C
ộc… cộc…
Cộc… cộc…
Cô Mẫn cố lắng tai nghe lần nữa. Lẫn trong tiếng mưa tuôn xối xả là tiếng gõ cửa nhát gừng. Lại một tiếng “cộc” rất khẽ nữa. Phải nhập tâm lắm mới phát hiện được. Rồi có tiếng bước chân. Hình như định trở ra. Tiếng mưa ầm ào hơn cùng những đợt sấm sét. Bước chân quay trở lại nghe rất gần. Tiếng gõ dồn dập, mạnh mẽ như muốn phá tung cánh cửa. Ai được nhỉ? Ai lại tới vào giờ nửa đêm rét buốt này chứ? Cô cựa mình khiến chiếc chăn bông hở ra vết sẹo dài trên bả vai. Cô nhăn nhó. Tệ hại, cái sẹo cứ để lạnh một chút là buốt tới tận xương. Nó nhắc nhở cô những ngày kinh hoàng của hơn mười năm về trước… cô vội kéo kín chăn nằm im tự ủ ấm.
Lại tiếng gõ cửa hoành hành. Rồi tiếng đàn ông gọi rất quen:
- Mẫn ơi, Kí ơi, Lam ơi.
Gọi tên cả nhà cô chắc không phải Quân lưu manh. Nhưng mà là ai được? Bạn bè ư? Từ khi chuyển về đây cô không quan hệ với người nào. Họ hàng à? Chả ai có cái giọng thế. Nhà cửa họ đều quanh đây sao lại tới lúc nửa đêm? Có việc cần kíp thì gọi điện hoặc xưng tên luôn chứ. Mất cả ngủ. Cô đành dậy xem thế nào.
Có tiếng ho. Trời ơi! Cô sững lại. Vết sẹo nhói buốt. Đúng rồi, quên sao được tiếng ho ấy. Cô ngồi phịch xuống thở dồn dập khi nhận ra bố của các con cô. Cô run rẩy chui vào chăn. Sự sợ hãi, nỗi căm hận lẫn ghê tởm trào dâng. Hắn mò về làm gì? Hành cô từng ấy năm chưa đủ sao? Đây là nhà cô. Con cái là của cô. Hắn chả còn dây dưa gì tới nơi này nữa. Không hiểu sao nước mắt lại lã chã rơi lạnh quá cứ co ro mãi mà vẫn buốt giá.
Mưa ào ào như ông trời ném đá xuống dương gian. Sấm chớp mỗi lúc một đùng đùng. Sao hắn không phá cửa như cô hình dung, như cái tính hung hãn vốn có của hắn? Sao lại im lặng thế? Cô tò mò trở dậy, cầm đèn pin, lẹt xẹt đôi dép bước ra. Đang ngồi gục ngoài hiên, thấy cô, hắn nhỏm dậy, cố nói nhỏ thành ra giọng khàn khàn:
- Em à, có bị mất ngủ không?
Cô như phát điên lên. Sau chừng ấy chuyện mà hắn trở về vẫn ngọt xớt được. Phá giấc ngủ và mọi sự yên bình của cô rồi còn giở giọng hỏi “Có bị mất ngủ không!” Cái bộ mặt dữ tợn đang ướt sượt khiến cô gai người ghê sợ nhưng lại khẽ mở cửa. Hắn bước vào điềm nhiên. Vài giọt mưa phun xuống mặt cô tê tê.
Hai thằng Kí và Lam đã dậy từ bao giờ. Chúng đứng trên tầng hai thò cổ nhìn xuống, mặt lầm lầm như những pho tượng. Rồi chẳng nói chẳng rằng chúng quay vào phòng.
Mẫn lạnh lùng liếc hắn một cái. Cô bước lên phòng khóa chặt cửa lại. Lúc sau hé mắt nhìn xuống thấy hắn đã cởi bộ đồ ướt vắt bên cạnh, nằm trên sa lông ngáy ầm ầm. Hừ, cứ như không có chuyện gì. Định xuống lấy bộ quần áo phơi lên cẩn thận nhưng Mẫn lại bực bội quay vào giường. Cô trằn trọc không yên.
