S
au tiếng gõ cửa rụt rè, cô học sinh mảnh mai có gương mặt xanh dớt và đôi mắt lờ đờ thiếu ngủ bước vào. Cô cậu nào tới căn phòng tập thể này không có dáng vẻ tương tự như thế thì cũng là béo phì tựa đống thịt di động. Thầy Trường đành bỏ dở quyển sổ cộng điểm quay ra:
- Hoa đến có việc gì vậy em?
Cô học sinh lúng túng đặt túi quà lên nóc hòm quần áo, ấp úng nói:
- Thưa thầy… em… em…
Thầy đưa cho cô cốc nước và nén cười khi nhìn bàn tay gầy gò run run. Sự run không vì sợ mà do thần kinh yếu. Thầy bảo:
- Học sinh giỏi văn quốc gia, bao nhiêu hội thảo phát biểu sôi nổi thế, giờ sao nói không nên câu hả?
Sau hồi nhăn nhó, Hoa đi thẳng vào vấn đề bằng loạt lí luận đã chuẩn bị đâu vào đấy:
- Thầy hiểu cho như thế tốt quá. Vì trong đội tuyển nên em bù đầu rối óc với bao nhiêu bài vở, hì… mong thầy thương xót mà vớt em lên điểm trung bình cho đỡ tốn công rèn rũa bấy nay…
Trường đành hứa sẽ xem xét. Thực ra thầy không nâng thì ban giám hiệu cũng vớt tất lên để lấy thành tích. Ai phủ nhận năng lực của một học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia nếu điểm tổng kết môn thể dục quá bí bét? Trường chuyên cơ mà. Nên điểm thể dục của các học sinh, đặc biệt là học sinh giỏi đều sàn sàn như nhau ở “cự li” 5,0 đến 5. 9. Em nào cuống mới xin xỏ, nếu bình chân như vại thì rồi cũng đâu vào đấy. Nhưng bệnh lo xa, tha thiết với điểm cao nhiễm nặng trong học sinh ở đây. Để rồi cuối kì họ kéo đến chật phòng tập thể của thầy Trường xin điểm. Còn lại tất cả những ngày khác họ luôn thiếu thời giờ dành cho đội tuyển hay chạy xô ôn ở lò luyện thi đại học nào đó, và khi ấy thầy Trường bị “xếp xó” trong trí não họ.
Đôi lần Trường chạnh lòng vì con đường mình đã chọn. Xưa, anh từng là cây toán số một của trường cấp ba. Nhưng vì quá yếu nên bố mẹ bắt đi học võ. Rồi từ võ thành ra vẽ chuyện dấn bước đi theo con đường ít người kì vọng này.
Giờ thì ngày ngày túi bụi với khối lượng công việc như bất kì một giáo viên nào khác. Cũng giáo án cho giờ lý thuyết, cũng kiểm tra 15 phút, 45 phút, cũng sa sả giảng giải, cũng rát hầu rát cổ hướng dẫn. Lại còn thị phạm với đủ các môn từ nhảy cao, nhảy xa, chạy… thế nào cho chuẩn kĩ thuật. Yêu cầu của giáo dục toàn diện không thể hất thầy đi nhưng cũng chả coi trọng thầy. Trường thấy mình giống cái bóng nhợt nhạt. Người ta học môn của thầy cho đầy đủ lệ bộ, giống một thứ gia vị trong món ăn ngon, thế thôi.
Số phận “gia vị” thêm được khẳng định khi thầy tới trình diện gia đình bất kì cô bạn gái nào. Ai cũng thiện cảm ngay với hình thức vạm vỡ, khỏe đẹp của thầy, tròn mắt nể vì sau câu giới thiệu: “Anh ấy là giáo viên trường chuyên”. Nhưng thần sắc họ tối sầm ngay lại khi câu nói vang lên vế còn lại “phụ trách bộ môn thể dục ạ”. Chẳng đầy nửa phút mà hai thái độ đối chọi nhau chan chát. Nhất là họ lại nhìn thấy cái xe đạp của thầy. Những năm gần đây giáo viên làm giàu không ngừng nhưng ai dở hơi mà cho con em mình đi học thêm thể dục. Thành ra thầy vốn khỏe càng cường tráng hơn khi đi đâu cũng gắn bó với chiếc xe đẳng cấp thấp ấy. Và chắc chắn chờ thầy đi khuất, phụ huynh nào cũng rát họng giảng giải cho tiểu thư nhà mình cặn kẽ về tầm quan trọng trong sự nghiệp của một đấng nam nhi. Nghiễm nhiên thầy bị coi là kẻ bất tài, một thứ màu phai, không có khả năng làm chỗ dựa cho vợ con!
Đã sao? Cô đơn cũng chả chết. Khi niềm đam mê công việc đủ lớn thì mọi chuyện chỉ là vặt. Và thầy chấp nhận làm một bông hoa đẹp vô hương trong mắt đa số người.
