Thời gian như cái giần, cái rá
Cho dẫu nhọc nhằn
Cõi già nua quên mình sỏi đá
Khi tình thương nhú mầm
Bà Chiêm đã có cuộc nói chuyện thẳng tưng với chồng về gia đình, con cái và kẻ ở người làm. Vốn nhẫn nhịn, chín bỏ làm mười những mong mọi thứ êm thuận nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Dạo này ông Đá trái tính, trở nết hay cáu giận, mắng mỏ vợ con, người làm. Nhiều việc chẳng đâu vào đâu ông cũng đùng đùng như mái tranh khô gặp lửa. Riêng cái chuyện đĩa xôi miếng thịt vừa rồi ông đã khiến mẹ con bà muối mặt với Lim. Đáng gì cái chuyện cỏn con ấy so với công sức nó bỏ ra đào một cái ao rộng dễ chừng vài chục cái chiếu ghép lại. Người ta nào có ăn không của mình cái gì.
Ngay tối ấy bà Chiêm đã tìm cách tâm sự với Lim. Bà bảo anh:
- Chắc cháu rõ hết mọi chuyện rồi bác chẳng dám nhắc lại nữa. Tính ông Đá nhà tôi vẫn thế.
Hơi một tý thì đùng đùng như núi lở, đê vỡ. Tôi và em Mùa thì quen rồi. Cháu mới đến làm công ở đây chắc còn lạ. Dù sao thì ông ấy nóng giận như thế là không phải. Cháu đừng để bụng làm gì?
Lim cũng đã nghĩ lại. Anh thấy lòng tốt của bà Chiêm, cả Mùa nữa với mình như vậy có gì đó không hợp lẽ với gia cảnh này. Việc ông Đá nóng giận với vợ con có cái lý của nó. Người giàu ở vùng này đâu chịu ngồi cùng mâm với kẻ nghèo. May mà ông ấy chưa động đến Lim. Lúc ấy, ông có lôi Lim ra mắng nhiếc anh cũng phải chịu. Sau việc này Lim biết là mình dại. Anh thưa chuyện với bà Chiêm:
- Bà và cô Mùa quý con nên mới làm thế. Còn với con phận kẻ làm thuê không nên nhận rá phần ấy mới phải. Bà và cô thương là một nhẽ nhưng gia thế lại chẳng cho phép. Con tuy vai u thịt bắp nhưng cũng có biết đôi chữ nghĩa nên nói vậy bà xem có phải?
Bà Chiêm xua xua tay:
- Mẹ con tôi không có nghĩ thế. Nói được câu này là bác hiểu được cái kỹ càng về đường ăn nếp ở của cháu. Đúng là gia cảnh có khác thật nhưng đâu phải vì thế mà cứ cho mình cái quyền to tiếng. Rồi lúc nào đó bác sẽ nói với bác trai. Cháu cứ ở đây yên tâm mà làm ăn.
- Con cảm ơn bà!
- Bác nghĩ, ai sinh ra mà chả là người. Cứ gì giàu với nghèo.
- Dạ... Con cảm ơn bác!
Lời cảm ơn của Lim có vẻ nhẹ nhàng nhưng nhìn gương mặt hơi u trầm của anh, bà Chiêm biết vẫn có điều uẩn khúc.
