Sợ chốn giàu sang tình yêu không thật
Duyên kiếp chấp chênh gậm nhấm đời mình
Sức sống nguyên khai say mê như mật
Ngọt ngào bản thể khai sinh
Lim sớm nay dậy muộn. Tối qua tranh thủ trăng sáng, trời mát anh cố đào cho xong cái ao giữ nước nhỏ ở giữa vườn. Giúp việc cho Lim có Mùa và mấy người làm thuê nữa. Họ xúc đất, chuyển đất. Họ có mấy người, Lim chỉ có một vậy mà chuyển cũng chẳng kịp số đất anh đào ra. Người khéo tay lại có sức khoẻ nên việc này đôi với Lim chẳng có gì khó. Việc đào ao giữa vườn này là so sáng ý của Lim, được bà Chiêm, cô Mùa ủng hộ. Mới đầu nghe chuyện này ông Đá lắc đầu vì tiếc đất:
- Vẽ. Từ vườn ra ao làng mấy tí mà lại phải đào cái ao ngay giữa vườn nhà mình.
Bà Chiêm rành rẽ phân tích:
- Vườn nhà mình rộng đến hàng mẫu. Đất còn ối ra đấy. Có bơi ra cũng chẳng trồng hết cây. Khổ nhất là cái công gánh nước. Với lại trước đây ông cũng đã có ý định kia mà?
Ông Đá nhíu cố nhìn vợ:
Chuyện ấy là chuyện lâu dài.
- Còn lâu dài gì nữa? Bây giờ đang tiện người tiện việc. Có cái ao ngay đấy chỉ việc múc lên tưới chả hơn phải ra xa gánh về à?
Ông Đá hừ một tiếng to rồi nói:
- Bà bảo cái gì? Mình thuê nó về để nó gánh nước hay là ngồi nhìn bà với con Mùa gánh nước.
Bà Chiêm chép miệng, phân bua:
- Ông nói thế oan cho người ta. Thử hỏi, từ hôm ông đón người ta đến giờ, có buổi nào là nó mở mày, mở mặt ngồi nghỉ tới dăm phút đâu. Trên giường xuống đất là cày, là cuốc. Gà gáy canh ba rồi còn xay, giã. Người ăn, đứa ở mà ngoan được như nó tôi cho là loại hiếm.
- Bà thì cứ bênh nó chằm chặp.
- Lại không. Từ ngày nó về nhà mình đỡ bao nhiêu là việc. Mà nó làm, mẹ con tôi làm, ông có phải mó tay vào tí nào đâu mà ông lo.
- Nhưng mà tốn đất.
- Ông nói ai?
- Tôi bảo cái thằng Lim ấy.
Bà Chiêm khẽ cười. Những lúc như thế là ông Đá thua. Mà thua là đúng. Ai đời, đất thì còn bỏ hoang đấy, chỗ lồi, chỗ lõm mà khi bàn đến việc đào ao lại vặn vẹo. Cái ý này là của ai? Ai vẽ chuyện ra thế này? Còn của ai vào đây nữa nếu không phải là cái ý của đứa làm công sáng dạ. Từ ngày có nó, mảnh vườn như được tắm gội. Cấm thấy một nhánh cỏ hoang. Cây, gốc nào ra gốc ấy. Vào vườn mà chỉ nhìn thấy màu lá cây xanh mướt với màu đất hồng tươi xốp hỏi ai mà không thích mắt. Và thế là, lệnh ông, cồng bà, Lim hùng hục đào đất hàng tuần nay, cho tối tận sẩm tối qua mọi việc mới hòm hòm.
Bà Chiêm bảo Lim:
- Thôi để mai làm nốt anh Lim ạ. Hôm nay, cũng đã muộn rồi.
Lim lấy cánh tay gạt gạt đám mồ hôi trên trán cười:
- Bà cứ để con làm. Tối nay lại có trăng nữa. Với lại mai ngày xấu.