Mùa hè năm ấy, lớp 12 C1 tổ chức đi du lịch mà không biết chọn địa điểm nào. Thầy Trường hào hứng kể về vùng biển quê mình và đứng ra làm hướng dẫn viên. Ai nấy đều háo hức tới vùng đất lạ.
Những con sóng chồm lên nối đuôi nhau không ngớt. Học sinh cũng nối nhau bơi ra xa. Chưa bao giờ thầy thấy các “cụ non” khối C lại có tiếng cười, nét mặt rạng rỡ đến vậy. Hàng ngày thần sắc các em đăm chiêu vì luôn phải gồng mình hoàn thành khối lượng bài vở khổng lồ. Dõi theo những bọt nước tung trắng xóa thầy thấy xót xa và vui mừng lẫn lộn. Chợt có dáng người chấp chới. Tiếng la hét om sòm. Người ta nháo nhác hoảng loạn. Trường vội nhảy ùm xuống làn nước cuộn sóng bơi miết. Đằng xa, xuất hiện vụm nước xoáy bất thường cuốn hai cô cậu học sinh chìm xuống. Đó là nơi cái hố rộng mới được đào để chuẩn bị xây nhà nổi. Chỗ đó có rào đánh dấu và vắng người.
Nhưng cô học sinh không để ý đến điều đó, chỉ muốn tránh người bạn trai theo đuổi mình nên bơi miết ra. Còn cậu bạn thì cố đuổi bằng được. Chẳng ngờ đến đoạn nguy hiểm thì đuối sức. Trường lôi hai cô cậu lên bờ, nhưng trạm xá không ở gần, thầy cuống quýt thực hiện từng động tác sơ cứu. Anh vác từng người chạy dọc bãi biển cho nước từ mũi, từ miệng nạn nhân chảy ra. Chàng trai lờ đờ ngồi thở dốc và hú vía. Còn cô gái tắt thở. Chẳng chần chờ nửa phút, đôi môi khỏe mạnh mút chặt đôi môi ngấm nước bợt bạt, cố sao cho không khí thông được vào lồng ngực non trẻ ấy. Đôi tay vạm vỡ của thầy lại giằn mạnh khuôn ngực tròn xoe mới nhú để đánh tan cái chết lâm sàng. Cho tới khi hàng mi ướt dài khẽ mở ngơ ngác nhìn xung quanh. Sau những giây phút định thần lại sự việc vừa xảy ra, khuôn mặt tái nhợt của cô gái dần đỏ lựng.
Đợt ấy, thầy Trường bị kỉ luật. Buổi họp, hàng loạt ý kiến kết tội:
- Cuối cấp các em mải lo những kì thi quan trọng thì vẽ vời chơi bời.
- Học sinh trường chuyên hơn học sinh trường thường là ở cái đầu to chứ không phải bắp tay to.
- Tôi đề nghị trường hợp giáo viên này phải có cách xử lý.
…
Cuối cùng, thầy hiệu trưởng kết luận:
- Thầy Trường chưa bao giờ mắc khuyết điểm nên tạm thời vẫn để thầy ở lại đây một thời gian nữa.
Rút kinh nghiệm, từ đó nhà trường không cho học sinh đi biển mà lên vùng núi vào dịp du lịch. Tới chân núi thì dừng để ngước nhìn đỉnh núi. Ai sức đâu mà trèo. Họ ăn uống vui vẻ và khôn ngoan thống nhất với nhau rằng “Trèo lên kia chỉ người nào kém tầm nhìn hay quá thừa hơi”.
Tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp mắc bệnh tăng không ngừng, đặc biệt với nữ giới. Những bộ mặt xanh xao, xạm đen, mụn nổi cộm, những thân hình gầy dơ xương hoặc béo không hạn định; những cặp kính chắn ngang đôi mắt ngơ ngác vì thiếu ngủ, cùng bệnh thiếu máu, đau dạ dày, đại tràng, sỏi thận… trong khi những cô cậu này đều mới ở độ tuổi chưa tới “đầu hai”. Đáng lẽ cơ thể cường tráng nhất. Thế mà họ hướng tới tương lai bằng cách học như để giết mình.
Giờ ra chơi, thường các học sinh này không dám đá cầu như hồi cấp hai, hoặc như ở các trường phổ thông bên cạnh. Sự tiếc thời gian dâng tới tận cùng. Họ tranh thủ học thêm để giành giật điểm số. Họ vắt kiệt sức lực. Ăn ngủ còn phải cuống quýt thì bói đâu ra thời giờ để chơi hay thể dục. Chỉ ba năm để tiến đến bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Những thành viên đã lọt vào đây đều hiểu cái giá của mỗi phút giây trong thời điểm này. Họ gồng mình “chạy maratong” chỉ bằng cái đầu.
