Trai gái như bùa mê
Gió giằng, bão giật
Tình yêu có lúc như giặc
Đạp ào mà đi...
Bà cụ Cự càng ngày càng lo cho con gái. Việc muộn chồng của Hớn là chuyện cũ. Còn chuyện giữa Hớn với anh phó cối có tên là Ngoẵng thì càng ngày càng nặng nề hơn. Từ buổi bà hắt chậu nước bẩn vào người cái thằng trai lơ ấy ít thấy hắn qua ngõ. Được tin hắn đang dan díu với ai đó bên kia sông Sỏi nên bà Cự có phần an tâm hơn về phẩm giá của Hớn. Có điều, mặt nó cứ đần ra. Hỏi mãi mới nói được đôi câu. Thỉnh thoảng lại ngồi thở dài một mình. Đôi mắt thì cứ như đôi lá thuyền nan trên mặt sông Sỏi ngày có gió lớn. Ngăn được chuyện trai gái, chưa hết nỗi lo lại đến đận con sinh ra ngớ ngẩn. Giờ mà nó phát rồ, phát dại bà chỉ còn cách tìm vào sáu tấm mà chết cho yên chuyện.
Người mẹ lo cho con lắm lúc khuôn mặt cũng nhàu nhã chả kém gì con.
- Hớn này - Một hôm bà cụ Cự hỏi con.
Con bé chỉ nhìn mẹ mà không nói. Bà cụ Cự đã quen chuyện này nên chả cho đó là sự vô lễ. Có lẽ nó muốn làm gan với bà. Đã vậy bà càng phải gạn cho ra nhẽ:
- Mày dạo này thế nào thế hở con?
- Chẳng có thế nào cả - Hớn nói trống không, vô lễ.
- Mẹ biết mày buồn nhưng cũng phải từ từ để cho mẹ tính. Con gái hơ hớ ra thế kia mà mặt mũi cứ ủ ê như đứa goá ấy là không có được đâu Hớn ạ. Dứt được cái thằng Ngoẵng ấy ra là mẹ mừng lắm. Ai đời...
- Mẹ có thôi đi không!
- Thôi là thôi thế nào. Mà thôi cái chuyện gì cơ chứ. Tao bảo mày lời hay lẽ đẹp chứ có xui đâm xuống hố, xuống vực đâu mà mày gàn mẹ. Nuôi con từ thuở còn là cái trứng, giờ nên hoa nên quả lại để cho quỷ nó vầy à? Người ta chỉ mong chính thất còn riêng mày lại muốn về làm hai làm ba nhà nó, đâu có xong với mẹ.
- Ném cha cái thằng Ngoẵng nó ra chuôm, ra ao đi. Con không muốn mẹ nói cái chuyện ấy mãi nữa.
Hớn gân mặt ra vẻ kiên quyết. Lúc này nhìn con gái cáu giận bà cụ Cự mới thấy nó ra cái mặt người. Cái mặt người phải thế mới đáng đồng tiền, bát gạo chứ cứ trơn tru như bột nặn tò he của mấy ông thợ vườn thì chán mớ đời...
- Mày cáu với mẹ đi cho nó hả cái nỗi u uất lâu nay Hớn ạ. Chuyện trai gái nó là vậy đấy. Khôn ra là đừng có nhúng vào. Chứ nhúng vào rồi là nó như nhựa mít ấy con ơi! Khó dứt lắm!... - Bà Cự thở dài.
- Con đã bảo mẹ thôi kia mà!
- Ừ thì thôi đây. Cô cũng động chân, động tay việc nhà đi cho con người nó tươi tỉnh ra.
- V-â-n-g...!
Tiếng Hớn vâng rõ dài. Bà Cự chỉ biết lắc đầu. Lúc mẹ quay đầu đi Hớn nhìn bà, đôi mắt lừ lừ như kẻ trộm đêm và cười thầm. "Mẹ làm sao mà cấm được Hớn. Con đố đấy! Hớn yêu chứ có phải mẹ yêu đâu mà mẹ biết. Mẹ lấy chồng cho con thì phải tính lên tính xuống. Còn con, nếu mẹ là con mẹ sẽ hiểu...".
