Nợ gì trả nấy
Kẻ nhẫn tâm đâu có thể thanh nhàn
Đời vỡ nát tự mình xúi bẩy
Hạnh phúc nào cho đứa gian manh
Có số tiền lớn Đạc về quê cho vay lấy lãi và mở nhà gá bạc. Tiền thu vào túi nhiều, tất nhiên chẳng thể bằng buôn bè nhưng có phần an nhàn hơn. Tuy vậy gã lái bè chẳng nguôi được nỗi hận xưa. Thỉnh thoảng cái nỗi ấy lại ứ lên trên bụng gã sự tởm lợm đến vô cùng khi phải ăn nằm với một con trâu cái. Chuyện càng nghĩ càng đau. Vì muốn sống mà gã phải chấp nhận.
Măng nhục quá đã lấy cái chết để giải thoát. Đạc không dám làm thế. Hắn muốn sống vì mùi đời chưa trải được bao nhiêu. Nay trót sa chân vào cái vũng đàn bà và chính đàn bà lại là kẻ đã xử hắn. Mà oái oăm thay lại xử ác. Ác quá. Ác không để đâu cho hết ác. Hắn căm thù vợ cả lão Lý Vược, căm thù cả Măng, không biết vô tình hay hữu ý cô ta đã làm hắn sa bẫy. Tóm lại là hắn căm ghét đàn bà. Mà căm ghét bao giờ cũng gắn liền với trả thù. Có người coi im lặng là vũ khí. Với Đạc hắn phải dùng tay chân, tiền bạc. Hắn có cơ bắp và của cải. Hai cái này đàn bà thường thiếu. Với nỗi nhục nhã tận cùng của một thằng đàn ông trước một vật khác giới có tên là trâu cái, Đạc chất đầy trong mình những hận thù hoang dại. Đàn bà vùng sông Sỏi, quê Đạc, trước Thác không ít người đã là nạn nhân của gã.
Một cô gái bán nồi đất thuê cho chủ lò, là người thiên hạ thường quảy hàng từ xa đến bán ở chợ Bến. Hàng cô là đồ đất nung, niêu nấu cơm, kho cá, vại muối dưa, chõ đồ xôi... toàn thứ lồng cồng, dễ vỡ. Một lần đi chợ, qua hàng, thấy cô xinh xẻo, Đạc ỡm ờ hỏi:
- Có nồi cấn bán cho anh một đôi.
- Nồi cấn to và nặng lắm. Bác muốn mua để lần sau em mang sang.
Vẫn ỡm ờ, Đạc nói:
- Đợi lần sau thì anh lấy gì mà đựng. Em có đấy mà sao không dám bán. Kia kìa...
Đạc chỉ tay vào chỗ yếm nâu của cô bán hàng. Cô bán hàng đỏ mặt nhưng cũng không vừa:
- Cái ấy thì về bảo chị nhà bán cho. Nồi cấn nhà em có chỗ đựng rồi.
Đạc lấn tiếp:
- Thì cho anh đựng nhờ vậy. Nồi cấn nhà anh vỡ rồi tìm mãi hôm nay mối thấy có ở hàng em.
Cô hàng nồi cau mặt:
- Nhà bác ăn nói hay chửa. Đi đi cho người ta bán hàng. Từ sớm đến giờ chưa được cái vung nào đây...
- Thì tôi mua cơ mà..
- Không!
Biết có trêu nữa cũng chẳng được, Đạc đành bỏ đi. Ấy vậy, tiếc vẫn hoàn tiếc. Cái cổ tròn đầy có dải yếm ấy. Đôi bắp chân mụ mẫm khép mở lúc ngồi bán hàng ấy. Cả cái con mắt sắc như dao mổ lợn nữa. Đi là đi vậy nhưng vẫn thèm...
Phiên chợ sau, chợ sau nữa... Mới mờ mò đất có tin cô hàng nồi vừa gánh hai sọt hàng bước từng bậc đá từ bến sông lên trên có ai đó từ trên dốc lao xuống va phải. Gánh hàng bật tung ra khỏi vai. Đồ đất nung lăn trên bậc đá cái vỡ năm, vỡ ba; cái mẻ ngang, mẻ dọc. Thế là tan nát hết gánh hàng. Cô bán nồi vật vã kêu khóc dưới gốc cây gạo. Nhiều người đi qua hỏi thăm rồi lắc đầu cám cảnh bỏ đi. Có một người chậm rãi bước một đến bên cô hỏi:
- Có còn cái nào lành không cô?
- Vỡ sạch rồi bác ơi...
Hình như cô hàng nồi đã nhận ra người hỏi thăm nên lời than thở có vẻ tự nhiên hơn. Người thăm chẳng ai khác ngoài Đạc.
- Khổ, đi đứng ra làm sao mà lại đến nông nỗi này?
- Mọi bận em vẫn qua đò, lên dốc như thế. Gánh hàng cũng vừa vai chứ có nặng nề gì đâu.
Hôm nay phải gió làm sao lại có cái người từ trên dốc sầm sầm đâm xuống...
- Thế nó đâu?
Đạc xẵng giọng hỏi, cô bán nồi lắc đầu:
- Người lên người xuống nườm nượp biết ai vào với ai. Chỉ cái thân em là khổ. Hàng của chủ lò giao bán lấy công, giờ vỡ hết chiều nay về lấy tiền đâu mà đền. Cơ sự này em chỉ có mỗi việc đâm đầu xuống sông Sỏi mà chết thôi bác ạ.
- Ấy chết. Đừng có dại dột thế. Đứng lên nào. Xuống dốc sông nhặt đôi sọt lên đi. Có mấy cái nồi vỡ đáng bao đồng tiền mà cũng đòi chết cho nó phí cái tấm thân. Nào nhanh lên... Để tôi đỡ cho một tay.
Cô gái bán nồi vẫn chưa thôi khóc:
- Nhặt nó lên mà làm gì nữa hở bác. Đáng gì hai cái sọt tre. Trời ơi là trời...
