Đừng tìm câu có lý
Trong khôn dại lời yêu
Cây ở lưng non, sóng ngầm đáy bể
Chữ nghĩa vô duyên trong nỗi trăm chiều
Hớn hí húi vạch đám rào thưa chui ra khỏi vườn nhà. Trời đã ngả sáng nhưng vẫn còn sâm sẫm tối. Đêm vẫn thiêm thiếp trong lào xào tiếng gió và đâu đó lẻ loi một tiếng chó sủa. Mới đầu là lạnh. Cái áo cánh phong phanh. Lúc rời khỏi chiếc giường nằm chung với mẹ, người Hớn rừng rực nỗi giận hờn thèm khát. Giờ đây giữa bốn bề bóng đêm, Hớn lại thấy rờn rợn. Một luồng gió hoang hoải nào đấy luồn qua vạt áo, thoa lên da thịt Hớn một cảm giác nhớt nhát như có đôi bàn tay ma quều quào lên cơ thể mình. Nỗi sợ hãi như chiếc dây thừng buộc ríu bước chân Hớn lại. Cô ngồi thụp sau gốc cây bàng cổ thụ đầu ngõ, mắt nhớn nhác nhìn ra bốn bề. Những mái nhà lù lù. Cái ngõ dài hun hút như lối vào hang đá.
Người đi đâu hết cả! Làng xóm đi đâu hết cả! Sao lại chỉ có mỗi Hớn lọt thỏm giữa nơi vắng lặng này. Hớn thấy mắt mình hoa lên rồi đổ sụp xuống. Người cô bủn rủn. Gáy lạnh, lưng lạnh. Một tiếng động rẹt qua trước mặt. Ngực Hớn như có ai thít chặt. Cô muốn kêu to lên một tiếng mà họng tắc nghẹn, lả đi. Người Hớn như bị vây bọc, chìm ngập.
- Mẹ ơi...
Ai đó thốt lên câu gọi mẹ chứ không phải Hớn. Rõ ràng Hớn nghe tiếng gọi "Mẹ ơi" từ đâu đó vọng đến chứ không phải tiếng của mình gọi. Giận mẹ vô cùng, muốn bỏ chạy khỏi mẹ mà sao lúc này ra khỏi nhà rồi Hớn lại thấy mình bơ vơ như lúc bé mỗi lần vắng mẹ. Cái gốc bàng lù lù mà Hớn đang ngồi tựa vào đây sao nó thô ráp, gai góc đến vậy. Hớn có cảm giác cái vỏ sần sùi của cây như tấm bao tải rách đang sắp trùm lên, đổ ập xuống người, bó nghiến cô lại. Ngột ngạt quá. Hớn như muốn phanh hết áo quần, xõa xượi tóc tai rồi vung vẩy chân tay mà chạy, mà nhảy, mà hát. "Mẹ ơi...", lại có ai đó gọi mẹ như Hớn đang gọi. Tiếng gọi lần này thảm thiết hơn lần trước. Tiếng gọi ấy làm Hớn rúm ró lại, vầng ngực cô, đôi cặp đùi cô cứng nhắc như bị bó giò, như có ai đè nén. Một sức gì ghê gớm tràn ngập như thể muốn nhấn Hớn xuống tận đáy sâu. Và chỉ cần một chút nữa cô có thể lịm đi, tắc thở. Vào cái giây phút như không còn nhận ra mình nữa thì từ phía trong nhà, tiếng ho của bà cụ Cự vọng ra. Hớn nghe rõ mồn một. Tiếng ho như một nắm sỏi ném về phía gốc bàng nơi Hớn đang mộng mị trong hoảng loạn. Cô rùng người tỉnh táo lại. Hớn đứng bật dậy nhằm phía con đường đất lò mờ mà chạy. Bàn chân Hớn cứ thuỳnh thuỵch nện trên mặt đất nghe như tiếng vồ đóng cối dồn dập...
Ù ù gió... Ù ù cây... Bóng đêm như cái ổ rơm khổng lồ màu đen cứ rậm rạp, lào rào theo bước chạy của kẻ đang bỏ trốn nhà.