Tình yêu lắm lúc khiến con cái vô lễ với bố mẹ. Hớn tay đôi cãi lại mẹ. Lúc mẹ hả hê rồi thì Hớn lại cười thầm về cái tính cả nghĩ nhưng lại rất cả tin của người già. Mẹ làm sao mà biết được mối tình giữa Ngoẵng và Hớn nó dai dẳng, dẻo bền đến mức nào. Cái gói vuông vuông hôm nào Ngoẵng nhờ trẻ con mang đến cho Hớn, chẳng phải thứ quà cáp gì cao sang, chỉ là cái khăn lau mồ hôi của Ngoẵng. Cái lão phó cối bẩn ơi là bẩn. Tặng khăn người ta không những cũ mà lại chả chịu giặt đi cho nó sạch mùi mồ hôi. "Tệ quá là tệ!", mỗi lần Hớn lấy chiếc khăn của Ngoẵng ra xem cô lại ấp lên mặt, lên mũi mà hít hà cái mùi
Vải cũ đã thấm đẫm mùi da thịt của kẻ mà cô yêu. Chỉ có vậy thôi mà nhiều hôm Hớn đã thẫn thờ đến cả buổi. Lúc bé bện hơi mẹ, cứ khi nào rúc được vào nằm cạnh bà, hít hà hơi ấm của chiếc yếm sồi của mẹ Hớn mới ngủ được ngon. Còn bây giờ khi đã lớn quá rồi thì cái hơi yếm của mẹ đã nhường cho hơi khăn của chàng phó cối. Cứ mỗi lần như thế, trong góc giường trống vắng nơi căn buồng ẩm mốc và tranh tối, tranh sáng của mình, Hớn lại rạo rực khắp người vì tương tượng. Cái búi tre đầu làng sao mà quen thuộc thế. Cái bàn tay thô ráp của Ngoẵng, cái mặt râu ria và hôi sì mùi thuốc lào của gã đóng cối ấy cứ như rơm như rạ chất đống lên người Hớn. Cô ngột ngạt và thèm nhớ. Mẹ càng nghiêm ngặt bao nhiêu, ruột gan con gái lại cồn cào bấy nhiêu. Trên đời này có nỗi nhớ nào hơn nỗi nhớ gái trai. Cái thẫn thờ của Hớn là từ đấy. Cái vô hồn nhiều khi của Hớn cũng từ đấy. Mẹ đâu có biết khi mà từ lúc mười ba tuổi về làm dâu nhà chồng mẹ chỉ biết có bố. Vợ chồng kiểu xếp đặt thì làm sao có cái thắc thỏm, đầy vơi của nỗi nhớ nhung.
Mẹ có biết, nhiều đêm, lúc gà gáy ấy, cái gã phó cối mà mẹ vẫn ghét cay ghét đắng ấy nó hay qua đây đấy. Chả có gì ghê gớm đâu. Hắn chỉ đi qua phía sau nhà nơi góc buồng Hớn ở, đến bên cửa sổ khép kín, đập đập nhẹ vào cánh mấy cái, lúc ấy làm sao Hớn đã ngủ được nên bật dậy ngay cũng đập nhẹ vào cánh cửa mấy cái ra hiệu lại. Rồi thì... Cánh cửa sổ được nhè nhẹ hé ra. Tiếng Ngoẵng phào phào hơi sương.
- Hớn đấy à? Phải Hớn không?
- Hớn đây... Hớn đây mà. Đây...!
Hớn áp mặt vào cửa sổ cho Ngoẵng hít hà. Đôi tay để trần của Hớn cứ nuồn nuỗn ôm lấy cái cổ ram ráp của người tình mà vít mạnh vào chấn song cửa sổ. Chỉ thế thôi. Hôm thì một hai phút. Nhiều lắm là bảy tám phút. Chỉ cần nghe tiếng động ở ngõ xa là Ngoẵng vội vã rút tay khỏi người Hớn ù té. Trong nhà cũng vậy. Hễ nghe tiếng bà cụ Cự trở mình là Hớn đẩy dúi cái đầu của Ngoẵng ra khỏi cửa sổ mà líu lưỡi nói:
- Mẹ dậy rồi đấy, chạy nhanh lên.
- Thật không? - Ngoẵng tiếc rẻ, chần chừ.
- Thật mà... Đấy... Nhanh lên...
- Nhưng...
- Không nhưng gì hết!
