Dừng lại! Những cơn xác thịt thèm khát
Sự mê muội nguy hiểm
Biển rộng đến vậy vẫn còn có bến
Sợ thay ham muốn con người.
Đạc vốn là tay buôn bè. Con sông Đà hung dữ là vậy nhưng với Đạc nó quen thuộc như con đường làng. Nghề buôn bè là nghề vâm vác, ghềnh thác. Người đi bè bao giờ cũng cập kè giữa sống và chết. Đi bè lãi to như núi nhưng cũng hiểm hoạ như sông. Đã được là được nhiều nhưng mất là mất sạch. Đạc ngẫm thân phận mình cùng thân phận những bè gỗ, bè nứa thả trôi sông. Nước phía thượng nguồn như đá dội. Đèo vực khúc khuỷu như lòng người. Biết là nguy hiểm nhưng hám tiền nên Đạc đã dốc hết cả tuổi trai tráng của mình vào những chuyến đi bè. Những bị tiền đeo trễ vai sau mỗi chuyến thả xuôi trót lọt đã khiến Đạc hám nghề, máu nghề đến quên cả lấy vợ. Với Đạc, chỉ có bập bềnh, trôi nổi lúc ngồi bè và ngập ngụa rượu thịt cùng đàn bà những lần cập mạn. Đạc từng nói với đàn em, trong mọi thứ "nhắm", phụ nữ là món sung sướng nhất. Và rồi chính cái món sung sướng nhất ấy đã khiến Đạc phải bê bết thân xác ôm vội gói tiền giấu trong bị cói mò về quê với lời thề độc: Có chết cũng không quay lại nơi ấy...
Phía tả ngạn sông Đà có đoạn đồi đất. Mỗi lần bè thả xuôi, Đạc thường chọn là chỗ nghỉ chân. Dân trong vùng gọi nơi ấy là xóm Củi, sở dĩ có tên vậy là do nghề vớt củi sông của dân làng mỗi đợt lũ về. Dân đò dọc, bè mảng thì gọi nơi này là bến cô Măng. Măng là gái trong núi, nhà nghèo rớt được cái xinh xẻo, nõn nà nên chưa đầy mười sáu tuổi đã được đi làm bà hai của người giàu nhất vùng Củi. Ông ta có tên là Vược lại làm lý trưởng nên mọi người đều gọi là Lý Vược. Lý Vược đã làm cho cô Măng một ngôi nhà lá kiêm quán bán hàng ở ngay bến sông. Có chuyện này bởi Lý Vược hám tiền. Hơn nữa, vợ lớn của Vược là loại đanh đá, ghen tuông khó có ai bì. Mụ đanh đá đến mức gặp ai, bất cứ già trẻ, trai gái, hơi trái ý một tí là mụ có thể lừ mắt, nhổ nước bọt hoặc chửi vỗ mặt. Còn ghen tuông thì chanh, ớt còn thua. Có chuyện Măng bị lột hết quần áo, trói tay ở cột chuồng trâu suốt một đêm cho muỗi đốt vi tội quyến chồng, quên cả tiếng e hèm nhắc nhở của chị cả. Mụ đã quy định với Măng, cứ hễ đêm khuya nghe tiếng chị, thì dù có thế nào chăng nữa cũng phải hất lão ta ra khỏi giường. Đêm ấy Măng nhớ ám hiệu. Cô đã lấy tay véo vào mạng sườn chồng, nhưng Vược vẫn chẳng nghe. Mãi tới khi chị cả đạp chân toang cánh cửa buồng rồi lao vào nắm tay Măng lôi ra. Lúc ấy Măng không mảnh vải trên người. Lý Vược cũng vậy.
Đàn bà thật đẹp khi được yêu. Lúc ấy họ là bông hoa mới nở. Cũng thật ghê gớm khi bị chia chác, giành giật. Ghen tuông là đặc sản của trò trai gái.
- Tao lấy mày về đây để làm em hay làm mẹ hả Măng?
- Thưa chị, em ạ!
- Tai mày ung à?
- Em có nghe, nhưng... nhưng...
- Nhưng cái mả tổ nhà mày kia kìa.
Lý Vược xin cho vợ bé:
- Lỗi tại tôi. Mình tha cho em nó.
- Dễ nghe nhỉ.
Mụ vợ cả kéo Măng ra giữa nhà. Lý Vược vứt vội áo váy cho cô mặc nhưng bị vợ cả hất ra:
- Cứ để thế cho nó biết mặt.
- Tôi xin mình. Mình tha cho em tức là tha cho tôi.
- Ông cút đi không tôi cho cái điếu bát vào mặt bây giờ. Nếu thương nhau quá thì rủ nhau ra chuồng lợn mà ngủ.
Lý Vược đành ngậm miệng trước cơn điên của vợ. Măng lúc này chỉ biết chắp tay trước ngực:
- Chị tha cho em lần này.
- Cái mồm mày có khác gì cái chôn của mày không? Mày nghĩ mày báu lắm đấy hả. Nhà thì nghèo rớt. Đến cái nón mê rách cũng không có mà đội. Người ta thương tình lại không biết điều. Mày tưởng mua mày rẻ lắm đấy hả? Còn ông nữa, tôi chiều ông, thương ông mà ông chẳng biết điều. Kia kìa. Nó tênh hênh ra kia kìa, ra đấy chắp tay mà lạy. Gái này già rồi mà.
- Chị ơi, em cắn rơm, cắn cỏ em xin chị.
- Ai chị em với mày. Câm! Ông Lý?
- Mình gọi tôi...
- Cầm đèn cho tôi.
- Nhưng làm gì mới được chứ?
- Cứ đi đi rồi biết.
Lý Vược cầm đèn đi trước, thân khoác cái chăn che người. Đi sau, mụ vợ cả mặt sắt lại, tay nắm chặt tay Măng lôi đi:
- Đi ra chỗ chuồng trâu.
- Để làm gì? - Lý Vược hỏi.
- Ra rồi sẽ biết.
