Liệu có chuyện tính toan
trong nỗi ngổn ngang tình
Đừng có buộc lòng bằng niềm không tưởng
Kẻ xếp đặt nhân duyên, hoang tưởng
Khi lòng người không nhau!
Cuối cùng thì con gái mình cũng có người hỏi đến. Nhà người ta giàu sang, tử tế. Tuy về làm lẽ thật nhưng cứ như cái cách ứng xử của cái nhà vợ cả ấy cụ Cự thấy yên lòng, vả lại con cái Hớn đã cứng tuổi như vậy lại - nói giấu - lời ra tiếng vào như thế vớ được cái nhà ông Đá hiếm con thì khác gì chuột sa chĩnh gạo. Ông Đá, cụ chưa gặp. Vợ ông ta thì đã mấy lần giáp mặt. Người đâu mà chu đáo có trước, có sau. Tìm vợ cho chồng cũng là cái gan lớn của đàn bà. Hơn nữa tìm đến tận nguồn sông cuối bãi cũng có thể coi là người cẩn thận, cặn kẽ.
- Hớn ơi, mẹ bảo này...
Tối qua Hớn kêu mệt xin mẹ đi ngủ sớm nhưng cụ đã gọi dậy để trò chuyện.
- Mẹ để đến mai có được không. Giờ con thấy chóng mặt lắm.
- Mẹ chỉ nói đôi câu thôi.
Hớn mệt mỏi ngồi dậy. Cô vuốt lại mớ tóc xõa. Đôi bàn tay uế oải vấn lên vấn xuống mấy lần. Nhìn nước da mai mái dưới ánh đèn của con cụ Cự thở dài:
- Dạo này mày làm sao thế hở con? Ăn bữa đực bữa cái. Ngủ cũng vậy. Lúc thì mê mệt. Lúc thì trở mình suốt đêm. Mày có ốm đau gì thì nói ra để mẹ cho tiền mà đi bốc thuốc.
- Con vẫn bình thường.
- Giấu gì thì giấu nhưng đừng giấu bệnh.
- Con nói thật đấy.
Giọng Hớn trơn tuột. Đôi mắt cô nhìn ra khoảng sâu tối thỉnh thoảng lại chóp chớp như vân vi điều gì. Cụ Cự cảm thấy nét buồn khổ trên mặt con. Cụ biết Hớn vẫn còn vương vấn cái nhà anh phó Ngoẵng. Điều này là không thể. Nó con đàn con lũ, lại tai tiếng trai lơ cả một vùng như thế làm sao con cụ có thể bước vào được. Người khôn chọn nước đầu nguồn mà uống còn con cụ sao cứ chúi mãi vào cái vũng trâu đằm mà không thấy đục. Đã nhiều lần cụ nói với nó. Mới đầu nó cãi sau thì cắn răng chịu. Có gặng hỏi nó chỉ buông một câu gắt gỏng:
- Con thôi rồi, mẹ đừng hỏi nữa.
Thôi là thôi thế nào. Nhìn cung cách sống của nó dạo này cụ biết. Cứ vẩn vơ như người bị ma ám.
Nhìn con thấy xót ruột mà chưa tìm được cách chữa. May mà có nhà bà Chiêm nhờ người đến dạm lời. Cái bà mối đến khéo. Trông thấy cụ là chào thật to như là đã quen lâu lắm.
- Con lạy cụ ạ! Cụ chắc chẳng biết con nhưng con thì biết cụ lâu lắm rồi ạ. Các cụ vãi ở chùa ai mà chẳng nức tiếng cụ Cự thông lầu kinh sử. Cả cái cô em cô họ xa của nhà con nữa cũng nức tiếng cụ.
- Bà nói cô nào?
- Ôi, cụ không nhớ à? Cái đứa nó mang lụa sang cho cụ với cô Hớn may áo ấy.
Cụ Cự chậm rãi gật đầu:
- À, nhớ, nhớ ra rồi. Bà Chiêm ở bên kia sông Sỏi phải không?
- Đúng là dì cháu đấy. Hì hì... Người hiền lành làm vậy, giàu có làm vậy mà cũng vất vả gian nan lắm kia cụ ạ! Thóc gạo trâu bò thì chả cần phải tính...
- Bà bảo sao? Người như vậy mà còn vất vả ư!
