B
ữa cơm tất niên, cả nhà ngồi quây quần, bác Thái nói giọng nửa đùa nửa thật:
- Năm mới đến rồi, cậu Xuyên xem đưa cô nào về ra mắt cho bà vui. Sắp tới mừng thọ bà tám lăm tuổi đó.
Cậu đứng phắt dậy, lừ mắt, chỉ thẳng mặt bác Thái nói lè nhè:
- Này, anh chỉ là thằng rể thôi nhá. Ngồi im đấy, biết gì mà xía vào chuyện nhà tôi, Mọi người vội kéo Xuyên ngồi phịch xuống và quát vào mặt cậu:
- Ăn nói cho cẩn thận. Bác Thái là anh, bảo thế có gì sai? Năm mươi tuổi còn làm khổ bà mãi à? Để thế gian gọi là “thằng” đến bao giờ?
Nếu nói người khác như thế thể nào cậu Xuyên cũng bị ăn cái tát lệch mặt, nhưng bác Thái chỉ cười. Xưa nay, bác nổi tiếng hiền lành. Hơn nữa, bác không chấp cái thằng ăn hại của họ nhà vợ. Đã vô học còn lười biếng, tinh tướng, suốt ngày chỉ biết mỗi việc phơi bụng ngoài quán bia. Bà mua cho cái xe tải chở vật liệu xây dựng nhưng cả đời không có một đồng dắt lưng. Động tí xe hỏng lại vay anh em tiền để sửa. Mà nói vay cho oai chứ làm gì có chuyện trả. Thực ra cậu có chịu nắng gió lái xe đâu, mà cho người khác thuê, không biết họ phá xe, tháo phụ tùng thế nào. Còn cậu, lấy tiền hàng ngày để ngồi chiếu bạc.
Trước đây, cậu cũng có lần đem về một cô gái ra mắt, nhưng bà không ưng vì cô này đã một đời chồng và có con riêng. Nghe bảo chồng cô bên nước ngoài vẫn gửi tiền về cho hai mẹ con, họ chưa ra tòa li hôn. Bà thấy đối tượng này phức tạp quá. Con trai của bà sáng láng thế vơ đâu chả được vợ tử tế. Nhưng từ sau đợt ấy không hề có hơi hướng gì về chuyện bạn gái của cậu Xuyên nữa. Nhìn cậu vò võ, anh em, họ hàng thương cảm. Hết đợt này sang đợt khác mở chiến dịch mối lái. Nhưng cậu hết lỉnh, là cáu, hay trốn, hoặc dửng dưng. Mọi người bàn luận đủ ý kiến. Bác Tàn bảo cậu hận tình. Cô Then đoán cậu mắc bệnh nhưng giấu gia đình. Dì Hến cho rằng cậu còn kén… nhưng chả có gì khẳng định. Cậu không bao giờ tâm sự với ai, cứ lặng lẽ như thế, sáng đi, đêm về. Về, ăn qua quýt gì đó rồi ngủ miết. Ngủ dậy lại đi. Hàng xóm biết cậu có nhà thường là qua tiếng ho. Cậu ho ngày một nhiều, giọng khù khụ như ông già.
Thế rồi đến ngày bà ốm nặng. Thấy nguy cơ này khó qua, cậu Xuyên không đi nữa, ở nhà tiếp khách và chăm bà. Đầy người trầm trồ khen cậu hiếu hạnh. Bà bất tỉnh, cậu nhẹ tay tháo mọi vòng vàng, xuyến ngọc cất đi. Ai đến biếu phong bì tất nhiên cậu giữ, bà biết gì nữa đâu. Độ một tuần thì bà mất. Tắt thở rồi mà bà vẫn nhìn cậu Xuyên trân trối mãi. Mọi người khóc, bảo bà lo cho cậu không nhắm nổi mắt. Cậu cụp mắt xuống, buồn thê thảm.
