Sự sống đến cơ cầu
Những thân phận đi tìm nhau
Có nên số phận
Mà sao lận đận nỗi khổ, niềm đau
Lối sỏi đỏ au sau mưa. Đường mịn như mặt bánh dày, đi mát chân. Gió từ sông Sỏi lùa thổi sau lưng khiến nhịp bước có vẻ mau mắn hơn. Một cái cổng đá thâm mốc mở lối vào làng.
- Ai thuốc lào, kim chỉ ra mua! - Bà Chiêm cất giọng.
- Thuốc lào ơi, cho tôi nửa bánh nào!
- Kim chỉ ơi, có chỉ đen không?
- Có, có ạ! - Lời người bán nhanh nhảu, vồn vã.
Bà Chiêm không ngờ cái nghề làm thêm này của mình lại đắt hàng đến thế. Hơn chục bánh thuốc lào nay chỉ còn một đôi bánh. Kim, chỉ, cặp ba lá, khăn rửa mặt mỗi thứ vài tá mà bây giờ cũng đã vơi vơi.
Ai mua hàng của mình bà Chiêm cũng tìm cách trò chuyện. Thường là gia cảnh, làm ăn. Người mau lời bà hỏi kĩ. Người ít miệng bà chỉ ý tứ trò chuyện dăm ba câu, rồi tìm cách gánh hàng đi. Đôi chân bà cứ nhẩn nha từng lối ngõ.
- Ai thuốc lào, kim chỉ, cặp ba lá, khăn rửa mặt ra mua:.. - Lời rao quen miệng đã nên nhịp, nên điệu.
- Thuốc lào Vĩnh Bảo, thuốc lào Tiên Lãng nào...?
- Cho đôi khăn mặt với nửa bánh thuốc lào, bà!
- Có đây ạ!
Người mua khăn mặt và thuốc lào là một cụ già. Râu tóc cụ trắng như bông. Tóc để dài búi tó. Chòm râu cũng để dài, ba chỏm, chảy mượt, cầm đôi khăn mặt và nửa bánh thuốc lào bà Chiêm đưa, cụ già niềm nở:
- Bà vào nhà xơi bát nước chè đã rồi tôi xin gửi tiền... - Giọng mời chân tình.
- Cảm ơn cụ. Nhà mình rộng rãi thoáng mát quá cụ nhỉ?
Bà Chiêm vừa đỡ bát nước chè xanh còn âm ấm do cụ già đưa mời vừa nhìn ngắm ba gian nhà tranh rộng rênh rồi sân trước, sân sau với vườn tược cây cối um tùm. Gia cảnh không giàu nhưng cũng chả nghèo. Được cái sạch sẽ, ngăn nắp. Nền nhà đất nện sạch bong, nước chè mời khách thật ngon. Vừa thơm mùi lá lại vừa đậm vị cây...
Ông cụ trông phúc hậu quá. Càng ngắm càng thấy từ cụ toát ra sự chất phác, tốt bụng. Một nụ cười hiếu khách, cái nheo mắt tin người, quý người. Tiếng nói thì nặng bền:
- Bà chắc người bên kia sông Sỏi.
- Dạ, thưa cụ, đúng ạ!
- Tôi cũng có đôi lần ra ngoài ấy. Gớm nhà ngói, cây mít nhiều quá. Nhà ai cũng giàu chả như trong này chỉ là mái gianh, tường đất. Người ngoài sông Sỏi giỏi quá. Ở đây, chỉ đủ ăn thôi. Thừa thời gian tí nào là tổ tôm, xóc đĩa...
Cụ già nói như than thở. Vừa lúc một phụ nữ chừng ngoài ba mươi tuổi mặt mũi cũ kĩ, đầu vấn khăn trắng, tay bế con lại dắt theo đứa nữa từ ngoài cổng lếch thếch đi vào:
- Con chào bố. Bà đến chơi ạ!