Đây là chàng trai chân thành, đức độ, hiền lành đấy nhưng không phải không có những cái đáo để trong nếp nghĩ. Với Lim bà biết chỉ nói đến thế là đủ. Còn việc tiếp theo đó là chuyện của bà với chồng. Ông Đá đang cơn nóng giận nói ngay chắc không tiện. Việc với Lim là việc nhỏ, còn việc kia mới là việc lớn. Bao lâu nay bà đã bỏ công sức vào việc này, đang định nói chuyện với chồng thì bỗng nhiên lại xảy ra chuyện đĩa xôi, miếng thịt. Nhưng không nói ngay không được. Mai là ngày tốt bà phải sang thưa chuyện với cụ Cự. Việc muốn mời cô Hớn về bầu bạn với ông Đá, chị em với mình bà đã nhờ bà mối ướm lời trước. Theo như bà mối nói lại là cụ Cự có vẻ ưng lòng. Hơn thế cụ còn mắng bà vắng mặt. Nào là con mẹ ấy thế mà ghê, cứ kín kín hở hở mãi. Rồi thì đúng là người sang thường kín miệng. Rồi thì con Hớn được về làm em con mẹ Chiêm cũng đáng một đời. Vợ thế mới là vợ chứ. Vợ đi hỏi vợ cho chồng đời này mấy ai được thế... Gọi là mắng cho vui chứ thực ra có yêu bà, quý bà, cụ Cự mới có câu nói đó. Riêng cô Hớn thì bà mối chưa được gặp. Lúc bà mối sang cô Hớn không có nhà. Cụ Cự nói với bà mối rằng cứ về, việc này bà chỉ nói với Hớn một câu là xong. Như vậy là việc bên ấy có vẻ xuôi xuôi. Còn việc bên này, với ông Đá bà cũng chỉ có mấy câu ỡm ờ hôm đón Hớn sang trần áo bông. Từ hôm ấy bà thấy ông Đá cứ im im chẳng một lần đả động đến cái điều bà mong. Kiểu này là chờ vợ nói trước đây. Đàn ông thế mà ghê. Trông cái mặt lão hôm đứng cạnh Hớn cứ ửng đỏ lên là bà biết. Vậy mà mọi chuyện cứ nghĩ phải chờ thì nó lại đến. Sẩm tối trời sầm sì, bứt rứt. Cái oi ả lan khắp nơi. Thỉnh thoảng có một cơn gió quẩn chỉ làm người ngợm thêm khó chịu. Ông Đá đứng lên ngồi xuống hết nằm khan lại hút thuốc lào vặt. Bà Chiêm luôn tay phe phẩy cái quạt nan. Mùa thì xõa hết tóc ra cho mát. Trời đất như đang giận hờn gì ai hay đang phù hoạ với nỗi bức xúc của gia đình ông Đá!
Ùng oàng... oàng...
Oàng... oàng...
Trời sầm lại đen kịt. Gió vần lên. Trời đất cuồn cuồn. Vạn vật mắt nhìn như một mớ hỗn tạp, rối rắm.
Oàng... oàng... oàng!
Ào... Ào...
Ào... Ào ào...
Những hạt mưa đầu tiên lộp bộp rơi thẳng xuống đất. Mới nghe qua ngỡ như ai vung sỏi, vung đá vào nhà, vào sân. Lúc đầu là hạt mưa thưa thớt sau mau dần, mau dần. Mưa đan nhau nhịp nhàng như nhịp cửi sau đó ào lên như vãi nước. Cái oi, cái nồng biến đâu mất. Không gian nhanh chóng dịu lại trong hơi mát của làn mưa. Một cơn trời hả hê lan toả khắp mặt đất nỗi dịu dàng gột rửa của mình.
Bà Chiêm nhìn mưa mặt rạng ra trong ánh chớp:
- Trời cho của rồi ông ơi!
Mùa bật lên tiếng khen:
- Anh Lim giỏi thật. Vừa đào ao xong thì trời mưa.
Ông Đá nheo mắt rọi đèn nhìn nước mưa đổ tràn ra sân đầy đặn như ta đổ thạch, gật gù:
- Không khéo sau trận mưa này phải được lưng ao nước. Ao mới, nước mới...
Mùa mau miệng nói luôn:
- Thả cá luôn bố nhỉ?
Ông Đá trề môi, nheo mắt, một động tác quen thuộc khi muốn mắng yêu con gái:
- Chỉ được cái nhanh nhảu đoảng. Phải để ít nữa, cho nước quen ao, ao quen nước mới tính được. Việc ấy đâu đến lượt mẹ con bà lo. Thả cá là phải tôi.
