Đau nào hơn sự xẻ chia
Nửa thương thân phận nửa lìa chiếu chăn
Đường đời hoang hoải nếp nhăn
Mấy ai thoát được phong trần trả vay
Bà Chiêm nhận tin dữ về việc Thác hắt nồi cám lợn vào chân Đạc. Khi bà đến thì được biết cô đã bỏ đi đâu không ai hay. Ngôi nhà cửa đóng then cài cỏ đã mọc xanh trên mảnh sân đất. Hỏi thăm làng xóm biết cụ Ghềnh đã đưa hai đứa cháu ngoại về bên nhà nuôi. Lại một thôi cuốc bộ nữa bà mới gặp được hai đứa trẻ của người mẹ hoạn nạn.
Cụ Ghềnh bảo bà Chiêm:
- Chuyện xảy ra đã gần tháng nay. May mà chưa phải tù bà ạ. Biết là vậy mà không sao giữ được con. Nó trông hiền lành thế mà sao có lúc... Giá nó cứ ở với tôi bên này làm sao đến nỗi. Bây giờ thì chả biết nó bỏ đi đâu mà tìm...
Bà Chiêm thở dài:
- Mãi gần đây con mới được rõ. Dạo này mải việc bên nhà không sang bên này mấy nên chả biết chuyện. Phiên qua đi chợ Bến mới hay. Vậy cơ sự ra làm sao mà đến nông nỗi ấy hả cụ?
- Thằng Đạc xui chồng nó đánh bạc rồi lại xui chồng nó đi ăn trộm để trả nợ. Nào đã xong. Lão Đạc còn xui người mất trộm đánh chồng nó đến chết. Mà vì lẽ gì bà biết không? Chỉ vì mê con Thác, muốn lấy con Thác mà nó sinh ra ác tâm như vậy.
Bà Chiêm thở dài tiếp:
- Chả trách...
Cụ Ghềnh nấc một tiếng nhỏ:
- Chỉ tội hai đứa cháu nhỏ này thôi bà ạ! Con tôi nó nông nổi, cạn tính, cạn suy nên bột phát ra cái sự ấy. Đúng là ác giả ác báo. Thằng Đạc thì chả có gì mà oan khuất. Đau nhất là con Thác. Đầu còn xanh, tuổi còn trẻ như thế mà đã phải mang tiếng...
- Mình có cách gì tìm được cô ấy không cụ?
- Tìm làm sao hả bà? Việc nhỡn tiền ra vậy. Chả ai bênh gì thằng Đạc, nhưng việc đổ nồi cám nóng lên chân người ta thì chối làm sao cho khỏi dị nghị. Con tôi nó sợ đấy mà. Nó lo thế nào quan trên cũng bắt nên bỏ trốn thôi...
- Con chắc là cô ấy uất quá.
- Tôi cũng chả ngờ có lúc con bé lại sinh ra cái chuyện dữ như thế.
- Ôi, giá mà quan trên với mọi người đều biết hết được mọi chuyện xảy ra, thấu hết được hoàn cảnh cùng với cái sự tình của cô ấy thì con chắc chả ai nỡ trách, nỡ bắt.
Cụ Ghềnh lắc đầu:
- Khó lắm bà ơi. Từ thuở tôi xanh đầu đến lúc bạc tóc, có mấy khi trông thấy các quan về. Sưu thuế vẫn thu đủ. Có biến, có loạn là gọi dân. Còn cái làng này cao thấp thế nào, đường ngang, ngõ tắt, rộng hẹp thế nào, kẻ no người đói ra làm sao có mấy ai biết. Dạo thằng chồng con Thác bị đánh chết, ông lý trưởng chỉ bảo, chết thì đem chôn, còn oan nỗi gì cái quân trộm cắp ấy. Vậy đấy bà ạ. Vợ nó bây giờ cũng thế thôi. Kêu ai? Ai mà có công đi hỏi ngọn ngành vì sao con gái tôi nó lại sinh ra cái chuyện ấy. Giờ chỉ biết thương con! Cũng may là lúc ấy các bác trương tuần nới tay!
Chuyện trò giữa hai người chỉ có than thân. Tiếng thở dài cùng nước mắt. Sự đời lắm lúc chẳng ngờ. Bà Chiêm nhận ra nỗi oan khổ của Thác. Bây giờ đây cái cay cực ấy lại chất nặng trên đôi vai cụ Ghềnh. Ông lão thì đã già lắm rồi. Bây giờ thêm chuyện của con nữa, trông thần sắc người bố như quả bị phơi nắng lâu cứ quắt lại vì khô héo. Cám cảnh ông già trông hai cháu dại bà Chiêm muốn được đỡ đần. Nhưng cụ Ghềnh vốn khái tính. Từ ngày quen biết gia đình, bà biết. Nghèo thì nghèo vậy nhưng cụ chả muốn xin xỏ, hàm ơn ai. Bây giờ bỗng nhiên mình nói ra chuyện ấy, lại vào lúc nỗi đau còn đang cơn nóng bỏng thế này liệu có nên? Bà định muốn xin cụ hai đứa con của Thác về nuôi liệu cụ có ưng? Rồi nói làm sao bây giờ để cụ hiểu được cái điều muốn ấy của mình là thành thực. Lại nữa, nên nói vào lúc này hay lúc khác?