Giọng Hớn hổn hển, quyết liệt. Đôi tay họ như dính chặt vào nhau gỡ mãi mới ra. Thứ nhựa vô hình ấy đã day dứt họ. Rồi ra tiếng cửa sổ bị khép chặt vội vã. Hớn nằm vật ra giường. Những lần như thế Hớn thường chong mắt đến sáng. Mọi cái trên chiếc giường nhỏ bé và rộng rênh đều trở thành kẻ thù của cô. Góc khăn đã bị cô cắn sờn mấy chỗ. Nếp chiếu thường xô lệch. Giát giường thỉnh thoảng lại kèn kẹt những tiếng đau đớn. Khổ nhất là tấm chăn. Cô giằng lên, giật xuống. Có lúc nó bị vò nhàu thành túm, thành mớ. Vật vã, khổ sở vậy nhưng chẳng đêm nào là đêm Hớn không ao ước được nghe tiếng lào thào như lửa thổi của Ngoẵng bên cửa sổ.
Có một đêm, Ngoẵng đến. Hai đứa chưa kịp đôi lời với nhau Hớn đã nghe tiếng mẹ ngoài cửa buồng:
- Hớn à?
- Hớn ơi, con còn thức hay đã ngủ thế?
Hớn giả vờ cựa mình, giọng ngái ngủ:
- Có gì thế mẹ? Khuya quá rồi còn gọi con làm gì?
- Mẹ nghe hình như có tiếng ai gọi?
Hớn giật mình đẩy vội Ngoẵng ra khỏi cửa sổ rồi nói với vào nhà:
- Mẹ nằm mê đấy à. Khuya khoắt thế này làm gì có người gọi. Hoạ là có ma....
- Rõ ràng là mẹ nghe thấy tiếng gọi...
Bà Cự trở dậy châm đèn. Tiếng guốc kêu lộc cộc.
- Chạy nhanh lên!
Hớn nói nhỏ với Ngoẵng rồi khép vội cửa. Lát sau Hớn mới nghe tiếng mẹ đang lộc cộc đôi guốc gỗ từ ngoài sân đi vào:
- Đúng là chả có ai gọi thật. Chuồng lợn chuồng gà vẫn còn yên lắm... Mất cả ngủ.
Hớn hé cửa buồng nhìn mẹ đang ngồi bên bàn nước ngáp ngủ mà thấy ai oán hết cả người. Hai nỗi khổ đàn bà là hai cung bậc khác nhau. Cùng nỗi lo đấy mà sao họ chẳng thể chia sẻ. Hớn thương mẹ mà không thể đỡ đần:
- Mẹ đi nằm ngủ đi còn thức làm gì?
- Kệ tôi. Giờ có đi nằm tôi cũng chả nhắm mắt được!
Hớn ra hẳn nhà ngoài, đến ngồi bên mẹ. Cô quàng tay ôm bên vai gầy của bà mà xa xót, mà dửng dưng:
- Mẹ dạo này cứ thần hồn nát thần tính. Có khi ma đấy!
- Thì rõ ràng mẹ thức hẳn hoi. Nghe như có tiếng đập cửa. Lại như có tiếng ai gọi. Mà là tiếng người hẳn hoi.
Hớn dụi dụi mặt vào lưng bà Cự:
- Lo cho con lắm quá nên nghĩ lẩn thẩn đây mà!
- Còn mỗi mình cô, không lo cho cô thì tôi lo cho ai. Rơm quá nắng rồi...
- Thôi, đi ngủ đi mẹ. Đêm nay mẹ cho con ngủ chung với nhá.
Bà cụ Cự khẽ gật đầu. Hai mẹ con nằm úp thìa vào nhau, Hớn hít hà hơi mẹ. Cô như bé lại. Bàn tay con gái lần lần sau làn yếm rồi sờ tí mẹ. Bà cụ Cự bật cười đập mạnh vào tay con:
- Bé quá đấy, bỏ tay ra.
- Con nhớ...
- Thôi ngủ đi!
Bà cụ Cự xoay nghiêng về phía con gái. Bàn tay gầy của bà khẽ đưa lên rồi vỗ nhè nhẹ vào tấm mông đầy đặn của Hớn mà ru con bằng hơi thở nhè nhẹ của mình. Người Hớn dịu dần. Có hơi ấm của mẹ lấp đầy nỗi trống vắng của đêm, nỗi trống vắng của người. Cứ thế Hớn lịm đi và ngủ say như chết lúc nào không hay. Sáng sau thức dậy Hớn thấy mái tóc của mình xõa ra gối trên tay bà Cự. Lúc ấy mẹ là tất cả và nỗi lo sợ bị lộ chuyện kia cứ vơi dần theo ngày nọ qua ngày kia.