- Cụ cứ nhìn nét mặt em con mà xem. Hồi con gái là xinh nhất vùng đấy. Lấy chồng đẻ mãi mới được mụn con gái. Trời cho cái này trời đòi cái khác đâu có được hết. Cầu cúng mãi vẫn chẳng được nên da dẻ thần sắc nó cứ héo đi. Còn được cái nụ cười với đôi mắt. Cái tướng ấy vừa hiền lành lại giỏi giang phải biết.
- Bà nói phải. Trò chuyện với bà Chiêm tôi biết. Con người ấy là quý hoá lắm.
- Em gái con cũng thưa về cụ như thế đấy ạ! Cô ấy, ấy chết, dì ấy còn bảo, cụ đức độ vậy mà vẫn còn chưa nhẹ gánh đâu. Lúc nào em Hớn nhà mình yên bề gia thất thì cụ mối gọi là chính quả.
Cụ Cự nhìn bà khách ngạc nhiên:
- Bà cũng quen con Hớn nhà tôi.
- Dạ không ạ! Quen thì con chưa nhưng tài may vá của em Hớn do cụ truyền cho thì cả vùng này ai mà không biết ạ. Đúng là con nhà tông...
- Bà nói quá...
- Chả cứ gì con nói. Khắp vùng sỏi này ai cũng khen tài khâu vá của con gái cụ Cự.
Cụ Cự thở dài:
- Vậy mà vẫn lẻ bóng đấy bà ạ!
- Tài mệnh tương đố mà cụ. Nhưng cụ ơi, trời có mắt ạ! Chả ai phải khổ mãi đâu. Lúc này là cái duyên cái số nó sắp đến rồi đấy ạ!
Cụ Cự vẫn thở dài. Lâu nay ai nhắc đến chuyện Hớn là cụ lại thở dài. Hình như thở dài đã thành căn bệnh mãn tính của những ai hay có chuyện buồn.
Như để cho nỗi buồn vừa khơi lên kịp lắng xuống, cụ Cự đưa trầu cau mời khách. Tự cụ cũng lấy cau trầu cho vào cối giã. Bà khách nhanh nhảu đỡ lấy côi trầu:
- Cụ để con làm cho...
Miệng nhai trầu, tay giã trầu của bà khách khiến vị thơm của món ăn dân dã có phong vị hơn với không khí của câu chuyện.
- Thưa cụ, chúng con cũng chả dám giấu cụ lâu cái ý định của mình. Dì Chiêm cũng muốn sang hầu chuyện cụ lắm nhưng chưa dám. Con thì... thôi đành phải thay em vác cái mặt sang đây cho cụ mắng chửi.
- Ấy chết sao bà lại nói thế. Đã có chuyện gì đâu mà bà phải nói thế.
Bà khách chằm bặp lấy đôi tay gầy của cụ Cự:
- Có đấy cụ ạ. Con chưa thưa chuyện, cụ chưa biết thôi. Chả là... Cụ có cho phép con mới dám nói.
- Bà cứ tự nhiên.
- Con xin được thưa trước. Nên thì cụ cho lời khen, chả nên thì xin cụ cứ lấy lá cầm tay đuổi đi. Con là con nghĩ mãi hàng tháng nay giờ mới sang để xin thưa chuyện...
Cụ Cự đã ra vẻ sốt ruột. Cụ láng máng hiểu ra chuyện gì đang sắp tới từ cái bà khách khéo miệng này. Mà hình như bà ta đang muốn cho cụ phải nói ra hay sao mà cái giọng cứ dền dứ ngọt xớt.
- Cụ ơi cau nhà cứ ngon như cùi dừa ấy!
- Bà ăn thêm miếng trầu nữa rồi có chuyện gì nói cho tôi nghe.
Cụ Cự đã có vẻ cao tay hơn bà khách. Bà khách phấn khích trong men trầu cứ cười cười, giả lả tìm cớ thân tình. Bà vui vẻ đỡ thêm miếng trầu nữa từ tay cụ Cự. Miệng bà lại đỏ lên sau một lúc nhai miếng trầu. Lấy tay quết nước trầu ứa quanh môi bà khách thưa:
- Dạ, thưa với cụ, hôm nay con sang, chả dám giấu gì, muốn xin phép cụ cho anh Đá con được sang làm con cái cụ.
- Đá nào... Tôi chưa biết.