Sau những ngày tang lễ đông đúc, căn phòng trở nên quạnh vắng và hoang lạnh. Dì út tới thắp hương, thấy cậu Xuyên nằm thưỡn thượt ở chiếc salon, thỉnh thoảng khò khè ho. Xung quanh không gian u tối, ngổn ngang đồ đạc. Dì mở nắp ấm chè, vội bịt mũi ngay vì hơi mốc xộc lên nồng nặc. Bàn thờ vẫn nghi ngút hương. Thỉnh thoảng cậu gãi, hoặc đập đen đét vào người mình. Dì bật đèn sáng, nhìn kĩ mới thấy kiến đen bu khắp nơi, leo trên mé tường chỗ cậu nằm thành hàng dài. Người cậu thì mẩn đỏ, lốm đốm xác kiến. Lũ kiến bu vào chân dì buồn buồn khó chịu. Thương quá, dì bảo:
- Tới bữa, anh về nhà em mà ăn cơm, cứ thế này ốm mất.
Cậu Xuyên bất thình lình ngồi dậy ném ngay túi quả mà dì vừa mang tới ra ngoài hiên, giọng khản đặc:
- Xéo! Tao không cần mày thương hại.
Dì thở dài ra nhặt lại trái quả lăn lông lốc. Khi vào, thấy cậu vịn tay ban thờ bà nấc lên. Dì khẽ đặt lại túi quả, ra đầu phố mua tô phở, rồi về. Dì đoán mình ở lại cậu sẽ không ăn. Y như rằng, lúc dì quay lại nhòm qua khe cửa thấy cậu Xuyên ăn lấy ăn để bát phở chả khác nào quân chết đói.
Xót, dì đau đầu tính chuyện phải cấp tốc cưới một cô vợ cho cậu. Nhưng cậu khó tính, bao nhiêu lần giới thiệu có thiết tha gì đâu.
Chiều nào người ta cũng thấy cậu Xuyên lững thững ra mộ bà. Sau giây phút ngồi lặng nhìn mây trời chán chê thì cậu gục xuống nấc lên từng đợt gọi khẽ “mẹ ơi”. Đó là lúc nỗi nhớ mẹ quặn lên. Năm mươi năm chỉ duy nhất một người đàn bà thương yêu, chăm nom cậu là bà. Cũng chỉ duy nhất một người cậu thấy thương yêu vẫn là bà. Nhưng giờ, hai người đã ở hai cõi cách trở. Chưa bao giờ cậu thấm nỗi cô độc đến thế, thấy hụt hẫng và không thiết sống tới vậy. Nhưng cậu chẳng nghĩ tới cái chết. Chỉ muốn kéo bà dậy như cũ mà không được.
Nửa năm sau có tin cậu Xuyên chuẩn bị lấy vợ. Cả họ sôi lên, mừng lo lẫn lộn. Họ tròn mắt hỏi nhau về cô gái. Đó là người phụ nữ gần bốn mươi tuổi, trông khá trẻ, béo khỏe, tử tế và chưa cùng ai, tên Nhi.
Cô Nhi được dì út thuê về giúp việc cho cậu. Cậu không mặn nồng cũng chẳng phản đối. Hàng ngày cô đến dọn dẹp, giặt giũ, cậu nằm khểnh xem tivi, kệ! Hết tháng dì trả tiền, cậu kệ nốt. Nhưng trong mắt cô Nhi cậu lại quyến rũ ở vẻ phớt đời ấy. Thực ra trông cậu vẫn toát lên phong thái quý tộc, dù đã già và gầy đi, dù ở nhà cậu chỉ cởi trần, mặc mỗi quần xoóc. Rồi chả mấy mà cô Nhi gật đầu với dì út: “Chỉ chờ phía anh ấy thôi”.
Cô em gái nhận nuôi của dì út tên Tả bán hàng ở chợ gần nhà có lần dì giới thiệu cho cậu Xuyên giờ càng tỏ rõ thịnh tình. Bà mất, cô ấy không những đến thắp hương mà còn định ở lại dọn dẹp, nhưng cậu cứ lầm lầm coi như cái gai, rồi nói “cô về đi”. Giờ, thỉnh thoảng cô Tả vẫn qua, thấy xuất hiện đối tượng mới, cậu Xuyên lại còn chịu ở nhà để người ta phục vụ thì Tả bất bình quá. Ai chẳng ghen. Nhưng chuyện này đánh ghen sao được, cậu đã giây phút nào thuộc về cô đâu? Vậy là Tả gọi Nhi ra ngoài thầm thì như bạn thân:
- Đừng dây vào thằng này. Nó không làm ăn được gì đâu, “dụng cụ” hỏng sạch rồi. Ngày xưa, mình phát hiện ra nên bỏ đấy.
