Tiếng thở dài như nỗi đời
Lòng tốt nhuốm màu số phận
Thương giận những mối tình lận đận
Càng vui nhân mới được ươm mầm
Con sông Sỏi mùa nước đầy năm nay có hai sự lạ gắn liền với cuộc đời của hai bà mẹ: Cụ Cự và bà Chiêm. Khắp vùng Sỏi Thượng, Sỏi Hạ không đâu là không bàn tán về chuyện của hai người. Cuộc đời họ đã đến lúc sinh sự.
Hớn đồng ý về làm hai ông Đá. Câu chuyện dưới gốc khế của con gái cụ Cự được cụ Cự khéo léo nhét chặt vào đáy lòng để sau đó cười nói như không khi đặt tay con gái mình vào tay bà Chiêm mà nói:
- Từ nay nó là em chị. Khôn dại của em cũng từ nay nhờ chị. Mẹ chỉ có mỗi mình nó. Nó ấm mẹ được nhờ, nó rét mẹ phải gánh. Cho nó về làm em chị là mẹ tin.
Ngày cưới được ấn định. Ông Đá áo the khăn xếp đàng hoàng, theo sau chàng rể còn có Lim gánh đồ cưới, mấy ông bạn cùng làng. Bà Chiêm cũng áo dài mớ ba, đội nón quai thao, môi trầu đỏ thắm cười cười nói nói cùng với mấy bà bạn theo cùng. Mùa hôm nay ra dáng hẳn lên với chiếc áo cánh trắng buông dài lưng váy lĩnh cùng màu yếm đỏ hồng lên nơi ba ngấn cổ trắng ngần. Đám đón dâu không đông người nhưng đàng hoàng, màu sắc. Họ đi qua sông Sỏi bằng thuyền. Tiếng cười nói rộn rã cả hai bờ sông, ông Đá nhiều lần đỏ mặt bởi lời trêu trọc của mấy ông phù rể mà râu tóc đã lốm đốm bạc. Bà Chiêm cũng vậy, thỉnh thoảng lại ha hả cười bởi lời chọc ghẹo của mấy người bạn già.
- Nhà Chiêm bây giờ là mất chỗ ngồi chợ rồi nhá.
- Này này... có lạnh, tối nay sang bà lão cho nằm cùng.
- Ông Đá ơi... Mai ra chợ tớ để cho mấy tạ gân bò nhá.
- Mai này có thêm cái nơm nữa chụp lên đầu còn mắt mũi đâu mà ra đình ngồi uống rượu với các cụ. Sướng đêm khổ ngày.
- Thôi thôi... Tôi kính các cụ ông, tôi vái các cụ bà. Vừa vừa cái lỗ miệng thôi kẻo mai kia anh cu Đá con ra đời nó đá cho mỗi người một cái rơi tõm xuống sông Sỏi lại tha hồ uống nước bây giờ...
- Cười vừa thôi không đắm thuyền bây giờ...
- Ối, không khéo đắm thật bây giờ.
- Ngồi cho yên nào mấy lão trai móm.
- Còn hơn ối các cụ sề...
Sông Sỏi ngày cưới xin trẻ trung như trai gái cho dù trên thuyền đón dâu hôm ấy đa phần là người già. Người trẻ nhất chỉ có Lim và Mùa. Ở chỗ này họ càng phải ý tứ.
Lim lẳng lặng bên gánh đồ lễ. Hôm nay Lim cũng bảnh bao lên bởi bộ quần áo nâu mới may bó sát lấy người. Trong tiếng chuyện trò vui vẻ của mọi người Lim chỉ biết nghe, thỉnh thoảng khẽ động môi cảm ứng. Mùa cũng lẳng lặng như vậy. Riêng đôi mắt cô hết nhìn sóng nước chao động lại len lén nhìn Lim. Cái nhìn chẳng còn vô tư nữa khi mà ngày ngày, đêm đêm Mùa luôn luôn nhớ và nghĩ về người con trai mà cô đã yêu thật lòng và thật lòng yêu.
