Con nòng nọc nói mình là cá
Phải thế chăng khi nó bơi trong nước
Lời thưa gửi có khi thật khi giả
Riêng tâm địa không giấu được.
Chợ Bến ở ngay cạnh sông Sỏi. Bên kia đê là bến đò, bên này đê là lúp xúp dăm bảy mái lều xiêu vẹo trên một bãi đất rộng làm nên chợ. Chợ năm ngày một phiên chính còn lại là những phiên phụ thường họp vào lúc sáng sớm và chiều muộn. Chợ chính bán đủ thứ, rau cỏ, thịt cá lại có cả quán ăn, quán uống. Bún cối trắng nõn. Bánh rán, bánh hòn, kẹo mật. Những con cá sông tươi rói quẫy rối cả lòng rổ. Rau cải, rau củ non mởn từ Sỏi Hạ đưa lên. Củ khoai, củ sắn từ Sỏi Thượng đưa xuống. Hàng bún riêu, bánh đúc, hàng lòng lợn tiết canh. Chợ Bến vào phiên chính người mua bán tấp nập. Đây là chợ của vùng Sỏi Thượng, Sỏi Hạ. Cũng là chợ của người trong mạn rừng Ngang chân núi Bụt mang củi, guột, măng, vầu tre nứa ra bán nữa. Người rừng Ngang cũng thường ra chợ, chẳng mang theo hàng họ gì, chỉ mỗi cái thân xác khoẻ mạnh, túm tụm chỗ gốc đa, gốc muỗm chờ người Sỏi Thượng, Sỏi Hạ gọi đi làm thuê.
Hôm nãy là phiên chợ đầu tháng, mùng hai. Ông Đá, ô đen, khăn gõ đã có mặt ở chợ Bến từ rõ sớm. Thú vui của chén rượu, bát tiết canh, đĩa lòng đã níu chân ông vào quán:
- Cho chén rượu tráng miệng đây bà hàng.
- Dạ... dạ... Ông bác đợi nhà em chút ạ!
- Cho luôn cả bát tiết canh và đĩa lòng luộc nữa nhá.
- Vâng ạ! Có ngay đây ạ!...
Nhà hàng nhanh nhảu. Chốc lát những thứ ông Đá cần đã được đặt ngay ngắn trên mặt chiếc bàn gỗ. Ông nâng chén rượu tợp một ngụm, xúc xúc trong miệng rồi nhổ toẹt vào góc quán. Tiếng hà hà thơm thơm men rượu từ miệng ông phả ra cùng lúc chén rượu lại được đưa lên ngay môi chờ ông tợp ngụm tiếp theo. Và sau động tác "ực" rượu một cái, bát tiết đông như thạch được động đến...
Vừa uống, vừa ăn ông Đá vừa nheo nheo đôi mắt nhìn ra phía gốc đa, gốc muỗm cạnh đấy nhìn ngắm dân rừng Ngang đang kẻ đứng, người ngồi chờ gọi việc. Cũng chỉ có thế. Từ xa nhìn, có chỗ ưng ưng, nhưng đã rõ mặt ngang mũi dọc thế nào. Thây kệ. Lát nữa, tan cuộc rượu, bọn làm thuê cũng đã chồn chân ngáp dài, ngáp ngắn ông sẽ ra. Lúc ấy tha hồ mà chọn, mà mặc cả. Việc này, thường là ông hay sai vợ đi. Nhưng hôm nay ông đã tự ý nhận việc:
- Bà cứ để tôi. Việc sức vóc này phải để tôi chọn. Được một người tử tế, khoẻ mạnh bằng năm, bằng mười người dối trá, chây ì.
Bà Chiêm nghe chồng nói có lý nên không bàn lại. Bà chỉ bảo chồng về cách mặc cả công sá. Ông Đá nghĩ vợ gàn mình nên cáu:
- Không phải dạy khôn tôi.
Bà Chiêm chẹp miệng:
- Chán chửa. Tôi nói là nói cái kinh nghiệm chứ ai dám dạy khôn ông. Nhưng có cái này thì tôi phải bảo. Vào quán lòng lợn tiết canh có uống thì uống ít thôi, còn nhớ đường mà chọn thợ.
- Lại dạy nữa...