Sau phút ngỡ ngàng, Nhi bảo:
- Cám ơn chị, em sẽ lưu ý.
Thế có điên không? Nghĩa là nó vẫn chẳng dừng bước.
Nhưng Tả chỉ biết hằm hè vậy thôi. Cô Nhi yên tâm và thấy cậu Xuyên sáng giá, vì chả ai tự dưng “tốt” đến thế. Với lại dẫu có “hỏng” thật cũng chả sao. Cô có lí do riêng cao hơn chuyện chăn gối. Biết chi tiết này cả họ bấm bụng xì xào: “Ăn hại đái khai như thằng Xuyên mà vẫn ối cô tranh giành cơ đấy”.
Dì út đến nói chuyện cưới hỏi, ông bố cô Nhi rớt nước mắt:
- Thế thì xúc tiến đi. Nói thật với cô, bên ấy mong một thì bên này mong mười. Con gái lớn trong nhà như bình dưa muối lâu ngày chỉ chờ khú, căng thẳng lắm.
Ngày ăn hỏi ấn định, cậu Xuyên còn chần chừ mãi. Dì út mắng té tát ông Hạ hàng xóm khi biết ông xì xào với cậu rằng: “Cô Nhi già quá. Người như anh Xuyên thì vơ đâu chả được vợ trẻ đẹp, hai tư, hai lăm, có nghề nghiệp tử tế”. Mối lái mãi mới được mà lại có kẻ phá đám. Dì phải ngon ngọt phân tích với cậu: “Em thuê cô Nhi về để anh có điều kiện tiếp xúc chứ cô ấy có nghề may vững lắm. Anh đừng nghe ông Hạ thối mồm. Anh em kiến giả nhất phận, làm sao ở bên anh mãi được. Chả ai chăm anh bằng vợ anh đâu”. Cậu Xuyên lúc ấy mới xuôi xuôi, chịu ăn hỏi.
Đó là ngày thoắt nắng thoắt mưa, họ hàng lũ lượt từ khắp các ngả về. Có người bị tai nạn cũng cố chống nạng tới vì đây là sự kiện đặc biệt. Bác Tàn công phu bày mâm rượu, dì Hến loay hoay tết mãi chùm trầu cau, cô Then ngắm nghía không rời mắt mâm bánh kẹo… chục mâm đầy đặn, sặc sỡ, lung linh, đủ gọi “hoành tráng”. Dù gì thì đây cũng là đám hỏi lần đầu trong đời của cô dâu, chú rể.
Vợ chồng bác Thái tất bật xách bu gà về tới ngõ thì chạm mặt cậu Xuyên từ quán bia hơi đầu đường đeo chiếc vợt cầu lông bước ra. Bác gái xoắn xuýt hỏi:
- Chuẩn bị tới đâu rồi cậu?
Cậu Xuyên hất mặt vào trong nhà tửng tưng như người chỉ đường:
- Đông đủ cả đấy, tưng bừng phết!
Nói rồi cậu tung tẩy bước đi. Hai bác nhìn nhau ngỡ ngàng. Bác trai buồn ra mặt, bước chân cứ thẫn thờ, tới khi bác gái kéo mạnh mới giật mình đi theo. Bác gái lắc đầu chép miệng: “Cái thằng, cứ làm như đám hỏi của ai”.
Giờ đẹp đã đến. Mọi người đã chuẩn bị đâu vào đấy. Người thắt caravat, người là quần cho cậu. Tìm mãi không có cái áo sơ mi nào ra hồn, toàn áo phông, áo kiểu, dì út cử cô cháu ra phố mua. Mang về chiếc sơ mi trắng tinh, cậu Xuyên mặc trông trẻ đến năm tuổi. Sau hồi nhìn quanh cậu hỏi:
- Út đâu?
Cô Hến bảo:
- Nó vừa có điện thoại con dâu đẻ nên về rồi.
Cậu Xuyên tháo ngay caravat và áo vứt bạch ra ghế, giận dỗi:
- Không hỏi han gì nữa.
Mọi người hết hồn, nịnh nọt:
- Ấy chết, cậu mặc vào đi chứ. Út nó đến ngay bây giờ thôi. Bác Thái cuống quýt gọi điện thoại cho dì út:
- Dì không đến ngay nó dỗi mà hủy đám hỏi thì ch…ê…ết!