Hớn đã ra tới cánh đồng. Mùi sương ẩm, mùi lá lúa tràn vào mặt, vào mũi. Không gian mở thoáng trên đầu, trước mặt khiến đôi chân Hớn cứ thoăn thoắt, đôi tay như có cánh. Cô gái muộn chồng, trốn mẹ như cánh chim đêm, mải miết bay. Đồng thì rộng mênh mông, con đường giữa đồng cứ hun hút, hun hút. Cảnh vật như hồi sinh cùng Hớn, như đồng lõa với Hớn. Kẻ được sổng chuồng mối thấy được cái giá của đôi chân.
Cây đa quen thuộc giữa đồng hiện ra, rõ dần. Mới đầu trông nó như một cây nấm khổng lồ mỏng mảnh, nhoà nhạt sau đó sẫm dần và sừng sững thân lá. Dưới bóng đa là cái quán ngói quen thuộc mà Hớn thỉnh thoảng vẫn ghé vào ngồi nghỉ trưa khi có dịp theo mẹ đi chợ xa. Chỗ cây đa và cái quán ngói này là ranh giới giữa làng của Hớn và làng anh phó cối Ngoẵng. Chả biết định bụng từ trước hay ma xui, quỷ khiến thế nào mà Hớn lại chọn hướng này để trốn. Mới đầu Hớn muốn đi thật xa, xa nữa, cái nơi mà mẹ không thể tìm thấy, rồi sau đó sẽ nhắn tin cho Ngoẵng biết. Hớn muốn cho Ngoẵng cái sự bất ngờ ấy để thử xem lòng anh ta với Hớn thế nào. Giờ thì như là số phận. Hớn đã chạm chân vào cái ranh giới giữa cô và người mà cô si mê. Đến lúc này thì cô lại sợ. Khi chạy, bàn chân giẫm đất bạo dạn bao nhiêu thì bây giờ nó lại run rẩy khi đặt chân lên bãi cỏ phía trước quán ngói bấy nhiêu. Một nỗi ân hận ghê gớm dâng lên. Nước mắt Hớn tự nhiên ứ ra. Cô run rẩy quỳ trên cỏ ướt, mặt hướng về phía làng mình, chắp tay trước ngực rồi giập đầu trên cỏ vái mẹ. Miệng cô lầm rầm những câu tạ tội:
"Mẹ tha tội cho con. Ngàn lần xin mẹ tha cho về sự hư hỏng này của con cái Hớn. Nó có lớn mà không có khôn. Bao nhiêu công lao của mẹ chăm sóc dạy dỗ, nó đã mang ra đổ hết xuống sông Sỏi rồi. Sớm nay nó đã bỏ mẹ mà đi. Nó đi theo tiếng gọi của cái kẻ mà mẹ không ưa thích. Nhưng mẹ ơi, trời bắt con phải vậy. Cái số con nó ngang trái, chỉ làm những điều ngược với ý mẹ. Nay con đã bỏ mẹ mà đi rồi. Tội con là tội chết đâm, chết chém, tội gọt đầu bôi vôi. Nhưng mẹ ơi, ngàn lần con xin mẹ tha tội cho con. Con làm sao mà sống được khi chỉ có mẹ. Con làm sao có thể là con khi bốn bề mẹ giam hãm, cấm đoán. Biết là mang tội bất hiếu với mẹ, con vẫn phải ra đi. Con làm sao sống nổi khi không có người ấy...!".
Hớn khấn thầm mà tai cô cứ rõ mồn một từng lời khấn. Mẹ không ở ngay trước mặt, làng chỉ là cái bóng lò mờ phía xa mà sao cô thấy như ngay bên cạnh, vầng trán con gái nhòe nhoẹt cỏ ướt. Mái tóc con gái cũng xõa xượi xuống theo mỗi lần cô giập đầu tạ tội. Đến lúc Hớn đứng dậy, quay sau lưng định đi tiếp thì miệng cô bật lên tiếng "ối giời" rất to. Một bóng người lù lù, cao lớn đứng chắn ngang trước mặt. Hớn chưa kịp ngã quỵ xuống đã bị đôi cánh tay dài chắc của người đó mở ra, đón lấy:
- Tôi đây mà. Ngoẵng đây...
