nhưng bằng cách nào? - Muôn phân vân. Suy nghĩ hồi lâu, Tần lóe ra ý nghĩ:
- Phải nhắn tin nhầm. Bây giờ Muôn nhắn tin tâm sự với Tần chẳng hạn. Phải rồi, thế này nhé, bấm điện thoại đi: “Tần ơi, Muôn nhớ anh Sự. Suốt ngày nằm mơ, suốt ngày nhớ. Phải làm sao bây giờ để anh ấy hiểu tình cảm của Muôn? Hay Muôn chết làm ma theo anh ấy hả Tần?
- Eo ôi, vô duyên chết đi được. Ai làm thế?
- Chậc, bảo cứ bấm đi mà.
Tần giằng máy điện thoại của Muôn, bấm số và gửi cho Sự. Hai cô gái chờ đợi thấp thỏm. Một tiếng, hai tiếng… trời đã nhập nhoạng mà vẫn không thấy anh hồi âm. Tâm trạng bực bội dâng lên trong Muôn:
- Lại vênh rồi đấy. Chắc nghĩ mình bỡn cợt bởi từ trước tới nay có bao giờ tỏ thái độ gì. Hay anh nghĩ mình tán tỉnh anh vì địa vị xã hội? Cũng có thể anh ta bỏ vợ nhưng có vô vàn người tình và chẳng để tâm thêm nữa.
Tần cổ vũ:
- Muôn ý chí lắm cơ mà. Bài đó không được thì điện thoại rủ đi chơi.
- Xin bà, dơ lắm rồi. Tôi nào phải đứa biết trơ tráo. Đã bật đèn xanh còn không nỡ lịch sự nhắn tin lại. Đèn xanh không đi thì sẽ lại đến đèn đỏ thôi.
- Thế thì tắt tất tật đèn đi cho họ đâm linh tinh luôn thể. Chợt có điện thoại của Sự. Muôn giật thót mình. Tần cười vang:
- A ha, cá đã cắn câu. Thấy chưa, tu thành chính quả đó! Muôn đỏ mặt lườm Tần và nghe máy. Giọng Sự trầm ấm:
- Rảnh không? Anh mời em đi ăn tối. Có món quà đặc biệt dành cho em đó.
Tần cuống cuồng trang điểm cho Muôn. Muôn lộng lẫy hơn hẳn vì bộ váy mềm mại và gương mặt được kẻ tô kì công. Tần phải về vì ra “trận” lần này chỉ nên có một mình Muôn.
Bữa tiệc khá thịnh soạn. Sự ngồi đợi Muôn cùng một anh bạn. Muôn giật mình khi nhận ra đó là Thành - bạn chị Phan - buổi sáng vừa đi gặp mặt uống nước với cô. Cuộc đời quẩn quanh. Muôn nhăn nhó thất vọng. Thành hỏi:
- Em khỏi ốm rồi à?
Sự ngạc nhiên:
- Hai người đã quen nhau? Thế thì tốt rồi, không phải giới thiệu nữa. (Anh chỉ vào Thành hết sức tự nhiên) Đây là món quà anh muốn tặng em.
Nụ cười của Sự ẩn chứa nhiều sắc thái biểu cảm. Lúc này anh đã chứng thực sự đùa cợt của Muôn. Anh vốn mất lòng tin ở hạnh phúc gia đình và nhất là càng khó tin tình cảm chóng vánh ở một cô gái trẻ chuyên tưởng tượng. Câu chuyện giữa ba người trở nên nhạt nhẽo. Muôn ngồi chưa ấm chỗ, Sự đã cáo từ vì có công vụ đột xuất. Ý muốn mối lái Thành cho Muôn hiện hình rõ nét hơn. Muôn bấm bụng bực bội mà không biết làm thế nào. Người ta không thể lấy lí do ốm đi ốm lại. Cô vẫn cố ăn, cố cười nói như một ma - nơ - canh cho tới lúc tàn cuộc.
Thẫn thờ ngắm bó hoa Tần tặng dần héo quắt. Thế là qua ngày sinh nhật, Muôn thêm một tuổi. Mai lại một ngày mới bắt đầu để rồi sẽ trôi đi. Cô lại tiếp tục cuộc sống tu hành dù không phải là nhà sư và chẳng bao giờ có tâm niệm muốn làm sư. Điện thoại của cô báo tin nhắn của Thành: “Em đang làm gì? Đi ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe nhé. Chúc em ngủ ngon và mơ những giấc mơ đẹp”. Muôn nhăn mặt tắt điện thoại, rồi chìm vào giấc ngủ mỏi mệt. Đèn vẫn sáng chong chong. Trong giấc mơ của cô, bóng đèn biến thành một thứ quả chín mọng. Muôn thì đói mà với mãi không được. Nhưng cô vẫn không với, cho tới lúc quả chín rụng nát tươm. Muôn lại bước tiếp. Khu rừng đầy quả chín, dậy mùi và đung đưa.