Có bao nhiêu đàn bà trong một cô Mầu
Tình yêu ơi xin đừng nôi loạn
Người đi buôn cạn vốn
Còn có ngày gặp may...
Chuyện cổ tích kể có anh nhà nghèo chăm làm rồi lấy được tiên! Thật không? Lim là con trai thật, nhưng đâu phải là con trai ở cái cơ ngơi toà ngang dãy dọc này. Anh đang là kẻ làm thuê. Cảnh trâu bò vóc dáng người mấy ai dám mơ tưởng vậy mà nó vẫn đến. Ấy là những lúc nhìn trộm khi Mùa vén váy xuống ao gánh nước, khi Mùa cúi người sảy gạo. Những lúc ấy Lim thấy có gì hừng hực trong ngực. Rồi những đêm nằm mơ nữa. Có cảm giác cánh tay mình, da thịt mình rồi gân cốt mình như bị rút tận thẳm sâu nỗi đê mê trai tráng mà sự góp vào tột đỉnh ấy không ai khác ngoài Mùa. Vậy mà, cứ gặp Mùa, cứ được Mùa hỏi tới hoặc giúp đỡ san sẻ cái gì là Lim lại sợ. Cái sợ của người áo nâu quần cộc trước kẻ gấm vóc, lụa là. Sợ để mà tránh chứ không phải sợ để mà sợ theo cái sợ của đứa hèn...
Chuyện có căn do của nó. Cách đây nhiều năm, Lim cũng đi làm thuê cho một nhà giàu. Ông nhà giàu này cũng vùng sông Sỏi nhưng ở mãi trên mạn ngược. Nhà một vợ, một chồng, rất đông con nhưng toàn gái chỉ có cậu áp út là trai. Ông chủ hiếm con trai, sợ trời bắt tội nên lấy một cái tên rất xấu đặt cho con là Nhái. Dưới Nhái, còn một cô em út nữa, tiện thể bố mẹ đặt luôn tên là Bén. Từ ngày có Nhái, ông bà chủ được hàng xóm gọi theo tên con là ông Nhái bà Nhái. Nhái hơn Bén hai tuổi. Hai anh em được bố mẹ cho đi học trường làng rồi trường huyện. Ngày Lim đến làm thuê cho ông bà Nhái cũng là ngày Nhái được lên trường huyện để học. Bố mẹ hiếm hoi sợ con đi học đường xa không ai bầu bạn, đỡ đần nên Lim được thuê về làm mỗi việc đưa Nhái đi học. Ông chủ bảo Lim:
- Mày lớn hơn cậu lại sức vóc hơn cậu. Mỗi sớm đi học, phải dậy trước chuẩn bị cơm nước, quần áo, sách bút rồi theo hầu cậu. Cậu đi trước, mày đi sau. Lúc nào cậu mỏi chân thì cõng cậu. Đi đường, đứa nào bắt nạt cậu phải đứng ra bênh cậu. Tối về hầu cậu tắm rửa, ăn uống rồi hầu cậu học. Lúc cậu buồn ngủ phải đứng cạnh quạt. Lúc nào cậu ngủ say mày mới được ngủ. Nhớ chưa?
- Con nhớ rồi.
- Nói thế không được.
Lim bị cốc một cái vào đầu đau điếng, ông chủ chĩa thẳng mắt vào Lim nói:
- Bây giờ mày không phải là đứa đầu đường xó chợ nữa!
- Con nhớ rồi...
- Nghe đây. Khi ông nói, bà nói, hoặc các cô các cậu nói, ai cũng vậy, nhớn hay bé ở cái nhà này mày đều phải khoanh tay lại nghe lời. Khi người ta nói xong, không được nói trống không là nhó rồi mà phải nói dạ, con nhớ rồi. Nhớ chưa, nói lại tao nghe?
- Thưa ông, dạ con nhớ rồi.
- Sai là ông tuốt xác!
- Dạ, con nhớ rồi...