Nhưng rồi... ăn vụng mãi cũng có ngày để nhọ trên mép. Đôi trai gái đi đêm lắm đã có ngày "gặp ma". Lửa chạm rơm khô cháy bùng lên làm sao mà ngăn kịp. Cái hơi đàn ông đàn bà khi đã quyện vào nhau khác nào bện thừng. Lúc ấy hai đứa như chẳng biết gì trời với đất nữa, vẫn những chắn song cửa ngăn cách, vẫn những bàn tay tìm nhau. Hai đứa như u mê trong bóng tối. Chẳng còn lời gì để nói. Chỉ có hơi thở dồn nén hơi thở. Bàn tay riết lấy bàn tay. Đúng cái lúc tảng vách đất, cánh cửa và hàng chấn song gỗ như bị bẻ nát, vỡ vụn, đôi trai gái như muốn tan vào nhau ấy thì bất ngờ từ khoảng đêm một vệt dài, mảnh, thẫm lia ngang. Ngoẵng giật mình thấy nhói lên phía lưng, theo bản năng bật lên tiếng kêu "ối" hốt hoảng, thất thanh và ôm đầu bỏ chạy.
- Trộm... Làng xóm ơi trộm...
Nhiều nhà bật dậy. Người đánh Ngoẵng vẫn vác đòn gánh đuổi theo:
- Làng xóm ơi, trộm. Có trộm...
Nhiều người đã vác dao, vác đòn càn chạy ra đường. Họ xúm quanh bà cụ Cự đang cầm đòn gánh đứng thở:
- Nó chạy hướng nào?
- Phía kia... Tôi đuổi theo không kịp.
- Nó đã lấy của nhà bà cái gì chưa?
- Chưa. Vừa chợt có tiếng động là tôi dậy.
- Thế cô Hớn đâu?
- Tuổi ăn, tuổi ngủ. Nằm như chết, biết gì.
- Cũng may, chả mất gì. Thôi... về đi ngủ bà con ơi.
Mọi người tản mát trong đêm. Đèn đuốc lúc trước sáng rực giờ cũng lụi dần. Bà cụ Cự đóng chặt cổng, quăng chiếc đòn gánh vào góc sân lặng lẽ đi vào nhà. Lúc này Hớn đã quỳ trước gian giữa, tay khoanh trước ngực, mặt nhòe nhoẹt nước mắt ngước nhìn mẹ:
- Con cắn rơm cắn cỏ con xin mẹ tha tội - Tiếng Hớn nức nở.
Mặt bà cụ Cự trong đêm qua ánh đèn dần ánh lên màu sành nung quá lửa. Đôi mắt bà sâu hoắm như lỗ hang tối. Hớn chắp tay vái mẹ:
- Con lạy mẹ trăm lạy mẹ tha tội cho con.
- Mẹ ơi...
Lời Hớn oà ra trong ba gian nhà vắng. Bà cụ Cự không thèm nhìn Hớn, mắt đăm đăm nhìn vào cửa buồng con gái. Nước da mặt bà vẫn sẫm, cái sẫm của màu sành quá lửa, giờ đanh hơn, chỉ cần động nhẹ một tí là nó có thể vỡ tan thành từng mảnh sắc.
Ngày hôm sau, ngay sáng sớm bà cụ Cự đã làm một việc phòng gian rất lạ lùng. Bà chặt những nhánh xương rồng ông nhiều gai nhọn mang về buộc ấp vào cánh cửa sổ buồng Hớn. Bà làm một mình. Vài người đi qua góp ý:
- Sao bà không lấy cái nẹp gỗ đóng ngay vào nó vừa chắc lại vừa đẹp.
Có người lại bảo:
- Trộm mấy khi nó vào qua cửa sổ cụ ơi!
- Các bác cứ dạy thế. Đã là gian phi thì có chỗ nào mà nó từ. Cái quân chó má ấy, trẻ không tha, già không thương...
