H
ơn mười năm, Trang mới về thăm ngôi nhà cũ. Từ ngày đỗ thủ khoa trường Đại học Ngoại giao, gia đình chuyển vào Nam, cô xa hẳn Hạ Long. Hết rèn luyện trong nước lại bù đầu với chương trình học ở nước ngoài. Giờ thì sự học hành mới tạm ổn để cô bước sang những bước ngoặt khác của cuộc đời.
Trước mắt cô quê hương như được lột xác. Đường xá, nhà cửa, bến tàu, bến phà đâu đâu cũng thay đổi. Chắc bọn bạn cùng lứa đã vương trưởng lắm rồi. Bước vào con đê quen thuộc, những ngày xưa thân thương lại sống dậy. Cô định ngay ngày mai sẽ đi thăm những người quen cũ, đầu tiên là thầy Thức. Người thầy ân nghĩa - một thần tượng sáng trong tâm trí cô hàng ngày hàng giờ. Con người và gia đình hạnh phúc của thầy luôn là mục tiêu Trang muốn đạt tới. Hơn nữa, giữa cô và thầy còn có những kí ức không thể quên.
Vẫn như những đôi uyên ương hạnh phúc khác, như những thiên tình sử lãng mạn mà thầy đã từng dạy, từng say mê phân tích tìm ra những giá trị cao đẹp, thầy Thức và cô Đào cũng có một quá khứ đắm đuối yêu thương.
Ngày ấy, cô Đào học cấp một ở Tuần Châu. Hòn đảo xưa kia thật hoang vu. Mỗi lần vào đất liền người ta phải bắt thuyền, đi đò rất vất vả. Họ hàng xa gần và gia đình quyết tâm đầu tư cho cô học tiếp. Sự thông minh và xinh đẹp ở Đào khiến gia tộc kì vọng nhiều điều lớn lao. Nào là sau này cô phải học hết cấp ba, học tiếp rồi làm bác sĩ, giáo viên hay kĩ sư gì đó. Rồi lấy một anh chồng thật danh giá trên Hòn Gai cho cả họ được tự hào và có chỗ nhờ vả.
Đào học ít, chịu khó yêu đương nhiều. Càng lớn, mắt cô càng đen, to và lóng lánh, da trắng hồng mịn màng. Ai nhìn cũng thấy thích và ai yêu thì cứ như con thiêu thân. Thực ra sắc đẹp ấy đã học thay cô. Anh chàng giỏi giang nào cũng muốn ngồi cạnh Đào. Vậy là mỗi giờ kiểm tra cô đều đạt điểm cao nhất. Người bạn trai tên Đảng đã kì công luyện cho bằng được kiểu chữ nghiêng ngả của Đào. Bao giờ cũng hoàn thành trước bài cho cô bằng kiểu chữ giống chữ cô, sau đó mới làm sang bài mình với kiểu chữ khác. Thường thì mới chép lại nửa già bài làm thì trống hết giờ đã điểm. Nhiều người xì xào Đảng theo bài “hoa khôi”!
Hết cấp ba Đảng định ôn khối A thi kinh tế. Đào thì muốn học cao đẳng sư phạm văn. Vì văn vẻ cô còn bập bõm bịa gọi là. Sau này làm việc may ra nỡm được thiên hạ. Chứ những môn chết tiệt của Đảng cô nhìn cứ như xem tranh siêu thực. Với lại sau là cô giáo dạy không giỏi thì giọng hát hay và sự sắc sảo của cô cũng hình thành một giáo viên tầm tầm. Tính thế nhưng Đào biết mình không đủ sức tự thi. Và tất nhiên Đảng phải cố ôn văn để thi với cô. Họ cùng âm “Đ”, ngồi cùng bàn. Đào đỗ với số điểm cao. Đảng trượt vì không đủ thời gian chép lại bài thi và bị giám thị đánh dấu bài và đuổi ra với lí do là Đảng chép bài của Đào. Cả họ nhà Đào ăn mừng. Họ đón rước, tung hô và lại ra sức chi chút. Đào thì lo không biết những ngày tiếp theo sẽ xoay sở thế nào. Đùng một cái Đảng bị tai nạn ô tô, qua đời. Đào hụt hẫng. Cô học kém nhất lớp. Người ta bảo Đảng ám Đào.