Sớm đi học đầu tiên của Nhái, Lim dậy từ lúc gà gáy nửa đêm. Từ đấy cậu ngồi bó gối ở góc bếp, gà gật thức chứ không dám ngủ hẳn. Khi đoán chừng sắp sáng, Lim mới lò dò vào bếp bắc nồi nấu cơm, đun thức ăn. Cơm chín, Lim xới hai bát đầy ra khăn để nắm, một bát nữa úp chặt chờ cậu chủ còn mình là một vạt cháy và mấy hạt cơm vụn. Mọi việc xong xuôi, Lim mới se sẽ đi vào giường ngủ của Nhái, đứng khoanh tay đuôi giường nói với lên:
- Thưa cậu, đã đến giờ cậu dậy ăn cơm, đi học đấy ạ!
- Thưa cậu, đã đến giờ cậu dậy ăn cơm, đi học đấy ạ!
Đến mấy lần dạ thưa như thế nhưng Nhái vẫn ngáy khò khò. Lim bí quá không biết làm sao thì nghe tiếng bà chủ từ trong buồng vọng ra:
- Lấy tay đập khẽ vào chân cậu.
Lim làm theo lời bà chủ. Quả nhiên Nhái cựa mình rồi co chân đạp. Vô tình bàn chân Nhái đạp trúng mặt Lim. Lim hoa mắt ngã ngửa về phía sau nhưng đã vội lồm cồm đứng dậy. Vẫn động tác khoanh tay:
- Thưa cậu.
- Tao biết rồi. Đã đến giờ dậy rồi cơ à?
- Thưa cậu, vâng ạ!
Nhái ngáp dài ngáp ngắn tung chăn rồi đứng lên:
- Ơ, mặt mày sao thế kia?
- Dạ thưa, không có gì đâu ạ!
- Tao đạp chân vào mặt mày phải không?
- Chết thật. Vô ý quá. Ai lại đứng ở đấy. Đang đà ngủ. Có đau không?
- Nói đi!
- Dạ thưa, không ạ!
- Nói phét. Tím hết cả mặt thế kia mà không đau. Ra lấy nước nóng mà chườm vào cho nó tan chỗ sưng.
- Cậu cứ kệ cháu. Không có gì đâu ạ. Dạ, thưa cậu dậy, mời cậu đi giải rồi cậu súc miệng. Cơm cháu đã làm sẵn, cậu ăn rồi hai cậu cháu mình cùng lên đường ạ!
Nhái cười khành khạch:
- Đi đái mà cũng phải thưa. Ai bảo mày thưa bẩm cái kiểu ấy. Từ nay cấm.
- Dạ, vâng ạ!
- Đi dọn mâm đi. Tao rửa mặt xong, ăn.
- Vâng ạ!
Nhái ngồi vào mâm. Một đĩa cá kho. Một bát canh dưa. Cơm một bát đầy cùng một đôi đũa.
- Thế bát với đũa của mày đâu?
- Ông bà không cho phép ạ!
- Tao cho!
- Dạ, cháu không dám. Xin mời cậu dùng bữa ngay kẻo muộn giờ đi học.
- Vẽ quá.
Nhái ngồi ăn cơm. Lối ăn xụp xoạp. Chả mấy chốc hết bát cơm đã thấy Lim đặt cạnh bát nước chè nóng và một que tăm. Nhái nhìn anh người ở lớn tuổi hơn mình, e ngại hỏi:
- Thế mày ăn bằng gì?
- Dạ, con có ít cơm cháy đây rồi ạ!
- Ăn cho no đấy. Đây lên trường những hơn tiếng đi bộ. Đói là chỉ có bò.
Lim dọn mâm xuống bếp, tranh thủ vét chỗ cơm cháy và các thức ăn thừa. Ăn chưa được đôi miếng đã nghe tiếng bà chủ phía sau nói như hắt sỏi xuống mâm:
- Mày nấu nướng thế nào mà cháy nhiều hơn cơm. Cậu ăn đói thì lấy sức đâu mà học.
