B
àn tay vốn chỉ có xương và gân guốc càng nổi rõ hơn khi gồng lên giặt quần áo. Những chiếc quần bò to sụ, chiếc áo bông sũng nước nặng chịch như muốn kéo luôn bà cụ tám mươi mảnh khảnh xuống chậu xà phòng đục ngầu.
Những cơn gió mùa đông bắc len vào từng ngôi nhà đóng cửa im ỉm. Nó nhăn nhở chực sẵn ở mỗi đầu giường đầy hăm dọa. Sáng rõ rồi nhưng ai cũng ngại ra khỏi chăn nếu không có việc cần kíp. Cứ hình dung phải động tay vào chậu rửa mặt, dù có pha thêm nước nóng đi nữa, ai nấy đều không khỏi rùng mình. Thế nhưng bà cụ ấy đã dậy từ bốn giờ sáng. Bà sợ trời lạnh lâu khô đồ, thằng bé Dụng không có gì mặc. Vẫn biết tủ quần áo lúc nào cũng đầy những bộ mốt nhất nhưng cái tính không giống ai của nó bà còn lạ gì. Nó thích mặc cái nào là chỉ diễn độc cái đó hết mùa mới thôi. Những đồ khác mua về để đấy. Có khi chả bao giờ động đến mà cũng chẳng chịu vứt đi.
Bàn tay cóng quá không nắm vào được cứ khum khum như những gọng sắt giơ lên, vùi xuống. Nó không đỏ hỏn mà tím tái lại như cục máu khô. Những luồng gió lạnh càng thổi cho tình yêu con trong bà nóng lên.
Sáu giờ, giặt giũ, phơi phóng xong bà vào tụng kinh cầu cho Dụng làm ăn phát đạt, sớm có vợ con để bà an lòng. Đã ngoài bốn mươi tuổi mà vẫn vò võ bên bà. Cũng có vài đám nhưng nó không thích, cứ lỉnh hoài. Cách đây vài năm thì dẫn về một nàng đã bỏ chồng và có hai con. Anh em phản đối vì nghe đâu cô ta mắc bệnh nan y. Dụng chán từ đấy, không chịu để mắt tới bất kì cô gái nào khác.
Trong sáu đứa con, nó là người mang nhiều nét của chồng bà nhất. Nó sống tình cảm và yếu ớt nhất, bởi thế mà bà thương nó nhất. Sáng, ăn uống quấy quáng rồi đi làm mãi tận khuya mới về. Thi thoảng nghỉ được buổi trưa ở nhà. Cuộc sống cứ lặp lại như chiếc đĩa hát, không tiến lên được. Hai mươi năm lái xe cũng chẳng đủ nuôi thân. Khi ốm hay cần sửa đồ cho cái xe khách, bà phải vay lãi rồi trả dần. Thế mà giờ người ta vẫn đến đòi nó tới chục cây vàng. Chả hiểu nó cần số tiền đó làm gì. Mắng mãi cũng thế. Quẫn quá nó đập đầu xuống đất cho nổi u lên. Lúc ấy thì bà cũng đành ngậm ngùi mà tìm cách trả nợ tiếp chứ biết làm sao.
Càng ngày Dụng càng gầy. Bà cũng đét lại và thêm nhăn nheo, lòng thương tăng lên vô độ. Anh em kiến giả nhất phận, đứa nào cũng có khó khăn riêng. Đã nhiều lần bà kêu gọi, ra lệnh: “Chúng mày phải thương lấy thằng út”. Nhưng cũng chỉ được một, hai lần họ cho vay tiền. Bởi Dụng hay bà mà vay có bao giờ tính chuyện trả? Giờ đây khó khăn bà chỉ biết cầu cạnh các Ngài.
Chừng một tiếng sau bà đi chợ, nấu ăn; rồi khẽ khàng vào đánh thức Dụng dậy ăn sáng đi làm. Đấy là những hôm nhàn. Còn có hôm bà phải dọn dẹp một lô đồ uế thải nó rượu say nôn ra đêm trước. Cũng phải thông cảm thôi, chừng nấy tuổi chưa có một cái gì trong tay ai vui cho được. Giá bà có nhiều tiền như ngày còn trẻ, giá bà còn xuân sắc mạnh khỏe để lo được cho nó… tim bà cứ thắt lại, ruột gan lộn lạo xót xa khi dạo này đi làm về nó nhồm nhoàm bát ô tô cơm nói thành thực:
- Mợ ơi, sao con ăn chỉ thấy mỏi mồm chứ chả thấm vào đâu cả?
