Kim chỉ có đầu
Ham muốn đừng như sợi rối
Trái tim không vô tội
Khi đọa đầy lẫn nhau?
Theo mưu kế của bà Chiêm, Thác đã đưa các con về ở với bố đẻ. Từ hôm có cháu ngoại về ở cùng, cụ Ghềnh có phần vui và yên tâm lên nhiều. Thác thì khỏi phải nói. Đến bữa có ăn ngon hơn, tối ngủ đẫy giấc hơn cho dù thỉnh thoảng vẫn nằm mê thấy gã chủ nợ bạc đến quấy rối. Gia đình Thác được yên ổn như thế này là công của bà Chiêm lớn lắm. Cụ Ghềnh thì khỏi phải nói. Từ hôm mua thuốc lào, kim chỉ của bà đúng lúc con gái bế cháu về nương nhờ ông ngoại trong lúc khốn khó đã được bà Chiêm ra tay mách nước thì tình cảm giữa gia đình và bà đã gần gũi lên nhiều. Bà Chiêm thường năng qua lại, không phải bán hàng rong nữa mà giao hàng cho Thác mở cái quán nhỏ lấy tiền nuôi con. Mới đây Thác gọi bà Chiêm là bà xưng cháu, còn giờ đã chị chị em em thân tình. Nỗi ẩn ức trong lòng người đàn bà hiếm con với nỗi buồn khổ của một goá phụ trẻ đang bị chủ nợ quấy nhiễu đã kéo họ gần lại với nhau. Cái ý ngầm tìm vợ cho chồng của bà Chiêm lúc đầu có loé lên nơi Thác nhưng rồi nhanh chóng tan đi trong tiếng thở dài. Hoàn cảnh cô ấy, đầu còn trắng tang, mắt còn cay lệ, hai con còn trứng nước thế kia làm sao mình đang tâm dứt người ta ra khỏi hoàn cảnh được. Nghĩ vậy, bà Chiêm càng thấy thương Thác hơn. Niềm thương ấy ở bà là niềm thương của người chị gái với đứa em hoạn nạn.
- Gắng tần tảo nuôi con em ạ! Chỗ hàng chị mang sang em cứ bán. Bán đến đâu hoàn vốn cho chị đến đó. Chị chỉ lấy em tiền gốc thôi. Bao nhiêu lãi chị cho các cháu cả. Em không phải băn khoăn gì. Em với hai cháu yên ổn là chị mừng.
Những lời này bà Chiêm nói với Thác không chỉ một lần. Bà nói để cho Thác vững dạ mà thờ chồng nuôi con, nói để cho cái yếu đuối của người đang lúc khốn khó không bị lung lạc trước sự dọa nạt của kẻ ác. Sở dĩ có chuyện này là từ cái hôm bà ngầm theo Thác về bên nhà cô. Hôm ấy theo cách của bà, lại có sự đồng ý của cụ Ghềnh, sau lúc Thác đi rồi bà cũng lặng lẽ đi theo. Với cái bị hàng đeo vai, đầu đội chiếc nón xùm xụp, chiếc khăn mỏ quạ che gần kín mặt bà trông chả khác gì người làm thuê, làm mướn nên ít ai để ý. Còn lúc ấy Thác cứ phăm phăm bước như sợ có ai đuổi đằng sau. Thỉnh thoảng cô ngoảnh lại vẻ lo lắng, lưỡng lự.
Thác chỉ về nhà có một mình. Các con cô gửi lại cho bố đẻ trông. Đường về nhà chẳng xa là mấy nhưng khác nào thân gái dặm trường. Lòng cô ngổn ngang những lo cùng sợ. Nhà cửa bỏ hoang không về lòng dạ không yên. Thác ý định chỉ về trong chốc lát, thu xếp nhà cửa rồi lại sang với con. Nhưng chuyện đâu có dễ dàng như thế khi cái thân cô đang bị kẻ ác rình mò, trông đợi.
Thác vừa mở xong cổng đã thấy nóng hổi phía sau gáy hơi người, hơi rượu:
- Tôi chào Thác. Mình đi đâu cả mấy ngày nay mà mấy lần tôi đến đều thấy khoá cửa.
Thác giật mình quay lại. Gã chủ nợ mặt phừng phừng, đôi môi ướt nhợt nheo nheo mắt nhìn cô, nói tiếp:
- Thác làm tôi khổ vì rượu đấy, mình biết không?
Vừa nói gã chủ nợ vừa tiến lại gần Thác.
Thác sợ hãi bước lùi. Cánh cổng bật toang cũng là lúc thằng say nhào vào. Gã chới với theo đà ngã của Thác. Lúc ấy mặt Thác tái lại như không còn hột máu nào, đôi môi run lên không cất nổi lời. Trong lúc ấy gã chủ nợ đã kịp quờ tay đẩy cánh cổng khép lại. cẩn thận hơn gã còn cài then. Lúc này Thác sợ đến cuống quýt cả chân tay, miệng lắp bắp:
- Không... Đừng... Ai cứu tôi... Ai...
