Trái tim trăm thứ tội
Trái tim còn tri âm
Trái tim là bà mối
Trái tim không lỗi lầm
Mùa thấy cô đơn lạ lùng. Tiếng mưa thì rào rào như vây lấy cô mà sao cô chỉ thấy trống lạnh. Cái áo phin gụ mỏng manh không đủ ấm cứ dán mãi cái lạnh lên đôi... dậy thì đang độ màu mỡ của tuổi gái mới lớn. Mùa thấy nghẹn tức ở ngực rồi ở họng. Cô muốn hét lên cho át tiếng mưa mà sao đôi môi cứ khép chặt lại như bị dính hồ. Đầu óc Mùa cứ muốn rực lên nỗi nhớ, nỗi mong. Lim giỏi quá. Cái ao ấy nỗi mưa này như nhíu vào nhau cuốn lấy người Mùa. Lim ơi, lòng Mùa rạo rực đi đi lại lại trước hiên nhà nhìn mưa rồi thăm thắm nhìn mảnh vườn. Cô bước xuống nhà ngang dọn dẹp theo lời mẹ dặn nhưng không về buồng. Lẳng lặng từ cửa nhà ngang nhìn lên thấy bố mẹ đang chăm chú bàn chuyện. Mùa đã chân trần vun vút đi qua sân vào vườn. Mùa trữ sẵn trong miệng câu trả lời "Con ra xem ao nước đầy hay vơi" nếu bất chợt bị bố mẹ hỏi. Nhưng chả có ai hỏi, ngoài tiếng gió, tiếng lá động, tiếng giọt nước rơi cho tới tận lúc Mùa đặt chân đến cửa túp lều trông vườn. Trong nhà đèn còn sáng. Lim đang ngồi dựa lưng vào vách liếp mắt lim dim dở ngủ, dở thức. Trước mặt anh là ấm nước chè, đôi cái bát và chiếc điếu cày với tàn bã xỉ đầy nền đất.
- Anh Lim ơi...
Lim chợt tỉnh mở mắt nhìn ra:
- Cô Mùa. Mưa thế này cô ra vườn làm gì cho ướt chân?
- Vì mưa em mới phải ra đấy chứ. Anh Lim biết không, cái ao mới đào đã được lưng lưng nước rồi đấy. Thích thật.
- Cô Mùa có nhìn à?
- Em mối thoáng trông thôi.
Đúng là vậy. Đi qua chỗ ao mới đào Mùa chỉ liếc qua. Đúng là lưng lưng nước thật. Mùa còn nghe thấy cả tiếng nhái kêu nữa, lạ thật. Mới thành ao thôi mà chúng nó đã biết rủ nhau về. Chuyện xem ao chỉ là cái cớ để Mùa ra với Lim:
- Mẹ em bảo anh Lim tài thật. Vừa đào xong ao là mưa.
Lim xoa xoa gáy:
- Do bà với cô lễ thôi. Cô lại còn ước nữa. Đúng là cơn mưa như trời mang của đến cho ông bà, cho cô. Đúng là thiên lộc.
Nghe Lim nói như cụ già, Mùa hỏi lại:
- Anh Lim có đi học chữ nho à?
- Tôi tiền gạo đâu mà theo học hả cô. Chả là có đi quét nhà gánh nước cho mấy cụ đồ, theo hầu xách cặp cho mấy cậu ấm nên cũng võ vẽ đôi ba chữ cùng những lời thưa bẩm...
Mùa khúc khích, cười thành tiếng:
- Thảo nào mà cứ như...
- Tôi già rồi hả cô Mùa?
- Không...! Ấy là em nói anh cứ như mấy cụ hương sư dạy em học ngày trước ấy.
- Chết chết... Tôi không dám!
Lim rót nước ra bát:
- Cô Mùa uống nước chè đi. Chè này tôi hãm chứ không phải nấu đâu. Xanh và thơm lắm.