- Mình ơi, tôi xin mình...
- Cái mo nang nó làm lú hết mặt rồi hả. Tôi mua nó về để đỡ đần chứ không phải để làm mẹ. Đi...
Măng bị hắt chéo tay qua cột gỗ chuồng trâu. Mụ vợ cả mắm môi lấy cái bao lụa trói chặt cô vợ bé lại. Măng khóc thành tiếng. Lý Vược rên rỉ, xin xỏ. Mụ vợ cả vẫn hừng hực giận dữ. Con trâu nhốt trong chuồng bước lánh sang bên, mũi thở phì phì, đuôi ve vẩy, mắt ngơ ngác. Nó chẳng hiểu con người đang làm gì trước nó (!?)
- Mình ơi. Có một tý quên thôi mà mình nỡ đày đọa em nó thế này ư? Mình nghe tôi, mình tha cho em nó lần này nữa thôi. Từ mai tôi thề không thế nữa.
- Câm. Tôi đã nói là ông câm cái mồm của ông lại cơ mà. Ông tưởng ông giỏi giang lắm hả? Cứ lấy cái thân mình ra mà ngẫm xem. Cái chức Lý trưởng ấy mua bằng cái gì của con này? Bây giờ sướng quá rửng mỡ hẳn. Bạc! Cái mặt thế kia mà bạc.
Lý Vược im. Mụ vợ đã nói đúng cái hèn của gã. Dốt nát, đần độn. Cái chức lý của gã là mua bằng tiền của vợ. Rồi lại chính bằng tiền của vợ gã mà gã mua được Măng về làm nàng hầu. Vợ gã đã hết lòng vì chồng. Còn gã? Chỉ vì cái e hèm của mụ không được đáp ứng đến nỗi cả gã và cô vợ bé non tơ phải chịu cảnh nhục nhã này. Ham cái gì thì chết vì cái ấy, không có sai!
Mọi việc xong xuôi, mụ vợ cả hả hê nhìn Măng rồi nói, giọng đay nghiến độc ác:
- Cứ ngồi thế này cho muỗi nó đốt xem có sướng hơn cái anh Lý Vược nó ôm ấp vỗ về không nhá. Cứ ở vậy suốt đêm mà ngẫm xem trái lời chị thì sẽ được gì. Ngọt không muốn ăn lại muốn ăn đắng. Loại váy thủng như chúng mày có cái ấy là quý nhất mà cũng không biết đường ăn, lẽ ở.
Măng ở lại chuồng trâu suốt đêm. Chính vì lẽ này mà Lý Vược phải tìm cách tách cô vợ bé của mình ra khỏi con yêu tinh cái. Lấy cớ muốn cho em nó có nghề, có việc, Lý Vược đã bàn với vợ cả cho vợ bé cái quán bán hàng ở bên sông. Mụ vợ cả đồng ý nhưng mỗi tháng Lý Vược chỉ được ở với Măng từ mùng một cho đến ngày rằm. Mụ vợ cả kiêng nửa tháng đầu vì phải bận đi chùa lễ phật. Riêng sau rằm, mụ giữ rịt chồng ở nhà, cho dù có nhỏ nhãi ra vì con Măng mụ cũng kệ. Lệnh vợ là tuyệt đối. Thà thế còn hơn, cảnh buồng nọ, buồng kia, hấm hứ, giành giật một cái thân còm.
Hôm cho vợ bé ra ở riêng ở quán hàng ngoài bến sông, vợ cả dặn:
- Chịu khó mà làm ăn. Chị thương em chị mới làm thế. Nếu ghét thật chị đã xúc đất đổ đi rồi. Ra đấy thì phải chính chuyên. Những ngày anh lý ở với em thì không sao. Những hôm anh lý về với chị, em phải coi như có chồng ở cạnh. Chị dặn em có ngần ấy câu, em nhớ chưa? Chị lành thì lành thật...
Măng chỉ biết cúi đầu:
- Em nhớ ạ!
- Nhớ miệng thôi là không được. Phải ghi vào lòng ấy. Lần này mà quên nữa là chị không tha đâu. Em nhớ cho là bao nhiêu công sức của anh, của chị. Thương em lắm lắm nên mới có việc này.
Mụ vợ cả lấy vạt áo thấm mắt. Không biết mụ khóc thật hay khóc giả. Mặt Lý Vược thì như được ai quạt mát. Lòng dạ Măng lúc ấy nhẹ tênh như người vừa được nhấc khỏi vai hai chiếc cối đá.
- Em biết ơn chị lắm lắm.
- Nào mình nói xong chưa để cho em nó còn đi.
- Sốt ruột hả?
- Không... không... ấy là tôi nói thế.
- Được rồi. Quân tử nhất ngôn. Hôm nay là đầu tháng, theo lệ, ông được ra ngoài ấy.
Cũng vì cái lệ ấy của vợ chồng Lý Vược mà Đạc phải chịu tai hoạ. Chả là, Đạc dừng bè, lên hàng Măng ăn uống, rượu chè. Trai chưa vợ gặp gái miệt rừng dù có chồng nhưng vẫn trẻ trung kém mình đến dăm sáu tuổi. Măng từ ngày được ở riêng, đầu óc thoải mái nên da dẻ, người ngợm có vẻ tươi tắn, phổng phao hơn. Nửa đầu mỗi tháng Lý Vược vẫn đều đặn ở với Măng nhưng thường là các buổi tối. Ông Lý bận việc làng. Nào ăn khao, nào giỗ chạp, cưới xin, ma chay. Cả vùng Củi, hễ đâu có đụng mâm bát là nơi đó có Lý Vược. Thiếu ông Lý hít hà nâng lên đặt xuống là bất thành trọng đại. Ông Lý cũng cảm thấy cái giá ấy của mình nó hệ trọng, to lớn đến nhường nào nên rất hiếm khi vắng mặt ở các đám. Lý Vược là vậy. Hôm nào về với Măng cũng phải có đuốc, có đèn của tuần đinh đưa về. Thường là lướt khướt. Có hôm Lý Vược mềm nhũn như sợi bún nằm vắt trên chiếc võng do hai trai đinh võng về. Có hôm nằm vắt vẻo trên lưng một gã trương tuần trông như một túm thịt ướt. Từ ngày ra bến sông, Măng hầu hạ chồng thì nhiều mà hưởng thụ lại ít. Thân gái mờ mỡ ra vậy mà nằm cạnh ông lão dặt dẹo, mồm miệng, da thịt sặc sụa những hơi rượu, hơi thịt. Làm vợ thật mà khác nào cái giẻ chùi chân, chùi tay cho chồng. Cái đáng đụng chạm thì chỉ năm thì mười hoạ như cái cọng cỏ khô xác chưa cháy đã tàn.
