Làm sao tìm minh bạch
Trong tình riêng mỗi người
Bản năng như của rơi
Kẻ đói hay tìm đến
- Ai đóng cối nào... cối đây...
- Cối?
- Ông gọi con ạ?
- Chẳng chú thì ai.
- Dạ, dạ dạ...!
Ông Đá sau lúc nghe tiếng rao đã ra tận cổng gọi gã thợ đóng cối vào nhà. Vừa đi ông vừa nói:
- Dạo này cái cới trệu trạo quá, xay mẻ nào cũng sống. Nó chẳng khác gì răng ông lão, bà lão chú ạ!
- Cũng tới kỳ tới tháng phải sửa rồi ông ơi.
- Đận trước đâu có thế.
Gã thợ đóng cối cười:
- Năm này được mùa mà ông. Xay, giã, giần, sàng nhiều, cối chóng hỏng là phải.
- Phó cối này...
Gã thợ đóng cối có vẻ khó chịu về cách gọi của ông Đá nhưng vì là chủ với người làm nên tìm lời nói khéo:
- Ông Đá ơi, nhà con tên là Ngoẵng, bố mẹ đặt cho, có xấu tí nhưng dễ gọi. Ông đừng có cối, cối thiên hạ họ lại nghĩ con là loại dùi đục thì bất tiện quá...
Ông Đá cười:
- Không nói bố ai biết. Chú Ngoẵng này, cứ chậm chắc mà làm. Có gì bảo con cháu Mùa nó giúp. Trưa nay nhắm rượu với gia đình tôi.
- Dạ dạ... đa tạ ông.
Phó Ngoẵng rối rít theo cô Mùa xuống nhà ngang. Mùa đi trước, tấm lưng lẳn chắc thon thả sau làn áo cánh gụ nâu buông che cùng mảnh váy lĩnh xúng xính đi trước. Cả cái lúc Mùa cúi xuống thu dọn nền nhà cho phó Ngoẵng đặt đồ nữa. Cái cổ cô bé sao mà tròn, mà trắng đến vậy. Lại nữa, cái mùi tóc lá sả, mùi da thịt con gái đang tuổi dậy thì đến là lạ lùng, đến là lôi kéo, khêu gợi. Đi theo Mùa, nhìn ngắm Mùa, Ngoẵng thấy mắt mũi mình cứ nhíu lại như bị ai rắc thuốc mê. Lạ quá, cái giống đàn bà. Trên đời này chả có cái gì quyến rũ hơn cái giống ấy. Thấy Mùa, Ngoẵng như ăn phải bả, như ngửi phải bả. Cái ao ước thô tục đàn ông ở trong Ngoẵng qua cái nhìn thoả sức mà tưởng tượng trên cơ thể Mùa. Hình như được cha mẹ sinh ra vào cái giờ lẳng lơ hay sao ấy mà Ngoẵng cứ nhìn thấy phụ nữ là sinh ra lòng thèm muốn. Cái mặt gã, cụ thể là đôi mắt một mí trông ti hí vậy mà lúc nào cũng chúi vào những chỗ kín của chị em mà nhìn. Cho dù ở những chỗ kín mơn mởn ấy đã được che kín bằng vải. Lúc này đây đứng trước Mùa cũng vậy. Mắt Ngoẵng cứ tít lên khắp người cô mà nhìn ngắm rồi xuýt xoa:
- Cô Mùa dạo này đẹp tệ. Khối thằng chết!
Mùa xấu hổ:
- Bác Cối đừng nói thế. Cháu còn bé...
Ngoẵng cười hí hí:
- Bé gì nữa. Dưới Sỏi Hạ, mấy cô bằng tuổi Mùa đã lùm lùm cái bụng rồi đấy. Mà tôi là Ngoẵng chứ có phải là...
- Eo ơi, cái bác Cối này, à, cái bác Ngoẵng này ăn với chả nói. Ghê quá!
- Lại không. Cô Mùa cứ bảo mình bé mãi đi. Nói thế không sợ cánh đàn ông nó cười cho à?
Vừa nói anh chàng đóng cối vừa có động tác ra hiệu. Phó Ngoẵng bạo dạn lấy tay vỗ "đét" vào vai Mùa. Mùa vội kêu "ái" phản ứng. Từ nhà trên ông Đá hỏi với xuống:
- Cái gì thế Mùa ơi?