Bà Chiêm thêm lời:
- Vẫn biết vậy nhưng cũng phải tính đi là vừa.
- Rồi... rồi...
Ông Đá vẻ tự tin như việc đã chuẩn bị sẵn, nói thêm:
- Cũng đã nhắm nơi có giống rồi. Hôm nào đi lấy sẽ cho thằng Lim đi cùng.
Mùa thấy vui trong lòng:
- Cá gáy hay cá mè hả bố?
- Cả hai. Có mấy con trắm giông nữa.
Bà Chiêm thấy hả hê. Niềm vui như trời cho. Trong câu chuyện ông Đá nhắc tới cả Lim mà chẳng hề có nỗi bực dọc nào hiện ra nét mặt. Có thể là ông đã nguôi hoặc quên chuyện kia...
- Này ông...
- Bà còn định tính thêm chuyện gì nữa.
- Không! Chả là... - Bà Chiêm lưỡng lự, ngập ngừng.
- Bà bảo gì tôi?
- Tôi muốn hỏi, ông có rỗi không?
Biết là câu hỏi thừa nhưng bà Chiêm vẫn hỏi. Bà hỏi như là để làm chậm lại, giảm bớt đi cái nỗi bồi hồi của mình. Lạ thế đấy. Đi lấy vợ cho chồng mà bà có cảm giác như lấy người cho chính mình. Chẳng gánh vác được hết thì phải mời người mà san sẻ. Thế gian ai chả chuộng một vợ một chồng. Với bà có muốn thế cũng chẳng yên. Ông Đá thỉnh thoảng vẫn giậm chân, đấm tay đấy thôi. Mà cái ấy, bà nghĩ có một phần do mình...
Ông Đá nghe câu hỏi của vợ mà thấy lạ. Mưa gió thế này thì đi đâu. Mà tính ông xưa nay mấy khi ra nhà lúc đêm tối đâu mà bà ấy phải hỏi:
- Bà hỏi gì mà lạ thế? Mưa gió thế này với lại...
- Thì biết đâu...
Bà Chiêm rót nước chè ra chén. Bà chưa kịp làm Mùa đã đỡ tay thay mẹ. Bà nhìn con như ra hiệu điều gì rồi nói:
- Mùa xuống dọn dẹp nhà ngang cho mẹ rồi đi nghỉ sớm kẻo mệt. Mẹ ngồi đây nói chuyện với bố, lát mẹ vào.
- Vâng ạ!
Mùa đi, nơi bàn uống nước chỉ có hai vợ chồng. Bà Chiêm đẩy chén nước nóng về phía chồng, nhẹ nhàng nói:
- Việc này đáng nhẽ tôi phải thưa với bố em trước nhưng sợ bước chưa qua. Nay chuyện cũng hòm hòm. Hai bên tuy chưa có chi li bàn bạc nhưng nghe chừng đã thuận tai, thuận lòng. Bố em thì tuổi trẻ chưa qua tuổi già chưa đến. Tôi thì tóc đã bắt đầu có sợi bạc rồi. Lúc mới lấy nhau chả ai muốn chuyện này, cũng chả ai nghĩ chuyện này. Âu là cái số tôi nó cạn, cái duyên tôi nó ngắn nên chỉ sinh cho mình mỗi cái con Mùa. Con nào cũng là con thật nhưng có nếp có tẻ bao giờ cũng hơn. Nay thì tôi nghĩ chín lắm rồi, chẳng có gì thuận vợ, thuận chồng hơn chuyện này nữa nên tôi mới nói. Chắc là bố em hiểu tôi muốn nói điều gì rồi... Nghĩ từ lâu kia. Lắm lúc muốn nói lắm lại ngại...
Bà Chiêm nhìn chồng. Cái nhìn thăm thẳm, cảm thông. Ông Đá không dám nhìn vợ lâu. Đôi mắt ông giả vờ lơ đễnh nhưng chẳng được lâu rồi sau đó là khẽ khép mí nhìn xuống:
- Bà cứ nói tiếp đi...
