G
iở giời ông Dần khổ vì đau. Lưng đau, xương đau, mắt đau, tai đau, răng đau... chỗ nào cũng đau. Đau như muốn long mọi bộ phận ra khỏi cơ thể còm cõi đã ngoài bảy mươi tuổi. Chắc trúng gió nữa nên ông không nhấc nổi mình dậy. Bà ấy thì đi lấy thuốc dạ dày tận Hà Nội. Bảy mươi mặc bảy mươi. Răng đã ngừng nhai đâu, dạ dày nghỉ co bóp đâu, vậy là đầu gối bò được cứ phải bò. Ba hào, dăm hào, năng nhặt chặt bị, ngồi không ai cho? Ngay từ hồi trẻ, ông bà đã tự túc tài chính. Họ cùng buôn bán, to nhỏ đủ cả nhưng chả ai có nghĩa vụ phải nuôi ai. Giờ già rồi, hai ông bà vẫn góp gạo thổi cơn chung, độc lập với con cái. Một nhúm gạo, cái nồi xinh xinh, chiếc mâm bé xíu, hai cái bát nhỏ tí, trông cứ như đồ chơi trẻ con. Công cuộc mưu sinh chả mấy khó nhọc.
Nhưng bây giờ ông đau. Nếu có bà ở bên, ừ thì vẫn phải thuê nhưng không đến nỗi bóp hầu bóp cổ như lũ cháu. Chả ai thương ông bằng đồng tiền, nhất lại là người thân. Ông cần một bát cháo nóng, cần một nhúm lá nhọ nồi giã nhỏ để uống và đắp lên trán. Hoặc một quả trứng gà luộc với đồng bạc để cạo gió. Đau quá, nhưng chưa thể chết được.
Ông lấy hết sức gọi con Hà. Nó đi vắng thì phải vì chỉ có tiếng mèo ngoao ngoao đáp trả. Ông gồng mình gọi con Hồng. Nó khó chịu:
- Cháu đi có việc.
Không còn hơi gọi tiếp đứa cháu cuối cùng là Nhạn nữa. Ông đành thều thào sai Hồng:
- Gọi con Nhạn cho ông với!
Hồng vừa dắt xe đạp ra khỏi cổng vừa gọi đãi bôi:
- Nhạn, vào ông bảo!
Hồng đạp xe đi chẳng cần biết em có nghe thấy không. Nhạn càu nhàu đứng dậy bỏ dở ván chơi “ô ăn quan”. Nó vào vì biết ông sai là thể nào cũng “có màu”.
Ông Dần run run đưa cho Nhạn tờ năm trăm đồng:
- Cháu sang gọi cô An. Bảo ông cháu ốm nặng lắm, cô sang đánh cảm giúp.
Nhạn xịu mặt:
- Ông đi mà gọi.
Nó lừ lừ toan bước ra. Ông Dần biết ý đưa thêm cho nó tờ năm trăm đồng nữa:
- Này.
Nhạn ngúng nguẩy:
- Không có giá ấy đâu. Ông Dần cười nịnh nọt:
- Ông hết nhẵn tiền rồi.
- Hết tiền lẻ thì đưa tiền chẵn cháu trả lại. Hai nghìn.
Không thì thôi.
- Ông không còn tiền thật mà, chờ bà về ông vay rồi trả cháu sau.
Ông Dần nằm vật ra thở, không còn sức thương lượng với con ranh tám tuổi ấy nữa. Nhạn cau mặt:
- Đã hết tiền còn ốm gì lắm thế!
Nó bỏ đi. Bước ra cửa, lưỡng lự một lát, nghĩ đến gói bim bim, nó quay vào. Rồi giật phắt hai tờ bạc lẻ trên gối:
- Bà về ông phải trả cháu một nghìn nữa đấy nhé!
Lát sau, chị An hớt hải chạy sang. Gia đình họ chỉ có hai vợ chồng, một đứa con gái nhỏ và bố chồng sống trong túp lều gianh chật hẹp. Họ nghèo thế mà sao họ tốt thế. Ông nhờ gì họ giúp được là giúp liền. Ông trả tiền, họ ngạc nhiên trêu ông chứ nói gì tới chuyện lấy. ông ngượng, rồi xót. Đâu cứ “một giọt máu đào” đã hơn “ao nước lã”? Họ hàng không, người thân ít, ông chỉ sinh được một cậu quý tử là thằng Sáng. Ông đã hạnh phúc vì nghĩ rằng chỉ một cu cậu này là đủ. Ông dồn lực chăm bẵm nó, vợ nó, con nó. Ông cho nó nghề nghiệp. Nhưng dày ăn mỏng làm. Lẽo đẽo được vài năm ở xưởng đóng tàu, thích một cục tiền về mất sức, nó bỏ việc, vay nợ mua chiếc đò chở khách. Nhưng lại làm “Giám đốc” tại gia, chuyên việc đọc báo; rồi xem nhà ai có chuyện gì thì vác “gậy” thọc vào cho sướng. Nó ngồi quán nhìn người phán:
- Lão ta hai đời vợ đấy. Yêu thương ngoài mặt thế thôi nhưng là bòn rút để nuôi bọn nhỏ ở quê.