Hơn mười năm rồi, lẽ ra cũng đã sắp quên - cái quá khứ ác nghiệt. Cùng vết sẹo nhức nhối là sự xuất hiện của hắn sau ngần ấy năm biệt tăm biệt tích khiến cô phải nhớ lại. Những ngày xưa cứ hiện hình trước mắt.
Con người lừng lững kia đã từng bế bổng cô vào niềm hạnh phúc, cưng nựng và chiều chuộng cô thời mới có nhau, đã cho cô một mái ấm với hai cậu con trai hoàn mỹ. Và cũng con người ấy khi phải lòng một gái giang hồ đã hành hạ đánh đập nguồn thương yêu của chính mình, đã hất cô ra đường như đồ rác rưởi. Làm sao quên nổi mũi dao sáng quắc hắn phăm phăm chĩa vào hai đứa trẻ mà hắn và cô cùng sinh ra. Thằng Kí xúc phạm người tình của hắn. Hắn đánh nó tới mức gẫy chiếc thang giường. Thằng Lam xông lên bênh anh. Hắn vác dao phừng phừng đuổi theo chúng. Khi con dao giơ lên chỉ tích tắc là phập xuống đầu thằng Kí thì Mẫn hốt hoảng lao vào đẩy con ra. Theo đà chém, mũi dao phập xuống vai cô. Cô và hai đứa trẻ chạy miết. Hàng xóm ra sức giữ hắn lại. Nếu ngày ấy cô không che chở cho lũ con, không chịu một nhát dao thú tính của hắn vào bả vai, và sau đấy nhảy luôn xuống dòng sông đục ngầu và tanh nồng mùi nước thải thì bây giờ hắn đâu có nơi để gọi cửa, đâu có con để nhìn mặt.
Vì bước đường cùng phải nhảy xuống con sông bẩn thỉu cuối thành phố bơi miết trong khi máu chảy ròng ròng, trong khi hai thằng con cắp nách, trong khi hắn lồng lộn men rượu chửi bới trên bờ, trong khi cái con “mắt xanh mỏ đỏ” vè vè xe máy gần đó mỉm cười lạnh tanh, thì cái vết sẹo ấy mới không thể lành được thế này. Nó đã gánh cả sinh mạng của ba mẹ con. Thế mà hắn vẫn quay về không chút dơ dáy, không một gợn xấu hổ, điềm nhiên hưởng thụ như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Hôm nay, hắn trở về với mục đích gì? Cô còn gì để hắn kiếm chác nữa? Ngoài bốn mươi tuổi, hắn đã tạo cho cô một gương mặt gân guốc lúc nào cũng như sắt lại bởi đau khổ, ngay cả khi cười vui. Hắn đã tước đạt nét thanh xuân của cô không chỉ ở nét mặt mà ở cả vóc hình và tâm hồn. Ai cũng nghĩ cái tuổi của cô có cao hơn hàng chục so với tuổi thật. Không bao giờ cầm đến thỏi son nữa, không mấy khi mua bộ đồ mới, càng không chọn đồ thời trang, mái tóc, cái lông mày dường như cô cũng chả mấy lúc tác động. Những người đàn ông đến với cô chỉ làm cho các đường gân hằn lên to hơn, khiến cô cay nghiệt hơn. Niềm vui của cô ngoài sự chăm lo hai cậu con là ba bốn đứa trẻ chưa tới tuổi đi học để kiếm kế sinh nhai. Khi chúng được bố mẹ đón về cô lại rảnh rang niệm Phật. Nhưng giờ hắn tới, cô ngồn ngộn lo lắng. Trở dậy rút con dao, cô đề phòng để dưới gồi. Chỉ một manh động cô sẵn sàng làm đao phủ.
Hắn ngủ dậy đánh răng rửa mặt như trong nhà mình. Đi lại, nói cười, bật đài, vô tuyến như sự sở hữu phải có. Đến bữa vẫn ngồi mà nhồm nhoàm nhai cơm được. Không ý kiến, không một sự đóng góp. Ái chà, lại còn ra vẻ quan tâm trước mặt con cái, gắp cho cô cái phao câu gà! Cô nghẹn mà không nuốt được. Buông bát.