Lần này tiếng "dạy" ông Đá nói với vợ có vẻ nhẹ và hóm. Bà Chiêm đưa cái ô cho chồng nói vui theo bước chân ông:
- Gì thì gì, cứ để cái con mẹ hàng lòng nó buộc hết vào ruột thì chết với tôi.
Bây giờ thì ông Đá đã ngồi đây, ở giữa chợ Bến, trong quán lòng lợn tiết canh. Cút rượu đã gần cạn. Bát tiết canh, đĩa lòng cũng chẳng còn.
- Ông bác cần gì nữa để nhà em hầu tiếp ạ!
Lời người bán hàng cứ ngọt xót như mía độ heo may. Cái thèm lại dâng lên. Ông Đá rót nốt chỗ rượu còn lại ra chén rồi dằn mạnh cái cút xuống mặt bàn:
- Cho nửa cút nữa đây. Thêm bát tiết với cái đuôi nữa.
- Ông bác ăn thêm bát cháo cho ấm bụng ạ!
- Cái đó là đương nhiên rồi. Làm đi...
Ông Đá vào cuộc ăn uống lần hai. Lời vợ dặn lúc nãy còn lơ vơ trong đầu giờ tan biến đi đâu mất. Ăn vẫn ngon lành, uống vẫn ngon lành. Nhìn người ra vào quán đông vui, gật đầu chào lễ phép, ông Đá thấy mình như chễm chệ hơn, đĩnh đạc hơn. Đàn ông là vậy đấy. Đàn ông mà có của ăn của để lại càng có giá. Tự nghĩ thế và rồi lại lan man đến vợ, đến con. Vợ đã đành một nhẽ, phải là đàn bà rồi. Còn con, mỗi một mống, lại là mống tẹt. Trời đất sao mà lắm nỗi oái ăm. Nhà ông, vườn trước, vườn sau; toà trên, toà dưới; đi không hết sân, đếm không hết ruộng mà sao chỉ cho mỗi một đốt con. Đốt là đốt cụt, con là con người ta. Mai này già cả, chết đi còn ai nối dõi. Chả bù cho nhà nọ, nhà kia, người năm, kẻ mười, con cái cứ lít nhít như ngan, như vịt thì thóc nhặt từng hạt, cơm tính từng nồi. Đúng là, kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra. Vợ mỗi ngày mỗi già, con mỗi ngày mỗi lớn, mình thì cứ trơ khấc ra như khúc gỗ ải. Mà sao cứ chợt nghĩ ngợi cái gì là ông lại nghĩ về chuyện này. Cứ tạt sang cái việc khác đi cho nó khuây khoả có được không. Tự nhủ vậy mà không làm được vậy. Lúc sắp ra đi, mẹ ông trằn trọc mãi về cái chuyện ông chỉ có cái Mùa. Cứ lúc nào tỉnh là cụ lại bảo, cố mà có thêm thằng cu. Có nó mới nên nhà, nên cửa, nên trước nên sau...
- Hà hà... Tức muốn chết đi được!
Ông Đá tu tiếp rượu. Ông uống đến giọt cuối cùng rồi ném cái chai không vào góc quán, vô tình chai đập phải hòn gạch kê cột vỡ tan. Nhà hàng giật mình ngỡ ông Đá say.
- Trả tiền đây. Tính luôn cả cái chai vỡ nữa.
- Dạ, không ạ!
- Không không cái tiên sư nhà chị. Tính đi, không thiệt. Đừng nghĩ thằng Đá này say. Bác tỉnh lắm. Có tỉnh bác mới ném cái chai trúng vào viên gạch chứ. Đây, tiền đây. Cứ cầm cả. Thừa thì lần sau lấp vào. Giờ thì ông bác phải đi làm cái công việc mà vợ nó sai đây.
Ông Đá ngất nghểu đi ra khỏi quán, ông chới với tay đôi lần rồi bước vững lại. Ông ngửa mặt lên trời, mắt chói nắng để tìm lại sự tỉnh táo.
- Bác ơi, bác còn cái ô này - Một đứa bé chạy theo.
- Thôi chết... - Ông Đá cười ngượng.
