Gái chỉ một con đã hiểu hết lòng chồng
Trai năm thiếp, bảy thê có nhận ra nghĩa vợ?
Họ là con nợ
Trả bao giờ cho xong!
Một hôm đi chợ huyện bà Chiêm được người bạn gái mách bảo rằng ở nơi ấy, nơi ấy có một bà cụ tên Cự. Bà cụ Cự lại có người con gái lớn tuổi tên là Hớn. Bà mẹ phúc đức, thương con lại khó tính, muốn kén chồng cho con nhưng chưa ưng đám nào. Cô con gái tuy tuổi hơi cao nhưng chưa một lần chồng, người khoẻ mạnh, dáng mắn con, khâu vá giỏi, nội trợ tài...
Nghe chuyện, bà Chiêm mừng rơn. Người cho vàng cho bạc cũng không quý bằng bà bạn cho tin này. Thế là, chả cần hỏi ý chồng, bà Chiêm săm sắm đồ lề, hàng họ qua sông Sỏi lần nữa. Lần này hàng bà bán có thêm cả vải may áo, cặp cài đầu. Hôm đi bà có dặn Mùa chuyện này. Bà nói với con gái:
- Mẹ nghe ở bên kia sông Sỏi có một đám xem ra cũng ưng ưng.
Mùa hỏi mẹ:
- Bố biết chưa?
Bà Chiêm xuỵt xuỵt nhắc con như có ý, chuyện này chỉ có mẹ con mình biết thôi và nói:
- Ông ấy biết có mà hỏng hết chuyện. Tính bố con, con còn lạ gì?
Mùa hiểu ý mẹ:
- Mẹ nói với bố là đi bán hàng chứ gì.
- Ông ấy gàn. Mẹ bảo, việc nhàn, đi buôn bán kiêm thêm chút tiền chả hơn à. Ông ấy ậm ừ rồi bảo, đi nhanh nhanh còn về...
- Sao thế ạ?
- Mà trông cô chứ còn sao nữa. Mẹ dặn thế này, bố mày là chúa ghét cái nhà lão phó cối. Con là con không có được qua lại gì hết. Mình đã là con gái rồi càng ý tứ càng tốt.
Mùa cãi:
- Thì nào, con đã...
Bà Chiêm dí ngón tay trỏ vào trán Mùa:
- Thế hôm nọ, ở chợ đứng nói chuyện với nó ở quán nước là gì...
Mùa lúng túng:
- Thì vẫn. Người quen gặp nhau không nói được đôi câu chuyện hả mẹ. Thôi mẹ đi đi cho được việc...
Lúc bà Chiêm gánh hàng ra cổng, ông Đá còn nói với theo:
- Đi cho sớm sớm mà về đấy!
- Vâng...
Mùa cũng định theo chân mẹ ra ngoài đi chợ xóm theo thói quen mỗi sáng khi mẹ ở nhà nhưng đã bị ông Đá gọi giật lại:
- Mày đi đâu thế Mùa?
- Con ra ngõ mua mớ rau.
- Rau thiếu gì ngoài vườn. Có thiếu mẹ mày mua. Hôm nay trời nắng lấy đám chăn chiếu ra giặt cho bố.
- Vâng ạ!
Tiếng "Vâng ạ" của Mùa có gì nằng nặng. Ông Đá nhìn theo con bê mấy chiếc chiếu ra ao giặt mà lắc đầu.
Bà Chiêm chờ đò qua sông Sỏi. Hôm nay khách đông. Bà sốt ruột vì chưa đến lượt. Mãi sau ông lái mới gọi đến tên mình. Xuống đò, bà tất tưởi đi như chạy. Mãi gần đến tròn bóng bà mới hỏi thăm đến được nhà bà cụ Cự. Vừa đến cửa, thấy người già bà đã lễ phép thưa:
- Con người bên kia sông Sỏi, có ít vải tốt mang sang để cụ xem.
Được biết cụ Cự giỏi khâu vá lại kén về cách ăn mặc nên bà Chiêm mào đầu bằng chuyện vải vóc mong cho chóng bén chuyện. Chẳng ngờ, cụ Cự nhìn bà Chiêm, khẽ chào lại rồi buông xông một câu:
- Tôi già rồi, sắp xuống lỗ rồi, còn may vá gì nữa cho nó tốn hở bà.