Một làn hơi ấm lạ lùng phả ra theo tiếng nói lào xào như tiếng gió. Tai Hớn ù đặc không nghe rõ tiếng người. Cô cựa quậy trong vòng tay của kẻ ôm mình. Tiếng quần áo cọ vào nhau sột soạt. Đến lúc ấy, định thần lại, một mùi gì rất quen, ngây ngây phả ra từ kẻ lạ mặt, giống như mùi chiếc khăn mà Hớn đã được tặng cô mối chợt nhận ra. Thân thể cô rùng lên, bàng hoàng.
- Ôi... sao lại thế này?
- Nhận ra nhau chưa? Ngoẵng đây chứ không phải ma đâu mà Hớn sợ.
- Nhưng...
Tiếng Ngoẵng cười khực khực:
- Hôm nay phải đi đóng cối cho một nhà ở bên kia sông Sỏi. Ngoẵng phải đi sớm để tránh cụ. Sợ sáng ra, đi qua ngõ nhà Hớn nhỡ không may gặp mẹ, mẹ lại chửi.
- Thật không?
- Đứa nào nói điêu đứa ấy chết.
Ngoẵng ôm chặt Hớn hơn.
- Hớn tắc thở chết bây giờ.
- Nhớ quá. Cứ nghĩ lâu nữa mới gặp. Ai ngờ lại được thế này. Cái số đấy.
- Tin thế à?
- Tin chứ...
Ngoẵng vòng tay bế bổng Hớn lên. Anh phó cối đưa bạn tình của mình vào góc quán ngói. Cái mặt xồm xoàm râu cùng với mùi hôi thuốc lào của anh phó cối cứ nhằm môi, nhằm ngực của Hớn mà nhoay nhoay...
- Đi tìm Ngoẵng phải không?
- Ứ phải...
- Thế thì tìm lão phó cối vậy...
- Trốn mẹ đấy...!
Bàn tay của Ngoẵng đã lần lần dưới vạt yếm của Hớn. Mặt mũi Hớn ngột ngạt trong mùi da thịt của gã đàn ông vâm vác, tợn tạo. Cô oằn người lấy sức cố đẩy Ngoẵng ra mà không sao đẩy nổi. Cả thân hình chắc nịch như tấm phản của Ngoẵng như muốn ép mỏng Hớn xuống nền quán ngói. Cô ngợp ngạp, rên rỉ. Những tiếng kêu vu vơ không rõ nghĩa cứ tự nhiên từ môi Hớn bật ra. Còn Ngoẵng, cái giọng nặng men rượu cứ lùi lũi như bị ai chọc tiết. Những ngày chịu đựng với từng cơn nén nhịn cực điểm khiến họ, một gã đàn ông rành mùi chim gái với một thân thể dẫu chẳng còn tơ non nhưng hiếm muộn mùi đời đã như hai dòng thác gặp nhau, ào ạt, tung phá rồi cuồn cuộn cuốn nhau vào -Vực thẳm của si mê...
Đến lúc Hớn tỉnh lại, biết lấy ngón tay kéo nếp váy che đôi dải đùi tênh hênh, mỏi rã Hớn mới hay dần cái gì đã xảy ra với mình. Ngoẵng đã ngồi dậy từ lâu. Anh phó cối bó gối, chống cằm nhìn Hớn đang sụt sịt khóc:
- Hớn đừng trốn nữa. Lát nữa cứ về với mẹ đi. Nếu Hớn còn tin Ngoẵng, có ngày mình sẽ sống với nhau.
- Hớn muốn anh đưa Hớn đi. Đi đâu cũng được. Giờ Hớn sợ về với mẹ lắm.
Ngoẵng đỡ Hớn ngồi dậy, phủi phủi đất trên lưng cô:
- Sợ cũng phải về. Mẹ mắng, mẹ giận nhưng mẹ không bỏ Hớn được đâu. Bà cụ thương Hớn lắm, tôi biết. Mẹ có thương mẹ mới cấm Hớn quan hệ với tôi. Tôi biết mà...
- Nhưng Hớn chỉ thương Ngoẵng thôi!
- Biết rồi...
- Biết thế nào...?
