C
on bé gần bốn tuổi, cứ tròn xoe mắt nhìn cái hình hài cong queo nằm trên giường. Người ấy đang cố sức mở hàng mi ra nhìn nó lần cuối. Làn môi nhợt nhạt há ra để nuốt từng hớp không khí một cách khó nhọc và để nói điều gì đó. Đôi tay nghều ngào đưa về phía đứa nhỏ. Nó sợ hãi ôm ghì lấy người bà ngồi bên cạnh, úp mặt vào lưng bà khóc thét lên gọi:
- Mẹ ơi!
Nó không nhận ra cái hình nhân gớm ghiếc kia chính là mẹ nó vì mấy tháng trước chị còn khỏe mạnh, biết cưng nựng và đùa vui với nó. Mấy người xung quanh ứa nước mắt. Người mẹ trẻ bất lực rụt bàn tay. Chị không đủ sức ôm nó vào lòng và lần nữa gọi nó là con. Căn bệnh HIV quái ác đã tạo thành một vực sâu ngăn cách tình mẫu tử của chị với đứa bé, cũng như với người mẹ già ngồi kia. Chị “khậc” lên một tiếng rồi tắt thở. Khuôn miệng hé mở như vẫn muốn nói nhiều điều.
Con bé thấy yên ắng, tò mò ló mặt ra khỏi lưng bà. Mẹ nó đã bất động. Nó hoảng hồn nhoẻn miệng cười và định bước tới cái xác để nghịch ngợm thì bị một bà già bế xốc ra ngoài.
Con bé ngơ ngơ ngác ngác ngạc nhiên vì nhà mình hôm nay đông người quá. Nó chập chững tới ngó mặt từng người đến thắp hương với ánh mắt lạ lẫm. Ai cũng nhìn nó thương cảm nhưng lại lảng tránh, xa cách. Họ chóng vánh hỏi thăm dăm ba câu chiếu lệ với gia đình rồi đi. Họ ngại ngồi vào chiếc chiếu, sợ đặt môi vào chén nước ở đó. Chẳng biết người ta bảo con vi rút nhỏ bé như thế nào nhưng lại như có mặt khắp ngôi nhà rách nát này, như hiện hữu với dáng vẻ gớm ghiếc nhất để hù dọa mọi người.
Không phải là loại ăn chơi trác táng hay nghiện ngập vô độ, bố con bé ngẫu nhiên nhiễm bệnh do một lần đi cạo râu ngoài hiệu bị chảy máu. Rôi lây sang mẹ nó. Khi họ chết để lại cho con bé “của hồi môn” là sự xa lánh ghẻ lạnh của người đời vì nỗi ám ảnh ghê sợ căn bệnh đó. Dù nó đã được xét nghiệm máu và được kết luận là không bị nhiễm HIV nhưng trong óc mọi người luôn hằn một điều suy nghĩ: “Biết đâu…”
Xóm thì nhỏ mà sao lắm trẻ con. Chúng cứ sàn sàn như nhau tụ tập thành hội chơi đủ các trò. Nào ú tim, chạy tê, cướp cờ, rồi bịt mắt bắt dê…. Tiếng cãi nhau, tiếng cười nói, tiếng reo hò vang ầm suốt ngày như nét nhạc sống động của khu xóm. Người lớn đôi khi đau đầu nhức óc, nhưng vẫn phải nhăn mặt chấp nhận. Bên cạnh chỗ đông vui ấy con bé lúc nào cũng thui thủi một mình đứng xa nhìn thèm thuồng. Xung quanh nó không hề có cái rào gai, xích sắt hay lồng thép nhưng nó vẫn bị ngăn cách bằng một tấm chắn vô hình mà hết sức vững chắc là nỗi sợ. Đã nhiều lần nó đến xin chơi cùng nhưng đều bị bọn trẻ con chạy xa hay ném đá đuổi đi gọi là đồ “ếch”, “con ếch”. Nó có tên hẳn hoi nhưng lâu lâu quên dần đi chỉ quen tai với cái từ người ta đã gán cho nó. Mặc dù nó chả hiểu biệt danh ấy là gì, khác cái tên của nó trước đây như thế nào. Bọn trẻ con cũng không hiểu rõ nguyên nhân của nỗi sợ và sự lảng tránh của mình với con bé. Chúng nghe theo lời cấm đoán của người lớn và a dua với nhau.
Từ lúc mẹ nó theo chồng ra đi, cả ngày con bé thơ thẩn ở bụi lau gần nhà hoặc đi ra mé biển xây những lâu đài cát. Tay cầm theo thứ đồ chơi duy nhất là chiếc giỏ mây rách mốc đựng vài ba cái đinh gỉ. Đến bữa thì bà ngoại gọi về ăn cơm. Nhà ông bà nó phải chạy ăn từng bữa. Ông nó ốm liên miên. Nhưng dù cho chỉ có củ khoai, củ sắn hay bát cơm rưới mắm với vài ba cọng rau nhạt nó vẫn lớn nhanh và ngày một xinh xắn hơn. Làn da hồng mịn, đôi môi đỏ tươi căng và ánh mắt đen láy. Nhưng nó lại chỉ tồn tại ở cuộc đời này như một ảo ảnh. Không ai ngó nhìn, chẳng ai quan tâm. Tiếng nói dẫu rõ ràng, lảnh lót cũng chỉ trò chuyện với lũ chó mèo trong nhà hay với con còng, con cáy ngoài bãi biển.