Làm bà Lý thật đấy nhưng Măng nào có sung sướng gì. Khi ở nhà trong với chị cả, được vợ kìm nén, soi mói Lý Vược còn ra vẻ anh chồng. Lúc ở với vợ cả, vợ lẽ còn có vóc dáng đàn ông. Còn từ ngày ra đến đây, không biết lúc ở với chị cả thế nào, chứ lúc vắt chân vắt tay lên người Măng, cô có cảm giác nó như mấy cái ngọn rau rền luộc. Mà cái chuyện này dẫu có tự nhủ lòng nhưng chịu mãi không thể nào quen được. Măng cực khổ, dằn vặt, héo hắt đến kém ăn, mất ngủ. Vừa hay lúc căng cấn, sùi sụt nhất thì Đạc xuất hiện. Mặt gã đàn ông đi bè, da sẫm màu phù sa, màu rượu. Giọng nói của Đạc có vẻ oang oang, thô mộc đấy nhưng sâu sắc, cuồn cuộn. Mỗi lần nhìn thấy Đạc vào quán, người Măng lại như thấy có than nóng bò lan khắp da thịt mình. Nhất là những lần úp chén lên mặt chõng, chia tay xuống bè, nhìn đôi mắt Đạc ngầu lên như mật chín Măng thấy chân tay mình như muốn rụng xuống:
- Lần này xuôi có dễ nửa tháng sau mới lại được uống rượu ở quán bà Lý đây.
- Eo ơi, lâu thế a?
Măng nói câu sốt ruột. Đạc nhay nháy mắt:
- Thế là nhanh lắm đấy. Đi bè phụ thuộc vào chuyến, vào sông nước.
- Tôi biết rồi. Bè ghé bến nào bến ấy là nhà. Người ta bảo, đàn ông các bác bao nhiêu bến cho vừa.
- Bà Lý nói thế không sợ có người giận cho à?
- Ai -giận? Mà giận ai mới được cơ chứ?
- Có đấy. Bà Lý không để ý bà Lý chẳng biết thôi.
Măng nói nhỏ:
- Chả nhẽ quán rượu của em nhạt thế kia à?
Đạc lấy ngón tay day day mũi:
- Cay quá.
- Bác Đạc bảo sao?
- Măng ác thế...
- Em chỉ nói rượu thôi mà.
- Đúng không?
- Thật đấy.
- Thật nhé...
Lời nói vu vơ như ám hiệu. Đạc nắm tay Măng. Nắm chặt lắm. Có cảm giác chỉ một đôi ba động tác nữa là anh ấy có thể bế bổng mang đi. Lúc ấy Măng thấy mình như chẳng phải là mình. Lộn xộn, bồng bềnh. Đần độn nữa. Ôi giá lúc ấy... Cái nguồn cơn đàn bà đã thấm mùi tự nhiên dâng lên. Nhưng lúc ấy Đạc đã xuống bè. Đôi tay Măng vừa ấm áp thế mà giờ cứng đờ, lạnh buốt như vừa ngâm nước sông lên.
Gã thợ bè phải lòng bến cô Măng. Cái bến sông hoang lạnh hôm nào mỗi lần bè trôi qua giờ đã thành nỗi nhớ mỗi lúc rời xa và cồn cào đến không chịu nổi mỗi khi sắp về đến địa phận xóm Củi. Đạc thường mang lên cho Măng nào là gà rừng, măng tươi, mộc nhĩ, nấm hương. Thỉnh thoảng là lạng cao hổ, cao khỉ. Mới đầu Măng nằng nặc đòi trả tiền bằng được. Đạc cũng chẳng sốt ruột về chuyện ấy. Gã có nhận tiền, với giá phải chăng khi là những món lớn. Còn những thứ quà vặt là Đạc tặng.
- Có đáng mấy đồng tiền đâu mà bà Lý phải băn khoăn. Quà đây là quà của nhà bè có phải của riêng tôi đâu mà bà Lý ngại.
Cũng có lúc Đạc nói rắn:
- Nếu Măng không nhận cho tấm lòng này thì lần sau quyết không ghé bè vào xóm Củi nữa. Đi là đi thẳng đấy.
Sau lần ấy, Đạc cho bè đi qua mà không ghé bến thật. Khi bè đi được một quãng xa, gã để ý nhìn lại, thấy Măng chạy như lao xuống bến. Tóc Măng buông xõa. Tay Măng cầm chiếc khăn đội đầu bị tuột huơ huơ lên phía trước. Đến lúc ấy Đạc mới cho dừng bè và kéo lùi lại.
Đạc lên quán hàng, Măng chạy tụt vào bên trong, ngồi khóc. Đạc để ý trước sau, không thấy ai, vào theo:
- Mình giận tôi đấy à?
- Đâu dám. Ngỡ đi luôn...
- Đi thật ấy chứ. Ai bảo cho không nhận.
- Cho gì nào.
- Lần trước đấy thôi.
Măng mếu máo:
- Có thế mà cũng tức?
- Lại không!
- Thế hôm nay ăn gì nào, em làm cho.