- Thì đấy. Vừa nãy đấy...
Ngoẵng lại vòng tay ôm riết lấy Hớn. Hớn hiểu lời Ngoẵng nói nhưng sợ.
- Nhưng bây giờ về bằng cách nào... Nhỡ mẹ biết. Nhỡ...
- Không nhỡ gì hết.
Ngoẵng nghiêm giọng. Lúc này anh chàng phó cối không ra vè lả lớn nữa mà giống như kẻ bày mưu:
- Cứ về. Đợi sáng hãy về. Mẹ hỏi, bảo nhớ Ngoẵng quá định trốn đi. Đi rồi, được một lúc thì nhớ mẹ quá, thương mẹ quá không đi nổi nên phải quay về. Hớn cứ nói vậy biết đâu mẹ lại tin hơn, quý hơn.
Hớn bậm môi, gật đầu. Đợi sáng hẳn, Hớn vuốt lại tóc, nhờ Ngoẵng xem giúp tóc tai, quần áo, cô tất tả quay về. Anh phó cối xốc lại quang gánh đồ nghề, đi nhanh như chạy vòng lối bờ mương, dài gấp đôi lối qua nhà Hớn cho kịp lời hẹn với chủ nhà.
Ngoẵng chắm chúi bước, chưa được bao lâu đã nghe tiếng Hớn chạy tắt từ phía bò ruộng lên, chặn ngang:
- Anh Ngoẵng, em bảo đã...
- Hớn định trốn nữa à?
- Không... Nhưng làm sao gặp nhau?
Ngoẵng cười to, chỉ tay phía quán ngói, gốc đa, mắt tít lại, đầu lắc lắc:
- Cứ về đi. Hôm nào tôi sẽ mang cơi trầu sang thưa chuyện với mẹ.
- Mẹ không nhận đâu.
- Bà lão sẽ phải nhận.
- Thật không?
- Tôi có cách mà. Hớn về đi.
Hớn bước đi rồi dừng lại, lưỡng lự:
- Cách gì?
Ngoẵng lại cười tít, chỉ tay về cái quán ngói:
- Ấy... ấy, ấy.
Hớn đỏ mặt:
- Phải gió cái lão phó cối.
Ngoẵng huơ huơ tay lên trời, trở vai gánh:
- Đi đây. Muộn rồi. Không sang sớm lại lỡ bữa cơm rượu bây giờ... Ai cối đây...
Tiếng rao "Ai cối đây..." bất chợt vang lên như một thích thú của Ngoẵng. Anh phó cối lại phăm phăm bước theo dọc bờ mương. Hớn nhìn theo, mắt như lá có gió. Lát sau cô thẫn thờ rẽ lúa, theo bờ nhỏ đi như trôi giữa hai mặt ruộng.
Ra đến đường cái lớn bước chân của Hớn như chững lại. Đây là lối về làng. Đêm qua trốn khỏi vòng tay mẹ. Sáng sớm nay quay về, đi lại cái con đường mình đã bỏ chạy mà sao Hớn thấy nó lạ lẫm làm sao. cả cái con người mình nữa Hớn cũng thấy lạ. Có cái gì đó đang cuốn quýt lấy da thịt mình. Một cảm giác chật chội, ngột ngạt bó chặt lấy mình mẩy, chân tay. Có đung đưa, đi lại đấy, có chạm tay, chạm chân vào đất, vào lá, vào cây, vào cỏ đấy mà đâu đâu cũng một cảm giác nhớp nháp mùi mồ hôi cùng hơi thở của Ngoẵng. Cái mùi vị mà buổi đầu biết nhau, Hớn phải nhăn mũi, quay mặt, còn lúc này đây nó gần gặn, thân quen hơn bao giờ hết. Cái mùi vị đặc biệt ấy nó thấm đẫm vào con người Hớn không làm sao có thể dứt ra, không làm sao có thể quên, từ buổi đầu đời đó là mùi của mẹ và sau này là mùi của Ngoẵng. Nói ra thì có vẻ thô thô, tục tục nhưng ngẫm kỹ lại thì đúng như thế. Hớn tủm tỉm rồi cười thành tiếng một mình. Tiếng cười như một phản xạ bản năng tự nhiên của lòng người sau một cảm giác no đủ. Tình cảm cũng biết đói và biết đòi ăn. Và khi đã thoả mãn rồi thì nó lạ lắm. Mọi cái như thay đổi. Gió sớm phởn phơ. Hơi đêm cứ lõang dần trong làn sương mỏng. Hớn thơi thới như bay trên mặt đường. Người cô nhộn nhạo những ý nghĩ đâu đâu.
