Đàn bà giữ chồng như chó đẻ giữ con
Đàn bà yêu đàn ông bạo liệt hơn thế
Đừng tìm cách - xin đừng lý lẽ
Chuyện gái trai muôn thuở dại khôn
Có thể gọi Ngoẵng là anh phó cối đào hoa. Ở đâu, đến đâu anh ta cũng được chị em yêu mến, chiều chuộng. Không biết đàn bà thích Ngoẵng ở điểm gì mà thấy hắn là mắt cứ tít lên trò chuyện. Sau đó chỉ đôi ba cái đập tay, đập chân là da thịt chị nào chị ấy cứ căng lên như gặp nắng hanh. Nhiều gia đình có con gái mới lớn hoặc quá lứa nhỡ thì cứ nhác trông thấy Ngoẵng hoặc có việc phải nhờ đến Ngoẵng là mắt trước mắt sau trông chừng. Đứa trộm cắp còn có thể bắt tận tay, nhưng kẻ gian tình đâu phải lúc nào cũng nắm được đuôi khố của nó. Việc này, trước mắt, ông Đá đã ngăn được. Cô Mùa đã biết sợ bố nên nem nép một bề không dám lảng vảng quanh anh phó cối nữa. Riêng bà cụ Cự thì khoanh tay, bó gối. Mẹ có mắt cũng như mù khi con gái cố tình dan díu. Chuyện trai trên gái dưới giữa Ngoẵng và Hớn ở cái quán ngói giữa đồng có thể kín bưng nếu sau đó mỗi người chịu đi mỗi ngả. Nào có được. Gái phải hơi trai, dẫu có xuống sông Sỏi ngâm mình cũng chẳng làm sao dứt được dam mê. Đã có lần đầu trót lọt thì ngại ngần gì chẳng có lần hai, lần ba... Hớn phải bả tình của anh phó cối đến lúc không kìm nén nổi đã nhiều lần trốn mẹ ra quán ngói gốc đa. Rồi có một lần Ngoẵng lỡ hẹn không đến, cô gái già bén mùi đã bổ sấp bổ ngửa lần đến tận nhà người tình. Ghê gớm thật. Trong tất cả cái sự bạo của con người thì cái sự bạo tình là đáng nể hơn cả. Hớn chạm ngõ nhà Ngoẵng vừa lúc tang tảng sáng. Tay cắp chiếc nón, vai khoác tay nải giả người đi khâu vá thuê cô đã bạo tay gõ cửa nhà anh phó cối. Ngoẵng hôm ấy phải cảm đột ngột nên nằm bệt giường. Khi nghe có tiếng người gọi cổng, Sành vợ Ngoẵng tất tả chạy ra:
- Ai thế? Có việc gì mà gọi sớm vậy.
- Em ạ!
- Em là ai mới được cơ chứ.
- Em... em là người bên kia sông Sỏi.
- Thì sao nào?
- Bác cứ mở cửa ra, em xin thưa chuyện ạ!
Tiếng cổng gỗ kẹt kẹt. Mặt Sành khó đăm đăm khi bắt gặp khuôn mặt hớt hải của Hớn:
- Có chuyện gì cô nói đi?
Hớn thở chậm, lấy lại bình tĩnh:
- Dạ, em nghe nói, bác muốn chần áo bông...
- Cô...
- Thưa, em người làm nghề bên Sỏi Thượng!
- Phải! Nhưng ai mách mà cô biết.
- Dạ, bác trai ạ!
- Lão Ngoẵng nhà... nhà tôi?
Từ trong nhà tiếng Ngoẵng vọng ra:
- Ai thế mình ơi.
Hớn mạnh dạn:
- Em đây, Hớn con bà cụ Cự bên Sỏi Thượng đây bác Ngoẵng ạ! u em bảo, bác nhắn em sang trần áo bông cho bác gái.
Hớn mạnh bạo đi vào nhà. Sành thấy là lạ đi theo. Ngoẵng lúc này đã nhổm dậy, cuộn chăn quanh người, nói với vợ:
- Đây là cô Hớn vào loại khâu vá giỏi nhất vùng mình đấy u em ạ! Chả là tuần trước tôi sang đóng cối bên làng, thấy mùa đông sắp đến, mình lại chưa có áo rét mặc, nên tiện thể tôi mời sang.
Sành chép miệng:
- Ông chỉ vẽ. Nhưng sao lại là hôm nay. Ông đang ốm cơ mà.