Cô gái hàng nồi như muốn ăn vạ gốc cây gạo. Đạc lẳng lặng xuống dốc sông nhặt đôi sọt lên:
- Tội cô quá. Thân gái một mình...
- Chết em mất thôi bác ạ! - Cô gái nức nở.
- Thôi đừng khóc nữa. Nhìn cô tôi thấy đau lắm. Cứ nói đi, hết bao nhiêu tôi giúp mà mang về trả cho chủ lò. Tôi nói thật đấy. Nhìn cô vất vả với đám nồi vỡ này mà tôi thấy cám cảnh quá...
Lời Đạc vẻ chân thành khiến cô bán nồi thấy mừng mừng:
- Em đa tạ tấm lòng tốt của bác. Bác cho em mượn thì quý quá rồi. Nhưng bác ơi mượn tiền của bác em lấy gì em trả. Hay là nhà có gì thuê mướn bác cho em làm em lấy công vậy.
- Thì cứ đứng lên theo tôi đã nào. Muốn thế nào cũng được. Cứ có tiền mang về trả cho chủ lò là cô yên tâm chứ gì? Còn việc nọ, việc kia mình tính sau. Đứng lên đi kẻo nắng .
Cô hàng nồi ngây thơ hỏi:
- Nhưng đi đâu bây giờ mới được chứ ạ?
- Ô hay, về nhà tôi chứ còn đi đâu. Cô tưởng một đống tiền chứ ít đấy à? Tiền tôi có nhưng không mang theo ở đây.
Cô hàng nồi lẽo đẽo theo Đạc về nhà. Nhà Đạc khung gỗ, mái ngói rộng rênh, bố mẹ chết hết, còn mỗi mình cùng một đàn chó giữ nhà và một người câm ở thuê cuốc vườn, canh cổng mỗi khi có người đến chơi bạc. Người câm chân thọt, mắt hiếng nhưng rất tinh quái. Trước ngực ông ta đeo một chiếc mõ, tay phải buộc sẵn một chiếc dùi có dây đeo lủng lẳng. Hễ có người lạ, khách lạ là tiếng mõ lại "cốc, cốc, cốc" ba tiếng vang lên. Nhờ có người câm này mà đám bạc ở nhà Đạc ít bị các tay anh chị hay các bậc tai mắt quấy rối. Thôi nghề đi bè Đạc vẫn không thôi chí làm giàu, về đến quê, hắn nghĩ chả gì hơn gá bạc. Chỉ thu hồ, cho vay nặng lãi là Đạc lại có tiền.
Đạc dẫn cô hàng nồi về nhà, đàn chó chạy ra vẫy đuôi rối rít, mồm thì ưng ửng mừng chủ. Người câm lấy dùi gõ ba tiếng mõ khiến cô hàng nồi giật mình. Đạc phẩy tay ra hiệu cho người câm có ý bảo im rồi xua tay đuổi đi. Người câm hiểu ý chủ, lui lủi đi ra phía cổng ngồi canh chừng.
Cô bán nồi sợ hãi nhìn quanh. Đạc cười, rót bát nước chè đưa cô:
- Uống đi cho đỡ khát, về tới nhà tôi rồi thì đừng lo gì cả. Tiền không thiếu miễn là cô có bằng lòng hay không?
Cô bán nồi toát mồ hôi nhìn Đạc. Phần nào cô đã nhận ra thâm ý của gã đàn ông này.
- Ông bảo ông cho cháu mượn.
- Thì vẫn. Nhưng không có ông cháu ruột thịt gì ở đây cả. Cô cứ gọi thế cho nó ngượng cái thân tôi ra. Nhìn gia cảnh tôi thì cô biết. Một chủ, một tớ với đàn chó...
- ... Ông...
- Tí tuổi đầu, râu chưa nhiều, tóc chưa bạc mà đã thành ông thì vô phúc quá, cô hàng nồi ạ.
Đạc lấy tay vỗ vào vai cô hàng nồi. Cô hàng nồi lánh người khiến Đạc lỡ đà:
- Không muốn mượn tiền nữa hả?
- Nhưng ông...
- Đã nói, ông cháu gì ở đây. Thôi nào, nghe tôi...
Đạc dịu hẳn giọng. Tay hắn thôi đặt lên vai cô hàng nồi. Đôi mắt cũng đã bớt lục lọi, soi mói:
- Nghe đây này... Mình tên gì nhỉ...
- Em chưa có tên. Tên xấu lắm.
- Thì cứ nói với tôi một tiếng để tôi xưng hô cho tiện.
- Thầy mẹ gọi là cái Gái...
- Ờ thì Gái này... Gái đang có cái tôi cần, còn tôi cũng đang có cái Gái cần.
- Bác nói gì, em không hiểu...
- Thì vẫn cái chuyện mua nồi cấn ấy.
Cô bán nồi đứng bật dậy:
- Lúc này mà bác còn chòng ghẹo em được à?
- Tôi nói thật đấy. Tôi quý Gái lắm lắm. Quý từ rất lâu rồi kia. Quý từ ngày đầu Gái mang nồi sang bán ở chợ Bến ấy chứ không phải từ hôm giả mua nồi cấn đâu. Quý nhau, mời nhau đến nhà xơi nước, giúp nhau lúc hoạn nạn mà lại gọi là chòng ghẹo à! Người đâu vô tình đến thế.
Gái đứng như trời trồng. Cô không còn cảm giác, không còn nghĩ ngợi. Bỗng dưng lạc bước đến đây. Người Gái như bị trói chặt vào nỗi sợ hãi. Ra về thì biết bấu víu vào đâu. Ớ lại thì cái gì đây đang sắp đến với mình. Còn Đạc vẫn ngồi trơ đấy. Những đồng tiền gã hứa giúp Gái đang lấp ló ở miệng túi. Lời nói nhân nghĩa gã vẫn rỉ rả bên tai. Nhìn cái mặt hắn kìa, cứ như con ngỗng sắp đi đại tiện!
- Có mất gì đâu em. Thương nhau thì mới giúp nhau như thế. Nghe lời tôi đi... Tôi có quý mến Gái tôi mới nói thực lòng như vậy. Bằng không ai tốn công tốn sức níu kéo đến vậy.