Ngẫm nghĩ một lúc cuối cùng bà Chiêm cũng tìm ra cách xử sự của mình:
- Cụ ơi... Cái số của em nhà không may nó phải gánh. Vất vả nhất là cụ lúc này. Con có nói mấy cũng chả vơi được cái nặng nề cụ đang phải chịu. Bố con ở bên nhà cũng đã khuất núi được dăm năm nay. Từ ngày được quen em Thác, con đã muốn được cụ coi như con cháu trong nhà. Bây giờ em nó không may mắc vòng lao lý cụ cho phép con được chia sẻ, góp phần.
- Cảm ơn bà lắm. Bà thương cháu tức là bà thương tôi. Cũng là cái chuyện chả ai muốn cả. Nay nó đã vậy thì mình đành phải chịu. Bây giờ, tuy chuyện có đau lòng thật nhưng ông cháu tôi vẫn còn cưu mang được nhau. Thương nhất là chúng phải xa mẹ. Bố mất, mẹ bỏ đi, con cái khác nào trẻ mồ côi hả bà!
Hai đứa trẻ thấy ông ngoại khóc chúng sán đến gần. Bà Chiêm kéo hai đứa lại với mình. Nhân tiện, bà lấy tiền từ trong túi ra. Tiền được bọc kín bà đã chuẩn bị sẵn từ nhà:
- Cụ cầm giúp con. Gọi là có chút ngọn cỏ, lá rau gửi cụ, cụ thêm thắt vào cho hai cháu.
Cụ Ghềnh đỡ gói tiền rồi lại đặt xuống mặt bàn. Bàn tay gầy trơ của cụ khẽ run rẩy đẩy gói tiền về phía bà Chiêm:
- Tôi đã nhận rồi giờ bà cho các cháu được xin gửi lại. Khi nào khó khăn thật sự ông cháu tôi sẽ đến xin bà...
Nước mắt bà Chiêm ứa đầy cả ra gò má:
- Cụ ơi, cụ nói vậy con khổ tâm lắm. Chả nhẽ đến giờ con vẫn là người dưng nước lã với em Thác. Cụ nhận giúp con cho cháu. Cụ có nhận con mới yên tâm con về...
Mắt bà Chiêm ngước lên. Bà nhìn mà không nói. Cụ Ghềnh đã nhận ra trong đôi mắt người phụ nữ luống tuổi này cái ngụ ý chân thành của một tấm lòng biết thương người, cả hai đứa trẻ nữa, hình như chúng cũng nhận ra cái sự ấy. Trẻ con biết cảm nhận lòng tốt theo cách nghĩ của mình. Không biết nói lời nào, chúng lặng im nhìn ông, nhìn bác Chiêm, nhìn nhau rồi cả hai cùng sà vào lòng bà khách, người mà mẹ chúng coi như chị gái.
Một tháng sau bà Chiêm lại sang thăm ông cháu cụ Ghềnh. Lần này bà đi với ý định xin cụ hai đứa trẻ về nuôi. Bà thưa chuyện, giọng chậm rãi, rành rẽ:
- Cụ cho hai cháu sang ở bên con. Ngày nào em Thác về con lại đưa các cháu về với mẹ chúng. Thực ra được ở với ông là tốt nhất. Con nghĩ, ông già yếu rồi, cháu ở với ông một hai bữa còn được chứ ở hàng tháng hàng năm thì vất vả cho ông quá. Việc nuôi dạy các cháu trước mắt cụ cứ cho phép chúng con làm. Chúng con làm được!
Cụ Ghềnh tỏ ý ngạc nhiên. Lời đề nghị của bà Chiêm hơi đột xuất khiến cụ cảm thấy không bình thường:
- Cảm ơn bà thông cảm với nỗi vất vả của ông cháu nhà tôi. Cũng xin thưa thực với bà, khó thì khó thật nhưng ông cháu bìu ríu lấy nhau thì vẫn hơn. Biết là các cháu về với ông bà là tốt đấy nhưng làm thế sao cho tiện. Còn tôi đây cơ mà!