- Đám cưới người già mà cũng vui thế Mùa nhỉ.
- Anh gánh có nặng không. Sang bên kia sông để em gánh đỡ cho. Làm một mình đau tức đấy.
- Ai lại làm thế.
- Có sao đâu. Em gánh được mà.
- Cô còn xách túi cho bà kia mà.
- Lại cô. Mùa không thích anh Lim gọi Mùa như thế đâu.
- Hì hì... Thế biết gọi thế nào... Chỗ đông mà.
- Chịu.
- Mùa ơi, mẹ bảo này...
- Mẹ dặn gì con.
- Sang bên kia, tới nhà, con giúp anh Lim bưng lễ nhá.
- Có thế mà mẹ cũng phải bảo. Con biết rồi.
Thuyền chuẩn bị cập bến. Mùa đi sát vào Lim:
- Để em gánh cho nào.
- Lên trước đi. Kìa, bà gọi...
- Vâng, vâng... Con đây. Lúc nào mệt phải cho em gánh đỡ đấy nhá...
Đám đón dâu lên thuyền. Đoàn người lại rồng rắn theo dốc đê ngoằn ngoèo nối đuôi nhau. Tiếng cười nói đã vợi. Nhịp bàn chân nhanh hơn. Chẳng mấy chốc họ đã tới nhà cụ Cự. Cánh cổng có dán giấy hồng điều mở rộng. Trước cổng một dây pháo dài đã được châm ngòi. Tiếng tạch đùng mù mịt cùng xác pháo. Bọn trẻ xúm quanh hò reo rồi tranh nhau nhặt pháo lép. Tiếng chào mời thưa gửi giữa đôi bên nhà trai nhà gái.
Cánh cửa buồng Hớn khép hờ. Cụ Cự ngồi gian giữa, mặc áo nâu sồng, cổ đeo vòng tràng hạt. Theo người hướng lễ, ông Đá chầm chậm đi đến trước mặt cụ Cự quỳ vái ba vái...
Ông chú họ ông Đá mặc áo gấm tía, tay chắp phía trước bụng, mắt nhìn các phía rồi cất giọng:
- Thưa trên có các cụ, các ông các bà, các bác, dưới có các chị, các em, các cháu. Hôm nay được ngày tốt, gia đình chúng tôi có cái lễ mọn, cơi trầu vơi gọi là một chút lòng thành sang đây trước là lễ tô tiên sau vái cụ, xin cụ cho cháu Hớn về làm dâu con nhà chúng tôi...
Cụ Cự sè sẽ đứng lên đi về phía buồng con gái. Theo cụ có hai chị nữa người cùng làng, trạc tuổi Hớn. Mọi người nhìn theo bóng người mẹ già chầm chậm đi vào buồng con gái làm cái công việc cuối cùng là gả chồng cho con.
Lẳng lặng chờ đợi. Cánh cửa buồng mở rộng. Lát sau có tiếng gì đổ vỡ. Tiếng người cầu cứu:
- Cụ ơi, cụ tỉnh lại đi...
- Các ông, các bà ơi...
Cụ Cự nằm bất tỉnh trên nền đất lạnh, da mặt tái xám. Hớn đã bỏ đi đâu từ lúc nào chẳng ai biết. Đám cưới như ong vỡ tổ. Ông Đá cùng đám bạn trai hầm hầm ra về. Lim gánh đôi quang thúng chạy theo giữa đường đã bị ông giằng lấy đám mâm, bát rỗng quẳng xuống cái chuôm bên đường. Đêm ấy về nhà, bà Chiêm chỉ biết ngồi lặng nhìn ông Đá uống rượu khan. Mùa lặng lẽ ôm chặt vai mẹ tấm tức khóc...