"Bố anh chứ!", bà Chiêm ngầm mắng yêu Lim. Lại còn ngày tốt với chả ngày xấu. Ai bảo anh thế! Tính toán cứ như người già cả không bằng. Lại được cái con Mùa hùn vào nữa:
- Anh Lim anh ấy nói phải đấy mẹ ạ. Tối nay trăng tròn lại mát, mọi người chỉ làm độ quá nửa đêm là xong thôi. Mẹ thắp cho con thêm ngọn đèn chai rồi bắc cho con nồi cháo đỗ nữa.
- Lại cả cô bàn việc, không khéo sớm mai trời mưa to.
Mùa cười ròn:
- Con nói thật đấy. Mẹ cứ xem. Tối nay ao đào xong có khi chiều mai, tối mai trời đổ mưa cho mẹ xem.
Đêm ấy oi nồng, cả nhà ông Đá gần như thức trắng. Tiếng cuốc mai đào đất, tiếng chân người chuyển đất. Ông Đá ngồi uống nước bên hè, thỉnh thoảng lại vắt tay sau đít đi ra vườn nhòm ngó, xem xét? Bà Chiêm chẳng những thắp thêm ngọn đèn chai mà còn đốt thêm cây đuốc nữa ở góc ao cho sáng để thợ dễ làm. Thực ra là ao đã đào xong, độ sâu ngang cổ người. Bây giờ là gọt tỉa, dọn dẹp. Một mình Lim một tay mai, tỉa tỉa, xén xén quanh thành đất. Không vuông vức, sắc cạnh như bể xây, chẳng tự nhiên như đầm nước đầu ngõ, ao do Lim đào nó tròn trịa và thoai thoải như cái bát đàn ăn cơm. Đất chẳng hun hút miệng giếng mà khum khum như lòng rổ. Nhìn cái ao đào sắp xong với cung cách của Lim, bà Chiêm thấy mát ruột. Ôi giá mà, nhưng chẳng thể. Nó là đứa ở, người hầu còn đây là...
- Bà ơi. Ao thế là sắp đào xong rồi. Chỉ còn chuyển mươi thúng đất nữa là chúng con hoàn thành. Bà về chuẩn bị đồ lễ đi để con bưng ra cho bà thắp hương.
"Ừ nhỉ!". Nồi xôi bà đã đồ. Cái chân giò lợn bà đã luộc. Cả nải chuối tây chín vàng nữa bà đã sắp vào mâm. Việc như đâu vào đấy rồi mà bỗng dưng mải vui chuyện đào ao lại quên.
- Mùa ơi, mẹ bảo...
- Con đang bận soi đuốc cho anh Lim sửa bờ ao.
- Thì để đấy, về giúp mẹ soạn đồ lễ nào...
- Vâng...
Tiếng vâng của Mùa dài và yếu. Nghe như cô miễn cưỡng phải thưa chứ thực tâm là chẳng muốn. Lim quay nhìn Mùa đang cầm đuốc soi cho anh tỉa đất ở bờ ao, nói nhỏ:
- Cô Mùa về giúp bà đi không bà lại mắng cho bây giờ.
- Kệ...! Em đi, không có ai soi đuốc nhỡ bập vào chân thì sao.
- Trăng sáng thế này cơ mà. Cô Mùa cứ về đi đừng lo cho tôi.
Bà Chiêm từ trên bờ sốt ruột:
- Mùa?
- Dạ...
- Nhanh lên con.
- Vâng...
Mùa tìm chỗ cắm đuốc. Lúc bám đất trèo lên bờ Mùa bảo Lim:
- Anh cẩn thận đấy. Em sợ vào chân vào tay lắm.
- Tôi lại sợ cô Mùa không cẩn thận giẫm vào mảnh sành, mảnh bát ý.
- Anh có nghe em dặn không?
Lim cười, nụ cười sáng trong ánh đuốc:
- Người ta biết rồi.