Bà cụ Cự vẫn làm theo ý mình. Nhưng cái chướng ngại vật ấy chỉ tồn tại được ba ngày. Ngày thứ tư, lại tự tay bà dỡ ra vứt vào xó vườn. Một thợ trát vách bên hàng tổng được bà thuê về. Bà rao giá với thợ rồi tự tay đứng cạnh chỉ việc cho thợ làm. Cánh cửa sổ được tháo ra. Cả cái khung cửa chắc nịch với những chấn song tròn nữa cũng được dỡ sạch. Rồi chính tay bà chẻ nan, chẻ lạt cho thợ buộc bức vách.
Ai đó đi qua ngứa miệng nói vui:
- Bà Cự làm lại buồng để kén chồng cho con hả?
Nghe người hỏi mà lòng người mẹ chát lại. Bà chỉ biết im lặng và cười gượng. Trong lúc ấy lấy có làm cơm thợ Hớn cứ chui lủi dưới bếp giấu mặt không dám ra ngõ sợ hàng xóm nhìn. Nỗi đau tình cảm thường vón cục trong lòng.
Nào đã xong. Căn buồng Hớn ở được bà cụ Cự dùng làm nhà kho. Trước khi bày biện lại các thứ bà đem nước trà nóng lấy lá tre nhúng vào rồi vẩy vẩy như kiểu thầy cúng trừ tà. Mọi thứ của Hớn xưa nay vẫn để yên giờ bị dọn sạch. Cái giường nằm của cô con gái muộn chồng được mẹ khiêng ra giữa sân lấy nùn rơm chạy quanh đuổi vía rồi nhờ người tháo ra đem vứt xuống ao ngâm bùn. Lúc ấy Hớn chỉ biết ôm cột đầu hiên nhà đứng nhìn mẹ làm. Lỗi đã rành rành ra rồi làm sao mà dám ngăn, dám cãi.
- Còn đứng đấy à?
- Mẹ bảo con phải làm gì bây giờ?
Hai mẹ con hỏi nhau rồi nhìn nhau. Lúc ấy cả già, cả trẻ như hai người xa lạ. Bà cụ Cự uất con cứ như muốn xúc đất đổ đi mà vẫn phải nhìn mặt. Giận con, ghét con, chán con, không muốn nghĩ đến con rồi lại cồn lên vì thương nó. Lấp cửa sổ, vứt giường xuống ao, cả lời đay nghiến nữa cũng vì thương con. Gái lớn là phải lấy chồng. Với Hớn bà càng mong điều đó. Có ngày nào, đêm nào mà bà không nghĩ tới chuyện ấy của con. Nhiều lúc bà ước thầm, giá có anh nào què chân, thiếu tay cũng được nhưng phải là người tử tế đến hỏi là bà cho ngay. Hớn đi lấy chồng sớm ngày nào bà nhẹ gánh ngày ấy. Nhưng con bà đâu có theo ý mẹ. Nó giăng gió với cái thằng chết đâm chết chém ấy. Cả tổng Sỏi này có ai là không biết nó. Có đàn bà con gái lớn lên nào mà không bị nó buông lời trêu ghẹo.
Nghe đâu mấy người phải bỏ làng đi vì bố con nó. Mà sao chỗ quang quẻ, sạch thơm con bà không đi lại cứ chọn chỗ tối tăm, hôi hám mà bước cơ chứ. Lấy ai thì lấy chứ cứ dính vào cái thằng Ngoẵng ấy là bà không có chịu. Chết già cũng được còn hơn là làm hai, làm ba cái thằng tâm địa "cối chày" ấy. Cứ nghĩ cái dáng ngoằng ngoẵng, cái mặt xồm xoàm của nó mà bà muốn lấy dao, lấy búa băm vằm. Ngữ ấy làm sao có thể là rể bà. Con bà có chết già cũng không thể về mà làm vợ nó.