Chiếc ô quý mua tận trên tỉnh với giá đắt. Lúc ngồi uống rượu cứ đinh ninh lúc ra phải nhớ. May mà họ tử tế cho con chạy theo mang trả. Từ cái sự quên ô này mà ông Đá bất chợt tỉnh táo ra. Ông chơm chớp mắt nhìn lại lối đi, nhìn ra gốc muỗm. Nơi ấy, cánh thợ đã tản đi đâu cả, chỉ còn đôi ba người. Ông Đá chổng ô đi lại gần. Đám người làm thuê từ đâu ùa về, xúm lại. Họ nhao nhao:
- Ông ơi, ông cần làm việc gì cháu cũng làm được ạ.
- Ông ơi... Công sá bao nhiêu cũng được, cháu chỉ cần có hai bữa no thôi ạ.
- Cụ ơi, cháu có con nhỏ, cụ nhận cháu về hầu bà, hầu cô, mệt nhọc thế nào cháu cũng chịu được, miễn là có hớp cháo nuôi con thôi ạ.
- Cháu xin ông, ông nhận cho làm phúc.
- Cụ ơi, cháu đây mà...
- Còn cháu nữa...
- Cháu... Cháu...
Đám người làm thuê có cả nam lẫn nữ. Ông Đá lờ mờ nhìn họ khắp lượt. Ai cũng nghĩ là ông chọn mình nên luôn mồm xin xỏ. Họ xô đẩy, chen chúc nhau.
- Ông ơi, việc gì con cũng làm được.
- Trâu còn thua sức của con, cụ ạ!
- Nào, dịch ra, ông nhận tôi rồi...
- Ông nhận tôi chứ, ông nhỉ?
Cuối cùng ông Đá phải lên tiếng trong hơi rượu:
- Đứng xa tao ra nào. Nghe đây này. Việc không có nhiều. Nhà chỉ cần có một. Thằng này, lại gần đây...
Ông Đá giơ chiếc ô đã cụp về phía một chàng trai có vẻ sức vóc. Chàng trai nhìn những người cùng hoàn cảnh xung quanh rồi nhìn ông Đá:
- Ông ơi, con xin ông, ông nhận thêm các anh, các chị ấy nữa, được không ạ!
Ông Đá trợn mắt nhìn chàng trai:
- Tao đã nói rồi. Mày có nhận hay không để tao gọi người khác?
- Thôi chú Lim đi với cụ đi, chúng tôi tìm việc khác cũng được.
- Đừng lo cho chị, Lim ạ!
Chàng trai có tên là Lim nhìn người cùng cảnh ái ngại rồi bước lại phía ông Đá. Ông Đá mở to mắt như muốn soi thật sâu vào Lim:
- Làm... được... những gì?
- Gì ông sai cũng làm được ạ.
- Đào ao, thả cá, thả...
- Con vẫn thường kiếm cơm bằng việc này.
- Xẻ gỗ, đốn... củi... đốn...
- Thưa ông, con người vùng núi Bụt, việc này là cha truyền con nối ạ.
- Thế... thế thì theo... tao.
Hình như rượu đã ngấm. Cơn tỉnh táo chốc lát đã không còn. Ông Đá vẫy vẫy tay cho Lim đi theo mà bàn tay cứ mềm oặt như chiếc lá héo. May mà nhờ có chiếc ô cụp chống đất. Mỗi bước đi của ông là một bước dừng, xoay ngang một cái theo đà chông ô, người ngả nghiêng đôi chút rồi lại dấn lên, vươn cổ, ưỡn ngực ra vẻ và lại bước tiếp. Lim chạy lên đi ngang:
- Ông để con đỡ cho.
- Kệ mẹ tao.
- Ông sắp ngã đây này.
- Láo. Cút... Đầy tớ phải... phải đi sau...
Lim phải nghe lời chủ. Anh lùi lại, mắt với tay cứ phải nhướn lên để đề phòng nhỡ ông có ngã thì anh còn đỡ kịp...
Cứ thế chập chờn ông Đá đi ra khỏi chợ. Theo sau ông là Lim. Anh khoác trên vai chiếc bị cói đựng quần áo. Cái dáng vạm vỡ cùng đôi bàn chân to, chắc của anh cứ phải chập chững bước theo. Cho tới lúc ông Đá tự nhiên dừng lại, đầu chiếc ô chúi xuống nền đường và cơn rượu đã làm kẻ say quỵ xuống. Lúc ấy ông Đá chỉ còn kịp phẩy tay ra hiệu cho Lim tới gần:
- Ông là... Đá... ở... Sỏi Thượng... sỏi... sỏi...