- Không ạ! Có con chuột nó chạy qua, con sợ!
- Nhanh tay lên còn đi chợ.
- Vâng ạ!
Mùa bảo phó Ngoẵng:
- Bác Ngoẵng từ nay không được làm thế nữa đâu nhé. Bố tôi mà biết là chết đấy.
Phó Ngoẵng cười dàn hoà, sau đến gần, vẻ đụng chạm:
- Hì hì... mới có tẹo mà đã kêu như cháy nhà. Cũng là tại Mùa. Mùa bảo Mùa còn bé nên tôi trêu tí xem Mùa có bé thật không? Nói thật nhé, Mùa nghe, nên thì cô để bụng, chả nên thì cô vứt ra ao ra chuôm, chứ kêu to lên là ông quăng bộ đồ nghề của tôi vào chuồng lợn đấy. Mùa này, tôi nói thật nhá... Mùa chả bé tí nào đâu. Thật đấy!
Mùa lừ mắt, lấy tay ẩy Ngoẵng ra xa:
- Thôi không lỡm nữa. Bác làm việc của bác đi...
- Này cô Mùa...? Tôi bảo cái đã. Chỉ một câu nữa thôi.
- Tôi không có thời gian mà chuyện gẫu đâu... Còn phải đi chợ đây.
- Thế bà đâu?
- Mẹ tôi sáng sớm nay vào rừng Ngang bán thuốc lào rồi. Mà bác hỏi để làm gì.
Phó Ngoẵng hề hề, xoa tay:
- Bà nhà làm thế thì để đâu cho hết của. Ai rơi vào tay cô Mùa thì sướng suốt đời...
- Lại đấy...
Mùa dứ dứ tay. Phó Ngoẵng gãi tai:
- Cô đi chợ. Nhớ mua cho phó em mấy quả ớt chỉ thiên.
Mùa nguýt dài:
- Không dám...
Phó Ngoẵng ngồi nhìn theo Mùa tới tận lúc bóng cô không còn lay động ở cổng nữa mới cúi xuống nhớn tay vê vê điếu thuốc lào rồi rít một hơi dài giải cơn thèm muốn.
Ngoẵng đích thị là tên cúng cơm của gã phó này. Nhà hắn ba đời đóng cối xay có tiếng khắp các làng hai bên bờ sông Sỏi. Cứ đi ngang, đi dọc các ngõ xóm, cứ nghe đâu có tiếng rao "Ai đóng cối... cối ơ..." là đích thị tiếng nói của dòng giống nhà gã. Ông nội gã trước lúc chết trăng trối cho bố gã đến ngày giỗ nhớ đặt lên mâm cúng một bát gạo xay. Ông cụ tự hào về trình độ đóng cối của mình. Cối xay của cụ đóng khi xay lúa cả trăm hạt như nhau. Vỏ trấu bay ra chỉ còn hạt gạo mộc. Hạt nguyên đạt tám, chín, hạt vỡ chỉ có một hai. Tiếng cối xay của cụ sau khi đóng, lúc xay lúa, tiếng nó kêu đằm, nhẹ và đều. Có người còn nói ngoa lên rằng tiếng cối xay của cụ đóng nghe êm như hát sa mạc. Bố gã đi theo ông nội gã làm nghề đóng cối từ năm chín, mười tuổi. Còn gã thì có muộn hơn. Thực tình gia đình không muốn để con cháu phải nối nghiệp cha ông. Hay gì cái nghề cưa đục. Từ đời ông nội gã đã mơ đến chữ. Bố gã cũng được đi học dăm ba buổi nhưng rồi bị ba cái lăng nhăng quấy nhiễu nên chẳng thành. Đến gã, mười hai, mười ba tuổi, trong giờ nghỉ ở lớp học, hắn đã chơi trò ác, người lớn gọi đó là trò đểu nên bị thầy giáo đuổi học. Chuyện có liên quan đến thằng Nhỡn với cái Nhơn bạn cùng lớp với Ngoẵng. Trong giờ chơi ba đứa rủ nhau ra sau đình đánh tam cúc. Cuối cuộc chơi, Nhỡn và Nhơn đều thua Ngoẵng. Mà thua bằng tiền hẳn hoi. Nhỡn đi học không xu dính túi. Nhơn thì chỉ có mấy đồng ăn quà. Hai đứa nợ Ngoẵng đến mấy chục. Ngoẵng dọa:
- Chúng mày không đủ tiền trả cho tao, tao sẽ bắt sách, bắt bút.