Người Gái chùng hẳn. Cô lẩy bẩy mấy bước rồi quỳ xuống trước mặt Đạc. Gái chắp tay lễ sống gã:
- Bác ơi, bác thương em. Bác đừng bắt em làm điều thất đức này. Em xin bác thương cho cái phận em cơ khổ như lòng. Biết là bác quý, bác muốn vậy đấy nhưng làm sao em dám. Em bây giờ đã như thuyền có bến.
- Nhà tôi cũng là bến cho Gái được mà.
- Em van bác...
- Thì nói rồi đấy thôi. Ưng bụng thì tiền đây, không muốn thì ra bảo thằng câm nó mở cửa cho mà về. Người ta thương mà không biết điều.
Đạc lấy chai rót rượu. Gã nhấp từng nhấp nhỏ men gạo, mắt lim rim nhìn ngắm con mồi. Mọi chuyện như lắp sẵn, chờ sẵn. Chỉ cần tốn mấy đồng bạc lẻ cho cái thằng đầu trộm đuôi cướp ở cuối làng hắn đã bắt được cô hàng nồi đanh đá phải mang cái thân xác về nhà mình mà nhẫn nhịn, van xin. Đồng tiền với người nghèo to lắm, Đạc hiểu. Cô hàng nồi này chả còn cách nào khác được.
- Bác ơi, em làm thế này thì về chồng em nó giết.
Đạc ha hả cười:
- Còn hơn thằng chủ lò nó giết. Mà ai biết ngoài tôi với Gái nào?
- Nhưng bác ôi, đời con gái chúng em...
- Vẽ. Mất vốn mất lãi gì. Còn đấy cả. Bất quá ra ao chụp mấy cái là sạch bong.
- Trời ơi...
Gái gập đầu xuống đất. Cô muốn chết mà không chết nổi. Chồng con chờ. Nồi cơm ở nhà đang đợi Gái mang gạo về. Bây giờ về tay không cả nhà sẽ cùng chết theo Gái. Thôi thì thà thân Gái lấm bùn còn hơn... Chỉ chờ có thế Đạc chồm lại bên Gái như con thú đói gặp mồi!
Thế là, cả chiều hôm ấy Đạc hả hê trên thân xác như đã chết rồi của cô hàng nồi đất. Gần tối mịt hắn mới cho cô gánh đôi sọt rỗng ra về. Từ lúc chịu làm miếng mồi cho đến lúc dứt chân ra khỏi nhà Đạc, Gái như bị ai khâu mất miệng. Chẳng hiểu cô có biết cái âm mưu thuê người xô ngã Gái làm vỡ nồi vại để tìm cớ chiếm đoạt cô của Đạc mà sao phiên sau, khi cô vừa bày đám nồi vại có cả nồi cấn nữa ra bán đã thấy gã hềnh hệch cười đi đến:
- Chiều nay Gái lại vào nhà tôi nhé! vẫn còn tiền chờ cho Gái vay đấy. Gớm mới xa có một phiên mà lâu thế.
- Kìa, lạ lắm à?
- Tôi chờ từ hôm Gái về kia. Chả hôm nào là hôm không mong.
Đạc vòng ra sau hàng xán đến gần Gái. Gã đâu ngờ Gái đã đứng bật dậy. Mắt cô quắc lên. Chiếc nồi cấn trên tay Gái được vung cao rồi đập mạnh xuống trước mặt Đạc. Cả chợ ngơ ngác xúm lại. Đạc nhìn trước nhìn sau rồi lủi vào đám đông chuồn mất. Gái ôm mặt khóc rồi tức tưởi xếp hàng vào đôi sọt. Chợ chưa tan Gái đã gánh hàng về. Từ đấy không ai thấy Gái gánh hàng nồi đất sang chợ Bến bán nữa. Dân vùng sỏi truyền tai nhau chuyện Đạc bị nồi cấn nước đái đập vào mặt. Chuyện có phần thêu dệt khiến Đạt lại ức muốn nổ con ngươi về cái sự đàn bà.
Còn chuyện cái thầy cúng máu bạc, thua cháy túi phải gán cả áo lễ, đàn nguyệt vẫn không đủ tiền trả đã phải làm văn tự bán vợ cho Đạc làm đứa hầu thì mới thật vừa tức cười vừa khốn nạn.
Thầy cúng có tên là Phưởng. Phưởng vốn mê đàn nguyệt và thích ngồi đồng. Ngồi đồng để học nhưng đàn nguyệt thì phải có chí tập luyện. Ngồi đồng thì cần vào nhịp, ngả nghiêng đúng độ, ăn nói nửa nọ, nửa kia, biết nhá trầu cay, xơi rượu nồng và phập phèo thuốc lá là phút chốc có thể ran ran đệ tử, bay bổng lên tiên. “Cố” đồng Phưởng, anh cung văn Phưởng, thầy cúng Phưởng là các cấp bậc trưởng thành trong nghề cúng bái của lão. Thầy Phưởng có tiếng sai mưa, bắt gió, trừ ma, diệt quỷ. Đi đâu thấy cũng dung dọa các đồng chị em rằng hãy coi chừng, mình chỉ cần hô một câu là có thể biến không thành có, thay dữ thành hiền. Đàn bà sợ thầy một phép. Chả thế, có một cô nàng vào loại đẹp nhất hội đồng bóng, chẳng biết say trầu, say thuốc thế nào, một lần theo thầy Phưởng đi lễ rồi lạc luôn vào nhà thầy xin âm dương suốt tối. Qua một đêm hầu thầy, cô gái lú hết đường về. Thầy Phưởng tự nhiên có vợ đẹp không tốn đến một cơi trầu, chén rượu. Lại nữa, tiếc của giời, sợ thiên hạ chòng ghẹo vợ, Phưởng bỏ nghề lên đồng hầu bóng mà chuyên nghề đi lễ. Đâu có ốm đau, sinh đẻ, dịch bệnh là có mặt vợ chồng Phưởng. Họ đàn ngọt, hát hay. Đâu đâu vợ chồng Phương cũng đưa lời phúc đức ra cầu nguyện. Gia chủ lọt lỗ tai hởi cái lòng. Người ốm đau nhẹ thường khỏi bệnh. Sau mưa là nắng. Lợn gà chết là do tay người nuôi chưa mát. Cái gì cũng có số. Càng kiêng càng lành. Tham thì thâm. Sống có trên, có dưới, có trước có sau thì bền... Lời cầu nguyện, xin xỏ như thế ai bảo là không tốt. Vợ chồng Phưởng từ ngày dắt díu nhau đi làm lễ, chuyện lành xảy ra nhiều, chuyện dữ xảy ra ít nên tăm tiếng lan rộng khắp vùng. Đạc nghe chuyện này bán tín bán nghi. Hơn nữa thấy vợ Phưởng đẹp, gã sinh lòng ham muốn. Đàn ông nào chả vậy. Cái hơn của họ là phẩm hạnh của từng người khi biết dừng hay tiến.