Cụ Ghềnh lấy bàn tay vỗ vỗ vào ngực mình. Bà Chiêm nhìn thấy vẻ dứt khoát từ thái độ của cụ mà thấy sợ. Bà cảm thấy một lần nữa ý tốt của mình không hợp thời. Thì ra, ở đời nhiều khi bát gạo, đồng tiền để không đúng lúc, đúng chỗ nó cũng vô vị chẳng khác gì một vật vô dụng. Chả thế mà, chỉ nghe cụ Ghềnh nói chưa dứt câu bà Chiêm đã ngầm nghĩ rằng sẽ chẳng dám đả động đến chuyện này một lần nữa. Cũng từ chuyện này mà bà năng sang thăm ông cháu cụ Ghềnh hơn. Bọn trẻ cứ trông thấy bà là réo gọi ngay từ đầu ngõ:
- Ông ơi, bác Chiêm sang, bác Chiêm sang...!
Cũng có hôm chúng khóc:
- Bác Chiêm cho mỗi đứa một cái áo mới đấy ông ạ!
- Ông ơi, bác Chiêm còn bảo, đừng nghịch nhiều ông mệt. Chịu khó nghe lời ông, lúc nào mẹ Thác về, mẹ Thác sẽ mua thật nhiều quà cho. Đúng thế không hả ông!
- Đúng! Đúng! Mẹ Thác đi làm xa, giao chúng mày cho ông với bác Chiêm trông hộ đấy, cho nên các cháu phải thật ngoan, ông với bác mới vui.
- Vâng ạ!
Cũng từ đấy, bà Chiêm trở thành người thân trong gia đình cụ Ghềnh tự lúc nào không biết, các sự cố ý ban đầu với những vô tình sau này lại có nghĩa hơn những việc trước đó rất nhiều.
Cạnh chuyện gia đình cô Thác hoạn nạn, bà Chiêm vẫn đăm đắm chuyện đi tìm vợ bé cho chồng với việc làm quen dần với gia đình cụ Cự và con gái cụ, cái cô Hớn muộn mằn nhưng lại như một sự lôi cuốn tiền định.
Bà cụ Cự hồ hởi hẳn lên khi vừa đến chơi nhà bà Chiêm đã có ý muốn tìm cho em Hớn một người bạn trăm năm. Nỗi lo của mẹ cho cô con gái muộn chồng đã có người khác lo giùm. Sao lại có người đàn bà vừa nhanh nhảu vừa phúc hậu đến thế. Cụ Cự vui ra mặt và muốn thổ lộ điều đó ra bằng lời nói:
- Bác giúp được em nó việc này thì mẹ con tôi ơn nhiều lắm. Chả giấu gì bác. Con gái ngần ấy tuổi đầu mà vẫn một bóng, mẹ nào mẹ không sốt ruột.
Bà Chiêm lựa cách nói cho phù hợp với ý muốn của mình:
- Bà ạ! Em nhà cũng cao tuổi rồi. Trai tráng vào tuổi cô Hớn nhà mình cũng đã con trước con sau cả.
Cụ Cự nói ngay:
- Tôi cũng chả dám nghĩ kiếm được chàng rể trai tân. Bác tính, con mình thế, chòi cao làm sao được.
- Bà dạy thế rất phải. Con cũng đã nghĩ, đã tính rối! Cảnh nào ngộ ấy bà ạ. Cũng liều liệu cho vừa, cho phải...
- Bác giúp em sớm được ngày nào nó mừng ngày ấy.
- Bà cứ cho phép con nghĩ thêm...
Cụ Cự càng sốt ruột bà Chiêm càng tìm kế trì hoãn. Sự thật là vậy nhưng liệu nói một câu có được khi mà việc cụ Cự nhờ cũng là việc của mình muốn. Cái dễ cũng là cái khó ở chỗ này đây. Bà Chiêm xin phép để nghĩ hơn, để tính thêm là vì nhẽ ấy.
Cụ Cự vẫn giãi bày nỗi sốt ruột quá thể của mình:
- Bác tính... Giờ thì chả giấu gì nữa. Con bé ngoan thì ngoan thật, đứng đắn nữa nhưng cũng có lần nó làm tôi hết cả hồn đấy bác ạ. Ai lại mò đất bỏ đi, tôi hốt lên bổ nháo đi tìm con thì thấy nó đang ở đâu bà biết không? Cô mình bỏ ra tắm vùng vẫy như trẻ con ở sông Sỏi ấy. Bà nghĩ thế có sợ không. Chả là tối trước tôi có mắng con, chắc là nó giận. Chuyện cũng chẳng có gì ngoài chuyện dặn dò con gái...
Bà Chiêm cười:
- Cũng dễ hiểu mà bà. Em nó cứng tuổi lại phải nghĩ ngợi nhiều. Cũng là loại người bình tĩnh lắm mới được thế.
- Tôi cũng nghĩ vậy. Được cái con Hớn nhà tôi biết thương mẹ, nghe mẹ. Dạo này tôi cũng để em đi đây đi đó cho khuây khoả. Có nghề cũ khâu vá, trần áo bông của mẹ đấy giờ truyền cho con đi cũng kiếm được đồng tiền của thiên hạ. Cũng có cái ngụ ý khác nữa. Biết đâu, đi đây đi đó em lại chả gặp được bạn trăm năm. Cái duyên, cái phận là trời se, trời đặt mà...