- Hề hề... Hề hề... Đừng lo. Tôi đây mà Thác!
Đôi tay gã chủ nợ buông thõng, đung đưa.
Người hắn ngả nghiêng, xiêu xẹo. Hắn bước lên rồi lại đổ lùi. Chỉ một quãng từ cổng vào sân mà mấy lần hắn dúi dụi, ngã bệt...
- Em xin bác, em lạy bác. Bác tha cho mệ con em. Bác thương mẹ con em...
- Thương... Thương... Thương em... Thương em. Vậy thì... thì... em có thương tôi không? Có... không?
- Em xin bác mà. Bác ơi, em mẹ goá con côi, bác tha cho làm phúc. Em ngàn lạy này xin bác.
- Đừng... đừng mà...
Nói rồi, gã chủ nợ lại phì phì hơi rượu, cánh tay ngoằng lên ngoằng xuống ra điều muốn nói mà không nói nổi. Thác đã bớt sợ. Cô len lén đi vòng qua gã định ra mở then cổng. Chả biết luống cuống thế nào chân cô vướng phải vật gì đó ngã dúi về phía gã. Thằng say bị ngã ngửa ra nền sân, còn Thác lại lúng túng trong vòng tay lều bều của hắn. Mà oái oăm sao cái cơ sự không may này. Thác chết lặng đi rồi run bắn lên. Cô như con cá vô tình bị mắc lưới. Gã say ú ớ rồi như chợt tỉnh, cái chợt tỉnh bản năng của một đàn ông khi nhận thấy cái hơi đàn bà mà mình mê đắm đang ngột ngạt trong vòng tay. Gã gồng mình riết chặt. Thác giật người muốn bật lên nhưng không nổi. Đúng cái lúc thân thể cô như trĩu xuống trong đôi cánh tay đã mạnh lên dần của gã say thì vang lên tiếng đập cổng thùng thùng và tiếng gọi gấp gáp của bà Chiêm:
- Cô Thác ơi ra mở cổng cho chị nào! Thác ơi, mở cổng cho chị.
Gã say nghe tiếng đập cổng vội chùng tay. Thác nhận ra tiếng bà Chiêm gọi nhổm bật người lên, rối rít:
- Chị đợi em một tí. Em ra ngay đây!
Tiếng then cửa lách cách. Bà Chiêm mở toang cổng ào vào. Gã chủ nợ say rượu đang ngồi dựa cột, đầu ngoẹo xuống một bên vai. Thác nhìn bà Chiêm bối rối:
- Bác ấy uống rượu nhiều quá, đến đây thì xỉu...
- Ông chủ nợ phải không em?
- Đúng, bác ạ!
Bà Chiêm quăng cái bị vào góc nhà. Bà bảo Thác đem cho bà ít nước nóng, lấy cho bà cái chậu và ít vôi. Trong lúc Thác đi làm những việc bà nhờ thì kẻ say đã được bà khẽ nâng người lên dìu vào nhà. Bà đặt hắn nằm trên chiếc chõng tre kê ở gian bên. Vừa lúc Thác mang những thứ bà cần đến.
- Em bôi vôi vào gan bàn chân cho ông ấy. Đưa chiếc khăn đây cho chị.
Thác lặng lẽ lấy ngón tay quệt vôi trắng rồi ngượng ngập thoa nhẹ vào gan bàn chân gã chủ nợ. Mặt kẻ say nhớp nháp cũng được làn khăn nhúng nước ấm của bà Chiêm xoa đều lên. Lát sau hắn thở đều đều và tỉnh dần. Bà Chiêm đưa gã uống một chén nước quất pha đường cát cho tỉnh hẳn. Ngơ ngác trước người phụ nữ lạ, kẻ đòi nợ nhìn Thác vẻ lúng túng rồi nói:
- Tôi ở đâu thế này?
Bà Chiêm cười hể hả như chẳng có chuyện gì xảy ra. Bà lấy tay vỗ vào vai gã và bảo:
- Nhà cô Thác chứ nhà ai vào đây nữa!
- Tại ông say quá đấy mà. Say đến mức đi đâu không biết, đến đâu không hay. Hôm nay không có chị em tôi thì ông đã chết thẳng cẳng ở ngoài sân rồi ông biết không?
Giọng bà Chiêm ra vẻ xởi lởi khiến gã say bớt lúng túng hơn:
- Bà là...
- Tôi là chị gái cô Thác ở bên làng sang chơi. Biết em nó gặp bước hoạn nạn nên sang chia sẻ, đỡ đần cho nó đỡ tủi. Ai người nắm tay được suốt ngày. Tai hoạ nó có chừa ai ông nhỉ? Em nó đang bước khổ tận, tội quá! Ai có lòng mà không thấy thương. Đầu bạc trắng khăn tang thế kia còn nghĩ được cái gì khác đâu ngoài con, ngoài chồng!
- Ờ...