Ngoẵng đưa mắt nhìn nhanh Hớn rồi quay ra nói với vợ:
- Ơ hay. Tôi ốm thì có ảnh hưởng gì tới chị em các bà may vá nào. Chả mấy khi đón được thợ khéo đến nhà. Mình cứ lấy vải vóc ra cho cô ấy làm...
Ngoẵng hừ hừ rên, lấy khăn xỉ mũi rồi mệt mỏi ngả lưng. Sành khẽ kéo chăn đắp cho chồng. Hớn thoáng xót xa rồi lấy lại vẻ bình thường ngay:
- Bác nhà mệt lâu chưa ạ?
Sành trả lời thay chồng:
- Chiều qua còn khoẻ. Tối thì sụt sịt rồi nằm bệt cho đến lúc này. Cơm chê! Cháo cũng chả thèm ăn!
Hớn xuýt xoa:
- Bác nhà phải cảm rồi. Bác đã đánh gió cho bác trai chưa ạ?
- Rồi. Đánh gió trứng. Đồng bạc trắng cứ đen sì ra. Kiểu này là cảm nặng. Sáng nay đang định đi chợ mua bán cái gì cho ông ấy ăn, cô lại đến...
- Không sao đâu ạ. Bác cứ đi chợ. Có bác trai với các cháu ở nhà bác đừng ngại...
- Thì vẫn... Thôi cô ngồi chơi để tôi vào buồng lấy vải.
Gian nhà ngoài chỉ còn Ngoẵng và Hớn. Ngoẵng trợn mắt nhìn bạn tình rồi đặt tay lên miệng ra vẻ "Cấm nói". Hớn khẽ gật gật, mắt nhìn Ngoẵng như muốn khóc.
Sành ra, tay cầm vải, cầm cốt áo:
- Tất tật đây. Cô làm kĩ, làm đẹp cho chị, hết bao nhiêu tiền chị trả, đừng ngại...
- Chị cứ để em. Chị đi chợ đi kẻo muộn.
Sành tất tả cắp rổ đi ra cổng. Bọn trẻ trải chiếu ra trước hè cho cô Hớn ngồi với thúng đồ may rồi ai vào việc ấy. Gian nhà trên, từ hè vào chỉ có Hớn và Ngoẵng.
Hớn ra vẻ cắm cúi khâu. Ngoẵng húng hắng ho rồi ra ngồi bàn nước xúc miệng òng ọc. Từ hè, vọng vào, giọng trống không của Hớn và từ trong hắt ra giọng trống không của Ngoẵng:
- Sốt ruột lắm!
- Biết thế nhưng ốm quá không bước nổi.
- Có sợ không?
- Bạo thật!
- Biết làm thế nào được.
- Bí mật đấy. Con mụ ấy với lũ trẻ con biết được là nó xay ra cám.
- Thấy rồi, đừng lo. Nhìn được nhau một tí là yên tâm...
- Chần áo cho đẹp vào. Nó mà thích là nó bớt nghi. Vào trong nhà một tí được không?
- Điên à? Đi nằm đi cho chóng lại sức.
- ... Ừ, cũng phải.
Tiếng trở mình trên giường của Ngoẵng. Hớn ngồi ngoài hè, mặt cúi, mắt chăm chú khâu mà bên người như có thoang thoảng hơi nóng của Ngoẵng...
Ngày đầu trôi qua. Chiều muộn Hớn mới về. Sành đưa Hớn ra tận cổng, tay xách theo hai quả bưởi đường. Tới đầu ngõ, Sành đưa cho Hớn nói:
- Cô đem về biếu cụ giúp chị. Đây là cây nhà lá vườn. Giống quý từ trên ngược mang về đấy. Sáng mai lại sang giúp chị mấy buổi nữa cho nó xong.
Ngày thứ hai vui hơn ngày đầu. Buổi trưa, Sành thổi hẳn cơm nếp có trộn mỡ hành mời cô thợ khâu. Ngoẵng đã khoẻ dần húp cháo thịt hết những ba bát. Anh phó cối đã đi lại được nên thỉnh thoảng ghé chiếu ngồi xem cô thợ khâu áo cho vợ mình.
- Phải vài ngày nữa mới xong cô Hớn nhỉ.
- Vài ngày nữa để em chết đói à?
- Thế, liệu bao giờ xong.