- Ông vẫn nghe đấy chứ.
- Không thiếu một lời nào.
Ông Đá bậm môi nhìn vợ. Hình như đang có điều gì hệ trọng?
Bà Chiêm bậm môi rồi bất ngờ nói ngay:
- Tôi định đón cô Hớn về làm bạn với bố em đấy, có được không?
- Bà bảo gì?... hả?!...
Mặt ông Đá ngẩn ra. Gương mặt khó tìm ra nhẽ ở một người chồng khi mà cái chuyện đáng ra là mình nói nay lại là vợ nói. Bà Chiêm thì vẫn thâm trầm như thế và rỉ rả thêm:
- Cô Hớn hôm sang chần áo cho bố em ấy. Tôi có ý ấy từ lâu nên mối lấy cớ mời Hớn sang để cho hai người giáp mặt. Giờ thì cả đôi bên đều rõ nhau rồi nên tôi chỉ muốn xin bố em một câu. Ưng thì ông bảo, không ưng ông cũng bảo!
Ông Đá lúng túng trước câu hỏi của vợ. Bà ấy thật ghê gớm khi dám tự ý đi tìm vợ cho ông. Đáo để hơn lại đặt ông vào cái thế gật hoặc lắc. Trên đời này có người vợ nào như bà ấy? Ông Đá tự hỏi mà không biết trả lời vì ông chưa một lần được gặp. Bà Chiêm thì vẫn thanh thản như không:
- Tôi sang đó rồi. Gia đình tử tế. Cụ Cự có mỗi Hớn là gái lại út ít nên rất thương. Chị em tôi cũng từng gặp gỡ, trò chuyện nhiều lần nghe ra cũng rất hợp. Tôi cũng nhờ bà mối qua lai bên ấy rồi. Tuy chưa chính thức đánh tiếng nhưng cũng có ý tứ đặt lời. Xem ra mọi chuyện cũng mười phần chắc chín. Giờ là việc của mình. Tôi thì chả nói làm gì nữa. Cái chính là bố em...?
Ông Đá ngơ ngác, thần người. Ông muốn tránh cái nhìn của vợ mà sao mắt bà ấy cứ chằm chằm nhìn mình. Ông lúng túng nhìn quanh. Mùa đã đi ngủ. Chỉ có vách tường và ánh đèn. Đối diện với ông đây là người vợ mà một đời ông kính nể. Ông chưa một lần dám nghĩ đến chuyện này cho dù có những lúc quẫn trí ông có những lời không phải với gia đình. Tuy vậy, nỗi u ám về cảnh sinh con một bề cũng nhanh chóng qua đi cho dù nó chưa bao giờ nguội hẳn. Nỗi niềm ấy canh cánh trong ông. Biết mà không dám. Ông thương vợ, sợ vợ. Là chồng thật nhưng tuổi đời và đường đời bà ấy hơn ông nhiều. Nay chuyện đã thế này, bà ấy thử ông hay đang dồn ông vào thế chân tường của tình chồng nghĩa vợ. Ông biết những ngày gần đây mình có điều không phải với vợ, với con. Sự cáu gắt vô cớ, mắng chửi vô cớ, dằn hắt vô cớ. Nhiều lúc ông như kẻ ngớ ngẩn, điên khùng. Ruột gan cứ muốn sổ ra khỏi bụng. Tâm can ông cồn cào về chuyện ỉ eo, bóng gió. Có lúc nó như đống rơm âm ỉ trong xương tuỷ. Nó nung đốt và muốn bùng lên thế là ông rủa xả. Nỗi bực dọc như không có vách ngăn, cứ thế ào ào xối vào cuộc sống gia đình. Phải chăng vậy mà vợ ông phải nghĩ, phải tính và dồn ông vào cái thế khó ăn, khó nói. Cuộc đời ông nếu không có bà ấy thì sao được cái gia cảnh như thế này:
- Bố em không phải nghĩ ngợi đắn đo gì cả. Chỉ cần bố em ừ một tiếng là mai tôi có thể sang nhà thưa chuyện với cụ. Cái quan trọng là tôi mà tôi đã ừ rồi thì bố em còn lo nỗi gì.