- Anh Đá con, chồng cái dì Chiêm mà cụ đã biết đấy ạ! Khổ, đức độ vậy, giàu nứt đố đổ vách ra mà chỉ có mỗi mụn con gái. Mà con gái thì làm sao nối dõi được cụ ơi... Anh ấy cũng là người quyền thế trong làng. Tuy lấy em gái con thật nhưng con vẫn kính trọng gọi là anh đấy cụ ạ!
Tiếng bà khách kéo dài. Cụ Cự đã hiểu. Đây là cái con mụ môi. Ngữ này chẳng ai là không khéo miệng. Bà ta, cứ nghe cách ăn nói cụ không có ưa nhưng chuyện mà bà ta đặt ra cụ lại thấy có cái gì hợp bụng. Đúng là, người thì ghét nhưng việc lại ưng. Bà Chiêm chắc chả có họ hàng gì với con mẹ này.
- Bà nói thế là tôi hiểu rồi. Chắc là bà Chiêm nhờ phải không?
- Dạ đúng thế ạ. Chị em con đã bàn nhau. Trước hết là con sang thưa chuyện với cụ. Nếu được cụ cho phép dì cháu mới dám sang xin cụ!
Cũng phải lẽ. Dù là họ hàng hay chỉ là bà mối thì việc kia cũng chỉ nhằm một ý. Tội một nỗi là con gái cụ chẳng chọn được nơi làm chính thất. Tuy nói ra miệng là dù lẽ mọn ai đứng đắn, tử tế xin cũng cho. Nhưng đến chuyện hai mặt một lời này cụ lại thấy mủi lòng.
- Tôi chỉ thương em đang gái chính chuyên lại rơi vào cảnh lẽ mọn.
- Cụ ơi... Lẽ mọn nhà anh Đá thì bằng mấy chính chuyên nhà người khác. Với lại cụ xem, bằng tuổi em Hớn nhà mình, nếu là duyên sớm có người sắp được gả chồng cho con rồi.
- Bà nói thế hoá ra...
Bà mới chợt lo khi cụ Cự hỏi lại. Bà biết mình hớ lời nên nói chữa ngay:
- Không phải thế ạ. Ý con là muốn nói, cái duyên cái số nó trói chặt hai nhà lại. Chả thế mà dì cháu nhà con gặp được em Hớn là ưng ngay. Đúng là ơn đức của cụ sinh ra em để cho anh Đá nhà con được bầu bạn, chăm sóc. Duyên muộn mà phải đôi, phải lứa lại chả tươi tốt gấp năm, gấp mười duyên sớm í à thưa cụ.
Cụ Cự lại sốt ruột nữa. Nghe mãi giọng bà mối cụ cứ thấy nó giả giả thế nào. Giọng ấy, nếu ở giữa đường, giữa chợ chả ai tin được. Vậy mà, lúc này dù có lấy nước đường phèn ra đọ cũng chả ngọt hơn được cái chuyện bà ấy đưa ra. Cả hai lẽ như chả ăn nhập nhau mà lại hợp vị đến vậy. Bà ta nói chả trách vào đâu được. Có điều cụ không thích người bẻm mép. Con gái cụ được cái miệng này vun vào, được là phúc lớn, nhỡ không may chả thành, vẫn là từ cái miệng ấy nó tung ra thì mẹ con cụ chỉ có đưa nhau đi chỗ khác mà ở. Là gái chưa chồng thật, nhưng con cụ đang có vết. Chuyện đâu có thể kín bưng như trống mãi được. Mẹ cố giấu cho con nhưng miệng thiên hạ liệu có giấu. Nhiều lần đi trên đường, nghe người ta nói sau lưng, cụ đành phải giả điếc làm ngơ. Nay chuyện này đến, cụ có vẻ làm cao với bà mối nhưng thực bụng là vân vi nhiều nỗi.
- Bà nói vậy tôi biết vậy. Cũng có nhời cảm ơn bà đã quan tâm tới em. Bố mẹ nào cũng mong cho con cái ấm cửa, ấm nhà. Bà cứ về nói với bà Chiêm thế. Còn chuyện kia, cứ nói với bà ấy hôm nào tốt giời sang tôi. Lúc ấy, có chuyện gì nói với nhau cho hai mặt một nhời là tiện nhất.