- Chỉ mai thôi. Mai là bác có áo đẹp mặc rồi. Làm xong chỗ này em còn phải sang chỗ khác chứ bác.
- Tiếc thật...
Ngoẵng buột miệng. Hớn nhìn trước nhìn sau không thấy ai vội lấy thước đánh vào tay Ngoẵng:
- Muốn chết à?
Chiều ấy Hớn về có muộn hơn chiều hôm trước. Lần này Sành chẳng mang theo quà gì nhưng lại có lời mời:
- Chiều mai ở lại ăn cơm với anh chị. Em cứ xin phép cụ trước đi. Nếu muộn, thì ngủ lại sớm hôm sau sẽ về, cô xem có được không?
- Em sợ mẹ em mắng.
- Lo gì. Anh Ngoẵng nhà chị với cụ bên nhà là chỗ quen biết. Với lại anh chị bên này với gia đình bên ấy đều là người tử tế cả thì cụ lo nỗi gì. Em cứ xin phép cụ cho chị. Chị có quý em chị mới nghĩ ra việc này. Em chiều anh chị đi cho anh chị vui lòng.
- Để em thử xin phép. Nếu mẹ em không đồng ý cũng mong hai bác thông cảm.
- Đến lúc ấy hẵng hay. Thôi em rảo chân lên không trời tối. Con gái con đứa đi đêm, đi hôm là không tiện.
- Thôi em về đây.
- Nhớ nhé!
- Vâng...
Buổi chia tay như của chị với em. Thợ và chủ dã có vẻ thân thuộc, gắn bó. Ngoẵng mừng thầm trong bụng vì vợ con không hề hay biết chuyện. Hớn thì thấp thỏm nửa buồn nửa vui. Vui vì được gặp Ngoẵng buồn vì sắp phải xa Ngoẵng. Lòng muốn cả tuần ngồi chần áo nhưng việc của cô thợ khâu ai cho phép thế. Đành lại xa, đành phải đợi. Liều thế mà hay. Có liều mới biết gia cảnh Ngoẵng. Cứ nghĩ vợ Ngoẵng đanh đá thế nào ai ngờ cũng thuộc loại gà mờ. Nhân tình của chồng vào tận nhà mà vẫn chả biết. Thì ra cái chuyện tơ nhện giăng mùng này cũng có lúc dễ như đi vào chùa xin lễ... Hớn thấy tay chân như có mây có gió, lòng như có hoa có quả đậu vào.
Ngày thứ ba, Ngoẵng đã khỏi ốm. Áo bông Hớn trần cho Sành cũng sắp xong. Ngoẵng cứ đi ra đi vào như người ngứa chân ngứa tay. Anh phó cối chẳng nén nổi lòng mình. Tuy vậy, vợ Ngoẵng cũng lên nhà xuống bếp như chồng. Bọn con cái Ngoẵng đứa ra, đứa vào. Hớn biết Ngoẵng sốt ruột nhưng vẫn bình tâm ngồi khâu áo. Khoảng nửa buổi sáng Ngoẵng bảo vợ:
- Mình đi chợ mua cái chân giò về luộc ăn cho mát ruột. Tôi thèm thịt luộc lắm. Với lại, hôm nay là áo bông chần xong đấy. Mình có nhớ hôm qua mời cơm cô Hớn không?
- Nhớ chứ. Nhưng tôi định thịt con gà mái đang sắp nhảy ổ vừa bồi bổ cho mình vừa làm cơm cám ơn thợ nữa.
Ngoẵng hoa hoa tay:
- Thôi thôi... Nuôi mãi nó mới chịu sống. Cứ để đấy cho nó đẻ. Đi chợ mua cho tôi cái chân giò sau về đây. Chọn cái ngon ngon ấy. Hỏi kĩ xem, lợn ỉ thì mua. Cẩn thận không gặp lợn sề ăn là chết cả nút.
Nghe chồng nói có lý, Sành cắp rổ đi. Đến cổng, Sành quay ngoắt lại. Ngoẵng giật mình:
- Sao lại quay về?
- Tôi quên...
- Đầu với óc. Có đi chợ mà cũng không nhớ. Quên gì nào? - Ngoẵng ra vẻ sốt ruột.
- Tiền. Hơ hớ...?
Sành chìa tay trước mặt chồng. Ngoẵng nhíu mày:
- Lần trước đưa, hết rồi à?