Gã chủ nợ đờ đẫn cả mặt nghe bà Chiêm nói cái chuyện như không đâu mà lại ra chiều ẩn ý. Bỗng dưng hắn bị kẹt trước sự xuất hiện đột ngột của người phụ nữ này. Biết nói gì khi mà giọng bà ấy cứ thao thao như nước chảy:
- Nói ông bỏ quá cho. Chết là hết. Chú ấy mất đi nhẹ cái thân chú ấy nhưng khổ là khổ cái người còn sống. Chả ai khen cái máu cờ bạc nhưng bị chết như chú ấy cũng là chết khổ chết sở. Lúc sống thì giận thật đấy nhưng lúc nằm đấy là thấy thương vô cùng. Vợ thì dại, con thì thơ biết lấy ai nương tựa. Thương người mất một, thương người còn sống phải đến hai ba ông ạ! Tôi trộm nghĩ không giúp được em lúc này là mình có tội.
-Ờ... Ờ...
Vẫn những câu ờ ờ ấy, tiếng vô cảm của kẻ mệt vì rượu hay vô tình vì thói quen tham lam, ích kỷ của đứa háo sắc, háo tiền. Bằng cái nhìn của người trải đời, bà Chiêm trông mặt gã là biết cả nhưng bà vẫn nói. Bà như người gỡ rối cho Thác. Phải nói cho gã bớt cái ham muốn tối tăm trong bụng dạ đàn ông đi. Hay ho gì chuyện ấy.
- Ông ạ! Ở xa cô chú ấy nhưng tôi vẫn biết. Cô ấy thì chẳng có gì nhưng chú cháu thì thật là có lỗi với ông. Cũng vì máu mê đỏ đen mà sinh ra nợ nần. Cô ấy nhiều lúc vừa khóc vừa tâm sự với tôi. Lỗi chồng vợ chịu. Nợ ông là phải trả. Khốn nỗi bây giờ đầu em nó khăn tang còn trắng phớ thế kia. Nhà cửa có mỗi cái nồi đồng điếu là đáng giá nhất. Biết là ông xót của nhưng lại là người có tình. Cô em tôi, chị em tôi cũng cảm lòng trước cái ân tình này của ông lắm. Nay có ông qua thăm, là chị của em Thác đây, có gì không nên không phải, là bậc bề trên xin ông chỉ bảo. Lời của ông lúc này là lời vàng, lời bạc.
Lời nói khôn ngoan của bà Chiêm đã khiến gã đòi nợ không còn thờ ơ được nữa. Thói ngông của kẻ có tiền đã chùn lại trước lời nói xa gần của bà Chiêm. Chả thế, khi bà chưa dứt câu "xin ông chỉ bảo" gã đã bật vội ra khỏi miệng câu "không dám" với khuôn mặt chững lại ra vẻ suy nghĩ.
- Dăm mười tạ thóc đối với bên nhà chả đáng là bao. Những chuyện này với ông là cái tăm, cái đóm chứ mấy - Bà Chiêm rỉ rả - Ông nương tay với em là ông để phúc cho hai cháu. Đối với em Thác nhà tôi thì có khi cả đời.
- Bà cứ nói vậy chứ đâu đến nỗi.
Gã chủ nợ đã tiếp chuyện. Thác hoàn hồn hẳn nói thêm:
- Bác em nói đúng đấy. Em cũng đã thưa với ông nhiều lần rồi...
Gã chủ nợ mở to mắt nhìn Thác. Cái nhìn như có ý dọa lại như có ý không:
- Thì tôi đã nói với Thác rồi thôi. Cái chính là ở Thác...
Bà Chiêm đỡ lời ngay:
- Sao lại ngược thế ạ. Ông nói vậy làm sao được. Cái chính là ở ông. Ông thương cho phần nào em tôi được nhờ phần ấy.
Gã chủ nợ cười mỉm:
- Thương đấy chứ nhưng người ta đâu có biết.
Bà Chiêm ý tứ vuốt vuốt lại dải khăn tang đang đổ xuôi xuống tấm lưng gầy của Thác. Ngón tay bà chậm rãi, an ủi:
- Chịu khó khấn chú ấy nhiều vào để chú ấy phù hộ cho. Còn người còn của. Gặp năm nay, năm sau thu xếp trả ông cho nó trọn tình trọn nghĩa. Chị em tôi mang ơn ông nhiều.
Gã chủ nợ khẽ lừ mắt. Cái nhìn của gã có vẻ khó chịu khi mà sự xuất hiện của bà Chiêm cùng lời ra tiếng vào của bà chỉ dồn gã vào thế bí. Với Thác, gã đã không còn ỡm ờ, úp mở. Cô ấy biết hết điều này. Còn với bà chị gái của cô ta, thì làm sao cái mặt đường đường như gã lại có thể nói toạc ra được. Nói ra là thất đức. Nói ra là vô lương. Gã hiểu điều đó nên chỉ vờn Thác như mèo vờn chuột. Gã muốn Thác một lúc nào đấy, mệt mỏi, mê muội như mấy cô chuột dài đuôi gặp phải vuốt mèo. Lòng tham của người đàn ông trong gã đối với Thác lắm lúc muốn bất chấp cả vành khăn trắng cô ấy đang cuốn chặt trên đầu. Hắn chưa dám sỗ sàng. Với gái đã vậy. Với phụ nữ goá chồng càng phải vậy. Đàn bà khi đã thích rồi thì họ bất chấp. Hắn muốn mình thành kẻ được khuất phục chứ không phải là đứa đi cưỡng bức. Cái món nợ mà chồng Thác chưa trả được cho gã chỉ là cái cớ để gã được đến với Thác và đòi Thác... Thói hư bản năng dễ sinh ra những tà tâm. Kiểu yêu và thích đàn bà như gã chỉ là cái yêu, cái thích của con vật. Vậy mà gã vẫn mỏng môi:
- Tôi là tôi thông cảm với cô ấy lắm... Bà tính...