"Cụ đây là cụ Cự mẹ đẻ ra Hớn..." - Bà Chiêm nói thêm và lặng lặng chờ ý kiến của chồng. Một chén nước nóng khác được rót ra. Chén nước tự tay bà Chiêm đẩy đến trước mặt chồng. Ông Đá nâng chén nước lên tay. Bà Chiêm thấy cánh tay chồng khẽ run run. Chắc là ông ấy cảm động. Lòng người vợ thấy mừng vì người chồng đã thấm được cái nghĩa của mình. Với ông Đá thì bên cạnh sự chạnh lòng thương vợ, ơn vợ còn có một nỗi sợ mơ hồ nữa. Người đời bảo đàn bà lòng nông như chiếc đĩa. Với bà Chiêm, ông Đá không dám nghĩ thế. Ông thấy, càng sống lâu, càng hiểu thêm bà...
Cuối cùng thì ông Đá cũng nói được một câu, một câu nói nước đôi rất đúng với tâm trạng ông lúc ấy:
- Cái này thì tuỳ bà...!
Bà Chiêm khẽ cười. Nụ cười nửa muốn phô ra nỗi vui nửa lại muốn giấu đi sự hụt hẫng, cảm giác được và mất từ đâu lại nhen nhóm lên. Bà biết là sẽ như thế khi chuyện xảy ra, tự an ủi mình hãy bình tâm theo số phận nhưng vẫn thấy nao nao. Cái bản năng làm vợ, cái tư cách làm mẹ cứ như muốn xúi bà hãy nghĩ khác đi, nói khác đi. Nhưng không! Phẩm hạnh của con chim giữ tổ không thắng nôi nỗi lo tan đàn sẻ nghé. Và bà đã làm theo cái lý của hoàn cảnh.
Trước câu trả lời lúng túng của chồng, bà Chiêm hỏi lại:
- Tuỳ tôi là thế nào. Việc của ông kia mà.
- Nhưng là tự ở bà. Tôi là tôi...
Ông Đá ra vẻ chống chế nhưng không phải. Ông nói đúng như sự việc đang diễn ra. Bà ấy đã nhóm lửa thì phải biết lúc nào cơm trào, cơm chín chứ. Ông chưa lúc nào thật nghĩ về chuyện này.
- Bố em nói hay chưa. Bố em lấy vợ hay tôi lấy nào mà bảo tuỳ bà.
- Thì... thôi vậy. Thôi là tốt hơn cả!
Ông Đá buông một câu vô tình. Mà vô tình thật. Chuyện như mới chạm vào suy nghĩ của ông chứ đâu phải nó đã ngự trị trong lòng ông lâu nay. Không có con trai là nỗi buồn nhưng để thay thế nó bằng một việc khác thì ông chưa nghĩ tới. Cảnh con thêm vợ nếm ở vùng này không phải là chuyện lạ. Người một vợ là thường tình. Người hai, ba, bốn vợ cũng không là chuyện hiếm. Trai năm thê bảy thiếp, các cụ dạy, với ông Đá không là điều bắt buộc. Ông không sợ cũng chẳng ngại chuyện đầy đàn vợ con, nhưng cứ nghĩ phải ăn nằm với người khác ngoài bà Chiêm ông lại thấy trong người như bị mất đi cái gì. Từ cái cô Chiêm bị đỉa bâu ngày nào cho đến mẹ con Mùa bây giờ, vợ ông đã giữ một vị trí khá đặc biệt trong ông.
- Tôi nói thật đấy mẹ em ạ. Cái việc mẹ em nói với tôi nó chướng chướng thế nào. Gia đình đang yên đang lành thế này bỗng đâu lại rước thêm một người lạ nữa vào, khó lắm...