- Đạc bảo người mang lên một đôi gà mái tơ, dăm cân nếp nương, mấy cái măng củ tươi. Măng rối rít làm cơm cho khách đường sông. Hôm nay đã ngoài rằm, ông Lý thuộc phần bà Lý cả. Măng biết lịch nên người cứ tung ta, tung tảy. Đạc lại càng rõ chuyện này. Anh chàng hí hửng đứng lên, ngồi xuống giúp bà chủ làm gà, gọt măng. Thỉnh thoảng chân tay Đạc ra vẻ vụng về chạm vào người Măng. Măng biết, để yên. Có lúc lộ quá Măng phải nói khẽ
- Nhỡ ai trông thấy là chết cả nút đấy mình ạ!
Đạc chợt nhận ra, ý tứ hơn. Hàng quán tuy vắng khách nhưng vẫn có người ra vào. Việc Đạc lên quán cô Măng lâu nay nhiều người đã quen mặt. Việc cô Măng làm cơm cho thợ bè ăn cũng chả ai lạ gì. Riêng nỗi đầu mày cuối mắt thì Măng cố giấu. Chả ra gì Măng cũng là vợ hai Lý Vược. Chả ai người xóm Củi có việc ghé qua mà không chào Măng là bà Lý. Măng chả thấy cái việc ấy có danh giá gì nhưng phải giữ. Lý Vược đã từng bảo cô:
- Mình đừng nghĩ mình còn ít tuổi mà không có vai có vế đâu. Đàn bà ở xóm Củi này nhất chị cả xong đến em đấy. Đừng có làm cái gì mang tiếng đến gia phong nhà ta.
Măng không hiểu hết nghĩa gia phong là gì nhưng nghĩ đến đêm bị chị cả trói ở chuồng trâu, cô sợ. Ông Lý tuy yêu chiều vợ bé đấy nhưng hễ thấy Măng liếc mắt hoặc trò chuyện với đàn ông nào là lão ta lại hắng giọng hoặc giông giông ba toong xuống đất. Lúc ấy, dù đang chuyện trò đến mấy Măng cũng phải ngậm miệng. Còn với cái nhà anh thợ bè này, cô như ăn phải bả. Ngay chi hôm đầu tiên Đạc lên ăn ở quán, ánh mắt Măng đã thấy có gì khang khác. Cả cái lần anh ta nắm tay Măng tạm biệt, tối ấy cô nằm mê thấy Đạc đang hổn hển thở trên người mình. Đến lúc tỉnh lại nhìn bốn góc giường vắng lặng, cô mới biết cái gã đàn ông đã làm cho mình chết lịm đi chỉ là cái bóng. Sau những lúc ấy, khi ăn nằm với Lý Vược, Măng toàn nghĩ tới Đạc. Cứ nghĩ tới Đạc lúc nào là người cô phởn phơ lúc ấy. Măng chết đắm, chết mệt Đạc là vì vậy. Tuy nhiên cô vẫn sợ. Cái đêm ngồi ở chuồng trâu, muỗi đốt rát thịt là cái đêm Măng không thể quên. Làm sao người ta có thể ác đến thế. Chồng cô thật đấy mà sao vẫn phải khoanh tay đứng nhìn vợ cả hành hạ vợ bé. Người đàn bà quyền uy ấy đã khuất phục Măng bằng đòn thù này. Còn Lý Vược lúc nào cũng cưng chiều, vuốt ve Măng. Chưa một lần ông Lý nặng lời với bà Lý bé. Cái việc làm nhà cho Măng ở bến sông cũng là cái lòng của ông thương Măng, muốn tránh cho Măng những cơn tam bành bất chợt của mụ vợ già trái nết. Măng vẫn biết cái này là lòng tốt của Lý Vược với mình.
Nhưng còn một thứ lòng tốt nữa Măng muốn ở chồng là cái tự nhiên con người muốn có. Chồng hơn vợ những ngần ấy tuổi, như bố với con, lại một nách hai bà làm sao mà Lý Vược có thể thoả mãn Măng. Ở nhà với chị cả trong sự xét nét, dòm ngó của chị, Măng có thói quen dồn nén, chịu đựng. Còn ra ngoài này, một mình Măng một cõi riêng biệt thì cô lại thấy trống trải lạ lùng. Những lúc nằm bên Lý Vược, cô có cảm giác nằm bên cái thân gỗ ải. Cả những lúc gã chồng gắng gượng như con bò già leo dốc rồi nằm bệt như tấm bao tải rách ngâm nước mà cô thấy xót xa, nhàu nhã cả gan ruột. Những lúc ấy, nằm một mình, nào có ai, ngoài cái xác ngủ hệt như đã chết, Măng khóc. Nước mắt tràn ra mặt cô như mạch gặp phải nguồn khơi. Nhưng bây giờ Măng đã có Đạc. Tuy mới chỉ là đụng chạm lúc vào ra vẻ như vô tình, vô ý nhưng cô vợ bé của gã Lý Vược đói tình đã tìm ra súc gỗ lim, gỗ nghiến của mình. Chỉ thế thôi, với những nhớ nhung vu vơ, những tưởng tượng khi đêm về đã phần nào san sẻ và an ủi cho nỗi niềm của Măng từ ngày có quán. Tuy vậy, Măng vẫn sợ. Măng như con cá thấy mồi sợ ngạnh sắc lưỡi câu chưa dám đớp. Đạc cũng vậy. Cái cửa rừng rộng rênh đã mở với biết bao hương thơm cỏ lạ nhưng chưa dám vác rìu, vác búa đi vào.
Hôm nay thì lạ. Bữa cơm gà no nê, rượu ươm đỏ đủ các loại mặt. Bà chủ quán cũng được chủ bè mời một chén. Hào hển hơn, chủ bè còn để riêng một đĩa thịt gà ngon, một đĩa xôi nếp nương thơm dẻo đáp lễ cô Măng đã làm cơm giúp họ. Đám thợ bè cười nói như động rừng, động núi. Ai cũng muốn được nói chuyện với Măng. Ai cũng muốn được chọc ghẹo bà Lý đôi câu cho đỡ nỗi thèm lúc xa vợ. Chuyện của họ có lúc tục, lúc thanh. Đa phần là bắt đầu từ cái ấy, cái ấy. Thợ bè cứ toang hoang như trẻ không quần. Măng chỉ biết đỏ mặt, lúc tủm tỉm, lúc rú rít ghê sợ. Đạc thì ít nói hơn. Thỉnh thoảng Đạc lại liếc trộm Măng. Những lúc ấy như có ai mách bảo. Cả hai như cùng nhìn một lúc. Chả nói gì mà lại nói rất nhiều. Sau lần vải áo cơ thể họ cứ rạo rực về nhau, cứ như muốn nhích gần lại nhau.