Một hôm biết có chuyện vợ chồng Phưởng vào lễ cho một nhà trong xóm, Đạc tìm cách đón đường, nói khéo:
- Tôi nghe tiếng vợ chồng thầy đã lâu hôm nay mới được gặp. Trăm nghe không bằng một thấy. Nhà tôi đang có cái hạn lớn. Đêm nằm mộng, thần hiện lên bảo chỉ có thầy Phưởng mới giải được. Đang định mang cơi trầu sang thỉnh thầy may mắn làm sao lại gặp thầy ở đây. Xin thầy, lát nữa cúng xong bên ấy rước thầy qua bên này để Đạc này được hầu lễ. Mọi chuyện tín chủ xin chu tất với nhà thầy.
Thầy Phưởng nhận lời ngay. Có lễ là có lộc. Thầy cúng nào nỡ từ chối chốn hương hoa, nải quả. Sau chập cheng là rượu thịt. Mồm xuất lời thiên địa miệng nhập miếng nhân gian. Cho nên chả thầy cúng nào lại nỡ từ chối, lời mời lễ bái. Mỡ để miệng mèo, Đạc nghĩ vậy.
Đạc bày biện đồ lễ dư dả chờ vợ chồng Phưởng. Nhiều nhà làm cúng thường là hoa quả. Đạc sắm cỗ mặn hẳn hoi. Khi vợ chồng Phương sang, Đạc lễ phép thưa:
- Thưa thầy... Tôi vốn vừa đi làm ăn xa về. Nghề gỗ bè, sông nước. Tiền kiếm như nước mà cũng chảy đi như nước. Chả giấu gì thầy, cái gì cũng có độ. Đi mãi cũng phải có lúc nghỉ. Đợt vừa rồi, tôi định làm chuyến vét cuối cùng, cũng định về nhà gây dựng cơ nghiệp. Dấn vốn bao nhiêu tôi dồn hết cả cho chuyến này. Mà tiền nong bao nhiêu thầy biết không? Chả giấu gì thầy, nếu bây giờ còn, với số tiền ấy có thể mua nổi nửa cánh đồng làng mình.
Đạc lắc đầu, ngán ngẩm nhìn vợ chồng Phưởng. Số của cải mất quá lớn khiến vợ chồng thầy cũng phát sợ trước cách ăn nói như không của Đạc. Nghe tiếng Đạc đã lâu giờ mới giáp mặt. Cái mặt Đạc trơ trơ, cái miệng Đạc leo lẻo làm vợ chồng Phưởng nể sợ.
- Vậy thân chủ muốn gì ở nhà thầy? Mà nguyên nhân làm sao lại mất thân chủ chưa nói cho nhà thầy biết thì nhà thầy làm sao mà tìm giúp cho thân chủ được. Thầy nghĩ sắc diện nhà chủ thế kia làm sao mắc nạn lớn được. Của đi rồi của lại về.
Đạc gật gù, vẻ chơi chơi. Mà đúng thế thật. Miệng nói chuyện với Phưởng nhưng mắt lại đảo ngang nhìn vợ Phưởng. Gã thầy cúng gà mờ thua mẹo thằng nhiều tiền háu gái.
Đạc nói:
- Trên bè có ba thằng kể cả tôi. Quê chúng nó tôi biết hết. Sau một đêm ngủ dậy cái gói đựng tiền bị mất. Hỏi thằng nào cũng lắc đầu. Tôi khám chúng, bắt cởi cả quần đùi ra cũng không thấy. Hôm dỡ bè, tôi soi từng ly, từng tí chỉ có gỗ với nứa. Thầy bảo, mất đi đâu. Không hai thằng ấy lấy thì thằng nào. Thầy cúng giúp, nếu đòi được tôi xin hậu tạ một phần ba.
Phưởng chau mày:
- Việc này dễ nhưng cũng khó đây.
Đạc cười xoà:
- Thế mới phải nhờ đến thầy. Nhờ thầy cao tay bắt ấn, xui ma, giục quỷ...
- Việc ấy ta lo...
- Thầy gọi mưa, gọi gió...
- Ơ hay... Ta cúng hay thân chủ cúng?
- Thì... hì hì... Cô nhỉ - Đạc chăm chăm nhìn vợ Phưởng.
Tiếng chập cheng vang lên. Hương thơm ngào ngạt cháy. Đèn nến sáng trưng. Đạc mím miệng, nháy mắt. Phưởng giơ bàn tay phải lên bấm đốt.
Vợ Phưởng mở túi vải lấy sách lễ. Đạc nhìn cái má phình phình của vợ Phưởng rất lâu rồi se sẽ ngồi xuống cạnh Phưởng:
- Thầy này, liệu có tìm thấy không? Cả đời sông nước của tôi gói trong gói ấy. Mất nó là tôi mất tất cả. Biết nó lấy mà không nắm được tay day được mặt nên chẳng dám đòi. Cái gói ấy thầy biết không. Có đến phần nửa là vàng đấy. Thầy cúng mà tìm lại được tôi xin biếu ngay như tôi đã hứa.