Trước mặt Hớn túm tụm bốn năm đứa, bất thần chúng "hai ba" rất to rồi ù té với một khúc đồng thanh lanh lảnh vọng lại.
Đàn ông chơi với đàn bà... này
Ngày sau cái... này
Bằng ba... quả dừa này...!
Hớn đã nhận ra lũ trẻ tai quái. Cái câu đồng thanh nhễu nhện kia, đâu có phải là lần đầu cô nghe được. Từ cái bụi tre hôm nào, cái bí mật của Hớn với Ngoẵng đã bị chúng phát hiện. Còn lúc này đây sao mà nó lại ma mãnh đến vậy. Hay là cái chuyện vừa rồi ở quán ngói chúng đã biết hết, nên giờ gặp Hớn chúng mới tông tốc cái lỗ mồm lên. Nhưng chả lẽ! Tối mò ra thế bọn trẻ có cho kẹo cũng chả dám ra rình. Vậy thì tại sao vừa trông thấy Hớn chúng đã réo lên "Đàn ông chơi với đàn bà...". Câu hát của bọn trẻ đã làm cô sợ. Cô nghĩ tới câu hát. Xa hơn cô nghĩ tới lời mẹ. Mẹ đã chẳng nhiều lần dặn Hớn: "Đàn bà với đàn ông là phải xa xa nhau ra. Cứ cho nó mó máy vào là có ngày vác cái thúng trước bụng ra cho làng ngả vạ". Nghĩ tới chuyện này Hớn thấy bủn rủn hết chân tay. Mọi chuyện rối bời, vật vã, mãn nguyện, chìm đắm trong bóng tối nơi quán ngói lại hiện về, sống dậy rồi giăng mắc khắp tâm trạng Hớn một nỗi lo lạ lùng. Cô có cảm giác như mình khác đi, phổng phao ra, nặng nề hơn. Cái mùi vị của gã phó cối lại cấn lên như bất ngờ ăn phải miếng ớt cay hay nhai đúng cái hạt đắng. Cái mùi vị chết người ấy tưởng đưa Hớn vào cõi mê man no đủ, nào ngờ lúc này lại làm gan ruột cô cồn lên như có ai xóc ốc ở bên trong. Ôi... cái tiếng trẻ con đồng thanh vô tư ấy, tưởng chẳng làm khổ nổi ai lại khiến Hớn phải chững lại. Cô né vào bụi cây bên đường nhìn lũ trẻ đi khuất mới quay người tìm một lối nhỏ, nhìn trước, nhìn sau, bước như trốn ra phía sông Sỏi. Người cô tự nhiên nặng anh ách như phải mang đá ở trước bụng.
Một con đê giăng ngang màu cỏ xanh trước mặt, Hớn hăm hở leo qua. Cô bước những bước mạnh. Rồi từ mặt đê, Hớn lại chạy như lao xuống dốc đê. Năm ngón chân cô như muốn cắm xuống mặt đất bãi sông. Rồi Hớn chạy tiếp. Chạy thật nhanh. Bàn chân Hớn giẫm toét cả lớp bùn se phía dưới. Bãi sông chỗ này vắng, khuất lại xa làng, cây dại mọc thành búi, lúp xúp ngay lưng người. Nơi này, cách đây đã lâu, vào tuổi dậy thì Hớn đã từng cởi truồng xuống tắm rồi mang tiếng từ ấy đến giờ. Dạo ấy Hớn chưa thật con gái như sau này. Cái cảm giác xấu hổ khác giới đã có nhưng hồn nhiên khi gặp nơi vắng vẻ. Hớn đã tụt váy, cởi yếm để được thoả thê ngắm mình dưới sông Sỏi. Cô tận mắt nhìn ngắm những cái ấy của mình, nào ngờ...