- Dạ, thưa bà...
- Định cãi hả. Nhà này không có lệ con hầu, người ở cãi lại đâu nhá.
- Dạ... vâng ạ!
Hôm ấy nhai miếng cơm cháy mà Lim thấy đắng hết cả miệng. Nào đã xong, lúc Nhái đi học trời còn nhá nhem tối, ông chủ bảo Lim:
- Mày cõng cậu đi một quãng. Giờ đang tối tăm sợ rắn rết. Lúc nào cậu lên đường cái quan, trời sáng mời cậu xuống đi bộ.
Nhái không nghe, vùng vằng:
- Con lớn thế này mà phải cõng kia à. Thằng Lim đi trước đi.
Ông chủ quắc mắt:
- Thằng Lim ra đây. Treo cái cặp sách, túi cơm vào trước ngực kia. Còn Nhái, con nghe bố. Bố cho nó về để hầu con chứ đâu phải chơi với con. Nào nhanh lên không muộn học bây giờ. Nhanh! Tao nói là phải nghe!
Nhái miễn cưỡng bá vào cổ Lim. Ra đến đầu làng Nhái bảo Lim:
- Mày thả tao xuống đi.
- Cháu không dám.
- Có thả không thì bảo?
- Ông đuổi cháu mất.
- Tao bảo cơ mà.
Từ đấy, bữa sáng Lim không dám ngồi ăn lại cơm thừa trong nồi. Sáng nào cũng như sáng nào cậu phải ghé vai cõng Nhái một đoạn. Buổi sáng bụng có đói nhưng buổi trưa lại được Nhái cho ăn cơm nắm. Thường lệ Nhái ăn ít. Cậu chủ ăn như mèo. Lim chỉ phải cõng Nhái theo lệnh của ông bà chủ một chút lấy lệ, còn sau đấy là hai người tung tăng đến trường. Nhái quý Lim thỉnh thoảng bày cho học chữ. Lim sáng dạ, nhập tâm võ vẽ đọc được đôi dòng rồi lại viết được cả chữ ra giấy nữa. Mọi chuyện cứ tưởng dễ dãi trôi qua nhưng rồi có sự chẳng hay xảy ra khiến Lim trong đêm phải bỏ nhà Nhái để trốn đi.
Chuyện từ Bén. Cô em gái của Nhái tuy nhỏ tuổi nhưng nanh nọc. Biết Lim là người hầu của riêng anh trai mình nhưng nhiều khi Bén lợi dụng con gái nhà chủ với người hầu hay lên mặt sai bảo. Đại loại như thế này:
- Lim đâu?
- Dạ thưa cô gọi tôi ạ!
- Lim?
- Dạ, tôi...
- Cháu chứ?
- Vâng, cháu ạ!
- Gánh cho tao gánh nước giếng để tao tắm đây.
Nào đã xong. Lúc trong buồng tắm Bén còn với ra:
- Lim ơi...
Lim quay mặt đi chỗ khác, lên tiếng:
- Dạ, cô bảo gì ạ!
- Đổi cho tao cái váy lĩnh đây. Cất cái váy sồi này đi, mặc nóng lắm.
Có đêm, khuya lắm, đang gà gật bên cạnh giường Nhái, Lim giật mình đánh thót một cái vì có ai phát rất mạnh vào lưng:
- Ngủ gì mà ngủ khiếp thế?
- Dạ, cô bảo gì ạ?
- Ra ngoài này tao bảo.
- Cô nói ngay ở đây không được sao ạ?
- Xấu hổ bỏ xừ. Nào nhanh lên.
Bén ôm bụng, nhăn mặt. Lim chẳng hiểu ra sao nhưng bắt buộc phải theo:
- Cô Bén làm sao thế này?
- Đừng có nói to.