Biết là chưa êm, bà Chiêm nhấn thêm:
- Dạ, cụ dạy thế, con biết thế. Nhưng thưa cụ ạ... Con biết là cụ có tiếng khắt khe về đường ăn mặc nên con muốn mang hàng hiếm sang để cụ xem! Cụ cứ xem giùm con. Cụ khen một câu, chê một câu là con đã thấy quý lắm rồi đấy ạ!
Vừa nói bà Chiêm vừa lấy mảnh vải lụa đưa cụ Cự xem. Miếng lụa màu tơ sẫm, mềm, mịn rất hợp với nước da người già. Cụ Cự nâng miếng lụa trên tay, vuốt ve, ngắm nghía rồi gật gật đầu ra vẻ ưng ý:
- Ờ ờ... miếng lụa này đẹp đây. Bà khéo chọn hàng lắm. Cái này là hàng thật, hàng gốc. Trông mặt lụa chưa hẳn đã rõ đâu, nhưng sờ vào cứ thấy mịn tay là biết cả.
Bà Chiêm cười hớn hở, bóp bóp cục tay:
- Con đa tạ cụ lắm lắm ạ. Cụ tinh quá. Cụ có nói con mới biết hết cái giá của lụa. Hôm lấy hàng, người giao chỉ bảo đây là của quý, con cũng chỉ biết thế. Nay nghe cụ giảng giải con mới thấy vỡ lòng ra. Đúng là lời đồn quả không sai.
Được lời khen, mặt cụ Cự vốn khó đăm đăm từ lúc bà Chiêm cất tiếng chào giờ đã giãn dần ra. Cụ nhìn người bán hàng, mặt đầy đặn, lời thưa tiếng gửi lễ phép khiến cái không khí lạnh lạnh lúc đầu vơi dần. Cụ Cự bảo:
- Cảm ơn bà khen tôi. Cũng từ kinh nghiệm các cụ xưa để lại cả. Hèm một nỗi, thích thì có thích thật nhưng giờ già rồi, lại đang có chuyện phiền lòng nên chẳng dám may mặc gì cả. Chẳng giấu gì bà...
Cụ Cự thở dài. Bà Chiêm đã khơi vào đúng mạch chuyện. Vừa lúc Hớn từ ngoài vườn đi vào. Bà Chiêm lên tiếng chào Hớn trước. Đôi mắt bà ánh lên khi lướt nhìn dung nhan người con gái mà bà đang có ý định.
- Em nhà đây hả cụ. Trời ơi, sao mà giống mẹ thế!
- Cô út nhà tôi đấy bà ạ!
Nói rồi cụ Cự lại thở dài. Bà Chiêm nhanh nhảu kéo tay Hớn ngồi xuống cạnh mình:
- Ngồi xuống đây với chị, em! Chị vừa đưa mẹ xem miếng lụa quý. Mẹ khen chị chọn lụa đấy. Giờ chị cho Hớn xem miếng vải phin này, cũng là loại hiếm ở vùng mình. Nào em ướm thử vào người xem có hợp với màu da không.
Hớn mở rộng mảnh vải ướm vào ngang ngực. Màu vải sẫm che dần chiếc yếm trắng ngả màu làm lộ rõ vầng cổ tròn trịa, nõn nà của màu da con gái chưa một lần sinh đẻ. Cũng từ màu sẫm của mảnh vải ánh lên, khuôn mặt Hớn bỗng dưng ửng đỏ như được thoa lên đấy một lớp phấn hồng. Dù cằn cỗi mấy, có lụa là trang điểm người cũng tốt tươi lên nhiều phần.
- Đẹp quá - Bà Chiêm xuýt xoa - Cụ thấy không. Sao nước da của em nhà lại ăn với nước phin gụ này của con đến thế. Cụ ngắm giúp con xem nào?
Cụ Cự vẫn thở dài. Hớn thì vui ra mặt. Lâu lắm cô chưa được mẹ cho may áo mới. Mẹ bảo lúc nào lấy chồng thì may một thể. Hình như mẹ ghét Hớn nên mẹ cấm. Từ ngày lằng nhằng với Ngoẵng cứ hễ Hớn làm duyên làm dáng là mẹ lại nguýt dài, nguýt ngắn. Con gái là phải diện. Nhưng đã hơn năm nay mẹ cấm Hớn may sắm gì. Giờ gặp chị bán hàng nhiệt tình, lại có miếng vải hợp nước da, Hớn nói với mẹ:
- Mẹ mua cho con đi. Lâu rồi con chưa may cái áo nào. Tết nhất sắp đến cũng phải có cái áo lành mặc chứ ạ!