- Sơn ăn núi lở. Được mấy nả. Vài cái đồng bạc rách chưa bỏ vào túi đã rơi xuống thúng, xuống rổ. Mấy buổi chợ là sạch tay. Nhìn một lũ ngan vịt kia kìa. Ông cứ nghĩ công phó cối của ông nhiều lắm đấy hả?
Hớn tủm tỉm cười. Ngoẵng lục túi trong lấy tiền đưa vợ. Có tiền Sành tất tả đi. Bọn trẻ chạy theo dặn mẹ mua quà, Ngoẵng gọi con lại vẻ dỗ dành:
- Để mẹ đi chợ kẻo muộn. Chúng mày lại đây tao cho tiền mua quà. Thích không nào?
- Con... Con!
Bọn trẻ xúm đều quanh bố. Những đồng tiền lẻ Ngoẵng đưa đã giúp chúng nhanh chóng nhảy chân sáo tung tăng ra ngõ. Nhà chỉ còn hai người. Ngoẵng vội vã đóng chặt then cổng rồi thoăn thoắt đi vào. Đến cạnh Hớn, Ngoẵng nói nhỏ:
- Mình ra sau vườn tôi nhờ tí.
- Không.
- Nhanh, không con mụ sề nó về hỏng hết việc bây giờ!
Vừa nói Ngoẵng vừa cầm tay Hớn đứng bật lên. Hai người dùng dằng chốc lát rồi Hớn ngoan ngoãn theo Ngoẵng ra phía chuồng rơm sau nhà.
Hai kẻ đói tình ôm chầm lấy nhau trong chuồng rơm. Họ hối hả như kẻ thiếu ăn lâu ngày gặp cơm nóng. Cuộc vui đang như rơm sắp bốc lửa thì ngoài phía hàng rào, tiếng mấy thanh niên trẻ réo lên:
- Ối làng nước ôi, ông phó cối Ngoẵng đang giết người ở trong đống rơm. Ối làng nước ôi, ông Ngoẵng đang hiếp người ở trong đống rơm... Ôi...
Sau tiếng réo là tiếng cười. Hàng rào ô rô đã bị vạch hổng một quãng. Đám thanh niên nhìn thấy Hớn kéo vội váy, chạy vào nhà. Tiếng réo còn ối theo:
- Ôi ôi... Ông Ngoẵng...
- Ối ôi... Phó cối thợ khâu...
Ngoẵng cũng vội chạy theo Hớn vào nhà. Mặt cả hai tái như gà bị cắt tiết. Hớn vơ vội đồ nghề vào tay nải rồi cắp nón đi thẳng. Đúng ra là chạy. Bởi vì vừa ra ngõ, đám thanh niên nhìn trộm đã nhao nhao đuổi theo.
Lát sau Sành đi chợ về, tay xách theo chiếc chân giò sau thấy nhà cửa tanh bành, trợn mắt hỏi chồng:
- Ông Ngoẵng?
- Gì...
- Sao để thế này. Cô Hớn đâu?
- Cô... Cô Hớn . Cô... Cô...
Ngoẵng ấp úng nên nói lắp. Sành nhìn trước nhìn sau vẻ nghi ngờ rồi mặt bỗng sắt lại. Hình như cô đã đoán ra chuyện gì. Vì trên đường từ chợ về đám thanh niên đi ngược chiều trông thấy Sành từ xa đã chỉ trỏ, đùa cợt:
- Về nhanh lên không cháy nhà bà phó ơi...
- Chúng mày đùa...
- Thật mà. Vỡ cối rồi...
Và lúc này đây là Ngoẵng. Trước mặt vợ mà mắt anh ta cứ lơ láo nhìn đâu đâu. Đôi mắt dại đờ của tên trộm vừa bị người ngay bắt quả tang. Đó là đôi mắt của Ngoẵng lúc này cho dù Sành chưa một lời căn vặn chồng.
Biết là có chuyện lại không lạ gì tính chồng, Sành tím mặt ngồi lặng. Ngoẵng đi ra đi vào như thừa chân thừa tay. Lát sau, Sành đanh giọng:
- Ông Ngoẵng!
- Mình gọi tôi?
- Gọi cô Hớn chắc...
- Mình...
Ngoẵng chìa hai tay ra trước mặt như xua ruồi rồi quay chân định lảng đi nhưng Sành đã giựt lại:
- Ông chạy đi đâu thế?
- Tôi... Tôi...