- Hôm qua tôi vừa thấy nhà cô đi với chị nào nây nẩy lắm.
- Đêm rồi có chuyện gì mà vợ ông vào nhà thằng Tiến “sìn” khuya thế?
Ai cũng có chuyện, chẳng ai tốt đẹp. Ai nổi sung lên hành ai thì mặc.
Sáng cười khẩy khoan khoái.
Cũng có người không rượu chè, cờ bạc, trai gái, không tì vết, Sáng khinh bỉ: “Con gà sống thiến ấy nói làm gì”. Cô vợ nào ngoan không để nó lách gậy vào được, nó tỉa tót: “Rau nào chẳng có sâu. Đợi đấy, rồi cháy nhà ra mặt chuột”.
Còn nắng mưa, bão táp để làm được đồng tiền, vợ, con nó lo. Con Hà chưa học hết cấp hai nó quát về đi đò. Con bé không chịu nó tát sưng mặt:
- Thích học thì về đây bố mày dạy. Cái bọn giáo viên ấy trình độ, vốn đời chắc gì bằng cái móng tay thằng này.
Ngót chục năm sau, bến đò giải tỏa, người ta chỉ đi phà, Sáng buộc phải đổi chiếc đò cũ nát để thêm tiền mua tàu du lịch chở khách tham quan vịnh Hạ Long. Bấy nhiêu thời gian cả nhà nai lưng làm được đồng tiền nào cho vào hầu bao Sáng hết. Thế mà giờ cần tiền đổi tàu chả bói đâu ra. Tiền bán đò ngày một ăn cụt vào. Nguy cơ cả nhà thất nghiệp căng thẳng báo động.
Biết xưa kia bố mình còn dắt lưng được ít vốn, Sáng gạ gẫm:
- Đưa con mua tàu. Làm ăn được, con trả đủ.
- Tao sống bằng gì? Lương hưu không có.
- Con trả bố lương hưu, được chưa? Bố già rồi tiêu gì đâu.
Cần ăn uống thì nhà có gì ăn nấy. Chúng con nấu phục vụ bố.
- Cơm của chúng mày khô như rang. Tao chỉ còn hai cái răng, nhai thế nào?
- Thì bố lấy gạo nhà con mà nấu.
- Không được. Mày tính cách khác. Đến khi tao ỉa dầm đái dề không có một xu, tao chết.
Rắn vậy nhưng ông vẫn đưa cho Sáng nửa ngân quỹ là mười cây. Thế mà thằng cú vọ ấy vẫn đánh hơi được số tiền còn lại của ông, rồi cuỗm sạch. Ông hoảng hốt đi tìm. Nó dõng dạc:
- Con vay rồi. Đã thương thì thương cho trót.
Từ đấy ông thành vô sản. Nó chẳng tử tế với ông hơn. Ông vẫn phải nhận việc bóc long nhãn để thêm tiền thuốc thang.
Giá ngày ấy vợ chồng chị An chịu để ông giúp chắc vẫn còn đồng dắt lưng. Tới chơi, nhìn mái lá dột ngược dột xuôi, hết gáo, chậu, lại bát hứng đầy các góc nhà, ông thương quá, nói thẳng:
- Cô chú làm nhà đi. Cái nhà ngang nhỏ nhỏ thôi chẳng đáng bao nhiêu đâu.
- Cũng phải cây rưỡi, hai cây đấy ông ạ.
- Thì hai cây.
- Chúng cháu lấy đâu ra tiền? Cố sức mua được mảnh đất này để có chỗ tá túc là phúc lắm rồi.
Ông nhiệt tình:
- Tôi cho anh chị vay hẳn ba cây không lấy nửa xu lãi. Khi nào có trả cũng được.
Chị An thốt lên:
- Rồi làm gì ra ạ? Anh ấy đi công tác suốt. Một mình cháu ngoài việc cơ quan lại chăm nom cả ông, cả con đã đủ mệt. Giờ, lúc nào cũng nghĩ đến nợ thì đầu cháu nổ tung mất. Dột cũng chẳng sao ông ạ.
Thế là giờ phải tiêu những đồng xu eo hẹp cuối cùng. Ông kêu ca, Sáng cáu:
- Bố lấy tiền làm gì? Có cái tàu, bố lấy được cứ lấy rồi cả nhà treo niêu.