Sau chuyện này cụ Cự mất mặt với làng xóm. Cánh cổng gỗ nhà cụ đóng im ỉm. Chỉ có mấy đứa cháu gọi bằng cô, bằng dì, bằng bà qua lại chăm nom. Ít lâu sau người nhà toáng lên tìm cụ. Họ bảo, mới tối còn cơm nước cho cụ, buông mùng cho cụ mà sớm nay tới, nhà rỗng không. Mọi người bổ nháo đi tìm. Họ ra chùa, ra đình. Họ tới những chỗ cụ Cự hay tới. Mãi sau, tại một đoạn sông Sỏi, đoạn bờ hơi uốn khúc người ta mới tìm ra một chiếc áo dài nâu, một vòng tràng hạt để lại trên một đám cỏ xanh. Cũng từ đấy nhìn ra, mặt đất hằn những vết chân người, cứ thoai thoải lần theo xuống đến tận mặt nước thì mất...
Người ta bảo chỗ cụ Cự trẫm mình là chỗ ngày xưa cô Hớn một lần giấu cụ đi tắm sông bị mang tiếng vì đám thợ gặt giấu váy. Đây cũng là chỗ rất lâu sau này Hớn nhảy ào xuống kì cọ sau lần đầu ăn nằm với Ngoẵng ở quán ngói và cũng là chỗ cụ Cự tìm thấy con gái mình sau cái buổi sáng mất tích. Từ đấy khúc sông này được người Sỏi Thượng, Sỏi Hạ gọi là khúc sông oan nghiệt.
Được tin dữ, bà Chiêm đã mời thầy sắm vàng mã, hương hoa nải quả về lập đàn ở khúc sông này cúng cho người đã khuất. Bà Chiêm mặc áo xô, khăn xô quỳ bên mâm lễ. Hương khói ngào ngạt cả một khúc sông. Lễ xong, đồ vàng mã, cùng áo xô khăn xô mặc trên người bà Chiêm được hoá rồi thả trôi tro than xuống dòng sông.
"Con nam mô a di đà Phật, con lạy chín phương trời, con lạy mười phương đất...".
Bà Chiêm chắp tay vái lạy dòng sông, bầu trời, mặt đất. Mái tóc đã bắt đầu đốm bạc của bà cứ đập đập trên nền đất ướt ở sông Sỏi mà cầu nguyện. Những khao khát ở đời, những oan ức ở đời phải chăng là định mệnh, nó bám lấy mỗi thân phận mà co kéo, giằng xé, để rồi như một lẽ thường tình có mất còn, buồn vui, hờn giận, có cái như điều mình mong, nhiều cái chẳng được như điều mình muốn cho, vì sao? Vì sao!
Bà Chiêm hỏi mà chẳng thể trả lời. Bởi sau câu hỏi ấy bên khúc sông oan nghiệt cụ Cự trẫm mình bà còn phải tiếp tục hỏi nữa, cho chính mình và ruột thịt của mình. Câu hỏi ấy có liên quan đến Lim, đến Mùa sau đó ít lâu. Đợi chuyện của bố nguôi nguôi, Mùa đã tâm sự với mẹ về chuyện riêng của mình. Bà Chiêm không lạ vì lâu nay để ý thấy con có tình cảm với Lim, bà cũng vân vi nửa mừng, nửa lo. Mừng vì Mùa chọn được người tốt cho cuộc đời mình. Lo vì, hoàn cảnh hai đứa có khác nhau liệu ông Đá có ưng cho hai đứa nên duyên chồng vợ.
Bà Chiêm đã chọn lúc thuận nhất để nói chuyện này với chồng. Ông Đá trừng mắt gạt đi ngay:
- Không có chuyện ấy. Tôi cấm.
- Nhưng chúng nó thương nhau rồi. Chuyện trai gái mà giữ sao được. Con dại cái mang - Bà Chiêm sụt sùi.
- Sao?
- Ông không nghe tôi nói à?
- Trời...
Ông Đá đập bàn, hét ầm lên:
- Bà là quân nối giáo cho giặc.
Bà Chiêm chết lặng về câu mắng của chồng. Câu này có nhiều ý, ý nào đối với bà cũng đau cả.