Bà Chiêm xuýt xoa:
- Biết là ông quý, ông thương hoàn cảnh của cô em tôi. Cái đức ấy đáng trọng lắm. Có điều cỏ mộ còn xanh, khăn đầu còn trắng, biết là biết vậy nhưng làm sao mà tắt được nén hương thờ người đã khuất lúc này.
Bà Chiêm lại dồn gã chủ nợ một bước nữa. Cái nét mặt đàn ông si tình của gã vốn lì xì nay đã ẩn hiện những mảng sẫm, nhạt bối rối. Lẽ phải cứ như mạch giếng trong từ miệng bà Chiêm chảy ra...
- Em Thác đây làm sao dám thế. Còn hai bên làng xóm gia đình nữa. Với ông, thì lại càng kín nhẽ hơn nhiều. Đức cao đạo trọng như vậy làm sao dám...
Gã chủ nợ cứng người. Lưỡi gã như bị ai khâu thụt lại. Gã nhìn Thác lắc đầu rồi nhìn bà Chiêm với ánh nhìn của kẻ yếu lý. Một cảm giác thất trận, trơ trẽn bao trùm lên gương mặt gã.
- Bà nói vậy tôi lại càng không dám. Nhưng cái gì cũng có đầu có đuôi. Em chưa hiểu thì chị hiểu. Tôi là tôi nói thật đấy bà ạ! Bà là...
- Tôi là Chiêm...
- Còn tôi là Đạc. Bà Chiêm này, nói thật với bà chị, với tôi lúc này chẳng có gì quý hơn cô Thác đâu.
- Cảm ơn ông. Chị em tôi ghi nhớ mãi. Giờ cũng chiều ngả rồi, mời ông ở lại dùng cơm với chị em tôi.
Gã chủ nợ có tên là Đạc ấy nghe lời bà Chiêm mời cơm với vẻ rất tự nhiên khiến gã bối rối. Lạ vậy, ở ngoài đường ngoài ngõ hùng hổ bao nhiêu nhưng hễ gặp Thác, thấy Thác là người gã có chỗ như thừa, như thiếu. Bây giờ lại thêm cái bà Chiêm này nữa. Ở đâu lại có người ăn nói rành rẽ mà ghê gớm đến vậy. Gã cười, nụ cười tự nhiên nhất từ lúc đến nhà, với lời từ chối khéo và lặng lẽ ra về, bấm bụng nghĩ, dù dài ngắn bao lâu, dù có khó khăn đến thế nào cũng phải lấy Thác bằng được. Hình như sự có mặt của bà Chiêm khiến Đạc càng say máu hơn trước người đàn bà nhan sắc đang đau khổ. Đàn bà là vậy đấy. Họ có bao giờ được yên trước con mắt háu đói của kẻ khác giới. Với ý định này Đạc đành giả mặt làm hiền lẳng lặng cáo lui...
Tiễn Đạc ra khỏi cổng rồi, bà Chiêm dắt tay Thác vào nhà nói nhỏ:
- Thế là thoát. Lão ta cũng không đến nỗi nào.
Với Thác, lúc ấy cô như cảm ơn số phận đã cho mình có bà Chiêm. Bà đã giúp cô qua cơn nước sôi lửa bỏng ban nãy. Còn với Đạc cái con người lúc trơ ì, độc ác lúc lại ngẩn ngơ như trẻ dại khiến Thác cứ cấn lên trong đầu bao dấu hỏi. Hôm ấy sau lúc Đạc đi rồi, được bà Chiêm giúp sức, Thác nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa. Cô nhặt theo những thứ đáng giá cùng quần áo mẹ, quần áo con chất đầy đôi rổ, xảo xếp vào đôi quang, xong rồi chạy nhanh qua hàng xóm nói lời gửi nhà vì lý do bố đẻ mệt nặng phải về bên ấy chăm sóc. Lúc ấy Thác tỉnh táo như bình thường.
Hai người đi như chạy. Thác vừa gánh vừa thở. Bà Chiêm ngoài bị hàng bên phải còn khoác thêm cái tải nâu to đùng bên trái nữa. Đôi vai bà trĩu xuống như có ai níu hai bên. Thỉnh thoảng họ ngoảnh lại phía sau trông chừng.
Thác nói:
- Cháu chỉ sợ lão Đạc đuổi theo.