- Cho tao chịu, mai tao trả - Nhỡn nói.
- Không - Ngoẵng dứt khoát.
- Mai chúng mình sẽ trả Ngoẵng gấp rưỡi - Cái Nhơn nài nỉ.
Ngoẵng vung tay:
- Đấm thèm. Chúng mày bỏ chạy à. Cứ đưa sách bút đây.
- Đừng, Ngoẵng ơi, bố Nhơn sẽ đánh Nhơn chết mất.
- Tao thề với mày đấy.
Nhỡn nắm tay Ngoẵng lắc lắc, vẻ xỉn xỏ. Ngoẵng vênh mặt, lắc đầu quay quảy. Nhỡn, Nhơn nhìn nhau. Hai đứa biết mình dại nhưng đã muộn. Ngoẵng đánh tam cúc rất giỏi. Hắn đã từng được bài, đủ tiền mua cả bộ quần áo. Thằng này cũng vào loại chắc lép đố có cho ai nợ cái gì. Mà để nó thu sách bút thì về nhà chỉ có nhừ đòn với bố mẹ.
- Chúng mày, thằng Nhỡn, con Nhơn đưa tất cả sách bút đây.
- Tao van mày đấy Ngoẵng ơi - Nhỡn hốt hoảng.
- Em lạy anh rồi, anh tha cho em, anh Ngoẵng nhá... - Nhơn sụt sịt.
- Không được. Tao thua chúng mày có tha cho tao không?
Nhỡn lên giọng nịnh khéo:
- Mày thì làm sao mà thua được.
- Làm bài đấy thôi - Ngoẵng vênh mặt - Có bài nào tao hơn điểm chúng mày không nào?
- Nhưng đấy là chuyện học. Còn đây là tam cúc, có trận nào là trận anh Ngoẵng không thắng. Tài ghê kia! - Nhỡn nịnh.
Nhơn cũng phụ hoạ theo Nhỡn:
- Cả lớp nó bảo, đánh tam cúc anh Ngoẵng mà thua thì tất cả sẽ đi bằng đầu.
Ngoẵng khoái chí vì được nịnh. Hắn thôi xoắn xít vào chuyện đòi sách bút trừ nợ nữa mà nghĩ ra cách chơi khác hay hơn. Trong đầu hắn chợt nghĩ đến cái chuyện người lớn hay tếu táo.
Ngoẵng nhìn Nhỡn và Nhơn ra giọng anh cả:
- Hai đứa nghe đây. Cờ bạc là sòng phẳng. Có thua, có được. Tao mà thua cũng thế thôi. Bây giờ thế này, thằng Nhỡn, con Nhơn không có tiền trả, không muốn trả đây bằng sách bút thì phải chịu phạt.
Nhỡn hăng hái nói ngay:
- Phạt gì cũng được.
Nhơn khôn hơn nói nước đôi:
- Nhưng Nhơn chỉ nhận phạt những gì Nhơn làm được thôi.
Ngoẵng hoa hoa tay:
- Chúng mày làm được hết. Khoái là đằng khác.
Và Ngoẵng nói cách mình bắt phạt để trừ tiền Nhỡn và Nhơn. Khi Ngoẵng vừa nói xong đã thấy Nhỡn vùng vằng:
- Tao không làm cái trò đểu ấy.
Nhơn giậm chân:
- Chết thì chết, em cũng không làm. Eo ơi, xấu hổ lắm.
- Thế thì đưa sách đây.
Ngoẵng hùng hổ lao vào giằng lấy sách vở đang trên tay của Nhỡn và Nhơn.
Nhỡn lùi lại thế thủ, đấu dịu:
- Tao bằng lòng nhưng phải cho mặc quần áo kia.
- Không!
- Mày thương tao đi Ngoẵng ơi. Mày cho tao làm thế sau này tao sẽ gọi mày bằng bố.