Cụ Cự chẹp miệng:
- Chưa phải lúc.
Thích mảnh vải quá, Hớn nói cứng:
- Mẹ không mua cho con, con bỏ tiền riêng ra con mua vậy.
Cụ Cự đánh chéo mắt nhìn con. Cái đánh mắt ra ý bảo ban, chẳng phải là tôi không có tiền cho cô mua mà là có căn do từ chuyện khác. Căn do ấy thì cô rõ mười mươi rồi đấy, nên:
- Tôi cấm. Hay ho lắm đấy mà làm duyên làm dáng lúc này. Bà thông cảm, hàng bà tốt đấy nhưng mẹ con tôi chưa tiện dùng. Làm sang, làm đẹp cũng phải có lúc bà ạ!
Hớn vẫn khư khư cầm miếng vải. Bà Chiêm sinh phần ái ngại về cái sự chắc chắn của cụ Cự. Bà hết nhìn mẹ lại nhìn con. Mẹ khó đấy nhưng nghiêm trang, đĩnh đạc. Con thì chẳng còn mười chín đôi mươi nữa nhưng cao ráo, đậm đà. Đôi mắt cô ấy hơi có quầng nhưng lỗi chắc là do cái sự muộn mằn gây ra. Hớn lúc này không còn trẻ nhưng cũng chưa thể già. Nghe cái giọng cô ấy nũng nịu với mẹ mà bà Chiêm thấy ưng ưng. Chắc cụ Cự phải chiều cô ấy lắm nên cô ấy mới ra giọng giận hờn chan chát như thế. Thái độ của cụ Cự làm bà hiểu phần nào về cái khó tính kia với Hớn. Nếu không nhầm lẫn thì phải chăng đó là cái sự muộn mằn về đường chồng con của Hớn mà cụ Cự sinh ra cái sự khắt khe này.
- Cụ ơi, con bảo này. Cái mảnh lụa này là con xin biếu để cụ dùng may áo đi lễ chùa. Ai có hỏi cụ nói là hàng của con để cho con được buôn may bán đắt. Còn miếng phin gụ này là để cho em Hớn may áo. Bao giờ em lấy chồng em trả tiền cho con cũng được. Chị nghĩ thế được không em?
Nói đến chuyện chồng con của Hớn cụ Cự như tỉnh táo lên. Cụ không thở dài nữa mà nhìn chằm chằm vào bà Chiêm như có ý dò xét. Cái nhìn của cụ như muốn hỏi: "Sao bà lại biết chuyện muộn chồng của con tôi. Còn biết rồi thì bây giờ nghe tôi nói đây này...". Cụ Cự dứt ý nghĩ ấy ra khỏi đầu và bảo với bà Chiêm:
- Đang ế sưng ế sỉa ra đấy bà ạ! Làm sao mà lấy được chồng?
Hớn lấy tay đẩy vai mẹ. Bà Chiêm nhận ra cái duyên ngầm của Hớn. Người như cô ấy thế này làm sao mà lại chậm. Hay là có chuyện gì. Mà có chuyện gì chăng nữa cũng chẳng sao. Bà có nghe đây đó chuyện anh phó cối phải lòng cô Hớn rồi chuyện cụ Cự ra tay không cho anh chàng bén mảng tới. Người ta bảo bà cụ thì rắn răng, còn cô con thì có vẻ muốn điếu đổ. Chuyện hư thực thế nào bà Chiêm không rõ. Mới qua đây, mối tìm hiểu, chỉ nghe một tai làm sao mà rành mạch cho được. Dù có thế nào cũng chẳng sao. Bà đi tìm vợ nhỏ cho chồng chứ có phải đàn ông đi tìm vợ đâu mà sợ tai tiếng. Miễn là bà ưng, mà cái ưng ấy đang nhỡn tiền ra đây. Cụ Cự thì bà cung kính như mẹ còn Hớn thì thuận mắt hết chỗ chê. Ông Đá nhà bà mà được biết chuyện này chắc là cũng chả có cớ gì để trách cứ vợ con nữa. Thuyền lựa nước mà trôi. Gặp cảnh này, hợp cảnh này, chồng bà mà có Hớn về làm bạn gia đình lại chả cơm lành, canh ngọt quanh năm. Nghĩ vậy, bà Chiêm đánh bạo nói với cụ Cự:
- Cụ ơi, cụ cứ nhận mảnh lụa cho con vui lòng. Còn con xin phép cụ con gửi mảnh phin cho em Hớn may áo. Lúc nào Hớn lấy chồng Hớn trả tiền chị. Cái mảnh vải này là có duyên lắm đấy em ạ. Cụ cứ cho em nó cầm cho con vui.