Bà Chiêm gắt:
- Đã bảo đừng xưng cháu nữa. Tôi chỉ đáng tuổi con lớn của cụ thôi. Em gánh nặng mà cứ như chạy giặc thế kia ngã là khốn. Cứ từ từ mà bước, có cho kẹo nó cũng chả đuổi theo đâu. Đàn ông nào cũng có cái sĩ diện riêng của nó em ạ!
Thác như không tin vào tai mình, hỏi lại:
- Bác bảo gì em không rõ.
Bà Chiêm nói to:
- Cứ đi từ từ thôi. Không sợ lão Đạc đuổi theo đâu. Người ấy tuy vậy xem ra cũng biết điều phải trái. Tôi nghiệm thấy là hắn có vẻ mê cô thật. Trong trăm cái mê thì cái mê gái là ít tỉnh táo nhất. Nhưng mà... em nghĩ sao?
Thác cau mặt, vung tay:
- Không đời nào...! Chị cứ tin ở em.
Hôm ấy đưa Thác về đến tận nhà bố đẻ cô rồi bà Chiêm mới sắp sửa quang gánh của mình để về nhà. Cụ Ghềnh giữ thế nào bà cũng chẳng chịu ở. Bóng nắng đã ngả dài trên sân, giờ ấy về nhà không mau chân có khi sập tối giữa đường. Tối vẫn phải về. Lúc một mình trên đường bà lại nghĩ đến ông Đá. Cảnh làm vợ đẻ ít lại sinh con một bề hiện lên trước mắt bà những gian nan khó lường. Bà đã xem ý tứ họ hàng, làng xóm ai cũng có vẻ cám cảnh cho bà. Giàu nứt đố đổ vách ra đấy mà nghèo con, nghèo giống liệu có ích gì. Ngẫm vậy bà đã liều đi tìm vợ cho chồng với biết bao nghe ngóng thăm dò mà đến nay không vẫn hoàn không. Gặp Thác, ý định nảy ra rồi lại nhanh chóng tàn xuống vì những điều không thể. Bà biết cảnh mình với cảnh của Thác chả có gì ăn nhập với nhau mà sao lại chẳng dứt nhau ra được, cả ngày hôm nay bà lo việc cho Thác như lo việc cho mình. Phận đàn bà, lúc cơ nhỡ hoang mang nếu chẳng có chỗ nương tựa, bấu víu dễ sa sẩy, gục ngã lắm. Bà đã tinh ý nhận ra cái khó nghĩ của Thác. Còn cái tình của Đạc thì chả đến nỗi khó đoán. Đàn ông là vậy, cứ phải hơi gái thì đố mà giấu được. Đòi nợ chỉ là cái cớ để ông ta đến nhà Thác mà thôi. Cái mặt ấy cứ lơ lơ như có rượu, nhìn thì như muốn dán vào con người ta. Ngữ ấy chỉ cần Thác gật đầu nửa cái lại chẳng dỡ nhà mà chạy theo. Mà Đạc cũng tinh thật. Thác tuy tang tóc khổ ải như vậy mà vẫn chả mất đi cái thon thả của dáng. Đôi mắt cô ấy nữa, ưa nhìn đến mức bà là con gái thật cũng có lúc phải xao lòng. Ôi giá như cái vành khăn trắng ấy đã đến ngày đoạn tang, giá như cái lão Đạc đừng lên mặt si tình ép nợ. Giá như... cũng chẳng thể. Việc của bà cũng đang nước sôi lửa bỏng như vậy. Cô ấy thì vạt áo chưa khô nước mắt khóc chồng. Bà muốn cái tình hôm nay sẽ kéo ra mãi mãi thành chị em sau này mà sao cứ thấy nó khó khó thế nào.
Hai chị em, hai người đàn bà xa lạ, bỗng gặp nhau như duyên số mà lại ra bạc phận. Cái khó của hai người xa nhau quá liệu có gặp được như ước muốn của bà. Chỉ vì cái hẫng hụt của cuộc đời mà họ nên nông nỗi này.
Bà Chiêm về nhà muộn. Mâm cơm chiều đã phải thắp đèn ngồi đợi. Mùa cứ đi ra đi vào sốt ruột. Ông Đá ngồi ở gian giữa, lưng dựa cột. Đang lúc Mùa định xách chiếc đèn chai đi đón mẹ thì bà Chiêm về. Mùa Thấy mẹ, reo lên:
- Mẹ đây rồi. Tí nữa thì bố con con phải xách đèn đi tìm.
Ông Đá từ nhà nói vẳng xuống:
- Tìm gì mà tìm. Đi cho nó sướng cái thân.
Biết ông Đá giận, bà Chiêm cứ lẳng lặng xếp quang gánh, rửa vội cái mặt rồi ngồi vội vào mâm cơm:
- Hôm nay đắt hàng quá nên bán cố. Bố con ông ra ăn cơm nào. Chắc là đói quá rồi đây. Tôi xin... Mùa vào mang chai rượu ra đây cho bố đi con.