Rất nhiều chàng trai khác đến với Đào. Ăn chơi sành điệu có, giỏi giang lãng tử có. Đào thấy yêu tất cả rồi lại chán tất cả và chẳng thể chọn nổi ai.
Thầy Thức khi ấy là “cây” dạy văn giỏi số một của trường. Đào không hiểu sao một người đàn ông già và xấu như thế lại được bọn con gái trong trường, trong khoa thán phục như thần tượng đến vậy. Sự hiếu kì bắt cô chăm chú nghe giảng mỗi giờ văn. Và cô cảm thấy yêu văn theo cấp độ số nhân. Rồi yêu cả người dạy văn nữa. Cô không để tâm hình thức kém hấp dẫn ở thầy. Cô yêu bằng cả trái tim và lí trí. Đào chán các cậu thanh niên vây quanh vì họ không nói được những điều như từ miệng thầy Thức. Càng tiếp xúc Đào càng thấy không thể bỏ qua con người tài hoa, thông thái, nhạy cảm, đang phơi phới tiền đồ trước mắt ấy. Từ điểm không rượu, thuốc; tới sự chịu đựng dẻo dai và đức độ khác thường, thầy đã chiến thắng tất cả nam giới trong mắt Đào. Vì khi “tán” thầy, Đào vẫn quan hệ yêu đương với vài anh chàng khác. Càng được nhiều đàn ông chiều, càng nhiều điều tiếng, càng bị xì xào, Đào càng thêm hãnh diện. Đó là thứ vinh quang cô thấy hiếm người có được. Thầy Thức biết nhưng lạnh lùng như không để tâm, trong khi các chàng trai khác thì vồ vập, tranh giành và đánh đấm nhau. Đào mệt mỏi với các cuộc tình không đâu và thấy yêu thầy thực sự. Thầy vẫn xa cách. Nhưng chàng trai nào thoát khỏi móng vuốt ái tình, nhất lại là người đàn ông ngoài ba mươi, lần đầu thực sự rung động với cái đẹp? Thầy càng tỏ ra cứng cỏi lại càng sa lưới. Chả mấy chốc thầy mê Đào cuồng dại.
Giờ văn thầy ra muộn hơn. Thầy đến thăm Đào với cường độ tăng không ngừng. Thầy say sưa truyền thụ những kiến thức và tình yêu văn chương của mình. Đào say sưa nắm bắt. Họ cùng bay lên những gì thơ nhất, đẹp nhất. Trong mắt thầy, Đào là người phụ nữ hoàn hảo. Thầy quên hết mọi sự, chỉ có cô trên thế gian này. Hai sự quyến rũ khác nhau quện vào nhau tạo thành một khối vững chắc tưởng không gì tác động nổi, tạo thành ánh hào quang ai nấy đều tôn thờ. Có lẽ các chuyện tình khác đẹp cũng chỉ đến thế. Họ nhanh chóng kết giao với nhau và trở thành giai thoại trong trường, trong ngành giáo dục. Ngày cưới, người khóc thầm, kẻ cười vui, tung hô lẫn lộn. Có cô học viên còn uống thuốc tự tử. Nhiều chàng trai đập phá các quán rượu.
Bước khởi đầu học sống cảnh “lều tranh - tim vàng”. Rồi sinh một bé gái kháu khỉnh. Gia đình Đào thất vọng. Nhưng cô trấn an họ rằng phải biết nhìn vào tiềm năng để nuôi hi vọng về sau. Thầy sẽ tiến trong một hai năm tới. Y như rằng thời gian sau thầy được cất nhắc chức trưởng khoa. Đó là lúc cô bị phân về một trường cấp hai của vùng núi hẻo lánh. Cô nhất quyết không bỏ nghề để theo thầy. Thầy lặng lẽ chiều cô và nghĩ rằng mình giỏi thì ở đâu cũng giỏi. Không cần chức quyền, chẳng ham danh vọng. Cả đời hi sinh cho sự nghiệp và một mái ấm hạnh phúc. Thầy thấy không thể xa cô, sẽ chuyển công tác về nơi họ phân cô. Đào thất vọng:
- Sao anh dại thế? Cái chức ấy bao nhiêu người mơ chẳng được. Em mong tới ngày đó đỏ cả mắt thì anh lại từ bỏ.