- Ở nhà đã xảy ra cái gì khi tôi đi chợ?
- Nào có gì...
- Thế con Hớn đâu?
- Nó... Nó...
- Đâu?
- Nó... Nó... về rồi.
Sành bật lên, vươn hai tay chụp lấy cổ áo Ngoẵng:
- Ông đã làm gì con người ta?
Ngoẵng sẵng giọng:
- Bậy nào. Buông tay ra.
Ngoẵng đẩy vợ ngã bịch xuống sân. Sành giãy lên như người bị đòn. Cô đập tay đập chân xuống sàn đất rên rỉ:
- Chồng ơi là chồng.
- Có câm đi không? - Ngoẵng rắn giọng.
Anh phó cối dứ dứ nắm đấm vào mặt vợ. Sành chồm lên chạy như người bị đòn ra trước cổng lu loa:
- Làng trên xóm dưới ơi. Có thằng nào đểu như thằng phó cối nhà tôi không. Vợ chưa ra khỏi làng đã rước gái vào ngõ, trời ơi là trời. Cha tiên nhân họ xa, họ gần nhà con đĩ Hớn nhá. Mày sinh ra ở chuồng chồ hay sao mà mày mang rác đến nhà bà. Ôi ba họ nhà thằng Ngoẵng ơi. Có ai trơ như cái mặt mày. Có vợ, có con đàng hoàng mà mang gái về tận nhà đú đởn. Ông cao bà thấp ơi, sống khôn chết thiêng về mà vặn ngoéo cái cổ thằng đểu, thằng khốn nạn này đi...
Ngoẵng nắm tay, giậm chân dọa:
- Có câm cái miệng nhà mày đi không. Hay lắm đấy mà gào lên.
- Lại không à? Trời ơi là trời ơi. Mày vào lấy cái gương ra mà soi xem cái mặt mày có khác gì cái mặt... của con Hớn. Hay ho gì cái loại mày...
Ngoẵng thét to:
- Ông đập cho mấy cái bây giờ.
- Đập đi. Ối làng nước ơi, thằng phó cối nó đang muốn giết vợ, giết con để đưa gái về nhà thờ đây này. Ôi bà con xóm trên, xóm dưới ơi, đến nhà tôi mà xem này...
Sành lăn đùng ra đất, đầu đập đập, rên rỉ. Ngoẵng sợ hãi kéo vợ lên:
- Nào thôi! Tôi xin...! Làng xóm người ta kéo đến chẳng có hay ho gì đâu.
- Cứ để cho người ta đến. Cứ phơi ra cho người ta xem cái con mặt dày, mặt rạc kia nó gan đến mức nào. Mà tại ai, tại ai biết không? Chẳng dan díu, chẳng ỡm ờ, chẳng giường trên chiếu dưới sao nó dám mò đến tận nhà...
- Nhưng nó...
- Nó sao?
- Đã có gì đâu mà mẹ mày cứ hót hơ, hớt hải như mất trộm không bằng.
- Tan cửa, nát nhà đến nơi rồi mà bảo không có gì à? Thử xem xem cả cái tổng này có ai mo nang, mo cau như mặt cái con giặc cái ấy không?
- Bảo rồi. Có im đi không?
- Không im đấy. Gái này cứ nói cho hả cái cơn nó muốn cướp chồng.
- Thế nó đã đi rồi kia mà...
- Nó đi mà đã sạch à. Thử vác cái mặt cối nhà anh ra cho làng xóm xem nào. Có dám không? Chó chứ không phải người.
Ngoẵng ngồi phịch xuống hè mặt trắng dại nhìn vợ. Lúc này là chồng mình đã đến độ tức lắm, Sành biết. Và chỉ cần nhấn nhá thêm đôi câu nguyền rủa nữa thôi là cơn điên của phó cối có thể bốc lên. Lúc ấy thì coi chừng, vẹo xương, bầm mặt lúc nào không hay. Vốn tinh ý và nhạy cảm về chuyện này. Sành ngậm miệng, tay bó gối, mặt lạnh ngắt như đá, mắt vô hồn quay ra phía vườn. Bọn trẻ thấy mẹ với bố cãi nhau sợ rúm ró trong góc nhà bếp.
- Con lớn đâu - Sành gọi.
- Mẹ bảo gì?
- Mang cái gánh đồ nghề của bố mày ra đây!
- Nhưng để làm gì kia?
- Cứ mang ra!
- Con sợ...