Cửa sổ đã bị lấp. Căn buồng không còn là của Hớn. Con gái phải ra nhà ngoài ngủ với mẹ. Tối nào cũng như tối nào. Hớn biết lỗi nên những ngày đầu cứ lặng lẽ, ngoan ngoãn theo mẹ. Nhưng rồi cái sự nín nhịn ấy chẳng được bao lâu. Cái khuôn phép của người mẹ già khó tính chẳng trói buộc được con bao lâu. Bà mất ăn, mất ngủ vì cái sự kỹ càng của mình. Mới đầu là lo việc Ngoẵng có thể đêm đêm quay lại quấy rối. Nhiều lần bà thức tới một hai giờ đêm đến mức người cứ xác ra như tàu lá chuối khô bị gió xé. Sau đó nguôi nguôi nhưng con mắt vẫn cứ thao láo không chịu nhắm. Bà vẫn thức tiếp để nghe ngóng. Nghe đến rỗng cả lỗ tai vẫn chẳng thấy tiếng thì thào gọi nhau nữa bà mới thôi trăn trở. Nhưng khi bà muốn thanh thản nghỉ ngơi lại bị Hớn quấy rối. Có đêm nằm ngủ nó mê man thế nào cứ ôm chặt lấy bà mà rú rít như con điên. Có những lúc chợt mở mắt bà thấy nó ngồi xõa tóc ở góc giường trông như con ma đói. Cũng có bận người nó ngay đuỗn ra như que củi, bà phải lay gọi, cấu véo mãi Hớn mới tỉnh. Những lần như thế, toàn vào lúc khuya khoắt, tỉnh thức chập chờn khiến tâm thần bà như có ai đó vô hình đang dọa nạt, dày xéo. Bà lo hãi, sợ sệt. Biết đâu kiếp trước gia đình ăn ở có điều gì không phải nên giờ thần thánh quở quang khiến mẹ con bà phải chịu nỗi dở dang, đày đọa này. Từ hôm dọn ra nằm với bà, được mỗi dăm đêm đầu là im im, còn thì tối nào cũng như tối nào, con bé cứ như có ai đánh đập. Hay là con ma tình nó nhập vào Hớn khiến con bà phải giằng xé tâm can mà trả nợ. Đã ma làm, quỷ ám thì có cấm đến giời cũng chẳng thể ngăn cản nó làm khổ con mình. Hết lo chuyện con mình bị Ngoẵng quấy nhiễu giờ lại lo đến chuyện này.
Một lần bà cụ Cự hỏi Hớn:
- Mày làm sao thế con? Hay là... có động nhà, động cửa.
- Chả có làm sao cả.
- Thế sao cứ ôm mẹ mà rối rít lên thế.
- Con mê đấy mà...
- Còn những lần nằm ngay đuỗn ra nữa. Mẹ lo quá...
- Bóng đè đấy mẹ ạ!
Hớn cứ trả lời mẹ câu một. Miệng trả lời mẹ nhưng mặt ngoảnh đi chỗ khác. Hình như nó không biết sợ là gì. Riêng bà cụ Cự cứ nghĩ đến cảnh con gái ngồi xõa tóc ở góc giường là bà hết hồn. Lúc ấy trông nó như con ma đói, ma khát hay ngồi ở góc chợ như lời các cụ kể.
- Hay mày có bệnh tật gì hở con?
- Chả có bệnh tật gì cả.
- Sao có tối mẹ cứ thấy con ôm gối ở góc giường?
- Mẹ đừng hỏi nữa. Có thế mẹ cũng hỏi. Mẹ biết quá rồi còn cứ lục vấn mãi con làm gì.
- Biết là biết thế nào?
- Thôi đi mà mẹ. Cứ hỏi, hỏi mãi!
Hớn đã phát cáu về những câu hỏi dớ dẩn của mẹ. Cô có cảm giác như mẹ đang giả vờ. Mẹ cũng là phụ nữ, cũng có một thời con gái mà sao mẹ không biết. Mẹ cấm Hớn thế còn chưa đủ hay sao mà thỉnh thoảng còn chọc kim vào chỗ đau của con. Mẹ có còn muốn Hớn ở với mẹ nữa không?
- Mẹ này...
Một đêm Hớn ôm chặt lấy vai mẹ như muốn níu bà xuống mà hỏi. Bà cụ Cự cũng thấy lạ, ít khi con gái níu kéo mẹ kiểu mạnh mẽ và vồ vập thế này.
- Con nói đi - Bà giục.
- Mẹ ở mình mẹ nhé. Con sẽ đi...
- Đi đâu?
- Đi vào vùng trong ở với anh Ngoẵng.
- Con nói gì?
- Con không lấy ai ngoài anh Ngoẵng đâu. Mẹ đừng cấm con nữa. Con khổ lắm...
- Mày bị ma làm hả con!
- Không. Chỉ có người làm con khổ thôi. Mẹ cứ cho anh Ngoẵng được làm rể mẹ. Bằng không mẹ cho con đi vào ở trong ấy. Mẹ cứ coi con là đứa bỏ đi, đứa hư hỏng. Thế nào con cũng chịu được miễn là mẹ cho con lấy anh Ngoẵng. Con thương anh ấy lắm. Anh ấy bảo chỉ có con mới xứng là vợ anh ấy thôi. Còn cái con người kia là vợ khổ vợ sở của anh ấy...