- Anh đã gửi đơn lên sở rồi. Anh muốn chăm sóc em.
- Chả lẽ anh chỉ thích mỗi việc đó sao?
- Em không thích sao?
Họ tranh luận to tiếng. Từ đấy cô chán. Còn thầy lại nghĩ mình vì vợ đến thế có lẽ đã “kịch kim”.
Thầy Thức dạy ở trường cấp ba gần nhà. Các cô giáo văn mỗi lần dự giờ xong đều ngẩn ngơ thán phục và nể trọng thầy. Học trò nữ tương tư thầy ngày một đông đảo. Khi thầy ốm, những lần 20 - 11, hay cả những hôm thứ bảy nhà thầy đều đông các “áo dài”. Sáng sáng cô Đào ra quét sân thường nhặt được những phong thư tình nhét bờ rào hay một vật phẩm, hoa hoét gì đó thật lãng mạn. Không phải sự tự hào mà là nỗi khó chịu chen lấn trong cô. Cô lẩm bẩm “dở hơi” rồi vun vào cùng đám lá khô đốt một thể. Thầy biết nhưng không nói gì.
Một chiều muộn, có chiếc xe máy phân khối lớn chặn đường đè nghiến xe đạp cà tàng của thầy. Thằng du đãng tay lăm lăm cây côn, người phả ra nồng nặc mùi rượu đứng án ngữ trước mặt thầy. Hắn lăn xả vào đánh thầy. Thầy quằn quại trên con đê nhỏ. Thầy hỏi:
- Tại sao anh đánh tôi? Tôi không quen biết, không thù oán anh.
Hắn nhe hàm răng ám khói cười khinh bỉ và cay đắng:
- Ông cướp hồn người yêu của tôi. Lúc nào cô ấy cũng thầy Thức thế này, thầy Thức thế khác. Rồi còn lôi ông ra làm thánh nhân giáo dục tôi. Hừ, tưởng lung linh thế nào ai ngờ hom hem hơn thằng nghiện! - Hắn nhổ một bãi nước bọt vào mặt thầy rồi quát: - Mẹ! Cảnh cáo lần đầu. Dạy cái chó gì thì dạy, không khiến dạy yêu, biết chưa! Con gái phải để chồng nó dạy cái đấy chứ không phải ông. Không biết điều thì đừng mong có dịp nhìn mặt vợ con!
Hắn bỏ đi. Thầy lê lết dắt xe về. Một số kẻ biết chuyện hả hê. Số người khác xui thầy báo công an. Thầy bình thản mỉm cười chẳng rõ xúc cảm.
Cô Đào càng thấy những điểm ngày trước mình mê say ở chồng giờ thật phiền toái. Hôm ấy cô lấy lí do “bận huấn luyện thi học sinh giỏi” nên ngủ tại trường, kệ thày với những vết bầm tím.
Năm sau thầy nhận chức hiệu phó. Ngày ấy thầy làm chủ nhiệm và phụ trách môn văn của Trang. Thầy còn là tri kỷ của bố và bác Lê nhà Trang. Bác Lê là nhà văn, thỉnh thoảng vào ngày nghỉ thầy thường tới uống trà và bàn luận văn chương với bác. Nhân cách, cuộc sống của thầy là đề tài cả nhà Trang thường ca ngợi. Mỗi lần nghe về thầy lòng Trang lâng lâng khó tả. Cô giả bộ lơ đi nhưng tai lại căng ra cao độ để nuốt từng lời. Trang tương tư thầy như cô Đào ngày xưa, như một số nữ sinh được học thầy.