Không ít cô, cậu ngất trong phòng học, trong nhà vệ sinh. Có em điên loạn giữa đêm. Trường hợp phát khùng khi điểm đạt không như ý chẳng là sự lạ. Hiếm có nhóm tụ tập ăn uống, píc níc, sinh nhật v.v… Thầy Trường cho rằng sự thiệt thòi ấy phần nhiều do thầy. Trước đây, thầy đã quá nhân nhượng. Là giáo viên dạy thể dục, sống ở đây để nâng cao thể lực cho học sinh cơ mà. Nỗi day dứt khiến thầy tâm niệm mình phải nghiêm khắc hơn, kiên quyết không nâng điểm bất kì trường hợp nào.
Càng thế thầy càng bị những bộ óc thông minh kia bày ra đủ trò chống đối. Giờ học chạy 500 m, học sinh kết bè kết đảng chạy một phần đường, đoạn đường khuất, thầy không nhìn thấy thì chúng lai nhau bằng xe máy. Thế mà về đích vẫn có em ngất xỉu. Chuyện thầy quay đi chúng đứng rũ rượi lôi sách ra đọc, thầy quay lại mắng, chúng mới gượng gạo quơ tay chân lấy lệ. Thầy có sức thì đi mà mắng cả tập thể. Chuyện này xảy ra thường xuyên.
Một đồng nghiệp rỉ tai thầy chân thành:
- Giáo viên thể dục nào cũng thích về trường chuyên, việc vừa nhàn, học sinh lại ngoan. Nhiều người đang ráo riết “chạy” vào đây đấy.
Trường chỉ cười. “Không có thuốc chữa”, người ta ngấm ngầm ghẻ lạnh, rồi tìm cách hất Trường đi như một bộ phận phụ không trùng khớp. Sau thời gian cô lập, thầy phải rời khỏi trường vì lí do: Giáo viên thể dục bắt học sinh tập quá sức dẫn đến bệnh tật và thể lực suy kiệt!
Ngày mà từng tốp học sinh cười đùa nối đuôi nhau đạp xe các ngả đường với những giỏ xe chất đầy hoa và tặng phẩm, một cô gái xinh xắn bước xuống bến xe cũng với một bó hoa trên tay. Toán xe ôm chạy đến giằng giật hành lí để tranh khách. Cô gái hơi hoảng nhất quyết đi bộ. Nhìn thấy người đàn ông gầy gò sùm sụp mũ cối ngồi trên chiếc Dream Tàu cũ đề biển “xe ôm” ngoài đầu đường, cô mới yên tâm ngồi lên và nói:
- Cho cháu về trường Chuyên.
Xe nổ máy phóng đi. Cô gái bảo dừng trước khu tập thể giáo viên và rút tiền ra trả. Chẳng may tờ tiền rơi xuống. Người đàn ông liền cúi nhặt khiến chiếc mũ cũng suýt rơi. Ông vội chỉnh lại cho ngay ngắn và để lộ gương mặt đỏ gay vì nắng và nhễ nhại mồ hôi. Cô gái tròn mắt bất ngờ, nói run run:
- Trời ơi, thầy Trường!
Người đàn ông luống cuống lấy tiền trả lại cô gái rồi cười buồn. Cô gái chưa hết ngạc nhiên:
- Sao thầy lại ra nông nỗi này? Hôm nay em về để chúc mừng thầy nhân ngày 20 tháng 11 mà.
- Tôi… tôi không làm thầy lâu rồi, cũng không ở trong kia nữa.
- Thầy không nhận ra em sao?
- Em là Hằng - Hằng lớp trưởng 12 C2 mà.
Thầy cười cười, gương mặt thoáng ngẩn ngơ chứng thực cho sự lãng quên của mình:
- Ngày xưa Hằng học lớp cô nào chủ nhiệm nhỉ?
- Trời ạ, thầy đã cứu em chết đuối cái năm ấy mà lại không nhớ gì sao?
Lúc này Trường mới à ra. Hằng nói tiếp:
- Lâu nay em đi học xa nên không có điều kiện thăm hỏi thầy.
Nhưng chẳng bao giờ em quên ơn thầy. Ngày đó, em còn nhỏ quá, chỉ biết tâm niệm là cố học hành đến nơi đến chốn cho xứng đáng với thầy, để có ngày như hôm nay quay về tìm thầy báo đáp công ơn.
Thầy cầm bó hoa gượng gạo. Bàn tay còn lại chỉnh chỉnh chiếc mũ cối thêm lần nữa, rồi khẽ khàng nói:
- Nhưng bây giờ tôi khác rồi.
- Thầy mãi là ân nhân của em, làm sao khác được. Bây giờ thầy ở đâu, có thể cho em ghé qua thăm một chút được không ạ?
Thầy lưỡng lự, rồi không biết từ chối bằng cách nào. Họ lại cùng lên chiếc xe máy cũ lấm bụi lao đi. Xe vòng vèo vào một ngõ nhỏ. Nhiều người hàng xóm quay ra nhìn tò mò và rỉ tai nhau:
- Người yêu anh Trường xinh đáo để, hôm nay tôi mới thấy dẫn về.
- Trời có mắt. Anh ấy ăn ở đức độ mà.