Chữ người ta trìu mến lạ lùng. Mắt Mùa ánh lên nhìn lại Lim. Những việc nho nhỏ, kín đáo này chẳng qua được mắt bà Chiêm. Lúc hai mẹ con ngồi sắp mâm lễ, bà Chiêm bảo khẽ cô Mùa, thái độ mềm mại:
- Mày phải ý tứ tý con ạ!
- Mẹ bảo gì kia...
Mùa ra vẻ không hiểu. Bà Chiêm nhẩn nha:
- Ấy là mẹ nói cái tình cảm của con với nhà cậu Lim ấy.
- Nhưng có gì đâu nào...?
Mùa cãi. Bà Chiêm vẫn rỉ rả:
- Như hồi cái lão phó cối Ngoẵng ấy. Nào có gì đâu nào mà bố mày chả gầm lên như hổ mất con đấy thôi. Mình là con gái...
Mùa có vẻ khó chịu:
- Thì anh ấy là con trai. Chả nhẽ chúng con nói chuyện với nhau bố mẹ cũng sợ.
- Nhưng người ta khác, mình khác. Mẹ nghĩ...
Bà Chiêm có vẻ lúng túng trong câu nói. Mùa tinh ý nhận ra, cô thần mặt hỏi mẹ:
- Mẹ nghĩ hay là bố nghĩ...?
- Ông ấy chả mắng té, mắng tát mày về cái bữa cơm trưa làm cho anh phó Ngoẵng đấy thôi.
Giọng Mùa phụng phịu:
- Bố mình chỉ được cái nghĩ quẩn. Con mình thế này, bố mẹ thế này ai dám. Báu gì cái nhà anh Ngoẵng ấy mà bố lo. Lúc ấy con còn trẻ con.
Mùa nói về Ngoẵng bằng thái độ lạnh lùng. Đúng là lúc ấy, có vài câu trêu đùa của anh phó cối khiến cô động lòng thật nhưng nó qua nhanh sau lời chắn trước của ông Đá. Việc đã qua lâu rồi. Cái thinh thích nhất thời chẳng làm sao có thể bền lâu khi mà tai tiếng về Ngoẵng đồn khắp đôi bờ sông Sỏi. Gái mới lớn có gì đó ngẩn ngơ trước người khác giới âu cũng là chuyện thường tình. Một cái chạm tay, một ánh nhìn của Ngoẵng lúc ấy có chạm vào sự run rẩy con gái của Mùa thật đấy nhưng chẳng lưu lại được lâu. Sự rắn mặt của bố, lời nhắc nhở của mẹ, nhất là từ dạo có Lim về làm công, Mùa thấy có gì khác hẳn. Ngoẵng làm sao có thể so với Lim.
- Con bảo với mẹ nhá. Từ nay là con cấm mẹ không được nhắc tới cái chuyện lão phó cối ấy nữa.
- Đấy là mẹ ví dụ thế. Con không nhớ tới chuyện ấy nữa là mẹ mừng lắm. Còn chuyện bây giờ...
Mặt Mùa bỗng ửng lên trong ánh đèn. Bà Chiêm nhận ra chuyện này. Người mẹ vốn nhạy cảm trước những biến đổi của con cái.
- Thôi nhanh tay lên còn bưng ra cho mẹ cúng nào...
Mùa không chờ câu nói này của mẹ. Cô muốn nghe mẹ nói điều mà cô đang nghĩ sao bà lại lảng đi. Bà ưng hay bà ghét. Có lẽ mẹ chẳng giống bố nhưng lại có gì theo bố, sợ bố. Mùa đã đến thì tìm bạn. Người trăm năm đã có đây rồi mà sao...
- Mẹ này!
- Gì con... Kìa, sao lại xới đầy thế. Đĩa xôi cúng đơm vừa vừa thôi nó mới đẹp.
- Ôi... con vụng quá. Mẹ dạy mãi mà không nhó. Con xin đơm lại mẹ xem.
- Cô thì còn nhớ được cái gì!
- Mẹ thật!