Chỉ được có ngần ấy lời rồi người nói lịm đi vì rượu. Lim đặt ông chủ nằm lại trong tư thế thoải mái. Anh xoè ô che cho ông rồi ngắt mấy túm lá bên đường phẩy mát cho ông.
Quá trưa, không thấy chồng về, bà Chiêm sốt ruột quá, hết ra ngõ ngóng rối lại quay vào nhà than thở với con gái:
- Mẹ lo quá Mùa ạ. Có khi bố mày say rượu, đổ dúi, đổ dụi vào đâu cũng nên.
- Hay để con đi tìm bố.
Mùa tất tả cầm nón định đi thì bị bà Chiêm ngăn lại. Bà biết dạo này ông Đá ghét con, cấm con ra khỏi nhà vì chuyện mắt trước mắt sau với anh phó cối Ngoẵng. Giờ cho Mùa đi tìm bố khác nào bà đem cái tức cái giận đến cho ông ấy:
- Mày ở nhà, để mẹ đi...
- Nắng nôi thế này.
Bà Chiêm mắng con:
- Con chẳng ý tứ tí nào. Mày đi bây giờ, gặp ông ấy để ăn cán ô à?
- Con đi đón bố chứ có đi đâu đâu mà mẹ sợ.
Bà Chiêm nghiêm giọng:
- Đã nói không là không! Chị cứ ở nhà cho nó yên chuyện. Để tôi đi. Mẹ chị chẳng chết vì nắng đâu mà chị sợ.
Mùa phải đưa nón cho mẹ. Bà Chiêm bước vội vã. Mùa theo sau ra đóng cổng. Vừa lúc ông Đá về. Hai mẹ con bà Chiêm hốt hoảng, tiếp sau là cảm động về cái hình ảnh có một không hai mà bà được chứng kiến giữa buổi trưa nắng như đổ lửa ấy về một chàng trai, đó là Lim và chồng bà. Người Lim còng trĩu xuống, cổ anh treo lủng lẳng cái bị quần áo, trên lưng anh, ông Đá nằm bất tỉnh. Đôi tay Lim, một tay cầm ô che nắng cho hai người, một tay đỡ phần mông ông Đá để ông không bị tụt xuống. Mặt Lim, nóng bừng bừng và mồ hôi vã ra. Anh chậm rãi lê từng bước. Cũng chỉ cố đến cổng. Khi nhìn thấy vợ con ông chủ, mắt Lim hoa lên, cả anh và ông Đá đổ ngã ra trong vòng tay đỡ của bà Chiêm và Mùa.
Hai người được đưa lên nhà trên. Bà Chiêm đặt chồng nằm trên giường, còn Lim được đặt nằm ở cái chõng bên cạnh, ông Đá vẫn còn mê man. Hơi rượu, mùi mồ hôi, mùi nôn mửa nồng nặc. Bà Chiêm ý tứ bảo Mùa lấy khăn mát lau mặt, lau tay cho bố. Còn bà, cũng giống như con gái, lấy khăn mát lau mặt cho chàng trai. Nhìn khuôn mặt vuông vức, hiền hậu của cậu ta bà càng thêm cảm tình. Người này chắc phải là người tốt nên mới đối xử với ông Đá như vậy. Đã quen thân gì đâu, chỉ là theo bước chủ về nhà nhận việc mà đã tận tâm như vậy cũng là hiếm lắm. Người khác thì có khi bỏ mặc, hoặc gọi người ta ra mà khiêng về.
Chốc lát Lim đã tỉnh hẳn. Anh định ngồi nhỏm dậy nhưng bà Chiêm lấy tay ấn nhẹ vai anh xuống:
- Cháu cứ nằm nghỉ đi. Còn mệt mà, đừng ngại. À mà cháu tên gì?
- Con tên Lim bà ạ! Con người trong rừng Ngang...
- Bác hiểu rồi. Con đừng nói nữa mà mệt.