Cụ Cự cười gượng:
- Nào đã có ai nó nhòm đâu mà cưới với chả xin hả bà. Bây giờ cứ có ai hỏi là tôi cho. Lẽ mọn cũng được nhưng phải là người đứng đắn, tử tế. Nói thật bụng với bà là tôi thương nó lắm. Thương đến xót xa cả gan ruột mà nó đâu có hay. Không biết tôi ăn ở có điều gì không nên, không đúng mà con cái phải gánh chịu. Giá là cái gì có thể mang vác được cho nó, dù già cả tôi cũng cố được. Còn cái chuyện này...
- Mắt cụ Cự chớp chóp. Bà Chiêm nhìn thấy giọt nước hiếm hoi đang lăn rất chậm trên đôi gò má của người mẹ thương con. Hớn thì ngồi sụp sau lưng mẹ. Bà Chiêm nghe tiếng cô sụt sịt. Thật tội cho kiếp đàn bà khi còn cảnh giường đơn, chiếu độc.
- Cụ với em đừng lo. Đấy là chưa phải duyên phải số thôi ạ. Người như em mà gặp vận thì chả phải nói. Nếu cụ tin con, con sẽ xin được giúp em...
Cụ Cự lau nước mắt, nói ngay:
- Được thế thì quý hoá quá. Bà giúp được em nó gia đình tôi đa tạ bà nhiều.
Hình như đã xuôi gió, thuận buồm. Cụ Cự chân thành. Hớn chỉ im lặng nhưng thôi sụt sịt sau lưng mẹ. Bà Chiêm định nói thẳng ý định của mình sau lại lưỡng lự:
- Cụ ơi, con hỏi khí không phải. Nên thì cụ ừ, không nên thì cụ mắng. Con tìm bạn cho em Hớn nhỡ là người thiên hạ có được không ạ?
Cụ Cự nói ngay:
- Đâu cũng được. Miễn là người tử tế.
Bà Chiêm như có gió mát thôi trong ruột. Tâm trạng vốn cằn cỗi như ruộng hạn của bà gặp được mẹ con cụ Cự khác gì có làn mưa sớm giội mát. Bà biết mình còn cái khó nữa chưa tiện nói ra lúc này, nhưng lúc nào đấy sẽ nói được. Cụ ấy chả từng nói lẽ mọn cũng được kia mà. Bà tin hai cái ngõ cộc gặp nhau sẽ nên đường.
- Cụ ơi, giờ con phải đi bán nốt hàng rồi về bên kia sông. Con hẹn cụ hôm nào sang con sẽ thưa chuyện. Còn miếng lụa với miếng phin này cụ với em cứ cầm cho con vui lòng.
Bà Chiêm đặt như dúi hai mảnh vải vào lòng cụ Cự. Cụ Cự đặt lại hai mảnh vải lên chiếc chõng tre rồi nói:
- Bà cho thì tôi xin. Nhưng bà phải lấy tiền mẹ con tôi mới dám cầm.
Bà Chiêm đứng vội khi cụ Cự mở bao lấy tiền. Bà khoác vội tay nải hàng lên vai, vừa bước lùi vừa nói:
- Để lần sau con sang con lấy tiền cũng được.
Bà Chiêm đi được một quãng đã thấy ai chạy theo kéo tay nải hàng làm bước bà chậm lại. Hớn chắn ngang đường không cho bà Chiêm đi:
- Mẹ em bảo, chị phải nhận tiền không mẹ em bắt đem trả vải đấy.
Bà Chiêm nhận ra sự hơi quá của mình. Sợ cụ Cự hiểu lầm bà quay lại. Bà nói số tiền, cụ Cự giãy lên:
- Sao lại rẻ thế. Bà bán tôi mua. Cho là tôi không có nhận đâu.