Lứa tuổi 17-18 là lứa tuổi người ta khao khát yêu và sống hết mình với tình yêu nhất. Tình yêu khi ấy thánh thiện bao nhiêu thì nó cháy cuồng nhiệt bấy nhiêu. Những áng thơ văn qua lời phân tích của thầy làm Trang mê hơn. Thầy trở thành nỗi nhớ trong Trang từ bao giờ không hay. Niềm ước ao duy nhất và lớn nhất thường trực trong cô lúc ấy là làm sao có được thầy. Trang cũng ý thức điều đó không bao giờ thành hiện thực khiến những giọt nước mắt vô cớ thi thoảng tuôn rơi. Những bài kiểm tra điểm cao và thấp lẫn lộn.
Trang ghét tất cả các môn học trừ văn, nên văn bao giờ cũng cao điểm nhất còn các môn khác thì đội sổ. Hình như thầy nhận ra tình cảm nơi đôi mắt trong veo ấy. Những khi tới thăm bố và bác Trang, thầy dành thời gian để phụ đạo cho cô những môn học khác. Trang ngạc nhiên và khám phá ra bao nhiêu điều kì diệu ở thầy. Đến giờ cô vẫn nhớ mãi lời thầy dạy ngày ấy:
- Văn là gì em biết không? Đó là sự tổng hòa của thế gian này. Đừng nói trong văn không có toán, lý, hóa, sinh, sử, địa. Càng học lên em sẽ ý thức rõ điều đấy. Bởi thế muốn giỏi văn phải giỏi toàn diện.
Có thầy, Trang tiến bộ từng ngày. Nhưng có một điều cô không thể kiềm chế được trái tim bất kham chất đầy nỗi nhung nhớ thầy mỗi ngày. Cô có thể học giỏi vì thầy thì cũng có thể vứt tất cả do thầy.
Đó là một hôm tới trường với nỗi nhớ căng ứ. Bước chân thầy tới đâu, tim Trang như muốn nảy lên tới đó. Cô càng gồng mình chế ngự, nó càng đập hỗn loạn. Cô cúi gằm mặt như sợ bị phát hiện tình cảm thật. Thầy tinh lắm, nhìn mắt thầy đoán được hết.
Thế nhưng Trang chả ngờ không nhìn mắt thầy cũng có thể đoán được. Lại cái giọng nồng ấm, ôn tồn. Thầy tới gần, Trang thầm khẩn nài: “Xin đừng tiến thêm bước nào nữa!”. Nhưng thầy vẫn tới bên. Hơi ấm từ người thầy phả ra khiến Trang run lên từng chập. Tai ù đi không nghe thấy gì. Rồi vô thức cô ngẩng lên. Hai luồng ánh mắt gặp nhau. Cô biết trong giây phút ấy thầy yêu cô. Ánh mắt ân tình dịu ngọt thế kia cơ mà. Cô quên hết mọi rào cản. Chỉ thấy thầy gần gũi quá. Trái tim kia thân thuộc quá. Vô thức cô muốn nó chung nhịp đập. Đừng nghĩ gì nữa bởi khi nghĩ, khi phán định cô sẽ không bao giờ có được điều đó. Dù chết, mà một lần được sống thật cũng đáng. Tình yêu căng phồng không kìm nổi nữa, Trang muốn nhảy ngay lên ôm thầy. Và ai ngăn cản được? Trong phút nổi loạn cô đã đứng phắt dậy nhào ra ôm chặt người đàn ông mà cô vẫn ước ao hàng giờ. Trời đất như hòa làm một. Hạnh phúc ngập ngời không còn gì sánh được. Cả lớp ngỡ ngàng. Thầy bối rối. Thầy gỡ tay Trang ra. Trang càng bíu chặt như thể là một phần cơ thể của thầy.
Khi cô tỉnh ra thì lớp đã vắng hoe. Thầy lặng lẽ ra về.
Trường, lớp, xóm làng, cả khu chợ xôn xao về vụ xì căng đan. Dư luận ầm ĩ đủ kiểu. Người bảo “Con Trang ngu”. Người nói: “Ông ấy có bùa yêu đấy”; “Không, ông ta là con cáo”… Thầy vẫn đến lớp đều như không có gì xảy ra.