Phưởng cười vì cách nói bộc toạch của Đạc. Nhờ thầy cúng tìm kẻ lấy mà cứ xưng xưng cái chuyện hai đứa đi bè. Đích thị là hai đứa ấy lấy chứ còn ai nữa mà phải cúng. Hay là hắn nghe tiếng mình, muốn nhờ uy mình mà sai khiến bọn lưu manh kia trả lại đồ đã lấy. Tiếng mình có đấy mà uy mình thì... Phưởng tự nghĩ rồi tự cười. Thầy cũng biết bụng mình. Nhưng thây kệ. Mâm cỗ mặn vừa bưng lên, mùi thơm đang nghi ngút khéo lại nguội. Bài cúng đã nằm trong đầu, chỉ cần phưng phưng đàn nguyệt cùng tiếng chiêng trống, tiếng chập cheng của vợ là tất cả lên tiên...
- Thân chủ quỳ cạnh thầy đây.
- Dạ...
- Khi nào ta bảo vái thì thân chủ hãy vái. Nhớ là ba vái đấy.
- Dạ dạ...
Thầy cúng ngồi giữa. Vợ thầy cúng ngồi bên. Đạc ngồi phía sau mắt hau háu nhìn tấm lưng thon và cái cổ trắng của vợ Phưởng. Thỉnh thoảng hắn lại thở thật mạnh làm hơi gió bay phất phơ mái tóc vợ Phưởng. Chả biết cô nàng có nóng gáy vì cái ham muốn trần tục của Đạc.
Phưởng múa may chân tay. Ba nén hương đảo điên. Cái gương tròn chiếu thiên, chiếu địa. Lá tre nhúng trà tẩy uế. Lá bùa nhoang nhoáng trong không gian rồi bùng cháy. Mười ngón tay Phưởng như mười con rắn hoa hoa trên đầu của Đạc. Ma tà, quỷ dữ đã bỏ chạy tứ tung. Nhang nến cũng sợ hãi cháy gần đến gốc.
- Hoá... Hoá...
Lời Phưởng bốc lên như lửa. Mặt thầy cúng đỏ bừng khi tợp một ngụm rượu to. Vợ Phưởng cũng đảo điên theo nhịp điệu của chồng. Đạc nhìn dáng điệu uốn éo ấy mà nghĩ sang chuyện khác. Hắn chả ngửi thấy mùi nhang khói ở đâu mà chỉ ngửi thấy mùi mồ hôi phả ra từ cái lưng như tấm phản nhỏ của vợ thầy cúng. Gã thầy cúng thì đang như được đà ra oai trước tín chủ mà quên mất mình đang như con cá sắp sa lưới.
Sau cuộc hướng thiên thần thánh là bữa tiệc dân gian. Thường sau buổi lễ Phưởng hay thu dọn rồi mang lộc về nhà. Một miếng thịt luộc, một đĩa xôi, dăm quả chuối. Có khi là đôi quả na, một vài quả hồng. Hôm nay thì cỗ mặn. Tất cả đã được chặt, được bày lên bát, lên đĩa hết. Ăn ngay thì ngon mà mang về thì dở. Mọi khi, về nhà, cơm nước xong là có thể cắm que tăm vào miệng đi sang nhà bên chơi vài ván tổ tôm cho nó giãn gân cốt. Còn hôm nay... Phưởng đang nhẩm tính cảnh hậu nhang khói sẽ là gì cho nó tiện thì Đạc đã nói trước:
- Chẳng mấy khi được ăn lộc thầy, nhờ uy thầy. Lại có thêm cả cô nhà theo hầu nữa. Với thân chủ thế này là quý hoá vô cùng. Nay rượu thịt đã sẵn. Mọi cái bây giờ chỉ chờ nâng đũa, nâng chén. Mà cái sự vui vẻ này đang chờ lời phán quyết của thầy.
- Thân chủ quý hoá quá. Đúng là thịnh tình, thịnh tình. Hiếm nỗi đường xa, trời đã ngả tối...
- Thưa thầy. Đuốc nứa thằng câm đã sắp. Lát nữa có người đưa thầy cô về tận nhà. Cũng xin phép thầy trước, có đôi gà, yến gạo được đi cùng thằng câm để theo hầu thầy cô.
Phưởng gật gù nói với vợ:
- Thân chủ chữ nghĩa thế kia mà, mình thấy không?
Đạc được dịp:
- Chả giấu gì thầy cô, nghề sông nước là nghề ăn to, nói lớn, văng nọ, văng kia đủ cả. Nhưng người năm ba đấng, kẻ năm bảy loài. Chẳng phải thằng đi bè nào cũng dùi đục chấm mắm cáy cả. Thân chủ đã từng ngồi uống rượu với hàng tá Lý trưởng ở trên ngược đấy. Rồi bà Lý, bà Chánh cũng có được tiếp kiến cả. Đi một ngày đàng học một sàng khôn chứ. Chữ nghĩa ở cái mắt mình nhìn, cái tai mình nghe mà ra hết.
Phưởng vỗ đùi, ha hả:
- Chí lý. Chí lý... Tôi đây này. Khăn điều áo tía hắn đấy nhưng sau hồi chập cheng là mình lại về với mình. Cũng rượu, cũng chè, cũng cờ bạc, cũng...
Phưởng nhìn vợ. Ngón tay gã nhoáng một cái véo nhoay nhoáy vào vai cô vợ trẻ ra chiều mình cũng là tay ăn chơi sõi đòi chứ chẳng cung cúc như ai suốt ngày tụng niệm cúng vái khiến cô vợ nhăn mặt phải kêu lên thành tiếng.
Đạc rất khoái cảnh này, vẫy tay lệnh cho thằng câm hạ cỗ.
- Hay... Hay lắm... Có thế mới là thầy cúng Phưởng chứ. Cứ đạo mạo như mấy ông từ thì chán bỏ mẹ. Lo gì... mời bác. Bác ngồi. Bác gái ngồi... Lúc này là rượu thịt. Mất thì tìm. Tìm sẽ được. Không tìm được thì làm lại. Sợ cóc gì... Ngồi... Ngồi... Nào xin mời bác... mời cô... Ba ta bây giờ người trần mắt thịt.