- Con lấy cụ tiền vốn thôi.
- Vốn cũng không phải là giá ấy.
Cuối cùng bà Chiêm phải nhận đúng tiền hai mảnh vải. Số tiền như số tiền vốn bà đã mua. Lúc ấy khuôn mặt của cụ Cự mới thanh thản trở lại. Bà cụ thật đáo để. Bà Chiêm nhận ra sự lộ liễu của mình. May mà bà đã kịp sửa chữa ngay. Thái độ của cụ Cự đã giúp bà thêm thận trọng.
Hớn tiễn bà Chiêm ra ngõ, tiện đóng cổng một thể. Bà Chiêm nắm chặt tay Hớn dặn:
- Chị đoán là mẹ em khó tính nhưng thương con, đúng không nào?
Hớn than thở:
- Khó ghê, khó gớm!
- Cũng là cụ thương em thôi mà!
- Chị không là em chị không biết. Lắm lúc ức lắm.
Giọng của Hớn có pha nước mắt. Bà Chiêm vỗ về:
- Mẹ giữ là giữ cho mình chứ có phải cho ai đâu mà em giận dỗi. Còn ở nhà với mẹ ngày nào mình còn bé ngày ấy. Đừng nghĩ ngợi mà hao tổn sức khoẻ. Chị đã hứa với mẹ rồi, em cứ tin chị. Ngày mai, ngày mốt hôm nào chị sang sẽ nói chuyện nhiều. Nhớ đi may áo ngay đấy để hôm nào sang cho chị được ngắm, Hớn nhá!
- Chị đi nhé...!
- Hớn về đi không mẹ lại mắng...
Cuộc chia tay có phần bịn rịn. Hớn quay vào phụng phịu nói với cụ Cự:
- Sao mẹ lại đem chuyện của con ra nói với người ta làm gì.
- Mẹ nói thế là tốt cho mày chứ có đổ nhà đổ cửa ai đâu mà mày sợ.
- Nhưng mẹ biết người ta là ai đâu mà mẹ đã nói.
- Ai mẹ cũng nói. Có bệnh vái tứ phương. Người ta trông mặt mũi cũng hiền lành phúc đức. Biết đâu chị ấy lại chả giúp được con có một tấm chồng tử tế.
- Nhưng mà con không thích.
- Cứ đợi đấy mà thích với chả không.
Bà Cự phát mạnh vào vai Hớn. Lâu lắm Hớn mới được mẹ phát yêu như thế. Còn bà Chiêm ra đến đường cái, bước thế nào cứ vấp lên vấp xuống. Chắc là bố con cái Mùa mong đây. Bà xuýt xoa ngón chân đau rồi tập tễnh rẽ đường ra sông Sỏi đợi đò.
Bến sông đã vắng người. Chốc lát con đò từ bên kia sang đã cập mạn trả khách. Bà Chiêm xuống đò chào ông lái, vẻ tươi tỉnh, vồn vã:
- Hôm nay có được dăm đấu gạo không ông?
- Cám ơn bà, khách cũng kha khá.
Bà Chiêm mời ông lái miếng trầu rồi đưa tay vuốt lại mái tóc. Bất giác lòng tay bà ram ráp. Đôi sợi bạc vô tình dính vào lòng tay. Thật xót xa khi biết mình già. Đi hỏi vợ cho chồng là cam phận chia nửa căn buồng cho người khác. Trước đây một chiếu một giường giờ không may chuyện ấy mà thành thì một thân hai chốn. Người thiệt vẫn là bà. Cái hay người ta được cái dở mình phải gánh. Sao bỗng dưng mình lại đốc chứng đi làm cái chuyện dại dột này. Mới đầu bà nghĩ là mình khôn. Bây giờ nhìn cái sợi tóc bạc dính ở lòng tay bà mới biết là mình dại. Bất giác bà Chiêm thở dài, tiếng thở dài át cả tiếng sóng va vào mạn thuyền. Bà đã tự mình làm rồi lại tự mình lo lắng...
- Bà cũng được kha khá chứ - Bất giác ông lái hỏi.
- Cảm ơn ông, cũng được...!
Bất giác bà Chiêm rùng mình như gặp cơn gió lạnh!