Bà mối chỉ cần có thế. Biết là mình nói nhiều, có lúc thấy mỏi miệng nhưng chẳng thể khác mỗi lúc hành nghề. Vào việc, bà như kẻ đội bát nhang nhập đồng. Thế là liến thoắng, lời nọ tiếp lời kia. Toàn những lời hay, lẽ phải. Toàn những đường mật. Lời khen nhiều khi chả biết đâu là thật nhưng cứ khen. Đã chết ai khi chỉ biết khen. Đời là vậy. Cái nghề bà mối cũng là vậy. Bây giờ thế là xong việc. Được việc rồi lòng bà mối lại rỗng roãng như ruột được thông. Cái nghề nói khéo cho bà cái cảm giác ấy.
- Cụ ơi, bây giờ con về được chưa?
- Vâng, bà lại nhà.
- Thế hôm nào dì cháu sang thưa chuyện với cụ được ạ?
- Tôi nói rồi thôi. Cứ nói với bà ấy hôm nào tốt giời sang cũng được. Chuyện cả đời người chứ phải đâu là con cá lá rau ở chợ.
- Dạ...
Bà mối dạ một tiếng nhẹ bẫng. Cái tiếng dạ như có như không này nó cũng sáo rỗng như cái miệng của bà khi mà xong việc rồi, lúc ra về bà thầm nghĩ về Hớn và cụ Cự. Cái lối nghĩ thẳng tưng ngoài đạo đức của nghề mối khi mà miệng bà lẩm bẩm:
"Báu lắm đấy mà phải làm cao. Mõm hết cả cuống ra người ta nhặt cho là phúc lắm rồi. Bà lão đến đáo để. Cứ chặn trước, chặn sau. Thì cứ ừ cho người ta một tiếng để đỡ đường đi lại không nào. Trót lỡ hứa với nhà Chiêm là chị chỉ nói một câu là xong ngay, nào ngờ. Cứ phải sang để bắt tận tay, day tận mặt cơ. Người đâu, sắp xuống lỗ rồi mà vẫn chắc như nêm cối. Cũng đành vậy. Làm nghề nào chịu nghề ấy...".
Bà mối đã nói lại chuyện với bà Chiêm giọng không được vui lắm vì không được như lời bà đã hứa. Bà Chiêm lại cho rằng đó là phải.
- Cụ ấy tính thế là đúng đấy thôi. Con gái người ta bằng thật chứ có phải cái gì đâu mà mình nóng ruột được hả chị. Chị giúp được nhà em như thế là tốt lắm. Em chỉ cần có lời trước với cụ Cự, được cụ nhận lời là vui rồi. Em cám ơn chị.
Bà Chiêm đã xong một việc, việc khó nhất. Cánh cửa nhà cụ Cự đã mở đang chờ bà sang, cẩn thận hơn, bà đã nhờ thầy xem ngày tốt, giờ tốt rồi nhắn sang để cụ Cự biết, xem ý chỉ bảo của cụ.
Cụ Cự đã nhận lời để sớm mai cho phép bà Chiêm mang lễ sang. Việc đã đến thế này mà con Hớn nhà cụ lại dở chứng. Buổi chiều biết tin mặt nó sọp hẳn. Bữa cơm chỉ và lưng bát rồi đứng dậy.
Bây giờ thì nó ngồi đây rũ ra trong bóng đèn nhìn mẹ chẳng nói, chẳng rằng. Còn cụ thì như người vừa được cởi ách lại bị đóng ách:
- Con thương mẹ. Con nhận lời đi cho mẹ mừng. Âu cũng là đến cái duyên cái số rồi. Nhà người ta như vậy, cũng chẳng nỗi nào. Con đã sang bên ấy rồi con biết. Đúng là... Mà thôi mẹ chẳng nói nữa. Con cứ ngủ đi cho lại sức để sớm mai cùng mẹ tiếp người ta. Con phải vui lên đấy. Con có vui mẹ mới vui...
Hớn khẽ khẽ gật đầu nói trong nỗi nghẹn ngào:
- Thôi mẹ đi ngủ đi. Con biết rồi...
- Đời con gái có thì Hớn ạ. Mẹ không khéo tay chăm nên để con phải muộn mằn thế này cũng nhiều điều ân hận lắm. Nay duyên nó đến, không thật mỹ mãn lắm nhưng đành vậy. Người ta cũng chẳng đến nỗi nào.