Ngoẵng tủm tỉm cười một cách khoái chí. Trẻ con như hắn chưa tối độ thích cái mà người lớn thích nhưng vì tò mò, lại thấy hay hay nên hắn quyết tâm bày trò cho bằng được.
- Còn con Nhơn...
- Em cũng thế. Em cũng muốn được như thằng Nhỡn. Em van anh, anh tha cho em.
Ngoẵng đi đi lại lại ra vẻ nghĩ ngợi rồi gật đầu:
- Thôi được rồi... Chúng mày lại đây...!
Ngoẵng chỉ vào gốc cau. Tự thân Ngoẵng đến trước, tay cầm cuộn thừng lấy ở gậm đình ra vẫy vẫy Nhỡn và Nhơn đến gần.
- Em sợ - Nhơn run run.
- Mày tha cho bọn tao đi - Nhỡn ấp úng muốn khóc.
Ngoẵng cười khoái trí dứt khoát:
- Không được. Hai đứa lại gần gốc cây đây. Nhanh lên không tao lấy sách vở bây giờ. Con Nhơn... thằng Nhỡn.
- Em… Em...
- Nhơn đứng sát mặt vào thân cây đây. Cả thằng Nhỡn nữa. Thế... thế...
Một cảnh tượng hãi hùng diễn ra. Gốc cau thẳng đứng. Nhơn và Nhỡn đứng úp mặt vào thân cau, đối diện với nhau. Toàn thân hai đứa trẻ bị Ngoẵng lấy cuộn thừng trói vòng quanh. Nhơn khóc thét lên đòi xin tha. Nhỡn cũng vậy, tuy giọng có nhỏ hơn. Ngoẵng vẫn tỉnh bơ. Hắn vừa cuốn tiếp dây thừng vừa khanh khách cười.
- Sướng chưa... Sướng chưa con Nhơn, thằng Nhỡn. Ha ha... Hai vợ chồng là chông vợ hài. Hai vợ chồng là chông vợ hài... Ông buộc chúng mày vào thân cau cho chúng ôm nhau nhé. Ha ha... Hai vợ chồng là chông vợ hài...
Chuyện trẻ con nhưng đầy tính ác độc và đểu giả này của Ngoẵng đã bị nhà trường kỷ luật thẳng cánh đuổi học. Ngoẵng còn bị ông bố cho ăn một trận đòn toét đít, hàng tháng sau vết đau mới lên da non. Sau đó ông bố cấm cửa đến trường, bắt nó đeo bị dùi đục và xách cưa theo mình đóng cối. Lai lịch nghề cối của Ngoẵng là như thế... Cũng vì chuyện này mà ngay từ lúc bé Ngoẵng đã bị dân làng gọi là Ngoẵng cối hoặc Tiểu cối. Ngoẵng rất ngại khi người ta gọi tên này. Mặc, dù về nghề nghiệp và phẩm chất của Ngoẵng khi được rọi vào thì chẳng hề oan chút nào. Người đời thường nói lúc sinh ra con người vốn thiện. Với Ngoẵng, ngay từ nhỏ hắn đã thích làm trò độc, trò bẩn. Ai cũng bảo sau này lớn lên hắn sẽ đổi tính, nhưng...
Rau nào sâu ấy. Cha ăn mặn nên con khát nước.
Chơi ác với phụ nữ là cái tật của Ngoẵng có từ lúc còn đi học. Khi phải thôi học theo bố đi đóng cối hắn nhiễm thêm phải cái thói trăng gió từ người đẻ ra mình. Bố Ngoẵng có cái tật lắm lời. Cứ đến đâu là chân tay chưa đến cổng mồm miệng đã vào đến sân. Nhà nào có nhiều đàn bà con gái thì y như rằng ông ấy liến thoắng như cái bánh xe được tra dầu. Rồi chuyện đông, chuyện tây, chuyện cổ xưa đến chuyện bây giờ, mà toàn những chuyện trai trêu, gái ghẹo, không bỏ vợ cũng theo giai, không xé rào cũng rúc giậu. Lạ cái, chuyện nào cũng li kì, có lớp có lang. Các bà các chị nghe có lúc thì hằm hằm giận dữ, lúc thì hít hà tiếc rẻ. Rồi thì mâm cơm trưa đãi bố con ông thợ cối có vẻ tươm tất hơn. Lại có cả chuyện bố cho con tiền đi ra sân đình đánh đáo với trẻ con để ở nhà ông ấy chữa cái chân giường bị long cho bà chủ nhà goá chồng. Mãi đến quá trưa thật lâu rồi Ngoẵng hớt hơ hớt hải chạy về sợ bố mắng, thấy cổng nhà bị đóng, nó gọi toáng lên, mãi sau bà chủ nhà mới vừa thở vừa ra mở cổng:
- Sao cháu về sớm thế.