Những kẻ bấy nay hằm hè với năng lực của thầy đã tìm được thời cơ có một không hai. Họ dựng lên câu chuyện giật gân truyền tai nhau: “Ông ấy gầy gầy thế thôi mà ghê lắm. Khi giảng bài cứ thích đứng gần học sinh nữ. Rồi gạ gạ vào. Hôm trước còn trắng trợn trêu ghẹo một cô. Con bé xấu hổ quá bỏ học rồi”. Sự thật là vài hôm sau Trang không tới lớp.
Ban giám hiệu đình chỉ chức hiệu phó của thầy để điều tra sự thật. Cô Đào cay cú nhiếc móc thầy. Trang bị chuyển lớp, không tiếp xúc với thầy nữa. Nhưng tới giờ văn, vẫn lén sang lớp thầy nghe giảng.
Hôm họp ban giám hiệu, Trang thập thò ngoài cửa. Tới đoạn ông thầy dạy toán buộc tội thầy Thức có quan hệ bất chính với học trò như những lời đàm tiếu, còn có cả học sinh làm chứng, phút oan uổng phơi bày thì Trang xộc ngay vào:
- Dạ thưa, thầy Thức bị oan quá. Hôm đó em đứng dậy định hỏi thầy về bài văn thì cơn chóng mặt hoành hành, em vốn bị huyết áp thấp nên nhất thời đã dựa vào thầy thôi ạ. Mấy hôm sau em ốm nặng nằm nhà chứ không phải xấu hổ không dám tới lớp. Thầy Thức là bậc cha chú, sao có chuyện khuất tất được ạ?
Kẻ mưu đồ hậm hực im như thóc. Chức hiệu phó vẫn là của thầy. Điều đó làm thầy đỡ mệt mỏi vì phải nghe lời nhiếc móc của vợ.
Tháng sau, Trang tốt nghiệp. Sau khi đỗ đại học, cô chuyển lên ở hẳn với người cô trên Hà Nội. Từ đấy không biết gì về thầy nữa.
Trời nhập nhoạng tối mà không có chiếc xe ôm nào. Trang khệ nệ kéo lê vali trên đoạn đường gập ghềnh. Cơn gió mùa đông bắc gầm rít bên tai lạnh buốt. Chợt cô phát hiện trong bụi na dại mé bờ đê có tiếng thở phì phì, rồi tiếng cựa quậy. Cô giật mình hoảng sợ, sau đó cố tĩnh trí. Nó không phải tiếng chuột, không phải con vật nào cả, hình như là có người bên trong. Trí tò mò bắt Trang để vali xuống. Cô chùn bước. Hay bọn nghiện? Nguy hiểm lắm. Nhưng tiếng thở hắt khó nhọc kia khiến cô nhanh chóng quên nỗi sợ. Cô ghé nhìn xuống đó. Trời ơi, một cái chân thò ra. Rõ là chân người. Một bên đeo giầy, một bên để trần, tím tái vì lạnh… Cô chờn chợn nhăn mặt. Rồi lấy can đảm, cô lôi ra. Đó là một dị hình. Tóc người đàn ông gầy còm đó bạc phơ và bết lại như tổ quạ. Mặt lấm bùn. Những đồ ăn bị nôn dây ra khắp người. Ông ta ôm chiếc cặp sách cũ. Bàn tay buông lơi, mềm oặt. Trang với lấy chiếc cặp, mở ra xem. Trong đó căng phồng sách nhưng trời tối quá nên cô không đọc được đó là sách gì. Linh cảm đấy không phải là kẻ bất thường mà là người bị nạn, cô dìu ông lên đê. May sao một chiếc xe ôm tới gần. Cô giúp người đó lên xe đưa về nhà.
Rửa mặt mũi cho người lạ xong. Những đường nét hiện rõ.
Không thể tin được đó là thầy Thức. Trang hoảng hồn và ngơ ngác hỏi mãi câu “Tại sao?”.