Bén kéo Lim ra góc sân rồi chỉ ra vườn:
- Tao đau bụng quá, không chịu được nữa. Mày ra đứng cạnh chuồng. Tao sợ ma lắm...
- Cô... Cô...
- Nhanh lên. Ôi trời ơi...
Bén chạy nháo nhào vào chuồng xí. Thỉnh thoảng cô ta lại hé giọng gọi ra: "Mày còn đấy không?". Đỡ đần cho nỗi sợ ma của cô chủ Lim chỉ khẽ e hèm nho nhỏ trong họng. Thâm tâm Lim thấy hận và nhục. Giàu có mà ác thì chẳng còn ý nghĩa gì.
Và lần này nữa không chỉ thấy hận và nhục mà Lim còn thấy sợ nữa. Cái cô Bén chua ngoa, kẻ cả ấy một đêm đã khiến Lim toát hết cả mồ hôi. Ai cũng nghĩ cô ấy còn trẻ con nào ngờ. Gái thập tam, các cụ bảo thế, hèn nào. Sau này nghĩ lại Lim thấy chưa ai gan lì, táo tợn đến thế. Lúc ấy cái biết của Lim mới chỉ nho nhoe lúc có lúc không. Còn cô Bén thì đã phừng phừng. Việc này Lim thấy hú vía. May mà...
Đêm ấy, trời hanh khô và rét. Trong làng có đám chèo ở dưới Hạ lên diễn. Lim nghe mang máng như Quan Âm Thị Kính gì đó. Cả nhà ông bà Nhái đi xem. Lim được lệnh ông chủ ở nhà trông nhà. Gần nửa đêm đám chèo mới tan. Lim không thấy tiếc tích chèo vì đã từng được xem mà chỉ tiếc là không được ngủ sớm vì phải chờ mở cổng, đóng cổng. Sau lúc dọn dẹp giường chiếu cho cậu Nhái đi ngủ Lim mới lặng lẽ chui xuống chỗ ngủ của mình. Đó là một góc nhà ngang. Giường của Lim là cái ổ rạ, nằm lâu đã lõm xuống. Trời qua khuya, gần sáng, gió lạnh thon thót. Lim nằm co ro trong ổ rơm, kéo chăn đắp kín mặt cho ấm. Rồi anh thiếp đi lúc nào không biết. Bỗng đâu có tiếng lào xào rồi lạo xạo. Tiếng bước chân. Tiếng rơm rạ. Tiếng bàn tay rờ rờ trên chiếu, trên chăn. Lim thấy buồn buồn trên mặt như có ai thở hắt xuống. Rồi ngực anh, bụng anh như có ai đặt vào. Bàng hoàng chốc lát Lim mơ mắt. Một khoảng đen lù lù đang phủ trên mặt mình. Lại xõa xượi cả tóc rơi xuống má và mùi lá sả gội tóc nữa:
- Ai thế này?
- Tao đây.
Lim đã nhận ra tiếng xếch mé của người nói. Anh giật mình vì chuyện lạ nhưng vẫn bình tĩnh hỏi:
- Cô lại đau bụng nữa à, cô Bén?
Có tiếng hí hí rất nhỏ rồi ngón tay người nói chẳng cần soi đèn vẫn dí đúng trán Lim mà nói:
- Dốt thế. Ai lại đau bụng vào lúc này. Nào dậy đi, tao bảo đây.
Người Lim bị vòng tay của Bén khép chặt rồi kéo lên. Lim ngửi thấy mùi da thịt, mùi mồ hôi của Bén. Đấy phải chăng là mùi vị của đứa trẻ đang tuổi lớn hay là của cô gái vào ngưỡng dậy thì. Chân tay Lim vướng víu quần áo, da thịt của Bén. Cô Bén như phổng phao lên trong hơi thở của mình. Lim hiểu ra chuyện và vùng vẫy khỏi đôi cánh tay còn khẳng khiu của Bén:
- Buông tôi ra nào cô Bén.