Mùa từ dưới bếp lên tay bưng theo hai bát nước mật. Một bát cô đưa cho mẹ, một bát để trên mặt bàn, lấy chiếc quạt nan đậy lại tránh ruồi. Thấy Mùa đến, Lim ngồi vội dậy:
- Cháu chào cô.
Bà Chiêm cười hiền:
- Em còn nhỏ tuổi, cháu đừng chào như thế mà nó ngượng. Anh đây tên là Lim con ạ. Bố con đón về giúp việc cho nhà mình.
- Mẹ cho anh ấy uống nước mật đi, kẻo nguội...
- Nào cháu, cầm lấy uống đi. Đang nóng thế này uống vào là giải cảm ngay.
Lim đỡ bát nước:
- Con xin bà, em xin chị.
Mùa bật cười thành tiếng. Bà Chiêm lườm mắt nhìn con có ý nhắc nhở. Bà cầm quạt quạt mát cho Lim:
- Đã nói rồi. Em nó là Mùa. Bác là Chiêm. Chiêm mùa ấy mà. Thôi uống đi đừng ngại. Đã đến đây giúp hai bác thì cứ coi như người nhà.
Lim rụt rè uống từng hóp nước nhỏ một. Vị mía đường nóng hổi thấm vào gan ruột làm người anh dịu dần, cả thái độ của mẹ con bà Chiêm với anh lúc này nữa làm thân phận kẻ làm thuê bớt đi phần xa lạ. Đi làm thuê nhiều nơi, chỗ nào Lim cũng tận lực nhưng chưa nơi nào Lim thấy có ai tử tế như thế này. Phận kẻ ăn người làm mà được cư xử thế này, thật hiếm.
Ông Đá đã thở nhẹ và cựa mình. Cả hai mẹ con bà Chiêm nhào sang. Lim cũng vội đứng dậy đi theo. Bà Chiêm nắm lấy tay chồng nói như reo:
- Ông tỉnh rồi đây này. Gớm, làm cả nhà hết cả hồn. Con Mùa cứ rối lên đi tìm bố. May mà có cậu Lim.
Ông Đá mở mắt nhìn vợ con, vẻ ngơ ngác:
- Lim nào?
Bà Chiêm chau mày:
- Ông quên à? Cái cậu Lim mà ông đón ở chợ Bến ấy. Không có cậu ấy cõng về không khéo giờ ông còn đang nằm ở vệ đường.
Lúc này ông Đá mới nhớ ra. Ông đưa mắt bắt gặp khuôn mặt của Lim. Lúc này ông mới thật nhìn rõ. Một khuôn mặt nâu sẫm, cứng cỏi. Nhưng sao nó còn đứng ở đây. Chỗ này đâu phải là chỗ của nó. Biết ý ông Đá có vẻ gì khó chịu, Lim nắm hai tay đặt trước bụng, nói lễ phép:
- Ông tỉnh là con mừng quá. Giờ con xin phép ông bà, xin phép cô, con xuống nhà ngang.
- Ừ!
Ông Đá buông một câu lành lạnh. Khi Lim đi rồi ông bảo bà Chiêm:
- Liệu xếp việc cho nó làm ngay chiều nay đi. Đừng để nó ngồi không mà phí công của mình.
- Thế ông không cho con người ta nó thở à? Ông có biết nó cõng ông từ chỗ say rượu về đây bao nhiêu đường đất không?
Mùa nói thêm theo mẹ:
- Cõng bố về đến cổng là anh ấy ngất đấy.
- Mày...
- Cho người ta nghỉ một buổi đã bố ạ.
- Không!
Ông Đá ngồi bật dậy nhìn Mùa chằm chằm. Mùa cúi mặt lặng im nhìn bố uống một hơi hết bát nước mật.
- Việc đứa ăn, người ở là việc của tao với mẹ mày. Con gái con đứa biết gì mà nói.
Mùa lảng vào buồng ngồi khóc. Ngoài nhà bà Chiêm vừa quạt cho chồng vừa nghe ông bàn chuyện về người làm thuê.
- Nó là người trong rừng Ngang, dân băm to, kho mặn...
- Tôi biết rồi.