Mùa uống một hớp nước nhỏ. Khói nước chè bay lên thành sợi ngang mắt:
- Anh Lim hãm chè ngon lắm. Lúc nào anh dạy em cách làm với nhé. Em vụng lắm.
- Dễ ợt mà cô. Việc gì phải học.
- Không thầy đố mày làm nên. Anh nhớ nhá...
- Vâng... Để khi nào...
Mùa cảm thấy có cái gì nằng nặng trên mặt. Lim vẫn khách sáo với cô. Con người này thâm trầm sâu sắc chứ không mộc mạc như lúc đầu cô nghĩ. Kiếm miếng cơm manh áo bằng chân tay cơ bắp thật mà sao lời ăn, tiếng nói, cách cư xử cứ như con nhà có học. Khi hỏi thì anh chỉ nói học lỏm, học mót. Học lỏm, học mót mà được như vậy thì hơn đến mấy vạn nhà có chữ đầy bồ. Biết anh vậy nên Mùa rất quý và trọng Lim. Mẹ Mùa cũng vậy. Cả hai mẹ con chưa lúc nào nghĩ về anh với tư cách bà chủ, cô chủ. Điều này luôn luôn khiến bố cô khó chịu. Việc trẻ ranh đối với lão phó cối Ngoẵng ông tức giận, khó chịu còn có lý, đằng này, người tử tế, lam làm như Lim thì không thể. Với lại Mùa lớn rồi, con gái rồi chả lẽ cô không được thích cái điều muốn thích.
- Anh Lim này... Cái việc vừa rồi ấy mà... Anh có giận bố em không? - Mùa hỏi nhẹ như thở.
- Tôi đâu dám nghĩ đến cái chuyện ấy ạ! - Lim vẫn rành rọt, xa lạ.
- Có. Em biết là anh có nghĩ...
- Không! Không thật đấy. Cô Mùa đừng nói vậy mà oan cho tôi. Việc ông nhà mắng chửi như vậy là đúng. Việc tôi nhận như vậy là sai...
Mặt Mùa sầm hẳn xuống:
- Anh không được nói như thế. Anh nói như thế là anh nói ác cho em đấy.
- Chết, chết... Sao Mùa lại bảo tôi vậy. Tôi nghĩ tốt cho Mùa còn chưa đủ thì lấy sức đâu mà nghĩ ác.
Chả biết vô tình hay hữu ý Lim bỏ đi chữ Cô khi nói với Mùa. Cái tiếng Mùa trìu mến từ miệng anh thốt ra đã khiến nét mặt Mùa giãn ra, sáng lên. Trái tim phụ nữ vốn đa cảm, nay lại như dây đàn gặp gió khẽ rung rung. Mùa bạo dạn ngồi nhích lại gần Lim, nói:
- Sợ anh nói chẳng thật lòng. Khi nghĩ vậy làm sao lại từ chối phần ăn em mời. Sao lại chỉ nhận khi mẹ em mang ra. Anh khinh em, ghét em chứ gì. Em tủi lắm!
Lim bối rối. Mắt anh không biết để vào đâu. Cuối cùng anh tĩnh lại thả cái nhìn vào khuôn mặt hiền như bụt của Mùa. Khuôn mặt ấy luôn luôn cho Lim một cảm giác bình yên:
- Tôi xin Mùa mà. Mùa đừng bao giờ nói tôi những câu ấy. Chưa bao giờ mà... tôi thật lòng đấy. Mùa tốt với tôi quá. Bà cũng vậy. Cả hai người như là ân nhân của tôi. Ông nữa. Ông cũng tốt lắm. Ông cho tôi cơm ăn, việc làm...
Mùa trề môi trêu Lim:
- Nhà em có nuôi sáo đâu mà anh Lim làm khách đến vậy.
Lim lắc đầu:
- Đâu có chuyện ấy. Tôi nói thật Mùa cứ cho là nói giả. Đấy chuyện vừa rồi đấy thôi. Nếu Mùa nghe lời tôi, Mùa mang rá phần ăn về thì đâu nên chuyện.