Tối được lúc lâu đám thợ bè mới ngả nghiêng xuống bến. Họ say lả, say lướt, tiếng nọ dính tiếng kia. Đạc cũng xiêu vẹo theo họ. Xuống lưng chừng dốc, Đạc nghe tiếng Măng lào xào:
- Đường trơn lắm đấy. Cẩn thận không ngã.
Bà chủ quán cẩn thận xách đèn chai soi đường cho đám thợ. Măng ý tứ đi trước. Thỉnh thoảng cô dừng lại để Đạc bước ngang. Cánh tay họ khẽ chạm vào nhau chốc lát rồi lại rời xa. Tới chỗ cầu ván bước lên bè, Đạc ý tứ lùi lại, đợi thợ lên hết, Đạc nói nhỏ vào tai Măng:
- Lên bè với chúng anh đi.
- Bao nhiêu người...
- Đừng lo - Đạc lấy tay bẹo vào sườn Măng nói tiếp.
- Nhớ quá. Nhớ chết mất.
- Vớ vẩn.
- Không sao đâu. Bọn họ say cả rồi.
- Anh muốn chết thật à?
Cả tối nay, chỉ nhìn Măng đã no. Chết cũng được...
Măng đẩy tay vào lưng Đạc:
- Anh lên đi kẻo họ nghi ngờ.
Đạc lưỡng lự. Ván gỗ chùng chình bước chân. Mặt Đạc man dại hẳn đi. Đôi mắt gã soi sói nhìn vào Măng. Măng bặm môi cúi mặt rồi ngẩng mặt nói nhỏ:
- Khuya lên em!
Một câu ngắn chỉ có ba tiếng mà Măng thấy ngực mình đổ dồn, đổ dập, còn miệng thì khô chát như lâu lắm không được uống nước. Cũng chỉ nói được xong câu ấy là Măng quay ngoắt người lại rồi băm băm leo dốc. Đạc nhìn theo Măng, chỉ thấy cái đèn chai lắc la lắc lư như nó được treo bằng một sợi dây chứ không phải có một bàn tay phụ nữ đang cầm.
Sau câu nói của Măng, Đạc bước thấp bước cao lên bè. Gã thấy rạo rực khắp người. Tu hết gần lưng ấm nước chè, Đạc chưa đã cơn khát. Cái điếu cày gã rít lên sòng sọc, hết điếu này sang điếu khác mà chưa hết đã. Nhìn đám thợ bè nằm chen chúc trên chiếc chiếu trong cái mái nứa ngủ say như gỗ mà Đạc thấy mừng thầm. Gã thợ bè dày dạn mưa nắng muốn vung tay, vung chân hét lên một câu gì đó. hoặc vu vơ ê a những điệu khúc không lời. Thằng đàn ông trong gã đang rạo rực...
Măng cũng vậy. Khép cánh cửa quán lại, tắt ngọn đèn chai đi, vặn to ngọn dèn dầu lên mà ngồi thừ ở chiếc chõng vốn kê bán hàng, người Măng bàng hoàng như có ai rút hết gân cốt. Chân tay cô rã rời, bủn rủn. Chỉ một tiếng động nhẹ ở khe liếp cũng làm Măng giật mình. Cô thầm trách mình tại sao lại liều lĩnh đến thế. Hết trách rồi giận. Trách mình giận mình. Măng đấm ngực. Tay cô như muốn bóp nát cái quả tim đang dồn dập khắp người. Nghẹt thở quá. Ôi ước gì mình đừng nói câu ấy với Đạc. Ôi ước gì cái chân, cái tay đừng xui khiến mình mang chiếc đèn chai đi xuống bến sông. Mọi khi mình có thế đâu mà bỗng dưng trái tính, trái nết ra vậy. Trời ơi là trời, Măng ơi là Măng. Sao mày lại ngu dại, ngốc nghếch đến thế. Mà có thật mình nói câu ấy với Đạc không? Ôi ước gì anh ấy không nghe rõ lời mình. Ôi ước gì sóng trôi, gió tạt hết cái lời mình nói ấy. Măng nhắm mắt sợ hãi rồi mạnh bạo lấy cái đòn tre cài ngang cánh cửa. Ngọn đèn dầu được vặn rất to khiến đôi mắt Măng nhoáng nhoáng nhìn ra mọi phía. Chẳng có ai ngoài cái bóng mình to lù lù in lên vách nứa. Măng ôm mặt, ghê sợ... Rồi ngọn đèn được vặn rất nhỏ và phụt tắt do cái chụm môi bất ngờ của Măng. Cô cuống quýt lên giường. Chiếc chăn được mở vội. Măng cuốn chặt chăn quanh người. Cô muốn giấu kín nỗi niềm của mình trong bóng tối. Nhắm mắt thật chặt vào và cố ngủ đi cho quên cái lời mời nguy hiểm ấy. Nhưng càng thúc giục mình bao nhiêu người Măng càng thấy chong chong bấy nhiêu. Chém cha cái phận kiếp con người. Cái đầu cái óc thì nén lại bảo thôi, cái chân, cái tay, cái mình, cái mẩy thì lại quẫy cựa, đâm chồi. Măng ở giữa đôi bờ được mất ấy. Cơ thể cô như kẻ đòi nợ, còn đầu óc cô lại lăm lăm những xích những cùm. Mình sinh ra để hành hạ chính mình, Măng cay đắng nghĩ.