- Con gái tôi đấy bà hàng thuốc lào ạ. Lấy chồng chưa đầy ba năm được sòn sòn hai đứa. Nào ngờ tai bay vạ gió. Thằng chồng nó say bạc rồi thua bạc nợ tiền sinh ăn trộm bị người ta đánh chết mới cách đây vài tháng. Tội quá. Cứ hễ thiếu ăn, thiếu gạo là mấy mẹ con nó lại dắt díu sang ông vãi.
Bế đứa cháu trên tay ông cụ buồn bã hỏi con:
- Lại không còn hạt thóc nào phải không con?
Người con gái lắc đầu. Chẳng ngại bà hàng thuốc lào đang ngồi uống nước, cô sụt sịt kể lại nỗi buồn bực sợ hãi của mình. Giọng cô như chan lẫn nước mắt. Đôi vai người đàn bà goá lắm lúc rung lên như có gì đang đè nén quá sức.
Vừa xong lễ cúng bách nhật chồng, đầu vẫn còn trắng khăn tang cô đã phải rụng rời chân tay
Vì tai nạn chồng để lại. Đó là việc anh ta nợ bạc. Nay chồng chết, người chủ nợ đến đòi. Hắn nói:
- Tôi đợi cho cô cúng trăm ngày chồng xong cho nó trọn đạo với người đã chết. Giấy nợ hắn còn ghi đây. Cả quy ra thóc nữa. Có đúng chữ hắn đây không. Cô đọc đi cho nó hai năm rõ mười.
Tờ giấy lớn hơn bàn tay một tí, cáu bẩn cũ kỹ. Chỉ nguệch ngoạc đôi dòng mà như dây thừng thít vào cổ vợ. Đúng là chữ của anh ta. Chữ của người mà cô đã trao thân, gửi phận.
Mặt người vợ thất sắc. Kẻ thua bạc giờ đã nằm dưới cỏ nhưng nợ bạc còn đấy. Chữ anh ta ghi nợ rành rành. Làm thế nào bây giờ để có thể kiếm ra ngần ấy thóc trả nợ cho chồng. Người chết chỉ có đất. Người sống bây giờ đầu còn trắng khăn tang:
- Em cắn rơm cắn cỏ em lạy các bác. Nhà bây giờ chỉ còn cái xác. Em một nách hai đứa con dại. Người chết thì đã chết rồi. Giờ bác có giết em cũng chẳng có gì để trả nợ cho chồng...
Kẻ chủ nợ nheo mắt nhìn ngắm vợ con nợ:
- Có vay có trả. Tôi đã đòi không của ai cái gì? Chị đọc tờ giấy rồi đấy. Không trả là không xong. Tôi gia hạn thêm tháng nữa...
Kẻ chủ nợ vung vẩy chân tay ra về. Một tháng sau, đúng hẹn hắn lại đến. Lần này hắn vừa cười vừa nói ngay:
- Vẫn chưa có trả phải không?
Người vợ kẻ xấu số lã chã nước mắt:
- Em xin bác thương tình. Quả là con thơ, mẹ dại chẳng nhìn đâu ra được ngần ấy thóc bây giờ. Bác thư thư cho em một năm, hai năm em sẽ tìm cách thu nép để gửi dần...
Kẻ đòi nợ bật cười khanh khách:
- Dễ nghe nhỉ. Tôi là trẻ con chắc?
- Dạ, không dám ạ!
- Cô là chủ hay tôi là chủ?
- Em xin bác! Bác thương cho phần nào mẹ con em nhờ được phần ấy.
Kẻ đòi nợ đã dịu giọng:
- Thôi được. Để tôi nghĩ. Giờ tôi về đã, có gì tối tôi sang...
Tối ấy hắn sang thật, khoảng mười giờ đêm. Lúc ấy đứa trẻ đã ngủ. Kẻ đòi nợ mặc bảnh bao, đầu tóc chải chuốt hẳn hoi. Mặt mũi hắn không nặng nề, lạnh lẽo như mấy hôm trước. Lạ hơn, hắn còn đến trước bàn thờ người xấu số thắp một nén hương vái ba vái rồi mới quay ra nhẹ nhàng hỏi:
- Các cháu ngủ hết rồi hả cô?