Rồi Mùa còn nhờ cả bà nữa. Mùa làm khó cho cả bà...
- Nào em có nhờ. Mẹ em nhận đấy chứ. Mẹ cũng quý anh lắm. Chả lúc nào là mẹ không khen anh. Bà còn bảo cứ để mẹ mang đến cho, chắc thằng Lim nó chả dám từ chối đâu.
Lim cúi đầu, khẽ lắc nhẹ:
- Tốt nhất là đừng có xảy ra. Từ nay nếu thương tôi quý tôi Mùa đừng làm những chuyện như thế nữa mà ông giận. Ông đã giận, ông đuổi đi, tôi sợ lắm. Miếng cơm manh áo sợ đã đành, tôi còn sợ...
Mùa có cảm giác phấn chấn trước câu nói của Lim cho dù anh đang lấp lửng:
- Anh nói tiếp đi...
- Tôi sợ...
- Con trai gì mà nhát thế. Quan huyện có bắt thuế câu sợ của anh đâu mà anh không dám nói. Nếu anh không nói để em nói cho đây này...
- Mùa...
- Anh sợ bố em hoá thành hổ đuổi theo ăn thịt chứ gì?
- Không đúng vậy. Mùa đừng nghĩ về ông như thế mà phải tội. Ông làm vậy là đúng, lẽ thôi. Chủ nào mà không nghiêm khắc với tớ...
Mùa sốt ruột:
- Vậy thì có gì làm anh phải sợ?
- Đúng vậy. Nhưng tôi vẫn sợ. Sợ bị ông đuổi đi. Sợ không được sống với những người tốt như bà và Mùa nữa. Ở đời này đâu phải chỗ nào cũng gặp Phật, gặp Bụt. Tôi ở gần rừng tôi biết. Nơi nhiều cỏ xanh là nơi nhiều rắn rết nhất. Chỗ cây cao bóng cả thú dữ hay nấp rình. Mùa tính, xách khăn gói ra khỏi nhà mình làm sao tôi có thể gặp nổi những người như bà như Mùa nữa. Tôi đi làm thuê nhiều nơi, chưa chỗ nào tốt như bà và cô. Có tiền có gạo đấy mà sao bà và Mùa chẳng như những kẻ vênh vác, hợm mình. Lúc nào cũng vậy. Cứ nhìn thấy bà và Mùa là tôi như được gặp mẹ mình, em mình sống lại. Có là kẻ thiếu mẹ thiếu em như tôi mới thấy được sống bên bà và bên Mùa nó quý giá đến nhường nào. Em tôi còn giờ chắc cũng trạc tuổi Mùa. Cả bố mẹ và em bị lũ rừng cuốn trôi năm tôi mới được tám chín tuổi. Từ ấy tôi...
Tiếng Mùa nức lên. Đôi bả vai tròn lẳn, cả tấm lưng đầy đặn như vạt đất mầu của cô cũng rung lên theo tiếng khóc. Lim không dám nói tiếp nữa, ngồi lặng bên Mùa. Bất ngờ, Mùa ngẩng đầu lên, mặt đẫm nước, cô vươn tay ôm chầm lấy Lim:
- Em thương anh. Thương anh lắm anh Lim ơi...
- Kìa Mùa. Mùa...
- Đừng. Đừng đuổi em mà phải tội. Mùa thương anh mà anh Lim.
- Mùa! Mùa có nghe tôi không?
- Lim ơi, sao khổ thế...
- Trời ơi, sao số tôi lại thế này...
Lim nhăn mặt, lắc đầu. Thân thể anh được bọc trong hơi ấm của Mùa. Đôi cánh tay Mùa như đôi sợi lạt giang thít chặt lấy con người Lim...