Mùa xăng xái đi về phía bàn thờ. Ông Đá trừng mắt:
- Không rượu chè gì cả. Để dành cho thằng phó cối nó uống...
Mùa sa sầm nét mặt khi nghe bố nói. Bà Chiêm biết nhà có chuyện nên nói lảng:
- Nhà mình đóng cối hả thầy em. Sao đột ngột thế.
- Có gì mà đột ngột. Tiện nó đi qua, rỗi việc thì đóng. Nào ngờ...
Bà Chiêm ngạc nhiên không rõ chồng đang nói gì:
- Giá tôi biết trước, bố con ông có phải đỡ vất vả không. Ai đời...
Ông Đá đã ngồi bên mâm cơm. Nhìn Mùa xới cơm, giọng ông lạnh lùng:
- Vất vả cái gì. Con gái bà đang muốn nhảy múa kia kìa. Sướng quá mà.
Tay xới cơm của Mùa bỗng run run. Bố vẫn chưa hết giận vì bữa cơm trưa làm cho bác phó cối ăn. "Mày làm cơm cho thợ ăn hay là làm cỗ mời ông Chánh, ông Lý hả?". Mùa không quên được câu mắng của bố trưa nay. Cô cũng chẳng quên được cái bác thợ cối khoẻ mạnh lại mau miệng ấy. Mà Mùa có lỗi gì cơ chứ. Hay là bố tức cái nọ giận lây ra cái kia...
Bữa ăn lặng lẽ và nhanh chóng. Mùa dọn mâm bát mang ra ao rửa. Bà Chiêm định đứng lên đi xuống nhà ngang xem việc đóng cối của thợ đến đâu thì bị ông Đá gọi giật lại:
- Bà đi đâu thế. Ngồi xuống nghe tôi nói đây...
Bà Chiêm vừa ngồi xuống chiếu vừa thở dài:
- Con nó có gì không nên không phải thì ông bảo. Cả đánh nó cũng được. Cứ gì mà phải giận lên giận xuống cho nó mệt người.
- Bà thì biết cái gì. Trưa nay bà không ở nhà mà nhìn. Con gái con đứa đến tuổi gả chồng rồi mà thấy trai cứ hơn hớn như thài lài gặp mưa. Cái thằng phó cối ấy, vợ con một đàn, nào danh giá cái nỗi gì mà ra vào tung tẩy. Tôi ngứa hết cả mắt...
Mặt ông Đá đỏ lên, mắt ông đục lại. Nỗi giận nọ chồng nỗi giận kia. Giá nó là con trai, đằng này lại. Mà hơ hớ ra thế...
Bà Chiêm nói như nói hộ con:
- Nó vô tư từ xưa tối nay ông còn lạ gì. Ai mà con mình nó chẳng quý như khách.
- Lại bà nữa. Định nối giáo cho giặc phỏng. Từ mai bà ở nhà trông thợ. Tôi là tôi cấm con Mùa lai vãng đến chỗ thằng đóng cối. Cố giục nó đóng cho sơm sớm. Thoát lúc nào hay lúc ấy không thì có ngày phải vạ.
Chuyện nhỏ đã thành nỗi lo lớn. Chưa lúc nào ông Đá thấy mình bức bối như lúc này. Tự nhiên ông thèm rượu và tự mình vào nhà mang chai ra tu ừng ực. Bà Chiêm cuống quýt hết cả chân tay van xin mãi ông mới buông chai rồi ngồi thở dài thườn thượt. Vợ nhìn chồng mà sợ. Con gái nhìn bố không sao hiểu hết nỗi niềm. Bà Chiêm thì thấy hết. Mùa còn non nớt thế làm sao tường tận đầu nguồn, cuối ngách về nỗi khổ con người. Cái nỗi khô về phong tục tập quán nhiều khi như cái gông đeo suốt đời người.
Hôm sau bà Chiêm phải ở nhà trông thợ. Đúng ra là bà thay chồng giám sát con gái. Mùa không dám bén bảng xuống nhà ngang nơi phó cối làm việc. Cô ngồi dí trong góc buồng khâu vá. Ông Đá ngồi ngoài hè vót nan. Lưỡi dao loang loáng trên tay ông như có ý đe dọa. Phó cối cắm cúi làm việc như chưa hề có việc gì xảy ra...
- Bác phó này... - Bà Chiêm gọi.
- Bà dạy gì nhà cháu ạ!
- Ông nhà tôi nóng tính có gì không nên không phải bác bỏ qua cho nhá.
Phó cối cười hiền:
- Bà ơi, phận tôi thợ chúng em bị ăn mắng là chuyện thường mà. Ông chửi mắng thế có mắng nữa em vẫn vui.