Công việc hiệu phó phải quản lý nhiều việc lặt vặt, lại đảm đương công tác chuyên môn nên thầy Thức lúc nào cũng bù đầu bận rộn. Cô Đào cho ra đời thêm hai đứa con sinh đôi thì thầy qụy hẳn. Sáng nào người ta cũng thấy thầy tất bật, ngồi trên chiếc xe đạp phóng hết tốc lực tới trường. Trưa, vội vã vượt qua những con dốc về nhà. Lăn lộn giặt giũ dọn dẹp, chấm quấy quá vài tập bài dày bịch. Đầu giờ chiều lại phi tới trường. Chiều về, làm một lô việc nhà đã hết đêm, không còn đủ thời gian soạn bài cho tử tế. Giá như cuộc sống cứ thế thì thầy vẫn thấy hạnh phúc vô độ vì được sống hết mình. Nhưng những biến động cứ ồ ạt xảy đến.
Cô Đào hồi xuân đẹp phây phây. Nhiều đàn ông lạ đưa đón. Họ tới thăm cô những khi thầy đến trường. Đứa con gái lớn đã đến tuổi 17. Hai mẹ con đều bắt quả tang nhau quan hệ bất chính với người đàn ông lạ. Mẹ quát. Con cãi. Họ xỉa xói nhau xong thì thỏa thuận với nhau “cùng giữ bí mật”.
Khi thầy lấm lem như một người ở chăm bẵm hai con nhỏ mới bi bô, thì cô tươi trẻ trong những bộ đồ mới, những hàng mĩ phẩm thơm phức đi xem phim, xem ca nhạc, hay dự tiệc tùng. Những chiếc xe máy đắt tiền thường dừng ở cổng nhà thầy bấm còi inh ỏi. Thầy biết. Thầy xử bằng cách của thầy. Thầy không đánh mắng, đạp phá, không ghen tuông chửi bới như lẽ ra phải làm. Thầy chịu đựng và chiều chuộng. Hi vọng một ngày cô sẽ chán cuộc sống tạm bợ và trở về trong nỗi ân hận và sự quy chính hoàn toàn. Nhưng kết quả lại là những lời nói trống không, giọng hằn gắt khó chịu tăng dần lên trên đôi môi mọng đỏ:
- Rửa bát đi!
- Giặt cái này nhé!
- Đèn để sáng choang thế kia định không cho ai ngủ à? Thầy càng cam phận, cô càng ngứa mắt và khó chịu. Cô đưa đơn li hôn bắt thầy kí. Thầy lơ đi, chả phản ứng gì. Cô cay cú bất lực, nhủ thầm: “Thế thì bà cho chịu đựng luôn thể”.
Một tối, xóm mất điện. Cô sai thầy:
- Mua nến đi!
- Anh đang cho con ăn. Em đi đi.
- Để đấy tôi làm nốt cho. Thầy đi. Cô gọi với theo:
- Sang nhà Lan “gầu” mà mua, tôi vẫn còn để đấy 5 nghìn. Cái quán tồi tàn và tăm tối mở hé cửa. Thầy bước vào:
- Cho tôi mua gói nến!
Bên trong càng tối om chẳng nhìn thấy gì. Thầy không rõ cô Lan ở trong hay không. Đang định hỏi câu nữa thì có tiếng tru tréo dõng dạc:
- Ới bà con ơi, có thằng nó hiếp tôi. Nhanh như cắt thầy thấy một bàn tay kéo thầy đổ ụp xuống chiếc giường ọp ẹp. Ánh đèn pin bất ngờ chiếu xoáy vào. Lan cởi trần. Bàn tay thầy bị khống chế, khi đèn pin soi vào thì nó đang án ngữ trên “trái đào” hồng hồng. Lan la ó:
- Nó thừa cơ mất điện, nó lợi dụng chồng tôi đi biển, nó cưỡng hiếp tôi. Bớ làng nước ơi!...
Hai thanh niên xông tới choảng thầy. Lúc đó lại có điện. Đào xộc vào lôi xềnh xệch thầy ra giữa chợ xỉa xói:
- Các ông các bà nhìn cho rõ chồng tôi đây này. Đẹp mặt chưa? Thầy giáo dậy văn, hiệu phó trường cấp ba đi hiếp hàng xóm! Sao mà khổ cho tôi thế hả trời …
Chửi đến đâu, cô dí ngón tay vào trán chồng tới đó. Thầy lạnh ngắt, trơ như một hòn đá tảng. Thiên hạ mới đầu thấy lạ bu quanh rất đông sau tản dần. Người ta xì xào:
- Thời nào mà có cái thể loại thầy giáo mất nhân cách thế chứ.