Câu chuyện này của cụ Cự làm bà Chiêm giật mình. Bà lo về cái ý định tốt đẹp kia của cụ Cự. Không khéo, dù là con trâu chậm biết đâu Hớn lại chả gặp được điều cô muốn gặp. Ruộng già mạ ngấu mấy tí chả thành bông, thành hạt.
- Em Hớn nhà mình đi làm đã được lâu chưa hả bà?
- Cũng dăm bữa nửa tháng nay...
- Bà cho em đi thế là phải. Nó khuây khoả, nhẹ nhõm đi. Có khi lại nên duyên, nên phận.
- Tôi cũng mong như thế.
Trong đầu bà Chiêm loé lên một ý mới. Bà như người bắt được của quý. Với cách làm này có khi bà tránh được cái chuyện phải nói thẳng với cụ Cự về việc rất ư là khó nói của mình.
- Bà ơi, thể nào cũng có hôm con mời em Hớn sang nhà chần giúp nhà con cái áo bông.
- Của bác hay bác trai...
- Anh ấy nhà con bà ạ. Khổ, lam lũ mãi, giục chần cái áo ấm mà mặc cứ khất lần, khất lữa mãi. Đợt này là con bắt phải làm cho bằng được. Có em Hớn sang chần áo cho mặc thì còn gì bằng!
- Cụ Cự như vui lây với bà Chiêm:
- Thế thì để tôi bảo ngay em không nó nhận việc ở nơi khác. Mai kia nó xong việc chần áo ở nhà người quen bên kia sông Sỏi tôi sẽ bảo em nó sang bên nhà...
- Được thế thì quý hoá quá. Con cảm ơn bà! Con cảm ơn bà!...
Lâu lắm bà Chiêm mới có lời nói rối rít như thế. Sự này chẳng có gì là lạ. Người gieo hạt mong ngày trổ mầm. Buổi ấy bà Chiêm đợi bằng được Hớn về cho dù đã chiều muộn, bóng tối đang lan khắp ngõ làng. Gặp Hớn bà chỉ nói một câu:
- Chị đã thưa chuyện với mẹ rồi. Hôm nào rỗi em sang chần giúp anh cái áo bông.
Cứ nghĩ Hớn nhận lời ngay, không ngờ cô từ chối. Hớn lấy cớ chần áo bông vụng, thực chất là có chuyện rối từ nhà Ngoẵng sợ chuyện loang ra nên cô ý lánh mặt. Mấy hôm nay tuy vẫn khoác tay nải ra khỏi nhà từ lúc sáng sớm, nhưng cô không đi khâu vá thuê như mọi bữa mà là lảng xuống mấy nhà họ xa ở gần dưới cuối sông Sỏi để lánh mặt. Bà Chiêm chẳng thể hiểu chuyện này, cứ nghĩ Hớn cẩn thận, lo xa nên nói khéo:
- Em mà chần áo vụng thì còn ai khéo vào đây được nữa.
- Em nói thật đấy mà!
Bà Chiêm nói dỗi:
- Không thật với giả gì cả. Cô để anh cô đến mùa rét này không có áo ấm mặc là chị bắt đền cô đấy.
- Hay chị gọi người khác vậy.
- Tôi chẳng gọi ai cả. Tôi chỉ mời cô thôi. Cô nhận hay không là tuỳ. Sáng nay đi chị đã bảo với anh ấy là sang đón cô Hớn về chần áo bông cho rồi đấy.
- Nói vậy thôi. Chứ thực tình là chị chỉ muốn em. Em không sang giúp chị thì còn ai vào đây nữa.
Bà Chiêm vẻ năn nỉ. Hớn đã xuôi xuôi nhưng vẫn còn ngài ngại. Hai người ở hai cái muốn khác nhau. Hớn chẳng thể biết được cái muốn đang sâu kín trong lòng bà Chiêm. Hoặc biết được chuyện này liệu Hớn có muốn khi mà trong lòng cô đang ngổn ngang tơ vò với Ngoẵng. Đã phải chịu lặng im cho Sành mắng mỏ. Người vợ anh phó cối ấy chẳng có gì sai khi té tát cơn giận vào mặt Hớn. Đàn bà hay tính toán, xếp đặt những chuyện nhỏ bé vu vơ nhưng đến cái lớn, cái quan trọng nhiều khi lại ăn sổi ở thì bồng bột... Biết là không đúng tí nào nhưng Hớn vẫn cứ nghĩ đến Ngoẵng. Cái trò trai gái là vậy. Nó như cái ngó sen ấy có cố tình bẻ đôi, dứt nó ra thì nó vẫn cứ lằng nhằng tơ vương. Lúc này là lúc Hớn vật vã chuyện này cho dù Sành đã dọa. Xa làm sao được Ngoẵng khi mà da thịt hai người đã hoà quyện vào nhau như vôi vữa.