Tiếng vét nồi quèn quẹt cứ chóe xoáy vào tâm não bà. Hai con gà một lúc nó cũng xơi hết, cân thịt không là gì, con cá to đùng chả thấm tháp vào đâu. Ăn xong lại ngủ. Tiếng nghiến răng ken két cùng cái miệng há ra như vẫn thèm thuồng làm bà rớt nước mắt. Sau đó, bà cười đầy hi vọng. Phải rồi, nó vốn là đứa đặc biệt, những năm qua chậm phát triển để tích tụ đến giờ phát triển. Chàng Thánh Gióng trong huyền thoại cũng thế. Dứt khoát nó là thần đồng. Nó sẽ làm cho thiên hạ ngưỡng mộ, cho cả họ rạng danh, cho hai thằng anh, ba con chị trên nó phải lác mắt mà ân hận, rằng đã từng nhiếc móc nhân tài là “kẻ vô dụng”.
Cơ mà bà không biết làm cách nào hay vay đâu ra tiền nữa. Mãi sau bà nghĩ ra một kế. Bà báo cho con cháu rằng mình ốm nặng, sắp “đi”. Bà tắm nước lạnh cho đổ ốm. Mãi mới khật khừ được. Bốn đứa lớn ở gần góp tiền thuốc thang. Có miếng gì ngon chúng đều đem đến. Nghe ở đâu có thuốc bổ, thuốc huyết áp thì dù đắt tiền và khó khăn mấy chúng cũng mua cho bằng được. Đàn con lớn cố sức báo hiếu người mẹ già. Những chai mật ong rừng, những lạng cao hổ, cao khỉ, cao ngựa, những thứ hoa quả cao cấp và đồ đặc sản chúng cũng cố công kiếm bằng được dâng bà.
Mỗi lần con gọi điện chuẩn bị đến thăm bà lại gồng lên chạy xung quanh nhà vài vòng cho mồ hôi rịn ra thật nhiều. Bà lảo đảo đi lại, cố sức kêu than:
- Mợ sắp đi rồi. Đêm qua mơ cậu về đón.
Bà thở những nhịp dồn dập khác thường. Con trai, con gái cuống lên tìm đủ mọi cách chữa trị, mời nhiều thầy thuốc danh tiếng mà vẫn không chuẩn đoán rõ bệnh. Khi thì huyết áp tăng, lúc lại giảm, khi cảm lạnh, lúc sốt cao, biến đổi khôn lường.
Bệnh kì quái đó kéo dài một thời gian, không tăng cũng chả giảm. Mấy đứa con cũng bớt căng thẳng dần, chỉ thỉnh thoảng ghé thăm mẹ. Bà khó chịu với chứng dai sức ở mình. Đã cố tình ốm nặng hơn mà sao khó quá. Khi chúng về, bà xoa dầu khắp các huyệt là dễ chịu ngay. Nhưng dẫu sao khối lượng thuốc bổ và đồ ngon vật lạ cũng làm bà vui sướng vì có điều kiện bồi dưỡng cho Dụng.
Có cô con gái lớn ở tận miền núi xa hay tin dữ nhưng hơn một tuần sau mới có mặt. Cô còn phải lo nhờ người chăm chồng đang nằm viện, tính chuyện gửi đứa con thơ chưa đầy một tuổi và bán một số đồ đạc trong nhà để có tiền về chăm mẹ.
Đi năm trăm cây số, về tới nơi nôn mật xanh mật vàng nhưng thấy mẹ già đang còng người bên chậu quần áo khổng lồ cô vội giằng lấy:
- Trời ơi, mợ ốm còn đụng tay làm gì. Cậu Dụng đâu lại để thế này?
- Mày phải thương nó hơn mợ. Nó yếu đuối. Mợ còn nuôi được cả sáu đứa chúng mày lớn khôn cơ mà.
- Thôi, mợ lên nhà đi kẻo lạnh, để con làm nốt cho.
Bà lập cập bước vào và hết sức gằn lên mấy tiếng ho khan hòng làm động lòng con gái. Về nhà, bà sức cho căn phòng thêm mùi dầu cao nồng nặc. Chờ cô giặt xong, bà không kịp hỏi chuyện gia cảnh đã nhanh nhảu kêu than:
- Mợ ốm hơn tháng nay không bước chân ra khỏi nhà được.
Anh Phái, chị Quyên, em Hòa, em Thiện ra sức chăm sóc mợ.