- Bà tưởng sớm à. Mọi hôm vào giờ này bố con cháu đã...
Ngoẵng đang ấp úng đã nghe bố gọi:
- Vào làm nhanh lên chiều còn về sớm con.
Ngoẵng vâng rối rít rồi chạy ngay xuống nhà ngang. Hắn lấm lét nhìn bố rồi bỗng phì cười:
- Bố mặc quần trái kìa.
- Bỏ mẹ! Trái thật. Có lẽ từ lúc ở nhà đi. Sao mày không bảo bố hở cái thằng mất dạy kia... Hư quá!
- Nhưng sớm nay bố có mặc thế này đâu?
- Câm! Thôi làm đi. về nhà đừng có nói chuyện này đấy.
Dạo ấy đợt đóng cối ở nhà bà goá nọ phải kéo dài thêm ngày. Trưa nào Ngoẵng cũng được chơi thoải mái. Muốn về làm việc lúc nào thì về. Hôm xong cối bà goá còn thịt gà cho bố con Ngoẵng ăn. Lúc bố con Ngoẵng ra về bà ấy còn cho buồng chuối tiêu già quả về dấm, mấy quả bưởi đường, lại còn dặn:
- Thỉnh thoảng đi qua bố con nhà bác ghé vào nhà uống chén nước. Trước lạ sau quen con ạ - Bà ấy bảo Ngoẵng - Con nhớ chưa nào. Nhà cô chả thiếu thứ gì cho cháu đâu. Đừng có quên vào nhà cô chơi! Cháu nhớ nhắc bố nhé. Hôm nào đến cô lại cho tiền ra đình mà đánh đáo, được không nào?
- Vâng ạ!
Hôm ấy Ngoẵng vâng rất to. Vì ngoài chuối và bưởi bà goá cho, trong túi áo của nó còn có mấy đồng tiền lẻ bà ấy dúi thêm nữa.
Sau chuyện này một năm ông bố Hoẵng bàn giao đồ nghề cho Ngoẵng rồi gói ghém quần áo nói là đi làm xa. Bà mẹ Ngoẵng hỏi, đi làm đâu, ông không nói. "Tôi đi bao giờ công việc yên bề tôi sẽ nhắn về. Ở nhà làm cái nghề đóng cối mãi nó chán lắm".
- Nhà mình mấy đời nay sống bằng nghề đóng cối, ông đi, thằng Ngoẵng còn non dại thế này, ai mướn ai thuê?
- Cứ cho nó làm cho nó quen. Theo bố mấy năm lại chả thạo nghề hơn bố. Còn nếu khó, cho nó theo chú Bôn mấy năm nữa. Em tôi cũng giỏi nghề lắm.
- Thế ông không ở nhà kèm con được ư?
- Không! Đã bảo đi là đi. Không bàn xuôi bàn ngược nữa.
Lần ấy bố Ngoẵng đi, Ngoẵng phải theo ông chú ruột hành nghề. Khổ cái, chú không giỏi nghề bằng bố, lại vụng nói, chỉ giỏi ăn, giỏi rượu nên ít người gọi. Nhưng còn nghề gì hơn nghề đi đóng cối. Cơm bưng, nước rót, mưa không tối mặt, nắng không đến đầu. Chỉ cần khéo chân khéo tay là quanh năm có việc. Chú vụng cưa thì cháu khéo đục. Phải cái chưa ai tin cái anh phó cối mới lớn. Mãi sau này người ta mới gọi nhiều. Còn lúc ấy là Ngoẵng cắn răng chịu, muối mặt đi xin việc với công rẻ.