Bà Chiêm vẫn già néo mà chẳng sợ đứt dây vì đây là chuyện tình chuyện nghĩa. Bà tự tin ở mình nên mỗi câu nói là mỗi câu vun vào:
- Nhá, bằng lòng giúp chị Hớn nhá. Hớn mà giúp chị chắc anh nhà chị vui lắm đấy.
- Nhưng em vụng lắm. Chần áo đàn bà còn được chứ chần áo đàn ông có mấy khi làm.
- Cứ nói thế chứ. Vụng em bằng trăm khéo chị. Đấy, thế là nhận lời nhé.
- Vâng, để em tính...
- Còn tính toán cái gì. Hay là sáng mai sang chị đi.
- Ấy chết! Chưa được. Chị cho em đầu tháng được không?
- Càng tốt. Mùng một sớm mai, mùng hai đầu tháng. Hay là sang chị vào phiên chợ Bến nhá. Hôm ấy chị sẽ đi chợ mua cua về làm bữa riêu bún mời em. Cái món ấy là món em thích, đúng không nào? Anh nhà chị thì mê hơn cơm tám.
Hớn cười. Nụ cười không thật tươi nhưng cũng đủ để bà Chiêm hể hả lúc ra về. Bà nghe bước chân mình đi. Giẫm bước nào chắc bước ấy. Mình già rồi mà ông ấy còn trẻ. Xưa vụng tình nên vậy, giờ thì...
Hôm Hớn hẹn sang, ông Đá lại dở chứng nói có việc bận phải đi. Việc môi mai cho chồng, bà Chiêm vẫn giữ kín nên ông Đá không mảy may biết. Câu chuyện giằng co giữa hai người nhúng nhắng chẳng làm sao rõ hết đầu đuôi:
- Ông đi đâu mà phải đi ngay hôm nay. Mai kia chẳng được hay sao?
- Tôi đã hẹn rồi.
- Nhưng chuyện gì mới được cơ chứ.
- Việc đàn ông bà hỏi làm gì.
- Thế việc chần áo bông cho ông là việc của đàn bà chúng tôi chắc.
- Chẳng phải bà mời cô Hớn sang là gì?
- Thì ông cũng phải ở nhà xem cao thấp, ngắn dài rộng hẹp thế nào chứ.
- Thì cứ lấy cái áo cánh của tôi ra mà đo. Rộng hẹp, dài ngắn ở đấy cả. Chục năm nay có lớn lên được tí nào đâu.
Bà Chiêm phải bật cười vì câu nói đùa của chồng:
- Nói với ông cứ tức như bị bò đá. Gì thì gì hôm nay ông cũng phải ở nhà.
- Tôi nói rồi. Việc phải đi là phải đi. Bà đừng có gàn mà nhỡ hết của người ta.
- Ghê nhỉ. Cỗ bàn, hiếu hỉ hay đỏ đen cờ bạc mà quan trọng làm vậy. Hay là có trát của quan trên đòi?
- Không phải những chuyện ấy. Đừng có nói linh tinh nữa. Đã nói đi là đi. Bà có thấy từ xưa đến giờ tôi nói sai cái gì không?
Bà Chiêm phải đấu dịu:
- Thì ông đi muộn tí vậy. Đợi cô ấy sang đo đắn một tí cho nó chuẩn rồi đi cũng được. Người gì mà ương như ổi. Già rồi mà vẫn...
- Bà bảo sao? Ai già? Tôi hay bà?
Ông Đá thoáng vẻ lúng túng. Bà Chiêm chả để ý tới việc này nên vẫn thao thao nói tiếp:
- Hay là lại đốc chứng lên rồi...
Trên nét mặt ông Đá có gì giật giật như người có tật. Vừa lúc cô Hớn sang. Như chẳng còn để ý đến chuyện gì khác, bà hớt hải chạy ra đón khách:
- May quá, em chị đến đây rồi. Anh ấy đang đòi đi đấy. Nào vào nhà uống nước đã em rồi chị trải chiếu cho em ngồi ngoài hè để khâu vá cho nó sáng.
Ông Đá miễn cưỡng tiếp khách rồi lại miễn cưỡng đứng lên cho cô thợ lấy thước đo thân áo. Ông ít nói, không cười. Hớn thì cứ lẳng lặng làm việc. Cô chẳng thấy mình có liên quan gì tới chồng bà Chiêm ngoài cái việc chần áo rét này. Còn bà Chiêm nhìn cái cảnh này mà lộn hết cả ruột. Cũng là tại bà cả. Hai người nằm trong ý vun vén của bà thật đấy nhưng đây mới là lần đầu họ biết nhau. Đành phải chờ vậy.