Cậu Xuyên gác chân ngồi xem băng video, mặt lạnh như kem. Lát sau, dì út có mặt. Dì hớt hải lấy đồ mặc lại cho cậu. Mọi người thở phào khi “áp tải” được cậu lên chiếc xe mười bốn chỗ bóng loáng.
Hàng xóm láng giềng suốt dãy chợ gần nhà cô Nhi ló cả ra tò mò. Tiếng trầm trồ lớt phớt đủ để họ nhà trai nghe thấy mà mát lòng:
- Cô Nhi chậm mà chắc. Vừa lấy được anh chàng chững chạc đẹp trai lại còn họ hàng bề thế, cưới hỏi linh đình…
Sau khi trao lễ và sắp xếp chỗ ngồi xong, cậu Thà đứng lên ề à phát biểu:
- Hôm nay chọn được ngày lành tháng tốt, nhà chúng tôi đến muốn điều đình, à, đối chất, ừm… thương lượng…ừm…
Cậu tìm mãi không ra câu nói phù hợp. Bác Thái phải đứng chen ra nói dõng dạc:
- Thưa hai họ, hôm nay ngày lành tháng tốt, gia đình chúng tôi đem trầu cau đến xin phép với họ nhà gái để cậu Xuyên được chính thức đi lại với cô Nhi và bàn tính ngày cho hai cô cậu sớm thành vợ thành chồng, về sống hạnh phúc cùng nhau.
Mọi người vỗ tay tán thưởng. Cô Nhi nhìn bác Thái vời vợi xa xăm, mất hẳn vẻ xăm xái thường ngày. Anh chàng thợ ảnh bắt họ đứng vào, và bấm máy tanh tách. Cậu Xuyên mặt hết vàng lại chuyển sang đỏ bừng, rồi tái đi, ánh mắt cứ nem nép, miệng thì nhành ra mà chả tươi được chút nào. Mấy chị em bấm nhau cười mủm mỉm:
- Tưởng nó dạn dĩ lắm, giờ mới lòi đuôi nhát gái.
Bác Thái nắm lấy tay cô Nhi khẽ đặt vào tay chú rể:
- Phải tình cảm để chụp ảnh chứ.
Cậu Xuyên khúm núm đứng không vững. Cô Nhi mắt thì đỏ sọng, nhìn bác Thái nửa như trách móc, nửa tủi hờn. Bác Thái lảng tránh ánh mắt đó. Mọi người buồn cười nhưng lại thấy xót xa. Hai cô cậu vào vái lạy tổ tông nơi bàn thờ nhà gái. Dì út tới xoa vai cô Nhi. Chỉ có dì là biết mọi uẩn khúc trong cuộc làm mối này, dì thầm thì chỉ đủ cho cô nghe:
- Thôi, Nhi đừng xúc động quá. Ai cũng có duyên phận của mình. Anh Thái yên ấm gia đình từ lâu, Nhi chờ cả đời cũng chẳng được gì, chỉ khổ thôi.
Mọi thủ tục của đám hỏi xong xuôi, cả họ mới thở phào. Dì út bảo:
- Còn chờ đám cưới xong là không phải lo lắng gì nữa.
Lòng bác Thái như có sóng gợn. Phải làm vậy chứ không thể để cô ấy khổ mãi trong tưởng tượng về bác. Bác tin khi làm vợ cậu Xuyên, cô Nhi sẽ khiến cậu thay đổi thành một người đàn ông phù hợp với mình.
Sau ngày ăn hỏi, cô Nhi vẫn đều đặn tới chăm sóc cậu Xuyên chờ tới ngày làm đám cưới. Cho đến một hôm họ hàng lũ lượt kéo về theo lời triệu tập họp bàn của cậu. Cậu Xuyên bình thản tuyên bố:
- Em không cưới nữa.
Cả hai họ, ai nấy đều tròn mắt sửng sốt. Vẻ mặt kinh hoàng nhất thuộc về cô Nhi. Cô run lẩy bẩy, mặt dại đi, suýt làm rơi ấm nước trên tay. Bác Tàn đứng bật dậy bực bội hỏi:
- Tại sao lại không cưới? Cậu vừa vừa phai phải thôi, định giở trò gì ra nữa hả? Đây là chuyện hệ trọng, chuyện của người lớn với nhau, cậu phải cân nhắc trước khi phát ngôn chứ.