Bố Ngoẵng bỏ nhà đi biền biệt. Không một lá thư, không một lời nhắn. Mẹ cứ đinh ninh là bố chết rồi. Ông ấy không ngã nước thì hổ vồ. Hà cớ gì ngần ấy năm mà chẳng ló tiếng, ló lời về quê lấy một lần. Rồi mẹ Ngoẵng nhớ ngày bố Ngoẵng bỏ nhà ra đi lấy làm ngày giỗ. Mâm cơm cúng bao giờ cũng có tiền giấy với một chiếc thang làm bằng sống tàu lá chuối. Ngày giỗ nào mẹ cũng khóc. Nước mắt dành cho chồng bà chắt từ gan ruột của những ngày mòn mỏi đợi chờ, thương xót, đau khổ. Mẹ khóc Ngoẵng cũng khóc. Bà bảo, cúng tiền để bố mày lấy cái tiêu pha đi lại, còn chiếc thang, bằng cọng chuối bắc từ đất lên mâm cúng là để cho bố biết lối về nhà. Bố con có nhà, có cửa, có vợ có con thật nhưng giờ khác gì cô hồn. Ngày rằm tháng bảy thì cúng cháo lá đa khấn vọng. Ngày giỗ như thế này phải cúng vậy để cho hồn có chủ. Những năm ấy mẹ Ngoẵng muối tiêu hết cả tóc, người xơ xác như vỏ đỗ vì nuôi con, mong chồng...
Rồi hồn cũng về. Hồn mang theo một bà vợ và ba đứa con. Một đứa con tuổi đúng bằng năm tháng hồn bỏ nhà ra đi. Hai đứa sau thì cứ cách nhau ba năm một. Đứa đầu là trai, hai đứa sau một trai út và gái giữa. Hồn dẫn vợ con vào nhà, vừa bước qua cổng, đến sân, thấy mẹ Ngoẵng từ trong nhà đi ra, hồn nhìn khắp lượt nói:
- Mẹ em quỳ lễ chị đi. Các con quỳ lễ mẹ già đi... Tôi mong cả nhà tha tội cho cái lão phó cối đa mang này.
Mọi chuyện đã rõ. Người vợ lẽ mà bố Ngoẵng mang về hôm nay chính là bà goá mà bố con Ngoẵng đã đến đóng cối năm xưa. Sau cái đận chữa chân giường bị hỏng ấy bà goá bị ốm nghén. Họ nhà chồng biết chuyện, làng biết chuyện. Nhiều người lấy cái sự chính chuyên của bà ra mà dè bỉu. Ai đời, goá chồng mười năm đứng vậy được mà sao bỗng chốc lại sa chân. Còn trẻ trung gì cho cam. Ngót bốn mươi chứ ít đâu. Nhỡ nhàng với ai thì nói ra để họ, để hàng bắt tội cho. Bà goá cắn răng chịu. Ông trưởng họ gạn mãi bà mới khai liều là do kẻ trộm vào trộm gạo, thấy bà ở mình nó cưỡng bức rồi bỏ chạy. Mọi người không chịu. Làng dọa, nếu không khai ra, làng sẽ buộc lá han vào tay đuổi đi. Một hôm, bà goá đã băng ruộng hẹn gặp bố Ngoẵng ở cái quán giữa đồng. Đôi bên to nhỏ nguồn cơn. Ông phó cối thương quá đành tính nước liều. Lúc này thì chuyện đã cũ. Mẹ Ngoẵng chỉ biết ứa nước mắt nhìn ba đứa trẻ. Tối ấy mẹ gọi riêng Ngoẵng xuống nhà ngang mắng:
- Từ ngày ấy, mày biết sao mày không nói với mẹ một tiếng.
- Bố con mày bao che cho nhau để hại mẹ phải không?
Ngoẵng ngớ ra thề sống thề chết với mẹ:
- Con thề với mẹ, là con không hề biết. Con cứ nghĩ bố chữa chân giường cho bà ấy. Cứ như lúc này ấy à, thì con đã...