- Thôi, ông đi đi nhanh nhanh còn về. Bữa cơm trưa nay là chị em tôi đợi đấy.
- Ấy ấy... trưa nay về làm sao được. Tôi cứ gọi là phải tối mịt. Cô Hớn cứ tự nhiên.
- Dạ, bác đi ạ!
- Em nó chào ông đấy.
- Không dám! Chào cô...
- Ăn với chả nói... Thôi ông đi đi. Nhanh mà về!
Ngày hôm ấy chỉ có bà Chiêm và Hớn. Hai người vừa làm vừa trò chuyện. Có lúc bà còn gọi thêm cả Mùa đến giúp việc nữa với ngụ ý cho cô cháu gần nhau thêm. Mùa theo mẹ xưng cháu với Hớn, Hớn bảo:
- Cô Mùa cứ gọi tôi là chị. Đừng có xưng cháu mà người ta cười cho. Tôi cũng chỉ hơn Mùa ít tuổi thôi mà. Gọi cô là cô sẽ ế chồng đấy.
Bà Chiêm át đi:
- Không được thế. Đã là chị em với tôi thì là phải cô cháu với cháu. Con Mùa nghe rõ chưa? Hớn này... Cô có mà ế khối.
- Con rõ rồi ạ! - Mùa lễ phép.
Hớn vẫn ngại:
- Chị làm thế em ngượng lắm.
Bà Chiêm chẳng bận tâm chuyện này. Như để thể hiện rõ cái ý của mình bà bảo Mùa:
- Con ngồi đây nhìn cô làm mà học. Có gì không hiểu thì nhờ cô giảng dạy cho.
- Vâng ạ!
Mùa "Vâng ạ" rất ngoan nhưng thoáng cái sau đấy đã chạy tót ra vườn cùng anh Lim làm cỏ. Có lúc bà Chiêm phải réo gọi mãi Mùa mới vào:
- Mẹ đã bảo con để việc ấy lại đã. Hôm nay có cô sang, con giúp cô việc này trước.
- Nhưng anh Lim anh ấy bảo...
- Không có Lim với sến gì hôm nay cả.
Mùa hơi sị mặt nhưng không dám trái ý mẹ. Nhưng cũng chỉ được một lát, khi bà Chiêm lúi húi ở bếp làm cơm, lấy cớ mang nước cho Lim uống, Mùa lại ra vườn. Cũng chỉ hôm nay Mùa mối được quấn quýt với vườn tược nhiều như vậy. Ông Đá vắng nhà, cái sự xét nét con cái không được sát sao như cũ, nên Mùa có cảm giác được rộng chân rộng tay hơn. Vả lại, với Lim là người hiền lành, lam làm, biết con gái có cảm tình với chàng trai làm thuê đấy nhưng bà Chiêm chẳng muốn khắt khe tí nào. Ai là người mà chẳng có bạn. Hơn nữa hai đứa lại đang tuổi trai, tuổi gái. Bà muốn Mùa ngồi trò chuyện với cô Hớn nhiều hơn là có cái ý riêng của bà. Bà muốn hai người quen dần nhau để mai này nếu chuyện tốt kia có xảy ra sẽ đỡ bỡ ngỡ.
- Con Mùa lại nhảy tót ra vườn rồi hả cô?
- Dạ...
- Khổ quá. Đã bảo rồi. Con với chả cái!
- Cứ để cháu đi làm việc của cháu chị ạ! Việc của em có gì đâu mà phải học.
- Cái con này...
Bà Chiêm thở dài, vừa nhìn ra vườn vừa lắc đầu:
- Anh ấy ở nhà thế nào con ranh cũng được vài cái mắng. Ai lại, mấy khi cô sang chơi...
- Chị thật... Sao mà giống mẹ em thế. Lúc nào cũng giữ dịt con như của riêng của mình không bằng.
- Hiếm hoi mà cô. Hai vợ chồng chỉ có mình nó. Không gìn giữ con nhỡ có chuyện gì xảy ra thì lấy cái gì mà bù được hả cô?
- Thế mà em cứ nghĩ hai bác phải đông con lắm đấy.
Bà Chiêm nhìn Hớn, đôi mắt trầm xuống:
- Lỗi là ở chị em ạ! Vụng sinh vụng đẻ. Cứ như anh ấy thì phải con đàn, cháu đống mới đúng. Lâu rồi, từ ngày cháu Mùa còn nhỏ kia, chị có nghén thêm mấy lần mà chả giữ được đứa nào. Phúc phận trời chỉ cho có vậy đành chịu. Chỉ thương cho anh ấy. Người hiền lành, khoẻ mạnh lại giỏi giang nữa mà đến mụn con nối dõi chưa có, em nghĩ có tội không?
Bà Chiêm có ngầm ý của mình. Hớn nghe chỉ để biết. Lòng cô không bọn chút gì về cái sự níu kéo tế nhị kia của bà vợ ông Đá hiếm con. Hớn chỉ biết nghe và chắm chúi khâu vá cho nó khuây khoả nỗi lòng. Nhưng không thể không nói.