- Mợ thứ lỗi cho con tội bất hiếu. Tại con phải sắp xếp công việc mãi mới dứt ra được.
- Mợ biết con vất vả nên có trách gì đâu. Anh chị em con lo cho mợ cũng nhiều. Những lạng cao hàng triệu bạc, những vỉ thuốc quý phải mua tận Mỹ chúng cũng không nản lòng…
Bà càng kể ra số tiền kếch xù của những thứ thuốc thang hay thứ đồ ngon vật lạ, cô con càng cay sống mũi, đầu cứ cúi gằm xuống. Cô thấy mình sao mà nghèo hèn. Mẹ già thế này rồi mà chả báo đáp được gì. Nghe bà kể nữa hẳn cô sẽ khóc òa mất. Cô vùng đứng dậy:
- Cũng sắp đến bữa chiều, mợ nghỉ đi để con đi chợ nấu cơm hầu mợ.
Cô đắn đo và quyết định chọn mua những con tôm to hàng trăm ngàn một cân. Tiền mua một bữa tôm này bằng cả tháng cô trầy trật trồng bón trên rẻo cao, bằng một tháng cả gia đình cô được ăn tươi. Nhưng mẹ đang ốm nặng, cuộc sống chỉ tính bằng ngày. Cô nhắm mắt rút ra những “giọt mồ hôi” của mình trả cho chị hàng tôm. Rồi chạy nhanh về hồ hởi bóc nõn và rán lên bưng ra trước mắt mẹ:
- Mợ ơi, mợ dậy ăn đi, con làm món này ngon lắm đấy.
Bà thấy hấp dẫn thật, nhưng chỉ xiến ra hai cái đầu chia cho hai bát cơm của bà và cô con. Sau đó bà ra lệnh:
- Cất vào chạn!
- Mợ ăn bây giờ cho tươi, nóng, vừa nấu xong mới ngon.
Để nguội mất dinh dưỡng mợ ạ.
Bà lạnh lùng:
- Nói thì nghe đi, lát nữa đói mới ăn được chứ.
Cô lẳng lặng làm theo lời mẹ. Bà bắt con gái và mình ăn cơm nguội thừa từ sáng, còn nồi cơm mới nấu bà bảo “cứ để đấy”.
Đêm, Dụng đi làm về, bà rón rén dậy lấy cơm mới và đĩa tôm đầy cho cậu ăn. Chỉ một loáng tất cả những con tôm mỡ màng đã chui gọn vào bụng cậu. Rồi cậu hỏi giọng trách móc:
- Có thế này thôi hả mợ?
- Con thích, mai sẽ có nữa.
Cô con chăm mẹ có ba ngày đã cạn tiền. Đành phải về, chấp nhận sự giận dỗi và lời nhiếc móc “bất hiếu” của bà.
Bà vui và khỏe ra khi thấy Dụng được béo tốt hồng hào lên. Bà sung sướng vì sắp có thể mãn nguyện nhắm mắt được rồi khi Dụng hóa thành Thánh Gióng.
Rồi bỗng dưng bà ốm nặng thật. Bà không dậy nổi cũng không nghĩ được gì nhiều. Cứ tỉnh bà lại giật mình thảng thốt không biết đã bị xuống cõi âm chưa, và thằng Dụng đang như thế nào. Ai nấu cho nó ăn? Ai giặt quần áo cho nó? Ai đánh thức nó dậy đi làm và buông màn mỗi khi nó ngủ say? Bà muốn vùng dậy nhưng chân tay cứng nhắc, tình yêu thương tới lúc bất lực. Con cái đến với bà không nhiệt tình như đợt nọ. Chúng cũng chả còn thuốc thang gì quý báu dâng bà nữa. Bà cứ nằm bất động như thế triền miên trong mộng mị. Biết lần này khó qua khỏi nhưng bao giờ bà đi thì không ai đoán được.
Hai tuần bà nằm bất động cậu ấm Dụng bỏ nhà đi. Cậu không muốn ở nhà để chứng kiến những cảnh thê lương. Mẹ sắp chết cậu cũng chẳng thiết sống. Cậu bán chiếc ô tô khách của mình rồi lang thang.
Thế nhưng trách nhiệm của tình mẫu tử một lần nữa làm bà hồi phục. Giây phút bà đứng dậy, ăn được chút ít là giây phút bà nhận được tin Dụng tự tử bên chiếu bạc, và đó cùng là giây phút bà ngã lăn xuống giường và không bao giờ dậy được nữa.