Gà đã gáy canh ba. Khuya rồi. Trong vắng lặng nghe rõ tiếng sông chảy, tiếng sóng vỗ vào bờ. Cánh cửa liếp chỗ những kẽ hở gió lùa vào lào xào như tiếng ma rên. Măng chập chờn mê tỉnh. Cô lạc vào tâm trạng của mình mà chẳng biết lối ra. Tiếng gà khuya gáy là Măng bật ngồi dậy. Thế là sắp chuyển qua sáng rồi. Trời đất vẫn lặng im. Đôi chim đêm bay qua mái nhà thảng thốt đôi tiếng kêu khiến Măng quặn hết gan ruột. Thế là Đạc không đến. Vậy là điều mong của Măng đã thành sự thật. Anh ấy không nghe rõ lời Măng dặn. Hay là anh ấy có nghe được nhưng sợ như Măng sợ không dám lên. Đàn ông gì mà hèn đến vậy. Trách Đạc, Măng càng thêm giận mình. Sao không nói với anh ấy câu nữa cho anh ấy rõ hơn. Sao chỉ vội vàng mấy lời như thế rồi vội vàng bỏ đi. Làm như vậy có khác gì ném cát xuống sông. Đạc không đến là lỗi tại mày Măng ạ. Cái lão Lý Vược bây giờ có khi ngủ lấp ngủ vùi trong nách con vợ cả rồi. Nào có gì phải sợ mà chẳng dám lên. Con trai gì mà hèn thế. Hay là, không thấy đèn, anh ấy không dám vào. Mà dốt thật. Hẹn người ta lên mà lại tắt đèn. Đầu óc mình lú lẫn mất rồi.
Măng lồm cồm bò ra khỏi giường. Ngọn lửa được thắp lên. Căn nhà nhỏ nhoáng nhoáng. Chủ nhân của nó ngơ ngác nhìn bốn phía. Hàng quán đồ đạc lạnh tanh như đá. Măng như lạc vào hang sâu. Cái gì cũng hun hút, hun hút. Phút bàng hoàng nhanh chóng tan biến nhường chỗ cho nỗi mong cháy ruột. Đôi mắt Măng mở to. Nhìn chỗ nào Măng cũng thấy Đạc...
Có tiếng động nhẹ ở cửa. Măng quýnh cả người. Lại tiếng động nữa mạnh hơn. Măng nhổm hẳn cả người dậy. Tiếng động đã lặng. Không nghe một lời gọi nhỏ.
- Ai thế? - Măng thì thào.
- Bác Đạc phải không? - Măng lên tiếng lần nữa.
- Ai? - Măng thở to, hoảng hốt.
Măng lạnh người. Bỗng roẹt roẹt từ ngoài vọng vào rồi tiếng kêu chí chí của những con chuột hoang đuổi nhau khiến Măng thẫn thờ lúc lâu rồi đi như đưa đám vào giường. Người cô như cái bếp than đang nguội dần hơi nóng của lửa.
Đúng cái lúc nỗi khao khát như tro lạnh để qua đêm của Măng thì có tiếng cạy cửa phía sau, vẫn nghĩ là mấy con chuột vô duyên trêu chọc mình Măng nằm yên, nín lặng.
- Măng ơi Măng...
Tiếng gọi rất khẽ. Măng bàng hoàng khi nhận ra tiếng người. Không một cái gì có thể trộn lẫn được giọng của Đạc lúc này. Cái tiếng gọi mà cô mong chờ suốt từ đầu đêm đến giờ. Cái tiếng khê đục, cay cay, nồng nã đến khó có thể quên.
- Măng...
Khi Đạc gọi Măng lần thứ hai thì cũng là lúc cô đã đứng gần cánh cửa. Ngực Măng áp vào vách tường thở dồn dập. Tay Măng lần lần tìm then cửa. Một tiếng "cạch" nhỏ, Măng giật mình buông tay. Cả luồng đêm giá lạnh ùa vào với bóng người lúc cánh cửa mở. Như cùng một lúc, cả Đạc và Măng nhào vào nhau. Những nén nhịn, chờ mong bừng lên, tủa ra rồi cuốn quýt lại cùng đôi tay trong hơi thở đứt khúc của hai người. Rồi tiếng nói:
- Sao lạnh thế này?
- Ngồi chờ mãi ở dưới sương.
- Nhát thế.
- Sợ. Đèn lúc sáng lúc tối. Ngỡ có người.
- Ma nào lúc này. Ấm chưa?
- Rồi... Rồi...
- Từ từ đã. Giường đây kia mà...
Đạc ùn đẩy Măng trong bóng tối. Vòng tay gã thợ bè cuồn cuộn như dây song cuốn lấy cơ thể cô gái đang thì chán chồng. Măng lúc này khác nào đám ruộng sũng nước chờ được cày ải. Cô cũng cuống quýt như Đạc. Da thịt cô cứ cồn lên như mật sôi.
Tiếng chân giường xê dịch trong đêm. Cả tiếng chiếu chăn xô lệch nữa. Mọi cái như chìm đi trong cơn hứng khởi gái trai. Họ lần tìm nhau trong hơi ấm của da thịt mình. Vào cái lúc nước muốn ào qua bẻ nát chân đê, cây đã oằn mình phủ phục trước gió cũng là khi cánh cửa trước, cửa sau bật tung. Tiếng la hét rầm rầm. Măng đẩy bật Đạc sang bên kéo vội nếp váy. Đạc vơ vội chiếc chăn che lấy tấm thân truồng.
Hai ngọn đuốc nứa đã bùng lên, loà sáng thay cho mấy ngọn đèn chai leo lét. Lý Vược vung ba toong đánh tới tấp vào người Đạc. Đạc chỉ biết ôm chăn chịu đòn. Hả cơn giận với thằng thợ bè khốn nạn, Lý Vược trỏ ba toong vào Măng:
- Con đĩ, lại đây.
- Em xin ông. Em trăm ngàn lần lạy ông.
- Lại đây kia mà.