- Chị có kể em mới biết. Đúng là mỗi nhà mỗi cảnh. Cứ nghĩ người như chị phải đầy đủ, tròn vẹn. Giờ nghe chị kể em mới biết. Thì ra ở đời này ai cũng có cái được, cái mất. Lắm lúc nghĩ chỉ có mỗi mình mình khổ nhưng nhìn ra mới biết.
- Như anh chị đây này. Em thử nhìn xem. Nhà này ngỡ như chả thiếu thứ gì lại thiếu đi thứ quan trọng nhất. Em biết anh chị thiếu cái gì không?
Hớn khẽ lắc đầu. Cô biết chứ không phải không biết. Nhưng chuyện ấy nào có liên quan gì đến Hớn. Bà Chiêm thì lại biết mình đang chạm dần đến điều bà muốn:
- Việc này rồi có khi anh chị phải nhờ em. Có em giúp chắc là sẽ thành...
Hớn hồn nhiên hỏi lại:
- Chị bảo gì ạ? Cái ngữ em thì có làm được việc gì cho ra chuyện.
Bà Chiêm cười:
- Có đấy. Em chị vẫn chưa biết đấy thôi. Rồi bữa mốt bữa mai chị sẽ tâm sự để em rõ rằng là anh chị muốn em giúp đỡ anh chị điều gì. Việc này mà em nhận lời giúp chị tin rằng sẽ thành.
Bà Chiêm đã sát sàn sạt gợi chuyện. Khuôn mặt Hớn vẫn buồn lạnh như cũ. Cô ấy có hiểu cái ý bà đang nói hay không mà thái độ dửng dưng làm vậy. Hay là hiểu rồi nhưng để bụng giữ ý. Thế nào cũng được. Cái lớn nhất bây giờ là bà rất quý Hớn và đang muốn sống làm sao để Hớn cũng quý mình như thế. Được vậy, sau này mọi việc sẽ suôn sẻ, dễ dàng hơn rất nhiều. Việc hôm nay cứ vậy đã. Còn mai, mốt kia mà. Hôm nay ông Đá đi vắng nhưng mai sẽ ở nhà. Cô thợ khâu cũng phải vài ngày nữa mới xong việc. Hai người phải chạm mặt nhau, phải ngồi cùng mâm với nhau đã, sau đó bà mới vào chuyện. Trước tiên là chồng mình. Ông ấy có ưng bà mới dám dọn lời với Hớn. Chắc là lão Đá nhà mình sẽ gật thôi. Sướng gì bằng có vợ đi hỏi thêm vợ cho mình. Lấy vợ cho chồng là cái chuyện chẳng đừng. Bà biết vậy nhưng vẫn cắn răng làm. Chuyện có vẻ như ngược mà lại thuận. Bà có thể thiệt thòi thật đấy nhưng gỡ lại được cái đầy đủ gia cảnh. Người đàn bà ở vào lúc khó khăn thường tìm ra cách gỡ rối cho mình.
Ngày Hớn chần xong áo bông đưa ông Đá mặc thử, bà Chiêm cứ ngắm ra, ngắm vào, giọng trầm trồ:
Đẹp quá... Đẹp quá! Như in chưa, ông thấy Hớn nó mát tay không nào. Đúng là người đẹp vì lụa nhá.
Ông Đá chỉ biết cười khi Hớn nhẹ tay kéo gấu áo xem đã vừa hẳn hay chưa. Hơi đàn bà lạ thở ra quanh mình khiến ông có cảm giác vui vui. Ông muốn nói một câu gì đó với Hớn mà chả biết nói điều gì.
- Ơ, sao lại đứng ngây ra thế. Cởi áo ra đi để em nó khâu tiếp cho mấy đường chỉ nữa.
Lâu lắm bà Chiêm mối lại có lời mắng chồng dễ chịu kiểu này. Ông Đá thì vẫn như Hớn. Cả hai đang được bà Chiêm đưa dần vào cuộc mà không biết.
Tối ấy, đợi cho Mùa đi ngủ, bà Chiêm mới se sẽ đi ra nhà ngoài. Ông Đá đang thiu thiu ngủ, gặp tay vợ vỗ nhẹ vào vai, tỉnh dần:
- Gì thế?... Con Mùa nó ngủ chưa?
Bà Chiêm nghe lối nói của chồng, biết là ông đang hiểu nhầm ý định của bà. Chả là, những lúc vợ chồng muốn gần nhau, bà hay vỗ tay kiểu ấy. Hôm nay thì động tác vẫn như cũ nhưng ý nghĩa của công việc lại khác.
- Dậy, dậy đi... Tôi có chuyện muốn nói với bố em đây. Dậy... dậy...