- Dạ, các cháu...
- Cô ngồi đây, tôi nói chuyện...! Kìa, ngồi đi, đừng ngại.
Gã chủ nợ cười. Nụ cười lúc này hiền chứ không nhếch miệng độc ác như khi thúc nợ. Gã nói:
- Cô bỏ quá cho. Của đau con xót. Tiền ấy là tiền mồ hôi nước mắt của tôi. Cũng là cảnh đàn ông máu mê cờ bạc. Đã chơi là phải chịu. Được ăn cả ngã về không. Giờ không may chú nhà bạc mệnh. Âu là cái số nó vậy kể cũng đau xót vô cùng. Chú ấy thì thiệt thân. Nhưng chả nhẽ tôi lại mất nợ. Cô thì khó khăn quá. Nghĩ đi nghĩ lại chỉ thấy thương tình. Khó cho cô. Khó cho cả tôi nữa. Một tấn thóc chứ ít ỏi gì? Được ăn mất chịu. Là vợ chồng với nhau cô hiểu chứ?
Người vợ con nợ đã bớt sợ, dịu giọng:
- Em mong bác thương mẹ con em mà thông cảm cho lui lại ít ngày. Em hiểu điều mình phải làm mà. Chỉ mong bác thương cho.
- Thương thì có thương nhưng chỉ e cô không thương lại - Kẻ đòi nợ cười tủm tỉm, giọng ỡm ờ.
- Ấy chết. Em phải ơn bác suốt đời chứ ạ! Nói dại, em có thế nào còn có hai cháu của bác đây kia mà. Các con em cũng ơn bác suốt đời.
Gã chủ nợ lắc đầu. Hắn tủm tỉm cười tiếp rồi bất ngờ đặt tay lên vai người vợ con nợ vỗ vỗ khiến cô lo lắng:
- Đừng sợ. Cô cứ bình tĩnh ngồi yên nghe tôi nói. Sở dĩ tôi chọn lúc thanh vắng cũng là vì chuyện này. Ban ngày nói to cái đứa cháu nhớn nó nghe được sẽ là không tiện.
Biết kẻ nói chuyện không giở trò gì nên người vợ con nợ ngồi im lặng nghe.
Gã chủ nợ ra vẻ bẽn lẽn bẻ cục tay nói tiếp:
- Thực ra thế này em ạ! Em có khi chả biết đâu. Giờ tôi nói ra có khi em mới biết. Thực lòng là chuyện khác. Đàn bà các cô nhiều khi là vô tâm lắm. Có chồng có con là quên tất cả. Em thì em chẳng nhớ đâu còn tôi thì nhớ mãi. Nhớ từ cái hồi em chưa có gì kia.
- ...Cái chuyện một tấn thóc kia là con mắt muỗi. Nó nhỏ lắm, chả đáng một xu một hào so với em. Tôi thì tôi mong mỏi lâu rồi. Tận lúc em chưa lấy chồng kia. Nhưng tôi xấu trai, lại vụng nói. Những lần trò chuyện ngày xưa với em, em biết đấy. Ngay cả lúc em có chồng, có con rồi em có biết rằng tôi vẫn mơ tưởng em không? Bây giờ mới dám nói thì là muộn quá rồi. Nhưng... biết đâu vẫn còn sớm.
- Bác, em xin bác đừng nói chuyện này. Em lạy bác. Nhà em còn kia, các cháu còn kia.
- Em cứ cho tôi nói. Không nói được với em tôi ăn không ngon ngủ không yên. Thực lòng mà tâm sự với em thế này. Chú ấy không may đã mất rồi, có đau đớn vẫn thế thôi. Chi bằng... em cho tôi qua lại bên này như người nhà. Khi nào đoạn tang chú ấy tôi sẽ làm cái lễ ăn hỏi đàng hoàng. Tôi thực bụng đấy.