Măng đi như lết trên nền nhà. Lý Vược nhìn Măng dò xét. Cái yếm vẫn buông trùm trước ngực. Cả cái váy lĩnh nữa, Măng vẫn còn mặc trên người tuy có nhàu nhã. Như vậy là đã có gì xảy ra hay là chưa xảy ra. Cả cái thằng gian phu kia nữa. Cái quần nâu ống lửng hắn vẫn nguyên. Như vậy là quân của Lý Vược đã rình đúng kỳ đã vào đúng lúc chăng. Hay là, chúng đã nhanh chân nhanh tay xoá đi dấu vết.
Măng cúi mặt sát đất. Lý Vược lấy đầu ba toong nâng cằm cô lên:
- Nhìn tao đây!
- Con kia!
- Dạ... Dạ...
Đôi mắt Măng như đôi mắt thỏ bị bẫy.
- Chúng mày đã làm gì nhau rồi?
- Dạ... dạ... Em... em... Chưa ạ!
- Mồm con đĩ, ai tin...
- Em thề...
- Chết cha mày đi!
Lý Vược đạp chân vào mặt Măng, cô tránh kịp. Gã chồng già sấn lên, vung ba toong Măng nhào ra ôm được đầu gậy:
- Em xin mình. Em u mê, lầm lỗi. Em trót dại. Nhưng mình ơi, em xin thề với mình, em vẫn là của mình. Em nói sai, thân thể em đây mình cứ lấy ra mà băm vằm thành trăm mảnh.
Lý Vược chống ba toong xuống đất, mặt cúi, đầu lắc lắc. Măng càng nói nỗi đau của Vược càng lớn. Đạc vẫn im thin thít. Qua trận đòn vừa nãy, đau thật nhưng gã không dám kêu. Tội này là tội chết. Chọc ghẹo vợ quan làng. Ăn nằm với gái đã có chồng nơi đất khách xứ người. Cho dù bát cơm vừa bưng đến miệng chưa được ăn nhưng nói gì thì nói Đạc đã bị bắt quả tang. Người nhà ông Lý đang đứng quây quanh mình. Lúc này chỉ có im lặng và giập đầu cúi xin tha tội. Nói không còn ý nghĩa.
Van xin lại càng không nên. Lửa đã bùng cháy lên rồi chẳng nên đổ thêm dầu. Im lặng và nhẫn chịu là hơn hết.
- Thằng kia - Lý Vược gầm lên.
- Con có tội lớn với ông. Con cúi xin ông đèn giời soi xét, ông tha cho được phần nào con ơn nhờ phần ấy - Đạc phải mở miệng.
Lý Vược nhìn Đạc, mắt soi sói rồi lại mắm môi ngẫm phận mình. Một thằng đàn ông lực lưỡng như súc gỗ đến tuổi đẵn, chặt với một lão già khô khốc như củi, lẽ đời là vậy. Người đàn bà được mua về bằng tiền chứ không được lấy về bằng tình yêu thì chuyện này là việc đương nhiên ư? vẫn biết vậy nhưng Măng là một con vợ hư hỏng. Đón giai về nhà, mời giai lên giường tội ấy là tội bỏ rọ trôi sông. Dân đen đã vậy vợ ông Lý càng phải vậy. Nhưng may mà việc trai trên gái dưới chưa thành. Lý Vược nhận ra điều ấy qua thân xác của Măng, của Đạc nên cơn giận ngùn ngụt đã có đôi phần rút xuống.
Tuy vậy, vẫn là ông Lý:
- Đứa nào quyến rũ đứa nào?
- Dạ...
- Con Măng?
- Dạ...
- Chúng mày câm à?
- Thưa...
- Hừ hừ... Chúng bay đâu. Nhét... vào miệng chúng nó.
Măng và Đạc giập đầu. Mặt hai người sáp đất. Họ không dám ngẩng lên. Vừa lúc, mụ vợ cả Lý Vược từ ngoài te tái chạy vào. Mụ săm sắn ngón tay chửi bới:
- Đây phải không! Thằng thợ bè đây mà. Nay con gà, mai cân gạo. Tưởng gì. Đầu mày cuối mắt cả. Gian phu dâm phụ cả. Bọn này chỉ có voi dày, ngựa xéo. Cái thằng kia. Mày là thú chứ không phải là người. Mày có biết đây là đất nào không mà mày dám ăn càn. Đồ quỷ tha! Con giặc cái kia nữa. Vợ chồng bà mua mày về để cho nhà thêm cửa, cho cây ấm bụi chứ đâu có phải để mày mở cửa sau rước chó vào nhà. Còn ông nữa. Ông Lý ơi là ông Lý. Là đứa ăn lộc nước chăn dân mà không chăn nổi việc nhà. Có mỗi cái việc lấy vợ mà không giữ được vợ thì còn làm nổi cái gì. Hò hét với ai, phét lác với ai. Người như ông, ra đình làng bưng mâm cho các cụ cũng không xứng.
- Có im đi không? - Lý Vược thét lên.
- Tôi không im đấy.
- Hay ho lắm đấy.
- Thây kệ mọi người. Thối tha cùng ngửi.
- Việc này là việc của tôi hay việc của bà.
- Tôi là người dưng nước lã chắc.
- Nhưng...! Bà về đi...!
- Tôi không về đấy. Là đàn ông, đàn ang mà không giữ được vợ, lại cho kẻ trộm nó rúc vào chăn vợ mình nó ngủ, hỏi có là đàn ông, đàn ang nữa không?
- Trời ơi, hết con đĩ trẻ làm tôi muối mặt, lại đến con đĩ già. Chúng mày chết hết cả đi.
Mụ vợ cả vẫn chưa nguôi nỗi giận đứa hư hỏng và kẻ nhu nhược. Mụ biết Lý Vược dễ dàng buông xuôi bởi tính ba phải của mình. Việc khôn nạn này nếu để chồng mình phải ra tay, sợ không đến đầu đến cuối, có khi lại vừa xôi hỏng, bỏng không còn mang tiếng "mất uy" với mọi người.