Nơi bàn nước, hai vợ chồng ông Đá ngồi đối diện nhau. Bà Chiêm vào chuyện luôn:
- Mình thấy cái nhà cô Hớn thế nào?
Ông Đá nhướn mắt nhìn vợ:
- Sao bà lại hỏi tôi.
- Thì chuyện của ông, tôi không hỏi ông thì hỏi ai?
Ông Đá cau mặt, nghĩ chắc là bà vợ đang nghi ngờ mình điều gì về cái cô thợ khâu vá thuê này:
- Bậy nào. Bà quen cô ấy, bà kéo cô ấy về...
- Đúng thế.
- Nhưng sao mình lại kéo tôi vào cái chuyện này. Đúng là vớ vẩn. Hay là bà bán tín bán nghi điều gì?
Bà Chiêm cười rồi lấy lại nét mặt bình tĩnh, chậm rãi từng câu một nói với chồng:
- Tôi cũng định nói với nhà chuyện này từ lâu nhưng sợ bước không qua nên chưa dám. Nay thì leo cây cũng sắp đến ngày có thể hái quả rồi tôi mới thưa chuyện với bố em. Nhà mình thì ông rõ rồi đấy. Tôi vụng về chỉ sinh cho ông mỗi mụn con, lại là con gái. Mà chuyện cứ để mãi thế này sao được. Lâu nay, tôi và con Mùa cũng đã bàn nhau. Mẹ con đã cùng một ý với nhau rồi. Ý gì, ông biết không?
- Mẹ con bà định lấy vợ lẽ cho tôi chứ gì?
- Ông thấy thế nào?
- …!
- Tôi nghĩ, bố em tuy thế nhưng vẫn còn trẻ. Tôi thì già quá rồi. Mà cứ để mãi chuyện này, tôi thấy tôi có lỗi với tổ tông nhà chồng quá.
- Thôi bà đừng có nói cái chuyện này nữa. Đã bao lần tôi bảo rồi. Có gì nuôi nấy. Trời cho vậy chịu vậy. Mình có muốn cũng chẳng được.
Bà Chiêm lắc lắc đầu trước mặt chồng:
- Ông nói thế là không được. Tại tôi chứ đâu phải tại ông. Nay mẹ con tôi đã nghĩ kỹ lắm rồi. Con Mùa nó cũng nói, mẹ nghĩ thế là phải. Bây giờ chỉ cần ông đồng ý một câu là tôi có thể lo tiếp chuyện khác được ngay.
Ông Đá nghiêm mặt nghĩ ngợi, lát sau ngẩng lên hà một tiếng mạnh, nói nhát ngừng:
- Nhưng... nhưng... Mà phiền... hà... lắm!
Bà Chiêm vẫn tỉnh táo như không:
- Tôi còn chẳng sợ phiền hà nữa là ông!
- Nhưng bà... Tôi tính cứ xin thằng con nuôi cho nó êm chuyện.
- Không phải bà nữa mà là ông. Ông thấy thế nào? Có đồng ý không thì cho mẹ con tôi một lời. Mọi chuyện tôi đã dấm sẵn rồi.
Ông Đá tròn mắt nhìn vợ:
- Nhưng là ai mới được chứ?
Bà Chiêm cười rất tươi:
- Em Hớn đấy. Mấy hôm nay rồi mà ông vẫn không biết à. Nam giới các ông đúng là...
Mặt ông Đá bừng bừng bối rối sau đó cứ au lên, ngây ngô như tượng gỗ vừa đẽo. Cái ý định giấu bà hôm vừa rồi bỏ xuống vùng dưới nhờ bạn tìm giúp đứa con nuôi có lẽ chẳng thành. Xem ra bà ấy đi trước mình mà lại đáo để, kín nhẽ hơn mình. Nhưng mà...
Đêm khuya lắm rồi ông Đá vẫn không ngủ được. Ông trở mình liên tục và e hèm liên hồi. Chán chê, mỏi người, ông ngồi dậy rít thuốc lào rồi nhấp nước vặt...
- Ông làm sao thế?
Bà Chiêm từ trong buồng đi ra nhẹ nhàng hỏi. Ông Đá lắc đầu:
- Bà cũng chưa ngủ à?
- Tôi hỏi ông cơ mà...
Ông Đá né người nhường chỗ cho vợ ngồi:
- Bà ngồi xuống đây tôi nói... Tôi là tôi không có làm cái chuyên ấy đâu. Bà đối với tôi như thế, tôi nỡ nào. Tôi mà nghe theo thì tôi là đứa bất nghĩa...
Mặt bà Chiêm trầm xuống nhưng giọng thì có vẻ rắn rỏi hơn:
- Việc là việc của tôi kia mà...
- Bà nói thế mà nghe được?
- Ông cứ mặc tôi...
Nói rồi, bà Chiêm nhìn chồng nước mắt ứa ra tràn cả hai mi.