Đạc còn đang rất tỉnh nhưng lại bả lả giọng say mời cơm vợ chồng Phưởng. Gã đã đọc được bụng dạ anh thầy cúng nên mồm miệng chân tay có vẻ liến láu hơn:
- Nào bác, bỏ mũ ra. Đưa đàn, trống đây đệ cất cho. Cả cô nữa. Cô cứ coi như người nhà. Tôi với thầy Phưởng đâu có khác gì anh em. Đệ nói thế có được không, thưa huynh?
"Tom, tom...", khoái chí Phưởng giơ dùi trống lên gõ:
- Được lắm! Được lắm. Thế nào đệ cũng tìm được của. Nếu đệ không tìm được thì mặt huynh đây, đệ cứ vạch cái ấy ra...
- Bậy bậy nào...
Vợ Phưởng nhắc nhở chồng. Phưởng không vì thế mà hãm bớt miệng. Hung hăng hơn gã thầy cúng còn nói:
- Nếu mặt huynh đệ... chưa hả, thì mặt vợ huynh đây đệ cứ...
- Giời ơi...
Vợ Phưởng hét lên định đứng dậy thi bị ấn vai ngồi xuống. Đạc cười ngất về chuyện vợ chồng anh thầy cúng gặp rượu. Nhưng để an ủi và níu kéo vợ Phưởng, Đạc lên giọng tỉnh táo:
- Nhà cô đừng ngại. Nhà thầy vui miệng nói yêu vợ thế thôi. Đệ đây đã coi huynh là đấng bề trên thì đâu dám. Nào... huynh, tợp thêm hơi nữa cho nó tỉnh táo thêm nào!
Hai chiếc chén lại cạch vào nhau. Đạc chắm chúi tiếp thức ăn cho vợ chồng Phưởng. Cứ mỗi lần đặt thức ăn vào lòng bát của họ, Đạc lại ngước mắt lên nhìn và cười. Người Đạc nhìn lâu nhất là vợ Phưởng. Lúc này trong con mắt có men rượu của Đạc đã có ý tán tỉnh, mời chào...
Rượu vơi, thức cạn, Đạc - Phưởng thỉnh thoảng ríu vào nhau. Họ hả hê trò chuyện, tay đập tay, đầu cụng đầu. Vợ Phưởng giữ chân hầu nước cho hai người. Có lúc cả thân chủ, thầy cúng cùng quỳ lạy nhau. Họ chẳng còn ranh giới...
Bỗng nhiên Phưởng hét lên:
- Còn một cái khoái nữa mà thầy thiếu.
Đạc lễ phép:
- Dạ thưa, huynh cần gì?
- Xóc đĩa.
- Gì ạ?
- Xóc... Xóc đĩa...! Đệ đã bao giờ xài món đó chưa?
Đạc còn lạ gì chuyện đánh bạc. Mọi ngón nghề, Đạc đểu thông thuộc làu làu. Có lẽ Phưởng chưa biết Đạc giỏi chuyện này nên có ý thách chăng. Không phải. Vợ Phưởng giải thích:
- Nhà tôi hôm nào đi cúng về cũng phải đi hầu chiếu tới nửa đêm. Món xóc đĩa bao giờ cũng có sẵn trong túi.
Vợ chưa nói hết chồng đã cướp lời:
- Đệ có biết chơi xóc đĩa không, chơi với huynh vài ván. Mình lấy đồ cho tôi.
- Đang vui mà huynh. Để khi khác đi.
Phưởng trừng mắt nhìn Đạc:
- Thế chuyện này không phải chuyện vui?
- Em đâu có nói thế. Chả là vừa xong cơm rượu anh em mình nước nôi đã. Lát nữa, em xin hầu anh đôi ván. Với lại huynh đang ngà ngà đệ sợ...
- Không cần. Vừa chơi, vừa uống, vừa trò chuyện cũng được. Nào, chú cái hay tôi cái. Đừng coi thường thằng này nhé!
- Tuỳ huynh chọn. Em thì thế nào cũng được. Miễn là anh vui. Nhưng em nói trước, đánh bạc là phải tiền. Chơi bạc mà không ăn thua, không chơi.
- Hẳn rồi! Chú cái, tôi con. Chú là chủ nhà, cho chú xóc trước. Đó tiền, đây cũng tiền nhá. Sòng phẳng như sòng bạc. Được thua đều anh hùng.
Chiếu bạc chỉ có hai người. Mới đầu chơi tiền nhỏ sau tiền to. Đạc thua liền mấy ván đầu Phưởng thấy khoái vô cùng. Nhìn khuôn mặt Đạc nhăn nhó ông thầy cúng ngỡ mình đang vào vận đỏ. Tiền cúng chưa nguội túi đã ùn ùn tiền được bạc chảy vào. Khôn cho lắm rồi cũng có ngày dại Đạc ơi!
- Em đen quá. Thôi giờ đến huynh cầm cái!
- Được thôi.
Phưởng xóc xóc. Mấy ván tiếp Đạc vẫn thua. Vợ chồng Phưởng hứng chí quá ư ư cất lên một làn điệu chầu văn. Rồi thì Phưởng thua. Thua một, thua hai. Đánh năm gỡ một. Rồi đánh chín thua chín. Thua nối tiếp thua. Hết tiền chơi bằng áo lễ. Hết áo lễ chơi đến trống, đến chập cheng... vẫn thua.
- Tao còn cây đàn nguyệt.
- Cũng được.
- Để mày cái.
- Vâng.
Lại thua. Cây đàn nguyệt đã về tay kẻ thắng. Đồ kiếm ăn của Phưởng đã dồn đống bên cạnh Đạc. Phưởng ôm mặt cay cú.
- Huynh còn chơi nữa không?
- Còn cái gì mà chơi.
- Còn đấy...
- Mày đùa?
- Huynh nghĩ lại xem?
- Còn gì nữa? Chú nói đi.