Người vợ con nợ giật mình. Chủ nợ đã dồn cô vào chân tường bằng những lời ngọt ngào pha chút nghĩa tình xưa cũ. Hắn không mắng mỏ, dọa dẫm. Lời nói với cô lúc này là lời nói của gã đàn ông si tình:
- Em cứ nghĩ kỹ đi. Tôi là tôi không dám ép em. Tình cảm phải xuôi gió, thuận buồm mới là tình cảm đẹp. Em đừng cho tôi là kẻ gió trăng. Nếu cần, để anh sang thưa chuyện với bố bên nhà... Người mất đã mất rồi, cỏ úa mãi cũng có lúc phải xanh. Vả lại... - Gã chủ nợ thở dài không nói hết.
- Không! - Tiếng nói bật ra trầm uất, đau đớn. Người vợ con nợ nói một tiếng "không" nữa bằng giọng gằn rồi đứng bật dậy. Cô úp mặt vào cánh cửa ra vào khóc nức lên. Gã chủ nợ đến cạnh khẽ đặt tay lên vai cô đã bị cô quẫy người vẩy ra:
- Ông về đi...
- Về đi cho tôi đóng cổng.
- Em làm sao thế! Tôi có điều gì không phải...? Gã chủ nợ lần chần đi quanh người đàn bà goá.
Hắn nhìn chằm chằm vào con mồi như dụ dỗ, hăm dọa. Nạn nhân tỏ ra rắn rỏi hơn. Cô không run nữa mà sắt lại:
- Đã nói rồi... Ông về đi!
Lời người vợ con nợ gằn hắt đến vậy mà gã chủ nợ vẫn nhũn như con chi chi. Cứ nghĩ hắn sẽ nổi nóng, lật mặt. Nào ngờ...
- Đừng cạn lời với nhau như thế. Tôi chưa nói hết đâu mà lo. Em đuổi thì tôi về đây. Tối mai em lại cho tôi sang. Tôi có lòng nào sau này em hiểu. Trước đây em nợ tôi giờ tôi nợ lại em...
Đêm sau gã chủ nợ vẫn sang như lời hẹn. Người vợ con nợ sợ quá chỉ biết ngồi im. Gã chủ nợ vẫn rì rầm hỏi chuyện. Ngôi nhà vắng chỉ nghe toàn lời gã. Còn người đàn bà goá chỉ một mực ôm mặt, lắc đầu...
Rồi đêm nữa... đêm nữa... Mặt người vợ kẻ thua bạc xấu số vẫn lạnh tanh như mặt tượng đá. Gã đàn ông si tình vẫn không vì thế mà bỏ cuộc.
Hắn nài nỉ, xin xỏ. Và lạ thay càng lúc càng ít thấy hắn nhắc tới món nợ bạc có trị giá tới một tấn thóc(!) Chính vì lẽ ấy mà vợ kẻ thua bạc sợ đến rụng rời chân tay.
... Bây giờ cô con gái cùng hai cháu dại đang ngồi đây. Ông cụ nghe con kể lại chuyện mà ruột gan cũng rối bời, chua xót như nó. Bà Chiêm, tuy là khách qua đường nhưng cũng lắng nghe không thiếu một chi tiết nào. Có ra khỏi ngõ nhà mình mới hay thiên hạ lắm nỗi buồn vui khó đoán, khó lường.
- Bà nghe cháu kể rồi đấy. Là phận phụ nữ với nhau bà thấy thế nào? Tôi đàn ông, đàn ang chả biết khuyên can thế nào về chuyện này.
Câu hỏi của ông cụ làm bà Chiêm lúng túng. Bà như gặp điều mình muốn tìm mà lại như chưa gặp. Giữa chuyện của gia đình bà với chuyện của người mẹ goá trẻ này như chả có gì ăn nhập với nhau mà sao ruột gan bà cũng nhói lên nghĩ ngợi. Đúng là bà cũng có vân vi trước ý định cũ của mình và trước câu hỏi của ông cụ phúc hậu này...