- Lại không à? Đưa nải chuối đây. Cau nâng khe khẽ không lại gãy. Còn thẻ hương, cơi trầu nữa... bưng vào đây... Hái cho mẹ năm bông hồng bạch nữa. Hôm nay mâm cúng trời đất, thần linh, thổ địa phải đàng hoàng...
Mùa làm theo lời mẹ như cái máy. Xong việc cô đứng ngây nhìn mâm cúng. Ông Đá từ nhà trên đi xuống mang theo chai ba rượu và hai chiếc chén.
- Mẹ con nhà bà định cúng suông à. Rượu đây, chén đây. Hai chén, một chén đựng rượu, một chén đựng nước. Lúc khấn nhớ là có cả Hà Bá, Thuỷ Quan nữa. Mình đào ao mà... Có kiêng có lành. Trời Phật có mắt cả. Thành tâm bao giờ cũng có hậu.
- Hay bố ra khấn cho mẹ...
Mùa chưa kịp nói hết ông Đá đã gạt đi:
- Xưa nay cúng vái là mẹ con. Lễ lạt là mẹ con. Bà ấy nhớ nhiều. Tao được câu trước quên câu sau làm sao nhớ hết mà khấn hở con. Khấn sai là phải tội. Con cũng học dần đi.
Bà Chiêm ra hiệu cho Mùa bưng mâm cúng. Ông Đá vẫy tay cho vợ đến gần nói nhỏ:
- Cúng xong lấy cháo với chuối cho chúng nó ăn. Đĩa xôi với cái chân giò cất đi cho tôi, nhớ chửa?
Mùa nghe bố dặn mẹ thấy nặng hết cả lòng. Người ta vất vả suốt đêm thế này mà chỉ được ăn có vậy. Mùa định cúng xong sẽ cắt thịt bày xôi ra cho thợ uống rượu. Đáng mặt ăn lắm chứ. Nhiều nhà còn mổ vịt, mổ chó đãi cơm thợ. Bố mình cư xử thế này thợ người ta cười cho.
Gà gáy sáng lần hai thì ao đào xong. Thợ ngồi nghỉ ngơi uống nước nhìn mẹ con bà Chiêm làm lễ thần linh. Trăng sáng cùng mùi hương làm cho đêm thêm thanh tịnh. Bà Chiêm cầu khấn lời tốt lành cho cả gia đình. Mùa đứng sau mẹ. Tay cô chắp trước ngực, miệng lẩm bẩm. Mắt Mùa chớp chớp nhìn ba nén hương cháy, thỉnh thoảng lại liếc nhanh ra phía đám thợ ngồi và dừng lưu luyến dù chỉ là chốc lát trên gương mặt nhẫy bóng vì còn ướt mồ hôi của Lim.
Đêm qua gần như thức trắng nên sớm nay Lim dậy muộn. Khi anh mở mắt ra đã thấy Mùa ngồi trước mặt.
- Anh có ngủ được không?
- May mà có cô Mùa đánh thức đấy.
- Chỉ được cái khéo miệng. Ai đánh thức anh mà anh bảo đánh thức.
Lim cười hiền, gãi đầu:
- Ấy là tôi nghĩ thế.
- Thôi, ra vại rửa mặt đi rồi vào đây em mang phần cho anh đây này.
Mùa chỉ tay vào cái rá nhỏ có đậy chiếc lá sen tươi. Lim nhìn mà không đoán ra cái gì.
- Ông bà với Mùa chu đáo quá.
- Anh đoán xem!
- Cô Mùa cho Lim cái gì thế ạ?
- Không nói.
- Không nói thì không dám ăn!
- Thì từ từ đã nào. Nhanh lên.
Lim nhanh nhảu ra vại múc nước súc miệng rồi vỗ nước lên xoa mặt. Lát sau vào, Lim xoa tay:
- Dạ, thưa cô Mùa, Lim xong rồi ạ.