Đạc giơ tay vỗ nhẹ vào vai vợ Phưởng. Cô vợ thầy cúng hét lên thất kinh. Phưởng nhướn mắt nhìn Đạc. Đạc thách:
- Anh được, anh có lại tất cả những gì đã mất. Em còn biếu thêm anh gói tiền này nữa. Còn thua anh biết rồi đấy. Nhà cô sẽ xin phép nhà thầy về với nhà em.
Phưởng nhìn Đạc rồi nhìn vợ. Cơn thua bạc ứ lên nghẹn cô. Gã thầy cúng thấy trời đất nhỏ lại, vợ còn là cái tôm cái tép. Mọi thứ không gì ý nghĩa hơn cái bát, cái đĩa và quân nhất, nhị, tam, tứ này... Anh hùng thì lo gì không có lúc phất cờ.
- Tao bằng lòng.
Vợ Phưởng ôm mặt bỏ chạy. Ra đến cổng cô thầy cúng trẻ phải quay lại vì gặp thằng câm đứng chắn ngang cửa. Cả đàn chó dữ gừ gừ nữa.
Ván bạc cuối cùng Phưởng vẫn thua. Tối ấy gã thầy cúng ra về một mình với cái túi khoác toòng teng ở vai. May mà trong túi, Đạc còn thương tình nhét vào đấy một đĩa xôi với dăm quả chuối tây đã thâm cuống.
Vợ thầy cúng Phưởng thành chị Đạc. Nhiều người ác miệng còn gọi là con gán bạc. Cay đắng quá, vào một đêm lạnh sau khi chuốc cho Đạc uống rượu đến say mềm, người phụ nữ bất hạnh ấy đã trốn. đi. Cả người đầy tớ câm của Đạc cũng không còn ở với gã nữa. Lúc này Đạc mới vỡ lẽ, những ngày ở với gã, vợ cũ của Phưởng đã có ý tứ với thằng câm lúc nào không biết. Đây là điều đau đớn nhất Đạc phải chịu sau lần phải ôm mông con trâu cái chịu nhục ở nhà Lý Vược. Đàn, trống, áo lễ còn. Tủ đựng tiền vẫn nguyên. Cả cái mõ và cái dùi Đạc sắm cho thằng câm cũng được hắn trả lại treo lơ lửng như trêu ngươi ở mái cổng.
Chuyện vỡ lở. Người thương Đạc thì ít mà chê bai thì nhiều. Là thằng đàn ông hơ hớ ra thế, tiền của đầy người lại thua một thằng câm không xu dính túi. Cứ nghĩ giỏi giang cướp được vợ đẹp của thầy cúng Phưởng, nào ngờ bị đứa dở người, dở ngợm bê đi cả bếp lẫn nồi. Đạc không dám đôi co với ai.
Cả lão thầy cúng Phưởng có lần gặp mặt gã cũng cố tránh.
Đạc chán đời, khoá trái nhà, đi lang thang các chiếu bạc quanh vùng chơi cho khuây khoả. Ở đấy gã đã gặp chồng của Thác. Biết chồng lại từng thấy vợ. Đời gã biết nhiều đàn bà nhưng không ai như Thác. Tuy đã hai con nhưng Thác xinh đến không có lời nào mà tả hết. Đạc mê nhất đôi mắt của Thác. Vốn quen thói cậy tiền dùng mưu chiếm đoạt phụ nữ, Đạc đã nhử chồng Thác vào tròng. Gã không trực tiếp chơi trò ăn thua với chồng Thác mà gạ gẫm, xui khiến. Chồng Thác mắc bẫy, say đòn. Nay thua mai được. Rồi thua, thua mãi. Hết tiền nhà, Đạc mở túi cho vay. Vay không cần lãi. Cứ cầm mà chơi lúc nào thắng thì trả. Rồi chồng Thác thua lớn. Đạc cho vay tiền to hơn nhưng với điều kiện phải viết giấy ghi nợ. Tiền vay quy đổi ra thóc. Con bạc khát nước, uống mấy cũng không đã. Chồng Thác đành mắm môi viết giấy vay nợ rồi lao vào chơi tiếp, vẫn thua. Số tiền Đạc cho vay đã nhẵn nhưng con bạc chẳng chịu dừng. Thua quá phải bỏ chiếu bạc chạy thoát thân rồi bị săn đuổi, dọa nạt. Đạc làm ngơ không ra tay cứu nữa... Bí bẫm, chồng Thác phải đi ăn trộm để lấy tiền trả nợ bạc rồi bị ai đó trong đêm đánh chết.
Đợi xong lễ bốn chín ngày của kẻ xấu số, Đạc mới mang giấy ghi nợ sang hành Thác. Chuyện như trên đã kể, còn lúc này đây là Đạc đợi Thác ưng lòng. Với những người đàn bà khác, Đạc thường nóng ruột tìm cách ăn sống nuốt tươi. Với Thác mới đầu Đạc cũng định thế nhưng không xong. Cái nồi cấn của cô hàng nồi đập trước mặt ngay giữa phiên chợ đông, cái mõ treo lơ lửng dưới mái cổng của tên đầy tớ câm nẫng ngon xớt cô vợ gá bạc để cho Đạc những bài thuốc đắng. Lần này gã quyết tâm bằng mọi cách phải lấy được Thác. Lấy chứ không phải chiếm. Đạc mê Thác thực sự. Với phụ nữ nhiều rồi, Đạc thấy mình cũng đến lúc phải vun vén, gây dựng. Người Đạc chọn là Thác. Có điều cái mong muốn của Đạc không phù hợp với cái luân lý ở đời. Ai lại đi kiếm vợ bằng cái giấy vay nợ của chồng cũ người ta bao giờ. Nhưng không làm chuyện ngày làm sao Đạc có thể đến được với Thác mà trò chuyện, hỏi han rồi dụng dạo.