- Nghe chuyện cô nhà... cụ ơi...! Thật là...! Con là con cũng dốt nghĩ lắm chẳng biết nên khuyên em đây như thế nào?
Nói vậy là để giữ ý vì buổi đầu mới gặp chứ thực tình nghe xong chuyện bà muốn được góp lời. Trước cảnh ngang tai trái mắt này nếu là đàn ông người ta có thể dao, búa gậy gộc với nhau. Còn đây lại là kẻ yếu đuối, nợ nần với kẻ có thế, có lực. Cô ấy bây giờ như ngọn cây non trước gió biết nói làm sao. Trước hết chỉ là niềm an ủi. Cũng phận gái với nhau nỗi khô nào của nhau mà không thể chia sẻ. Bà thì lớn tuổi, hiếm con. Cô ấy thì còn đang trẻ trung không may goá bụa với một nách hai đứa con dại. Sau câu chuyện cô gái kể bà cảm giác có gì đó gần gũi với mình tuy nói ra lúc này là hoàn toàn bất nhã. Đầu cô ấy còn trắng tang chồng. Nỗi buồn đau đã làm khuôn mặt người goá bụa cũ đi nhưng vẫn nhận ra được nét hiền lành, nhân hậu. Cứ nghe cái cung cách cô ấy ứng xử với kẻ chủ nợ kia mà thấy cô ấy chẳng phải là người nông cạn tí nào. Trách là trách người đã mất bỗng dưng vì thói ham hố, đua đòi mà để lại hậu hoạ cho vợ con. Đàn ông như thế liệu có đáng mặt? Và rồi, liệu cô ấy có thoát nổi cảnh chèn ép kia không. Liệu thằng chủ nợ bạc ác có buông tha cho cô để cô thủ tiết với chồng. Với cách cư xử ấy, dù lời lẽ mía lùi đến đâu thì cái gã đòi nợ ấy cũng chẳng ra mặt nam nhi tí nào. Vui thú, phởn phơ gì trước người phụ nữ với món nợ của chồng mà phải cúi mặt, cam chịu. Chỉ có cái loại đàn ông mặt dày mới đâm đầu vào nỗi khổ của người ta mà lợi dụng. Đàn ông gì loại ấy. Thú dữ sổng từ rừng Ngang về thì có.
- Cụ ạ! - Bà Chiêm chậm rãi - Nghe chuyện em nhà, dù chưa tận tường hết nhẽ, con thấy, cái nhà anh đòi nợ bạc kia kìa chẳng có tí nhân nghĩa nào. Ai lại, đầu người ta còn trắng tang chồng thế kia mà dám nỡ mở miệng ra nói chuyện trăng gió.
- Bà nói phải. Chỉ có con vật mới xử sự với nhau như vậy. Nhưng... khó quá. Kẻ gây tai vạ thì giờ đã lẩn sâu dưới đất rồi. Chỉ khổ cho cháu với hai đứa con dại. Biết lần vào đâu cho ra nổi một tấn thóc bây giờ?
Ông cụ chớp chốp mắt nhìn con, nhìn cháu, rồi nhìn bà Chiêm. Cô con gái vẫn gục mặt lên cánh tay áo khóc, thỉnh thoảng lại nấc lên:
- Cứ kiểu này con chỉ có nước chết thôi bố ạ! Cứ nhảy ùm xuống giếng là xong.
Bà Chiêm nói ngay:
- Không phải thế. Em đừng nghĩ dại mà thiệt thân, khổ con. Cứ để đấy xem hắn làm gì được em nào. Em phải cứng rắn lên. Mềm là nó lấn. Không có sợ. Chẳng qua cũng là cái giống si tình thôi nhưng chơi ác. Em đừng sợ. Chồng em nợ chứ có phải em nợ đâu mà lo. Mà có ra gì cái nợ cờ, nợ bạc ấy. Có ra đến làng đến xã người ta cũng chả nỡ bắt em gán nợ cho chồng đâu mà em lo. Cứ cứng lên, nghe chị!