Bị mấy gã thợ giấu váy, Hớn phải bẻ lá che thân rồi vào tận lều các tay chơi ác ấy mà van lạy. Chính vì cái chuyện ấy mà lời ong tiếng ve khắp làng, khắp xóm khiến Hớn phải ế chồng. Bây giờ đây, cái quãng sông Sỏi oan nghiệt này lại đang phải chứng kiến một chuyện lạ lùng khác của Hớn. Ngày trước Hớn phải bỏ lá ra cho bọn thợ gặt xem mình thì giờ hôm nay cô lại đang bị lũ trẻ đọc vè giễu mình...
Một búi cây dại. Một ngoắt sông trong. Đây là chỗ sông Sỏi uốn khúc. Nước trong và khuất. Người nấp ở búi cây chỉ nhìn thấy sông mà không thấy đê. Người trên đê nhìn xuống cũng chỉ thấy búi cây mà không thấy khúc ngoặt của nước. Hớn chọn chỗ này để thực hiện cái điều mình muốn. Nỗi lo sợ cứ khiến ngón tay Hớn nhoay nhoáy khi cởi cúc áo. Cả đôi dải yếm đỏ nữa cũng bị cô giật ra. Rồi đến khăn, đến váy. Cứ vậy, trong lùm cây, từng cái, từng cái một được Hớn giơ lên, vẫy xuống, giũ đi giũ lại. Trong nắng sớm chỉ thấy bụi và tiếng áo sống bị hành hạ. Hớn làm đi làm lại. Những mong cái mùi sờ sợ của lão phố cối nó bay đi tận xa đừng lởn vởn đâu đó mà hành hạ Hớn nữa. Nào có được. Càng giũ mạnh cái mùi ấy càng xộc lên. Hớn nhăn nhúm hết cả mặt mũi. Cô bứt rứt nhìn khắp da thịt mình đang được phơi ra dưới nắng sớm như thể muốn xem xem có biến đôi, mất mát. Và rồi, cả cái khối nõn nà và bức xúc ấy đổ ùm xuống nước. Hớn ngụp lặn, kì cọ. Tóc cô xõa ra nỏ xoè trên mặt nước trong. Đôi bàn tay Hớn cần mẫn, kĩ càng từng làn da, nếp thịt. Chỗ nào có Ngoẵng chạm vào là cô mài miệt kì cọ. Hớn muốn giũ cho sạch, kì cho tan cái mùi vị phó cối mà cô đã từng tận hưởng một cách mê đắm. Cô nhớ Ngoẵng đến cháy lòng, thèm Ngoẵng đến xót ruột nhưng lại sợ. Cái câu hát oái oăm kia như tấm lưới vô hình đang bủa lên người Hớn một nỗi sợ ghê gớm về những điều mà cô đã được nghe, được thấy. Đời con gái có một lần. Cho dẫu muộn mằn đường chồng con nhưng trước cái chuyện xảy ra ở quán ngói kia Hớn vẫn là con gái. Còn lúc này đây, ngôi nhà kín bưng luôn luôn được mẹ gìn giữ đã có người cạy cửa bước vào. Rồi biết đâu, một chút vụng trộm ấy lại... Trước kia mấy gã thợ gặt chỉ biết Hớn còn nay thì phó cối lại được Hớn!
Hớn vùng vẫy trên nước. Mặt sông xao động như có ai đang ném đất, ném đá xuống. Chưa bao giờ Hớn cảm thấy mình khoẻ như lúc này. Cô lấy tay xoa ngực, vuốt bụng. Cô bơi nghiêng, bơi ngửa. Hớn như con cá mắc lưới đang muốn vẫy vùng thoát ra ngoài. Rồi một cảm giác ngợp ngợp muốn lắng lắng kéo cô chìm dần xuống đáy sông...
Từ trên dốc đê bật lên tiếng một người già:
- Hớn ơi! ơi Hớn...
- ! !
- Hớn ơi... ơi... ơi...