Hớn đã nín khóc:
- Con biết rồi mà. Mẹ cứ đi ngủ đi. Nghĩ về con nhiều làm gì cho mệt. Mẹ có lỗi gì đâu. Con vụng đường nhân duyên con chịu. Người muốn chả được người không lại đến, không ngờ...
- Con nói gì?
Máu nóng lại nổi lên trong đầu cụ Cự. Câu than trách của Hớn đã chạm vào nỗi lo, sự cấm của mẹ.
- Con cũng chỉ nói thế chứ có gì đâu mà mẹ phải hỏi.
- Tôi là tôi biết chứ. Ngần này tuổi đầu mà lại không hiểu được cái mối tơ vương tóc rối của chị sao? Mẹ đã nói rồi. Cái thằng trai lơ như thớt cối ấy là tao cấm. Mấy đời nhà nó lăng nhăng, còn vương vấn cái nỗi gì. Bây giờ thì đấy. Người ta có lời rồi. Một là về làm hai anh chị Đá còn không thì gọt tóc đi tu.
Cụ Cự đứng dậy, vẻ giận dữ nhìn Hớn rồi phẩy tay đi ra ngoài. Hớn nhìn theo mẹ, môi mím lại, vẻ cay đắng:
- Con đã nói con biết rồi mà mẹ còn giận dữ làm gì.
Tiếng cụ Cự từ ngoài vọng vào:
- Thế đứa nào khơi chuyện cũ ra?
- Ấy là con nói thế...
- Không!
- Nhưng... Con muốn nói...
- Nói cũng không được!
- Thì vâng vậy. Đời con mẹ chọn. Mai này sướng khổ thế nào mẹ chịu.
Tiếng cụ Cự đay nghiến, rền rĩ:
- Không phải dạy tôi.
Im lặng. Im lặng đến ghê người. Chỉ nghe tiếng giun dế than vãn. Tiếng gió vật vờ. Bóng đêm chập chờn trong ánh mắt. Hớn ngồi bó gối dựa lưng vào góc tường. Cụ Cự nằm giường ngoài chốc chốc lại trở mình. Những âm thanh này không làm nguôi được nỗi im lặng vật vã của hai tấm lòng một già, một trẻ trong cái đêm chờ đợi...
Gà gáy sáng đã thấy Hớn xuống bếp. Tiếng nước rơi vào ấm. Ánh lửa rơm hắt ra sân. Cụ Cự nhổm người ngó xuống nghe ngóng mà cảm thấy có phần mừng. Lát sau cụ cũng thức dậy. Đôi tay già cẩn thận lau lại bàn thờ. Chiếc giẻ được giặt sạch di đi di lại quanh bát nhang, ống hương, cây cắm nến. Bộ ấm chén uống nước cũng được kì cọ sáng bóng.
- Mẹ để con làm cho.
- Kệ mẹ. Con ra bắt con gà sống hoa làm thịt để cúng các cụ.
- Con nghĩ nhà người ta mang lễ sang chứ ạ!
- Đấy là việc của người ta. Việc của mình là thắp hương xin phép ông bà tổ tiên trước.
- Con hiểu rồi.