Ngần ấy năm biền biệt không quan tâm cô và lũ con sống hay chết. Đi thầu xây dựng làm ra bao nhiêu tiền bạc không một lần gửi được đồng quà tấm bánh cho con. Đến một cuộc điện thoại hỏi thăm xem nó thành người hay ngợm cũng không có. Cứ như người dưng, cứ như đã không còn tồn tại. Vậy mà giờ quay về vẫn mở mồm gọi được là “con”! Cô không thể hiểu nổi sự xấu hổ hắn đã bỏ quên nơi nào. Hay hắn đã mất khả năng nhớ? Cũng có thể hắn cho là hắn đúng.
Rồi hôm nay từ miền xa xôi về đây chỉ trùng trục cái thân hình nghễu nghện. Ngồi ăn cơm của cô chẳng một lời nói. Cứ tự nhiên như không. Lại còn bắt chuyện hỏi thăm. Cô càng lẳng lặng lơ đi, hắn càng thao thao sôi nổi. Hình như hắn muốn cô phải dùng tới bạo lực như hắn, hay phải giở giọng chát chúa giống “cái con” đang sống cùng hắn? Thế mà cô vẫn im lặng và chịu đựng. Cô ức hắn một thì ức mình mười vì chả cất nổi lời đuổi hay chửi bới. Cứ lặng thinh. Lặng thinh, hắn cứ nhơn nhơn, có thèm hiểu đâu cơ chứ.
Hàng xóm dòm ngó. Họ không dám đến chơi như trước. Thấy cô ngoài chợ mấy người phụ nữ lôi kéo nhau thầm thì: “Về với nhau rồi hả? Thôi thế cũng mừng. Con mình cần có bố”. “Anh ấy nhà chị giờ làm gì vậy? Chắc xa lâu ngày nhớ vợ thương con lại quay về phải không? Biết ân hận thì mình tha thứ chị nhỉ?”. “Chị bảo anh ấy rỗi thì sang uống rượu với nhà em nhé. Cải ta quy chính rồi chứ gì? Nhất chị nhá.”
Họ hàng tới thăm nhìn Phi như cái gai, hậm hực với Mẫn:
- Sao mày còn dung chứa cái loại ấy? Nó về đem cho mày những gì mà mày nhanh chóng bỏ qua thế? Lại còn cung phụng được! Đuổi mẹ nó đi. Có gì thì cho nó thằng Kí, thằng Lam; mày không thèm. Hễ nó còn bén mảng tới đây tao không bước chân vào cái nhà này nữa.
Bọn con nít cứ nhìn thấy đôi mắt ngầu đỏ đầy hung khí của hắn là khóc thét lèn lẹt, kệ hắn nịnh nọt thế nào. Bố mẹ chúng không gửi chỗ cô nữa. Thế là mất nguồn thu. Cô không thể tiếp tục chịu đựng, liền nói:
- Từ lâu tôi với anh đã không còn gì với nhau. Bước chân đi thì cấm kỳ trở lại. Đây là nhà tôi, anh hiểu không? Bạn bè, họ hàng, những người làm cùng tôi thấy mặt anh cũng đã bỏ hết đi. Bởi ai cũng ghê anh. Anh đừng về ăn tranh phần con nữa.
Hắn nghiến răng ken két nói:
- Lắm lời! Tôi không để mẹ con cô chết đói. Có con bé hai tuổi mai tôi mang về nhà cho mà nuôi. Hàng tháng sẽ có lương.
- Con ai?
- Con tôi?
- Con anh? Con anh với nó?
- Phải.
- Nực cười. Sao tôi phải nuôi cái giống lang sói ấy? Hai thằng bé mà anh ném cho tôi chăm bẵm bấy lâu nay còn chưa đủ cơ cực sao? Con mẹ nó theo trai bỏ anh, còn anh thì về bắt tôi phải nghe anh?
- Phải. Mẹ nó đi với thằng khác. Tôi chăm nó thì không làm ăn gì được.
Mẫn giật mình. Cô buột miệng đoán định lí do không ngờ lại là thật. Cô tròn mắt nghe Phi nói tiếp:
- Cô hận tôi. Đúng. Nhưng giờ tôi khác. Tôi nhờ cô ít ngày, đem tới cho cô mối làm ăn. Trông con cho tôi, tôi trả tiền, vậy thôi.