- Đấy, ông biết cái con vợ bé của ông có tốt đẹp đến thế nào rồi đấy. Mai kia cả xóm, cả tổng biết ông chống gậy đứng ngây mặt xem vợ đưa trai vào nhà thì chỉ có xin xuống làm mõ cũng không nổi. Nhục nào hơn nhục này, ông Lý ơi!
- Tôi đã bảo bà về đi kia mà. Việc này để tôi xử, tôi lo. Việc của đàn ông với đàn ông, của quan với dân bà hiểu chưa?
- Thôi thôi tôi xin ông. Chúng mày đâu, hai đứa ra đưa ông về. Còn tất cả ở lại đây. Đêm nay bà sẽ thay ông xử lũ đào tường, khoét vách này xem xem đầu óc nó cứng mềm ra làm sao. Nó bày chuyện chó dê bà sẽ giở chuyện mèo mả gà đồng ra xử với nó. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Ác giả ác báo!
Lý Vược phải theo hai người đầy tớ về nhà trong. Ngôi nhà đầu dốc sông bây giờ không còn là của Măng nữa. Quyền uy lúc này nằm trong tay mụ vợ cả Lý Vược. Đứng sau mụ là mấy đứa tay thước, tay dao. Một cuộn dây thừng để trước mặt Măng và Đạc. Mụ vợ cả sai đầy tớ mang ghế đến cho mụ ngồi. Ăn nhạt miếng trầu, mụ lấy tay quệt môi rồi ra lệnh cho đầy tớ trói giật cánh khỉ Đạc và Măng lại rồi dắt đi như dắt hai con vật.
- Chúng mày đưa nó về chỗ chuồng trâu cho bà. Cái chỗ ngày trước bà cho trói con Măng ấy.
Bọn đầy tớ dạ ran. Cả đoàn rầm rập đi qua cánh bãi vào xóm. Một vệt đuốc lửa ngoằn ngoèo như sâu róm. Tiếng thanh la, não bạt chua rè, inh ỏi. Đạc và Măng thất thểu như hai hình nộm buộc rối. Đạc mình trần, lưng hằn đỏ vết ba toong. Măng người như tàu lá chuôi khô bị giông gió cào xé. Người cô rũ xuống, tóc sổ ra như con rồ. Lúc này Măng như cái xác không hồn bị kéo đi.
Chuồng trâu nhà Lý Vược dựng ở sau vườn. Đấy là một dãy. Nhà ông Lý nuôi một trâu đực, bốn trâu cái. Trong số trâu cái có hai con nuôi con nhỏ và một con đang có mang. Trâu đực là trâu giống được nhốt xa chuồng trâu cái. Mụ vợ cả Lý Vược sai đầy tớ nhốt Măng vào chuồng trâu đực, Đạc nhốt vào chuồng trâu cái, con đang còn son rỗi. Độc ác hơn, mụ còn sai đầy tố lột hết quần áo của hai người. Khi mọi việc xong xuôi mụ lạnh lùng nói:
- Bà cho chúng mày toại nguyện. Muốn cái gì có cái ấy. Đứa nào muốn được bà tha, thì rõ rồi đấy. Hai đứa biết bà muốn gì rồi chứ. Bà cho phép chúng mày làm cái chuyện mà chúng mày muốn ở nhau nhưng bây giờ là với trâu. Vành tai ra mà nghe cho rõ. Với trâu, biết chưa? Đứa nào làm xong được cái việc ấy bà tha.
Tay Đạc bị xích, tay Măng cũng bị xích. Họ bị nhốt chung với trâu. Phía ngoài chuồng trâu là hai đầy tớ nhà Lý Vược đứng canh. Măng chỉ biết ôm cột chuồng trâu đứng khóc. Đạc tím bầm mặt vì uất giận. Thỉnh thoảng mụ vợ cả Lý Vược lại ve vẩy trước mặt hai người, tay cầm cái roi mây chỉ chỉ vào hai con trâu nói:
- Nào. Làm đi chứ. Làm đi rồi bà tha cho về mà ở với nhau. Chúng mày cũng có khác gì hai con vật.
- …
- Ì ra thế, bà cứ cho là đứng mãi.
Sáng sớm hôm sau, Măng cắn lưỡi, chết đứng, máu chảy dài từ mồm rồi lan qua cổ, xuống ngực.
Mấy ngày sau nữa, vào một buổi chiều muộn, Đạc phải ôm đít con trâu cái làm cái việc tệ hại ấy trước sự chứng kiến đầy lạ lùng, kinh sợ của hai đầy tớ nhà Lý Vược. Ngay sau đó vợ cả Lý Vược sai người mở khoá xích, vứt cho Đạc manh quần, manh áo rách rồi đuổi ra khỏi nhà. Đạc di như chạy trên đường xóm xuống bãi ngô. Chỉ nhìn thấy dáng anh ta, còn khuôn mặt thì đã được che kín bằng một mảnh nón mê rách.
Cả xóm Củi ghê tởm, bàn tán chê bai chuyện của cả hai bên. Họ như người bị bôi nhọ.
Đạc tìm lại bè gỗ, miệng câm như hến. Mọi người hỏi thăm sao ở xóm Củi làm gì vậy, gã chỉ ợm ờ đôi câu cho qua chuyện. Sau đợt đi bè ấy, Đạc thu hết vốn liếng, rồi làm bữa thịt chó giải xui chia tay bạn thợ. Gã lấy con dao nghề, chém toé lửa trên hòn đá rồi thẳng tay vứt ra giữa sông thề độc, dẫu có chết cũng không bao giờ đi bè, không bao giờ trở lại nơi này nữa.
Mụ vợ cả Lý Vược sau đó tự nhiên mất ăn mất ngủ sinh ra rồ dại, cởi truồng chạy khắp bãi sông chửi mắng vu vơ. Lý Vược cũng bị quan trên giáng chức vì để chuyện xấu xa xảy ra ở làng khiến mọi người bị lây nhục.