- Không đấy. Lim ơi! Nô ơi... Cô đây mà.
- Giời ơi, sao lại thế này?
- Thế mày chưa xem tích cô Mầu hả?
Cả người Bén cứ dúi dụi vào người Lim mà chằm bặp, hít hà.
- Kìa cô Bén đừng thế...
Bén càng rít mạnh vòng tay. Mặt Bén rúc rúc vào ngực Lim. Lim thấy hồi hộp khắp người, muốn vòng tay ôm lại Bén nhưng giật mình quẫy mạnh. Bén bật ra, khóc sụt sịt:
- Sao mày lại làm thế. Cứ nghĩ mày đi ở cho nhà tao thì tao bảo gì phải nghe chứ?
- Nghe cái gì. Cô Bén! Cô có điên không thế. Ai lại làm cái chuyện này. Ông bà biết ông bà sẽ chôn sống tôi.
Bén vẫn nói trong tiếng nức nở:
- Chôn là thế nào. Nhà ông Phú ông cũng thế mà. Thế Lim không muốn làm anh Nô ư. Bén muốn làm cô Thị Mầu mà Lim không thích à? Hay là Lim chỉ thích mỗi anh Nhái thôi. Nào Nô ơi, nghe Mầu đi rồi Mầu cho tiền.
Bén lại ào vào Lim. Lần này Lim đỡ Bén vào tay rồi bế bổng lên đặt khẽ vào ổ rạ. Người Bén mềm nhũn như con chuột bị mèo vờn, lịm đi.
- Ừ thì nghe. Nằm im đấy nhé. Cấm động đậy đấy. Ông biết là chết. Để tôi ra ngoài nghe ngóng xem thế nào rồi tôi vào.
- Thật không?
Bén kéo co tay Lim một lúc mới cho Lim ra. Thoát khỏi vòng tay bỏng rát của Bén, ra sân gặp gió lạnh Lim thấy tỉnh táo hẳn. Anh vừa sợ vừa ghê. Cái cô Bén đầu tóc còn râu ngô, chua lòm ra vậy mà đã. Hay là cô ta bị ma làm, quỷ nhập. Cái con người vừa chua ngoa hỗn láo ấy sao bỗng dưng lại. Hơi con gái ở tuổi mới dậy thì có làm Lim gây gây chốc lát nhưng cái cô Bén bắt anh đứng canh ma ở trước cửa hố xí lại khiến anh ghê ghê. Từ buổi ấy, cứ nghĩ đến Bén là Lim lại thấy cái hố ấy như đang ở cạnh mình. Và đến chuyện này nữa thì Lim không chịu nổi. Sự quyến rũ của kẻ khác giới không làm Lim thay được ấn tượng cho dù có lúc Lim muốn buông thả, muốn ngấu nghiên Bén cho đã cơn thèm của tuổi mới lớn và nỗi hận nhục của kẻ làm thuê...
Từ cái đêm hãi hùng ấy Lim đã bỏ trốn khỏi nhà Nhái, Bén và thề rằng không bao giờ đi làm thuê theo kiểu ấy nữa. Tuy vẫn cần có manh áo, bát cơm nhưng Lim đã tìm ra cách làm ăn khác. Anh thề rằng có bán thì bán sức vóc chứ không bán phẩm giá của mình. Kiểu đi làm cho ông bà Nhái là đi hầu hạ. May mà nỗi nhục anh Nô không đến với Lim. Chỉ một chút xuôi tay là kẻ nghèo có thể thành con vật. May mà Lim đã nhận ra điều ấy và không đắm chìm.