- Không! - Bà Cự hét lên.
- Con nghĩ mãi rồi. Chẳng khác được mẹ ơi...
Hớn tức tưởi khóc. Vạt lưng áo bà cụ Cự ướt đẫm nước mắt con gái. Bà biết, nó đã nói hết. Nước mắt đứa con gái đang si mê tăm tối này chẳng thể làm người mẹ mềm lòng.
- Mẹ đã nói rồi. Không được là không được Hớn ạ. Lấy ai thì lấy, dù đui què mẻ sứt mẹ cũng ưng nhưng cái thằng phó cối ấy là không được. Mẹ có thương con mẹ mới cấm con. Bây giờ con chưa hiểu lòng mẹ thì sau này già cả con sẽ hiểu. Có người mẹ nào là không thương con, là muốn con phải khổ. Mày nghe lời mẹ, đừng có nghe nó dỗ ngon, dỗ ngọt.
- Nhưng mẹ ơi, có nỗi khổ nào hơn nỗi yêu nhau mà chẳng được lấy nhau. Người ta có tội gì nào mà mẹ cấm. Anh ấy vẫn coi mẹ như mẹ mà. Mẹ ơi, có nỗi khổ nào như nỗi khổ này. Yêu mà không được lấy.
Bà cụ Cự to tiếng:
- Yêu thương gì? Bùa mê thuốc lú thì có. Tôi cấm!
Hớn nấc lên. Người cô rung mạnh như cây có bão. Bà Cự sau câu nói đó thì người như bị đốt. Bà cấm con mà thấy lửa rực trong mình, cơn giận nóng tự nhiên dâng lên ngùn ngụt. Tấm lòng mẹ chỉ coi con là duy nhất, coi mong muốn của mình là duy nhất thì làm sao Hớn có thể tìm được nỗi chia sẻ.
Hớn lấy vạt áo lau nước mắt nhìn mẹ:
- Mẹ không cho con lấy anh Ngoẵng thì con chỉ có một con đường... Con nói thật đấy!
Bà cụ Cự trợn mắt:
- À giỏi thật. Mày định chết phỏng. Bà đố mày đấy?
- Mẹ không phải dọa con. Con chết cho mẹ ở một mình.
- Mày...
- Mặt bà cụ Cự như muốn tứa máu.
Cơn ức dồn lên đầu. Bà đập chân, đập tay như người lên cơn. Gương mặt bà xám lại. Mái tóc bạc thưa thốt xõa ra, giật lên, giật xuống theo đà đập đầu của bà vào vách nhà. Hớn gục mặt vào ngực mẹ van nài:
- Con xin mẹ. Con lạy mẹ... Mẹ thương con!
- Mày bỏ tao ra. Mày không phải là con tao. Mày để tao chết trước rồi sau muốn lấy ai thì lấy. Trời cao đất dày ơi. Sinh ra con mà không dạy nổi con thì tôi sống làm gì. Người ta có phúc để lộc cho con. Còn tôi vô phúc nên sinh đứa u mê, lầm lỗi.
- Thôi nào mẹ. Mẹ đừng có nói to nữa. Khuya khoắt thế này làng xóm nghe thấy người ta cười cho.
- Trời ơi là trời... Cho người ta cười. Người ta chửi cũng được.
- Con xin mẹ rồi mà... Mẹ tha tội cho con... Bao nhiêu tội con gây ra con xin chịu hết. Con chỉ xin mẹ...
- Không! Tao đã nói không là không! Trời ơi...
Bà Cự kêu trời. Giọng bà run run và yếu dần.
Tự nhiên nhìn khuôn mặt như giẻ lau nhúng nước của Hớn bà thấy thương con vô chừng. Đôi cánh tay khẳng khiu nhưng rắn rỏi vừa nãy của bà như sẵn sàng có thể bóp chết đứa con bướng bỉnh giờ lại mở ra rồi ôm chặt Hớn vào lòng. Lâu lâu sau họ mệt mỏi nằm thiếp đi trong khuya vắng. Sáng bạch bà Cự mới tỉnh dậy. Trong vòng tay ôm con của bà lúc này chỉ là đống chăn lạnh...