Tiếng gà kêu quang quác. Lát sau con sống hoa đã được Hớn vặt sạch lông, bắt chéo cánh, chân thúc vào bụng... rồi đem luộc. Hớn làm như thói quen mọi bận vẫn làm. Cô đã có một đêm nghĩ đến bầm gan nát ruột để đến lúc này thân thể tuy phờ phạc nhưng vẫn đủ tỉnh táo để làm những phần việc cho yên lòng mẹ. Đành vậy cho dù cái hơi ấm của chuồng rơm trong lúc yêu vội thương vội Ngoẵng như còn đang oằn lên trằn diết lấy cơ thể Hớn. Ôi chao, cái sự hấp tấp ấy, cho dù chả được hả hê bên nhau như lúc ở cái cầu ngói, gốc đa giữa đồng mà sao Hớn như được uống một bát nước đầy lúc khát, ăn một trái cây khi vừa chín. Rồi sau đó, tuy có chạm mặt Sành vợ Ngoẵng để phải nói lời cắt đứt mà sao cái vị đàn ông oi khói thuốc của chàng phó cối như lặn miết vào da thịt Hớn chẳng chịu buông tha. Đời Hớn đã có ai ngoài Ngoẵng. Nghĩ đến đàn ông là Hớn nghĩ đến Ngoẵng. Con cá kia chết mệt vì mồi, còn Hớn chết mệt vì cái bàn tay thô ráp, cái thân thể trơn nồng của Ngoẵng. "Anh Ngoẵng ơi...", Hớn nhiều khi thầm kêu lên câu ấy để mà nhớ, mà thương. Trai gái phải hơi nhau là vậy. Nhưng rồi cảnh ngộ, nỗi đau buồn của mẹ cùng sự cay nghiệt của bà nữa đã bắt Hớn phải cầm lòng. Nhận lời lấy ông Đá, Hớn không còn được tơ vương với Ngoẵng. Lúc ấy có muốn cho cũng chả dám. Nhưng từ chối thiện tình của bà Chiêm liệu Hớn có được yên bề mà sống với Ngoẵng khi mà mẹ luôn luôn như ông hộ pháp bên cạnh. Thôi thì... Cả đêm nghĩ ngược, nghĩ xuôi có lúc cả nghĩ quẩn nữa để sớm nay Hớn như thay đổi tính tình, răm rắp làm mọi việc theo ý mẹ.
Cụ Cự mặc chiếc áo lụa may bằng loại vải tốt mà dạo nào bà Chiêm bán cho. Hớn thì mặc áo gụ, yếm đỏ. Cô chọn màu này vì dạo này da dẻ có phần xanh tái nên mượn màu vải đỡ đần cho nền người. Hai mẹ con chờ khách. Cụ Cự có miếng trầu làm vui. Hớn thì rỗi chân rỗi tay. Cơn buồn ngủ kéo đến. Cô ngáp ngắn ngáp dài chỉ thèm được ngả lưng. Cụ Cự biết con gái mệt, bảo:
- Con vào buồng chợp mắt lấy một tí đi.
- Con không sao đâu mẹ. Khách người ta đến bây giờ đấy mà.
Rồi như chợt nghĩ ra điều gì đó, Hớn nói tiếp:
- Mệt thì con không mệt nhưng người ta đến chạm ngõ con lại cứ trơ trơ cái mặt ra thế này có đúng không hở mẹ.
- Nào có sao. Chỉ có nhà chị Chiêm với cô làm mối chứ có ai nhiều mà con ngại...
- Vẫn biết là vậy. Quen thì có quen nhưng việc này là việc khác. Còn lệ làng, phép nước nữa...
Hớn ra vẻ sâu sắc. Cụ Cự nhìn con thấy lạ nhưng nghe ra cũng phải:
- Ừ thì con cứ đi vào buồng nghỉ ngơi. Có gì cần mẹ sẽ gọi.
Hớn vào buồng chốc lát rồi lại quay ra:
- Sao thế con?
- Có nằm cũng chả ngủ được. Mẹ cứ để con xuống bếp ngồi cho đỡ mỏi người.
Cụ Cự mừng hơn về sự ý tứ của con gái. Nó làm vậy là giữ thể diện cho mẹ đấy. Ai lại người ta đến dạm hỏi con mình mà cả hai mẹ con cùng tiếp còn ra cái thể thống gì. Làm lẽ thì làm lẽ nhưng chỉ kém chính thất có một bậc. Cụ tu nhân tích đức một đời không nhẽ lại để mẹ phải đi hỏi chồng cho con. Lẽ thì lẽ thật nhưng cũng có cái giá của nó. Cụ Cự cũng có lúc muốn những điều cơ bản nhất phải được đàng hoàng.
Bà Chiêm, bà mối chưa đến cửa đã xởi lởi câu chào:
- Hai chị em con chào cụ ạ!
Mùa gánh đồ lễ đi theo, cũng theo mẹ lễ phép:
- Cháu chào bà ạ!
Bà Chiêm đưa mắt nhìn đây đó rồi nhìn cụ Cự:
- Em con đâu rồi hả mẹ?
Bà Chiêm gọi cụ Cự là mẹ tự nhiên như từ lâu đã xưng hô như thế. Cụ Cự có vẻ bối rối nhưng vui.
Người già trước những xúc động vẫn có nét ngượng nghịu đáng quý:
- Không dám. Bà đừng gọi tôi như thế.