Trong suy nghĩ non dại của nó đầy thắc mắc. Những câu hỏi “vì sao” nhiều như vì sao trên trời vậy. Vì sao nước biển nhiều như thế mà cứ mặn chát? Trước mặt rộng thế kia vì sao nó chỉ được quanh quẩn gần nhà? Vì sao ai cũng thân thiết với nhau mà lại xa lánh nó? Vì sao bọn trẻ con không cho nó chơi cùng? Nó cũng biết nói, cũng đầy đủ chân, tay, mắt, mũi như tất cả mọi người, nhưng mà vì sao? Vì sao? Vì sao?… Vô vàn khúc mắc ấy cứ trôi vào giấc ngủ. Để ngày hôm sau, hôm sau nữa trở lại. Con bé không thoát khỏi sự sống chất chồng những khó hiểu và sự thèm khát hòa đồng. Đôi lúc nó giật mình bởi tiếng cười của một đứa trẻ nào đó. Song, lại cúi mặt buồn bã khi nhận ra tiếng cười không dành cho mình, sẽ tắt lịm nếu có sự xuất hiện của mình. Bên cạnh nhà có một em nhỏ tên là Bống. Em đi đến đâu bọn trẻ con đều bu vào trò chuyện, trêu đùa. Nó muốn đến gần để cầm vào bàn tay nhỏ xinh ấy xem thế nào. Nhưng người lớn vội bế em chạy xa. Không biết con bé là một ảo ảnh hay những người kia là ảo ảnh trước mặt nó.
Một lần con bé đang trò chuyện với mấy con giun, con dế về sự buồn bã của mình: “Tao muốn được chơi như họ.” thì chợt nhìn thấy em Bống đi qua. Đôi chân vô thức liền nhào ngay ra như người chết đuối vớ được cọc. Nó muốn được chơi với Bống, được ngồi cạnh và trò chuyện với em. Ánh mắt trong veo của nó chan chứa thèm thuồng. Nó nói da diết:
- Cho chị chơi với
Bống nhìn nó reo lên thích thú. Nó biết em cũng muốn chơi với nó, không xa lánh nó như những đứa trẻ khác. Nhưng giá nó đừng gọi, đừng nói tiếng người có khi nó còn được làm người, được tới gần chơi đùa với Bống. Tiếng gọi đã khiến cho người ông giật mình nhấc bổng đứa cháu đi như chạy. Con bé tẽn tò đứng lại và chỉ giao tiếp được với Bống bằng sự giao hòa giữa hai ánh mắt trẻ thơ buồn bã.
Chiều ấy con bé mon men đến trước nhà Bống. Mặc cho cánh cổng sắt án ngữ trước mặt, nó vẫn lê la đứng đó, thả cái nhìn chu du trong khu vườn rộng mát, trong căn phòng bày la liệt đồ chơi và dừng lại ve vuốt bé Bống. Như có một tiếng gọi vô hình, Bống chập chững ra mở cổng. Em dắt nó vào, cười tươi, cái mũi nhỏ nhăn lại đáng yêu. Nó bàng hoàng như đang bước vào thế giới cổ tích mà bấy nay chỉ được phép tưởng tượng ra. Nó nắm chặt tay Bống như sợ tuột mất vĩnh viễn. Nó sẽ sàng ngồi xuống nền gạch hoa, rụt rè sờ vào bộ váy trắng tinh và khẽ vuốt mái tóc con búp bê to đặt cạnh đó.
Bống ôm ra một con gấu bông màu vàng. Vừa định đặt vào lòng nó thì một tiếng thét thất thanh làm hai đứa trẻ giật bắn mình:
- Giời ơi! Đi ra! Sao lại vào đây? Muốn ám hại con tao à?
Người phụ nữ trẻ - mẹ Bống - giơ tay định kéo con bé nhưng lại vội rụt ngay vào, với lấy chiếc chổi gần đó xua lấy xua để. Con bé cụp mắt xuống lủi thủi bước ra khỏi ngôi nhà đẹp đẽ ấy. Người phụ nữ quay vào quát con:
- Vừa nãy nó động và cái gì?
Bống sợ hãi không muốn nhìn vào đôi mắt đỏ ngầu tức giận của mẹ. Em hướng ánh nhìn của mình vào con búp bê vừa rồi. Người phụ nữ nhăn mặt cầm nhón con búp bê đắt tiền vội ném qua bờ rào nói to:
- Khiếp quá!
Con bé vừa đi được một đoạn thì nghe thấy tiếng rơi “bịch” phía sau. Nó quay lại, không tin nổi vào mắt mình. Chẳng lẽ thứ đồ chơi xa xỉ này lại dành cho nó? Mắt sáng lên, không dám chớp, dán chặt vào con búp bê như sợ đó chỉ là một giấc mơ. Nó rướn người định chạy tới gần thì vừa lúc đó một chiếc xe công nông chở đất đá chạy qua. Bánh xe đen sì, to đoành, xoáy tròn đè nghiến con búp bê. Tiếng động cơ rít ầm ầm bên tai. Con bé hoảng hốt ngã né ra phía sau, mắt nhắm nghiền sợ hãi. Chiếc xe chạy xa dần. Nó từ từ mở mắt ra. Con búp bê xinh đẹp đã bẹp dí dưới lớp đất đá bẩn thỉu. Con bé nhặt lên ôm vào lòng, nước mắt ngân ngấn.
Nó chạy về góc bếp của mình, thui thủi lôi ra làn đồ chơi rách nát để chữa trị cho búp bê. Trong đầu nó lại xuất hiện dày đặc những câu hỏi “vì sao?”…