- Chết đói tôi cũng không bao giờ chăm cái dòng máu ấy. Đi đi!
Phi ra đi. Hôm sau quay trở lại với một bé gái. Mẫn như điên lên:
- Anh đưa nó ra khỏi đây ngay!
Phi nhẹ nhàng đặt đứa trẻ vào cũi rồi nói mềm mỏng:
- Em ạ, thằng Kí, thằng Lam nhà mình cũng dăm ba năm nữa là cưới vợ. Nó cần có cả bố lẫn mẹ. Em cho anh nhờ một cái giường thôi.
- Nhà tôi không có chỗ cho anh!
- Thế thì từ từ để anh tìm nhà thuê đã.
Phi đi nhanh ra cổng. Mẫn bế xốc đứa trẻ gọi với theo. Nhưng hắn đã lên xe ôm đi khuất. Đứa bé khóc ngằn ngặt trên tay cô. Mẫn ước đó là một đồ vật để cô có thể quẳng ngay đi được. Nhưng là một sinh mệnh thế này, thật khổ quá. Đường gân cuộn trên mặt cô. Vết sẹo chợt buốt nhói. Nhìn nó hồi lâu, cô uể oải đứng dậy pha sữa bón từng thìa. Đứa bé dần nín khóc, rồi ngủ say sưa.
Hôm sau, Phi liêu xiêu trở về với gương mặt bạc phờ. Mẫn dúi đứa trẻ vào tay anh:
- Đem cái của nợ này biến đi!
- Biết rồi, nhưng chưa tìm được nhà.
Mẫn với lấy con dao cạnh đó lăm lăm trong tay:
- Cút ngay! Đừng hòng lừa tôi.
Phi lùi được ba bước thì khuỵu xuống, sa sẩm mặt mày. Mẫn hốt hoảng:
- Này! Sao thế?
Cô thấy người hắn lạnh ngắt. Hắn chẳng nói được gì cứ xỉu như chiếc bánh đa gặp nước. Cô đỡ vội đứa bé trên tay hắn, rồi dìu hắn vào nhà. Thế này thì thật tội nợ. Không thể để hắn chết, mà chăm hắn tỉnh để hành cô thì cũng không được. Vừa lúc thằng Lam đi học về, nhìn thấy thế nó cuống quýt hỏi:
- Bố làm sao thế ạ?
- Phải gió.
- Con gọi xe cấp cứu nhá?
- Lấy cho lão một viên thuốc ngủ để cái mắt ngầu ngầu ấy nhắm lại rồi xuống bếp mẹ bảo!
Mẫn bày đủ các bài thuốc nam chữa cho Phi. Nào là cạo gió bằng củ dáy và nước vôi trong, nào là uống nước lá nhọ nồi. Mượn tay con trai cô cứu hắn khỏi trận cảm hàn nguy hiểm. Vì cô không muốn sau khi tỉnh dậy hắn biết sự thật lại tưởng cô tốt quá để lợi dụng, để vẫn nhơn nhơn như không.
Nhưng hắn không lì lợm như cô tưởng. Khỏi ốm, Phi cảm ơn Mẫn rồi bế con gái đi. Mẫn lạnh lùng không nói, chả biểu lộ cảm xúc. Cái dáng hình lực lưỡng vụng về bế đứa trẻ trên tay xa dần. Nó càng xa Mẫn càng thấy nó hiện lên rõ hơn. Mẫn ngồi lặng bên mép giường. Khẽ xoa xoa vết sẹo. Nó cứ hiện hữu như thể chả bao giờ cô chối bỏ được. Nó đã ăn liền vào da thịt và hẳn nhiên là một phần cơ thể cô. Bỗng thấy lòng mình xon xót, rồi chẳng hiểu vì sao cô đứng bật dậy, chạy nhao ra cổng. Mẫn cần phải gọi Phi lại, không quan tâm là đúng hay sai nữa.
Những dòng người nườm nượp đua chen. Cô nháo nhác nhìn mãi, cố nhìn mà chẳng thấy Phi và đứa trẻ ấy đâu.