L
à một nghệ sĩ có tâm, có tài trong làng văn hóa của tỉnh, không ai không nể trọng, quý phục ông Học. Thế mà Toái - một kẻ vô học lại suốt ngày đặt điều bêu riếu ông ngoài quán nước, hoặc bên bàn trà của các nhà trong xóm. Hai gia đình ở sát vách nhưng từ lâu đã không giao du với nhau. Hai bà khinh khỉnh ra lườm vào nguýt. Bọn nhỏ mâu thuẫn từ lúc biết nói. Nhưng vẫn chưa có chuyện gì xô xát quá to tát.
Ông Học vốn nhìn rõ bản chất bên ấy. Vợ bán cá, chồng buôn mìn lậu để đánh cá. Nhân cách mỏng tèo, gia phong èo uột, con cái càng lớn càng hư, chồng chung vợ chạ đủ thứ tệ nạn. Chẳng việc gì phải mất thời gian quan hệ với những người như thế. Có điều, sự coi thường ông để trong lòng. Nhưng những “cái quai” của ông thì nông nổi nên phản ứng rõ rệt hơn.
Toái khó chịu với ông Học từ cái nhìn, mà Toái gọi là “nhìn đểu”. Ông nguyện “cho nó biết tay”, “không để nó yên”, “Nó là cái thá gì mà dám nhìn ông kiểu như vậy?”. Nghĩ đến ông Học, Toái cứ tức gai người. Ông bĩu môi với xóm làng: “Ối giời, mang tiếng có học mà ăn tục nói phét, nó thì làm được tích sự gì cho đời? Đến cái việc tối thiểu của thằng đàn ông cũng làm không nổi. Đời thuở nhà nào mà ngần ấy năm sống không biết tới chén rượu, điếu thuốc, gái gú... cứ cung cúc một xó như đi tu. Giả vờ đạo mạo cả thôi. Tôi thì tôi còn ngờ lão ta cầm tù bà vợ cơ. Lũ con ấy chắc gì làm ra nổi.
Toái bắt lũ con gọi vợ chồng Học bằng chức danh “cô chú”, dù biết chắc mình kém tuổi họ, để những lúc bất đắc dĩ phải sang xin nắm lá lốt hay thanh dọc mùng về nấu còn có lời để gọi. Nhưng cũng chả mấy dịp bọn trẻ gọi vợ chồng Học bằng chức danh đó. Vì ra đường gặp chúng không biết chào đã đành. Thi thoảng mẹ sai sang nhà Học xin gia vị, rau cỏ gì đấy là chúng chui bờ rào sang, đỡ phải mất công mở miệng lại còn tiện thể thấy mấy quả na, quả ổi nào ương ương còn hái luôn. Có lúc trẻ con nhà Học bắt được hoặc đánh bẫy bằng gai bưởi. Thế là cãi nhau, lại khắc sâu thêm mâu thuẫn.
Cho tới lúc bà Sắc chột xóm dưới đến chơi với bà Học đã thương cảm nói:
- Khổ! Em tưởng mỗi em chịu cảnh lỡ làng ai ngờ trên đời này lại có chị. Bề ngoài hạnh phúc là thế ai mà hiểu được chuyện trong chăn phải không ạ?
Bà Sắc nắm chặt tay bà Học rơm rớm nước mắt thông cảm. Bà Học thì cứ nhìn bà Sắc chòng chọc:
- Cô bảo vậy là sao cơ?
- Thì chả phải chị lấy anh ấy là thiếp thứ ba, không có cưới hỏi còn gì, lại suốt ngày bị đánh đập nữa hả?
Bà Học sửng sốt hơn:
- Ai nói với chị thế?
Bà Học tím tái mặt mày, lục bằng được bức ảnh cưới hơi mốc chưa làm lại được, nhưng vẫn rõ đường nét mặt mày đưa cho Sắc xem:
- Cô nhìn kĩ đi! Bà Sắc ngài ngại:
- Giời ơi, thế mà, anh ấy còn kể… em xin lỗi chị.
Bà Học càng nghe càng điên tiết, chỉ muốn chạy sang chửi ngay cho nhà đó một trận. “Đi với ma phải mặc áo giấy mới được”. Hồi trước còn nghèo, suốt ngày cầm bơ sang vay gạo nhà bà, có bao giờ trả, có bao giờ bà thèm đòi một câu. Rồi lúc thằng chồng đi biển hàng tháng trời, vợ con nó ốm đau, một tay bà giúp đỡ. Thế mà càng ngày nhà ấy càng “ăn cháo đá bát”. Bà nghĩ mà hậm hực lắm, cố chờ tới tối, nhà chúng nó về bà sẽ sang luôn, ầm luôn, vạch trần luôn cho làng trên xóm dưới biết cái mặt thật của nó. Bọn trẻ con cũng ủng hộ mẹ. Chúng lập ra kế hoạch đi bảo vệ bà ra sao. Ông Học biết chuyện làm xịt ngay quả bóng bơm căng:
- Mình là gia đình văn hóa, không thèm xử sự kiểu ấy. Tối nay ở nhà. Mọi chuyện bố đã có cách.
Bà Học không thôi cay cú:
- Anh bảo ra tay từ bao lâu rồi thế mà đến bây giờ nó vẫn không thôi bôi tro trát trấu vào mặt mình đây này.
Con cái cũng lên tiếng:
- Bố hiền thế để nó càng được thể. Rồi thì cái xảy nảy cái ung.
- Nhà anh Toái khẳng định thế mà.
Ông Học cáu:
- Lần này tôi sẽ ra tay, được chưa?