- Sợ cái gì?
- Bố đánh.
Con bé lớn đứng nép một chỗ. Sành phát mạnh vào vai con rồi đùng đùng bước xuống nhà ngang. Lát sau, một đống đồ nghề của chồng đã lủng lẳng dưới đôi tay vợ. Sành xăm xăm xách đống đồ nghề ra ao làng vứt tùm xuống nước. Ngoẵng biết chuyện chẳng lành nhưng chưa kịp đuổi theo thì việc đã rồi. Sành sau lúc xong việc quay vào, miệng lẩm bẩm:
- Bây giờ thì không cối với cá gì cả. Ở nhà theo đít con trâu mà cày ruộng. Đói có sắn có khoai, còn hơn cơm rượu nhà người nhưng rước nhục về nhà.
- Mày... mày quá lắm.
Ngoẵng run tay chỉ thẳng vào mặt vợ. Sành không nhún, mặt hơi cau lại, kênh lên:
- Còn hơn là mất chồng. Tôi làm thế đấy. Ai cười tôi chịu, ai chửi tôi nghe. Không răm, không vồ là hết ra đường tí tởn.
Hôm nay Sành đã làm được cái việc mà từ trước đã muốn nhưng chưa dám. Chuyện trai gái của Ngoẵng thì cả tổng này, suốt dọc hai bên bờ con sông Sỏi không ai là không biết. Tuy vậy có một người đáng biết nhất lại không hề biết. Đúng ra là có nghe nhưng chưa được thấy. Sành đã nhiều lần nhỏ to, bóng gió với chồng nhưng Ngoẵng đều cãi phăng, gạt đi. Có lần Sành nói quá đã bị Ngoẵng cho ăn đấm. Lúc nào Sành động đến chuyện này Ngoẵng đều nghiến răng nói: "Bậy bạ quá! Bậy bạ quá! Thằng Ngoẵng này mà lăng nhăng. Đứng đắn nhất vùng Sỏi Thượng Sỏi Hạ này đấy. Nếu mẹ em không tin cứ đi mà hỏi xem. Tao mà tí tớn với bất cứ con nào thì tao sẽ chết không được nhìn mặt con mặt vợ nữa. Tổ sư bố nó chứ. Bậy bạ! Bậy bạ!" Chồng đã nói đến vậy vợ làm sao không dám tin. Sành cứ đành bấm bụng sống bán tín bán nghi cho đến lần này. Thế là hai năm rõ mười. Cái chuồng rơm rành rành còn kia. Cái lỗ hổng hàng rào bọn trẻ vạch ra nhìn trộm còn đấy. Tang chứng lồ lộ ra vậy Ngoẵng đành cứng lưỡi. Anh phó cối buồn bã đứng bên bờ ao nhìn chỗ vừa bị quăng đồ nghề xuống giờ chỉ còn lủi sủi bọt tăm mà tiếc nuối, xót xa. Thế là từ nay chẳng được lang thang chỗ này, chỗ nọ. Thế là từ nay cái mồm dẻo kẹo như mật của anh phó cối chẳng được la cà với em nọ, em kia. Gái sông Sỏi sẽ chẳng còn được nghe cái lão làm nghề chêm cối chọc ghẹo lắm lúc đỏ rừ cả mặt nhưng cũng nhiều khi xốn xang cả góc lòng. "Đồ ngu... Bỗng dưng lại rước về. Mà cái con dở chứng, ai bảo mà bỗng nhiên vác mặt đến. Tiên sư bố nó chứ. Chẳng ai dốt như cái thằng này. Thiếu gì chỗ chơi hoang mà lại chúi mũi vào cái đông rơm mốc ấy". Ngoẵng nguyền rủa và chửi thầm mình. Kẻ khốn nạn không phải không biết ân hận. Với Ngoẵng, phải chăng sự ân hận này là không khốn nạn thêm chăng?
Ít lâu sau Sành đã tìm đường sang làng của Hớn. May cho Hớn là bà cụ Cự đi vắng. Sành gọi cổng. Hớn thấy Sành, mặt tái mét, giọng run run:
- Em xin chị, chị tha cho em.
- Vào nhà đã. Mở cổng ra.
- Đây. Em mở ngay đây.
Sành đẩy mạnh tay, cánh cổng bật toang:
- Bà cụ có nhà không?
- Mẹ em đi vắng rồi chị ạ!