Lời nói rắn của bà Chiêm như hé ra một chút gì. Người đàn bà goá ngước mắt lên nhìn người nói. Bà Chiêm nhận ra sau làn nước mắt đau buồn ấy có cái gì đang ánh lên.
- Em lùi là hắn lấn. Em cứ cứng lên hắn phải mềm. Tốt hơn hết là đưa con về ở bên này với ông ít ngày. Nhà cửa cứ khoá để đấy nhờ hàng xóm trông cho - Bà nhắn tiếp.
Ông cụ lo lắng:
- Làm thế có nên không hở bà? Cháu là gái có chồng, nhà nó lại đang tang tóc như thế, giờ đem con về bên bố mẹ đẻ sợ làng nước người ta dị nghị...
Ông cụ nói đúng nhưng đúng với cái lý của người già, cái lý của những lẽ sống bình thường. Còn đây là tai ương, nếu ruột thịt không giơ tay ra mà cưu mang thì ai cưu mang.
- Cụ đừng ngại. Làng xóm rồi sẽ hiểu. Có ai nỡ trách gà mẹ xoè cánh cho đàn con khỏi quạ mổ đâu hở cụ.
Bà Chiêm không ngờ có lúc mình lại rành rẽ như thế này. Trước cảnh ngộ của người khác phải chăng người ta thường sáng suốt hơn cảnh ngộ của mình. Lúc này đây, bà như quên chuyện của mình mà săm sắm vào câu chuyện không may của bố con ông cụ phúc hậu mà bà chưa biết tên này...
- Ông cứ cho em nó về. Cô với hai cháu cứ nghe chị. Không có việc gì phải sợ. Giờ mà cứ ở bên ấy, tối nào nó cũng đến quấy rầy là dễ sinh chuyện lắm.
- Cháu không sợ! - Cô gái nói.
- Nhưng em còn phải làm ăn, phải nuôi con nữa chứ.
Ông cụ khẽ gật đầu, chậm rãi:
- Tôi nghe bà. Tai tiếng đâu tôi chịu. Con phải nén đau nén buồn lại mà lo cuộc sống. Không may quá trớn lỡ đà còn có mệnh hệ nào là hai cháu khổ, gia đình khổ. Con cứ nghe bà đây đưa hai cháu về bên này với ông, ông trông nom cho. Kẻ ấy nó có sang còn có người nọ, người kia đỡ đần.
- Còn anh em nhà chồng con bên ấy?
- Ngay chiều nay bố sẽ sang thưa chuyện.
- Có nên không bố?
- Sao lại không nên, tao không lo để tao mất con à. Vào bếp lo cơm nước cho con ăn rồi theo bố về bên ấy. - Giọng ông cụ dứt khoát.
Ông cụ như quên mất có bà Chiêm bên cạnh. Ông đưa hai cháu đi rửa mặt, lấy chuối cho chúng ăn. Cô con gái vội vào bếp vo gạo bắc nồi nấu cơm. Bà Chiêm sắp vội quang gánh định đi, nghĩ thế nào bà lại tạt xuống bếp. Bên ngọn lửa rơm bập bùng bà hỏi chuyện người mẹ trẻ:
- Em này, chị vô tâm quá. Ngồi nói chuyện với em mãi mà chị em mình chả biết tên nhau. Chị là Chiêm người bên Sỏi Thượng, Sỏi Hạ...
- Cháu có qua bên ấy mấy lần. Bên Sỏi Thượng, Sỏi Hạ giàu hơn trong này nhiều.
- Đâu cũng vậy thôi. Có năm được năm không. Chịu khó lam làm thì chẳng bao giờ đói. Mà này em...
- Cháu tên Thác. Bố cháu dân làng cứ gọi là cụ Ghềnh... Nhà ở gần rừng, gần suối nên tên các cụ đặt thế cho nó hợp. Chả ngờ cái tên Thác nó vận vào đời cháu nên khổ thế.