Mọi người sôi lên khiến cuộc họp ra chiều ầm ĩ. Dì Út ầm ầm hỏi:
- Ngày giờ ấn định rồi, sao anh lại như vậy? Lão Hạ, lại lão ta bơm chọc gì phải không?
Rồi dì quay sang thầm thì với cô Nhi:
- Hay cái Tả nó làm gì?
Cô Nhi lắc đầu nguầy nguậy, thỏ thẻ nói:
- Em không biết. Cậu Xuyên lừ lừ bảo:
- Chẳng có chuyện gì hết, không cưới là không cưới nữa thôi.
Thấy cậu Xuyên với lấy cái áo như chuẩn bị đi đâu. Cậu Thà vội vàng giữ rịt lại. Mọi người không ngừng ào lên bất bình, cậu phải dàn xếp mãi không khí mới có vẻ lắng xuống để dì Hến đứng lên phát biểu:
- Xin các anh các chị hãy bình tĩnh. Chuyện cưới hỏi tùy từng trường hợp là quan trọng, nhưng cũng có trường hợp thì cũng chẳng cần thiết đâu. Em nghĩ nếu cậu mợ ấy yêu thương nhau thật thì cũng có thể coi ngày ăn hỏi là ngày cưới rồi để cậu mợ ấy về ở với nhau cho gọn nhẹ. Chỉ có điều nhà mình nên sang nhà họ làm vài mâm rồi nói chuyện cho đâu vào đấy.
Bác Thái nhìn dì Hến chẳng hiểu ra làm sao:
- Dì ơi, làm thế sao được, con gái người ta nuôi lớn đến ngần này rồi.
Cậu Xuyên đứng dậy dõng dạc nói tiếp:
- Cô ấy đã có thai, không phải của tôi, tôi không cưới nữa. Lúc này cô Nhi mới khóc ầm lên. Cô cố thốt ra lời, nhưng lời nói không thể to được vì cô đã kiệt sức. Cô đứng lên giữa nhà nói với mọi người:
- Phải, em đã có thai, nhưng là có thai với anh ấy. Rồi cô đi về phía bàn thờ bà gục xuống:
- Chỉ có mợ chứng giám, xin mợ hãy chứng giám cho con. Tối hôm đó, sau khi dọn dẹp xong, anh ấy đã nói yêu thương con. Con đã chống cự nhưng không được. Xin hương hồn mợ làm chứng cho con.
Cô Nhi quay ra mắt đỏ sọng. Mọi người sửng sốt chẳng biết nên làm sao. Cậu Xuyên vẫn lạnh băng bảo:
- Tôi bị tiểu đường hàng năm nay, gì mà có con dễ như vậy. Cô nói bậy, đó không phải con tôi.
Cô Nhi cố rắn rỏi đứng lên nói lần nữa:
- Được rồi, anh đã nói thế đã cạn tình như vậy thì em cũng không đòi hỏi gì nữa. Em sẽ sinh con ra xem nó là con ai.
Rồi cô khóc và bỏ về. Bác Thái không thể không lên tiếng được:
- Cậu Xuyên, cậu làm như vậy có thất đức không? Cô ấy đã đứng trước bàn thờ mợ mà thề.
Cậu Xuyên trừng mắt bảo:
- Anh thương thì đi mà lấy nó về làm vợ hai. Tôi nói cho anh biết thế gian này chẳng mấy người nhân nghĩa bằng tôi đâu. Đi chùa lần nào tôi chẳng công đức trăm nọ trăm kia.
Nói rồi, cậu đứng dậy xách vợt cầu lông đi. Các anh chị em mỗi người một câu, một tâm trạng rồi cũng tản mát, chẳng ai quyết định được thay cậu.
Bác Thái không khỏi day dứt khi làm mối cậu em vợ hư hỏng cho cô người yêu bấy nay của mình. Bác gái không hề hay biết chuyện đó, nên hết sức vô tư suýt xoa thương cảm với chồng:
- Tội nghiệp con bé, lớn rồi mà còn dại, sao không để cưới hỏi đàng hoàng đi rồi hẵng… đằng này ai thương cho bây giờ. Anh bấm máy gọi điện cho nó xem thế nào.