Bà mối liến thoắng:
- Hôm nay em con không gọi cụ là mẹ còn đợi đến bao giờ mới gọi nữa ạ.
Bà Chiêm tiếp lời:
- Mẹ cho phép con.
- Mẹ ơi, đây là cháu Mùa. Cháu nó vừa chào bà đấy ạ. Từ nay cháu là cháu bà, là con của dì Hớn. Mừng quá là mừng, thế là mong muốn của chúng con sắp được trọn vẹn. Anh Đá nhà con cũng có lời xin phép mẹ trước là hôm nào được ngày sẽ sang lễ mẹ, lễ tổ tiên, ông bà nội ngoại.
Cụ Cự khẽ gật đầu. Mùa gánh đồ lễ đặt lên hè. Bà Chiêm, bà mối xăng xái bày lễ. Lễ có gà, có ván xôi. Con gà trống mào cờ vàng au nằm phủ phục trên mâm xôi trắng. Chú gà ngậm bông hồng đỏ tươi rói như muốn vung đôi cánh để trần mà cất tiếng gáy. Buồng cau, quả to, tròn, xanh xẫm như chẳng có gì đầy đặn xum xuê hơn thế. Rồi là trầu lá xếp lớp, chè móc câu gói vuông vức buộc lạt đỏ... Tất tật được bày trên bàn thờ làm thành một mâm cúng chạm ngõ thịnh soạn.
Cụ Cự nhận từ tay Mùa ba nén hương vừa được châm lửa. Đôi bàn tay già run run đưa lên cắm vào bát hương. Cũng đôi bàn tay ấy chắp lại đặt lên trước ngực lầm rầm khấn vái. Sau cụ Cự là bà Chiêm, bà mối và Mùa sì sụp lễ theo. Tất cả đều cung kính chân thành.
Lễ xong cụ Cự nói:
- Tôi cũng định mời đôi bên nội ngoại đến chứng kiến ngày này nhưng sau nghĩ lại thấy chả nên. Nói thật với hai bà, nếu đúng như tục làng thì chả đến nỗi đợi đến bây giờ.
Bà mối đỡ lời:
- Con nghĩ, việc đến lúc nào là duyên đến lúc ấy ạ. Cứ gì phải kể đến tuổi tác. Người muộn mà duyên nồng chẳng bằng mấy kẻ sớm mà duyên ôi...
Bà Chiêm khéo hơn:
- Mẹ ơi, thế này là phúc đức cho nhà con lắm rồi. Lúc mới nghĩ đến vợ chồng con cứ sợ mẹ không cho. Nay thì, có bắt được vàng được bạc cũng chẳng sướng bằng điều mẹ đang ban phát.
Mùa nghe người lớn nói chuyện để biết, còn thực lòng cô đang băn khoăn vì sao ngày vui thế này mà chả thấy dì Hớn đâu. Tuổi mới lớn của Mùa cứ thấy là lạ về chuyện này:
- Bà ơi, dì Hớn nhà mình đi đâu ạ?
Cụ Cự cười:
- À... dì cháu đang ở dưới bếp.
Bà mối giải thích cho Mùa hiểu:
- Dì cháu sắp đi lấy chồng nên giữ ý cho nó phải phép đấy Mùa ạ!
Bà Chiêm vội đứng lên:
- Xin phép mẹ cho con xuống với em một tí.
- Bà để tôi gọi cho.
- Con tự xuống cho nó tình cảm mà mẹ!
Bà Chiêm đi xuống bếp chốc lát đã quay lên, ngơ ngác:
- Mẹ ơi, chả thấy em đâu cả ạ!
Cụ Cự hơi chột dạ, đứng vội lên:
- Quái lạ. Vừa nãy còn ngồi đây với tôi rồi nói con xuống bếp. Hớn ơi, Hớn...
Bà Chiêm nhìn bà mối rồi nhìn Mùa. Cả ba người cùng nhìn theo dáng cụ Cự bước thấp bước cao đi xuống sân:
- Hớn ơi, Hớn...
Lại nói về Hớn, lúc xuống bếp, ngồi chưa ấm chỗ đã thấy đâu đó từ xa vẳng lại tiếng rao đóng cối. Tiếng ai như tiếng Ngoẵng. Đúng là tiếng Ngoẵng rồi... À mà... không!
- Ai đóng cối đây... Ai đóng cối đây... Cối đây.