Cả nhà làu bàu nhưng rồi cũng phải nghe. Ông Học biết những điều tiếng đó từ lâu. Bản chất công việc sáng tác cần yên tĩnh làm ở nhà, thỉnh thoảng mới đi giao dịch, nộp tác phẩm hoặc đi tìm hiểu thực tế. Nên khi ở nhà thì ở suốt, mà đi thì đi hàng tháng trời. Sự đặt điều của Toái có những cái lí riêng. Ông không phi thường đến mức không biết cáu giận, phẫn uất. Nhưng chả lẽ ra túm cổ, cãi nhau tay đôi với nó? Ông chỉ cười khẩy và có cách trả thù riêng.
Vài hôm sau, Học mới sang nhà Toái. Toái gườm gườm đề phòng:
- Chuyện gì đấy?
Vẫn cái cười Toái ghét cay ghét đắng, ông Học đưa ra một tấm vé mời xem kịch nói:
- Tôi mời cậu tối mai đi xem ở nhà văn hóa trung tâm. Toái bất ngờ. Thế này là thế nào? Rõ ràng đây là một âm mưu. Ông hất hàm:
- Không có xe.
- Sẽ có xe đưa cậu đi đến nơi về đến chốn.
Toái ngẩn ngơ cầm tấm vé, không hiểu nên vui hay buồn, không dự đoán nổi việc gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng đúng là cả đời ông chưa bao giờ có dịp bước chân vào nhà văn hóa trung tâm. Không hiểu nó khác gì so với trên vô tuyến không. Cuối cùng Toái quyết định sẽ đi. Tất nhiên trước khi ra khỏi nhà ông phải chuẩn bị mọi thứ phòng vệ, dặn dò vợ con cẩn trọng. Bất kì trường hợp nào ông cũng ở thế chủ động.
Đúng giờ hẹn, Toái quần áo chỉnh tề, còn thắt caravat rất trịnh trọng bước ra cổng. Vừa lúc, một chiếc taxi bóng loáng đỗ xịch trước mặt. Toái vẫn ngóng chiếc xe máy của Học phía bên. Nhưng Học lại bước xuống từ chiếc taxi đó khiến Toái hết sức ngỡ ngàng. Và ông càng lo hơn “nó sẽ đưa mình đi đâu?” Ông cố bình tĩnh bước lên xe. Hai người chỉ chào nhau bằng ánh mắt. Cả đoạn đường họ lạnh lùng không nói với nhau nửa lời. Chiếc taxi quành vào nhà văn hóa, Toái mới thở phào. Nhưng ông vẫn nơm nớp. Còn bên trong kia nữa. Trí não ông vẫn phải căng như dây đàn.
Băng rôn rực rỡ chăng hai bên nhưng Toái không để ý, bởi rất nhiều người tới bắt tay chào hỏi, chúc mừng, khen ngợi Học. Cho tới lúc yên vị trong ghế ngồi và màn diễn mở ra Toái mới hiểu rõ rằng đây là vở kịch của Học vừa đoạt giải trong hội diễn toàn quốc, giờ về tỉnh diễn báo cáo cho các lãnh đạo. Toái thắc mắc nhỏ với Học:
- Sao chả nhìn thấy ai xóm mình? Anh mời mỗi tôi à?
- Vì ai cũng hiểu tôi, trừ cậu.
Toái im lặng chăm chú xem. Bây giờ ông đã hiểu phần nào ý đồ của Học. Đôi lúc có những lớp kịch hay quá, ông chực bật khóc, bật cười, nhưng chợt định thần lại liếc sang Học, rồi nguội lạnh. Với biến thái của chuyện kịch dường như cả hội trường chỉ có hai người ngồi im như thế.
Ra về, Toái càng gườm Học hơn. Ông hiểu Học, nhưng lại vẫn chưa hiểu lắm. Đúng ra thì Học thâm lắm. Có thể khi ngầm cho Toái biết mặt xong, lúc về Học sẽ “hành động”? Thế là ông vẫn thon thót cảnh giác.
Chiếc taxi êm ru chạy về đầu đê. Xe lướt qua những lùm cây đen sì, những tảng đá kì quái, những vạt đồi tăm tối. Con dao díp cạ vào hông Toái đau đau như lời nhắc nhở. Nhưng không như Toái hình dung. Chiếc taxi lại dừng sát chiếc cổng tre liêu xiêu nhà ông. Vợ con Toái ùa ra đón, có cả người mặc sắc phục công an. Bà Toái nhìn chồng lành lặn thì tò mò hỏi:
- Có sao không? Toái quát:
- Vào!
Sáng hôm sau vợ Toái khoe khắp xóm:
- Cứ bảo ông Học trí thức, nhiều chữ, giỏi giang, thế mà tối qua phải mời cả nhà tôi đi xem kịch của mình. Mỗi nhà tôi đi thôi, khẩn khoản mãi nhờ anh ấy góp ý chỉ bảo đấy. Nhà tôi phê cho mấy câu xấu hổ quá giờ đố dám ngẩng mặt!
Rồi bà về hí hửng khoe ngay thành tích mới của mình với chồng. Toái đỏ lựng mặt lấy hết sức tát vợ một cái nhớ đời, đồng thời phun ra một lời cộc lốc cùng đống bọt mép:
- Ngu!
Bà Toái ngơ ngác không hiểu thế nào.
Vợ Học cằn nhằn:
- Nhà đã không có tiền anh còn thuê cả taxi nữa chứ. Cho nó đi xem về để nó chửi. Anh “ra tay” cái kiểu gì thế?
Học thâm trầm cười. Ông chả thanh minh, chả giải thích. Ông thấy thỏa mãn vô cùng với cách trả thù của mình.