- Công sá nó bảo ông cho con bao nhiêu cũng được. Đang lúc đói kém, con chỉ cần có việc làm là quý lắm rồi. Bà liệu mà xếp việc cho nó. Khoán hẳn hoi. Mỗi ngày bao nhiêu thước đất, bao nhiêu gánh đất. Chỗ rắn thì khoán ít, chỗ mềm thì khoán nhiều. Tối, cho nó ngủ cái lều ngoài vườn tiện thể đuổi chim, đuổi thú. Chiều nay vào việc ngay.
- Bà đi đi còn ngồi đấy làm gì?
Bà Chiêm phảy phảy mấy làn quạt rồi đặt nó vào tay chồng:
- Thì ông nằm xuống nghỉ đi nào. Việc ấy để tôi lo. Ốm đau rồi mà vẫn không thôi tính cả nghĩ, tham việc.
Vợ đi. Những bước đi ái ngại. Chồng nhìn theo khó chịu, bụng nghĩ, vợ con gì mà cứ coi kẻ làm thuê như là khách và nói:
- Đừng có mà làm hộ việc nó đấy.
Bà Chiêm xuống nhà ngang không thấy Lim đâu. Ở góc tường cái bị quần áo đã được treo ngay ngắn. Lạ nhỉ. Cậu ta đi đâu mới được chứ? Bà hỏi mấy cháu làm công nhật, đứa nào cũng lắc đầu. Hay là nó phật lòng nên bỏ đi. Cũng chẳng phải. Nếu bỏ đi nó đã đeo theo cái bị quần áo.
- Mùa ơi Mùa!
Mùa từ trong buồng ló mặt chỗ cửa sổ:
- Mẹ gọi con ạ!
- Mày có thấy cái nhà anh Lim vừa mới đến đây đi đâu không?
- Sao mẹ lại hỏi con. Từ nãy tới giờ con toàn ngồi trong buồng. Bố có cho con đi đâu đâu mà biết.
- Lạ thật...
- Mẹ ra ngõ, ra vườn xem xem!
Có tiếng động ở tít mãi cuối vườn. Bà Chiêm lắng tai. Nghe như tiếng xới đất, lật cỏ. Ai có việc gì ngoài ấy không biết? Hay là...
- Ai ngoài kia thế?
Không có tiếng trả lời. Bà Chiêm rẽ cây đi vào vườn. Chanh đang đậu quả lúc lỉu. Những cành mơ, cành mận trái đã non xanh. Luống kinh giới, tía tô tốt ơi là tốt. Mấy cây ớt quả xanh, quả chín lấp ló sau lá. Rồi cam, rồi bưởi. Những khóm chuối chen chúc cây con, cây mẹ, nơi chi chít nải, nơi mối nhú hoa. Vườn tược rộng quá, cỏ mọc um lên người làm không xuể. Rồi những con chim líu ríu trên cành khế, cành sấu, cả trắng phau những cánh cò trên ngọn cây tre nữa. Chúng cứ chấp cha chấp chới nơi ngọn măng rồi lại vút bay lên. Có vào vườn mới biết nhà mình ê hề cây cối. Mà nào có kén chọn. Gặp gì mọc nấy. Có cái tự trồng như luống rau cải, rau thơm. Có cái chim tha về, người vô tình ăn vứt hột mà nên cây nên trái. Vậy mà cũng ra của cải. Có vụ gặp khách cứ là hái ra tiền. Cam bưởi người ta mua tận cây. Rau cỏ thì hái ra chợ bán. Được cái mẹ con bà Chiêm ít phải mó tay. Thuê công nhật hết. Sáng sớm người làm đến, làm cho đến chiều thì về, nhà lo cho họ bữa cơm trưa. Ông Đá không cho họ tự nấu mà bắt bà tự tay xúc gạo, tự tay kho cá, thái rau. Ăn phải có ngữ. Giao trắng cho thợ thì biết bao nhiêu cho xuể. Mình vất vả chân tay một tí nhưng yên tâm việc chi tiêu. Vợ phải theo ý chồng cho dù có cái gì đó sai trái. Bát gạo, con cá thì không phải nói. Đằng này cái rau ăn, đầy vườn đấy thôi mà ông ấy vẫn hà tiện. Tuy vậy, bà vẫn có cách của bà. Thợ vẫn có bữa cơm