Bà Chiêm thân tình hơn:
- Sông có khúc người có lúc Thác ạ. Như chị đây cũng có nhàn nhã gì hơn em. Mỗi người mỗi cảnh. Rồi qua lại, quen biết nhau em sẽ hiểu chị hơn. Giờ thì chị phải về. Mọi chuyện của em, lòng ngay dạ thẳng chị đã thưa với cụ rồi. Cứ thế mà làm Thác ạ! Mình cứ cứng bóng vía thì chả có thằng nào nó dọa nổi mình đâu.
- Cháu cám ơn bác!
- Đừng gọi chị là bác. Chị cũng chẳng hơn em mấy tuổi đâu mà gọi thế làm sao tiện. Từ rày đã là nơi quen biết chị sẽ qua lại thăm cụ với mẹ con em. Phận đàn bà với nhau dễ thương nhau lắm em ạ! Từ giờ cứ chị Chiêm mà gọi cho thân mật Thác ạ!
- Dạ! Em đội ơn chị. Chị tốt với gia đình em quá.
- Kìa em, rút lửa đi không cháy cơm bây giờ.
- Ấy chết, mải chuyện quá, tí nữa...
Chưa đợi Thác nói xong, bà Chiêm đã nhanh tay rút rơm ra khỏi bếp. Tiện thể bà lấy đôi đũa cả xới xới lại mặt gạo đã khô se cho lát nữa chín, cơm sẽ dẻo. Rồi hai chị em lại chuyện trò. Nồi cơm chín. Nồi canh cũng bốc thơm nghi ngút. Cụ Ghềnh mang xuống hai quả trứng gà mới đẻ bảo Thác chưng tương cho hai cháu lấy cái ăn. Tiện thể cụ Ghềnh bảo bà Chiêm:
- Chả mấy khi gặp nhau. Cũng tới bữa rồi, bà ở lại ăn cơm với bố con tôi.
- Cụ với em cho con khiếu. Con còn ít hàng nữa muốn đi bán nốt.
Thác gần gụi hơn:
- Bố em đã mời chị đừng chối mà cụ giận. Hôm nay mà không gặp chị chả hiểu bố con em sẽ gỡ rối chuyện này ra sao.
Cụ Ghềnh cười hiền:
- Mới gặp bà mà cứ như người nhà, tôi quý lắm. Cơm nhạt thôi có gì mà bà ngại.
Bà Chiêm ngồi lại bên mâm cơm đồng rừng. Gạo lốc đỏ ăn bùi miệng. Miếng dưa sắn kho tép ăn vừa ngọt vừa bùi, cả củ sắn đồi hấp cơm nữa. Ăn đến đâu dẻo thơm đến đấy. Bữa cơm bất chợt thanh bình ấy của bố con ông cháu cụ Ghềnh với sự có mặt của bà Chiêm chẳng biết phải chăng là từ sự cố ý mà làm nên niềm vui có vẻ duyên nợ này. Người đi tìm vợ cho chồng, người vừa gặp hoạn nạn đang rơi vào vòng ép gả. Cả hai liệu có nên mâm nên bát gì không trong luân kiếp sau này?
Bà Chiêm có lúc nghĩ đến chuyện ấy rồi lại tự cười. Sao mà xa xôi đến vậy. Người ta đâu còn trắng tay. Tóc hai đứa trẻ còn như cỏ dại. Cái sự thân tình hôm nay với gia đình cụ Ghềnh như chẳng có gì liên quan đến việc của bà. Làm sao bà có thể nhẫn tâm như vậy được. Lúc này, trong bà chỉ đang sống dậy một nỗi thương người. Lúc ở nhà chưa đi bà nghĩ với cảnh ngộ của mình bà sẽ được chia sẻ. Bây giờ trước cảnh ngộ của Thác bà thấy còn có người khác cần được chia sẻ hơn. Giản dị với bà chỉ có thế!