Thấy bác trai chần chừ, bác gái với lấy chiếc điện thoại bấm số. Cô Nhi chẳng nói, chỉ khóc ròng và cảm ơn. Bác gái bảo:
- Dẫu chưa tổ chức đám cưới nhưng nhà chị đã mang lễ đến nhà em hỏi là coi như em là em của anh chị rồi. Nó hư đốn sau này nó sẽ phải chịu hậu quả. Em có bất kì khó khăn gì hãy nói với anh chị. Hay sinh đẻ thì đến ở với anh chị, anh chị chăm cho.
Cô Nhi nấc lên khóc và bảo:
- Cảm ơn anh chị nhưng cái thai đó sảy rồi.
Vợ chồng bác Thái chẳng biết nói gì hơn ngoài những câu an ủi chiếu lệ rồi cúp máy. Sự đổ vỡ mà cậu Xuyên gây cho cô Nhi chẳng gì có thể đền đáp nổi. Nỗi buồn đeo đẳng mãi tâm hồn vợ chồng già, mỗi người một sắc độ. Anh em trong nhà biết được, mỗi người một ý, và tất nhiên không ngoại trừ suy đoán cô Nhi bày đặt ra chiêu bài này để che giấu những bí mật của mình.
Hai năm sau, mặt cậu Xuyên nhiều nếp nhăn hơn, ho nhiều hơn, đến bệnh viện với cường độ dày đặc hơn. Lúc này bác sĩ mới tuyên bố cậu không thể có con. Cậu cũng chẳng có ý định lấy vợ. Cậu giằn dỗi với tất cả. Ai đến cúng bà cậu cũng hất đi hết và đuổi thẳng cổ:
- Về, về, về. Chúng mày chỉ đạo đức giả chứ cúng bái gì. Sau cái giỗ đầu, bàn thờ bà nguội lạnh. Anh em chẳng ai còn sức đâu mà quan tâm tới cậu. Hàng tháng dì Út lại đi qua mua cho cậu chục cân gạo, ít đồ ăn và dúi cho cậu ít tiền.
Lần ấy về thắp hương cho bà, Bác Thái ngủ lại cùng cậu để tâm sự:
- Cậu định sống mãi thế này hay sao? Tôi nghĩ nên tìm một việc gì phù hợp để làm cho đỡ buồn thì hơn. Tôi có người quen ở công ty xe khách. Hay xin vào đó cho cậu làm một thời gian nhé?
Cậu Xuyên chân thành nói:
- Em chỉ làm chủ, không thể làm tớ. Em đang có ý định bán căn nhà bà để lại, rồi mua xe, thuê người lái, chứ em trực tiếp làm làm gì cho khổ.
Nghe đến đấy, bác Thái chỉ còn biết thở dài. Nhưng chưa kịp hoàn thành dự định thì cậu Xuyên đã nhập viện vì bệnh ung thư phổi. Sau một tháng gầy mòn nằm trong bệnh viện cậu đã ra đi vĩnh viễn. Ngày đưa tang cậu toàn vòng hoa trắng, không kèn trống, không tiếng khóc than thê thiết. Các sư thầy được thuê về lầm rầm khấn cả buổi cho cậu sớm siêu thoát. Người ta vẫn gọi hương hồn cậu là “chân linh”. Lúc đưa linh cữu cậu ra xe tang để đi tới giàn hỏa thiêu, chợt tiếng một người phụ nữ cất lên thê thiết: “Ới anh Xuyên ơi là anh Xuyên ơi”. Đó là người đàn bà ngoại tứ tuần che kín mặt, vận đồ đen, với kiểu cách sang trọng âm thầm đứng bên bàn thờ từ lúc nào. Giờ mọi người mới để ý nhưng không nhận ra là ai. Cô cứ bíu chặt lấy quan tài của cậu như không muốn rời. Mãi sau, người nhà mới đưa được linh cữu cậu lên ô tô. Người đàn bà lạ không đi theo đoàn đưa tang, cô rời khỏi đám ma âm thầm và bí ẩn như lúc cô đến. Tiếng khóc của cô là tiếng khóc thê thiết và xúc động nhất dành cho cậu. Cả họ đều tò mò và thắc mắc. Nhiều suy đoán được đưa ra. Có thể đó là người đã có con và li dị chồng mà trước kia bà cấm không cho cậu kết hôn. Nhưng cô ấy là ai, có uẩn khúc gì thì còn quan trọng nữa đâu khi mà cậu đã thành tro bụi!