Mùa cười tít mắt. Ngón tay búp măng trắng nõn của Mùa khẽ đụng vào chiếc lá sen rồi từ từ lật lên. Giống như một trò chơi đẹp, lòng rá mở ra một nửa đĩa xôi, nửa kia là một miếng thịt chân giò luộc thái to đặt trên một nhúm muối trắng, cả nửa chai ba rượu và một chiếc chén hạt mít nữa. Nhìn món quà ngon Lim cảm động nhưng lại sợ vì nó sang trọng quá. Lim nghĩ những thứ này không phải là dành cho mình. Rạng sáng bà Chiêm đã cho mọi người ăn cháo và chuối. Đĩa chân giò luộc và đĩa xôi đầy trong mâm cúng, ai cũng nhìn thấy nhưng chẳng ai nghĩ nó là của mình. Việc đương nhiên là thế. Vậy mà...
- Sao cô Mùa lại mang những thứ này ra đây?
- Anh hỏi thế có nghĩa là thế nào?
- Tôi nói thật đấy. Ai lại làm thế này. Tôi không xứng đâu. Mùa mang lên nhà đi. Cô làm thế này ông mà thấy là tôi chết. Dù sao tôi chỉ là đứa làm công...
Mùa nhìn Lim lúc lâu không nói gì rồi lẳng lặng đứng dậy. Đĩa xôi thịt với cút rượu vẫn nằm im trong lòng rá.
- Anh nghĩ thế nào về Mùa mà anh lại nói vậy?
- Nào tôi có dám nghĩ thế nào đâu. Mùa mang cho tôi thế này là quý hoá quá. Nhưng, thật tình là tôi không dám nhận.
- Anh khinh tôi chứ gì?
- Không!
- Tại sao?
- Tôi nói rồi đấy thôi. Cô thương tôi, cô cầm lại. Cô làm vậy... nhỡ ông thấy...
- Tôi không biết!
- Cảm ơn cô Mùa nhiều nhưng tôi không thể...
- Sao tôi vô duyên thế này. Kệ anh đấy... - Giọng Mùa tức tưởi.
Mùa đùng đùng bỏ đi. Lim hốt hoảng bưng rá phần đuổi theo. Vừa ra đến cửa Lim gặp bà Chiêm đi vào. Mặt Lim tái dại, tay run run như muốn đánh rơi chiếc rá.
Bà Chiêm nhìn Lim. Đôi mắt người có tuổi thoáng một chút buồn rồi dịu lại trong ánh nhìn của người mẹ. Bà đỡ chiếc rá từ tay Lim rồi lại khẽ đặt vào tay Lim:
- Phần của hai bác dành cho con đấy! Mấy ngày rồi con quá vất vả. Nửa đĩa xôi với mấy miếng thịt này có đáng gì mà con từ chối. Em Mùa nó quý anh nó mang xuống thay cho bác đấy. Con cứ nhận đi cho em nó vui lòng. Đây chỉ là miếng ăn thôi mà, con có gì phải ngại!