Bây giờ về làm vườn thuê về cuốc đất mướn cho ông bà Đá, cứ nghĩ tránh được chuyện dở cười dở khóc kia đâu ngờ lại gặp cô Mùa. Mùa không giống Bén ở tính tình nhưng lại cùng cảnh đàn bà, con gái như Bén. Có phần nào đó Mùa khác Bén vì Mùa lớn tuổi hơn. Cái ấn tượng nhiều về Mùa là cô không coi Lim như người ăn đứa ở. Một điều anh, hai điều anh. Riêng con mắt, nụ cười thì không làm sao mà Lim hiểu nổi. Lúc nào nhìn Lim là đôi mắt ấy lại láy lên như muốn nói điều gì. Còn nụ cười cũng vậy. Như là chỉ cười với riêng Lim, cười cho Lim. Mùa đã làm Lim nhiều lần phải thao thức, day dứt về phận mình với con người mình. Thằng con trai trong Lim luôn luôn như muốn dán nỗi bồi hồi, thèm muốn của mình lên khắp cơ thể Mùa. Thằng làm công thì lại nghĩ khác. Liệu trong Mùa có phần nào là Bén. Cái từ tao, mày Bén hay xưng với Lim liệu có khác gì câu anh, em Mùa hay nói với Lim. Đàn bà như họ, đàn bà con nhà giàu liệu có coi những thằng đàn ông nhà nghèo như mình là người ngang hàng, phải lứa. Làm thuê cho gia đình Mùa Lim chưa cảm thấy thế nhưng cứ ghê ghê khi mỗi lần bắt gặp cái nhìn của ông Đá. Với bà Chiêm thì chỉ riêng cử chỉ bưng rá phần này vào lại cho Lim khiến anh thấy như vừa gặp bụt trong chuyện cổ tích.
Bà Chiêm đặt rá xuống, sè sẽ nhấc đĩa xôi thịt, chai rượu ra chiếc chõng nhỏ:
- Sáng nay bác cho cháu nghỉ. Làm quần quật suốt đêm hôm qua rồi thì lấy sức đâu mà làm tiếp nữa. Phải nghỉ mới hồi được người con ạ.
- Dạ, còn mấy chỗ đất trên bờ con dọn dẹp thêm!
- Cứ để đấy, mai làm. Hôm nay nghỉ là nghỉ. Anh làm cố nhỡ ốm ra đấy thì ai giúp đỡ chúng tôi. Mấy tháng nay anh là lao động chính ở cái nhà này đấy anh biết không? - Giọng bà Chiêm thân tình hẳn lên.
- Con còn khoẻ mà bà.
- Đá cũng đổ mồ hôi nữa là người. Thôi dọn dẹp đi, có đĩa xôi với cút rượu đây uống cho nó giãn gân, giãn cốt. Ở với hai bác, cứ coi như người nhà đừng có gì mà ngại. Bố con Mùa tuy nóng tính nhưng chẳng có bụng dạ nào đâu, cháu đừng lo.
- Dạ... Con xin bà, con cám ơn bà...!
Lim nhìn theo bóng bà Chiêm. Màu áo gụ thẫm phảng phất mùi đất, mùi cây, mùi khói bếp mà mỗi lần nhớ về mẹ mình anh thường cảm động. Nó gần gũi làm sao, thân quen làm sao. Chẳng thế mà miếng xôi Lim nhai vào miệng thấy ngọt thơm như lần đầu được ăn miếng xôi ngon đến thế. Lại cả miếng thịt chân giò lợn đậm đà này nữa. Lim nhè nhẹ nhai mà thấy vị bổ béo như chưa bao giờ gặp đang ngấm vào gan ruột mình.
- Bà Chiêm đâu, con Mùa đâu?
Tiếng ông Đá từ nhà trên vọng xuống. Tiếng ông như chất chứa nỗi gì giận dữ. Lim hé mắt nhìn ra. Bà Chiêm và Mùa từ dưới nhà hấp tấp chạy lên. Từ trên nhà vang lên tiếng vỡ rồi sau đó là tiếng bà Chiêm rên rỉ:
- Ông làm gì mà đập đĩa đập chén thế này?
- Làm gì à?
- Nhưng mà sao mới được cơ chứ.
- Mẹ con bà hỏi nhau ấy?