Một tia chớp sót lại cuối mưa loé lên. Căn lều leo lét ngọn đèn chai bỗng sáng trắng. Lim có cảm giác tóc gáy bị dựng dậy. Anh lặng nín hơi rồi đứng bật lên. Mùa như sợi dây neo bất ngờ bị đứt khỏi thân thể Lim, cô bàng hoàng. Lim vừa nói vừa thở:
- Tôi van Mùa đấy, Mùa về đi ngủ đi.
- Anh...
- Không. Không thể. Mùa ra khỏi túp lều của tôi ngay nếu Mùa còn muốn tôi được ở lại đây ngày ngày nhìn thấy Mùa.
- Em... Em...
- Tôi nói thật đấy... Mùa về nhanh lên cho tôi đóng cửa.
Một tia chớp nữa loé lên. Lúc này Lim đã đẩy Mùa ra đến tận cửa. Đôi mắt hai người nhìn nhau trắng bệch như sáp đắp vụng. Họ rời nhau ra như bó củi đứt lạt.
Mùa bước chúi về phía trước. Những hạt mưa lại bất ngà rơi xuống đâm chéo vào ngực cô nhói buốt. Rồi gió bỗng nổi lên cùng tiếng gầm gào của lá vườn. Mùa chững lại muốn đổ về phía sau vì gió cản. Cô ôm mặt quỵ xuống nền đất ướt. Mưa vẫn xối xả ầm ã. Da thịt Mùa rát lên sau làn áo mỏng. Mưa và gió như trận đòn roi vô hình trong đêm tối đánh đập cô. Thân gái trẻ trung sau nỗi hừng hực bỗng tê dại như bị ướp lạnh. Mùa hoá đá trong mưa. Người cô như một khối nặng nề, đông đặc...
Qua kẽ hở của túp lều, qua ánh sáng của chớp Lim thấy hết chuyện này. Anh bặm môi bấu chặt tay vào cột lều:
- Trời ơi... Không thể... Mùa ơi... Đừng... Đừng...
- Bố mẹ ơi, sao con khổ thế này. Không! Mùa ơi, không được thế... Mùa ơi, xin Mùa đừng có làm thế... Tôi xin Mùa!
Mắt Lim lại nhìn ra mưa. Đầu óc anh như quẩn vào với gió.
Mùa ướt sũng vẫn đang quỳ gục giữa trời đất. Cô ấy đang tự hành xác mình hay hành xác Lim. Người đau đớn là ai lúc này nếu không phải chính họ.
- Mùa ơi, tôi xin Mùa đấy.
- Mùa vào nhà đi không chết cóng bây giờ.
- Mùa ơi, tôi... tôi không thể. Tôi sợ... sợ... Mùa ơi! Đừng thế mà... Tội lắm! - ...
- Vào nhà đi...
Tiếng sấm rền...
- Mùa!
Tiếng sét nổ sau một làn chớp dữ dằn...
Mùa vẫn lặng phắc như khối đá...
- Trời ơi...
Lim đập đầu mạnh vào cột lều. Anh choáng váng. Có cái gì đau đớn loang ra trên trán. Lim đưa tay lên sờ. Ngón tay anh ướt nóng. Máu đã chảy trên trán chàng trai đau khổ.
Mùa vẫn lặng phắc!
Lại một làn chớp dữ dằn loé lên như muốn chém ngang trời.
Rồi tiếng sét. Trời như muốn sập xuống. Mùa ơi, người em tan ra thành từng mảnh nhỏ mất. Cơ thể em có thể vỡ vụn ra thành cát. Em bé nhỏ yếu đuôi thế làm sao mà chịu đựng nổi trước gió mưa sấm sét này...
- Mùa ơi, về nhà đi. Mùa có nghe tôi gọi không?
Trời bỗng dưng lặng phắc. Một tia chóp dài, loé lên hơi lâu. Bất ngờ Mùa quay lại. Mặt Mùa rực như than củi núi đá. Lim nhận ra màu nóng ấy trên mặt người con gái mà anh thầm yêu đến cháy lòng.