Tiếng bà cụ Cự gọi con. Lúc ấy Hớn đang nửa nồi nửa chìm trên nước. Bà cụ Cự lao xuống chân đê. Đà lao mạnh, bà ngã dúi xuống bùn. Thân già chới với chốc lát rồi lại ngồi bật lên:
- Hớn ơi... Mẹ đây... Mẹ xin con... Con tha tội cho mẹ. Có gì không nên không phải thì về nhà mẹ con mình nói chuyện với nhau.
Hớn đã nghển cổ lên khỏi mặt nước. Cô nhìn thấy mẹ đang đứng trước bụi cây dại, đôi tay già đang muốn vươn ra vẫy vẫy con. Chưa đủ, bà còn lội ào xuống nước:
- Vào đây với mẹ đi Hớn ơi! Con đừng làm cái gì dại dột mà khổ mẹ suốt đời. Hớn ơi, có nghe mẹ gọi không? Vào đây với mẹ đi...
Bà cụ Cự như cái cây mềm trước gió. Người bà xiêu vẹo, chới với. Hớn vẫn ở giữa sông. Đầu cô vẫn nhô lên mặt nước nhìn mẹ, im lặng. Bà cụ Cự hoảng lên. Đôi mắt già ngoái lại, nhìn lên mặt đê, giọng kêu cứu cùng đôi tay huơ huơ trên đầu:
- Ối làng nước ơi, ối bà con thôn trên xóm dưới ơi... Có ai ra cứu con tôi. Ối giời ơi... Con lạy giời lạy đất, lạy Phật, lạy Thánh... Hớn ơi là Hớn ơi... Con nghe lời mẹ con vào đi. Mẹ biết lỗi của mẹ rồi, con tha lỗi cho mẹ. Con đừng làm thế, nhỡ ra nó phí hoài cái tuổi xuân đi. Nào, bơi vào đây với mẹ. Con ơi... Con có nghe lời mẹ gọi không... Ối làng nước ơi! ối bà con thôn trên xóm dưới ơi... Có ai ra cứu con tôi... Con không vào thì để mẹ bơi ra mẹ chết cùng Cồn...
Xa xa, phía hai ngả đê có bóng người chạy lại. Hớn vội bơi nhanh vào bờ. Bà cụ Cự cầm vội áo váy đưa nhanh cho con. Lúc mọi người đến Hớn đang gục vào vai mẹ khóc. Bà cụ Cự nói lời cảm tạ người đến cứu:
- Cảm tạ các bác. May quá, cháu nó còn đủ sức bơi vào được.
- Ai như bà cụ Cự với cô Hớn.
- Vâng, mẹ con tôi đây...! Đa tạ các bác quá.
- Có làm được gì đâu mà ơn với huệ hả cụ. Còn cái cô Hớn nữa, có việc gì mà ra sông sớm thế này?
Bà cụ Cự nói lảng:
- Cháu định bắt ít trai ốc về ăn cho mát ruột đâu ngờ cái quãng này nước lại sâu đến thế. May mà có Trời đất phù hộ. Cháu có uống đôi ba ngụm nước, giờ thì đỡ rồi. Cảm ơn các bác.
Người đến cứu tản ra. Mẹ con bà cụ Cự dìu nhau đi ngược qua đê về làng. Vừa đi bà vừa rỉ rả hỏi chuyện con gái:
- Mày nghĩ thế nào mà lại ra sông hả con. Dại quá thôi.
Hớn cũng hỏi lại mẹ:
- Làm sao mẹ biết con ở chỗ này mà tìm?
Bà cụ Cự nói ngay:
- Mẹ đoán thế. Đây là chỗ ngày xưa mày hay ra tắm. Linh tính thế nào lại xui khiến mẹ. Âu phúc đức nhà mình còn lớn. Từ rày đừng có dọa mẹ kiểu này nữa Hớn nhá...
Hớn bấu chặt lấy vai mẹ:
- Con biết sợ rồi. Từ giờ con không dám thế nữa.
Nghe con nói bà cụ Cự chỉ thở dài. Cơn tìm con như có sức mạnh vô hình khiến bàn chân người già lúc nãy nhanh nhảu bao nhiêu giờ chậm rãi, lứt khứt bấy nhiêu. Tìm được con về lòng mẹ vẫn không nguôi nặng trĩu...