Bà mẹ Ngoẵng đay lại con:
- Bây giờ thì sao. Cha ăn mặn con khát nước. Cái thân anh đấy. Vợ với con đầy đủ rồi mà vẫn chưa thoả hay sao còn giăng díu chỗ này, chỗ nọ. Đúng là bố nào con nấy.
- Con đứng đắn lắm mẹ ạ! Họ đồn là đồn bậy cả.
- Mày có đủ tai vểnh ra mà nghe thiên hạ họ rêu rao không?
- Đứa nào có miệng đứa ấy nói. Con không có sợ. Mẹ đừng có so chuyện nọ với chuyện kia. Đời bố bố máy, đời con con đào.
Bây giờ thì nhỡn tiền đây. Thật là hậu sinh khả uý. Bố Ngoẵng chỉ có một, đôi, ba. Còn Ngoẵng thì phải kể đến hàng chục. Trong con người phó Ngoẵng đây còn đang sực mùi cô Hớn thì lúc này hắn lại mơ tưởng đến cô Mùa. Cái đôi mắt đen như hạt nhãn lại hay đưa qua đưa lại ấy là dễ đắm đuối, dễ tình cảm lắm. Con gái mười sáu, mười bảy đang tuổi ăn, tuổi lớn nên cái gì chả đói. Theo nghiệp bố, Ngoẵng đóng cối đã tài mà lân la chuyện gái cũng vào loại hơn cha một chỏm đầu. Ngoẵng đã mở miệng là như rót mật vào tai, rót rượu vào miệng các ả. Tên xấu thật, nhưng mặt mũi, tay chân, lời nói mình không xấu là được. Cứ xem cái cung cách ăn nói lúc này là Ngoẵng biết Mùa cũng thuộc loại dễ sóng sánh. Hớn thuộc loại ruộng già mạ ngấu có cái đậm đà của nó, còn Mùa đây thì như rau cần gặp mưa phùn cứ non mỡn ra ai mà chả thèm...
"Giờ thì làm đã. Cái cối này phải chắc, phải đẹp để lão Đá ưng bụng mới nên chuyện...". Ngoẵng tự nhủ rồi cởi tung cái áo cánh ngoài vứt ra bậu cửa rồi trần mình vào việc. Ngoẵng chẳng ngờ ông Đá đang đứng ở cửa ngách nhìn tấm lưng trần loáng ướt mồ hôi của Ngoẵng với vẻ mặt ưng ý trước một gã phó cối ham việc, sành nghề.
- Liệu một ngày có xong không chú?
- Nếu nhà không vội ông cho thư thư thời gian...
- Để tính.
Ông Đá quay đi, Ngoẵng nhìn theo vẻ tính toán, nghĩ cách.
Khoảng mười giờ Mùa đi chợ làng về. Vừa đặt rổ hàng vào bếp cô đã vội vàng cầm hai đẫn mía bầu vào nhà ngang đưa cho Ngoẵng:
- Bác Ngoẵng nghỉ tay ăn tấm mía cho mát ruột.
Nhìn mặt Mùa lấm tấm mồ hôi, Ngoẵng xuýt xoa:
- Tôi xin cô Mùa. Mía ngon quá. Đi chợ mà Mùa chả đội nón. Thế này thì hỏng hết nhan sắc.
- Có đấy chứ. Cũng tại đi muộn nên em phải về ngay, đi vội để kịp làm cơm thợ. Bác phó mà đợi, bố mẹ sẽ mắng chết.
Ngoẵng rước mía, khen mía ngọt, vừa tán:
- Sáng nay cô Mùa đi chợ muộn là... là tại Ngoẵng tôi hay chuyện. Giờ thì xin nhận lỗi, có chậm cơm tí cũng được. Ông cũng vừa xuống giục nhưng chả xong sớm được. Với lại càng lâu càng kỹ. Mùa có muốn thế không?
Mùa đang định nói chuyện thì thấy từ nhà trên tiếng ông Đá vọng xuống:
- Mùa! Trưa trật mắt ra rồi mà còn đứng đấy à. Đi làm cơm đi. Chuyện chuyện trò trò cái gì.
- Vâng ạ! Con đi ngay đây mà.