Vốn là tay hay sốt ruột lại có tiền nong súng sính trong túi Đạc cứ tưởng muốn làm gì cũng được. Cứ nghĩ Thác chẳng còn thương gì tới cái tay chồng máu mê, gây tai hoạ cho vợ con nữa nhưng gã đã nhầm. Thác vẫn còn tình nghĩa với kẻ đã chết. Cái sự việc đàn bà này càng khiến Đạc sốt ruột tợn. Gã đã mềm rắn mãi rồi mà Thác vẫn lưỡng lự. Nay thì Thác không ở nhà với bố đẻ nữa. Cô ấy còn mang cả con về bên này. Như vậy là Thác đã xuôi xuôi theo ý của Đạc.
Thác về lại nhà cũ của mình. Bàn thờ người chết lại được hương khói đều đặn. Thỉnh thoảng Đạc sang chơi. Gã bao giờ cũng thắp hương và vái chồng Thác ba vái rồi cho hai đứa trẻ mấy đồng tiền lẻ mua kẹo, mua bỏng. Có hôm Đạc mua sẵn quà từ ngoài đường mang vào. Lũ trẻ cuốn dần lấy bác Đạc. Thác cũng không còn lầm lì như trước nữa. Thỉnh thoảng cô đã cười khi Đạc hỏi chuyện. Làng xóm mới đầu thấy trái mắt, ngang tai sau quen dần. Ai cũng cho như thế cũng được, còn hơn côi cút một mẹ hai con chẳng có chỗ nương tựa. Với lại, hại người người hại, mấy đứa đàn bà trước đã cho Đạc ăn bồ hòn thì nay đối đãi với cô Thác như thế là gã có tỉnh ngộ. Cái thiện vẫn có mầm trong kẻ ác chăng? Đàn bà dễ thương người. Kẻ có lòng độ lượng thường giàu tính vị tha. Thác quen dần với khuôn mặt Đạc mỗi khi anh ta đến chơi.
Chuyện như thế tưởng êm, nào ngờ sau đó ít lâu Thác bỗng nhiên đổi tính nết. Cô lầm lì trỏ lại.
Ngồi nói chuyện với Đạc mà mặt Thác quay nghiêng. Mọi khi cười cười giờ thì sin sít hàm răng. Đạc thấy khó hiểu quá. Gã dồn lời gặng hỏi:
- Thác làm sao vậy?
- Kìa tôi hỏi sao Thác không nói?
- Nói gì?
- Dạo này Thác khác quá.
Thác cười vô cảm:
- Vẫn thế mà!
- Đừng dối tôi nữa.
- Đứa nào dối? - Thác nhướn to mắt hỏi lại Đạc.
- Hay là... Thác có gì nghĩ khác về tôi.
- Hay lắm! Hay là... ha ha... hí hí... Hay lắm... hay là!...
Thác bỗng cười rít lên, mắt rực sáng. Đạc nhìn thấy Thác mà thấy sợ:
- Người Thác có làm sao không?
- Tôi mời thầy cúng về cúng cho Thác nhá!
Thác vẫn cười. Tiếng cười như đá lăn. Mắt Thác trĩu xuống Đạc nhìn thấy từng dòng nước mắt chảy trên đôi gò má gầy của Thác. Đạc sợ. Hình như Thác đang muốn phát điên. Điều này thì không thể. Tự nhiên gã thấy ghê rợn khắp người. Hay là chồng Thác nhập vào vợ về dọa nạt, đòi nợ Đạc. Nếu thế thì thật kinh khủng. Oan hồn hồn oán. Đạc chợt nhớ lại và lạnh hết sống lưng. Hắn tìm lối lùi ra ngoài cửa trong lúc Thác vẫn ngồi rũ ra, tóc buông xõa, mặt mũi nhợt nhạt như cây non bị người ta bóc hết vỏ.
Ít ngày sau nữa một chuyện kinh người lan nhanh khắp vùng sông Sỏi. Đạc bị một nồi cám lợn sôi ùng ục đô hắt vào người may mà lùi được chỉ vào chân. Gã giãy lên đành đạch như con cá tươi bị ném vào chảo nóng. Đạc đau lê lết. Người làm việc ấy không ai khác ngoài Thác. Khi trương tuần đến, Thác mặt lạnh băng, tím tái hết da thịt, miệng rít lên nói với nhà chức trách:
- Tôi bắt nó trả nợ cho cái chết của chồng tôi đấy. Nó đã rủ rê chồng tôi vào cơn đỏ đen để mưu cướp vợ. Ác quá! Nó xúi chồng tôi đi ăn trộm rồi xúi người ta đang đêm đánh chết anh ấy. Kẻ đánh chồng tôi đã nói lại cho tôi biết chuyện này. Trời ơi... Sao trên đời này lại có kẻ ác độc đến thế. Đàn ông gì mà hèn vậy. Muốn lấy người ta mà lại khốn nạn thế hay sao?
Thác ôm mặt nức lên. Người cô rũ ra như tàu lá xanh bị lửa táp. Cô giơ tay cho trương tuần như có ý nhận tội sẵn sàng chịu trói...
Dân làng xúm lại chữa trị cho Đạc. Nhiều bà nhiều chị quây đến an ủi Thác, Mấy anh trương tuần thu tay gậy, tay thước rút lui khi nghe người già nhất làng bảo: "Mấy chú về đi. Còn định trói người ta nữa hay sao?". Sau lúc nhổn nháo ấy Thác bỏ đi đâu không ai rõ.
Nước có luật nước làng có luật làng. Đạc thành Đạc thọt. Đôi chân gã đầy sẹo bước tấp ta, tấp tểnh. Người làng trông thấy Đạc từ xa đã tránh mặt. Chả ai muốn hỏi han, trò chuyện với loại người chín phần thú một phần nhân này. Rồi một hôm vào giữa khuya nhà Đạc cháy đùng đùng. Khi mọi người xách nước đến cứu thì mái đã đổ sập, đỏ lự. Chả ai tìm thấy Đạc ở đâu. Mọi người cho là Đạc chán quê, đốt nhà bỏ đi tha phương. Có người lại bảo có khi Đạc say rượu chết cháy nên thương tình làm bát cơm, quả trứng thắp ba nén hương cúng cho đỡ phải tội. Người chết là hết.
Nhiều người lại bảo Đạc đi tìm chốn làm lại cuộc đời!