Vào một đêm, lấy cớ Mùa với Lim dan díu với nhau ở túp lều trong vườn ông Đá đã sai đầy tớ lôi hai người về giữa sân hỏi tội:
- Ai cho phép chúng mày?
- Chúng con... - Mùa ấp úng.
- Mày còn coi bố mày ra gì nữa không hả Mùa.
- Bố cho phép con được lấy anh Lim làm chồng.
- Trời ơi..
Cái gậy cầm trên tay ông Đá vung lên. Lim lao lên che cho Mùa. Đầu Lim toé máu. Mùa lao vào ôm chặt lấy Lim, tránh đòn cho Lim. Cả bà Chiêm cũng lao vào che đòn cho hai người, ông Đá ngồi thở hồng hộc như thú bị thương:
- Chúng mày đâu, trói hai đứa lại cho tao!
Tự tay ông Đá đi chặt chuối. Ông sai đầy tớ đóng bè. Ông định sáng sớm mai sẽ lôi Mùa và Lim cho lên bè rồi thả xuôi sông Sỏi. Ông không muốn nhìn mặt họ nữa.
Khuya ấy, nhân lúc chồng đang gà gật, bà Chiêm đã lần xuống nhà ngang, cởi trói cho Lim và Mùa. Mẹ con thì thầm gì với nhau trong bóng tối rồi Mùa dắt Lim theo lối vườn trốn đi. Sáng sớm mở mắt ra, không thấy Lim và Mùa còn khuôn mặt của bà Chiêm thì lành lạnh. Ông Đá lại nổi cơn lôi đình. Lần này tất cả chum vại trong nhà bị ông đập vỡ. Bà Chiêm chỉ ngồi nhìn mà không can:
- Nó là con mình mà sao ông coi nó như kẻ thù. Đập vỡ hết rồi làm sao mà hàn lại.
Mặt ông Đá như mảnh sành vỡ:
- Cút!
Nhìn tay chồng như mũi giáo chỉ thẳng vào mặt mình bà Chiêm lẳng lặng đứng lên. Không một chút chần chừ, bà đi ra cổng rồi đi tiếp nữa. Bà muốn xa chồng một thời gian.
Nơi bà đến lúc này là hai đứa con của cô Thác đang cần người chăm sóc đỡ đần. Xa nữa sẽ cố gắng lần tìm ra tung tích Hớn, nói với cô ấy lời tạ lỗi về cái sự ép dầu ép mỡ này. Cũng nhân tiện đưa cô ấy ra khúc sông oan nghiệt thắp hương tạ tội với mẹ ở cái miếu nhỏ bà mới xây thay nấm mộ cụ Cự đắp giả để tưởng nhớ ở chỗ cụ để lại chiếc áo. Với Lim và Mùa bà chẳng còn có gì phải lo cho chúng nó nữa. Ông Đá cũng vậy. Nóng mãi rồi có lúc phải nguội. Bà chỉ trách mình lòng tốt mà vụng tính nên chẳng có cái gì thành. Các cụ dạy đâu có sai. Đời này đố ai nắm tay được suốt ngày. Ai cũng bảo bà khôn ngoan. Riêng bà, bà thấy mình có nhiều lúc dại. Âu đấy cũng là chuyện con người!
Bà Chiêm chỉ mong mình ít nghĩ ngợi đi nhưng sao tiếng thở dài thì nhiều lúc vẫn hắt ra não nuột. Nỗi buồn chẳng vô tình khi số phận vẫn như cố ý.
Trời đất sinh ra đàn bà đàn ông để được mê muội và sung sướng! cả đau khô nữa. Nào có lỗi gì khi sự có mặt của họ chỉ làm cho cuộc đời này được trọn vẹn; sự sống trường tồn, tình yêu bảo lưu và nối tiếp. Chỉ cần thiếu đi một nửa trong số họ, trái đất sẽ trở thành một cục đá vô duyên.
Ở với nhau, đem hạnh phúc cho nhau và cả nỗi khổ đau như món nợ đồng lần giữa họ...
Ôi, đàn ông và đàn bà!