- Thế càng tốt. Cô đóng cổng rồi vào nhà cho tôi nói chuyện đây.
Sành tợn tạo đi trước như chủ nhà. Hớn cun cút theo sau như đứa ở. Nỗi khổ của người lép vế xem ra có gì tồi tội. Nhìn Hớn run rẩy rót nước, Sành đằng hắng:
- Việc gì mà cô phải run rẩy, khép nép ra thế?
- Em... Em...
Sành lên giọng:
- Cô biết là tôi sang đây là vì chuyện gì rồi chứ?
Hớn nem nép ngồi xuống chiếc chõng tre, đối diện với Sành nghẹn ngào nói:
- Em biết tội của em rồi. Mọi chuyện bây giờ nhờ vào tấm lòng của chị. Chị tha em được nhờ. Chị bắt tội em phải chịu. Nhưng xin chị, chị đánh chết em cũng được nhưng chị đừng cho mẹ em biết. Mẹ em mà biết được chuyện này, chắc là mẹ em chết mất.
Sành cười hứ hứ trong mũi nói:
- Tôi nói rồi đấy thôi. Bà cụ đi vắng càng tốt. Đây là chuyện của đàn bà con gái với nhau. Việc hư đốn này làm sao để liên luỵ tới các cụ già, đúng không nào?
- Dạ, nhị dạy phải ạ.
Sành chụm môi, nhướn mắt:
- Cô biết thế vậy mà cô...?
- Có phải cô định đến làm tan cửa nát nhà nhà tôi phải không? Thiếu gì trai tơ trong làng, ngoài ngõ, thiếu gì thằng chưa vợ mà cô phải bám víu vào đứa năm con. Mà to gan đến thế là cùng. Dám đến tận nhà người ta để giở trò mèo chuột, gan cóc tía không bằng...
- Cô nghĩ tôi thế nào mà cô dám liều đến thế?
- Em cũng không biết nữa ạ!
- Có phải cô cho tôi là gỗ là đá chứ gì. Hay là mấy cái niêu đất bán ở chợ.
- Em không dám thế ạ.
- Không thế mà lại nhơn nhơn vác cái mặt đến nhà người ta như đi vào chợ Bến không bằng. Nhà của cô chắc, chồng của cô chắc.
- Em đâu dám thế ạ! Xin chị nghĩ lại, thương tình.
- Vậy thì cô muốn gì ở cái thằng phó cối nhà tôi. Nó có hôi xì, giẻ rách cũng là đứa có vợ có con rồi. Tôi có là đứa ghẻ trước, ghẻ sau cũng là con có chồng. Nhà người ta đang yên đang lành là vậy, cô rúc đến làm gì. Cô làm gì ở cái chuồng rơm mốc nhà tôi. Trời ơi là trời! Chỗ đàng hoàng tử tế cô không tìm lại tìm vào chỗ cạm bẫy. Cái loại gái đói chồng mà ăn xằng ăn bửa như cô liệu có còn tí nào chính chuyên.
- Em đã van chị rồi, xin chị rồi.
Như củi độ than vừa đủ để bùng lửa. Sành đứng bật dậy túm tóc Hớn. Cơn ghen lồng lên như ngựa vía, vợ anh thợ cối định cấu xé Hớn ra làm trăm mảnh. Sành chưa kịp làm Hớn đã vội ôm chầm lấy chị, vừa khóc vừa van lơn:
- Chị thương em, chị tha cho em. Em lúc này chỉ biết xin chị. Tội em với chị là tội chết, chị tha cho tí nào em được nhờ tí ấy...
Người Sành hơi chùng xuống. Hớn cũng vậy. Đôi tay cô tuột từ cơ thể Sành xuống như người yếu leo cây không sao leo nổi đành phải buông xuôi. Hớn quỳ trước mặt Sành vái lia lịa:
- Chị ơi, chị còn có anh Ngoẵng, có các cháu. Em thì vẫn thui thủi một mình. Lỗi này là ở em, tội này là do em. Anh Ngoẵng cũng vì em mà mang hận cho vợ cho con. Chị ơi... đây con dao đây... Em mong chị... Em xin chị...
Hớn với lấy con dao phay đang dựng ở tường, cầm hai tay giơ về phía Sành, nức nở nói tiếp:
- Chị ơi, chị cứ cho em một nhát cho em nhẹ nợ trần gian. Là con gái mà không chồng, không con, không ai thương yêu thì có khác gì cái cây còi. Chị ơi, một thân một mình thế này thì sống làm gì?
