N
a đến giúp việc cho nhà ông Phước đã hơn hai năm. Đứa nhỏ con vợ chồng cô Hồng đã đến tuổi đi nhà trẻ nên họ cho em nghỉ việc. Năm giờ sáng, Na đã chuẩn bị hành lí đâu vào đấy. Em ngồi ngoài hiên đợi. Hai năm nay em ao ước được về quê mà chả bao giờ có dịp. Nhớ tất cả sự thiếu thốn mà đầm ấm ở quê nhà, nên sự việc này khiến em háo hức. Ông Phước là người họ xa cùng quê nên Na không thấy quá xa lạ. Song hai năm cũng đủ để em quần quật, thấm thía thế nào là làm ra đồng tiền. Sáng sáng em thường dậy từ tầm này. Nhưng hôm nay không phải quét tước ngược xuôi, không phải giặt giũ chậu quần áo đầy ụ, không phải chuẩn bị bữa ăn cho ai, không phải đánh vật để đút cơm cho bé Bô nghịch ngợm nữa. Chờ ông Phước rửa mặt xong sẽ đưa em ra bến xe. Chẳng biết chừng nào mới quay về ngôi nhà này. Trong Na gợn một chút buồn tiếc…
Hồng dậy sớm để chuẩn bị đi làm. Nhìn Na ngồi ngẩn ngơ ngoài hiên, tay xoay xoay chiếc mũ, cô sầm mặt lạnh lùng quay ngoắt vào. Na định chào nhưng không kịp. Hồng kéo bằng được cô em gái ra khỏi màn, hỏi nghiêm trọng:
- Mày cho nó cái mũ bò à?
Hạnh choàng tỉnh:
- Đâu? Ai bảo?
- Nó bảo cô Hạnh cho.
- Em cho nó bao giờ? Ơ hay nhỉ?
- Nó cầm về kia kìa.
- Làm gì có chuyện… em thích nhất cái mũ ấy, phải nhịn ăn sáng mấy buổi mới mua được. Chị thích thì em cho chứ làm sao có chuyện nó mang về quê được. Để em hỏi!
- Hạnh đùng đùng tới bên Na giật phắt chiếc mũ:
- Cô cho cháu cái này bao giờ? Na ngại ngùng:
- Bà cho thì cháu mới dám lấy. Hạnh cười mỉa:
- Lúc nói cô cho, khi lại bảo bà cho là thế nào?
Hồng đỏ mặt vì câu đó cô nói dối. Cái mũ vẫn còn dùng được. Hồng phải nói thế để Hạnh đòi lại hộ. Chứ cô đã kịp chất vấn Na đâu. May sao Hạnh áp đảo luôn:
- Mũ của cô chứ có phải của bà đâu?
- Cháu không biết. Bà cho cháu.
Vừa lúc đó ông Phước dắt xe ra, gọi Na:
- Đi thôi.
Na lên xe. Chiếc xe vừa vù đi thì bà Phước từ dưới nhà bước xuống ngơ ngác như đang tìm cái gì. Bà hỏi:
- Bố mày đâu?
- Đưa nó ra bến xe rồi. - Hồng nói.
- Đã bảo chờ rửa cái mặt xong rồi tao đưa đi mà cứ cuống lên. Đâu rồi cơ chứ?
Bà khó chịu tìm kiếm khắp nơi. Hạnh thấy lạ hỏi:
- Cái gì ạ?
- Tao tìm cái bao kính, trong đó có tiền. Đang đi tìm thì bố mày đã vội đưa nó đi.
Hồng hốt hoảng:
- Thôi đúng rồi. Thảo nào từ lúc con xuống nó cứ lấm la lấm lét không dám nhìn thẳng vào mắt con. Lại còn ôm khư khư cái túi. Chắc chắn trong đó còn giấu cái gì nữa.
- Mẹ có cho nó cái mũ này không? - Hạnh giơ chiếc mũ ra hỏi mẹ.
Bà Phước trả lời lơ đãng:
- Không. Nhưng nó đâu nhỉ? Tao chỉ để cái bao kính ấy trong chạn hoặc trên nóc tủ thôi.
- Tìm làm sao được nữa. Ở trong túi nó rồi. Người nhà quê thì phải thật thà chứ lại tắt mắt thế sao? Chị Hồng, lấy xe máy, hai chị em mình đuổi theo ngay. - Hạnh tức tốc kéo Hồng ra.
Bà Phước cố giữ hai đứa con đang hừng hực lửa giận lại:
- Mẹ xin các con. Đừng làm thế. Nhỡ không phải thì bố mẹ không còn mặt mo nào về quê nữa.
Hạnh vừa dắt xe vừa khó chịu:
- Đi với ma phải mặc áo giấy. Cứ mãi hiền lành như mẹ để thiên hạ cưỡi cổ à?
- Bao nhiêu lần bị lừa rồi mà mẹ vẫn còn tin người sao? Trong bao kính có nhiều tiền không hả mẹ?
- Hơn một trăm thôi. Nếu nó lấy thật thì cũng thôi coi như lọt sàng xuống nia. Mình làm thế cũng chả ra gì. Nhỡ oan thì khổ lắm. Mẹ xin, các con đừng đi nữa!
Chiếc xe nổ máy. Hạnh quay lại nói với mẹ:
- Tiền chứ có phải lá mít đâu. Mẹ cứ yên tâm, con đã có cách. Chiếc xe máy vù đi. Bà Phước bất lực đứng lặng bên cổng. Tới bến xe, Hạnh không kịp chờ Hồng gửi xe mà tức tốc đi tìm Na. Vừa trông thấy Hạnh, Na giơ tay vẫy và cười rất tươi.