Lại một cái đĩa nữa bị quang ra sân vỡ tung toé. Lần này Lim không dám nghé ra nhìn nữa mà ngồi thụt sâu vào trong. Miếng xôi, miếng thịt đang nhai trong miệng được anh nuốt vội. Lim linh cảm cái sự cáu giận bất thường kia của ông Đá hình như có gì liên quan tới mình.
Vẫn tiếng bà Chiêm rên rỉ:
- Làm gì mà như sấm như chớp thế này. Vợ con có điều gì thì cũng phải nói ra cho người ta biết chứ. Đằng này cứ đập, cứ phá vậy thì ai biết đâu mà lần.
Ông Đá thôi đập phá. Điếu thuốc lào được ông xỉ ra hút vào không biết bao nhiêu lần. Mùa chỉ biết đứng góc nhà nhìn bố mẹ. Cô cũng chẳng hiểu sự việc ra sao mà bỗng nhiên bố mình đùng đùng như nhà cháy.
- Thế mới hay, vợ khôn chồng được nhờ, con ngoan nhà có phúc. Từ trước đến nay nhà này chưa có phép đội ghế lên đầu. Môn ra môn, khoai ra khoai. Bây giờ trên dưới lẫn lộn, lung tung. Chuyện ấy là của nhà ai chứ không phải nhà này. Trời ơi già rồi mà còn ngu. Lớn bằng sào bằng gậy rồi mà còn dại.
Thì ra ông Đá đang giận vợ, giận con. Giận gì cụ thể thì bà Chiêm chưa rõ nhưng hòn uất nặng nề đang là chuyện có thật.
- Ông cũng phải nói với tôi, với con một câu thì cả nhà mới hiểu chứ. Cứ ấm ức mãi không nói nó khổ cái tâm ra, ích gì nào.
Ông Đá trừng mắt nhìn vợ, con rồi hất hàm, nói rất to:
- Nhà này có còn ai coi tôi là cái gì nữa không?
- Nào có ai dám cãi lại bố nào!
Bây giờ Mùa mới mở miệng. Câu nói của cô chưa dứt đã bị ông Đá át đi:
- Không cãi nhưng làm láo, mày hiểu không? Cái chuyện thằng phó cối tao đã bỏ qua, còn cái chuyện này nữa. Nó nhỡn tiền ra đây mẹ con mày còn cãi cái gì. Tao chưa có bao giờ hẹp bụng nhưng phép tắc là phải giữ.
Mẹ con bà Chiêm đã phần nào lần ra câu chuyện. Mùa không sợ nhưng buồn. Bà Chiêm thì thấy chồng mình càng ngày càng trái tính. Phải chăng vì cảnh hiếm muộn mà chồng bà sinh ra chuyện này. Tự nhiên bà nghĩ đến cô Hớn. Đang định đưa ra bàn chuyện với chồng vào buổi trưa nay về chuyện này thì ông ấy lại lên cơn đập phá. Mà chuyện gì mới được cơ chứ? Chả lẽ lại chuyện miếng ăn, miếng uống với thợ.
- Mẹ con bà nghe cho kỹ đây. Tôi đã nói một lần rồi giờ tôi nói lại. Chủ là chủ tớ là tớ. Không có cái cảnh tớ ngồi nhắm rượu chễm chệ như chủ hiểu chưa?
- Tôi thì tôi nghĩ, người ta vất vả. Người ta cũng là người...
Mẹ con bà Chiêm lặng đi. Dưới nhà ngang, ở góc khuất bụng dạ Lim cồn lên. Giá mà lộn ngược được một mình anh cũng dám làm. May mà Lim còn nghe được tiếng bà Chiêm nói với chồng: Người ta cũng là người...
Tiếng bà Chiêm hôm nay tự nhiên to lên chứ không dìu dịu mềm mỏng như trước. Còn sau câu nói đó của bà Lim thấy ông Đá ngồi im...