Chị cứ một nhát cho em... Em không muốn làm người nữa!
Sành bước lùi, mày nhíu:
- Đâu phải là việc của tôi...
- Chị ơi, em xin chị, em nhờ chị...
- Tôi đã nói rồi...
- Một thân một mình. Đàn ông đã khổ, đàn bà càng khổ chị ơi...
Sành bật cười, giọng xót xa, cay đắng:
- Thì tự đi tìm lấy. Ai mà không phải thế. Cứ tìm rồi sẽ ra.
Sành nắm hai cánh tay Hớn kéo bật dậy. Đôi mắt Sành sáng lên, giọng đanh sắc:
- Cứ tìm rồi sẽ ra! Nhớ lời tôi chưa?
- Nhưng chị ơi...
- Việc của mình, ai lo?
- Em đã, nhưng...
- Lú lẫn như cô thì chỉ suốt đời mang vạ thôi.
- Cái thân em - Hớn lắc đầu, nhắm mắt.
Hớn khuỵu xuống ôm mặt khóc. Số phận đã nhiều trớ trêu với cô. Đâu phải không tự đi tìm. Có đấy chứ nhưng từ ngày gặp Ngoẵng, có Ngoẵng là Hớn không muốn nghĩ tới một ai khác nữa. Bây giờ trước vợ anh ấy mà sao Ngoẵng vẫn là người Hớn nghĩ đến nhiều nhất. Lòng bảo vậy nhưng miệng làm sao dám nói ra chuyện này...
- Chị ơi, chị thương em...
- Ô hay, tôi không thương tôi đã tuốt xác cô ra rồi.
- Em khổ lắm.
- Thì ai đã bảo cô sướng.
- Em xấu hổ lắm.
- Thôi quên chuyện cũ đi. Là đàn bà thật nhưng tôi đã nói là tôi làm. Không có chuyện nói lại lần thứ hai. Ở đâu năm thê bảy thiếp chứ nhà tôi chỉ có một. Có vạ vật vào đâu thì vạ vật nhưng với anh Ngoẵng nhà tôi là tôi cấm, cô nhớ chưa. Cô cứ động vào anh ấy lần nữa là tôi sai mấy đứa trẻ nó đến nó hỏi tội. Lần sau tôi có đến là cầm dao, cầm gậy chứ không phải tay không như hôm nay đâu!
Vừa dứt lời Sành băm bổ bước ra cổng ngay. Tiếng đóng cổng đánh rầm của người đàn bà giữ chồng giữ con khiến Hớn giật mình. Kẻ có lỗi bao giờ cũng sợ người hỏi lỗi. Sành chả là gì trong mắt Hớn nếu chị ta không phải là vợ Ngoẵng. Hớn biết cái việc mình đang làm là có tội với Sành mà sao trong lòng cô vẫn ngổn ngang bao nhiêu nông nỗi. Nghĩ thì sợ mà sao cái chân vẫn đi, cái tay vẫn làm. Đầu óc cô gái muộn chồng đâu lú lẫn đến mức không sợ những điều tai bay vạ gió đổ ập xuống mình. Trộm con gà, con vịt có khi còn bị đánh què tay, què cẳng. Đây lại là trộm tình, trộm nghĩa, trộm sự yên ấm của gia đình người ta. Lành như bụt cũng chẳng thể tha nổi đứa mang lửa đến đốt nhà người khác.
- Trời ơi...
Hớn quỳ xuống nền sân, tay ôm chặt lấy thân cau, mắt ngước lên cao vút nhìn tàn lá cau xoè mà cảm thấy thân phận mình hun hút như bóng cây kia. Lời kêu Trời như nỗi đau bồng bột thốt ra chứ thực tình, Trời làm sao lo nổi chuyện này cho con người. Cả đến kẻ dứt ruột đẻ ra Hớn cũng chẳng thể lo nổi cho Hớn. Chỉ có khi Sành xuất hiện trước mặt Hớn mới biết là mình đang làm gì. Trái tim lú lẫn chẳng chịu nghe sự mách bảo của cái đầu. Tình yêu đâu cần minh bạch. Chỉ khi đạo lý xuất hiện họ mới giật mình. Và khi người đàn bà đối thủ xuất hiện mọi việc mới tan tành. Liệu trong chuyện này phụ nữ có bảo được nhau?