Ngưng một lát, ông Đá rành rọt nói:
- Thôi đi mẹ em ạ!
Bà Chiêm giật mình:
- Thôi là thôi thế nào. Cấy lúa đến ngày gặt rồi ông bỏ đấy cho gà nó nhặt à? Nghĩ hay chưa: Chuyện to lớn của cả nhà chứ là chuyện nhỏ đâu mà ông nói dễ thế. Mình là con trưởng đấy mình biết không? Đi việc họ, việc đình làng xóm coi mình thế nào mình còn nhớ chứ. Những lần ấy mẹ con tôi thường vạ lây đấy mình biết không? Mà nào chỉ một lần. Cho nên việc của bố em bây giờ là việc của cả nhà. Bố em chần chừ là không xong với mẹ con tôi đâu. Quá lắm, ông không lấy tôi lấy...
Bà Chiêm nói một câu dứt khoát. Đôi mắt bà nhìn ông Đá vẻ cứng cỏi. Nhìn đôi mắt vợ ông Đá biết có lùi cũng khó nhưng tiến thì tiến theo cách nào. Chả nhẽ để bà ấy dắt tay mình đi hỏi vợ. Ngày xưa, cái chị Chiêm cao nghen hơn cả đầu mình mình vẫn thích vì cái nụ cười rất tươi và cái tiếng nói rất dịu khi mỗi lần gọi thưa, trò chuyện. Đá lúc ấy còn trẻ con nhưng cái thích người lớn tuổi chẳng trẻ con tí nào. Khi Chiêm về làm vợ Đá, khi Đá biết thế nào là yêu vợ, thích vợ thì Chiêm là người phụ nữ duy nhất Đá luôn luôn nghĩ tới. Còn lúc này đây, vợ ông đang giới thiệu cho ông một người phụ nữ khác mà ông mới chỉ có đôi lần gặp mặt và đôi câu trò chuyện. Trò trai gái, cho dù đã lớn tuổi như ông đâu phải cứ ghép vào là thành. Con người chứ đâu phải hai cái nẹp nứa buộc lại. Nhưng lúc này vợ ông đang bện thừng. Bà ấy đang muốn trói chứ không phải buộc.
- Mẹ em không sợ nói câu ấy người ta cười cho à?
- Ai cười hở mười cái răng. Tôi lấy cho dòng giống nhà mình chứ ông tưởng chơi à. Gái vô duyên như tôi sinh con một bề, không bù đắp được cho nhà chồng cái đoạn thiếu hụt ấy thì phải biết chỗ mà tìm chứ. Ông muốn tôi để đức cho đời hay để tiếng cho đời.
Lời nói của bà Chiêm như sóng sông Sỏi ngày có gió lớn. Nó cứ lớp lốp dồn lên, xô bờ. Ông Đá chỉ biết nhìn nước dâng, bước lùi rồi chới với:
- Thôi không phải giảng giải nhiều nữa. Tôi hiểu rồi, thấm rồi. Chuyện lớn ấy, thú thật là tôi chưa quen, mẹ em quen thì mẹ em làm. Tôi nói thật đấy, cứ là tuỳ...!
- Lại tuỳ?
- Không tuỳ thì biết nói thế nào. Việc gì mẹ em cũng sắp cả rồi. Tôi chỉ việc ngồi ăn, chỉ việc đánh chén, cả cái chuyện cô Hớn này nữa mình cũng thay tôi tìm hiểu, thay tôi mai mối. Mình giỏi đến thế còn gì. Gái ngoan lấy vợ cho chồng. Nay mai lành lặn, suôn sẻ không sao. Nhỡ nó sứt mẻ, đổ vỡ thì ai chịu. Tôi, chứ thằng nào vào đây nữa?