Nó không ngờ cô Hạnh lại tình cảm đến mức ra tận bến xe tiễn nó. Hạnh lạnh lùng bước lên xe, đứng trước mặt Na nói rành rọt:
- Cô Hồng vừa phát hiện mất dây bạch kim. Bà mất bao kính trong đó đựng rất nhiều tiền. Cô xin lỗi, cô muốn xem hành lí của cháu.
Mặt Na tái đi. Ông Phước đứng bên cũng ngỡ ngàng. Mọi người trên xe quay ra nhìn Na sửng sốt. Na lắp bắp nói không ra hơi:
- Sao lại có chuyện đó? Hồng đã đến nơi:
- Cô không bảo cháu lấy. Chỉ sợ nó lẫn vào đống quần áo khi cháu vội xếp đồ.
Na đưa ra cả ba túi hành lí:
- Đây. Tối qua bà xếp thế nào thì cháu cầm đi như thế, chả có nhầm lẫn gì đâu.
Không nói không rằng, Hạnh và Hồng lục soát từng mi li mét của ba chiếc túi xách. Mọi người xung quanh dồn mắt vào công cuộc khám xét. Na ngồi lặng trên ghế, nước mắt rơi lã chã. Mặt trời bắt đầu lên nhưng tất cả cảnh vật như tối sẫm trước đôi mắt nhòa lệ của cô gái mười sáu tuổi này.
Chả có đồ gì ngoài mấy bộ quần áo cũ của Na. Hạnh và Hồng đưa mắt nhìn nhau rồi trả lại em những chiếc túi đã được kiểm tra cẩn thận. Hai người lần lượt lướt qua mặt Na nói rất nhanh:
- Không có gì cả đâu, cô xin lỗi nhé.
Rồi họ cùng ra về. Na không nghe thấy gì hết. Đã đến giờ xe chạy, người phụ xe đuổi ông Phước xuống. Chiếc xe chuyển bánh.
Hồng ngoái lại nói với em:
- Thế tiền ở đâu nhỉ?
- Nó còn để trong bao kính cho chị lục đấy!
Về đến nhà, bà Phước đón hai cô con từ đầu ngõ:
- Bao kính tìm thấy ở trên nóc máy giặt rồi. Tao đã bảo mà. Để tìm kĩ thì không. Hồ đồ chả ra sao cả.
Bà nhìn chiếc mũ bò Hồng đội trước lúc ra bến xe:
- Ơ, nó không mang cái mũ này đi tí nữa nắng chết à?
- Sao lúc trước con hỏi mẹ cho nó à, mẹ bảo không? - Hạnh hỏi.
- Mẹ nói bao giờ?
- Trước khi con đuổi theo. Mà mũ này là của con sao mẹ cho nó?
- Đầu óc tao bây giờ lẫn cẫn, chả còn nhớ cái gì ra hồn nữa. Của mày nhưng mày có đội đâu. Đầu nó thì phơi nắng suốt.
Hồng kéo Hạnh lên phòng:
- Cái dây bạch kim bị mất mày bịa nhanh đấy. Nhưng kể ra mình cũng quá đáng.
- Ân hận chả để làm gì. Cứ phải làm rồi mới biết sai hay đúng. Còn hơn ngồi một chỗ mà ca thán, nghi kị, hậm hực.
- Bố không để yên chuyện này đâu. Mắng thì sao nhỉ?
- Thì nghe.
- Mày nghe nhé, đến giờ chị đi làm rồi.
Cuộc sống lại cuốn người ta vào vòng xoáy bộn bề, chẳng hơi đâu mà tự kiểm điểm hay nghĩ lại những sai lầm cho nhọc óc. Chỉ giản đơn rằng việc làm xong thì thôi. Còn ai không thôi được, ai đó vẫn day dứt, đau đớn, vẫn để nước mắt chảy thầm trong tâm khảm thì người đó khổ.
Hồng vừa bước ra khỏi cổng, một chiếc xe ôm đỗ xịch ở cửa. Na quay lại. Na đưa cho Hồng một chiếc dây chuyền vàng:
- Chẳng biết nó có giống dây của cô không nhưng cháu chỉ có thế thôi. Còn đây là tiền công tối qua bà trả cháu. Bà bị mất bao nhiêu hả cô?
Hồng bàng hoàng:
- Thế là sao?
- Cháu trả hết. Chỉ xin các cô và ông đừng nói cho bố mẹ cháu. Bố mẹ cháu nghiêm khắc lắm, sẽ giết cháu mất.
- Nhưng mày lấy dây chuyền này ở đâu ra?
- Lấy của cô mà. Cô cứ coi như thế đi. Cháu xin cô đừng nói bố mẹ cháu.
- Nói thật, không tao báo công an! Na vừa khóc vừa nói tấm tức:
- Có cái cô ngồi cạnh cháu. Cháu định cắt tay tự tử. Cô ấy thương cháu bị oan. Cô ấy cho cháu bảo về đền các cô.
Lòng Hồng xót như có muối xát. Cô xin lỗi Na và thu xếp cho em đi xe khác về quê. Chiếc dây chuyền để Na giữ. Hồng còn cho Na nhiều đồ nữa. Na hết sức ngạc nhiên. Hình như cuộc đời bị đảo ngược. Có người phụ nữ tốt thật, đã thương Na thật. Nhưng lòng tốt có giới hạn. Na nhớ lại lúc bà ấy thiêm thiếp ngủ em đã khéo léo tháo chiếc dây chuyền này sau chiếc gáy nõn nà …