Nước mắt Lim như muốn chảy ra. Từ ngày mang sức vóc đi làm công đến giờ anh mới gặp được một bà chủ tốt như bà Chiêm thế này. Mồ côi cha mẹ từ lúc chín tuổi. Cuộc đời Lim dằng dặc những ngày làm công ở dợ. Chăn trâu, cắt cỏ, cày sâu bừa kỹ... không có việc gì thuộc về đồng áng là Lim không làm. Lời chửi mắng nhiều như cỏ ruộng không sao nhớ xuể. Đòn roi nhà chủ cũng vậy. Mặt ruộng có bao nhiêu luống bừa thì da thịt Lim cũng ngần ấy vết hằn. Tuổi trai bữa đói, bữa no. Cái khổ cái nhục đã tạo nên vẻ trầm tĩnh, chịu đựng ở Lim. Cũng nhờ cái trầm tĩnh và chịu đựng này mà Lim có sức vóc. Từ ngày theo về làm công nhà ông Đá, Lim thấy có cái gì khác hẳn. Anh cảm giác mình có lại gia đình sau rất nhiều năm hoang trống. Lim thấy như thế nào là mẹ qua bà Chiêm, như thế nào là bố qua ông Đá và Mùa. Bà Chiêm gần Lim hơn. Tình cảm của bà với Lim chẳng khác gì với Mùa. Riêng ông Đá thì Lim sợ. Ông chỉ nhìn xa mà sai việc. Ông ít có lời ngọt với kẻ làm. Tuy vậy ông chưa một lần đánh đập, chửi mắng ai. Có điều ngại nhất với Lim lúc này Là Mùa. vẫn biết Mùa quý mình thương mình. Nhiều lúc Lim còn cảm thấy Mùa như một thứ gì đó không thể thiếu được trong suy nghĩ của mình. Rồi cái nghĩ viển vông cũng được Lim tự cười cho qua. Nhìn người để ngẫm phận mình. Mùa với Lim là một trời một vực. Mình có quý cô ấy đến mấy vẫn là phận tôi đòi quyến chủ. Ai ở đời này nghĩ đến kẻ áo khố một manh như mình. Có chăng là người ta thương hại. Sự cảm tình của họ phải chăng là của bố thí. Lim sợ người giàu khi mà sự ban phát của họ quá hơn công sức của mình. Cái rá phần xôi thịt của Mùa mang cho đấy thôi. Chẳng có người làm công nào nghĩ đến chuyện được ăn thứ phần này. Nhìn nó Lim thấy sợ. Mùa quý Lim thật hay Mùa giả vờ. Giả vờ thì không. Qua những ngày sông ở đây Lim biết. Mùa chưa một lần mắng mỏ, nạt nộ Lim. Lúc nào cô cũng như một đứa em gái bé bỏng dễ bảo, dễ chiều. Là cô chủ thật nhưng chưa một lần Mùa lên giọng với Lim. Sao lại có chuyện lạ thế này. Lim có gì là ghê gớm lắm đâu mà Mùa lại xưng em với đứa ở. Có lần ngại quá Lim nói:
- Cô Mùa đừng xưng em với tôi, ông biết ông sẽ mắng tôi là không biết gì đấy.
Mùa hồn nhiên:
- Không lo. Ai lại đi bắt người nhiều tuổi hơn mình xưng bằng em, bằng con bao giờ.
- Nhưng chúng tôi là phận đứa ở, con đòi. Kẻ đi làm công...
- Việc ấy là việc của bố em với anh. Còn việc của em với anh lại là chuyện khác.
- Sao lại khác được ạ. Cô là con gái ông bà chủ. Chính tôi là ông ra chợ Bến dắt về cho làm công. Nhờ ông mà tôi có miếng cơm manh áo. Cô đừng có làm thế tôi thấy nó trái trái thế nào.
- Anh cứ kệ em.
Mùa cứ sống như vậy khiến Lim càng ngày càng phải giữ ý hơn. Anh sợ chuyện đến tai ông chủ, Lim sẽ bị đuổi. Với Lim lúc này miếng cơm manh áo là quan trọng. Anh phải ăn hàng ngày, phải sống hàng ngày. Dù nghèo khổ thật nhưng Lim muốn được đàng hoàng. Từ lớn đến giờ chưa một ngày được giàu, phải cam phận đi làm thuê cho kẻ có của ăn của để Lim đã thề với mình rằng, đói khổ có thể chịu được, nhưng nhất định không chịu nhục. Chính vì vậy mà anh luôn luôn thủ thế trước sự ban phát, có gì đó ngần ngại trước lòng tốt. Mùa chưa một lần làm Lim giận, mà sao cứ trông thấy cô ấy ở đâu là Lim muốn lánh. Sau đó là ngẩn ngơ, buồn hận...
- Sao dạo này cứ thấy em là anh lảng?
Có một lần Mùa chắn ngang lối đi của Lim mà hỏi vặn. Lim chỉ biết cúi mặt lúng túng trả lời:
- Tôi... Tôi sợ!
Sau câu nói ấy là Lim bần thần nghĩ ngợi. Lạ lùng, anh lại nghĩ về Mùa.