Hôm đóng cối xong, lúc về phó cối cố ý đi sát vào người Mùa đang bê rổ bèo từ ao về nói nhỏ: "Tôi chào cô Mùa nhá. Xa cô nhớ lắm đấy...". Mùa đi vội hơn, ra vẻ như không nghe, mà nghe hết. Nồi cám hôm ấy Mùa nấu bị khê. Ông Đá mắng con là đoảng tính. Bà Chiêm thì biết. Bà thấy nỗi lo của chồng là chẳng thừa tí nào. Cũng vì chuyện này mà bà bị chồng cấm không cho chạy chợ nữa. Bà thấy thế là đúng, là phải. Chả gì hơn lúc này ở nhà cho chồng vui lòng, với lại phải canh chừng con gái nữa. Nó đang như cây mới trổ búp, trổ lộc, non mỡ đấy nhưng mềm cành, yếu lá dễ bị lay động bởi gió máy. Bà còn lo hơn cho con gái nữa. Cơ thể nó đang phổng phao như mầm măng, đẹp thì có đẹp nhưng dễ gẫy lắm. Bố mẹ lo cho con cái xưa nay là chuyện chẳng bao giờ thừa. Tuy vậy, thỉnh thoảng bà vẫn nhớ đến bố con cụ Ghềnh và chợt thương, chợt lo cho Thác. Bà chỉ cầu mong cho cô mọi việc được êm đẹp. Vậy mà... chỉ hai tháng sau có dịp qua thăm cụ Ghềnh bà mới biết ba mẹ con cô Thác không còn ở đấy nữa.
- Nó lại dắt díu con cái về bên ấy rồi.
- Lâu chưa cụ?
- Chừng cách đây một tháng...
Cụ Ghềnh buồn rầu kể lại chuyện con gái và cái nhà anh Đạc cho bà Chiêm nghe. Thác về ở với bố đẻ được dăm hôm thì Đạc sang. Anh ta gặp cụ Ghềnh lễ phép thưa chuyện. Giọng anh ta ráo hoảnh lại pha chút dọa nạt nữa:
- Cụ ơi, cô Thác nhà mình có trốn lên giời con cũng tìm được. Bố đẻ đón con gái về nhà nuôi trong lúc đang còn tang chồng mà không sợ hàng xóm người ta dị nghị à?
Cụ Ghềnh gằn giọng nhìn Đạc:
- Tại ai, anh biết rồi đấy.
- Cụ đổ tội cho con?
- Không dám. Nhưng có ai lại như anh. Dồn nó, ép nó đến mức nó phải bỏ cửa bỏ nhà mà đi. Làm người phải có cái tâm anh Đạc ạ. Nhân tiện hôm nay anh sang, tôi là bố nó, tôi cũng xin có nhời thế này. Đúng là chồng gieo vạ vợ chịu đòn. Nhưng thôi, không nói chuyện ấy nữa. Ai lại đi hỏi tội người chết. Bây giờ là bao nhiêu con Thác cũng phải chịu. Anh bảo nó chết, nó chết, cho sống thì được sống. Có nợ nhẽ đời là phải trả. Nhưng... Lúc này mà anh ép nó là không nên. Tôi xin anh, anh thương em...
Cụ Ghềnh nói thật nhũn trước kẻ hung hăng. Đạc không cứng lưỡi nhưng cũng tự ngượng. Gã biết thế yếu của bố con cụ Ghềnh. Cô Thác thì từ lúc thấy mặt Đạc cứ đứng im thin thít bên bố. Đạc nhìn cụ Ghềnh thì ít mà nhìn Thác thì nhiều. Thực tình gã muốn Thác và thương Thác thật bụng. Còn với Thác, gã biết lúc này là chưa thể. Và biết đâu lại không thể khi mà cái chết của chồng Thác có nguyên nhân từ sự rủ rê cờ bạc của Đạc.
- Thác nghe bố nói rồi đấy. Tôi đâu muốn làm khổ Thác. Thác đưa con về bên này là Thác làm khổ mình, làm khổ bố, làm khổ các con. Nhà cửa có đàng hoàng hẳn hoi. Nào ai đuổi mà Thác phải đi. Thác làm khổ bao nhiêu là người. Cô còn làm tình, làm tội, làm khổ cả tôi nữa Thác biết không? Đang nhiên Thác bỏ đi thế hàng xóm đổ tiếng ác cho tôi là riết nợ quá khiến người ta phải bỏ trốn. Nay tôi sang đây rồi Thác tính thế nào. Tôi sang không phải để đòi nợ Thác mà muốn Thác đưa các con về lại bên nhà cho tôi đỡ mang tiếng. Thằng Đạc này là người chứ có phải là... là...
Đạc tự nhiên đổi nết, nói lời trói buộc. Gã vừa nói vừa liu riu mắt nhìn Thác. Con mắt kẻ si tình như có gió mát. Thác đỡ hoảng hơn. Cụ Ghềnh có vẻ ưng ý trước lời Đạc nói. Cụ nhìn Đạc thân thiện hơn:
- Quý hoá quá. Anh nói vậy là mẹ con em nó còn có đường sống. Cứ như những lần trước, tôi không ngăn có khi con Thác nó thắt cổ tự tử rồi.
Đạc tự nhiên nói cứng:
- Lỗi là ở tại cô Thác. Cô ấy đưa con về bên này mà không nói một lời, cụ xem có phải là muốn qua mặt con không nào.
- Em rối ruột nên sinh lú có gì bác thông cảm.