Mùa ơi, Mùa đốt tôi thế này làm sao tôi có thể còn nguyên vẹn được. Lim kéo bật cánh cửa. Vừa lúc Mùa nhào lên. Cánh tay họ mở ra như cánh chim rồi cụp lại trên da thịt nhau. Trời đất hỗn mang trong hơi thở man dại của Mùa và Lim.
Chẳng ai nói với ai một lời mà như nói lên tất cả. Quần áo, da thịt họ như tơi ra bởi hơi nóng của ngọn lửa bị kìm giữ lâu ngày. Là Lim hay là Mùa? Da thịt này là của ai mà như được ướp bằng bùa mê thuốc lú. Tiếng rên rỉ, oằn oại. Sự vần vụ đến cùng cực. Sức mạnh này được rút ra tự thân nên quẫy cựa đến khôn cùng, mụ mị đến khôn cùng.
Họ cạn kiệt trong nhau qua nỗi niềm khám phá đầy xa lạ. Họ tàn phá nhau trong tiềm lực chính mình được đốt lên tới tận chót cùng của đam mê. Chỉ có họ, khi bản năng thức dậy, lẫn vào nhau, như rượu ngào với rượu mới thấm được hết mình...
Gió mưa chẳng còn ý nghĩa, đêm tối đã vô duyên.
- ... Anh hết sợ chưa?
- ... Lưng em dính đầy đất đây này...
- Sao trán anh mặn thế...?
- Máu đấy. Mùa đừng để lưỡi vào...
- Không. Em cứ... Anh đập đầu à?
Lim thấy ngực mình nóng ran bởi đôi bầu vú của Mùa áp vào.
- Đau không?
- Giờ đỡ rồi!
- Sao dại thế?
- Không biết nữa.
- Giận em lắm hả...?
- Đừng hỏi...
- Gan thế!
Mùa úp mặt mình vào mặt Lim. Trán cô chạm vào vết đau của trán Lim. Mùa cảm thấy vị mặn của vết thương đang chảy xuống môi mình.
- Đau nữa không?
- Sao không nói?
- Anh... Anh...
- ... Ái, buồn...
Đôi tay họ lại quờ quạng tìm nhau. Tiếng đất ướt dưới nền lều lại chao động theo nhịp điệu của trò chơi trai gái.
- Mùa này?
- Không!
- Nhỡ ra!
- Đừng nói...
-Anh...
- Ối...
Rồi im lặng. Im lặng!... Chỉ có chớp muộn loé lên in hình đôi trẻ như mới được sinh ra. Trên nền đất họ gối mình vào da thịt nhau tan hoà trong giấc ngủ bản năng giữa cõi đời phồn thực nhiều tính toán này mà chẳng chút mảy may sợ sệt một điều gì!
Ngoài trời vẫn mưa. Những ngọn cỏ, ngọn lá ngả nghiêng trong nước mát mà tự tắm táp thân mình rồi lả lướt bên nhau trong một vũ điệu tình ái thần thánh.
Lá chạm vào lá, màu xanh cây thấy mình thêm một lần xanh.
Cỏ nghiêng vào cỏ, sự mềm mại của thân biết mình chưa một lần được mềm mại hơn thế.
Một con chim đêm cô độc trú mưa trong rét mướt thật tội!
Tiếng con ễnh ương oang oang trong sấm sét nghe mà xót xa!
Nước tan vào nước
Dòng nọ nối dòng kia.
Người gối vào nước
Con sóng mê đắm.
Hơn cả bùa mê
Là những mối tình biết dắt nhau đi
Đến cõi tận cùng kỳ diệu...!
Không gian lên điệu hát. Mưa là lời ru, là bà mối nhân từ. Những lúc ấy, có hỏi nhau con người sẽ nói: Điều quan trọng nhất trên đời này là được làm chính mình và được sống để yêu nhau.
Lim ơi, đừng sợ!