- Dạy ai không biết?
- Khổ thân thầy Thức, cô Đào chơi chiêu này dứt khoát sẽ rũ được thầy
- Chị Lan bảo tháng này trúng quả trên giời rơi xuống được những hai triệu. Hay là …
Có người đập vai cô Đào:
- Về đóng cửa mà dạy nhau. Giữa chợ thế này, “xấu chàng hổ ai”?
Cô quay ngoắt lại:
- Em phải cho thiên hạ nhìn rõ bộ mặt của nó.
Cô lấy hơi chuẩn bị gào lên tiếp thì quay ra thấy chả còn ai, đành buông thầy về với hai đứa con khóc ngằn ngặt ở nhà.
Từ đó thầy bắt đầu uống rượu. Ngay nào sau khi tan trường thày cũng phải sà vào quán làm chén rượu mới đủ sức về nhà. Tửu lượng kém nên chỉ một chén là say. Thầy ngất ngư không đạp vội vã nữa, mà dắt xe la cà khắp xóm. Mới đầu bạn bè còn tiếp và khuyên nhủ. Sau, họ trốn. Thầy lang thang ngoài đường. Gặp đứa trẻ nào cũng đứng lại lèm bèm giảng văn cho nó nghe. Tay chân khua khoắng, nước bọt sùi ra mép. Chúng ngẩn ngơ nhìn thầy. Thầy thao thao bất tuyệt không biết chán. Ai đi qua cũng lắc đầu chép miệng: “Rõ thảm!”
Cô Đào công khai cặp với người đàn ông nào cô thích. Nhiều lần cô đưa đơn li hôn nhưng thầy không kí. Khi đó thầy nhìn cô trừng trừng. Cô gai người rồi thôi; đành chịu “coi như sống chung với hủi”. Hai đứa con bé tí đang tập nói cũng có quyền khinh bỉ thầy là “Đồ Chí Phéo”. Những lúc ấy thầy cười to như vui lắm.
Nhà trường thay hiệu phó khác, rồi không cho thầy dạy chuyên môn nữa. Khi người ta gặp hoàn cảnh bi đát nhất thì hình như được nhiều tình thương hơn. Đồng nghiệp chiếu cố để thầy vật vờ tới trường làm vài việc sổ sách lặt vặt chờ vài năm lấy suất lương hưu cho đỡ tội.
Nghe bác kể tới đó, Trang thấy tức thở phải đứng dậy đi ra cây quạt bật số to.
Ông bác so người rùng mình:
- Tắt đi, gió mùa còn chưa đủ lạnh sao?
Giang cởi bớt vài lần áo khoác ra. Ông bác nói:
- Xóm này chả ai lạ gì chuyện ấy.
Tai Trang ù đi. Cô nhìn trân trân vào người thầy đang nằm thở thoi thóp. Anh họ Trang lên tiếng:
- Ông ấy cũng đỡ rồi, đưa về thôi, đầu năm ai lại để trong nhà mình thế này.
Bác Lê bọc thêm cho thầy một lần chăn nữa. Họ khênh thầy về nhà.
Gõ cửa mãi cô Đào mới uể oải ra mở cửa. Trên chiếc giường ấm cúng phía trong một người đàn ông đang ngáy o o. Nhìn thấy thầy, cô cau mày khó chịu:
- Anh vác cái tội nợ này đến đây làm gì? Bác Lê từ tốn bảo:
- Cháu tôi gặp thầy say và cảm ở bụi na đầu đê khi chiều. Thầy đã uống ít sữa và được đánh cảm rồi.
Cô Đào cáu kỉnh:
- Sao không để nó chết ngoài bờ bụi đi cho rảnh! Chậc! Anh và các cháu biết tôi khổ về nó thế nào rồi đấy.
Chả ai nói gì. Mọi người nhanh chóng chào cô ra về.
Sáng hôm sau thầy mất. Trang đi viếng mang theo bó hoa, hoa ti-gôn - loài hoa mà thầy thích nhất. Cô xót xa thấy hình như chính mình cũng tham gia vào cái chết và số phận bi đát ấy.