Cụ Ghềnh xin lỗi hộ con. Người yếu thường phải mềm lời trước kẻ mạnh. Tình thế này Đạc cũng chẳng thể găng hơn. Bố con cụ Ghềnh đã có vẻ nhún mặc dù từ lúc Đạc sang, Thác chưa hề nói một lời. Nhưng cứ nhìn đôi mắt chơm chóp hiền hiền của Thác, nhìn nước da mặt từ tái xám chuyển sang trắng hồng của cô, Đạc biết kế sách của kẻ háo sắc đã phần nào động mồi. Cũng chỉ cần đến thế. Mọi chuyện dồn quá sẽ chẳng ích gì. Tức nước bờ sẽ vỡ. Căng quá là dây đứt. Trước khi về Đạc nói với gia đình Thác những câu rất tình cảm:
- Mẹ con Thác cứ ở bên này với ông dăm bữa nửa tháng về bên nhà cũng được. Con xin cụ khuyên em. Thằng Đạc này mà có ý nghĩ ác với cô Thác nó xin đâm đầu xuống vực chết mất xác. Bây giờ con xin phép cụ con về. Trước khi về tôi chỉ mong Thác cho tôi được làm việc này. Cũng là nhất cử lưỡng tiện cụ ạ. Thác đưa tôi cầm chìa khoá nhà giúp cho. Nhà để thế không ai trông nom, trẻ con nó vào phá là tan hoang hết.
Thác giật mình. Cụ Ghềnh lặng người. Đạc gân mặt chờ trả lời. Tay gã chìa ra trước mặt Thác vẻ nài nỉ nhưng ngầm ý kiên quyết:
- Thác đừng ngại. Tôi giữ nhà giúp mẹ con cô chẳng hơn nhờ người khác à.
Mắt Đạc nhấp nháy vẻ tình tứ nhưng với hoàn cảnh này thì phần đểu cáng nhiều hơn.
- Cụ Ghềnh đỡ lời con gái:
- Em nó làm thế sợ không tiện.
- Làng xóm giúp đỡ nhau có gì mà không tiện?
Đạc trợn mắt nhìn hai bố con cụ Ghềnh. Mặt gã lại rắn đanh như lúc mới đến.
Cụ Ghềnh kể đến đây, nói với bà Chiêm:
- Nó làm thế bố con tôi sợ quá. Cứ nghĩ nó mềm với mình là nó có nhân có đức, nào ngà. Bà tính thế có oái oăm không. Đời người sao mà trăm nỗi khổ. Tôi đã cơ cực, con gái còn cơ cực hơn nhiều...
- Rồi sau cô Thác phải đưa chìa khoá cho nhà lão Đạc phải không cụ?
Cụ Ghềnh thở dài:
- Còn cách nào hơn nữa hở bà. Thôi thì cho nó mất trắng cũng được. Nào ngờ...
Lấy ngón tay chấm mắt, cụ Ghềnh lắc đầu nói tiếp:
- Lúc nó về, bà ạ, cái nhà anh Đạc ấy, còn rút túi ra đưa tiền cho con Thác. Nó bảo, Thác vất vả, tôi có ít tiền giúp Thác nuôi con. Thác cầm lấy đi cho tôi vui. Con Thác nhà tôi giãy lên không chịu lấy. Mấy lần như thế khiến cái nhà anh Đạc ấy đặt vội tiền xuống chiếc chõng rồi bỏ chạy. Con Thác có cầm tiền đuổi theo, đuổi mấy cũng chả kịp. Chuyện hôm ấy là thế. Còn sau đó nữa. Cứ cách dăm ngày anh ta lại sang. Hôm thì mang theo mấy quả bưởi nói là hái ở vườn nhà giúp. Hôm lại mang theo mấy cây mía, ở vườn nhà con Thác nói là không chặt vội sợ trẻ trâu vào ăn trộm... Cuối cùng thì, bà biết đấy, con Thác phải đưa con về bên ấy. Trước lúc nó về tôi nói, cái nhà anh Đạc ấy là kẻ nham hiểm, con phải biết giữ mình. Con bé nghe lời tôi chỉ biết ôm mặt khóc. Làm khổ nhau đến vậy là chuyện gì chắc bà biết rồi đấy. Xưa nay cái trò trai gái nó có chừa ai, tha ai bao giờ. Tôi là tôi thương mấy đứa cháu dại. Cái số con người là vậy.
Nghe chuyện bố con cụ Ghềnh, bà Chiêm càng thêm nẫu ruột. Chuyện nhà đã đang cơm chẳng lành canh chẳng ngọt nay lại thêm chuyện này nữa, thật là kiếp người muôn nỗi khó lường. Thiện ác lắm khi chẳng rạch ròi. Tốt ngay đấy cũng xấu ngay đấy được. Ham muốn thì vô cùng. Nhiều khi vì cái nọ mà bỏ mất cái kia. Lòng tham như cơn lũ độc dìm chết nhân đức của con người. Ngẫm vậy, biết vậy mà sao ta vẫn phải cầm lòng...