trưa no. Cơm không thiếu. Rau, cá cũng vậy. Thỉnh thoảng họ còn có miếng thịt nữa cho dù là thịt vai, thịt sỏ. Những hôm ấy là hôm ông Đá có việc đi vắng, bà Chiêm làm giấu chồng. Chả thế, người làm thuê khi thấy ông Đá thì len lén, bất quá giáp mặt thì chào một câu cho đúng phép còn thì là lánh. Với bà Chiêm thì họ không thế. Lúc nào gặp là nói chuyện. Bà chủ với người làm mà lắm khi như chị em, cô cháu. Nay lại có thêm cậu Lim này nữa. Vườn tược người làm công nhật đã hết sức mà không xuể. Nay ông Đá đã thân chinh đi thuê thợ ở rừng Ngang về. Vợ chồng đã tính kỹ. Có người ở thường xuyên, vườn tược sẽ ấm ra, đỡ hoang phí. Chim chóc, thú đêm cũng đỡ quấy phá. Hơn nữa, ông bà cũng muốn đào cái ao nhỏ để trữ nước phòng khi nắng hạn còn có cái tưới cho cây. Bây giờ thì có hẳn một lực điền về rồi. Người xem ra có vẻ thạo công việc nặng nhọc. Cứ xem cái cảnh cậu ấy cõng ông Đá từ chợ về thì rõ. Chẳng máu mủ ruột thịt gì. Mới là thoả thuận sau mặc cả đã ngoan ngoãn, biết điều. Vậy mà vừa mắt trước mắt sau đã biến đi đâu mất? Chả nhẽ. ..
Bà Chiêm lội sâu nữa vào vườn. Tiếng động cứ rộ dần. Đó là tiếng lưỡi cuốc bập vào đất. Đó là tiếng lá cây bị chạm. Bà Chiêm linh cảm là Lim đang ở đấy. Từ xa bà đánh tiếng:
- Ai ở trong vườn nhà tôi thế?
Từ phía mấy cây thấp, Lim nhô lên. Đầu trần, ngực trần, mồ hôi loáng ướt. Lim lấy cổ tay lau mồ hôi trán, cười hiền:
- Con đây bà ạ!
- Giời ơi...
Bà Chiêm thốt lên câu ấy và thấy mặt mình cay cay.
- Bà ra đây làm gì cho muỗi dĩn nó đốt. Con quen việc rồi. Rỗi chân, rỗi tay lúc nào là thấy khó chịu lúc ấy.
Nói rồi Lim lại lúi húi cuốc. Đất được vun lên luống, cỏ được vơ lại thành đống. Nhìn dáng làm của Lim bà biết đây là người ham việc, giỏi việc.
- Mai làm cũng được mà cháu. Vừa mới cảm nắng xong đã khoẻ đâu.
- Sức con voi quật cũng chả chết bà ạ! Với lại chưa vào đến nhà đã đòi nghỉ ông mắng chết.
Thằng bé đến khéo. Không những được cả tay chân lại được cả mồm miệng. Cứ nghĩ người lao động tay chân, lời ăn tiếng nói nhiều khi như đất như đá, đằng này một điều ạ hai điều ạ. Con gái bà có lúc cũng chả lễ phép được thế. Âu cũng là cái số bà may. Trời phạt cái nọ trời lại thưởng cái kia. Vừa rồi, gặp được mẹ con cụ Cự, cô Hớn bà đã mừng thầm, giờ lại thêm cái cháu Lim chịu ăn chịu khó này nữa.
- Làm thêm tẹo nữa rồi nghỉ cháu ạ. Mai sớm lại làm tiếp. Đã hết việc đâu mà làm cố.
- Con cám ơn bà!
Bà Chiêm rẽ chân vào phía lều canh chim. Nơi này, ban ngày vẫn có người chăm nom, nay là cơ ngơi của Lim. Chăn chiếu vẫn còn nhưng đã cũ rích. Bà biết thế và nhủ thầm phải nhắc con Mùa mang thêm cho Lim cái mảnh chăn cũ của nhà nữa để đêm đắp thêm cho đỡ lạnh. Mà thôi, tự tay bà cũng được. Sai con Mùa lúc này sợ ông ấy mắng.
Bà Chiêm cảm thấy nhà mình như chật ra, ấm lên từ lúc có Lim.