- Thì mày cũng phải trả dần dần chứ. Tao hết tiền sống bằng gì?
- Bố có chết đâu? Ăn cùng chúng con còn gì.
Nhưng nào chỉ mỗi ăn. Ốm cần thuốc, nóng thèm trái quả. Chúng nó có bỏ ra đồng nào? Đau chân không đi được sai con cháu không có tiền thuê đứa nào chịu đi? Cứ thế này ông chết mất:
- Nhưng mày hứa trả theo tháng!
- Người ta cho con cho cháu hàng mẫu đất nọ, trang trại kia không tiếc. Đằng này có vài cây bố cũng suốt ngày lèo nhèo. Làm ăn thì ngày một bí bét. Giá con được sinh ra trong gia đình giàu có đã không đến nỗi cơ cực thế này. Tàu đấy, không thì thịt con đây bố thích róc đằng nào cứ róc. Bảo sao con cháu không hiếu thuận!
Cuộc sống còm cõi cứ bị thu mỏng dần trong tay đứa con trai độc nhất. Có lúc ông đã định vùng dậy, đã run run với lấy chiếc kiếm gia bảo trên nóc tủ toan trừng trị kẻ bất hiếu. Nhưng mỗi khi thế, dường như mũi kiếm lại quay ngược hoành hành ông trước. Rỉ ra giọt nước mắt, ông lại bất lực yên phận: “Nó là con mình”.
Hôm nay thì ông hết tiền hẳn. Sự săn sóc hết lòng của người hàng xóm càng khiến ông đau. Chị An vừa cạo gió cho ông vừa xuýt xoa:
- Sao ông không gọi con sớm hơn để đến lúc người lạnh ngắt thế này!
Rồi chị rút tiền đưa cho ông:
- Của ít lòng nhiều, ông cầm lấy mà thuốc thang. Cần thứ gì cứ gọi con.
- Chị lấy đâu ra? An cứ dúi:
- Ông yên tâm. Nhà con còn gửi về nữa. Con tích cóp thêm rồi làm nhà sau. Ông ốm cần hơn. Vài cái lỗ dột mai con xử lý là đâu vào đấy ngay.
- Không được. Chị không nên làm thế. - Ông Dần nghẹn ngào. - Tôi... tôi vẫn còn tiền.
Con Nhạn bước ra sau tấm màn gió nói sắc lẻm:
- Thế mà cơ nãy ông bảo hết nhẵn tiền. Giờ thì đừng có hòng sai cháu nhá!
Chị An biết mọi ứng xử trong gia đình này nên ân cần nói:
- Ông cầm lấy, cần gì còn gọi được con chứ.
- Rồi tôi lấy gì trả? - Ông Dần rơm rớm nước mắt.
- Ông cứ khỏe mạnh trở lại là đã trả con rồi.
Cũng ngày hôm đó, Sáng đưa về một cậu bé mới sinh bắt gia đình phải có trách nhiệm. Cô vợ tru tréo:
- Vậy là bao vốn liếng, bao công sức của tôi, cả chiếc tàu ọp ẹp anh cũng đốt nốt để đổi lấy của nợ này chứ gì?
Sáng tát ngang mặt vợ:
- Nhìn xem nó là của nợ hay lũ con cô đẻ ra là nợ? Người vợ ôm mặt khóc rấm rứt:
- Được, tôi sẽ đi với cái của nợ của tôi để anh sung sướng.
Chị ta nhanh chóng xếp đồ đạc ra đi cùng ba đứa con gái của mình. Chả ai thừa lời chào ông Dần. Chỉ có Nhạn không quên ngoái lại nhắc về số tiền ông nội còn nợ.
Đêm đó ông Dần thức trắng. Ông trách mình không biết cách tàn nhẫn. Ông ước giá mình mù hay giá mình không có con. Chẳng thiết sống trên đời này nữa. Nước mắt già chảy suốt đêm thành ngọn lửa ngùn ngụt trong lòng. Bàn tay gân guốc với lấy chiếc đèn dầu lặng lẽ đổ lên khắp chiếc màn cũ mốc. Ông cầm nắm tiền chị An đưa khi chiều lập cập luồn xuống gối Sáng. Anh ngồi ngoẹo đầu ngủ gật, tay vẫn đu đưa đứa trẻ theo quán tính. Ông Dần lặng lẽ đi về giường mình, quẹt que diêm nhỏ. Lửa âm ỉ rồi bùng lên thành một đốm sáng trong làn mưa tầm tã khi tinh mơ. Ông biết rằng chẳng còn cách nào hay hơn. Một nắm tro tàn sẽ không phải mất thêm đồng tiền thuê mướn nào nữa.