Mùa vừa đi, Ngoẵng đã nghe tiếng ông Đá "e hèm" vọng xuống. Âm thanh này, tinh ý, hắn biết chủ nhà muốn dành cho mình. Bữa cơm trưa cũng vậy. Mùa sắp hai cái bát, hai đôi đũa, một chai ba rượu với hai cái chén. Mâm cơm khá ngon. Có rau cải nấu cá rô, đậu phụ rán chấm mắm tôm. Thịt ba chỉ luộc... Mâm cơm được đặt trên chiếc chiếu một trải ở gian bên nhà ngang. Mùa lễ phép lên nhà thưa với ông Đá vẻ ngài ngại, sợ sợ vì đây là lần đầu cô làm chuyện này với thợ nhưng hình như ban sớm bố mình đã hẹn. Cô mạnh dạn:
- Bố ơi, con muốn mời bố xuống nhắm rượu với bác phó Ngoẵng...
- Há? Mày bảo gì? Cái gì?...
Ông Đá trợn mắt nhìn con gái như trước một sự lạ.
- Con mời bố... - Mùa ấp úng.
- Mày nói gì. Xuống ngồi uống rượu với thằng Ngoẵng ấy hả. Tao mà lại ngồi cùng mâm với nó. Mà ai cho mày ríu ra ríu rít ở chỗ ấy.
- Con... con - Mùa tái mặt, lắp bắp.
- Hừ hừ... Mày là con nhà tôm hả Mùa...?
Mùa hồn nhiên:
- Nhưng con đã sắp bát, sắp chén cả rồi...
- Câm! Ai bảo mày làm, vắng bà ấy ở nhà là con cái không hiểu phép tắc gì cả. Nhà này không có lệ ông chủ ngồi chung với kẻ làm. Tiếng ông Đá vọng to như muốn cho mọi người cùng nghe.
- Đã nói không là không. Mày xuống nói với họ tao ăn rồi. Mà ai bảo mày buổi sáng tao...! Hỗn!
Mùa đành xuống nói khéo với Ngoẵng:
- Bố em dùng cơm trưa rồi. Em xin mời bác.
Ngoẵng không nghe rõ hết câu ra câu vào giữa bố con Mùa nhưng linh tính mách bảo có chuyện gì đó hơi quá đà. Mùa thì đã đành là đang có thiện cảm với Ngoẵng, nhưng còn ông Đá. Cứ lợi dụng lòng tốt này của cô gái mới lớn có khi mất cả chì lẫn chài. Nghĩ vậy, Ngoẵng nhìn Mùa bớt lẳng hơn và có phần chia sẻ. Hắn ý tứ dẹp một chiếc bát, một đôi đũa, một chiếc chén sang bên rồi chắp tay trước bụng đi lên nhà đến trước mặt ông Đá lễ phép:
- Nhà con có lời mời ông xuống xơi cơm ạ!
- Không dám. Mời chú thợ cứ tự nhiên. Còn thiếu thứ gì bảo con Mùa nó lấy cho - Giọng ông Đá lạnh lùng.
- Dạ... Thưa ông, đủ rồi ạ!
Ngoẵng ngồi mâm chưa được mươi phút đã thấy ông Đá lộc cộc đôi guốc gỗ đi xuống. Ông nhìn mâm cơm thợ khá đầy đặn mà thấy lộn ruột vì con. Chiều muộn, khi phó Ngoẵng vừa ra khỏi cổng ông Đá đã gọi Mùa lên nhà trên rồi chỉ tay vào mặt cô con gái rượu mà nói:
- Mày làm cơm cho thợ ăn hay là làm cỗ mời ông Chánh, ông Lý... hả? Đồ... đồ ngu!
Bố nổi cơn giận dữ. Nhìn bố, Mùa sợ ngoài mặt nhưng trong lòng cứ đau đáu nỗi hận vi cái vẻ lạnh lùng của ông với cái nhà anh phó cối. Anh ta có lỗi gì nào. Lại biết ăn nói nữa. Gặp kẻ khác giới lại ngọt lời, ở vào tuổi Mùa, như lá non mới trổ khó gì mà không chao động trước gió. Con gái có cái nhạy cảm tuổi dậy thì trước kẻ khác giới. Người cha lại có cái nhạy cảm của người sinh ra, kẻ dưỡng dục. Gã phó cối thì chỉ cần cái gã cần... Đời là vậy!