Tiếng rao làm Hớn giật mình. Người cô nôn nao hẳn lên. Tai Hớn như muốn nghiêng hẳn về phía âm thanh đang vọng lại.
- Ai đóng cối đây... Cối đây...
Tiếng rao đến gần. Tai Hớn như dán vào vách bếp. Nghe một lần, nghe lại. Lần nữa, lần nữa. Tiếng rao ồm ồm chứ chẳng khàn khàn. Không phải là tiếng Ngoẵng. Vậy thì tiếng ai. "Cối đây... Cối đây...!" Ngoẵng ơi, có phải. Không... Không thật rồi. Giọng Ngoẵng thường kéo dài, còn giọng này cụt lủn. Hớn lạnh toát hết người. Chân tay cô rời rã khi nhận ra tiếng rao đóng cối nọ không phải là tiếng của người mình mong đợi. Tâm trạng cô như tằm bị rút ruột, rỗng roãng. Hớn thấy hoa mắt rồi khô miệng. Cô cảm thấy người mình như có kiến cắn, chân tay muốn động đậy. Rồi Hớn đứng lên từ lúc nào không biết. Cô thẫn thờ theo thói quen đi ra vườn. Đôi chân Hớn cũng thẫn thờ như đôi mắt. Hớn đi như lê. Tiếng lá khô lạo xạo. Dấu chân nhòe nhoẹt trên nền đất sau mưa. Chốc lát đôi bàn chân vô hồn ấy đưa Hớn đến một gốc cây và dừng lại. Hớn ngước mắt nhìn. Một nỗi khát ghê gớm dâng lên. Cô với tay nhón những trái quả buông lúc lỉu. Với mãi, với mãi mà không tới. Bực mình, Hớn nhảy cẫng lên cùng đôi tay huơ huơ. Vẫn không chạm được tới trái quả. Cố nữa, cố nữa. Hớn ngã bệt xuống bên gốc cây...
- Hớn ơi, ơi Hớn... Con ở đâu?
Khi cụ Cự tới thì thấy con gái mình đang ngồi ngon lành ăn khế. Quanh Hớn còn dăm bảy trái rụng khác đang ngổn ngang nằm chờ...
Muốn thét mà không thành tiếng. Trời như sập xuống trên đầu người mẹ già. Mắt cụ Cự tối sầm. Người cụ chúi xuống như muốn ngã. Lạ thay, một sức mạnh khó tả khiến dáng cụ bật lên. Người mẹ tự nhiên bình tĩnh lạ lùng. Cái sức mạnh không phải tự thân mà sao lại nhanh chóng truyền lan khắp con người như một sự chịu đựng bền bỉ, dẻo dai. Chỉ có ở hoàn cảnh này, cảnh ngộ ấy và một người mẹ như cụ Cự mới có được sự thanh thản miễn cưỡng nhưng hợp thời đến vậy.
- Hớn này, mẹ gọi mà con không nghe tiếng à?
Hớn vẫn mải miết nhai quả. Người cô như mê đi. Cụ Cự lấy tay vỗ mạnh vào vai con gái:
- Hớn! Hớn!
- Mẹ...
Mặt Hớn ngơ ngác. Một vẻ đần độn, nhễ nhại. Cụ Cự muốn cho khóc mà không dám khóc. Oan nghiệt đến thế này ư? Lòng mẹ như có ngàn bước chân voi, chân ngựa giày xéo. Đau đến tột cùng mà vẫn phải nín thở.
- Mày sao thế con?
- Có sao đâu ạ!
- Con đang ăn cái gì thế kia?
- Quả khế mà mẹ không biết à?
- Biết...
Cụ Cự cay đắng thốt lên câu biết. Hớn vẫn tự nhiên nhai quả. Vừa ăn Hớn vừa nói:
- Khô miệng quá thế là con ra vườn.
- Mày không biết ai đang đợi trong nhà ư?
- Biết chứ. Nhưng con lánh mặt để giữ ý mà...
- Trời ơi. Mày khôn hay dở mà lại thế này?
- Đứng lên đi con. Phủi quần áo đi. Nhanh nhanh về kẻo chị Chiêm và cháu Mùa đang đợi...
Lời cụ Cự dịu hẳn. Hớn đi theo tay mẹ dắt ngoan ngoãn như thể từ sáng đến giờ chưa xảy ra chuyện gì.