Ông Đá đã chạm vào chân móng của ngôi nhà. Ông muốn nói lên một sự thật của những nghĩ suy trong lòng mình. Chẳng phải đắn đo, tính toán, cũng không đến nỗi đói bụng phải vơ quàng vơ xiên, vẫn chỉ là cái cốt lõi của nó. Đấy là tình đàn ông với đàn bà. Đôi bên vẫn như đôi kẻ đi chợ ngược chiều, giáp mặt. Bóng chim, tăm cá không phải nhưng má cận tay kề vẫn chưa. Chuyện của hai người vẫn do một tay đàn bà quán xuyến. Được vợ nấu cho bát chè đường lúc đói càng ăn càng ngọt. Được vợ chọn bạn tình cho là chuyện ông Đá ít gặp nên như người phải ăn một món canh lạ.
Hình như bà Chiêm đã hiểu ra cái điều đó, nhưng trong thế chủ động bà lại chẳng muốn. Bà thích, trong chuyện này được đứng ngôi chính. Ngôi của người chỉ việc, cắt việc.
- Bố em đừng lo xa. Việc ấy đã có tôi lo.
- Tôi nói rồi. Tuỳ kia mà... - Giọng ông Đá dấm dứt.
Mở cổng cho chồng đi tìm gái chả hoá bà kém tay không giữ nổi chồng. Với ai, chuyện này có thể, với mình thì chẳng bao giờ. Bà Chiêm đã tính đã suy đến nát nước nát cái trước cái sự khó này và cuối cùng rắn răng ra tay. Chồng bà có thể bây giờ chưa ưng nhưng sau này biết đâu lại chẳng nhất vợ lẽ nhì giời...
- Bố em nghĩ như vậy cũng phải. Đúng là việc của ông chứ đâu phải việc của tôi. Tuy nhiên, nói đi cũng phải có chỗ nói lại. Để chồng đưa gái về nhà làm dì hai hay hơn hay là đi tìm vợ lẽ về cho chồng kiếm thằng nối dõi. Bố em nên chiều ý tôi. Chẳng phải chê ông kém tài quyến rũ đâu, nhưng để cho con mẹ Chiêm nó chủ động trong chuyện này vẫn hơn. Bố em được tiếng mà tôi cũng không phải mất mặt. Hoặc giả thế hoặc giả ông có đám nào lâu nay giấu tôi thì cũng nói ra để tôi lo liệu cho.
- Không, không!...
Ông Đá chối ngay. Câu hỏi thêm của bà Chiêm này như là đòn nắn gân chồng. Ông Đá vốn thật thà nên chẳng cần úp mở:
- Tôi mà có chút vương vấn nào khác tôi thề không sống được với mẹ con bà đến nửa giây. Còn việc kia, bà đã nói thế thì tôi nghe. Bà liệu thế nào cũng được. Miễn là trong ấm ngoài êm. Tôi sợ là sợ cái chuyện sau này. Bà phải hiểu kĩ người ta rồi hãy tính chuyện. Tôi đàn ông đàn ang chuyện này không sành.
- Thì ai dám sai ông lo cái chuyện ấy. Việc tương cà dấm ớt là để tôi. Ông cứ ưng cho cái chuyện tôi nói ấy là tốt lắm rồi.
Ông Đá cười, gật đầu:
- Ừ thì ưng... bà thấy vừa lòng chưa?
Bà Chiêm cũng cười theo:
- Ông hỏi ông ấy. Thôi đi ngủ. Hôm nay mình cho tôi nằm nhờ ngoài này - Bà Chiêm nháy mắt nhìn chồng.
Ngọn đèn được tay bà Chiêm vặn nhỏ, nhỏ dần. Lâu lắm hai vợ chồng mới lại chung giường. Họ có gì gượng gạo như ngày đầu.
- Nào... ngả lưng đi cho đỡ mỏi. Ông nằm dịch vào trong kia rồi cùng nói chuyện. Gớm nằm cạnh con Mùa lắm lúc nó ngáy ầm ầm như con giai. Hôm nay mát giời con bé ngủ phải biết.
Bất chợt ông Đá ôm chặt lấy vợ. Bà Chiêm như bị bóng đè thốt câu "Già rồi" và tự nhiên đổ ngả người ra giường...